đội nói chung, của cán bộ chính trị cấp phân đội nói riêng ngày càng được nâng lên. Nó là nguồn cổ vũ hết sức to lớn, góp phần xây dựng: “Đảng bộ Quân đội luôn trong sạch vững mạnh, quân đội vững mạnh về chính trị. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên; tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên không suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” [156, tr.39].
Thành tựu kinh tế - xã hội của nước ta tạo cơ sở tiền đề trực tiếp cho xây dựng Quân đội ta vững mạnh toàn diện; trong đó phát triển toàn diện tri thức, trình độ năng lực, phẩm chất cách mạng của người quân nhân. Từ môi trường thuận lợi trên, quân đội ngày càng được quan tâm, đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất, tinh thần, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ nói chung và cán bộ chính trị cấp phân đội nói riêng. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy tác động rất lớn đến văn hóa chính trị có 74,5% ý kiến trả lời nhất trí chính thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước tạo góp phần nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội [Phụ lục 4.11]. Văn kiện Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh giá: “Công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng có bước phát triển toàn diện, đời sống, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo, vũ khí trang bị được đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu” [156, tr.39]. Đây là môi trường thuận lợi để hình thành, nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội.
Hai là, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng, nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị trong quân đội.
Đây là nguyên nhân trực tiếp, có ý nghĩa quyết định tạo nên những ưu điểm văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua. Những năm qua, bằng nhiều chủ trương, chính sách đột phá Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xác định con người là chủ thể
của chế độ chính trị, vừa là sản phẩm của chế độ chính trị. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, các đơn vị đã tiến hành đồng bộ, toàn diện từ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội; trong đó chú trọng tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, đánh giá chất lượng cán bộ chính trị cấp phân đội; kết hợp tốt giữa tạo nguồn từ lực lượng trong quân đội với nguồn lực ngoài quân đội để thu hút nhân tài có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí của quân đội [Phụ lục 17 -20]. Chính vì vậy, cán bộ chính trị cấp phân đội được đào tạo, bồi dưỡng chặt chẽ theo Nghị quyết 94 và Nghị quyết 769 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương), nhờ đó tri thức, ý thức chính trị, hành vi chính trị… ngày càng phát triển, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, Tổng cục Chính trị ban hành hướng dẫn về thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội, xây dựng con người, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp trong toàn quân cụ thể hóa, chú trọng xây dựng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội. Các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, cán bộ chủ trì ở các đơn vị, phối hợp nhà trường quân đội để xây dựng, bồi dưỡng về tri thức chính trị, xây dựng bản lĩnh, nhân cách người cán bộ chủ trì chính trị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở đơn vị cơ sở, thường xuyên quản lý chặt chẽ, đánh giá đúng chất lượng văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội ở tiểu đoàn và đại đội; có nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng, bồi dưỡng về tri thức, phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách của cán bộ chính trị. Khi được hỏi nguyên nhân kết quả đạt được văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội, kết quả điều tra xã hội học có 83,1% ý trả lời sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị [Phụ lục 4.11].
Vị trí, vai trò của cán bộ chính trị cấp phân đội luôn được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị nhận thức đúng và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao trình độ văn hóa chính trị cho họ. Thông qua nghị quyết chuyên đề, chỉ huy các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể vào văn hóa chính trị của cán bộ chính trị. Trong các khâu, các bước của quá trình nâng cao văn hóa chính trị các chủ thể chú trọng đưa cán bộ chính trị cấp phân đội vào hoạt động thực tiễn chính trị - xã hội để rèn luyện văn hóa chính trị [Phụ lục 16]. Kết quả điều tra xã hội học đánh giá sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị về hoạt động bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội, cho thấy có 66,1% ý kiến trả lời rất chú trọng, quan tâm và là 14,1% ý kiến trả lời chú trọng, quan tâm [Phụ lục 4.9].
Có thể bạn quan tâm!
- Quy Định Của Môi Trường Văn Hóa Chính Trị Của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Mà Trực Tiếp Là Môi Trường Văn Hóa Chính Trị Ở Đơn Vị Cơ Sở
- Thực Trạng Văn Hóa Chính Trị Của Cán Bộ Chính Trị Cấp Phân Đội Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Hiện Nay
- Hạn Chế Về Văn Hóa Chính Trị Của Cán Bộ Chính Trị Cấp Phân Đội Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Hiện Nay
- Một Số Vấn Đề Đặt Ra Về Văn Hóa Chính Trị Của Cán Bộ Chính Trị Cấp Phân Đội Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
- Yêu Cầu Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Của Cán Bộ Chính Trị Cấp Phân Đội Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Hiện Nay
- Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Của Cán Bộ Chính Trị Cấp Phân Đội Phải Gắn Liền Với Xây Dựng Phẩm Chất Toàn Diện Của Người Cán Bộ Chính Trị
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Ba là, chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, thực tiễn về chủ trì chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội ngày càng được nâng cao.
Văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội là kết quả của quá trình đào tạo ở nhà trường và công tác bồi dưỡng tại đơn vị. Sự kết hợp chặt chẽ giáo dục ở nhà trường, bồi dưỡng tại đơn vị tạo ra nguồn nhân lực vững chắc cho quân đội. Đây là nguyên nhân quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội trong những năm qua. Công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội chú trọng, quan tâm chặt chẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ công tác tuyển chọn về lai lịch, tuyển chọn đào tạo sĩ quan chính trị, mục tiêu, mô hình, chương trình, nội dung đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ngày càng tốt hơn [Phụ lục 17, 18, 19].
Quá trình đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát vào quy định hướng dẫn của Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu với phương châm: lý luận liên hệ với thực tiễn, nhà trường gắn mật thiết với xã hội và đơn vị. Chính trong sự vận động đó, văn hóa chính trị ngày càng gia tăng ở cán bộ chính trị
cấp phân đội. Cục Chính trị, Quân khu 2 trong báo cáo sơ kết về kết quả công tác giáo dục chính trị chỉ rò công tác đào tạo, bồi dưỡng đã: “góp phần xây dựng cán bộ, chiến sĩ có trận địa tư tưởng vững chắc, vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xác định rò kẻ thù, đối tượng tác chiến, có ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ” [9, tr.3].
Công tác giáo dục, đào tạo bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội được các chủ thể gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới…Các nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội duy trì tương đối có nền nếp phối hợp giữa nhà trường và đơn vị góp phần hoàn thiện, phát triển văn hóa chính trị cho họ. Qua điều tra xã hội học về nguyên nhân kết quả đạt được văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội có 67,7% ý kiến trả lời là do chất lượng giáo dục, bồi dưỡng [Phụ lục 4.11].
Bốn là, cơ bản cán bộ chính trị cấp phân đội có chất lượng chính trị và tính tích cực, tự giác tự bồi dưỡng, rèn luyện văn hóa chính trị.
Quá trình tuyển chọn con người để đào tạo cán bộ chính trị được các chủ thể trong quân đội bao gồm nhiều khâu, với những nội dung và phương thức tiến hành khá chặt chẽ về chất lượng chính trị. Các đơn vị, các cơ quan tuyển sinh ở nhà trường quân đội quán triệt tốt về tuyển chọn lý lịch của các đối tượng đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Với nguyên tắc tuyển chọn những người làm công tác lãnh đạo, chủ trì chính trị trong quân đội, họ phải có lý lịch trong sạch, rò ràng, đúng với phương hướng giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng. Bên cạnh đó, các chủ thể dựa vào đoàn thể, chính quyền địa phương để
phát hiện và loại bỏ những người có phẩm chất đạo đức kém. Trong quá trình đào tạo, nhà trường trang bị tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện họ trở thành những đảng viên, những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Từ đó cho thấy, từ “chất liệu đầu vào” tương đối tốt cho quá trình giáo dục, rèn luyện chất lượng chính trị của họ ngày càng tốt lên [Phụ lục 11]. Khi tốt nghiệp ra trường công tác họ tiếp tục được đơn vị bồi dưỡng, rèn luyện mọi mặt để trưởng thành đáp ứng với nhiệm vụ chủ trì chính trị ở đơn vị và đạt được kết quả đánh giá từng năm qua số liệu [Phụ lục 12, 13, 14].
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị quân đội, cán bộ chính trị cấp phân đội luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, là một trong những nguyên nhân chủ yếu về ưu điểm văn hóa chính trị của họ. Trong bất kỳ sự phát triển nào, những nguyên nhân bên ngoài dù quan trọng đến đâu, cũng chỉ là điều kiện phát triển, nguyên nhân bên trong mới là động lực của sự phát triển. Về cơ bản đa số cán bộ chính trị cấp phân đội đã có nhiều cố gắng trong tự học tập, tự rèn luyện, tự bồi dưỡng văn hóa chính trị. Tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện không những góp phần nâng cao trình độ, năng lực, văn hóa chủ trì chính trị của bản thân, mà còn trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị phát triển mạnh mẽ. Khi được hỏi về chất lượng chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội và tính tích cực tự học, tự giác rèn luyện về văn hóa chính trị, có 84.9% ý kiến trả lời là nguyên nhân kết quả đạt được về văn hóa chính trị [Phụ lục 4.11]. Tính tích cực, tự giác của cán bộ chính trị cấp phân đội biểu hiện ở học tập, rèn luyện và nhận thức cao về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa chính trị đối với họ. Kết quả điều tra xã hội học của cán bộ chính trị cấp phân đội có 79,2% ý kiến trả lời rất quan trọng và 12,5% ý kiến rả lời quan trọng về văn hóa chính trị đối với họ [Phụ lục 4.1]. Đó là minh chứng sinh động của sự nỗ lực chủ quan của cán bộ chính trị cấp phân đội trong rèn luyện, nâng cao văn hóa chính trị.
3.2.2. Nguyên nhân hạn chế văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam
Một là, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đây là nguyên nhân cản trở không nhỏ đến quá trình hoàn thiện, phát triển văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội hiện nay. Lý luận và thực tiễn đã chỉ cho ta thấy rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đang tác động tới mặt tích cực, cả mặt tiêu cực. Hệ thống các chuẩn mực giá trị của văn hóa chính trị đang bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường tới một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sức chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rò:
Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi với làm; không tuân thủ theo nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân [30, tr.178 -179].
Những vấn đề trên, tác động đến việc giáo dục, rèn luyện văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội. Qua điều tra xã hội học về nguyên nhân hạn chế văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội có 72% ý kiến trả lời do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” [Phụ lục 4.12]. Chính mặt trái của kinh tế thị trường ở nước ta đã và đang tác động khá mạnh đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của một số cán bộ chính trị cấp phân đội làm nảy nở lề thói thực dụng, không ít chủ nghĩa cá nhân ảnh hưởng tới quá trình nâng cao văn hóa chính trị của họ.
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, là điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… với nhiều thủ đoạn thâm hiểm hòng “phi chính trị hóa” quân đội ta. Mục tiêu của chúng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tập trung hòng phá hoại con người; thúc đẩy sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây mất niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nguyên nhân dẫn đến: “Một số cán bộ cấp phân đội có biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, giảm sút ý chí chiến đấu … thiếu tự giác học tập và rèn luyện giác ngộ giai cấp” [63, tr.116].
Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội ở một số nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Một số cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội. Trong lãnh đạo, chỉ đạo một số chủ thể chưa thường xuyên quan tâm giáo dục văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội; có nơi có việc giáo dục văn hóa chính trị ở các nhà trường là đầy đủ, xem nhẹ công tác rèn luyện, tự bồi dưỡng ở đơn vị cơ sở; hay nâng cao văn hóa là việc của chính uỷ, cơ quan chính trị. Từ đó dẫn đến văn hóa chính trị của một số cán bộ chính trị cấp phân đội chưa thật sự tương xứng với vai trò đảm nhiệm; việc thông qua hoạt động chính trị - xã hội để bồi dưỡng, rèn luyện cho cán bộ chính trị cấp phân đội có lúc còn chưa chú trọng, mà còn bị động, đợi hướng dẫn của trên. Kết quả điều tra xã hội học có 88,0% ý kiến của sĩ quan cho rằng một số cấp ủy còn chưa thực sự quan tâm về văn hóa chính trị [Phụ lục 4.12]; đánh giá cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị về hoạt động bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội có tới 17,4% ý kiến trả
lời chưa quan tâm nhiều và có 2,3% ý kiến trả rất không quan tâm [Phụ lục 4.9]. Thực trạng trên phản ánh công tác lãnh đạo, giáo dục văn hóa chính trị một số đơn vị còn bất cập, là nguyên nhân dẫn đến một số cán bộ chính trị cấp phân đội còn hạn chế về văn hóa chính trị.
Có một thực tế hiện nay, một số cấp ủy đảng, chỉ huy đơn vị còn mắc bệnh thành tích, báo cáo thiếu trung thực về trình độ tri thức, năng lực chính trị và rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ chính trị cấp phân đội: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nội bộ chưa thực sự, đoàn kết thống nhất” [156, tr.36]. Sự hạn chế bắt nguồn từ nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ huy ở một số đơn vị dẫn đến văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội còn hạn chế. Trong báo cáo của Cục Chính trị, Quân khu 2 cho rằng: “Một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa thực sự coi trọng, quan tâm đúng mức tới xây dựng môi trường văn hóa, còn biểu hiện “giao khóan” cho cán bộ chính trị” [8, tr.10]. Qua phỏng vấn cán bộ chủ chốt ở trung đoàn, sư đoàn cũng cho rằng: Một số cấp ủy, người chỉ huy nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa chính trị còn đơn giản [Phụ lục 6]. Từ khảo sát, phân tích trên cho thấy sự lãnh đạo của tổ chức đảng, người chỉ huy, chính uỷ, cơ quan chính trị là nguyên nhân dẫn đến ưu điểm hay hạn chế về văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội hiện nay.
Ba là, chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị cấp phân đội có mặt còn hạn chế, môi trường văn hóa chính trị có một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Văn hóa chính trị của cán bộ chính trị cấp phân đội hiện nay là kết quả mối quan hệ quá trình đào tạo tại trường và công tác bồi dưỡng tại đơn vị. Song quá trình giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở nhà trường hướng tới nâng cao văn hóa chính trị cho người học còn bộc lộ hạn chế. Công tác tạo nguồn và tuyển chọn cán bộ chính trị cấp phân đội còn