Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 4


phương pháp xử lí của những người làm tổng tập là đặt ra một số tiêu chuẩn mang tính kĩ thuật để lấy đó làm nguyên tắc tuyển lựa. Giá trị tham khảo và tra cứu là đặc trưng cho nhóm tư liệu này.

Bên cạnh các tài liệu bằng tiếng Việt, NXB Giáo dục có ấn hành bộ truyện cổ Khmer dạng song ngữ. Đây là dạng tài liệu biên soạn để giảng dạy cho học sinh người dân tộc trong các trường phổ thông ở các địa phương có người Khmer sinh sống. Loại tài liệu này lấy các truyện dân gian đã được lưu truyền để biên soạn với hình thức song ngữ Khmer-Việt. Do cách tư duy của người biên soạn song ngữ, có những điểm khác biệt so với cách kể bằng tiếng Khmer hay kể bằng tiếng Việt, nên phần văn bản các truyện này có đôi chỗ thiếu tự nhiên khi hành văn. Tiêu biểu cho dạng này là công trình Chuyện kể Khmer (5 tập) của các tác giả Lâm Es, Sơn Phước Hoan, Trần Chinh, Trần The, Sơn Ngọc Sang, Sơn Wang, Lâm Xai, Thạch Xarat [32, 52, 53, 138]. Với 106 truyện dân gian đủ các thể loại, trong đó truyện về loài vật và truyện ngụ ngôn chiếm số lượng cao, tuyển tập này cho thấy nỗ lực của các bậc trí thức Khmer trong việc bảo tồn và phổ biến vốn truyện dân gian của tộc người mình cho thế hệ sau. Do đối tượng đọc sách là học sinh và yêu cầu giáo huấn trong nhà trường nên có một số chuyện không phải là truyện kể dân gian mà chỉ là những mẩu tin ngắn mang tính thời sự trên báo chí viết về lễ hội và gương người tốt việc tốt cũng được đưa vào.

Bên cạnh việc sưu tầm thì việc nghiên cứu VHDG Khmer Nam Bộ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đến nay, việc nghiên cứu VHDG người Khmer trong các công trình học thuật chưa thật sự nhiều. Đối với luận văn thạc sĩ, nghiên cứu VHDG Khmer và truyện kể Khmer đã được thực hiện trong một số trường đại học. Trong sự hiểu biết của mình, chúng tôi đã tiếp cận một số công trình nghiên cứu về một thể loại VHDG người Khmer, hoặc khảo sát nguồn truyện dân gian của một vùng, một lĩnh vực đời sống có liên


quan đến ý nghĩa và giá trị của truyện kể, có thể kể đến như: Khảo sát nguồn truyện dân gian Khmer Nam Bộ [123], Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ [71], Đặc điểm truyện ngụ ngôn Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long [112], Cổ tích Khơ me ở đồng bằng Sông Cửu Long [126]…Nhóm các nghiên cứu này đã góp phần xác định các giá trị của nguồn truyện dân gian Khmer dưới góc độ văn bản và tiếp cận theo hướng thi pháp. Một số công trình đi sâu vào tìm hiểu kĩ một thể loại và bước đầu đã có những hướng đi theo phương pháp đặt tác phẩm vào bối cảnh. Điểm chung các công trình nêu trên là đã tìm hiểu các thể loại truyện dân gian dựa trên văn bản, nêu được đặc điểm cơ bản thi pháp các thể loại cổ tích, truyện cười và ngụ ngôn Khmer. Phát hiện cơ bản của những công trình trên cũng thừa nhận yếu tố văn hóa tộc người và văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo đã chi phối mạnh mẽ kết cấu lẫn ý nghĩa của các thể loại truyện kể.

Về luận án tiến sĩ, trong tư liệu chúng tôi khảo sát được, đến nay, công trình Khảo sát truyện kể dân gian Khơ me Nam Bộ (Thần thoại – Truyền thuyết – truyện cổ tích) của Phạm Tiết Khánh công bố năm 2007 [68] là luận án duy nhất viết về truyện dân gian Khmer Nam Bộ. Trong công trình này, tác giả bước đầu đã hệ thống lại nguồn truyện dân gian Khmer ở Nam Bộ, sưu tầm thêm một số tác phẩm ở Trà Vinh, Sóc Trăng, đi đến nhận xét đánh giá để rút ra những đặc điểm chính của các thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích. Luận án đã đi vào xem xét thể loại (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích) bằng cách dựa trên văn bản để phân tích và so sánh đối chiếu 195 bản kể. Phương pháp cơ bản của công trình này là dựa trên cơ sở ngôn ngữ học và phương pháp tham khảo văn hóa dân gian để lí giải giá trị tác phẩm (so sánh, thống kê, phân tích, liên ngành). Qua hơn 200 trang viết luận án, tác giả đã rút ra những kết luận về đặc điểm của các thể loại VHDG Khmer: thần thoại thì “hồn nhiên trong cách lí giải tự nhiên, trí tưởng tượng bay bổng đan xen chặt


chẽ với chiều sâu triết học về cách lí giải thế giới , nhưng “tản mác và vỡ vụn” [68, tr.197]; truyền thuyết thì “gắn liền với giải thích nghi lễ và lễ hội, nhóm truyền thuyết giải thích địa danh có cốt truyện đơn giản, tính kì ảo mờ nhạt … nhưng hấp dẫn ở cách nhìn tươi mới, ở tính hiện thực gia tăng, ở tình cảm sâu nặng” [68, tr.199]; và cổ tích thì “số lượng truyện kể về chằn cao hơn các nhân vật khác do tín ngưỡng thờ rắn và những trải nghiệm trong cuộc sống dày đặc kênh rạch và đầm lầy nhiều rắn rết thú dữ; truyện cổ tích Khmer cũng khai thác các đề tài chốn cung đình nhiều hơn” [68, tr.200]. Cho đến nay, đây là công trình có quy mô lớn trong nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ.

Nhìn chung, các công trình vừa điểm qua cho thấy sự phát triển trong quá trình nghiên cứu VHDG Khmer Nam Bộ và bước đầu ứng dụng hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG tại Việt Nam. Những công việc đó đọng lại trong giới nghiên cứu những vấn đề sau đây:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.

1) Từ những tác phẩm đầu tiên nhìn nhận VHDG Khmer Nam Bộ như một bộ phận của văn hóa, dùng truyện kể để giải thích các phong tục tập quán đến việc xem truyện dân gian như là một đối tượng nghiên cứu độc lập cho thấy sự phát triển theo hướng đi vào chiều sâu trong phương pháp tiếp cận. Những công trình học thuật chọn truyện dân gian Khmer Nam Bộ ngày càng nhiều cho thấy vị trí của nền VHDG của tộc người thiểu số này ngày càng được nâng cao trong giới nghiên cứu KHXH&NV. Như vậy, thành tựu trước hết mà các nhà nghiên cứu VHDG Khmer Nam Bộ là sự sưu tầm, tổng hợp một khối lượng đáng kể tác phẩm văn học dân gian, trong đó có truyện kể. Tuy nhiên, như nhiều tộc người khác, việc nghiên cứu nền VHDG Khmer Nam Bộ chủ yếu tập trung ở việc sưu tầm, văn bản hóa và nghiên cứu trên văn bản. Nghiên cứu diễn ngôn kể chuyện trong hoàn cảnh thực tế còn đặt ra nhiều vấn đề cho người nghiên cứu.


Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 4

2) Trên thực tế, việc nghiên cứu folklore về tộc người Khmer Nam Bộ vẫn còn hạn chế về số lượng. Trong một bài viết mang tính tổng thuật và đánh giá tình hình nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số từ năm 1960 đến nay, Đỗ Thị Thu Huyền [59] đã thống kê và nhận định toàn bộ các bài báo trong hơn nửa thế kỉ xuất hiện trên tạp chí Nghiên cứu Văn học. Theo đó, trong mảng VHDG, có tổng cộng 139 bài viết, chiếm 64% tổng số bài viết về văn học dân tộc thiểu số, tập trung vào 2 lĩnh vực: sưu tầm công bố đánh giá bước đầu nghiên cứu chuyên sâu. Đối với lĩnh vực sưu tầm, đa phần các bài báo tập trung nhiều nhất là giới thiệu nguồn folklore của các dân tộc Thái, H’Mông, Mường, và Êđê [59, tr.108], không có người Khmer Nam Bộ. Về phần nghiên cứu chuyên sâu, qua nhiều dẫn chứng đều cho thấy, văn học Khmer Nam Bộ chưa phải là đối tượng chính trong các công trình ấy. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với VHDG Khmer Nam Bộ chưa tương xứng với thực tế vốn có của nó. Do vậy, việc nghiên cứu nguồn VHDG của tộc người này là một đòi hỏi mang tính thực tiễn cao.

3) Hướng nghiên cứu folklore trong bối cảnh đã được nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam chấp nhận qua các công trình giới thiệu lí thuyết và ứng dụng trong folklore phương Tây và Hoa Kì. Việc giới thiệu các lí thuyết đó đến nay đạt được ở mức độ trình bày định hướng nghiên cứu, phân biệt về nguyên tắc tiếp cận so với các phương pháp cũ và bước đầu vận dụng vào việc tìm hiểu tục ngữ trong bối cảnh tác phẩm văn học. Việc nghiên cứu trong bối cảnh thực sự một tác phẩm VHDG bằng những thao tác cụ thể, tiến đến quy phạm hóa các yếu tố về phương pháp tiếp cận và quy chuẩn hóa cách thức lí giải là điều mà giới nghiên cứu folklore ở nước ta đang chờ đợi.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


Đối tượng tập trung của luận án là nguồn truyện dân gian Khmer ở Nam Bộ dưới ánh sáng của lí thuyết nghiên cứu folklore trong bối cảnh. Do đây là lí thuyết nghiên cứu mới, chưa có nhiều tài liệu và kết quả khoa học ứng dụng có tính tiền đề ở Việt Nam nên người viết có phần tập trung nhiều cho việc giới thiệu lí thuyết bên cạnh công tác thực nghiệm trong luận án. Mặc dù tên đề tài đặt mục tiêu là “nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ” nhưng để thực hiện tốt trọng tâm đó thì luận án tập trung vào làm rò lí thuyết “góc nhìn bối cảnh” khá đậm nét. Liên quan đến vấn đề này, để có sự nhất quán trong toàn bộ công trình, chúng tôi xin quy ước một số vấn đề có tính chất công cụ như sau:

4.1. Khái niệm truyện dân gian: gồm các văn bản đã in và nguồn thu thập được từ thực tế đáp ứng các tiêu chí thể loại truyện; các bản ghi chép điền dã của tác giả luận án về các yếu tố tạo bối cảnh và nội dung câu chuyện được kể dưới góc độ bối cảnh. Ở đây, với hướng “nghiên cứu trường hợp” trong quá trình diễn xướng, thì các khái niệm “nguyên bản”, “dị bản”, và “VHDG hiện đại” không phải là đối tượng của luận án, bởi chúng được sử dụng trong một hướng tiếp cận khác. Do đó, khái niệm “bản kể”, “tác phẩm” đôi khi sẽ được gọi là một “tiết mục” (item) hay một diễn ngôn kể chuyện, tức là một câu chuyện được diễn xướng. Khái niệm này cũng không trùng với khái niệm quốc tế “folktale” (vốn để chỉ truyện cổ tích) mà gần với khái niệm “narrative” (chỉ các tác phẩm dạng kể hay trần thuật). Vì vậy khái niệm truyện dân gian trong luận án này có ý nghĩa như một loại hình VHDG.

4.2. Giới hạn phạm vi khái niệm người Khmer Nam Bộ: Nếu lấy phạm vi địa lí mà suy, thì phải tính đến giới hạn đất đai của các địa phương từ giáp ranh Bình Thuận trở vào đến Cà Mau, gồm cả ba khu vực: Đông Nam Bộ, Sài


Gòn – Gia Định, nay là Tp. Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ (tức ĐBSCL). Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người Khmer cư trú ở ĐBSCL chiếm 98% số người Khmer trên vùng Nam Bộ [40, tr.7]. Vì vậy, khi nói đến khái niệm “người Khmer Nam Bộ”, đa phần sẽ chỉ nhóm người cư trú ở các tỉnh miền Tây Nam của tổ quốc. Thêm vào đó, trong các tỉnh ĐBSCL, thì người Khmer định cư chủ yếu trên 20 huyện của 9 tỉnh, thành: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Trong số đó, “Ở đồng bằng Sông Cửu Long, người Khmer sinh sống tập trung đông nhất (trên dưới 30% tổng số dân địa bàn) chủ yếu là ở bốn khu vực Sóc Trăng(…), Trà Vinh (…), An Giang (…) , và Kiên Giang (…)” [40, tr.8,9]. Do vậy, khi tiến hành nghiên cứu thực tế, chúng tôi chọn mẫu giới hạn ở bốn địa phương ấy. Thêm vào đó, việc nghiên cứu trong môi trường diễn xướng là dạng nghiên cứu trường hợp (case study), là “giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ” nên yêu cầu khái quát với số lượng lớn là không thể và cũng không cần thiết.

4.3. Về một số khái niệm có nguồn gốc từ folklore thế giới, chúng tôi cũng có một số quy ước như sau. Khái niệm bối cảnh là thuật ngữ được dịch từ thuật ngữ chuyên ngành folklore Hoa Kì - context. Bối cảnh được hiểu ở ba cấp độ: Thứ nhất là không gian, thời gian, và các hoạt động cụ thể của con người góp phần sản sinh VHDG. Thứ hai là các yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, trao đổi để một câu chuyện được kể ra. Thứ ba là các yếu tố về phần trước và phần sau trong một câu chuyện có tính chất ràng buộc đối với trình tự các phần của câu chuyện đó. Bối cảnh có thể đơn lẻ tồn tại trong phạm vi một vài cá nhân (trò chuyện, vui đùa, ăn uống,…) nhưng cũng có thể trong phạm vi tập thể nhiều người (đi làm đồng, dự lễ hội, đám tiệc,…) và rộng hơn là một dân tộc (lịch sử văn hóa của tộc người). Với ý nghĩa là một sự chuyển hướng mang tính phương pháp, khái niệm bối cảnh sẽ được


bàn kĩ ở phần nội dung luận án. Ở đây, chúng tôi quan niệm, với ý nghĩa của một thuật ngữ, bối cảnh được hiểu rộng hơn nhiều so với cách hiểu thông thường.

Đối với khái niệm hướng tiếp cận (approach), chúng tôi quan niệm như sau: Đây là thuật ngữ nghiên cứu mang tính quốc tế, nó tương đương với thuật ngữ phương pháp (method), nghĩa là cách thức tiến hành nghiên cứu một đối tượng trong khoa học. Hướng tiếp cận bối cảnh là phương pháp nghiên cứu một đối tượng theo cách đặt đối tượng đó vào hoàn cảnh thực tiễn, xem xét các yêu tố bên ngoài văn bản, thuộc bối cảnh. Trong tiếng Việt, tương đương với việc vận dụng thuật ngữ vừa nêu vào nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ, các cách diễn đạt sau đây được quy ước là đồng nghĩa: nghiên cứu VHDG dưới góc nhìn bối cảnh, nghiên cứu VHDG trong bối cảnh, nghiên cứu VHDG theo hướng bối cảnh, tiếp cận VHDG đặt trong bối cảnh, tiếp cận theo định hướng bối cảnh đối với VHDG. Đôi khi, để diễn đạt cho đa dạng, tránh lặp từ, chúng tôi sử dụng cách nói hướng tiếp cận bối cảnh hay hướng tiếp cận bối cảnh diễn xướng cũng với ý định là cách nói ngắn gọn của tiếp cận theo định hướng bối cảnh đối với VHDG. Bối cảnh là một định hướng nghiên cứu chứa đựng trong đó nhiều lí thuyết, tích hợp nhiều phương pháp từ các ngành khoa học kế cận. Cho nên, chúng tôi không chủ trương dùng khái niệm lí thuyết bối cảnh trong luận án này.

Dù còn nhiều cách suy nghĩ khác nhau thậm chí là đối lập nhau giữa các nhà nghiên cứu trong nước với nhau hoặc trong nước với thế giới nhưng chúng tôi cũng sử dụng thuật ngữ folklore trong luận án với cách hiểu tương đương với thuật ngữ Văn học dân gian ở một số trường hợp. Đối với các thuật ngữ có tính quốc tế như type (tiếng Việt phiên âm là “típ”), motif (tiếng Việt phiên âm là “mô típ”), logic (tiếng Việt phiên âm là “lô-ghích”), v.v. chúng tôi thống nhất cách viết quốc tế, không phiên âm tiếng Việt trong luận án. Các


danh từ riêng chỉ người, địa danh, tên tác phẩm, chúng tôi thống nhất ghi theo ngôn ngữ quốc tế - tiếng Anh (chẳng hạn, sẽ dùng từ Plato chứ không dùng Platon). Danh từ riêng chỉ tộc người Khmer, chúng tôi thống nhất cách ghi là “Khmer”, chứ không ghi theo phiên âm “Khơ Me”. Vì lẽ theo âm đọc thực tiễn, tiếng “Khmer” đọc bằng một âm chứ không phải hai âm, trong đó, “Khm” là một phụ âm kép. Ngoài ra, trong văn bản hành chính hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng ghi là “Khmer”.

4.4. Do nghiên cứu phần ngữ văn trong tổng thể văn hoá dân gian của một tộc người nên việc tìm hiểu các vấn đề văn hoá có liên quan là cần thiết. Tuy nhiên dưới góc nhìn bối cảnh – một lí thuyết còn mới và chưa có nhiều công trình tiếp cận - nên việc sử dụng ngôn ngữ để ghi lại các tác phẩm trong quá trình sưu tầm và xử lí cũng cần phải được thống nhất. Chúng tôi thống nhất sử dụng tiếng Việt để ghi nhận tư liệu. Nếu tư liệu có được bằng tiếng Khmer, chúng tôi quy ước là sẽ Việt hoá để phân tích, dù biết rằng công việc này đôi lúc sẽ làm giảm đi bản chất thẩm mĩ và cơ cấu của tác phẩm nguyên gốc. Ở một vài chỗ cần phải giữ nguyên ngôn ngữ để minh hoạ cho các vấn đề liên quan đến diễn xướng, luận án sẽ dùng cách thức phiên âm bằng chữ Latin và dịch nghĩa bằng tiếng Việt.

4.5. Đối với thuật ngữ “chuyện” và “truyện”, chúng tôi sử dụng theo các thuật ngữ lí luận văn học hiện thời. Theo Nguyễn Thái Hòa, “Chuyện thuộc những gì trong kí ức, diễn biến trong thời gian mà con người có thể ghi nhớ, tái hiện theo trật tự thời gian, còn truyện là kết quả của hành động kể lại một câu chuyện nào đó” [50, tr.233]. Ngoài ra, khái niệm truyện còn có nghĩa là một thể loại tự sự, một kiểu loại tự sự dân gian chỉ các loại truyện kể. Vì vậy, truyện thường được xem là sản phẩm của hành động kể chuyện, có liên quan đến công việc văn bản hóa. Khi một người kể chuyện tức là người đó dùng lời nói, hành vi, thái độ, giọng điệu để chuyển tải một câu chuyện đến

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022