Chương 3
NGÔN NGỮ, GIỌNG ĐIỆU KỂ CHUYỆN TRONG
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ
3.1. Ngôn ngữ kể chuyện
3.1.1. Một vài đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
3.1.1.1. Ngôn ngữ kể chuyện đậm tính phương ngữ Nam Bộ
Chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại bộc lộ khá rõ đặc trưng văn hóa vùng miền. Phương ngữ được sử dụng có chủ ý chứ không chỉ thuần túy do chất giọng “bản địa” của nhà văn. Người trần thuật không những chuyển tải nội dung truyện kể mà còn gửi gắm những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ. Thể hiện đậm đặc chất giọng địa phương và tạo thành một dòng văn học vùng miền chỉ có thể là mảng truyện ngắn Nam Bộ. Trong dòng truyện ngắn phương Nam ấy, Nguyễn Ngọc Tư được xem là một tác giả tiêu biểu với nhiều tác phẩm hay. Đến với văn Ngọc Tư, độc giả có thể hình dung rất rõ về vùng đất Nam Bộ. Từ những mé đìa lục bình, đám trâm bầu, chòm quao, trái giác nấu canh chua bông súng đến cách gọi tên nhân vật (ông già Năm Nhỏ, anh Hai Nhớ, dì út Thu Lý, Sáu Tâm…) hay lời ăn tiếng nói thường ngày (trời đất, nói gì lãng xẹt vậy ta, nói chơi hoài, như vầy, chút đỉnh…) đều gợi lên dáng hình thiên nhiên, con người xứ sở miền Nam. Trong ngôn ngữ truyện ngắn của chị việc khai thác, vận dụng nhuần nhị và có hiệu quả cao vốn hệ thống từ địa phương Nam bộ đã làm bật nổi những nét văn hóa về vùng đất và con người vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Trước tiên, phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của chị được thể hiện ở cách xưng hô trong giao tiếp rất đặc trưng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cách gọi tên người theo thứ tự sinh ra trong gia đình như ông
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn Đề Ngôi Kể Trong Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Tư
- Ngôi Kể Trong Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Tư – Những Vấn Đề Cần Bàn Luận
- Người Kể Chuyện Kể Theo Điểm Nhìn Toàn Tri
- Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 10
- Mối Quan Hệ Giữa Ngôn Ngữ Người Kể Chuyện Với Ngôn Ngữ Của Nhân Vật Khác
- Giọng Điệu Xót Xa Thương Cảm Với Những Số Phận Gặp Nhiều Bất Hạnh Trong Cuộc Sống
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Tư, bác Chín, chú Ba, dì Út, thiếm Sáu, anh Hai,… Hoặc gọi kèm tên thật với thứ tự sinh: Sáu Tâm, Hai Giang, Tư Lai, Chín Vũ, Út Vũ, Mười Hưng,… Xưng hô với người trong gia đình thường hay sử dụng lớp từ: má, tía, chế, má sắp nhỏ, má con tao, má nó, ba thằng, ba nó, mầy, tao, bây, tụi bây, tụi nó, mấy đứa nhỏ, sắp nhỏ,… Xưng hô với những người ngoài xã hội là các lớp từ như: tui, qua, nhỏ, ông già, người ta, thằng chả, mấy ổng,…
Thứ hai là hệ thống từ thể hiện sắc thái biểu cảm của người nói đặt ở cuối những câu cảm hay câu nghi vấn. Đây cũng là lớp từ rất đặc trưng trong ngôn ngữ giao tiếp của người miền Tây Nam bộ như: hổng, á, à, hen, hôn, phải hôn, ta, nghe, nghen, vậy nghen, chớ, chớ bộ, mà, lận, quá chừng, quá trời, vậy cà, bộ, hả, ha…
Thứ ba là hệ thống từ biến âm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ của người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long so với người dân ở các vùng miền khác như: mầy (mày), nầy (này), thiệt (thật), ổng (ông ấy), cổ (cô), ảnh (anh ấy), bển (bên), biểu (bảo), bịnh (bệnh), sanh (sinh), gởi (gửi), ác nhơn (ác nhân)… Hệ thống từ biến âm này được lặp lại khá thường xuyên góp phần làm cho ngôn ngữ truyện ngắn của chị thuần chất Nam Bộ.
Thứ tư là hệ thống từ thể hiện rất rõ đặc trưng miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long như: Sông Dài, Cù lao Mút Cà Tha, Mũi So Le, đồng Rạch Mũi, Bến đò Xóm Miễu, Kinh Cỏ Chát, Chợ Ba Bảy Chín, Rạch Ô môi, xuồng, ghe, giang, mương, tràm, bần, cù lao, cánh đồng, vàm, cây còng, cây tra, trâm bầu, vịnh dừa, bìm bịp, bàu sen, đầm, bông súng, bông trang, bình bát, cá sặc, hàng bông, cá chốt, lung dừa, dừa nước, vọng cổ/cải lương, gánh hát, đèn hột vịt, áo bà ba, cà ràng, vịt chạy đồng…
Thứ năm là cách diễn đạt rất Nam Bộ: nôm na, mộc mạc, hóm hỉnh, dễ hiểu và dễ cảm. Đây cũng là một bằng chứng khẳng định sự ảnh hưởng của môi trường và văn hóa vùng đất Nam bộ đến nhận thức cũng như tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư.
Làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn trong mỗi truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không phải ở kho từ vựng miền Nam phong phú, dồi dào mà là ở chỗ phương ngữ đã được chị đưa vào đúng lúc, đúng chỗ góp phần khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước Nam Bộ, “những câu chữ tưởng như rất quê mùa nhưng khi đưa vào truyện của Nguyễn Ngọc Tư người đọc cảm thấy rất “văn chương” – “văn chương Nam Bộ” [97, tr.1].
3.1.1.2. Ngôn ngữ kể chuyện đậm chất trữ tình
Ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư mang đậm chất trữ tình, nó thường hướng tới tâm trạng, dòng ý thức của nhân vật hơn là hướng tới sự kiện. Đọc truyện ngắn của chị, người đọc có cảm giác thư thái, an bình và bị cuốn hút bởi mạch truyện, văn phong êm dịu, nhẹ nhàng nhưng không hề nhàm chán. Mỗi câu văn như một lời thủ thỉ, tâm tình đầy quyến rũ và tạo cảm giác đây là những bài thơ được viết bằng văn xuôi.
Truyện Huệ lấy chồng, sự kiện chỉ có việc Huệ sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho đám cưới của mình vào ngày mai nhưng hầu như toàn bộ lời kể của người kể chuyện là hướng vào thể hiện và miêu tả những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật trước sự kiện này. Đó là nỗi nhớ nhà khi Huệ nghĩ ngày mai cô đã phải cất bước về nhà chồng: “Sáng mai thôi nó sẽ xuống vỏ rồi về ở miết nhà người ta. Nhớ cái cối xay bột dựa hàng kệ đựng tiêu tỏi, dầu ăn, nước mắm… Con mèo ngủ thiu thiu trên đầu bộ ngựa, mấy cái võng giăng quân quần quanh bồ lúa. Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc…” [83, tr.43-44]. Là những suy nghĩ, lo lắng rất thực của cô trước khi về nhà chồng: “Về bên nhà chồng không biết còn rảnh rỗi vừa đưa võng vừa nghêu ngao hát. Nhà Thuấn vườn rộng, ruộng cũng nhiều, công chuyện chắc vô số” [83, tr.42].
Trong truyện Cải ơi, sự kiện dường như chỉ có việc ông già Năm Nhỏ đi tìm đứa con riêng của vợ tên là Cải. Toàn bộ lời kể của người kể chuyện
hướng vào miêu tả những nỗi niềm, tâm trạng, cảm xúc và cả những suy tư dằn vặt của ông Năm trước sự việc này. Đó là nỗi đau đớn khi ông bị dèm pha nghi oan là ngược đãi con: “Đã đau quá trời đất rồi, cái cảnh bà con hàng xóm xầm xì, chỉ trỏ, người ở xa còn thuê đò dọc lại nhà ngó nghiêng, đâu, thằng cha giết con đâu? Đâu, con nhỏ bị chôn chỗ nào? Đã đau quá chừng, khi ông nhìn sâu trong mắt của vợ mình thấy không còn lấp lánh thương yêu, chỉ tối tăm những ngờ vực, hoài nghi…” [83, tr.9]. Là niềm hạnh phúc ngập tràn, niềm xúc động nghẹn ngào khi ông tưởng như đã tìm thấy con: “Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn, trời đất, ba nhìn không ra, bây lớn dữ dằn vầy. Ông đi vài bước, ông day lại nhìn Diễm Thương (cho chắc là nó đang đứng đây và có thiệt trên đời)” [83, tr.10]. Các truyện Chuyện của Điệp, Lý con sáo sang sông, Bởi yêu thương, Cuối mùa nhan sắc, Biển người mênh mông, Dòng nhớ, Nhớ sông, Làm má đâu có dễ, Một mối tình… cũng vậy, ngôn ngữ của người kể chuyện tập trung xoáy sâu vào những tâm trạng, nỗi niềm, suy nghĩ, trăn trở của nhân vật hơn là đuổi theo mạch sự kiện.
3.1.1.3. Ngôn ngữ kể chuyện bộc lộ rõ thái độ chủ quan của người kể chuyện
Khác với ngôn ngữ kể chuyện mang tính khách quan của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư bộc lộ rất rõ thái độ chủ quan của người kể chuyện. Đọc Cánh đồng bất tận, trong 56 trang đầu ta thấy thấm đẫm trong mỗi lời kể là tình cảm, sự đánh giá của người kể chuyện đối với nhân vật và các sự việc được kể lại: “Chúng tôi vô định hơn bất cứ người nuôi vịt chạy đồng nào. Vì những cuộc tình của cha tôi ngày càng ngắn ngủi. Cha tôi đã có vẻ bình thường, hay nói cười, hồ hởi trong những lúc có người (chữ “người” nầy không tính hai chị em tôi). Nhiều lúc tôi không giấu được thảng thốt, cứ nghĩ mình đã gặp lại cha-của-ngày-xưa… Không, lúc chỉ một mình, cha tôi đáng sợ hơn thế. Cha giống như con thú trở về tổ sau khi no mồi. Con thú nằm mơ màng nhấm nháp lại hương vị của
miếng mồi, và ngẫm ngợi thòm thèm con mồi kể tiếp”[83, tr.195]; “Cha đẩy chúng tôi trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên. Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi bỏ đi hay chạy trốn (…). Chị em tôi hết sức cố gắng để sự giận dữ, chán chường của mình không bùng cháy” [83, tr.197]. Lời kể trong Lý con sáo sang sông cũng thể hiện rất rõ thái độ của người kể chuyện đối với mối tình dang dở của Phi với Út Thà: “Nét chữ không bay bướm trong tấm thiệp mộc của Út Thà mang cho tôi một cảm giác lạ lùng. Vui, buồn, chua xót lẫn lộn…” [87, tr.73].
3.1.1.4. Ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư mang đậm tính đối thoại
Lời kể của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hướng trực tiếp đến người đọc, lôi kéo người đọc cùng tham gia vào câu chuyện. Có nhiều khi, người kể chuyện bộc lộ những nhận xét, quan niệm hoàn toàn mang tính chủ quan và khiêu khích người đọc, buộc người đọc phải lên tiếng. Chẳng hạn trong Cuối mùa nhan sắc và Làm má đâu có dễ người kể chuyện đã bộc lộ một quan điểm về người nghệ sĩ mà độc giả nhất là những ai là nghệ sĩ sẽ tỏ thái độ hoặc là đồng tình hoặc là phản đối: “Nghệ sĩ mà, miễn được hát, miễn mà hát có người nghe là sướng rồi [83, tr.92]; “…nghệ sĩ mà, ít ai coi trọng chuyện gia đình” [84, tr.85]. Người kể chuyện cũng đưa ra vấn đề tranh luận về tình yêu: “Mà, kiểu yêu tinh thần để nhìn nhau, để nắm tay, vuốt tóc, để nín nhịn và hi sinh chỉ tồn tại trong văn chương” [83, tr.206]. Mỗi người đọc tùy theo quan niệm, kinh nghiệm sống có thể có những câu trả lời khác nhau. Ở một truyện khác, người kể chuyện lại đưa ra một câu hỏi mà có lẽ nó sẽ là nỗi băn khoăn, trăn trở cho những ai là nghệ sĩ gắn cuộc đời với sân khấu: “Trời ơi, bọn nghệ sĩ mình, gạt bỏ đời đau, sống trọn lòng trên sân khấu, được mấy người?” [84, tr.87].
Đặc biệt tính tranh biện, đối thoại trong ngôn ngữ kể chuyện truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được thể hiện ở những cuộc đối thoại trong ý thức của người kể chuyện: “Giá tôi có thể ở lại Xóm Xẻo, sống một đời nông dân như
ba tôi. Chiều đi ruộng về nằm võng nghe đài Hậu Giang ca cải lương, tối ra Đầm đặt lú. Trời thanh, mây tạnh. Chuyện “vĩ mô” có người “vĩ mô” lo. Đằng này tôi ra đời. Gặp biết bao nhiêu người, gặp bao nhiêu chuyện như chuyện của ông Tư Đờ bạn ba tôi đây (…). Mà sao bây giờ tôi bỏ ông vậy? Tôi quên ông vậy? Tôi có già đâu? Thôi, buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ còn trẻ trai mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này” [87, tr.37-43]. Đối thoại trong độc thoại nội tâm đã cho ta thấy được quá trình dằn vặt, đối thoại giữa hai ý thức, hai quan niệm: một bên là quan niệm về con người sống một đời nông dân bình dị mà giàu tình nghĩa còn một bên là quan niệm về con người sống trong vòng xoáy của cuộc đời với những lo toan, tính toán mà thờ ơ, vô cảm… Chính tính tranh biện, đối thoại này của ngôn ngữ kể chuyện đã khiến cho người đọc khi đọc xong tác phẩm cứ phải tiếp tục suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề mà người kể chuyện đã đặt ra trong đó.
Có lẽ chính những đặc điểm này trong ngôn ngữ của người kể chuyện đã tạo nên nét độc đáo tạo, lôi cuốn, hấp dẫn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Vì nó tạo điều kiện cho ngôn ngữ của người kể chuyện có thể đi sâu vào miêu tả “dòng ý thức” của nhân vật, miêu tả những bí ẩn, quanh co, phức tạp trong chiều sâu tâm hồn… Thông qua ngôn ngữ kể chuyện, nhân vật hiện lên như một cá nhân có ý thức sâu sắc – họ không chỉ phô diễn niềm vui, nỗi buồn của mình mà còn luận giải, phân tích vì sao mình lại vui, lại buồn như thế. Đây cũng chính là biểu hiện của tính hiện đại trong lời kể của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
3.1.2. Các thành phần cấu tạo nên ngôn ngữ kể chuyện
3.1.2.1.Thành phần lời kể
Trong tác phẩm tự sự lời kể chiếm một tỉ lệ lớn và có vai trò quan trọng, nó giúp người kể chuyện tổ chức nên một cấu trúc tự sự. Khảo sát trong truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Tư ta thấy có sự hiện diện của hai dạng lời kể: lời kể một giọng và lời kể nhiều giọng.
Lời kể một giọng là: “lời kể hướng tới sự vật nhằm tái hiện, giới thiệu về nó” [61, tr.178]. Đây là loại lời kể đơn giản nhất. Chức năng của lời kể một giọng trong tác phẩm là tái hiện các sự kiện, hiện tượng của đời sống làm cho đời sống hiện lên chân thực trong tính cụ thể và sinh động của nó. Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, lời kể một giọng đóng vai trò khá quan trọng. Nó thể hiện cái nhìn sâu sắc, cái khiếu quan sát nhạy bén, tinh tường của tác giả đối với hiện thực. Đó có thể là lời kể về một sự kiện: “Đồng Trảng Cò rộng gần hai mươi hecta, phía bắc giáp rừng tràm, phía nam giáp biển, xóm nằm bên con kinh ra Hòn Đá Mốc. Ba năm trước, tỉnh quyết định thu hồi và quy hoạch Trảng Cò làm khu du lịch văn hóa sinh thái lớn nhất nhì đồng bằng” [88, tr.30]; “Năm 1887, Colègan, một tu sĩ người Pháp đã đặt những bước chân đầu tiên. thám hiểm đỉnh Puvan. Và lần đầu tiên trong đời, người đầu tiên trong lịch sử vùng đất, ông đã nhìn thấy cây sầu (Oghdgerygwbbvchfh gfdutvyt) nở hoa. Trong những đoạn ghi chép rời rạc, run rẩy, ông viết, “những đóa hoa sầu đẹp đến nỗi đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần”. Và ông ta đã chết ngay sau đó, chết lặng lẽ trên dãy núi Puvan bí ẩn” [85, tr.41]. Đó cũng có thể là lời kể về cảm xúc, tâm trạng: “Cái cảm giác chỉ có em và tôi và cây cỏ dại trên đồng làm tôi thấy dễ chịu. Thậm chí tôi chủ động nắm tay em, và bàn tay nhỏ nhắn đó thoáng lạnh đi vì bất ngờ” [85, tr.95]; “Nó ngồi sau lưng thầy (như nhiều lần ngồi sau thầy đi mua kẹo, nút áo, chỉ may cho mẹ), mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép vào lưng, được choàng tay ôm co ếch thầy” [88, tr.139]; “Phi không nói gì hết, lòng anh lặng đi, nghe nhói ran cả ngực mà không biết niềm nhớ nó đang cựa quậy chỗ nào. Lâu lắm rồi mới có người nhắc anh chuyện tóc tai” [83, tr.106]. Lời kể một giọng thường tạo cho người
đọc cảm giác chân thực và tin cậy. Tuy nhiên, nhìn chung đây là dạng lời có cấu tạo tương đối đơn giản.
Lời kể nhiều giọng: “là lời kể vừa hướng vào tái hiện đối tượng, lại vừa đối thoại ngầm với lời người khác ngoài đối tượng, hoặc đối thoại ngầm với chính đối tượng” [61, tr.178]. Theo M.Bakhtin thì đây là loại lời phát triển nhất và ông đã lập bảng phân loại khá chi tiết. Lời kể nhiều giọng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được biểu hiện qua một số dạng cơ bản sau:
Thứ nhất là dạng lời kể nửa trực tiếp
Nếu như lời gián tiếp là lời người kể chuyện ngôi ba kể về đối tượng, lời trực tiếp là lời nhân vật thông qua độc thoại và đối thoại thì lời nửa trực tiếp là kiểu lời nói kết hợp đồng thời hai hình thức phát ngôn gián tiếp (bởi người kể chuyện) và trực tiếp (bởi nhân vật) nói trên. Lời nửa trực tiếp là “lời trần thuật nói thay ý nghĩ nhân vật, nhằm bộc lộ nội tâm nhân vật” [61, tr.180]. Trong truyện kể, ngôn ngữ tác giả chủ yếu lại được thể hiện bởi ngôn ngữ người kể chuyện, nên xét từ phương diện trần thuật học, có thể xem lời nửa trực tiếp là lời người kể chuyện nhưng mang ngôn ngữ nhân vật (xuất phát từ điểm nhìn nhân vật). Đây là kiểu “câu hàm ẩn nhiều chủ thể”, “câu lai ghép”, theo cách gọi của Bakhtin.
Truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 hay sử dụng kiểu lời nửa trực tiếp để đến gần với cuộc sống đa chiều. Đây là phương thức trần thuật gắn với tư duy lí luận hiện đại, có hiệu quả trong việc khám phá dòng tâm trạng - phương diện bộc lộ rõ nhất tư duy phức hợp của con người. Không đơn nghĩa như lời trực tiếp, lời nửa trực tiếp thường mở ra nhiều hướng tiếp nhận, trở thành kiểu lời nói đặc trưng cho ngôn ngữ trần thuật phức hợp, đa thanh.
Một trong những đặc điểm đáng lưu ý của lời nửa trực tiếp là tính song điệu (giọng người kể và giọng nhân vật lẫn vào nhau). Đây là kiểu lời nói có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật: “Lúc về