Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 10


Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào mẹ tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm” [88, tr.142]. Thông điệp Diệp “ôm” vai mẹ, Diệp “bảo” thích món cá khô trộn xoài sống (bao hàm cả hành động của nhân vật) được người kể chuyện truyền đạt lại. Lời kể này chứa đựng ngôn ngữ nói biểu cảm của nhân vật nên lời người kể chuyện và lời nhân vật hoà vào nhau. Từ điểm nhìn nhân vật, mượn ngôn ngữ và giọng điệu nhân vật, người kể chuyện trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã duyên dáng kể chuyện với con mắt tinh tường của người trong cuộc. Đó là ngôn ngữ trong trẻo nhưng nhiều suy tư của Diệp ở những độc thoại nội tâm được “thốt lên” bởi người kể chuyện: Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi?” [88, tr.143]. Ngôn ngữ trần thuật trở nên giàu sức gợi nhờ những lời nửa trực tiếp và những câu chuyện đời người trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư càng sâu sắc, lan tỏa trong lòng người.

Thứ hai là dạng lời kể phong cách hóa: “là lời trần thuật bằng giọng người khác mà khuynh hướng nghĩa cùng chiều với lời giọng ấy, để tạo sắc thái, không khí cá thể” [61, tr.179]. Chẳng hạn trong Làm mẹ có đoạn: “Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, “em bỏ không đành anh à”. Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được (…). Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, công sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình “làm người thì ai lại đi giành con với người ta?”, dì luôn dằn vặt vậy” [84, tr.96]. Với việc sử dụng cách nói dân dã, giản dị, mộc mạc này người kể chuyện đã thể hiện một sự thấu hiểu và thông cảm với dì Diệu và chú Đức.

Thứ ba là dạng lời kể nhại. Theo sự lí giải của M.Bakhtin thì lời nhại, giễu nhại là lời hai giọng, nghĩa là một lời nói nhưng lời ấy lại mang hai quan


điểm, hai lập trường, hai thái độ khác biệt nhau, thậm chí có thể chống đối, bài bác nhau. Còn theo Trần Đình Sử thì đây là “lời nói bằng giọng người khác có đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng của lời người đó” [61, tr.178].

Ngôn ngữ trong truyện Nguyễn Ngọc Tư là ngôn ngữ được xây dựng trên nền đối thoại rộn ràng, sôi động của nhiều tiếng nói với sự tranh luận, đối thoại. Lời nhại, lời giễu cũng góp phần làm cho âm vang của sự đối thoại trong truyện sôi nổi, vang động hơn. Vì vậy truyện lôi cuốn và hấp dẫn người đọc. Nhưng nhân vật trong truyện của chị là những con người với tâm hồn họ hồn hậu, họ sống bằng tình nghĩa và yêu thương nên lời nhại trong truyện của chị không nhiều, không nổi bật, lời nhại trong truyện Nguyễn Ngọc Tư không bùng lên thành tiếng cười giòn giã như tiếng cười trong Số Đỏ (Vũ Trọng Phụng) mà nhẹ nhàng, mơ hồ. Mặc dầu vậy, lời nhại cũng đã làm cho tiếng nói đa thanh của truyện thêm nổi bật, tạo dấu ấn cho phong cách truyện Nguyễn Ngọc Tư thêm rõ nét.

Trong truyện Cỏ xanh người kể chuyện kể: Miên – một cô gái trẻ trong cơn say rượu đã đánh bà chủ nhà. Cô bị bắt và bị phạt nhổ cỏ. Một nam thanh niên nhận ra cô chính là người bạn của mình từ thuở ấu thơ với rất nhiều kỉ niệm mến thương đẹp đẽ. Nhưng với mặc cảm về thân phận, với lòng tự trọng, cô gái tỏ ra không quen biết với người thanh niên này. Anh thanh niên giãi bày với công an xã: “Có khi nào cô này chính là Bé Hai của em hồi xưa không? Có khi nào cổ thấy mặc cảm với em rồi cổ không nhận không?” [87, tr.27]. Người kể chuyện kể tiếp: “Mấy ông công an cười, cái thằng quỷ này nói chuyện giống tiểu thuyết quá đi”. Nếu đọc thoáng qua người đọc sẽ hiểu đây là lời thuật đơn thuần. Chỉ đến khi đọc thêm các trang tiếp theo với lời người thanh niên: “Bé Hai à, thôi đừng ra đây làm cỏ nữa nghen, em coi, cỏ nó bị chặt rồi mà bữa nay tốt thấy đẹp luôn, cỏ còn muốn sống đẹp hơn, tốt


hơn nữa, huống chi mình… Ráng nghe cưng…” rồi tiếp đến là lời người kể chuyện: “Anh ta tỏ ra là người biết nói chuyện văn chương, ví von thanh cao” [87, tr.30-31] thì lúc này những lời có liên quan tới tiểu thuyết, nói chuyện văn chương, ví von thanh cao mới trở thành lời nhại, nhại cốt truyện tiểu thuyết mang tính kịch đã thành công thức sáo mòn, nhại lời lẽ bóng bẩy chỉ có trong văn chương. Hay trong Ngổn ngang, người kể chuyện đã nhại lại cách xử lí đầy nước mắt mùi mẫn, dễ dãi của phim ảnh: “Tôi cũng thấy buồn kinh khủng lắm, sao Bảo làm vậy mà tôi không đau đớn vật vã gì hết. Sao tôi không đùng đùng gào khóc, sao không chạy lại đấm vào ngực Bảo, hỏi nỡ nào anh phụ tình em (cảnh này tôi thấy người ta hay làm trong phim)” [88, tr.97].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Qua sự phân tích ở trên có thể thấy lời kể trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư khá phong phú, đa dạng với cả lời kể một giọng và lời kể nhiều giọng và có lẽ lời kể nhiều giọng mới là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Sự xen lẫn của lời thoại nhân vật vào lời kể và đặc biệt là hình thức lời nửa trực tiếp đã góp phần làm mới nghệ thuật kể chuyện, cho thấy vai trò quan trọng của người kể chuyện trong việc cấu trúc tác phẩm và dẫn dắt mạch truyện, qua đó cũng cho thấy ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của cây bút truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

3.1.2.2. Thành phần lời miêu tả

Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 10

Bên cạnh lời kể là lời tả của người kể chuyện. Lời miêu tả hỗ trợ việc kể, khiến cho câu chuyện được kể trở nên sống động hơn. Khác với lời kể là một dạng phát ngôn không thể thiếu của người kể chuyện, lời tả xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Theo Genette, trong khi kể người kể chuyện có thể ngừng lại và chuyển sang miêu tả để làm chậm lại diễn tiến của câu chuyện. Lời tả góp phần nâng cao hiệu quả trần thuật, như là một chiến lược trần thuật của người kể chuyện. Việc miêu tả góp phần làm


cho câu chuyện kể thêm sinh động, hấp dẫn, nhân vật trở thành có máu thịt, có môi trường sống. Miêu tả còn cho thấy cách tổ chức thời gian của người kể chuyện. Bàn về chức năng của lời kể và lời tả, T. Todorov đã chỉ ra rằng: “Miêu tả, chỉ riêng nó không đủ để làm nên một truyện kể, nhưng truyện kể bản thân nó lại không loại bỏ miêu tả” [69, tr.153].

Trước hết là những lời miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không mang vẻ đẹp rực rỡ, kì vĩ mà giản dị, đơn sơ, quen thuộc, thức dậy ở con người những cảm xúc mênh mang, sâu lắng. Là hình ảnh “một hàng dừa nước bên sông nghiêng mình soi đáy. Những ngày gió chướng về, nước trong vằng vặc như thấy rành rạnh từng sớ lá. Trên bờ kinh, dây choại mọc đầy, đọt choại xanh non nhuốt líu ra líu ríu bước chân người. Hàng bông bụp trước sân nhà nở đỏ…” [84, tr.151]. Là “cái nắng xuân kì lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như màu bông sao nhái” [84, tr.68]. Là những bông cỏ mực nhỏ bé duyên dáng điểm xuyết trên cánh đồng lúa bất tận: “ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa” [83, tr.213]. Người kể chuyện ít dùng những màu chói gắt hay u tối mà thường thiên về gam màu nhẹ, sáng: “những bờ rào râm bụt xanh, những hàng cây đủng đỉnh xanh” [83, tr.31]; “những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Đã nhiều bông lìa cành, trùng trình bay” [87, tr.73]; “dọc những triền sông, trên những đám chùm gọng, những rặng ráng… tơ hồng bao phủ lên một màu vàng óng, rồi chi chít những cái hoa con con trắng như một tấm mẳn…” [83, tr.122-123]. Chính những trang miêu tả thiên nhiên này đã tạo nên chất thơ, chất trữ tình thấm đượm cho truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

Người kể chuyện thường dùng những lời miêu tả thiên nhiên để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật và tâm trạng của họ. Chẳng hạn như trong truyện Cái nhìn khắc khoải, người kể chuyện đã để cho nhân vật xuất hiện


trong khung cảnh: “Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un chất đầy vỏ dừa khô. Những sợi khói trắng ngun ngút. Ngồi trên cái sạp ghe đong đưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Và gió vùn vụt vô chòi (…), ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vùn vụt vô chòi” [83, tr.52-53]. Không gian của khói, của gió cho ta thấy cuộc sống lang bạt, lẻ loi, cô đơn của người đàn ông với công việc nuôi vịt chạy đồng.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của vùng đất miền Tây Nam Bộ - vùng đất của những cánh đồng bát ngát và một hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Cánh đồng, dòng sông đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng cho vùng đất Nam Bộ và chúng đi vào những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư như những hình ảnh thiên nhiên tiêu biểu và lặp đi lặp lại nhiều lần như một biểu tượng. Hình ảnh cánh đồng trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận gợi lên một không gian mênh mang, hoang vắng, heo hút, rợn ngợp: “những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang…”. Không gian này được người kể chuyện miêu tả đi miêu tả lại như một biểu tượng về cuộc sống, số phận lênh đênh, vô định của những con người “nghèo rơi, nghèo rớt” với kiếp sống lang bạt trên đồng khơi. Cánh đồng cũng là biểu tượng cho những khó khăn, khắc nghiệt mà con người phải đối mặt: “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn” [83, tr.163-171]. Tưởng như không thể có một sinh vật nào có thể tồn tại trên khung cảnh khô khốc, cằn cỗi này. Không phải là không có lý khi Bùi Việt Thắng cho đó là “cánh đồng chết”. Cuộc sống khắc khổ, nghèo khó như bao vây, bám riết lấy một gia đình du mục gồm ba người: Cha, Tôi và Điền - đứa em trai, cùng gia tài: một đàn vịt đang độ lớn, cần thức ăn còn xót lại trên


đồng, và nhất là cần nước, trong một mùa nắng chát chúa, khô rát mặt người. Con người như bị bủa vây bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ cố vùng vẫy, cố thoát khỏi cái nghèo đói khốn khó của cuộc sống nhưng càng vùng vẫy lại càng bị thắt chặt, bóp nghẹt dưới bàn tay khốc liệt của tạo hóa buột họ phải cam tâm, quy thuận tự nhiên khắc nghiệt bởi họ “chẳng có chỗ nào để đi nữa”. Cánh đồng khô hạn, nứt nẻ còn là nơi thân quen, là người bạn lưu giữ những kỉ niệm và gắn bó mật thiết với cuộc sống của hai chị em Nương và Điền: “Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai nầy khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng nầy với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ xốn xang” [83, tr.167]. Cánh đồng cũng là biểu tượng cho sự mở đầu và kết thúc những bi kịch trong gia đình của Nương. Bởi họ đã nhận ra sự hận thù chỉ đem lại cho bản thân nỗi khổ đau. Cánh đồng bất tận khép lại nhưng những suy nghĩ miên man về cuộc đời, về kiếp người phiêu bạt cứ mãi “ám ảnh” người đọc. Với hình cảnh cánh đồng mang tính biểu tượng, Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa thành công về những con người đáng thương, suốt đời lam lũ, cơ cực nơi đồng ruộng hoang vắng, về những suy tư trong lòng họ, về cách họ làm để tìm quên quá khứ, tìm quên thực tại đau khổ, để rồi vượt qua chúng và tiếp tục cuộc hành trình của mình với niềm tin bất diệt vào cuộc sống. Cánh đồng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành một “thế giới nghệ thuật riêng, là một khái niệm văn học” (Nguyễn Khắc Phê). Với ý nghĩa đó, cánh đồng đã mang tính thẩm mỹ độc đáo, đã trở thành hình tượng trong tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể nghệ thuật.

Gắn liền với hình ảnh cánh đồng là hình ảnh dòng sông. Nó làm cho không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của chị mang đậm dấu ấn sông nước.


Đây cũng là đặc điểm rất riêng của không gian truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Với những ý nghĩa khác nhau, dòng sông có giá trị tô đậm thêm bối cảnh của những câu chuyện ở miền quê Nam Bộ. Trong truyện ngắn Nhớ sông, dòng sông là nơi Giang và Thủy lớn lên và “ở đáy con sông nào đó, còn là nơi gửi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang”. Giang lấy chồng cũng ở khúc sông mà gia đình cô hay ghé lại. Câu chuyện gần như chỉ diễn ra ở một khúc sông mà vẫn làm chạnh lòng người đọc. Trong Cánh đồng bất tận, dòng sông là biểu tượng của cuộc sống phiêu bạt, lênh đênh vô định. Sau khi người vợ ngoại tình, Út Vũ đốt nhà lên ghe cùng hai đứa con và đàn vịt đi dọc theo các con sông. Đi hết dòng sông, sau những cuộc tình chóng vánh của người cha là hành trình của ba cha con về phía cánh đồng bất tận. Dòng sông cũng là biểu tượng của sự khó khăn, khắc nghiệt mà con người phải đối mặt. Đó là con sông lớn mênh mang mà ở đó đời sống người dân gắn liền với sự nghèo đói và cơ cực. Sống gần sông nhưng họ lại không có nước ngọt để dùng, trẻ con bị ghẻ lở đầy người do phải tắm bằng thứ nước đóng đầy váng phèn “người họ đầy ghẻ chốc, những đứa trẻ gãi đến bật máu. Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài vì đường xa, nước mắc. Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu” [83, tr.170]. Với cha con Út Vũ, cuộc sống trên những dòng sông cũng không khá hơn, vẫn là sự khốn khó cùng cực thậm chí là sự bế tắc không lối thoát: “Chỗ chúng tôi cắm lều cầm vịt, cắm vịt, nước đã sắt lại thẫm một màu vàng u ám. Nhưng chúng tôi chẳng có chỗ nào để đi nữa, từ bờ bên kia của sông Bìm Bịp là vùng đệm cho những cánh rừng tràm lớn” [83, tr.171]. Trong một truyện ngắn khác, dòng sông đã hóa thành “dòng nhớ” cuộn chảy trong lòng người. Nhân vật Hai Giang sau sự bất hạnh trong cuộc sống với người vợ trước đã từ giã sông về với đất. Nhưng trong tâm trí ông luôn hiện lên nỗi ám ảnh về sự mất mát lớn lao khi đứa con té xuống sông


chết lúc chưa đầy một tuổi. Cái chết của con và hình ảnh người vợ bất hạnh một mình nơi sông nước làm ông luôn hướng về dòng sông. Hồn ông đã gửi lại nơi sông: “ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, đôi mắt như đang nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mông mênh vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi” [83, tr.130-131]. Dòng sông đã trở thành phương tiện làm nền thể hiện tâm trạng nhân vật. Những dòng sông, con sông, khúc sông cứ tuôn chảy miệt mài và còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư.

Cùng với cánh đồng, dòng sông thì gió cũng là hình ảnh thiên nhiên trở đi trở lại trong rất nhiều truyện ngắn của chị như một ẩn dụ độc đáo. Điều này không phải là sự ngẫu nhiên. Trong một lần trả lời phỏng vấn chị tâm sự “tôi thích gió. Nó thơ mộng, bảng lảng, khó nắm bắt. Tôi lớn từ xứ gió, mà gió Nam gió chướng gì cũng đẹp, nên bị ám, viết gì cũng cho gió thổi. Đó là “gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận” (Cánh đồng bất tận); là ngọn gió tinh nghịch như đứa trẻ “giữa im lặng, gió cồn lên rúc rích đuổi nhau chạy xổm trên mái nhà, như một đám trẻ lật từng tàu lá để tìm trứng thằn lằn” (Đau gì như thể), “bây giờ chỉ nghe gió từ ngoài kinh rần rần rượt đuổi nhau qua đám dừa nước thốc vào mái lá phần phật” (Chuyện của Điệp); là ngọn gió vô tình trong Chiều vắng “gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng”; ngọn gió đơn độc trong Lỡ mùa “gió nhiều, rất nhiều ngọn mồ côi, lẻ loi líu ríu chạy qua”. Có khi gió hiện diện như một nhân vật trong truyện: “Tôi nghe rất rõ gió cuộn thành lọn, lăn miết trên da mình (…). Chúng tôi kéo lại ngồi với nhau. Và với gió” (Lý con sáo sang sông). Đặc biệt trong Gió lẻ, chúng ta choáng ngợp với những hình ảnh của gió: “không thể ngủ trong cơn đùa nghịch dẳng dai của những cơn gió bị xé nhỏ bởi một bàn tay vô hình. Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí