Văn Bản Truyện Dân Gian Nghiên Cứu Theo Hướng Ngữ Văn


1.1.1. Văn bản truyện dân gian nghiên cứu theo hướng ngữ văn


Việc quan niệm về đối tượng một ngành khoa học có tác động quan trọng đến phương pháp và cách thức nghiên cứu ngành đó. Trong thế kỉ trước, nếu có bao nhiêu định nghĩa về folklore thì sẽ kéo theo bấy nhiêu hệ thống phương pháp nghiên cứu tương ứng. Mỗi phương pháp tiếp cận lại kéo theo những quan niệm về đối tượng và cách thức lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Theo Robert A. Georges [105, tr.602], trong thế kỉ XIX, truyện dân gian nói riêng và VHDG nói chung được các nhà folklore học thế giới xem là những tạo tác văn hoá (tương đương với những vật phẩm văn hoá hữu hình khác) và những thực thể ngôn ngữ từ xa xưa còn sót lại, chứa đựng những tín hiệu có nghĩa. Từ đó, với tiền đề folklore là những tạo tác văn hoá, các nhà nghiên cứu đã tập trung đi tìm hiểu mức độ ứng dụng và ảnh hưởng của nó trong đời sống bằng cách khám phá sự lan truyền của cốt truyện hay các motif; so sánh mức độ giống và khác nhau của các tác phẩm cùng loại để truy tìm nguyên bản của một câu chuyện. Với tiền đề truyện dân gian là những thực thể ngôn ngữ, là những sáng tác ngôn từ, các nhà nghiên cứu đặt nhiệm vụ cho mình là phải nỗ lực đi sưu tầm, cố gắng ghi lại bằng văn bản (chữ viết/ âm thanh) thể hiện nội dung của một tác phẩm. Bởi coi là thực thể ngôn ngữ còn sót lại nên họ sợ rằng nó sẽ mất đi theo thời gian, cần phải ra sức cứu lấy và duy trì những cái có nguy cơ tiêu vong. Từ hai góc độ nêu trên cho thấy tình trạng nghiên cứu truyện dân gian truyền thống tập trung chủ yếu vào văn bản, sử dụng văn bản làm đầu mối cho tất cả các công việc sưu tầm, biên tập, lưu trữ và nghiên cứu là điều hiển nhiên.

Hướng tiếp cận ngữ văn học (literary approach) đối với folklore là một trong những phương pháp được quan tâm và áp dụng rộng rãi. Yếu tố thẩm mĩ truyền thống là đối tượng khai thác văn bản tác phẩm VHDG, được coi là một loại văn học không có chữ viết. Vì vậy, truy tìm nguồn gốc và sưu


tầm thật nhiều văn bản là công việc quan trọng trong một thời gian dài của các nhà nghiên cứu folklore. Phân tích và xác thực văn bản là hai yêu cầu tối thiểu của bất cứ ai muốn đi vào tìm hiểu folklore. Theo Lauri Harvilahti [163, tr.508-512], công việc ấy gồm sự “duyệt lại” cẩn thận và xem xét các bản chép tay khác nhau, với mong muốn “tái cấu trúc” cái nguyên thể hoặc nguyên mẫu của văn bản trong trường phái Phần Lan. Đến giữa thế kỉ XX, việc truy tìm nguyên mẫu đã được thay thế bằng việc sắp xếp các nhóm dị bản có cùng đặc tính hình thái học, gọi là “bản kể” (redaction).

Đa số các khuynh hướng nghiên cứu VHGD trong thời gian qua đều lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu, lấy ngôn ngữ làm phương tiện tiếp cận, và lấy việc phát hiện giá trị thẩm mĩ của hình tượng tác phẩm làm mục tiêu tìm hiểu. Tuy nhiên, đã có ít nhất hai khuynh hướng tỏ ra bất cập, hay nói đúng hơn không ít người khi sử dụng văn bản làm đối tượng nghiên cứu chính đã chưa thật sự thuyết phục học giới. Thứ nhất, sự đồng nhất giá trị mĩ học trong văn bản VHDG với văn bản văn học viết đã được chứng minh là cách thức tiếp cận không hợp lí. Chẳng hạn, theo quan điểm của nhà nghiên cứu VHDG người Nga V.Propp thì các phương pháp ngữ văn học chỉ có tác dụng xác định được hiện tượng và đặc điểm của thi pháp folklore căn cứ trên văn bản “chứ không có hiệu lực gì trong việc giải thích các hiện tượng VHDG” [22, tr.79]. Để giải thích được các hiện tượng VHDG cần phải vận dụng các yếu tố từ dân tộc học. Thứ hai, với các nhà lí thuyết coi trọng nguồn gốc của VHDG thì việc truy tìm cội nguồn của một tác phẩm nào đó cũng được thực hiện qua nghiên cứu văn bản, qua cách thức tập hợp một khối lượng lớn các tài liệu. Từ lúc ấy, mức độ sâu sắc của các khuynh hướng nghiên cứu truyện dân gian bắt đầu phụ thuộc rất nhiều vào việc xem xét và hiểu về nguồn cội của nó. Tuy vậy, Carl Withelm Von Sydow trong công trình phân tích truyện cổ dân gian đặt trong mối quan hệ với ngữ văn học [105, tr.457-496] đã chỉ rò


những điểm thiếu thuyết phục của hướng coi trọng nguồn gốc tác phẩm cũng như việc mải mê theo sự lan truyền của tác phẩm trong thế kỉ XIX. Ông không thừa nhận việc tìm dạng thức cổ nhất của truyện cổ dân gian là cách thức đầy đủ và đúng nhất. Theo tác giả, một truyện dân gian càng hay thì nó sẽ được phổ biến càng rộng và bổ sung thêm cho ngày càng phong phú hoặc lược bớt những gì không phù hợp. Cho nên cái xưa nhất chưa chắc là cái đúng nhất, cái được xem là gần nguồn gốc nhất chưa chắc là cái hay nhất. Nguyễn Đổng Chi trong quá trình biên soạn Kho tàng cổ tích Việt Nam cũng đã thừa nhận một điều tương tự rằng: “Việc khôi phục diện mạo ban đầu để tìm xuất xứ của số lượng lớn các truyện trong kho tàng truyện của chúng ta là điều không thể” [16, tr.1584]. Vì vậy, con đường đi tìm nguồn gốc và khám phá sự truyền bá tác phẩm vừa gồ ghề vừa không có lối ra để có thể giúp ích cho việc hiểu bản chất của VHDG.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.

Ở một góc nhìn khác, dù đi theo hướng nhìn nhận việc nghiên cứu folklore qua văn bản nhưng có một số nhà khoa học đã không còn đề cao tính thẩm mĩ văn học nữa mà thừa nhận đặc trưng của folklore theo hướng khác: folklore gần với ngôn ngữ hơn. Theo hướng này, quan niệm của V.Propp được nhiều đồng thuận:

Folklore thực thụ hình thành từ nguồn gốc gần với ngôn ngữ hơn là với văn học. Do đó nếu như các nhà nghiên cứu lịch sử văn học muốn nghiên cứu sự ra đời của tác phẩm thì tìm tác giả của tác phẩm ấy. Còn các nhà nghiên cứu folklore thì phải “dựa vào khối lượng lớn các tài liệu so sánh mà xác định các điều kiện tạo nên chủ đề tác phẩm” [22, tr.80].

Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 6

Vì xem folklore chỉ là sáng tác ngôn từ có tính thẩm mĩ, “là một loại hình nghệ thuật riêng” nên việc nghiên cứu đã tập trung vào cách tiếp cận ngữ


văn với văn bản VHDG, xem xét ngôn từ của folklore như ngôn từ của văn học viết, phân tích giá trị thẩm mĩ trong văn bản tác phẩm VHDG đã song hành với bản chất thẩm mĩ của văn học viết. Thế nên, việc văn bản hoá tư liệu VHDG đã bộc lộ nhiều yếu tố chủ quan thậm chí là sai lạc bản chất folklore. Dan Ben-Amos đã thừa nhận một số tính chất thiếu toàn diện của việc nghiên cứu theo văn bản:

Trong một thời gian dài, chúng ta biết rằng trang viết chỉ là một bản sao hời hợt của lời nói và rằng một truyện kể dân gian bằng văn bản hầu như không phản ánh được cách kể câu chuyện đó; trong một thời gian dài chúng ta đã rất khó khăn khi nhận thấy rằng dù chúng ta có ghi chép văn bản truyền miệng cẩn thận bao nhiêu, thì còn rất nhiều điều vẫn chưa được in ra và những điều chưa hiểu lại còn nhiều hơn nữa. [105, tr.377]

Cùng suy nghĩ trên, Alan Dundes trong một bài viết đã chứng minh rất thuyết phục rằng nếu không có bối cảnh và tình huống sử dụng thì văn bản ghi một câu tục ngữ sẽ đôi khi hiểu lầm là câu đố và ngược lại: “Chỉ văn bản không thôi thì vô nghĩa đối ở nền văn hóa khác. Các nhà nghiên cứu folklore sai lầm khi chỉ ghi văn bản và cho rằng họ sẽ tiến hành tất cả việc phân tích (hoặc phê bình văn học) cần thiết” [105, tr.515].

Các nhà folklore học Việt Nam cũng đã nhận thấy quá trình văn bản hóa truyện dân gian và nghiên cứu qua văn bản trên tinh thần truy tìm và giữ nguyên cái gốc của câu chuyện là một cách thức không tối ưu. Nguyễn Đổng Chi đã nhận ra sự “biến dạng” truyện cổ tích khi phô diễn nó ra trên giấy mực: “nhiều chi tiết trong đó dễ bị người chấp bút thay đổi vì yêu cầu chính trị của thời đại, vì tâm lí, quan điểm tư tưởng đã khác xa so với thời điểm ra đời của câu chuyện”[16, tr.85]. Hồ Quốc Hùng, trong bài viết Mấy vấn đề


nghiên cứu VHDG qua văn bản [56], đã phân tích thực trạng việc văn bản hoá tác phẩm VHDG ở Việt Nam trong thời gian qua. Sau khi đi sâu, làm rò và chỉ ra một số sai lầm về việc văn bản hoá tác phẩm ngôn từ VHDG (chủ quan, máy móc, tự cho phép mình đồng sáng tạo tuỳ tiện, dựa vào tư duy khoa học chính xác để biên tập tư liệu VHDG, …), tác giả đã tìm ra nguyên nhân của nó. Đó là: vì nghiên cứu cấu trúc theo hướng tinh hoa văn hoá, đòi hỏi văn bản phải có giá trị nghệ thuật nên người ta dễ “phóng tác”. Song song đó, người ghi chép do không chú ý đến khung cảnh hiện tồn của tác phẩm trong cuộc sống nên chỉ ghi phần ngôn từ theo lời kể. Ngoài ra, yếu tố tài năng và vốn ngôn ngữ của người ghi chép cùng với kiến thức về folklore sẽ quyết định phần lớn chất lượng của các văn bản truyện dân gian. Nhiều người ghi chép có trình độ, có học thức, có kinh nghiệm nghiên cứu văn bản nhưng lại không có được những tri thức về folklore một cách sâu rộng nên dễ dàng thay đổi theo hướng “tinh hoa”. Không thể phủ nhận rằng việc thêm thắt chi tiết hay viết lại câu cho đúng ngữ pháp hay "tròn vành rò chữ" là một khả năng phổ biến trong công tác sưu tầm và dấu ấn của người biên tập trên văn bản truyện kể là một điều khó có thể thay đổi. Triều Nguyên cũng đã thấy và cảnh báo hiện tượng này:

Điều đáng quan tâm, là khi dựa vào đó để tìm hiểu vấn đề, người nghiên cứu có thể bị sai lệch, nếu như dấu ấn kia không phù hợp (thật ra, hầu hết các dấu ấn của người sưu tầm để lại trên văn bản đều lệch lạc).[…]. Những “chêm xen” tùy tiện của người sưu tầm làm cho số văn bản được sưu tầm biến đổi, gây khó khăn cho việc nhận dạng, xác định chúng [81, tr.29-30].

Vì thế, nhiều nhà folklore học thế giới dù đánh giá cao thành quả việc nghiên cứu truyện dân gian qua văn bản nhưng vẫn dành những lời nhận định không nhiều thiện cảm: “Nhưng bởi vì nó tồn tại trước hết như một phương


tiện để đạt được mục đích đã được đặt sẵn, nghiên cứu về truyện kể ít có đóng góp cho tri thức nhân loại trong thế kỉ XX” [105, tr.605].

Nhận định trên vừa phản ánh một thực trạng trong nghiên cứu VHDG nói chung và tự sự dân gian nói riêng trong thời gian qua vừa đòi hỏi cần phải có một cách tiếp cận mới với những cách suy nghĩ khác về folklore. Đồng nhất tác phẩm ngôn từ như những sản phẩm văn hoá khác sẽ dẫn đến việc xem xét các tác phẩm folklore như những sản phẩm đã hoàn chỉnh, những thực thể ngôn ngữ đã hoàn thành. Vì vậy, khi xem xét hệ thống bên trong của folklore, người ta dễ có khuynh hướng đánh giá nó giống như một tác phẩm ngôn từ của văn học viết, tức là tìm hiểu đặc điểm thi pháp của một thể loại dựa trên những văn bản đã có, dù về bản chất xã hội và thẩm mĩ hai loại hình này rất khác nhau. Và ngược lại, khi xem xét nó với hệ thống bên ngoài người ta thường dựa vào chức năng sử dụng của nó đối với đời sống xã hội. Cách nhìn này bỏ qua yếu tố ngôn từ trong mối quan hệ với đời sống hằng ngày, tức là khả năng thể hiện sống động của tác phẩm trong mối tương quan với người kể và người nghe.

1.1.2. Văn bản truyện dân gian nghiên cứu theo type và motif


Đầu thế kỉ XX, nghiên cứu truyện kể dân gian có sự chuyển đổi theo hai hướng: Các nhà folklore học thì vận dụng hướng tiếp cận lịch sử và tiếp cận xuyên văn hoá (góc nhìn lịch đại) để tìm hiểu chủ đề, công thức; vận dụng phương pháp so sánh để rút ra các điểm giống (motif, type) và khác (dị bản); từ đó, các công trình đi đến mục tiêu thiết lập các quy luật của cấu trúc thi pháp thể loại và các bảng tra cứu có tính khái quát cao. Song song đó, các nhà nhân học thì nghiên cứu với cái nhìn đồng đại, xem tác phẩm ở thời hiện tại, không để ý nhiều đến quá trình phát triển của một thể loại nào đó mà quan tâm mối quan hệ giữa chức năng của nó với cấu trúc xã hội. Với quan điểm có


tính quy chiếu vào xã hội của các nhà nhân học, folklore là một yếu tố trong tổng thể văn hóa tộc người và truyện dân gian cũng có chung số phận. Văn bản truyện dân gian được xem là một đối tượng đã hoàn thành, các kết cấu văn bản do quá trình biên tập và in ấn trở thành mục tiêu để các nhà nghiên cứu khảo sát. Ý nghĩa và giá trị của các hiện tượng trong tác phẩm văn học dân gian được các nhà nhân học sử dụng để phục vụ cho những mục tiêu lí giải về đời sống của tộc người. Văn bản văn học dân gian tồn tại và phát triển trong tư thế của tư liệu mang tính tùy thuộc.

Việc phát hiện ra phương pháp nghiên cứu theo type và motif đã giúp cho ngành nghiên cứu VHDG thoát khỏi những do dự và tranh cãi về nguồn gốc phát sinh của tác phẩm. Văn bản nào là gốc, văn bản nào phái sinh không còn là điều quan trọng hàng đầu bởi nó đã được thay thế bằng những mô hình, những công thức có tính phổ biến, có thể áp dụng trên toàn thế giới. Văn bản trở thành cơ sở quan trọng để cung cấp tư liệu cho quá trình nghiên cứu do nó có thể lượng hóa tốt và có tính phổ quát hóa cao. Không những rộng rãi và phổ biến, theo La Mai Thi Gia, motif còn trở thành “một đối tượng nghiên cứu quan trọng vào bậc nhất trong khoa nghiên cứu folklore học nói chung và nghiên cứu truyện kể dân gian nói riêng” [37, tr.195]. Theo quan điểm của một số tác giả, motif có mối liên hệ chặt chẽ với cốt truyện trong truyện kể dân gian và có khả năng thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện kể khi được tìm hiểu các cội rễ lịch sử của nó. Từ bảng tra cứu type và motif của Stith Thompson, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cho nền folklore học của mình một bảng tra cứu tương tự nhưng mang đậm sắc thái dân tộc. Nhờ vào các type và motif, người ta có thể dễ dàng mô hình hóa các yếu tố, các đơn vị cấu tạo nên một câu chuyện và rộng hơn là một thể loại (như V. Propp đã thực hiện đối với truyện cổ tích).


Từ việc chỉ chú ý vào yếu tố hình thức, nghiên cứu type và motif đã có sự thay đổi dần khi kết hợp với môi trường bên ngoài. Quan điểm học thuật của Stith Thompson và những người cùng chí hướng với ông dù vẫn kiên trì với các bảng tra cứu nhưng hướng đi của các nhà folklore đã thoát dần ra khỏi những mô hình để ứng dụng so sánh và tìm những biến thể trong thực tiễn văn hóa, nghĩa là đã hướng đến nhiều vấn đề bên trên và bên ngoài văn bản. Theo Trần Thị An [3], quá trình phát triển của cách nghiên cứu qua motif không chỉ dừng lại ở việc phân tích cấu trúc văn bản (type và motif) mà còn đi đến việc phân tích nguyên tắc tổ chức văn bản (các hình thức tự sự) và cuối cùng là việc đặt văn bản đó trong các mối tương quan nội tại (các thể loại tự sự dân gian), ngoại vi (tự sự dân gian và tự sự trong văn học viết) và các mối quan hệ hữu quan giữa yếu tố và chỉnh thể (truyện cổ tích như là một thành tố của văn hoá). Ngoài ra, hướng nghiên cứu văn bản qua type và motif không chỉ dừng lại ở một trường phái, một khu vực (châu Âu hay Hoa Kì) mà "việc vận dụng lí thuyết này để nghiên cứu truyện dân gian được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới suốt nửa cuối thế kỉ XX" [3, tr. 93].

Tuy nhiên, sự bất cập của hướng nghiên cứu nêu trên vẫn tồn tại, mà một trong những điểm yếu của nó là tình trạng không ăn khớp với thực tiễn của đời sống folklore đang diễn ra. Sư kiện tranh luận giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế xung quanh một truyện thần thoại trong quyển Từ điển type truyện dân gian Việt Nam là một điển hình. Một người cho rằng các nhà nghiên cứu folklore lấy tác phẩm văn học viết (đã xuất bản) của mình để “dân gian hoá” thành một type truyện, còn nhóm người bên kia thì bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình bằng việc chứng minh type truyện ấy được trích trong một công trình sưu tầm VHDG đã in trước đó 8 năm. Trên cơ sở đó tác giả quyển từ điển đã khẳng định việc tác phẩm văn học viết được dân gian hoá là một trong những quy luật phổ biến trong

Xem tất cả 284 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí