tiêu chí Công - Dung - Ngôn - Hạnh dù rằng yếu tố Dung đã được bổ sung nét “thanh nhã” bên cạnh “cử chỉ đoan trang”. Điều đáng ghi nhận trong tác phẩm này nằm ở chỗ Đoàn Thị Điểm đã chú ý tới việc miêu tả ngôn ngữ, tâm lí của nhân vật nam bên cạnh việc dành sự quan tâm cho nhân vật nữ chính. Điều đó đã tạo ra một sự đối xứng về mặt miêu tả tâm trạng giữa Đinh Hoàn và Nguyễn thị nhìn từ góc độ giới. Nếu như Đinh Hoàn ý thức rõ vai trò của bản thân “sinh vào thời Lê, nhận quan tước triều Lê, ăn bổng lộc triều Lê, đông tây nam bắc, vua sai đi đâu là đi đấy. Nếu không làm nhục mệnh vua thì cũng là không phụ cái chí bình sinh” thì Nguyễn thị cũng ý thức rõ việc “thân thiếp son tàn phấn nhạt, xanh thảm hồng rầu thì cũng có gì đáng kể”. Việc tác giả miêu tả Nguyễn thị “nước mắt như mưa (...) do lòng buồn mà sinh bệnh” [57, tr.137] có thể là một chi tiết sát đúng với sự thực lịch sử nhưng cũng có thể là một sự tuân thủ các khuôn mẫu và môtip tự sự truyền thống mà ở đó con người, trong thế giới của tỏ lòng, ngôn chí, luôn thể hiện mình một cách khá công thức. Điều này cũng thể hiện sự phân biệt trong quan niệm của nhà văn về các nhân vật của mình. Nếu như Nguyễn thị có cảm xúc mạnh và bộc lộ một cách cụ thể như vậy thì Đinh Hoàn chỉ được miêu tả như một người của nghĩa vụ và trách nhiệm. Với nhân vật nam này, chỉ có một chút “bối rối” rồi sau đó “đành phó mặc, chẳng biết làm thế nào”, thậm chí ngày lên đường ông cũng “lên ngựa một cách khoan khoái như không để ý đến sự biệt li” trong khi Nguyễn thị “như tỉnh như say, các thị nữ đỡ nàng lên kiệu, về đến nhà hầu như còn không đứng dậy được”. Diễn biến của tâm trạng đó (cùng với chiếc áo là ông tặng bà trước lúc lên đường) đã làm tiền đề cho những biến cố tâm lí, những quyết định hệ trọng của nhân vật sau này.
Trong mạch kể của câu chuyện, việc Đinh Hoàn đi sứ có thể coi như biến cố thứ nhất. Chính nhờ biến cố đó mà tình cảm của Nguyễn thị dành cho chồng có dịp được thể hiện. Sự tha thiết đó có thể thấy được qua việc mọi người phải đến phân giải bà mới “gượng ăn uống, tìm cách khuây khỏa”. Có thể thấy, trong Truyền kì tân phả, An Ấp liệt nữ lục là truyện tập trung khai thác và mô tả tâm lí nhân vật chính (và cũng là nhân vật nữ) kĩ nhất. Điều này có một phần nguyên nhân do bản thân
câu chuyện vốn không có nhiều biến cố, nhiều tình tiết nên tác giả phải tìm cách mở rộng dung lượng bằng việc miêu tả tâm lí nhân vật. Việc miêu tả tâm lí Nguyễn thị được thể hiện trên hai bình diện: Trực tiếp thông qua lời văn của tác giả và gián tiếp thông qua sáng tác thơ ca được coi là của nhân vật. Với số lượng thơ từ nhiều như vậy, hẳn người đọc hiện đại sẽ thấy mạch truyện bị loãng, cốt truyện bị lỏng lẻo nhưng nhìn lại Chuyện nghiệp oan của Đào thị trong Truyền kì mạn lục, số bài thơ Hàn Than và Vô Kỉ xướng họa với nhau được ghi lại có tới mười bài (chưa kể thơ của các nhân vật khác) sẽ thấy số thơ từ của Nguyễn thị và Đinh Hoàn được ghi lại trong An Ấp liệt nữ lục chưa phải là quá nhiều, đương nhiên không tính con số hơn 30 bài mà Đoàn Thị Điểm mang ra “khoe” hộ hai nhân vật chính. Ở đây, thơ như là một nỗ lực thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật dù là một nỗ lực không mấy hiệu quả. Việc miêu tả tâm lí Nguyễn thị tuy mới ở vẻ bề ngoài nhưng lại khá tập trung: “Mỗi khi gặp cảnh mưa đập hoa hạnh, khói ngậm quất vàng thì phu nhân lại quặn đau từng khúc ruột; mỗi khi nghe dế kêu buổi tối, chim hót ban mai, thì phu nhân lại buồn bã não nùng” [57, tr.139]. Như vậy, các phương tiện thể hiện tâm lí nhân vật của văn chương truyền thống đã được tác giả huy động tối đa, từ việc miêu tả sự thay đổi của ngoại hình để làm nổi bật những thay đổi trong tâm trạng đến miêu tả ngoại cảnh để làm nổi bật sự trớ trêu trong hoàn cảnh của nhân vật. Việc để nhân vật viết khá nhiều thơ, nếu không muốn nói là rất nhiều, đã giúp tác giả lấp được một khoảng trống trong việc thể hiện tâm trạng người khuê phụ. Các hình ảnh thơ, tứ thơ ở đây không có gì mới so với mạch thơ “khuê oán” truyền thống, vẫn là bức tranh bốn mùa, vẫn là hình ảnh Hằng Nga cô độc, vẫn là sự tiếp nối cảm hứng “Hối giao phu tế mịch phong hầu”… nhưng sự tập trung các tứ thơ, hình ảnh thơ với mật độ cao đã khiến người đọc quên đi sự đơn giản của cốt truyện mà dành sự chú ý vào tài năng của nhân vật và tâm trạng sầu muộn mà tác giả để cho nhân vật gửi gắm đằng sau những dòng thơ đó. Cái chết của Đinh Hoàn trên đường đi sứ, vốn là một sự thực, đã khiến suy nghĩ của Nguyễn thị ngày càng mang màu sắc tiêu cực nặng nề hơn, “ngất đi hồi lại đến mấy lần, chỉ muốn chết theo, nhưng người nhà canh giữ rất chặt chẽ nên không làm sao được” [57, tr.146]. Tuy nhiên, sự yếu đuối, bi lụy ấy
là vỏ bọc ngoài của một tính cách mạnh mẽ bên trong khiến đương thời nể phục. Từ ý định “muốn chết theo” khi nghe tin chồng mất tới việc thể hiện ước nguyện “xin dâng tính mệnh nhỏ bé này, may được theo nhau muôn kiếp” trong bài văn tế chồng là một sự chuẩn bị khá kĩ lưỡng cho hành vi tử tiết của bà. Không phải bà sống trong cảnh đơn độc, không có ràng buộc; cũng không phải không có ai ở bên để khuyên giải, thậm chí lời khuyên khá thấu tình đạt lí: “Phu nhân ngày thường vốn nổi tiếng là người thông tuệ, sao nay lại cố chấp quá như thế! (…) Huống chi sứ quân đã thỏa chí nguyện “da ngựa bọc thây”, đã hết sức mình vì chức phận, phu nhân hà tất phải gày liễu tàn mai, châu chìm ngọc nát, e rằng đó không phải là ý muốn của sứ quân lúc bình sinh vậy” [57, tr.148]. Lời khuyên giải này thể hiện cái nhìn khá duy lí về việc thủ tiết, hay đúng hơn là thái độ của số đông đối với việc thủ tiết, thậm chí cho hành vi thiêng liêng trong mắt nhà nho đó là “vô ích”. Tuy nhiên, Nguyễn thị lại có lí lẽ của riêng mình. Theo bà, nguyên nhân khiến bà muốn tìm đến cái chết là chuyện “xuân về hoa héo, lòng chết hình còn” chứ không phải là câu chuyện “mua cái tiếng “chặt vai khoét mắt”, kiếm lời khen tiết phụ “nhảy giếng mài trâm”. Dẫu không khẳng định nhân vật của mình theo hướng “chặt vai khoét mắt, nhảy giếng mài trâm” nhưng việc tác giả nhắc đến các điển tích này chứng tỏ nhân vật của truyện đã từng được giáo dục hoặc biết đến các khuôn mẫu, tiêu chuẩn đó và việc có thừa nhận mình chịu ảnh hưởng hay không chỉ là câu chuyện ngôn từ. Việc Đoàn Thị Điểm “hoãn binh”, để cho người nhà “không dám rời bà một khắc nào”, làm chậm lại việc tự tận của nhân vật cũng là một cách để có dịp miêu tả tâm lí của con người “ngồi một mình” (điều sau này sẽ được thể hiện rất nhiều trong Truyện Kiều): “Khi ấy là cuối thu, gió vàng ào ạt như sắt lanh canh, sâu tường rỉ rả, tiếng đập vải lạnh lùng làm não lòng nàng chinh phụ đất Lương, trăng sáng soi nước mắt Vương sinh, mắt thấy lòng cảm, không cảnh nào không khêu gợi mối sầu” dẫn đến giấc mơ hội ngộ với Đinh Hoàn và “từ đó phu nhân càng quyết chí lìa bỏ cõi đời” [57, tr.149]. Ai cũng hiểu những giấc mơ của nhân vật chính là một phần suy nghĩ của chính họ. Không phải bà được hồn ông về gọi mà là bà muốn đi theo ông nên chí hướng đã chuyển hóa thành giấc mơ và sau đó giấc mơ lại trở thành động
lực cho quyết định tuẫn tiết của bà. Đó chính là việc nhân vật đi tìm sự ủng hộ cho quyết định tuẫn tiết của mình từ trong vô thức. Đến ngày giỗ đầu của Đinh Hoàn, chiếc áo là ông tặng bà ngày trước đã được bà xé ra để tự ải. “Việc tâu lên, triều đình đặc ban cho lập đền thờ, trước cửa có cột treo cờ, ngạch cửa viết năm chữ vàng “Trinh liệt phu nhân từ”, cấp cho ruộng thờ để tứ thời cúng tế. Người làng có việc cầu đảo, đều rất linh ứng” [57, tr.149].
An Ấp liệt nữ lục là một truyện trong Truyền kì tân phả nhưng có kết cấu chính giống như một bản thần phả, mở đầu bằng thời gian diễn ra câu chuyện và có nhắc đến yếu tố “linh ứng” của ngôi đền thờ liệt nữ Nguyễn thị. Việc tác giả nêu rõ thời gian và địa điểm theo lối “Hoàng triều ta, trong khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh [1705 - 1719] có một vị tiến sĩ trẻ tuổi, họ Đinh tên Hoàn, tự đặt hiệu là Mặc Trai, người An Ấp, Nghệ An” khiến người đọc “chủ quan” và bớt phán xét hơn trước các tình tiết li kì, khiến họ dễ tin câu chuyện tác giả kể ra là có thực. Sự kiện Hà sinh đề thơ trên tường đền thờ và được Nguyễn thị báo mộng “nhắc nhở” chính là phần tác giả sáng tạo thêm so với mô hình thần phả, liệt truyện. Việc Hà sinh “phản biện” về sự nghiệp của Đinh Hoàn “Bình tích huân danh hà xứ kiến, Trung hồn lạc đắc phối giai nhân” (Công nghiệp bình sinh đâu chốn thấy, Hồn trung được phối với giai nhân) giúp cho Nguyễn thị cả khi chết rồi vẫn còn có dịp thể hiện sự trước sau như một với chồng và truyện kết thúc bằng bài thơ tạ lỗi của thư sinh họ Hà với vong hồn liệt nữ Nguyễn thị. Giống như trường hợp Bích Châu và Lê Thánh Tông, giấc mơ của Hà sinh cũng chỉ là định hướng của một vô thức đàn ông trong xã hội nam quyền. Trong xã hội đó, nam giới đặt định ra các chuẩn mực dành cho phụ nữ, muốn phụ nữ tuân thủ một cách nghiêm cẩn. Việc phụ nữ tuân thủ các chuẩn mực của Nho giáo do nam giới đề ra đảm bảo cho quyền uy của người đàn ông nên Hà sinh từ trong vô thức cảm thấy bài thơ của mình (đặc biệt là hai câu cuối) có giọng
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Khẳng Định Kết Quả Quá Trình Nho Giáo Hóa Xã Hội Đại Việt Cuối Thế Kỉ Xiv - Đầu Thế Kỉ Xv Nhìn Từ Nhân Vật Lê Thái Hậu Và Nguyễn Thị
- Liệt Nữ Mang Dáng Dấp Giai Nhân Và Sự Thắng Thế Nửa Vời Của Đạo Lí Nho Gia: Trường Hợp Nhân Vật Liệt Nữ Trong Truyền Kì Mạn Lục
- Sự Chiến Thắng Của Văn So Với Sử Trong Việc Thể Hiện Người Liệt Nữ Mang Dáng Dấp Giai Nhân Của Thể Truyền Kì
- Liệt Nữ Tà Dâm Và Vưu Vật Trinh Liệt Hay Là Sự Phân Hóa Lí Tưởng Nho Gia Cuối Thế Kỉ Xviii: Trường Hợp Thúy Kiều (Truyện Kiều) Và Đặng Thị Huệ
- Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 13
- Vưu Vật Khuynh Quốc Với Kết Cục Tiết Liệt Ngoài Dự Kiến Của Nhà Nho: Trường Hợp Đặng Thị Huệ Trong "hoàng Lê Nhất Thống Chí"
Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.
khinh bạc và thấy cần phải sửa chữa. Bài thơ của Hà sinh ở cuối truyện, khen Đinh Hoàn là “trung”, Nguyễn thị là “nghĩa”34 khiến kết truyện hơi hẫng nhưng về mặt
34 Thiên thu trung nghĩa song hồn tại, Quý sát đương thời bạc hạnh nhân (Nghìn thu trung nghĩa hai hồn đó, Kẻ bạc tình nay có thẹn thùng?).
hình thức đã giúp truyện thoát li được phần Lời bình tồn tại độc lập trong Truyền kì mạn lục trước đó, dẫu rằng ở đây bài thơ cũng là một biến thể của Lời bình để nhắc nhở độc giả về ý nghĩa giáo huấn của gương trung thần - liệt nữ. Với một câu chuyện có nội dung thuần Việt lấy cốt truyện từ lịch sử, truyện quan tâm đến nội dung sự kiện hơn là các vấn đề đi kèm dẫu cho có chú thích tưởng như không thể cụ thể hơn về thời gian chính trị “hoàng triều Vĩnh Thịnh” và không gian “An Ấp”. Như vậy, An Ấp liệt nữ lục là một truyện mang tính thời sự với độ lùi thời gian chưa quá xa, dù không thể so với các thể văn “kí kiến”, “tùy bút”. Nhận xét về Truyền kì tân phả nói chung, trong đó có An Ấp liệt nữ lục, Trần Đình Sử cho rằng: “Có thể xem đây như là một thể loại truyện - thơ hợp thể, trong đó yếu tố truyện đóng vai trò sáng tạo tình huống để tác giả thi thố tài thơ, và đặc điểm này phản ánh hứng thú và sinh hoạt văn thơ đương thời của các văn sĩ. (…) Đây là dấu ấn của Tiễn đăng tân thoại, tập truyện của văn nhân, khác xa truyện thoại bản mang tình tiết li kỳ, hấp dẫn” [168, tr.356]. Nguyễn Lộc thì cho rằng: “Có thể nói nếu Truyền kì mạn lục là những chuyện hoang đường có nhiều yếu tố cuộc sống con người thì Truyền kì tân phả chủ yếu lại là chuyện của con người nhưng còn nhiều yếu tố hoang đường” [107, tr.25]. Cho đến năm 2010, Trần Thị Băng Thanh vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng trong An Ấp liệt nữ lục về cơ bản “các chi tiết lịch sử đều xác thực” [57, tr.155], vậy đâu là sáng tạo của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm? Trong bài viết “Liệt nữ An Ấp là người nào?” (1996), Hoàng Hữu Yên cung cấp một số thông tin đáng lưu ý. Gia phả họ Đinh huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết: “Năm Ất Mùi [1715] đời Vĩnh Thịnh, nhà Lê, quan Thị lang [Đinh Nho Hoàn] vâng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, bà [Phan Thị Viên] tiễn ngài đến trạm Lữ Côi rồi nói rằng: “Thiếp nghe kẻ đại trượng phu không được làm quan tướng mà được làm quan sứ, lấy miệng lưỡi mà làm yên việc nước cũng là điều hay. Xin quân tử giữ lòng trung trinh như các quan sứ tài giỏi thời trước, đừng lấy cớ bịn rịn vợ con mà quan hoài”. (…) Nào ngờ, dọc đường sứ bộ phải trải qua nhiều gian nan vất vả. Quan Chánh sứ họ Đinh lâm bệnh rồi từ trần (…). Khi quan tài về đến cửa ải, bà đến tận nơi đón lạy. Đêm đó, về phòng, bà lấy áo là của chồng tặng lúc tiễn biệt thắt cổ tự tận” [231, tr.64]. Như vậy,
nếu thông tin của gia phả chính xác thì người liệt nữ ở An Ấp thắt cổ tự tận ngay trong đêm đưa hài cốt của chồng từ quan ải về quê. Ở đây, tuy không có điều kiện kiểm chứng thời điểm viết gia phả, chưa thể kết luận liệu gia phả có chịu ảnh hưởng của An Ấp liệt nữ lục hay không, nhưng có thể khẳng định rằng An Ấp liệt nữ lục không chịu ảnh hưởng của gia phả. Nếu chịu ảnh hưởng của gia phả thì trước hết tên của liệt nữ đất An Ấp đã không bị nhầm từ họ Phan sang họ Nguyễn. Và như vậy, nếu gia phả là đúng thì Truyện lại có vẻ gần với Sử hơn ở chỗ tỉnh lược các chi tiết yêu cầu sự chính xác cao như thời điểm tự tận của nhân vật chính. Theo gia phả, liệt nữ Phan Thị Viên, từ ngôn ngữ tới hành động đều quyết liệt hơn so với Nguyễn thị trong An Ấp liệt nữ lục. Hành vi của bà quá nhanh khiến người thân không có cơ hội can ngăn và phải chăng đó là lí do khiến Đoàn Thị Điểm, có lẽ thế, điều chỉnh chi tiết này trong tác phẩm của mình, kéo dài thời gian đi đến cái chết của nhân vật nhằm tạo điều kiện cho nhân vật được thử thách trước sự khuyên giải của người thân cũng như có điều kiện để nhân vật thể hiện tâm lí sâu sắc, kĩ càng hơn, và đương nhiên, làm thơ viết văn nhiều hơn. Cũng theo mạch văn của gia phả, quá trình “thăng tiến” của liệt nữ Phan Thị Viên qua các triều đại được liệt kê khá kĩ (dù không cụ thể): Sau khi bà mất, triều đình phong biển vàng “Tiết phụ môn”, đến đời Cảnh Hưng được phong "Trinh nhất á thận phu nhân", triều Nguyễn Gia Long gia phong "Lương trinh thục diệu nhân uyển dực bảo trung hưng phúc thần", bà mất khi mới 21 tuổi.
3.2.2. Sự chuyển đổi từ Tình sang Tính của nhân vật liệt nữ trong mắt nữ sĩ, mở đường cho mẫu người tài tử - giai nhân
Cho đến trường hợp Phan Thị Viên trong lịch sử Việt Nam thế kỉ XVIII (và trước đó là Nguyễn thị trong An Ấp liệt nữ lục), ta vẫn có quyền khẳng định rằng xã hội xưa coi trọng liệt nữ nhưng không cổ vũ người phụ nữ phải bằng mọi cách để trở thành liệt nữ, thậm chí việc khuyên can, ngăn ngừa người quả phụ không liều mình cũng đã là một sự thực. Minh chứng cho điều này là chi tiết được gia phả họ Đinh cung cấp: “Vợ cả Đinh Nho Hoàn, họ Lê, húy Vệ, người làng Đông, xã Hữu Bằng, cùng huyện, sinh được ba con gái, thọ 76 tuổi” [231, tr.63]. Gia phả cũng cho
biết một chi tiết tưởng như không liên quan đó là Phan Thị Viên “thông chữ nghĩa, giỏi thơ văn, biết điều ăn lẽ ở nên bà được vợ cả quý mến” [231, tr.64]. Chi tiết ấy cho phép người đời sau đoán định việc bà tự tận không phải do không có ai can ngăn, cũng không phải vì bà có mâu thuẫn với vợ cả nên chồng mất rồi thì không biết nương dựa vào ai. Hành động của bà hoàn toàn tự do, không có một áp lực nào từ những người xung quanh. Đó là một lựa chọn mang tính cá nhân, một cá nhân có diện quan hệ xã hội vô cùng hẹp. Trong thực tế, tiêu đề của truyện là An Ấp liệt nữ lục nhưng ngay từ đầu Đoàn Thị Điểm không hoàn toàn ghi nhớ hay lưu tâm đến ý đồ nghệ thuật của mình. Cho đến khi Nguyễn thị bày tỏ nguyện vọng được tự tận thì tác giả vẫn để cho nhân vật, một cách khá tỉnh táo, khẳng định rằng đó là tình yêu đối với chồng hơn là việc noi theo một tấm gương liệt nữ nào đó trong quá khứ, dù truyện có mào đầu bằng việc Đinh Hoàn và Nguyễn thị hay đàm luận về những bậc trung thần liệt nữ đời xưa. Mãi đến chi tiết Hà sinh đi qua đền thờ Nguyễn thị, tác giả mới chính thức gọi đó là “đền liệt nữ”. Chỉ sau cái chết của nhân vật Nguyễn thị, tác giả mới sực nhớ ra việc gắn kết các sự kiện, chi tiết của truyện với tiêu đề An Ấp liệt nữ lục để “liệt nữ hóa” nhân vật của mình một cách chóng vánh. Ở trong cảnh “đã không biết sống là vui” (Truyện Kiều), quyết định tự tận của nhân vật gần như là một tất yếu, mà rõ hơn cả là việc Nguyễn thị tự nhận mình là “kẻ vị vong”. Đấy không chỉ là một sáo ngữ dành cho các quả phụ thời xưa mà nó còn là một quán tính tư duy dẫn người quả phụ đến những suy nghĩ tiêu cực phái sinh. Ý kiến của Đặng Thị Hảo cho rằng: “Trong truyện An Ấp liệt nữ, tác giả chủ trương đề cao đến mức cực đoan những người phụ nữ tiết nghĩa vẹn toàn bằng cách cho người đàn bà - nhân vật chính của truyện vì một tình yêu mãnh liệt đã tự nguyện chết theo chồng” [56, tr.1833] có thể cần phải cân nhắc lại (vì việc Phan Thị Viên - Nguyễn thị tự tận là một hành vi có thực) nhưng lại phản ánh rất đúng tâm lí tiếp nhận của người đọc đối với nhân vật này, thấy nhân vật vừa có vẻ “cực đoan” vừa có vẻ “tự nguyện chết” vì “một tình yêu mãnh liệt”. Ở đây, Phan Thị Viên - Nguyễn thị là kiểu nhân cách thánh nhân mang xác phàm, con người phàm trần vẫn nặng. Nếu như trước khi chết theo chồng, nhân vật chỉ dùng lí lẽ “xuân về hoa héo, lòng chết hình còn” mang
đậm sắc thái Tình để biện minh cho quyết tâm tuẫn tiết của mình thì đến đây bà đã dùng lí luận mang đậm màu sắc Tính. Từ chỗ coi việc làm của mình là “không dám mua cái tiếng “chặt vai khoét mắt”, kiếm lời khen tiết phụ “nhảy giếng mài trâm”, đến đây bà đã có thể liệt kê ra một loạt gương trinh liệt sau khi nêu lên điểm tựa cho việc làm của mình. Theo đúng kết cấu Tổng - Phân - Hợp, lập luận của bà kết lại khá đanh thép: “Thế thì thiếp thương tiếc sứ quân, chẳng phải chỉ vì nặng tình ân ái riêng mà thực còn vì cảm lòng trung nghĩa của sứ quân vậy” [57, tr.152]. Việc bà thanh minh thay chồng rất giống hành vi của nhân vật Bích Châu trong Hải khẩu linh từ lục (Truyền kì tân phả). Trước khi chết, nhân vật Nguyễn thị suy nghĩ và biện luận vẫn khá gần với thói thường của người đời, nhưng sau khi chết bà đã suy nghĩ và lập luận như một người thấm nhuần tư tưởng và có chủ tâm truyền giảng đạo lí nhà nho. Có phải tấm biển “Trinh liệt phu nhân từ” vua ban cùng đền miếu khói hương mới vài năm đã làm cho bà “chuyển hóa”?
Khi viết văn tế Đoàn Thị Điểm, chồng bà là Nguyễn Kiều đã nhắc đến Truyền kì tân phả trong đó có An Ấp liệt nữ lục qua câu “Biểu tân trinh liệt chi danh” (Nêu cao gương trinh tiết mới), chứng tỏ hình tượng liệt nữ đã có truyền thống trong đời sống hoặc văn học từ trước, Đoàn Thị Điểm chỉ là người biểu dương, nêu cao tấm gương đó. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều, theo những tư liệu văn học hiện còn, có lẽ Phan Thị Viên - Nguyễn thị chính là một trong số ít nhân vật đầu tiên được “khái niệm hóa” thành “liệt nữ”. Nếu như Vũ
nương đến các giai đoạn sau mới được gọi là liệt nữ35, thì Phan Thị Viên - Nguyễn
thị đã được gọi là “liệt nữ” (“An Ấp liệt nữ lục”, “đền liệt nữ”) trong lần xuất hiện đầu tiên. Với các phát ngôn của nhân vật này, yếu tố Trung được nhấn mạnh không kém yếu tố Trinh. Điểm đặc biệt của nhân vật Nguyễn thị (Phan Thị Viên) trong An Ấp liệt nữ lục nằm ở chỗ bà là một “liệt nữ thời bình” (khác với Mị Ê, Lệ nương, Nguyễn thị vợ Ngô Miễn) và nếu đặt trong cùng một hệ thống với các liệt nữ thời bình khác (như Lê thái hậu, Nhị Khanh, Vũ nương) thì nàng là một liệt nữ không bị
35 Mị Ê trong Thiên Nam ngữ lục được gọi là “liệt nữ”. Tân đính Lĩnh Nam chích quái cũng gọi Mị Ê là “liệt nữ” nhưng tác phẩm này vẫn còn gây ra không ít băn khoăn về thời điểm xuất hiện.