Thơ Thiền Với Văn Học Thiền Tông Trung Quốc Thời Đường – Tống


lý và bày tỏ giáo pháp, ấn tượng chân không trong sự ảo hóa của cảnh sắc, độ mờ nhạt của hình tượng, sự tiết chế cảm xúc và kiệm lời tối đa, v.v…

1.1.2. Thơ thiền với văn học Thiền tông Trung Quốc thời Đường – Tống

1.1.2.1. Xã hội Trung Quốc thời Đường – Tống

Năm 618, Lý Uyên, một viên quan đời nhà Tùy khởi binh tấn công Trường An, xưng đế, lấy hiệu là Cao Tổ, đặt quốc hiệu là Đường. Triều nhà Đường (618- 907) ra đời, mở màn cho thời đại thơ ca đẹp đẽ nhất trong tiến trình thơ ca Trung Quốc. Là triều đại thịnh trị về văn hóa nghệ thuật, nhà Đường với hơn 200 năm tồn tại cũng kịp để lại cho hậu thế những dấu ấn thảm kịch không phai mờ trong lịch sử, qua các sự kiện như: loạn An Lộc Sơn, Vũ Tắc Thiên chuyên quyền, mối tình Huyền Tông say đắm Dương Quí Phi, khởi nghĩa Hoàng Sào… Không khí học thuật, sáng tạo tràn ngập Trung Hoa thời thịnh trị (gắn liền vơi những niên hiệu như Trinh Quán, Khai Nguyên, Thiên Bảo) bất ngờ bị chìm lấp trong bão táp thời cuộc. Dư vị đắng cay của cuộc “bể dâu” đặc biệt ấy đã khắc sâu vào văn chương giai đoạn này, sản sinh ra những thi hào mang giọng điệu kiêu bạc và bi tráng thuộc vào hàng kỳ diệu nhất trên thế giới như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy,…

Dưới ảnh hưởng sâu sắc và nhuần nhụy của Phật giáo và tư tưởng Lão Trang, dưới sự phát triển kinh điển nhà Nho11, xã hội đời Đường được mệnh danh là đỉnh cao của sự kết hợp Phật-Lão-Nho. Tư tưởng kết hợp này đã xuất hiện từ thế kỷ thứ III với tên tuổi của Cát Hồng (284-364), một đạo sĩ chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Sau đó Đào Hoàng Cảnh đời Tề cũng phát biểu: “Hàng trăm cách nói khác nhau đều không vượt được phạm vi của Tam giáo”[254, 12]. Đến đời nhà Đường, Tông Mật (thuộc phái Hoa Nghiêm tông) cũng chủ trương Nho Thích


11Theo Phạm Thế Ngũ trong Những thời kỳ chính văn học sử Trung Hoa, Lỗ Đức Minh (sống vào thời đầu nhà Đường), tác giả bộ Kinh điển thi văn đã chú thích nhiều cách đọc kinh điển Nho gia. Sau đến đời Đường Thái Tông, Khổng Dĩnh Đạt và nhiều học giả khác đã kế thừa và bổ túc thêm, sau gọi là bộ Ngũ Kinh chú giải. [150; 54-55].


cùng một nguồn mà ra. Lẽ đương nhiên, một tư tưởng trở thành một trào lưu của cả xã hội, thẩm thấu sâu sắc vào từng nét bút bức họa, chảy ra tự nhiên từ những công trình nghệ thuật ngôn từ … đều không phải là kết quả sự tương hợp ngẫu nhiên giữa các thi nhân, các nhà tư tưởng. Xét về mặt văn hóa ứng xử cộng đồng, sự dung hợp tam giáo là sản phẩm tất yếu của các quốc gia có “truyền thống khoan dung” đặc biệt đối với các giá trị tinh thần – một truyền thống “đã từng là những thực tế lịch sử” [290; 67] ở các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Xét về mặt duy trì trật tự chính trị, nguyên tắc tam giáo là một “phát minh” tuyệt vời của người Trung Hoa về sự hợp lưu các dòng tư tưởng trong cỗ xe vận mệnh của xã hội và con người. Trong thế “ba chân” đó, lần đầu tiên, con người phương Đông được cắt nghĩa một cách phong phú từ chính suối nguồn triết luận của mình, được tham dự đầy đủ vào cuộc đời hiện sinh: hành xử xã hội như một nho gia, sống tinh thần tự nhiên đạo gia, và tự do nuôi dưỡng tâm linh giải thoát kiểu nhà Phật. Con người được cắt nghĩa như thế đủ đảm bảo cho sự tương dung đẳng cấp trong trật tự vương triều phong kiến. Và vì thế, đảm bảo cho sự an toàn của các quan hệ xã hội mà Trung Quốc, cũng như bất kỳ quốc gia trung đại nào, cũng mong muốn nắm giữ, chi phối. Toàn bộ tinh thần cơ bản này tràn ngập các trước tác đời Đường và đời Tống, tuy mỗi triều đại có những đặc điểm dung hòa riêng. Đời nhà Đường, với công cuộc dịch thuật kinh Phật và chuyến đi thỉnh kinh lừng danh của Huyền Trang, với niềm tin của các ông vua Đường cho mình thuộc dòng dòi của Lý Nhĩ tức Lão tử, với sự khôn ngoan của những ông vua phóng khoáng, yêu văn chương nghệ thuật, tư tưởng Tam giáo đã được cổ vũ, và trở thành “thần khí” trong nhiều lĩnh vực sáng tạo. Đến đời nhà Tống, sự mở mang của triết lý, yêu cầu bình giải sách vở và tư tưởng tiên nho, ước vọng cải cách cơ cấu kinh tế - chính trị là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự dung hòa Tam giáo ở mức độ phong phú hơn. Thời kỳ này, các học giả

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 285 trang tài liệu này.


thường chú trọng bình giải Nho giáo, có khuynh hướng giảm bớt giá trị tư tưởng Phật giáo, song trên thực tế, họ vẫn chịu ảnh hưởng Phật giáo một cách kín đáo và sâu xa. Ngay Vương An Thạch, một tể tướng xông xáo cải cách, nhưng về cuối đời cũng lặng lẽ làm thơ thiền, sống nhàn dật. Nếu như đời Đường, các phát ngôn và sáng tạo có yếu tố tam giáo là dòng chảy tự nhiên từ tâm thức và tinh thần thời đại, thì ở đời Tống, hiện diện trong đời sống văn hóa nói chung là không khí triết học mãnh liệt; và do đó, sự dung hòa ba yếu tố tôn Nho-Phật-Lão được nén sâu vào các cơ tầng triết luận, không có khuynh hướng trở thành những giải thích thẩm mỹ về văn học (ngoại trừ trường hợp luận thơ thiền của Nghiêm Vũ) mà thiên về giải thích cái lý của sự kết hợp, cái lý của thể nghiệm.

Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Lý - Trần với thơ thiền Đường - Tống Trung Quốc - 6

Có một điểm đáng lưu ý khi đề cập đến sự hình thành nhà Tống. Sau khi

nhà Đường mất ngôi, tiếp đến là các cuộc loạn lạc khắp Trung Hoa, cuối cùng, vào năm 960, Triệu Khuông Dẫn cướp ngôi Hậu Chu, thiết lập triều Tống. Như vậy cuộc chuyển đổi giữa hai triều đại Đường và Tống thuộc vào chuỗi các cuộc chính biến triền miên của đế quốc Trung Hoa. Nằm giữa Đường và Tống là thời kỳ Ngũ đại (kéo dài hơn 50 năm). Hơn nửa thế kỷ Trung Quốc bị chia cắt trầm trọng, năm triều đại mà có đến mười nước, nhân dân lầm than điêu đứng. Sử sách ghi: “Ở những vùng xảy ra chiến sự, thây chết đầy đường, đồng ruộng bỏ hoang, cả nghìn dặm không một bóng người” [158; 212]. Triều Tống được thành lập từ máu lệ các cuộc chiến cát cứ, do vậy, nhu cầu được ổn định dài lâu, nhu cầu xây

dựng một tầm cao triết học, nhu cầu cải tiến, thay đổi, tạo dựng… là cảm hứng thời

cuộc rất đậm nét. Thêm vào đó, văn học nghệ thuật thời Tống lại ra đời sau chiếc bóng vĩ đại của nền thi học đời Đường. Phải chăng, đây cũng là lý do để các văn nhân, thi sĩ đời Tống liên tục tìm kiếm, thể nghiệm nhằm mục đích thoát khỏi thế bị ảnh hưởng hoặc không thể kế thừa (các giá trị và phong cách sáng tạo thời Đường) mà định mệnh văn học đã dành cho họ. Cuộc tìm kiếm khắc khoải này đã


ghi lại trong lịch sử văn học Trung Quốc bằng sự kiện tranh luận dĩ thiền luận thi mà Nghiêm Vũ đề xuất, bằng tên tuổi của Hoàng Đình Kiên, Tô Thức, Giang Tây thi phái... Chính trong giai đoạn “thể nghiệm” đó mà văn học thiền đời Tống được diễn trình với nhiều dáng vẻ khác nhau. Thậm chí, thiền tông được phản ánh vào cả thể loại từ với nội dung biếm họa, đầy tính thế tục12.

Bản thân triều đại nhà Tống cũng bị cắt làm đôi thành hai giai đoạn: Bắc Tống và Nam Tống. Trong đó, thời kỳ Bắc Tống gắn với cuộc sống vương giả, hoan lạc triền miên của giai cấp quan liêu địa chủ lớp trên cũng như các vương tôn công tử chốn triều đình; kinh tế đất nước ổn định, công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ vô cùng. Tuy nhiên, thời gian này Bắc Tống phải liên tục đối phó với giặc Liêu và Tây Hạ đến nỗi bị diệt vong. Nam Tống lên nắm quyền. Sau những cuộc hỗn chiến với quân Kim, quân Mông Cổ, Nam Tống lại bị tiêu diệt. Trộn lẫn trong thơ văn thời kỳ này là cảm hứng về sự phồn vinh của tầng lớp thị dân ở các đô thị mới và cảm giác uất ức của các văn nhân trí thức trước thế cuộc cầu hòa ô nhục và bất lực của các thế hệ vua quan triều Tống. Nếu sự đổ nát của triều nhà Đường sau loạn An Sử giống như một nhát dao buồn đau trong tâm hồn các thi nhân đa cảm (vốn đã kinh qua không khí thơ văn bay bổng, tao nhã trước đó) thì sự bất ổn liên tục của triều Tống, dù đã được đánh dấu bằng nhiều kỳ công gìn giữ kinh điển, bằng nhiều trước tác triết học uyên bác, vẫn là một triều đại lồng chuỗi nặng nề nhiều vấn nạn về quốc gia dân tộc, vẫn là một triều đại không thể sản sinh ra thế hệ các thi nhân “du tử ý” đã có mặt suốt thời nhà Đường.

1.1.2.2. Văn học Phật giáo Thiền tông Trung Quốc thời Đường – Tống


12Theo Đỗ Tùng Bách trong chuyên luận Thơ thiền Đường Tống [10; tr. 46 – 54], Tô Đông Pha và Hoàng Sơn Cốc từng viết nhiều bài từ ngụ ý thiền với nhiều nét châm biếm, “chơi khăm”, là “trò chơi văn học có tính nhất thời”, chẳng hạn như bài Tô Đông Pha cật vấn thiền sư Đại Thông có chi tiết “khê nữ trộm nhìn”, “thiền sư đừng chớp mắt”…


Phật giáo được truyền sang Trung Hoa theo ngả đường phía Bắc Ấn Độ. Về niên đại truyền bá, tuy có nhiều giả thiết như thuyết Tây phương thánh giả của Khổng Tử, thuyết Thích Lợi Phòng mang Phật giáo vào, thuyết Trương Khiên nghe Phật giáo, thuyết lễ bái hình người vàng của vua Vò Đế, thuyết Lưu Hương nói Phật điển, thuyết khẩu truyền Phật giáo của Y Tồn, thuyết niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 đời Hậu Hán…, nhưng phần lớn, các nhà nghiên cứu khá thống nhất ở điểm nhìn: chọn mốc năm 65-67 là thời kỳ du nhập chính thức của Phật giáo vào Trung Hoa. Từ thời điểm giả định này cho đến hết thời Nam Bắc triều (587), Phật giáo vẫn nằm trong cuộc “so tài” lặng lẽ với Đạo giáo, thậm chí với cả Nho giáo. Trải qua thời kỳ “huyền học “ đời Ngụy Tấn và Nam Bắc triều, Phật giáo dần dần có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần Trung Hoa, bắt đầu được ghi nhận như một hệ triết học.

Sự kiện Bồ Đề Đạt Ma đến truyền đạo tại Trung Quốc là một nét son đặc biệt của Phật giáo Thiền tông. Đến đời nhà Đường (618-907), Phật giáo cực thịnh. Mật Tông cũng ra đời từ giai đoạn này.

Đời nhà Tống (960 – 1279), Phật giáo được phục hưng dưới ánh sáng mới; đó là tinh thần dung hợp các tông phái trong chính Phật giáo và sự kết hợp chặt chẽ Phật giáo với Nho giáo, Đạo giáo về mặt “tính lý”. Đặc điểm này được Thích Thanh Kiểm luận như sau: “Các nhà nho học đời Tống phần nhiều chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo, nên Nho học đương thời rất quan hệ với Phật giáo. Nếu người nghiên cứu về nho học đương thời mà không hiểu Phật giáo thì cũng khó lòng hiểu được Nho học, đó là một đặc sắc của cái học Tống nho” [101; 250- 251]. Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh cũng là thành quả lớn lao của các triều vua đời Tống.


Với bề dày phát triển hơn nửa thiên niên kỷ tại “xứ sở Đại thừa” Trung Hoa, Phật giáo đã kịp xây dựng tập đại thành về tư tưởng và ngôn ngữ kinh điển độc đáo vô song vào thời Đường và thời Tống.

Về thể loại, văn học Phật giáo Trung Quốc bao gồm hệ thống kinh điển Đại thừa, biến văn (thể loại văn học Phật giáo nổi tiếng được phát hiện tại động Đôn Hoàng), truyện cao tăng, ngữ lục, thi kệ, sám văn, văn bia…

Đời Đường, sự nghiệp phiên dịch kinh Phật (có truyền thống từ đời Lục triều trước đó) với các tên tuổi thuộc hàng thánh tăng như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Bất Không, Thiện Vô Úy, Đề Văn Bát Nhã… đã để lại kho tàng kinh điển đồ sộ và quí giá. Nguyễn Hiến Lê có dẫn lại nhận định của Lương Khải Siêu rằng: “Dụng ngữ của Trung Quốc giàu thêm được trên 3 vạn rưỡi tiếng. Số đó căn cứ theo số danh từ trong “Phật giáo đại từ điển” (…). Mà thêm được 35 ngàn tiếng là thêm được 35 ngàn quan niệm” [116; 62]. Một thể loại đáng lưu ý như “truyện cảm ứng viết theo lối văn học thuyết thoại” như Tục cao tăng truyện của

Đạo Tuyên, Tịnh độ thụy ứng truyện của Thiếu Khang… cũng nảy nở vào thời

này. Tiền Trọng Liên trong Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc (tập 1) viết: “Trong số lượng lớn kinh Phật dịch ở đời Đường, có giá trị văn học sâu sắc và có ảnh hưởng rộng rãi trong văn học không gì hơn Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ Tát Vạn hạnh thủ Lăng Nghiêm kinh. Bản kinh sau nghi do Phòng Dung soạn, văn chương rất đẹp. Còn có nhiều du ký, truyện ký do người Đường soạn liên quan đến Phật giáo như Đại Đường Tây Vực ký 12 quyển của Biện Cơ, Đại Từ Ân Tự Tam tạng Pháp sư truyện 10 quyển của Tuệ Lập, Nhan Tông, trong đó phần lớn

có giá trị văn học. Phật giáo ảnh hưởng đến văn học đời Đường, trong nhiều tập của không ít tác gia như Vương Bột, Vương Duy, Lương Túc, Liễu Tông Nguyên, Lý Thương Ẩn đều có văn chương Phật giáo…” [98; 279].


Lịch sử truyền thừa của Thiền tông suốt từ Bồ Đề Đạt Ma xuống đến Huệ Năng cũng nằm trọn vẹn trong thời Tùy-Đường. Đỗ Tùng Bách nhận định: “Thiền tông bắt đầu kể từ Lục Tổ mới dùng thơ để biểu hiện thiền. Đương nhiên cũng có hoàn cảnh tác động đến, vì vào đời Đường, Thiền tông cực thịnh và đời Đường, cũng là thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc, khi ấy các thiền sư thường mượn văn chương để tỏ bày cảnh giới ngộ của mình, đây là bối cảnh lớn cho sự kết hợp thơ và thiền” [10; 26]. Tác phẩm thiền học cần chú ý là Chứng

đạo ca của Vĩnh Gia Huyền Giác, người được xem là “môn đệ anh tuấn” của Lục

Tổ Huệ Năng. Với sự xuất hiện của Huệ Năng, vị tổ thứ 6 của Thiền Trung Hoa cùng sự tích kỳ lạ về bài thơ thiền trên vách chùa núi Hoàng Mai và sự ra đời tập Chứng đạo ca của Huyền Giác đời Đường, thơ thiền đã bắt đầu đời sống rất lâu bền của nó không chỉ ở cửa thiền mà còn vang vọng ra khắp các miền sơn thủy. Người Trung Quốc còn nhắc đến các tác phẩm thiền tông thuộc loại kinh điển như Tham đồng khế, Thảo am ca (Thạch Đầu Hy Thiên, đời Đường), Linh Khê Ca (Phần Dương Thiện Chiêu, đời Tống), Sơn cư bách vịnh (Viên Chiếu Tông Bản, đời Tống), v.v…

Từ đời Đường cho đến hết đời Tống, tuy trải qua nhiều sự cố bài Phật, qua nhiều vương triều phong kiến với các quan điểm khác nhau về Phật giáo, thơ thiền vẫn trỗi dậy không ngừng khi “đóa hoa năm cánh” của thiền bừng nở với tên tuổi các đại thiền sư đứng đầu năm phái như Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn, Qui Ngưỡng. Mặc dù sinh hoạt thiền môn và tôn chỉ của từng môn phái không giống nhau, song, thơ thiền với hình thức “nói kệ” được các thiền sư sử dụng thuần thục, lão luyện, đặc biệt là ở phái Lâm Tế. Đời Tống Huy Tông (1111-1114), niên hiệu Chính Hòa, thiền sư Viên Ngộ đã biên soạn lại 100 tắc công án của thiền sư Tuyết Đậu, gọi là Bích Nham Lục. Tác phẩm vĩ đại chứa đựng nhiều bài thơ thiền vào hàng trác tuyệt này đã theo con đường truyền bá


thiền tông của thiền sư Thảo Đường mà sang Việt Nam vào đời nhà Lý. Vì vậy, lịch sử thơ thiền không thể không ghi nhận tác động lớn lao của Bích Nham Lục.

Thơ thiền ở Trung Quốc là một giá trị thuộc hệ các giá trị mỹ học thiền tông. Thơ ca, cũng như hội họa và âm nhạc Trung Hoa đều không ngừng nuôi dưỡng “thiền vị” trong bản chất rộng mở và hỗn dung kỳ lạ của chúng. Điểm đặc sắc của văn học Trung Quốc là sự xuất hiện của một số nhà phê bình thơ thiền ngay từ thời trung đại. Theo dòng lý luận văn học cổ Trung Hoa, các nhà nghiên cứu khá thống nhất khi đánh giá Nghiêm Vũ như một nhà bình luận thơ thiền nổi bật với cuốn Thương Lang thi thoại. Những ý tưởng mà Nghiêm Vũ đưa ra hầu hết chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc triết học của nó trong kho tàng văn học Thiền và kinh điển Phật giáo. Đó là “Thức”(một trong những khái niệm rất sâu sắc của Phật giáo, nhất là khi liên hệ nó với tâm lý học Phật giáo như lý luận của phái Duy thức luận), “diệu ngộ”(khái niệm xuất phát từ dòng Thiền vô ngôn đốn ngộ của Huệ Năng) , “vầng trăng đáy nước”, “bóng dáng trong gương”, “mắt Kim Cương” tức Kim Cương nhãn tình (liên quan đến trực giác Bát Nhã trong hành trình tu chứng và nhận thức thế giới)... Trước Nghiêm Thương Lãng, Lưu Hiệp (465-520) viết Văn tâm điêu long. Tuy không hề tuyên bố “dĩ thiền luận thi” nhưng Lưu Hiệp, là người chịu ảnh hưởng sâu sắc Phật giáo, đã phác họa kín đáo điểm nhìn tinh tế về thơ ca và văn học dưới ánh sáng “diệu pháp” của suối nguồn Phật học13. Điều đó nói lên một thực tế rằng: có một khuynh hướng lí luận, bình giải những vấn đề thơ ca từ điểm nhìn Phật giáo (và sau này là Thiền Phật giáo) tại Trung Quốc. Có khả năng khuynh hướng này đã manh nha từ thế kỷ thứ


13Phan Ngọc trong lời giới thiệu cuốn Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp cho biết: Lưu Hiệp vốn thông thạo kinh Phật, biết tiếng Sanskrit, “tiếp thu Phật giáo rất sâu cho nên sử dụng cơ chế lí luận của Phật giáo”, “Phần quan trọng nhất của Văn tâm điêu long là phần III tức là từ thiên 26 đến thiên 49, trong đó ông nói đến những vấn đề nền học cũ hay bàn như khí, cốt, tư…Xét cho cùng, thì đây đều là thuật ngữ Phật giáo. Không có Phật giáo, không có nền văn hóa Trung Quốc đời Đường Tống”. Xem Aristote – Nghệ thuật thơ ca, Lưu Hiệp – Văn tâm điêu long, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, trang 115 – 123.

Xem tất cả 285 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí