Liệt Nữ Mang Dáng Dấp Giai Nhân Và Sự Thắng Thế Nửa Vời Của Đạo Lí Nho Gia: Trường Hợp Nhân Vật Liệt Nữ Trong Truyền Kì Mạn Lục


Sự thất bại của nhà Hồ đánh dấu một bước chuyển trong lịch sử dân tộc cũng như trong lịch sử văn hóa, văn học, chuẩn bị cho sự ra đời của nhà Lê, một triều đại nổi tiếng với sự lên ngôi của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam trung đại. Trong sinh quyển văn hóa, văn học đó, nhân vật liệt nữ không phải đã chiếm được địa vị quan trọng ngay trong những ngày đầu tạo lập chính thể. Ngay dưới triều Lê Thánh Tông, người liệt nữ cũng chỉ xuất hiện trong tư thế những hình tượng văn học được đề vịnh trong Hồng Đức quốc âm thi tập, tác giả đưa ra một hành vi của nhân vật dễ gây xúc động cho người đọc và nhân thể cài vào đó những bình luận của mình nhân danh đạo đức. Dù sao đi nữa, việc xây dựng nhân vật liệt nữ trong Nam Ông mộng lục vẫn đi theo quy trình: Ý đồ nghệ thuật đã trở thành công cụ phục vụ cho hai mục đích: Chính trị và Đạo lí. Dù có đôi chút khác biệt so với Đại Việt sử kí Toàn thư nhưng Nam Ông mộng lục vẫn đi trên con đường định mệnh ấy.

Tiểu kết Chương 2: Từ cuối thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XV, lịch sử Việt Nam vận động từ giai đoạn cuối đời Trần qua nhà Hồ và, sau hai mươi năm thuộc Minh, bước sang những năm đầu của triều Hậu Lê. Sau mấy thế kỉ vắng bóng, đến cuối thế kỉ XIV, nhân vật liệt nữ bắt đầu xuất hiện, phản ánh đầy đủ sự vận động của đời sống văn chương mà trong đó nhân vật đầu tiên (Mị Ê) là sản phẩm của sự suy diễn và gán ghép khá khiên cưỡng. Đến đầu thế kỉ XV, Lê thái hậu và Nguyễn thị vợ Ngô Miễn trong Nam Ông mộng lục là minh chứng tiêu biểu cho quá trình Nho giáo hóa xã hội Việt Nam cuối nhà Trần sang nhà Hồ. Từ chỗ được ghi lại trong văn học chức năng (thần tích), các nhân vật liệt nữ giai đoạn này đã được thể hiện qua văn học nghệ thuật sơ khởi (mộng lục). Từ chỗ dao động giữa Trung và Trinh, họ đã được nhấn mạnh dần yếu tố Trinh so với yếu tố Trung, trở thành những liệt nữ thực thụ (theo sự dàn dựng, ghi nhận của nhà nho), đặt nền móng cho kiểu nhân vật này trong các giai đoạn sau.


Chương 3: NHÂN VẬT LIỆT NỮ

TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI THẾ KỈ XVI - XVIII

3.1. Liệt nữ mang dáng dấp giai nhân và sự thắng thế nửa vời của đạo lí Nho gia: Trường hợp nhân vật liệt nữ trong Truyền kì mạn lục

3.1.1. Nhân vật liệt nữ là sản phẩm của bất bình đẳng giới và bối cảnh loạn lạc còn nặng gánh nhân sinh

Trong văn học Việt Nam trung đại, nếu như Mị Ê (Việt điện u linh) là liệt nữ "khai khoa" bất đắc dĩ có nguồn gốc từ một nền văn hóa ngoài Nho giáo, Lê thái hậu và Nguyễn thị vợ Ngô Miễn (Nam Ông mộng lục) là những “cố gắng hải ngoại” cho việc chứng minh tính chính thống của vương triều cùng tính chất “Văn hiến chi bang” của văn minh Đại Việt thì đến Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, nhân vật liệt nữ đã trở thành cái cớ để nhà văn (bên cạnh mục đích khuyến giáo) nói lên những suy nghĩ ban đầu giữa lòng xã hội nam quyền về thân phận người phụ nữ cũng như coi đó là một phần cấu thành yếu tố Kì của tác phẩm này.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ ra đời vào khoảng những năm 20 - 30 của thế kỉ XVI và được Hà Thiện Hán viết Tựa vào năm 1547. Những câu chuyện được nhắc tới trong tác phẩm này chủ yếu lấy bối cảnh xã hội Đại Việt dưới thời Lí - Trần sang đầu thời Lê sơ. Tuy không chủ quan đến mức có thể coi toàn bộ những gì tác giả phản ánh trong Truyền kì mạn lục là ảnh xạ của tình hình lịch sử xã hội mà nhà văn đang sống nhưng người đọc cũng có quyền đoán định rằng chính những biến thiên của thời đại đã phần nào ảnh hưởng tới chủ đề, đề tài trong tác phẩm của ông. Nhóm truyện viết về nhân vật liệt nữ, hoặc có dáng dấp liệt nữ trong Truyền kì mạn lục chiếm tỉ lệ không cao, chỉ có 3 truyện trong tổng số 20 truyện, bao gồm: Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người con gái Nam Xương Chuyện Lệ nương. Hành vi tiết liệt của họ tuy có phần giống nhau ở kết quả nhưng lại “mỗi người một vẻ” trên hành trình đi tới quyết định xả sinh thủ nghĩa ấy.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.


So với hai truyện còn lại, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu xuất hiện sớm hơn trong số 20 truyện của Truyền kì mạn lục, đứng ở vị trí số 2 (Chuyện người con gái Nam Xương có số thứ tự 16, Chuyện Lệ nương là 18) và ngay từ tiêu đề tác giả đã định danh Nhị Khanh là “nghĩa phụ”. Nếu chiếu theo những quy định khá khắt khe về “tiết phụ” (thủ tiết sau khi chồng chết), “liệt phụ”, “liệt nữ” (do chống cự kẻ cưỡng hiếp mà chết hay xấu hổ vì bị cưỡng hiếp nên tự tử hoặc tự tử sau khi chồng chết) hay “trinh nữ” (chưa cưới chồng nhưng tự nguyện thủ tiết do vị hôn phu không may qua đời) thì Nhị Khanh là một trường hợp “ngoại hạng”. Theo cốt truyện, và các thần tích, thần phả sau này ghi lại, khi nàng tự tử để bảo toàn danh tiết, chồng nàng vẫn còn sống, nàng cũng không bị kẻ cường bạo hay kẻ cướp đến bức hiếp, nàng lại càng không phải là trinh nữ thủ tiết với vị hôn phu. Có lẽ chính hoàn cảnh đặc biệt đó của Nhị Khanh đã cuốn hút Nguyễn Dữ, khiến ông đặt Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu ngay sau truyện đầu tiên của Truyền kì mạn lục. Nhị Khanh lấy Trọng Quỳ từ khi còn nhỏ, “khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục và thờ chồng rất cung thuận” [33, tr.216]. Khi thân phụ của Trọng Quỳ là Phùng Lập Ngôn phải đi phó nhậm Nghệ An, chốn hung phiên đang có giặc giã khi đó, Trọng Quỳ được vợ khuyên nên đi theo để cha có người sớm hôm săn sóc. Trước sự “quyến luyến không dứt” của chồng, Nhị Khanh đã đứng ra ngăn bảo, đặt chữ “hiếu” lên trên chữ “tình” để chồng yên tâm cùng cha lên đường với lí lẽ “dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo” [33, tr.217]. Có thể nói, đó là thử thách đầu tiên cho sự sắt đá của nàng, người đúng ra phải rơi lệ trong buổi tiễn đưa lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho người chồng mà theo quan niệm xưa nay vốn là người để vợ mình nương tựa. Khi nàng một thân một mình, phải đến ở với bà cô là Lưu thị, lọt vào mắt tướng quân họ Bạch, thử thách lại bủa vây Nhị Khanh từ hai phía: Quyền lực của tướng quân họ Bạch và lí luận của Lưu thị. Không gây áp lực, không ồn ào, Lưu thị đã lựa lúc vắng vẻ để thuyết phục Nhị Khanh: Xã hội loạn lạc, Trọng Quỳ đi đã 6 năm không về, đối với Nhị Khanh lúc này lấy được họ Bạch là “nương dưới bóng tùng quân cao cả”, tránh những cảnh “bướm dại ong cuồng”, “lấp những lời trăng gió cợt trêu”, không phải sống “cái đời sương phụ buồn tênh” [33, tr.218].

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 9


Những biện bác về vấn đề trinh liệt trong truyện viết về nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại sẽ còn xuất hiện trong Hoa viên kì ngộ, Trinh thử… sau này nhưng qua Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Nguyễn Dữ có lẽ là người đầu tiên để kiểu nhân vật này xuất hiện. Theo lôgic thông thường, Lưu thị chỉ cần làm trung gian ép Nhị Khanh phải lấy tướng quân họ Bạch thì cốt truyện vẫn ổn định, Nhị Khanh vẫn có thêm cơ hội thể hiện lòng kiên trinh. Việc Nguyễn Dữ để Lưu thị dùng “tâm lí chiến” rõ ràng làm cho thử thách kia mạnh hơn rất nhiều theo lối lạt mềm buộc chặt. Hành vi tự tận của Nhị Khanh khi bị chính chồng mình đem ra gán bạc cho Đỗ Tam chỉ là một mắt xích trong chuỗi hành vi tiết liệt của nàng. Khi bị Lưu thị ngấm ngầm ép phải kết hôn, nàng đã nói với người bõ già một cách cương quyết: “Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ Phùng lang hãy còn; nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” [33, tr.218]. Sau này, khi Trọng Quỳ thua bạc Đỗ Tam, thật ngang trái cho Nhị Khanh, chính chồng nàng lại là “biện sĩ” trong việc khuyên nàng đi theo “người mới”. Trong toàn bộ câu chuyện, chi tiết Nhị Khanh “ôm lấy hai con, vỗ lưng mà nói: “Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt li là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi” [33, tr.223] mang dáng dấp của một đoạn độc thoại nội tâm, nói lên tất cả sự bất hạnh, bất lực của người phụ nữ bị chồng coi như một món hàng trao đổi. Đoạn “độc thoại” này thực chất thể hiện sự giằng co trong nội tâm của Nhị Khanh, dẫu biết chồng “bạc tình” nhưng cũng chỉ phản ứng bằng sự “đau buồn” của bản thân, gần như không hề trách giận. Giữa những níu kéo từ đạo nghĩa (trinh tiết) và tình cảm (mẫu tử), Nhị Khanh đã chọn đạo nghĩa. Không phải vô tình mà Nguyễn Dữ để Nhị Khanh phát biểu tới hai lần về việc trọng nghĩa khinh sinh như vậy. Tính hệ thống trong những phát ngôn liệt nữ đó góp phần khẳng định hành vi tử tiết của Nhị Khanh không hề là việc làm mang tính tự phát trong cơn xúc động mạnh của cá nhân nàng.

Không giống với Nhị Khanh và Trọng Quỳ trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu vốn có quan hệ lâu dài giữa hai gia đình cộng với việc “mến vì tài, yêu


vì sắc”, Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương) về làm vợ Trương sinh bằng một lí do rất giản dị: Gả bán. Chuẩn bị sẵn bối cảnh cho những bi kịch về sau, Nguyễn Dữ cho biết Trương sinh là người “có tính hay ghen, đối với vợ phòng ngừa thái quá (…) tuy con nhà dòng, nhưng không có học” [33, tr.383]. Sống vào thời li loạn cuối triều Trần sang triều Hồ như Nhị Khanh, Vũ nương, xét ở một khía cạnh nào đó, họ cũng là nạn nhân gián tiếp của chiến tranh, dù rằng trong Truyền kì mạn lục chủ yếu họ là nạn nhân của bất bình đẳng giới. Việc Trương sinh phải tòng quân đi đánh Chiêm Thành và trong thời gian đó mẹ chồng mất cộng với việc Vũ nương sinh hạ bé Đản đã là những ngẫu nhiên dồn dập đem đến bất hạnh cho nàng khi chồng đánh trận trở về. Mâu thuẫn của truyện lên đến đỉnh điểm khi Trương sinh nhất định không chịu nói ai là người kể cho sinh biết về người đàn ông “đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” [33, tr.385]. Cũng đã rất nhiều nhà nghiên cứu nói về ý nghĩa của “cái bóng” trong Chuyện người con gái Nam Xương, coi đó là biểu tượng của tình yêu vợ chồng tuy hai mà một, tuy một mà hai... Tuy nhiên, từ hình tượng “cái bóng”, chúng tôi thấy có thể còn có một tầng ý nghĩa nữa. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, trừ một số lời thoại ngắn ngủi với bé Đản và Phan lang, Trương sinh là nhân vật kiệm lời. Chàng lặng lẽ như một cái bóng, từ đầu đến cuối truyện. Chi tiết Trương sinh ôm con nhỏ trong cảnh “một mình phòng không vắng vẻ, đến đêm khêu bấc đèn tàn, không sao ngủ được” [33, tr.386] lúc Vũ nương đã quyên sinh chính là sự ám ảnh của biểu tượng này. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi Vũ nương là nhân vật phát ngôn nhiều nhất trong truyện. Khi bị Trương sinh ngờ là thất tiết, nàng đã phát ngôn tới ba lần, vừa để biện minh cho sự trong sạch, vừa thể hiện tâm trạng thất vọng của bản thân và sau đó chứng minh sự trinh tiết của mình bằng cái chết trên bến Hoàng Giang. Trước khi chết, theo sự sắp đặt của tác giả, trong tâm trạng bế tắc đến cùng quẫn của sự oan khuất (giống như Nhị Khanh, Vũ nương chỉ có chút tủi hờn và gần như không thể hiện một chút gì oán hận người chồng cả ghen) nàng vẫn còn đủ bình tĩnh để “tắm gội chay sạch” và “ngửa mặt lên trời mà than” cho số kiếp của mình: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị


Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ” [33, tr.386]. Như vậy, có lẽ Vũ nương là liệt nữ đầu tiên “vận dụng” điển tích về liệt nữ đời xưa (cỏ Ngu Mĩ) trong khi phát ngôn. Lời than của nàng sau khi thực hiện những nghi thức mang tính tâm linh (“tắm gội chay sạch”) và mang tầm vóc vũ trụ (“ngửa mặt lên trời mà than”) khiến ta nhớ tới nhân vật Mị Ê “ngửa mặt lên trời mà than” trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái cũng đã tự tử trên bến Hoàng Giang để bảo toàn trinh tiết. Nếu như coi Tân đính Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm của người đời sau gán cho Vũ Quỳnh - Kiều Phú, và nếu đúng Truyện về bà phu nhân trinh liệt Mị Ê trong một số phiên bản Lĩnh nam chích quái là do người đời sau thêm vào thì có thể nói Vũ nương là liệt nữ đầu tiên trong văn học Việt Nam trung đại “ngôn chí” khi tự đặt mình trong không gian vũ trụ, dù rằng nàng chỉ là một người phụ nữ thuần túy ở tầng lớp bình dân nếu so với những Mị Ê, Lê thái hậu, Nguyễn thị vợ Ngô Miễn, Nhị Khanh. Có lẽ Nguyễn Dữ có chủ ý khi đặt nàng trong một tư thế phát ngôn “phủ, ngưỡng” đậm màu sắc Nho giáo như vậy, còn trong thực tế, hành vi tự tận của Vũ Thị Thiết rất có thể đã phản ánh sự bế tắc trong cách thế lựa chọn bị quy định bởi sự phụ thuộc về mặt kinh tế bởi xuất phát điểm của nàng khi nghi gia nghi thất với Trương sinh là gả bán. Thực ra, với tính cách cả ghen của mình, Trương sinh, sau một thời gian “xa mặt”, có thể đã canh cánh nghi ngờ về sự “cách lòng” của vợ. Khi trở về, như một người lạ trong mắt con, Trương sinh được bé Đản đón tiếp bằng những biểu hiện của mặc cảm Oedipus một cách rất trẻ thơ. Qua lời kể của mẹ, bé Đản mường tượng về bố như một hình bóng vững chãi, là niềm an ủi cho tuổi thơ trống vắng của nó; nhưng khi người bố bằng xương bằng thịt xuất hiện, đứa bé trai bắt đầu cảm thấy lo sợ vì người đàn ông này sẽ chiếm mất một phần tình cảm của người mẹ và nó nuối tiếc người bố trong hình dạng một cái bóng hơn là một ông bố thực. Do sẵn mối nghi ngờ, nên việc bé Đản khóc không chịu nhận bố chỉ là cái cớ để khắc sâu thêm những suy đoán của Trương sinh trong thời gian đi lính. Không phải là mẹ chồng mất rồi thì không còn ai minh oan cho nàng, hàng xóm láng giềng cũng đã ra sức


biện bạch giúp Vũ nương nhưng Trương sinh trước sau không nghe ai. Điều này lí giải tại sao khi Vũ nương hỏi điều bay buộc kia do ai bày ra thì Trương sinh nhất định không nói. Bởi trong vô thức, Trương sinh đã kết tội nàng rồi, nếu nhận rằng việc ấy do bé Đản nói ra, trong sâu xa chàng lo sợ nàng sẽ có cách để biện minh, cho nên vô thức của chàng đã buộc chàng phải im lặng.

Cũng sống trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV, cũng gặp phải nhiều gian truân, trắc trở nhưng Lệ nương trong Chuyện Lệ nương của Nguyễn Dữ may mắn hơn Nhị Khanh và Vũ Thị Thiết ở chỗ có được người chồng chưa cưới không phải “tuồng chó lợn” như Trọng Quỳ hay cả ghen đến mù quáng như Trương sinh. Nhân duyên của đời nàng tuy do cha mẹ sắp đặt nhưng cũng là một tình yêu tự nguyện trên cơ sở “hai trẻ đến khi trưởng thành đều ham nghề nghiên bút (…), đi lại với nhau suồng sã, thường cùng nhau xướng họa thơ từ. Tuy kì cưới xin chưa định, nhưng hai tình gắn bó, đã chẳng khác chi vợ chồng” [33, tr.403]. Biến động chính trị năm 1399 liên quan tới vụ án Trần Khát Chân mưu sát Hồ Quý Li không thành đã khiến Lệ nương bị bắt làm cung nữ. Trong bức thư viết cài trên ngưỡng cửa gửi cho Phật sinh nhân đêm trừ tịch, Lệ nương đã ý thức rõ thân phận “Thành xuân trời tối, liễu lả cành dưới ngọn đông phong - Ngòi ngự nước trôi, ruột đứt khúc bao người cung nữ” của mình và khuyên Phật sinh “Liệu kết nhân duyên chốn khác - Đừng vì tình một buổi, - Để lỡ kế trăm năm” [33, tr.405 - 406] nhưng Phật sinh “đau thương, bỏ cả ăn ngủ” và vì “nặng tình” nên chưa nỡ lấy ai. Trong Chuyện Lệ nương, nhân vật chính là Phật sinh nhưng khi đặt tiêu đề Nguyễn Dữ lại lấy tên Lệ nương. Cái lí của tác giả ở đây có lẽ là hành vi tiết liệt của nàng. Việc nàng bị bắt làm cung nữ, từ góc nhìn của đạo đức Nho giáo, là Lệ nương đã thất tiết với Phật sinh, nhưng hành vi tử tiết của nàng ở cuối truyện lại khiến tác giả sẵn sàng bỏ qua tất cả. Thân phận Lệ nương, bị bắt vào cung do chính biến cung đình, sau đó phải chạy giặc theo vua tôi Hồ Hán Thương, rồi lại bị quân tướng nhà Minh tha lôi về phương Bắc, tiêu biểu cho kiếp sống hoa trôi lá rụng của bao người phụ nữ trong thời loạn, đặc biệt là người phụ nữ đẹp. Dẫu không miêu tả tâm lí của nàng, cũng như dành cho nàng rất ít cơ hội để xuất hiện và phát ngôn, nhưng qua


việc để vong hồn nàng kể lể với Phật sinh, Nguyễn Dữ như muốn miêu tả sự dằn vặt, day dứt của nàng về vấn đề trinh tháo trước người chồng chưa cưới: “Ngày tháng lữa lần trộm sống, - Dong quang mòn mỏi riêng buồn… - Trước đã không vẹn tiết để theo chồng, - Sau lại nỡ cam tâm mà hàng giặc… - Ép duyên toan nhắm mắt, giống sói khôn gần, - Qua ải muốn đưa chân, núi hồ dễ cảm” [33, tr.412]. Khi Lệ nương “không ham thú sống, chẳng sợ ngục tù” cũng chính là lúc nàng đi đến quyết định tuẫn thân vì nghĩa cùng hai người đàn bà họ Chu, họ Trịnh. Câu nói của Lệ nương khi biết sắp bị quân Minh đem về phương Bắc (“Bọn chúng ta vóc mềm tựa

liễu, mệnh bạc như vôi, nước vỡ nhà tan lưu li đến đó. Nay nếu lại theo họ sang qua cửa ải tức là đến nước non quê người29. Chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc” [33, tr.412]) nặng tình quốc thổ và có màu sắc dân tộc mạnh hơn vấn đề trinh liệt nhưng trong mắt các nhân vật khác đó là hành vi bảo toàn trinh tiết của người phụ nữ. Tướng Tàu “thương là có tiết tháo, dùng lễ mà táng ở trên núi” [33, tr.412]. Bà già ở trạm dịch Bắc Nga thì nói: “Trinh thuần cương liệt, ấy chỉ có mấy người này, còn thì đều bị

nhuốc nhơ cả” [33, tr.412]. Cũng có thể vì không có thiện cảm với một chàng Phật sinh lấy sự nghiệp chung (theo Giản Định đế hưng phục nhà Trần, theo Lê Thái Tổ phá diệt quân Minh) làm phương tiện để thực hiện mục đích cá nhân (“vì sự tìm vợ mà đến”, “vì mối hờn oán cũ”), thêm nữa Phật sinh không chịu lấy vợ để có người nối dõi nên Nguyễn Dữ không lấy tên Phật sinh đặt cho truyện. Thái độ này khá thống nhất với thái độ của phần Lời bình ở cuối truyện khi người bình - có thể là Nguyễn Dữ - đã dốc tâm huyết ra phê phán việc Phật sinh giữ những điều tín ước không cần thiết. Có lẽ câu chuyện “vô hậu vi đại” đã chiếm hết mối quan tâm của người bình nên trong phần Lời bình không có một câu nào nói về hành vi tử tiết của Lệ nương (và hai mĩ nhân họ Chu, họ Trịnh). Có phải trong quan niệm của người bình, những người phụ nữ đáng thương kia phải tự tận ngay khi bắt đầu lâm vào cảnh trái ngang, ô trọc mới xứng là liệt nữ, đáng để tinh biểu? Nếu là Nguyễn Dữ,


29 Không gian của Lệ nương là không gian lưu lạc, khác hẳn với không gian sinh tồn bó hẹp trong phạm vi làng xã cổ truyền của Nhị Khanh và Vũ Thị Thiết.

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí