Sự Đa Dạng Trong Hướng Tiếp Cận Bối Cảnh Trong Nghiên Cứu Folklore


chỉ thể hiện qua thực tiễn diễn xướng. Và diễn xướng truyện kể không phải là lặp lại nguyên những gì người kể đã nghe mà anh ta sẽ thể hiện lại truyền thống bằng cách riêng của cá nhân mình.

2. Folklore giờ đây không phải là những tác phẩm đã hoàn thành mà được xem như một quá trình (process), như là những lời nói nghệ thuật (verbal art) và lời nói nghệ thuật trong folklore như là sự diễn xướng (verbal art as a performance). Tức là ngôn ngữ folklore là ngôn từ trong hành chức của nó. Khi xét một tác phẩm VHDG ở góc độ ngôn từ trong hoạt động thì phải lưu ý đến tính chất thể hiện nghệ thuật của ngôn từ đó. Việc kể lại câu chuyện trong thực tế là một hành động trình bày có dụng ý nghệ thuật, là sự nhập vai và hoá thân, chịu chi phối của hoàn cảnh xung quanh, sự chấp nhận và đón đợi của cộng đồng. Do vậy, nghiên cứu VHDG không chỉ dừng lại ở văn bản mà còn đặt nó vào môi trường diễn xướng.

3. Trong những tình huống cụ thể, việc kể chuyện và diễn xướng của các cá nhân và nhóm người trong một bối cảnh nảy sinh những tương tác về mặt tâm lí và hành động. Ở một góc độ nào đó, quá trình của folklore là một diễn ngôn nên việc quan sát trực tiếp và ghi lại những phản ứng từ các phía trong một cuộc diễn xướng folklore là những cách làm có giá trị khoa học. Bản thân hành động kể chuyện có những biểu hiện hoàn toàn khác với truyện kể đã hoàn thành. Cũng như vậy, hành động diễn xướng không phải tự thân của người thể hiện mong muốn mà nó được kích thích từ một bối cảnh cụ thể.

1.2.2. Sự đa dạng trong hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu folklore


Dù việc nghiên cứu VHDG trong bối cảnh ở Việt Nam được chú ý vào những năm gần đây nhưng vai trò của bối cảnh trong kể chuyện đã được biết đến từ trước thập niên 60 của thế kỉ XX trên thế giới. Khi mà các nhà folklore Hoa Kì bắt đầu có những bài viết nhấn mạnh yếu tố diễn xướng nhằm


đáp ứng việc phát triển trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội thì “bối cảnh” đã được sử dụng như là một khái niệm có tính phân tích, làm trọng tâm để khám phá những điều kiện mà các tác phẩm folklore đã được sáng tạo, lưu truyền và tiếp nhận. Nhưng để có được khái niệm bối cảnh, nhiều thế hệ các nhà folklore học đã bỏ ra nhiều công sức để khai phá và tìm tòi, mỗi một người đóng góp một vài khía cạnh. Bước chân theo con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng và được ủng hộ ấy, từng đặc điểm của hướng tiếp cận mới dần hiện ra.

Những khai phá bước đầu trong việc nghiêu cứu folklore trong bối cảnh đã được các nhà folklore học Châu Âu khởi xướng trong nhiều công trình rải rác của vài cá nhân. Dựa vào các công trình của tác giả người Đức Joham Gottfried Herder (thế kỉ XVIII) và của anh em nhà Grimm (thế kỉ XIX), người ta thấy rằng phong cách của truyện kể dân gian có nguồn gốc từ những bối cảnh xã hội và văn hoá mà tác phẩm được sáng sạo. Theo Dan Ben-Amos, vào năm 1906, nhà nghiên cứu kinh thánh người Đức Hermann Gunkel đã dùng khái niệm Sitz im Leben (bối cảnh cuộc sống), trong công trình Die israelitische Literatur”, Die orientalischen Literaturen [105]. Sau này để phát triển thêm ý tưởng này trong một số bài viết, H. Gunkel đã tập trung vào việc diễn giải các hình thức khác nhau của các truyền thống truyền miệng tiền văn tự được ghi lại trong Kinh cựu ước, ở khía cạnh xem xét vị trí của các hình thức đó trong đời sống của con người; sự phân biệt giữa các thể loại văn xuôi với văn vần và liên hệ các hình thức đó với các tình huống cụ thể.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.

Khoảng năm 1926, Mark Azadovskii, một đại diện cho quan niệm nghiên cứu folklore trong bối cảnh ở Đông Âu, đã có những quan niệm mới về vai trò người kể trong folklore Nga. Trong bài viết lời giới thiệu cho lần hiệu đính tuyển tập truyện cổ tích sưu tầm ở vùng cao Lenar ở Irkutsk vào


Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 8

năm 1925, Azadovskii đã nhấn mạnh vai trò của người kể trong quá trình kể chuyện. Ông đề nghị phải nghiên cứu người kể trong mối liên quan với chỉnh thể nghệ thuật của câu chuyện được kể. Bài viết đã trình bày một minh chứng về bà Osipovna Vinoukurova, một người mù chữ đã cung cấp cho Azadovskii hơn 50 truyện kể. Bằng cách phân tích các motif cụ thể trong các truyện của người phụ nữ đó, Azadovskii khám phá ra rằng, một số motif hình thành từ bối cảnh lịch sử cụ thể và sự diễn xướng của người kể chuyện phụ thuộc rất lớn vào tình trạng tâm lí của họ [148, tr.234]. Cách kể chuyện của người phụ nữ này thường đan xen yếu tố đạo đức, sự bao dung đậm chất địa phương. Về mặt hình thức, chính vì Vinoukurova coi trọng yếu tố tâm lí nên kết cấu truyện kể của bà thường nghèo nàn chi tiết, ít quan tâm tới bố cục, không coi trọng phần kết, ít quan tâm hư cấu, … Nhìn chung, theo Azadovskii, chính người kể là người quyết định kết cấu truyện dựa trên trạng thái tâm lí của họ trong quá trình câu chuyện diễn ra.

Bổ sung cho vai trò của người kể trong quá trình lưu truyền truyện cổ tích, năm 1948, Carl Withelm Von Sydow đã đề xuất khái niệm “người lưu giữ truyền thống chủ động” [105, tr.485] trong kể chuyện cổ tích. Theo tác giả, chỉ có những người lưu giữ truyền thống chủ động mới có khả năng nhớ nhiều và kể lại một cách hấp dẫn. Còn người nghe thụ động không có khả năng lan truyền dù họ vẫn nhớ nhiều chuyện. Petr Bogatyrev thì cho rằng một tác phẩm được kể bằng lời nói thường biến đổi theo tình huống trình diễn. Thành phần công chúng (người thưởng thức) “nên được xem là một phần của tình huống và phản ứng của công chúng có tác động rất lớn đến người kể” [105, tr.501]. Từ trạng thái này, ông đã đề xuất hai khái niệm: truyền thống (cái bị lệ thuộc về mặt nội dung, không thể thay đổi) và ứng tác (sự sáng tạo của người kể). Ứng tác là yếu tố quan trọng nhất trong kể chuyện, làm nên sự hấp dẫn, tính sâu sắc và sự giải thích cho ý nghĩa của truyện kể. Sau đó, Linda


Dégh, một nhà khoa học khác đại diện cho Đông Âu, đã tập trung vào mối quan hệ giữa truyện kể, người kể và xã hội trong quyển Folktales and Society. Công trình nghiên cứu của bà đã cho thấy sự ảnh hưởng của cá tính và địa vị xã hội của người kể chuyện vào văn bản truyện kể [148, tr.235] và giải thích rò khái niệm “tính ổn định” và “tính liên tục” trong truyền thống. Tính liên tục, vốn phụ thuộc vào người kể lẫn người nghe (tương đương với khái niệm “ứng tác” vừa nêu ở trên), đóng vai trò then chốt trong bối cảnh xã hội; nghĩa là dù người kể có trình bày câu chuyện hấp dẫn cỡ nào đi chăng nữa mà người nghe không cảm thấy hứng thú với câu chuyện đó thì nó sẽ không hề lưu dấu vết trong tâm thức cộng đồng.

Hướng nghiên cứu folklore trong bối cảnh thực sự nở rộ và trở thành một trào lưu có tính đồng bộ trong giới khoa học thực sự hình thành và phát triển từ những năm 1960 ở Hoa Kì. Trong bài viết có tính chất đánh giá về trào lưu theo định hướng bối cảnh và giới thiệu một cách tiếp cận mới [154], Lisa Gabbert đã khái quát lại sự chuyển hướng trong nghiên cứu folklore ở Hoa Kì từ nghiên cứu văn bản sang định hướng hành vi trong giao tiếp. Năm 1967, Dan Ben Amos đề xuất một cách định nghĩa mới cho folklore sau khi chỉ ra cách định nghĩa trước đó đã bị khái niệm hóa, vượt lên trên bản chất và các mối quan hệ nội tại. Trong đó, những cách gọi như là “truyền thống”, “truyền miệng” chỉ đơn thuần nói về tiềm năng hơn là thuộc tính có thể kiểm chứng. Nguyên nhân chính là folklore được coi là tư liệu, tương đương với những sự vật được tập hợp. Từ đó ông đề xuất tiếp cận folklore như một quá trình giao tiếp và folklore là “giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ”. Năm 1968, Roger D. Abrahams đề xuất xem folklore như một hình thức hùng biện để thống nhất việc phân tích hình thức thể hiện và chức năng của nó; ông cũng dùng khái niệm “diễn xướng” (performance) để miêu tả cách mà folklore “đi vào cuộc sống”. Năm 1969, trong hội thảo “Folklore và giao


tiếp”, nhiều nhà folklore học Hoa Kì đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc nghiên cứu folklore trong một bối cảnh văn hóa xã hội (sociocultural context).

Theo Alan Dundes, bối cảnh của một tiết mục kể chuyện là một hoàn cảnh xã hội đặc biệt mà tiết mục đó được “sử dụng thực sự” và khẳng định rằng văn bản và những yếu tố liên quan phải được hiểu không chỉ là có mối quan hệ với bối cảnh mà còn bị bối cảnh gây ảnh hưởng. Do vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu folklore, tài liệu được tìm hiểu không chỉ là văn bản mà còn là bối cảnh bởi lẽ bối cảnh sẽ cung cấp cho chúng ta sự giải thích điều gì quan trọng trong văn bản và tại sao chúng được sử dụng trong hoàn cảnh xã hội đó. Việc phân tích các vấn đề ai kể, kể cái gì, kể với ai, kể khi nào và kể trong hoàn cảnh nào cho phép chúng ta hiểu được tại sao văn bản có một cấu trúc hình thức như vậy. Ngoài ra, theo Dundes, việc bối cảnh định hướng cho văn bản là một bằng chứng cho thấy “bối cảnh có thể cắt nghĩa cho những biến đổi trong văn bản và kết cấu” [105, tr.512]. Hiểu rò bối cảnh hơn sẽ cho phép người nghiên cứu lí giải vì sao có sự khác nhau trong số nhiều câu chuyện cùng loại.

Bối cảnh có liên quan đến hành động kể chuyện một cách tự nhiên và rò ràng. Áp dụng mô hình ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp trong một tình huống kể chuyện, từ năm 1969, Robert A. Georges đã nhấn mạnh rằng: thông điệp của mỗi tình huống kể chuyện được định hướng do sự tương tác hoặc tiếp xúc giữa người kể và người nghe trong sự quy chiếu vào mối quan hệ tương tác có tính xã hội giữa họ, mà hoàn cảnh đó vốn là độc đáo duy nhất cho mỗi dịp kể chuyện. Ông cho rằng "diễn xướng kể chuyện là những sự kiện khác biệt trong giao tiếp của con người và chúng là những trải nghiệm xã hội có một không hai với những người mà tương tác xã hội của họ làm xuất hiện truyện kể" [105, tr.621]. Trên cơ sở đó, cứ liệu phục vụ cho nghiên cứu diễn xướng phải được tìm trong bối cảnh tự nhiên và cần cố gắng để thâu tóm


được toàn bộ bối cảnh ấy. Vì vậy khi một người nào đó kể câu chuyện là anh ta phải đóng một vai, hoá thân vào một “bản sắc” (identity). Vì chỉ có như vậy, anh ta mới có thể đáp ứng với người nghe và để chuyển tải hết thông điệp mà câu chuyện đó mang lại và thông điệp đó tồn tại bên trong các cá nhân tham gia:

Mỗi một sự kiện kể chuyện có lí do tồn tại của riêng nó; rốt cuộc, thông điệp của một câu chuyện (được kể) không thể tách rời khỏi các bình diện khác của sự kiện kể chuyện, và thiếu nó thì không có một thông điệp nào cả [105, tr.616].

Thông điệp của một sự kiện kể chuyện thường chỉ tồn tại trong nhóm người tham gia giao tiếp và mỗi người trong vai của mình sẽ tận hưởng những bản sắc trong quá trình kể chuyện. Từ nhận định này cho thấy muốn hiểu một thông điệp, người nghiên cứu phải tham gia vào sự kiện kể chuyện đó, lắng nghe ý kiến và thái độ của người trong cuộc. Cho nên, nếu nhà nghiên cứu sử dụng các khuôn tâm lí xã hội có sẵn và suy diễn theo chức năng xã hội (góc nhìn bên ngoài) sẽ làm lệch trong tâm của thông điệp từ câu chuyện kể.

Năm 1971, Denis Tedlock đã bổ sung vào việc nghiên cứu quá trình diễn xướng kể chuyện một đặc điểm quan trọng mà người ta ít lưu ý, khiến cho quá trình ghi lại truyện kể bằng văn bản hoặc chuyển dịch sang ngôn ngữ khác bị lượt bỏ, là sự lặp lại có tính chất song song trong lời kể. Từ việc phân tích truyền thống kể chuyện của người Zuni, theo tác giả, kể chuyện truyền miệng có đặc điểm như là thơ mang tính kịch, để dễ nhớ và thu hút, người ta thường lặp lại hoặc dùng những cấu trúc song song, có đoạn chêm vào những câu văn vần, có đoạn ngắt giọng và im lặng [105, tr.648]. Do đó khi văn bản hóa hay chuyển dịch các câu chuyện, nhà nghiên cứu cần phải duy trì tất cả những yếu tố trên thì mới hiểu hết tâm trạng và ý nghĩa mà người kể muốn


mang lại. Vai trò của bối cảnh đối với ý nghĩa của truyện dân gian còn được phân tích cụ thể qua công trình của Barbara Krishenblatt-Gimblett [105Error! Reference source not found.]. Bằng mô tả và phân tích một tình huống sử dụng một truyện ngụ ngôn trong thực tế, bà đã cho thấy vai trò của hành vi ứng xử của con người trong bối cảnh xã hội cụ thể có tác động thế nào tới việc kể và vận dụng truyện ngụ ngôn. Theo đó, quá trình nhận thức của người kể chuyện chịu sự tác động lớn từ các yếu tố va chạm, mâu thuẫn trong bối cảnh với những người khác. Từ sự thay đổi trong nhận thức của người kể, ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn được xác định không phải ở câu chuyện mà là ở “ý nghĩa có tính cụ thể và biến thiên mà những người trong cuộc gán cho nó trong những bối cảnh xã hội nhất định” [105, tr.693].

Một trong những nhà folklore học có quan điểm tiếp cận folklore như một quá trình, đặt vào trong bối cảnh diễn xướng là Richard Bauman. Ông cho rằng: diễn xướng là cách biến một năng lực (tiềm tàng) trở thành một hành động cụ thể và hành động đó phải được người tham gia giao tiếp chấp nhận, đánh giá và có thái độ tác động trở lại. Độ dài của câu chuyện được diễn xướng, không chỉ do trí nhớ của người kể mà còn do thái độ của người nghe. Những người tham gia vào sự kiện diễn xướng phải đóng một “vai” nào đó và có thể bổ sung cho nhau. Để nghiên cứu sự diễn xướng, Bauman đề xuất hai thuật ngữ quan trọng là nhận dạng các “khoá” (key) và “rập khuôn” (patterning) các bối cảnh diễn ra. Nếu như các “khoá” là hệ thống siêu thông tin được sử dụng để báo hiệu, hướng dẫn người nghe về việc diễn xướng, là một tín hiệu báo trước sự bắt đầu việc kể chuyện ở một cộng đồng, thì sự “rập khuôn” (patterning) chính là lưu ý về các bối cảnh, các khuôn mẫu, điều kiện xã hội và tâm lí có khả năng để cho sự diễn xướng có thể xảy ra.

Nhìn chung, những phân tích nêu trên cho thấy việc nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh khác với cách nghiên cứu truyền trống ở ba yếu tố nổi


bật: Thứ nhất, hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh đề cao vai trò người kể, người trình bày hay thể hiện. Trong khi xem xét yếu tố người kể, các yếu tố tâm lí, cá tính, địa vị, tri thức và vốn hiểu biết trở thành vấn đề quan trọng quyết định nội dung của tiết mục folklore được trình bày. Những người có năng khiếu, lưu giữ chủ động sẽ kể nhiều hơn những người lưu giữ thụ động. Qua người kể, ý nghĩa và các giá trị khác của tiết mục trở nên có định hướng và phù hợp với bản thân anh ta. Thứ hai, cách thức và cơ cấu thể hiện là yếu tố chiếm vai trò nền tảng cho việc lĩnh hội một tiết mục diễn xướng VHDG. Ở góc nhìn này, công chúng tham gia được xem là một phần của tiết mục, các yếu tố truyền thống cộng đồng và ứng tác cá nhân có sự cọ xát để tạo ra những cách trình bày mới. Sự phê chuẩn và chấp nhận của cộng đồng đối với một tiết mục, sự gợi ý của cộng đồng về ý nghĩa của câu chuyện và sự hóa thân vào bản sắc mới trong diễn xướng và những cách thức tạo yếu tố “rập khuôn” báo hiệu câu chuyện bắt đầu … là những đặc điểm về cách thức tổ chức một tác phẩm VHDG đi vào hiện thực. Thứ ba, trong đặc điểm ngôn ngữ thể hiện, các yếu tố đơn giản hóa, sự lặp lại có tính song song trong lời kể, các “khóa” để báo hiệu bắt đầu tình trạng trình diễn, … là các vấn đề mới, có tác động đến định hướng lí giải ý nghĩa của tác phẩm. Giá trị của tiết mục giờ đây không chỉ nằm ở trong ngôn ngữ mà còn là các yếu tố “siêu ngôn ngữ”. Ý nghĩa của sự kiện kể chuyện không chỉ nằm ở nội dung được kể mà còn ở thông điệp (gồm cả các yếu tố phi ngôn ngữ và siêu ngôn ngữ) được gửi qua một hoạt động.

Tuy nhiên, qua bức tranh mà hướng tiếp cận bối cảnh đã có, vẫn còn thấy có rất nhiều vấn đề cần phân định và thống nhất một cách hiểu về cách nghiên cứu VHDG trong bối cảnh.

Xem tất cả 284 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí