Người Kể Chuyện Kể Theo Điểm Nhìn Toàn Tri


chế của mình. Người kể chuyện không biết số phận của người phụ nữ sau cuộc hẹn hò đó sẽ ra sao, không biết trong cơn mưa bão, khi chị nhảy ào xuống nước “bươn bả vẹt sóng, nôn nả về phía bờ lá xa xăm” để tìm đường vào bờ thì bờ có đón nhận chị: “Cóc với ngó theo, màn mưa che khuất tầm nhìn, thấy cái đầu chị rướn cao, nhấp nhô như con rùa đang bơi, đầm thì xa, rộng, sóng đang cồn lên, giận dữ. Không biết chị có đủ sức để chạm tay vào bờ đất?” [85, tr.115-116].

Có tác phẩm, người kể chuyện hàm ẩn đã nương theo điểm nhìn của nhiều nhân vật để kể. Hiu hiu gió bấc có thể xem là một ví dụ tiêu biểu cho sự luân phiên điểm nhìn này. Truyện được bắt đầu với điểm nhìn của người kể chuyện hàm ẩn, kể lại chuyện một cách khách quan với cái nhìn từ bên ngoài: “Ở cái xóm nhỏ ven thành phố nầy người ta nhắc tới anh hết còn nhiều hơn chủ tịch tỉnh đi họp. Đứa nào hỗn hào, lười biếng, má nó bảo lại coi thằng Hết kìa, ba mươi mấy tuổi đầu rồi, ngày đi làm thuê, làm mướn, không có chuyện gì nó chê, chiều về lụi hụi chui vô bếp nấu cơm, giặt giũ cho cha già, hiếu thảo thấy mà thương…” [83, tr.29]. Thế nhưng ngay sau đó điểm nhìn của người kể chuyện hàm ẩn này được được chuyển từ chủ thể nhân vật này sang chủ thể nhân vật khác. Đầu tiên là điểm nhìn của nhân vật chị Hoài: “Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có cái tiếng bạc tình ảnh cũng gánh cho em rồi… Con người nầy, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm” [83, tr.34-35]. Điểm nhìn của chị Hảo cũng góp phần soi sáng nhân vật anh Hết: “Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi?” [83, tr.38]. Chính qua điểm nhìn của người kể chuyện hàm ẩn bên ngoài, điểm nhìn của chị Hoài và chị Hảo mà người đọc hiểu được khá rõ con người anh Hết: một người con hiếu thảo hết mực và cũng là người trọng nghĩa, trọng tình. Tuy nhiên, nếu như toàn bộ câu chuyện chỉ được kể bởi những điểm nhìn này thì truyện sẽ khó có thể tái hiện


được một cách sâu sắc, sinh động những suy nghĩ thầm kín, những xúc cảm, tâm trạng của người thanh niên ở cái xóm Giồng Mới này. Chính vì thế, tác giả nhất định phải viện dẫn đến điểm nhìn của anh Hết, phải tựa vào điểm nhìn của anh thì mới mong nói được “điều tối hậu” về con người sống thâm trầm, kín đáo này: “Chừng nầy tuổi rồi, mỗi khi anh đặt lưng xuống bộ vạt, lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của tía anh ngày xưa. Buồn lắm, nghe đứt ruột lắm. Càng nhớ anh càng thương ông (…). Anh chưa dám nhìn thẳng vô mắt chị Hoài để cười, chưa dám nựng nịu con của Hoài mỗi khi chị bồng nó đi tiêm ngừa. Chưa thanh thản để chào nhau như một người bạn gặp một người bạn. Hảo có hiểu không?” [83, tr.38]. Đây đúng là những tâm trạng, suy nghĩ của người thanh niên hiếu thảo và rất coi trọng tình nghĩa. Nhưng có lúc ta bắt gặp sự không “toàn tri” của người kể chuyện trong truyện kể. Người kể chuyện không biết khi nào anh Hết mới có thể quên đi tình yêu của mình với chị Hoài để có thể đón nhận tình cảm mà chị Hảo dành cho anh: “Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm “Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn”, chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông. Nhưng mà chờ tới chừng nào lận? Ai mà biết” [83, tr.38-39].

Hay trong truyện Người năm cũ, người kể chuyện cũng tựa vào điểm nhìn của nhiều nhân vật để kể. Truyện được bắt đầu bởi người kể chuyện là Hiên (nhân vật chính). Hiên kể về sự gặp gỡ của cô với người thương xưa của má: “Bảy năm rồi Hiên mới gặp ông. Ông ốm, xanh, ông không già đi bao nhiêu nhưng tóc đã rụng nhiều để lại cái trán rộng như sân bay Trà Nóc. Hiên luôn luôn thấy ông gần gụi và thân thuộc, cái cảm giác ông luôn luôn có mặt trong đời của Hiên mặc dầu chẳng thâm tình gì nhau” [84, tr.143]. Người kể chuyện kể về cảm nhận của mình về người đàn ông – người yêu cũ của má:


“Ngay từ khi còn vào tại chức, ông luôn xuất hiện trên mặt báo, trên tivi với sự chân thật toát ra từ đôi mắt, một vẻ mặt trăn trở, đấu tranh. Hiên cho rằng đôi mắt thể hiện được con người (…). Ông cười rất đẹp (đôi lúc có những nụ cười như thế làm cho tim Hiên thót lên một tiếng hít hà) (…). Hiên nhận thấy con người nầy luôn luôn vắt kiệt mình trong đám bùng nhùng thiện – ác, đúng

– sai, giả - chân… Cả trong tình yêu cũng vậy” [84, tr.143-146]. Người kể chuyện cũng kể về người má của mình: “Má Hiên bị bức phải lấy ba Hiên tháng chín, tháng tư năm sau giải phóng miền Nam. Cái khoảng khắc đó so với cuộc đời ngắn ngủi biết bao nhiêu nhưng đã trì níu cuộc đời má Hiên xuống. Mấy mươi năm, cuộc đời má như hủ sành bể nát, không mảnh nào ráp được với mảnh nào” [84, tr.151]. Điểm nhìn này của Hiên – người kể chuyện đã dần chuyển sang điểm nhìn của người đàn ông (người thương xưa của má Hiên). Ông kể về chuyện tình éo le của mình với một người phụ nữ (người phụ nữ mà sau này là má Hiên): “Đó là thời đạn bom ác liệt, nhưng sáng nào cổ cũng chèo xuồng ra chi khu Rạch Ráng bán trầu. Tôi thương cổ từ ốp trầu cổ bó (…). Tôi thương cổ từ ngón tay cái bấm trầu đã mòn khuyết như trăng mùng tám (…). Cổ cũng thương tôi thiệt lòng. Ngặt cái cổ là con gái xã trưởng Ba Chi khét tiếng ác” [84, tr.146-147]. Qua điểm nhìn của Hiên và của người đàn ông đó ta thấy số phận bất hạnh của những con người bị lưỡi dao chiến tranh phạt ngang thành hai nửa cuộc đời. Nhưng hơn hết họ vẫn luôn nhớ về nhau, hướng về nhau và ngọn lửa tình yêu trong họ không bao giờ tắt.

Việc nhà văn lựa chọn hình thức người kể chuyện theo điểm nhìn hạn chế trong một số tác phẩm có ý nghĩa nhất định. Với hình thức kể chuyện này, người kể chuyện sẽ tạo cho người đọc ảo tưởng về tính chân thực của câu chuyện vì họ có cảm giác đang được nghe chính người trong cuộc tự kể chuyện mình chứ không phải nghe qua một người thứ ba nào đó. Hơn nữa, với hình thức tự sự đa chủ thể tác giả đã khắc phục được cách nhìn chủ quan,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.


hời hợt, định kiến, tạo nên một cái nhìn mang tính khách quan, nhiều chiều về con người. Hình thức tự sự này đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên một cấu trúc tự sự mang tính đối thoại trong tác phẩm – đó là sự đối thoại giữa các cách nhìn nhận, đánh giá về con người.

Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 8

2.2.2. Người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri

Todorov gọi đây là “người kể chuyện lớn hơn nhân vật”, Pospelov gọi là “người trần thuật không nhân vật hóa mà đằng sau là tác giả” còn G.Genette coi đây là trường hợp “người kể chuyện kể theo tiêu cự bằng không”. Đặc điểm của người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri là anh ta có tầm nhìn “vượt lên trên”, có thể nhìn xuyên sang những sự kiện được kể. Người kể chuyện luôn biết nhiều hơn và nói nhiều hơn bất cứ nhân vật nào trong tác phẩm, anh ta vừa hiểu biết về các sự vật khách quan vừa hiểu biết sâu sắc về tất cả các nhân vật: từ những hành động bên ngoài lẫn những suy nghĩ, cảm xúc bên trong và cả những chuyển biến của tâm hồn. Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy truyện ngắn của chị được kể bởi người kể chuyện với điểm nhìn toàn tri chiếm tỉ lệ lớn hơn cả.

Đọc truyện Cải ơi ta thấy người kể chuyện rất am tường trong việc kể lại, miêu tả lại tỉ mỉ, chi tiết những hành động, lời nói bên ngoài và cả những suy nghĩ thầm kín bên trong của nhân vật: “Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi, than điệu này hỏng biết cách nào tìm cho ra con Cải”, “Ông đã tìm con nhỏ gần mười hai năm, đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ. Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi nó làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Rồi con nhỏ không quay lại, vợ ông khóc lên khóc xuống, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi hà khắc, đuổi xua. Ông lấy trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau (mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao) ra thề nhưng bà không tin, giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói”, “Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát


tìm được con Cải về”, “Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi run lập bập hỏi Cải phải hôn con”, “Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn”... [83]. Với điểm nhìn toàn tri này, hình ảnh một người cha thương yêu con, khao khát mong tìm lại được con được người kể chuyện khắc họa một cách sâu sắc.

Trong truyện Nhà cổ, ta thấy người kể chuyện đã thấu hiểu một cách sâu sắc tình cảm, tâm trạng, nỗi lòng của các nhân vật: “Năm tôi mười sáu tuổi, qua bên đó chơi, biết hai anh đều lặng lẽ để bụng thương chị Thể mất rồi”; “Chị hiền, dịu dàng như chiếc lá me, con trai xóm khác gặp một lần còn nhớ, huống chi ba người họ lớn lên cùng nhau… Nhưng nhường qua nhường lại hoài, mãi không ai mở lời. Chú em nhịn ăn sáng, ốm ròm, mặt mày xanh ẻo cắc củm dành tiền tha về cho chị Thể nào kẹp tóc, vòng bạc, dép, giày… Ông anh chẳng mua gì, nhưng thấy chị vo cơm thì nhảy vào thổi lửa, thấy chị sắp giặt đồ, anh xách nước để sẵn mấy thùng. Những buổi sớm mai, hai người cùng nhau xào nhân, nhồi bột, hấp bánh bao. Khói quây lấy cả hai, khói thơm ngây dại múi lá dứa. Người em thức sớm học bài, thấy cảnh đó, đọc lung tung những câu chẳng có nghĩa gì”.

Truyện Cái nhìn khắc khoải, người kể chuyện am hiểu cặn kẽ hoàn cảnh, cuộc sống của ông Hai. Nếu không có cái nhìn biết hết thì làm sao người kể chuyện có thể kể lại được chuyện như thế này: Đêm nào như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng” [83, tr.53]. Nói “đêm nào cũng như đêm nấy…” có nghĩa là sự việc đã xảy ra rất nhiều lần và người kể chuyện đều biết hết, bây giờ đang tổng kết lại. Và nếu không có cái nhìn biết hết thì làm sao người kể chuyện lại có thể kể được một cách cụ thể, rành rọt cuộc sống của ông Hai và nhận định chắc chắn như thế này: “Ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt


đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa mới vừa chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt” [83, tr.52]. Người kể chuyện đã thấu hiểu, cảm thông với cuộc sống cô độc, lang bạt nơi đồng khơi của ông Hai.

Không chỉ am hiểu những lời nói, hành động, suy nghĩ, cảm xúc trên bề mặt ý thức mà người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri còn có thể thấu hiểu đời sống vô thức, tâm linh đầy bí ẩn của con người. Với sự miêu tả những ảo giác, ám ảnh, giấc mơ của nhân vật, người kể chuyện đã tạo nên một lăng kính mới để soi tỏ hết những miền bí ẩn những vùng sâu thẳm trong tâm hồn con người. Nhân vật Tôi trong Khói trời lộng lẫy trong trạng thái tinh thần căng thẳng và do chịu nhiều mất mát trong cuộc sống riêng tư nên thường chìm trong những ảo giác, chiêm bao: “Nhưng khuya nay, khi tay tôi vờn trên cái mũi lấm tấm mụn của Phiên, khi cái đầu gối xương xẩu của nó co lại thúc vào sườn tôi đau nhói, vẫn cảm giác thằng nhỏ đang rời đi xa lắm rồi. Nó đi trên chiếc xáng cơm cùng những gã đàn ông lạ. Chiều qua, chiếc xáng đã nhổ neo rời khỏi cồn (…). Mỗi chiêm bao là một lát cắt, một cảnh phim dang dở về nơi đó. Có khi tôi thấy vía mình ngập ngừng đi vào một tòa nhà cũ chìm lút trong một khuôn viên um tùm cây cỏ (…). Và trong những chiêm bao hao khuyết tôi từng đêm, những cánh cửa của tòa nhà Viện di sản thiên nhiên và con người luôn mở ra rất chậm (…). Một vài căn phòng giống như biển, ngay lập tức khiến tôi chìm sâu, ngộp thở, nhưng tôi hoàn toàn không muốn vùng vẫy, chạy trốn”. Trong Cánh đồng bất tận, hình ảnh giấc mơ gắn với “màu đỏ lạ lùng” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật tôi mỗi khi nhớ về mẹ: “Một bữa tôi chiêm bao, chẳng đầu chẳng cuối gì, chỉ thấy vía má giãy giụa trong tấm vải đỏ lạ lùng kia nhưng nó thít chặt, riết lấy, siết dần cho tới khi má thành một con bướm nhỏ, chấp chới bay về phía mặt trời”. Điền


(người em trai của nhân vật tôi) do chịu nhiều mất mát trong cuộc sống, do thiếu vắng tình yêu thương nên có lần cậu bé đã chìm vào ảo giác: “Nó loay hoay ở giữa một gò đất chùm gọng leo dày mịt, không biết vô đó bằng đường nào nhưng không thể quay ra, có người đàn bà ôm rổ bánh quy lại, biểu nó ăn. Đói quá, thằng Điền ngốn gần chục cái. Lúc tôi tìm được nó nhờ tiếng rên ư ử, bụng nó đã lặc lè, và miệng đầy sình đất. Quay đi quay lại không có bóng người, chỉ có cái mả lạng nằm sát đất, rời rợi cỏ xanh. Những ngày sau nầy, tôi một mình trở lại gò đất, nhưng chờ hoài không thấy ma hiện ra. Nghe thằng Điền kể, người đàn bà đó thiệt hiền, chỉ đau đáu vuốt tóc nó và ánh nhìn chan chứa thương yêu”. Ảo giác được yêu thương ở nhân vật Điền dường như là một sự bùng nổ tâm lí nó thể hiện nhu cầu và khao khát được yêu thương, được chăm sóc của cậu.

Sự hiểu biết thông thái của người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri còn thể hiện rất rõ ở việc anh ta không chỉ kể chuyện mà còn bình luận, giải thích về những điều mình kể. Trong Nhớ sông, người kể chuyện lí giải nguyên nhân vì sao gia đình ông Chín lại gắn với cuộc sống trên ghe: “Nhà nghèo, ra riêng, gia đình chỉ cho hai công đất. Năm Giang ba tuổi, Giang lên sởi. Ông Chín bán đất cứu con. Số tiền còn dư lại, ông mua chiếc ghe nhỏ đi bán hàng bông. Cả nhà dắt díu nhau linh đinh sông nước” [83, tr.120]. Trong Dòng nhớ, những lời giải thích bình luận sâu sắc của người kể chuyện giúp người đọc hiểu rõ nỗi đau đớn, sự day dứt khắc khoải nhớ thương của người đàn ông vì sức ép gia đình mà đành phải phụ bạc vợ, bỏ người vợ một mình lênh đênh trên sông nước: “Ba tôi là người của sông. Không phải ông nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, đôi mắt như đang nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mênh mông vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi”;


“Mà, cũng vì ba tôi quên không được, má tôi mới thương ông nhiều, say nầy lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào” [83, tr.131-133].

Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết truyện ngắn của mình Nguyễn Ngọc Tư lại lựa chọn hình thức người kể chuyện toàn tri. Với hình thức kể chuyện này, nó cho phép tầm nhìn của người kể chuyện được mở rộng tối đa, có thể bao quát được cuộc sống từ nhiều chiều, nhiều phía khác nhau qua đó tái hiện cuộc sống chân thực, toàn diện, sâu sắc hơn. Người kể chuyện có thể kể lại nhiều sự kiện, nhiều hành động, nhiều suy nghĩ của nhân vật trong nhiều quãng thời gian khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau.

Thứ hai, truyện kể theo điểm nhìn toàn tri với sự xuất hiện khá nhiều lời bình luận, giải thích của người kể chuyện đã có ý nghĩa định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Họ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào sự hiểu biết thông thái của người kể chuyện. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vai trò chỉ bảo của người kể chuyện quá lộ rõ khiến cho câu chuyện thiếu đi sự hấp dẫn tự nhiên. Đây cũng chính là điểm hạn chế mà phần lớn những truyện sử dụng hình thức người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri thường gặp phải.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí