với người đọc, người nghe. Còn khi dùng khái niệm truyện kể dân gian nghĩa là câu chuyện được một chủ thể kể lại ở giai đoạn đã hoàn thành, đã được cố định bằng chữ viết, hoặc âm thanh.
5. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu VHDG trong bối cảnh là hướng tiếp cận mang tính tổng thể, liên ngành, đặt nền tảng trên ba ngành khoa học: ngôn ngữ học, nhân học văn hóa và tâm lí học hành vi. Để giải quyết các vấn đề đặt ra, luận án sử dụng nguyên tắc tiếp cận tổng thể và các phương pháp liên ngành mà trọng tâm là ba ngành khoa học nêu trên, cụ thể như sau:
5.1. Các phương pháp ngôn ngữ học: VHDG là một phận của văn hoá dân gian nhưng về bản chất vốn là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, có tư tưởng và giá trị thẩm mĩ. Do đó, việc sử dụng các phương pháp ngôn ngữ học trở thành một nguyên tắc tất yếu. Phương pháp này nhằm giúp làm rò những giá trị của tác phẩm ở mặt cấu trúc văn bản. Các thuật ngữ motif, type truyện, kết cấu, so sánh các bản kể … là những khái niệm sẽ được sử dụng để mô tả, phân tích phần ghi chép và các truyện dân gian Khmer đã được văn bản hóa. Các phương pháp ngữ văn sẽ được vận dụng xen kẽ với các phương pháp khác xuyên suốt luận án. Bên cạnh đó, một số khái niệm và cách phân tích của ngôn ngữ học (diễn ngôn, kết cấu, cấu trúc, văn bản, bối cảnh, phát ngôn, …) cũng được vận dụng trong quá trình kiến giải ý nghĩa của truyện dân gian.
5.2. Các phương pháp theo hướng nhân học văn hoá: Do luận án có yêu cầu vận dụng các phương pháp nghiên cứu theo hướng bối cảnh nên việc sử dụng các phương pháp của nhân học văn hoá sẽ có ích trong việc định hướng các kĩ thuật tiếp cận cho hướng nghiên cứu này. Trong chương III và chương IV, các phương pháp nhân học văn hóa sẽ sử dụng với tần suất cao để
thiết lập các cách thức ghi nhận diễn ngôn kể chuyện và kiến giải truyện theo bối cảnh. Cụ thể, luận án sẽ sử dụng một số phương pháp cơ bản sau:
- Khảo sát điền dã: là cách mà người nghiên cứu thâm nhập vào một cộng đồng, một nhóm người Khmer ở một địa phương nào đó trong vùng Nam Bộ để sưu tầm nguồn truyện dân gian hiện tồn. Đây là phương pháp cổ điển nhất của nhân học văn hóa. Thông qua các kĩ thuật quan sát, tham gia, phỏng vấn, trắc nghiệm, thể nghiệm cư trú, … phương pháp này coi trọng việc ghi chép chi tiết “sự thật đang diễn ra”, và những xúc cảm, suy nghĩ, phỏng đoán mà nhà nghiên cứu có được khi đặt mình vào bối cảnh văn hoá, hoàn cảnh sống thực tế nơi tác phẩm diễn ra để lí giải, tìm hiểu. Bổ trợ cho phương pháp này, chúng tôi còn áp dụng nguyên tắc tiếp cận theo chủ nghĩa tương đối văn hóa (cultural relativism) và phương pháp quan sát- tham gia (observe – participant). Nghĩa là, khi nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ trong bối cảnh, người viết phải tiến hành thâm nhập vào thực tế để ghi lại diễn biến của một bối cảnh mà câu chuyện được kể bằng một thái độ khách quan, thâu tóm tất cả những gì mà tất cả những người tham gia thực hiện. Để làm được điều đó, người điền dã ngoài việc tuân thủ nguyên tắc không có một thước đo duy nhất cho mọi hệ thống văn hoá thì cần phải sống cùng với những người dân mà mình muốn khảo sát.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 2
- Nghiên Cứu Truyện Dân Gian Khmer Nam Bộ - Cái Nhìn Tổng Quan
- Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 4
- Văn Bản Truyện Dân Gian Nghiên Cứu Theo Hướng Ngữ Văn
- Nghiên Cứu Folklore Trong Bối Cảnh – Khuynh Hướng Mới Ở Phương Tây.
- Sự Đa Dạng Trong Hướng Tiếp Cận Bối Cảnh Trong Nghiên Cứu Folklore
Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.
Liên quan đến phương pháp này, còn có hai khái niệm cần phải nhắc đến là cái nhìn của người trong cuộc(emic) và của người ngoài cuộc (etic). Đây không phải là một phương pháp mà là một nguyên tắc khi vận dụng vào công tác điền dã. Nếu như etic là sự đánh giá, nhận định của nhà nghiên cứu, vốn không liên quan đến cộng đồng tộc người bản địa thì cái nhìn emic là nỗ lực của người trong cuộc, người tại chỗ, người kể chuyện và người nghe chuyện để lí giải ý nghĩa và giá trị của truyện kể theo cách thức của họ.
-Nghiên cứu so sánh/ so sánh liên văn hóa: đây là một trong những phương pháp trọng tâm của nhân học. Người nghiên cứu phải so sánh với những nền văn hóa khác hoặc những yếu tố trong cùng một nền văn hóa. Đối với truyện dân gian Khmer Nam Bộ, việc so sánh các góc nhìn khác nhau về một câu chuyện được kể sẽ mang đến những cách hiểu vừa sâu vừa rộng cho đối tượng. Việc so sánh sẽ giúp cho những ghi nhận mang tính chủ quan của người điền dã được lí giải một cách thuyết phục hơn và vững chắc hơn. Hỗ trợ cho phương pháp này còn có phương pháp xã hội học theo thuyết cơ cấu (nghiên cứu lịch đại). Đại để, đây là phương pháp đối lập với phương pháp quan sát tham gia. Bởi lẽ nó cho rằng: nhà nghiên cứu phải giữ khoảng cách với thực tế và tìm hiểu thông qua những người có hiểu biết. Nghĩa là khi nghiên cứu một hiện tượng văn hoá dân gian phải để cho hiện tượng ấy lắng đọng lại, tạo nên chiều sâu, gạt bỏ những yếu tố thừa. Muốn hiểu thật kĩ và toàn diện, người nghiên cứu phải giữ khoảng cách với hiện tượng ấy để có góc nhìn tỉnh táo. Phương pháp này cũng chỉ ra rằng khi phỏng vấn phải chọn những người có hiểu biết, có khả năng lưu giữ truyền thống tốt.
5.3. Các phương pháp tâm lí học: Để phân tích các dữ liệu và ý kiến đánh giá của những người được phỏng vấn, các ý kiến của chuyên gia, luận án còn sử dụng các phương pháp tâm lí học hành vi. Các phương pháp này có xu hướng tách khỏi những vấn đề mang tính lí thuyết mà tập trung hướng vào sự quan sát hành vi của đối tượng và người nghiên cứu sẽ rút ra kết luận từ sự quan sát và phân tích hành vi. Chẳng hạn một hành động kể chuyện hay lí giải một chi tiết nào đó của người kể có thể là kết quả của một sự kích thích từ bối cảnh bên ngoài hoặc từ người nghe. Với cách đó, phương pháp tâm lí học kì vọng sẽ hiểu sâu hơn về tâm lí của sự thể hiện các tác phẩm truyện kể dân gian. Việc thiết kế các công cụ ghi chép lại diễn ngôn kể chuyện ở chương III của luận án đòi hỏi tác giả sẽ vận dụng các nguyên tắc từ tâm lí học hành vi.
6. Đóng góp của luận án
6.1. Về mặt lí luận: Với mục tiêu nghiên cứu lí thuyết và ứng dụng bước đầu, luận án không chỉ khái quát về tình hình nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ mà còn phân tích để thấy rò những vấn đề còn tồn tại của các công trình đi trước. Để khắc phục những bất cập đó, luận án sẽ giới thiệu khuynh hướng nghiên cứu folklore trong bối cảnh đi từ lịch sử hình thành, các quan niệm lí thuyết để tiến tới xây dựng mô hình bản ghi chép khi điền dã, thu thập truyện dân gian và các phương pháp kiến giải truyện dân gian Khmer trong bối cảnh. Quá trình đó chính là những đóng góp cơ bản của công trình này về mặt lí thuyết.
6.2. Về mặt thực tiễn: Việc đặt tác phẩm trong bối cảnh giao tiếp nghệ thuật, ghi lại những phản ứng về thái độ của người kể và người nghe trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ góp phần cho việc lí giải các giá trị của tác phẩm VHDG có những luận điểm mới. Kết quả nghiên cứu của đề tài là những sản phẩm ghi chép việc kể chuyện trong bối cảnh với những cách trình bày thấy rò nhiều yếu tố khác ngoài văn bản. Ngoài ra, việc kiến giải truyện kể với những tiêu chí từ người kể, người nghe, các yếu tố môi trường, truyền thống, sự tương tác, … sẽ mang đến cho việc tìm hiểu VHDG những góc nhìn mới, nhiều tiềm năng.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và phụ lục, luận án được triển khai trong 04 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Tổng quan về lí thuyết và ứng dụng trong nghiên cứu truyện dân gian dưới góc nhìn bối cảnh.
Để có cái nhìn biện chứng trong quá trình nghiên cứu, luận án bắt đầu từ việc đánh giá lại các phương pháp nghiên cứu VHDG theo hướng “lấy văn
bản làm trung tâm” để thấy rằng: bên cạnh những điều đã làm được của các nhà nghiên cứu cấu trúc văn bản, thì những điều bất cập cũng theo cách đó bộc lộ ra (lối biên tập theo kiểu tinh hoa, việc xây dựng các bảng tra cứu, tình trạng tranh luận các vấn đề nảy sinh trong thực tế sưu tầm VHDG, …). Việc khắc phục những hạn chế đó được định hướng bằng lí thuyết tiếp cận folklore như một quá trình, cụ thể hơn là nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh. Để làm được điều đó, luận án đã đề xuất về sự thay đổi trong hướng thu thập tư liệu và trong cách phân tích ý nghĩa.
Chương 2: Không gian văn hóa tộc người và những vấn đề về truyện dân gian Khmer Nam Bộ.
Để có cơ sở về việc lựa chọn bối cảnh và những cơ cấu trong cuộc sống sinh hoạt thuận lợi cho việc kể chuyện dân gian, trong chương này, luận án đi sâu vào đặc điểm văn hóa và đặc trưng tộc người Khmer Nam Bộ. Với mục tiêu chọn lựa những yếu tố nào liên quan đến việc hình thành bối cảnh, luận án không khảo sát tất cả các vấn đề liên quan đến tộc người mà chỉ lựa chọn các yếu tố văn hóa có liên quan (chủng tộc, cư trú, tín ngưỡng, phong tục) để phân tích. Bên cạnh đó, nhằm làm cơ sở cho việc nghiên cứu truyện dân gian theo hướng tiếp cận mới, chương này cũng nhìn nhận lại những điều mà các hướng nghiên cứu truyền thống đã thực hiện. Qua đó, vấn đề sưu tầm và phân loại truyện theo văn bản và theo góc nhìn tộc người đã hé lộ những đòi hỏi về việc thực hiện nghiên cứu thể loại VHDG trong bối cảnh.
Chương 3: Xây dựng các công cụ ghi nhận truyện dân gian Khmer Nam Bộ trong bối cảnh.
Nghiên cứu VHDG trong bối cảnh là một hướng đi mới, có nhiều quan điểm và cách thức tiếp cận ở góc độ định hướng nhưng còn chưa phong phú trong việc đề xuất các phương pháp và kĩ thuật nghiên cứu. Do đó, để
tiến hành thực hiện các công việc cụ thể đối với nghiên cứu truyện dân gian Khmer trong bối cảnh, chương này sẽ xây dựng các bộ công cụ để ghi chép, nắm bắt các câu chuyện diễn ra trong bối cảnh thực tế. Các công cụ ấy được xây dựng dựa trên sự kết cấu của bối cảnh, những quy trình và nguyên tắc ghi chép điền dã của nhân học văn hóa và những nguyên tắc nghiên cứu đối tượng của tâm lí học hành vi. Sản phẩm của nhiệm vụ này là xây dựng được mô hình để ghi nhận truyện dân gian.
Chương 4: Một cách kiến giải truyện dân gian Khmer Nam Bộ dưới góc nhìn bối cảnh.
Để lí giải ý nghĩa và giá trị của truyện dân gian Khmer theo hướng nghiên cứu mới, luận án đã đề xuất việc kiến giải thay cho việc giải thích hay lí giải theo tập quán nghiên cứu thông thường. Nếu việc lí giải, phân tích hay giải thích là thừa nhận ý nghĩa chứa đựng, có sẵn trong văn bản ngôn từ là đặc điểm của nghiên cứu truyền thống thì trong nghiên cứu VHDG theo định hướng bối cảnh, ý nghĩa của tác phẩm là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố, trong đó, có sự kiến giải của chủ thể diễn ngôn kể chuyện và người tham dự là những yếu tố nổi trội. Nó là một quá trình tạo nghĩa chứ không đơn thuần là giải nghĩa. Từ những hoàn cảnh tạo nghĩa như vậy, luận án đúc kết một số đặc điểm nhận thức của người Khmer về giá trị và ý nghĩa của truyện kể dân gian.
NỘI DUNG
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ LÍ THUYẾT VÀ ỨNG DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU TRUYỆN DÂN GIAN DƯỚI GÓC NHÌN BỐI CẢNH
1.1. Nghiên cứu truyện dân gian theo văn bản - những điều nhìn lại
Nghiên cứu VHDG trên thế giới từ trước đến nay luôn là một trong những ngành khoa học phức tạp vì hướng tiếp cận của nó khá đa dạng, nhiều lí thuyết được áp dụng với nhiều mức độ tiếp cận khác nhau. Trong bức tranh nhiều đường nét đó, từ những năm giữa thế kỉ XIX và suốt thế kỉ XX, nghiên cứu VHDG theo hướng “thụ động” qua văn bản được xem là chủ đạo. Đối với Việt Nam, đây là cách tiếp cận truyền thống. Trong đó, truyện dân gian là một trong những thể loại được nghiên cứu từ văn bản với số lượng nhiều nhất. Khái niệm “thụ động” ở đây được hiểu trong thế đối lập với hướng nghiên cứu đi vào thực tiễn đời sống, lấy quan sát trực tiếp của nhà nghiên cứu làm đối tượng để phân tích và suy nghĩ. Lối nghiên cứu thụ động chấp nhận đối tượng nghiên cứu là những gì được xem là ổn định (đa số là văn bản), vốn là sản phẩm của quá trình chủ động thu thập trước đó. Cũng không nên hiểu khái niệm thụ động với sắc thái chê bai hay đánh giá không ưu thế so với lối tiếp cận thực tiễn. Bởi lẽ sự sàng lọc qua nhiều nhân tố trong quá trình văn bản hóa cũng là một cách làm khiến cho tư liệu văn bản trở nên đáng tin cậy hơn, có tính chỉnh thể hơn so những góp nhặt đôi khi rất vụn vặt trong đời sống thực tế. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu theo hướng chủ động đòi hỏi một sự cố gắng lớn cả về thời gian, phương tiện vật chất lẫn sự kiên nhẫn và sự vận dụng tốt các phương pháp vừa có tính nguyên tắc trong việc nắm bắt ngôn bản vừa có tính hỗ trợ những yếu tố ngoài ngôn bản mà người cung cấp
đang thể hiện. Điều này không phải bất cứ ai đi vào nghiên cứu cũng có khả năng và điều kiện thực hiện được. Vì thế, khái niệm thụ động chỉ nên hiểu ở nghĩa trung tính nhất, tức là cách nghiên cứu VHDG qua những tư liệu đã có sẵn, được văn bản hóa hoặc vật thể hóa bởi người đi trước hoặc của chính nhà nghiên cứu mà không kèm theo sự diễn hóa của nó trong thực tiễn. Khái niệm “thụ động” này có vài nét tương đồng nhưng không trùng khít với các khái niệm mang tính phân biệt kiểu như folklore “thuần khiết” (pure folklore), trong hướng so sánh với folklore “ứng dụng” (applied folklore) [141] hoặc mang tính chế giễu kiểu như “triết học ghế bành” (armchair philosofa) [17, tr.80]. Thụ động ở đây hiểu ở tính chất tiếp cận đối tượng nghiên cứu chứ không phải nói về tính chất của quá trình nghiên cứu.
Việc nghiên cứu theo hướng thụ động không có hàm ý là cách làm ấy dễ dàng vì trong thực tế việc nghiên cứu có tâm huyết nào cũng rất khó khăn và khổ nhọc. Chẳng hạn, việc nghiên cứu theo type và motif đòi hỏi người thực hiện phải tổng hợp rất nhiều văn bản để so sánh, đối chiếu mới có khả năng rút ra một mô thức nào đó. Và cũng cần nói thêm, việc nhận diện motif và mô tả nó đúng với bản chất tồn tại của nó và phù hợp với quy ước quốc tế không phải là điều dễ dàng và thực hiện suôn sẻ. Công việc đó vẫn có giá trị và ý nghĩa cho đến hôm nay. Do vậy, hướng nghiên cứu VHDG theo văn bản có những giá trị lớn, giúp ta hiểu được cách tổ chức và cấu trúc sâu của ngôn từ trong tác phẩm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu VHDG theo hướng folklore tư liệu mà cụ thể là nghiên cứu truyện dân gian từ văn bản có một số vấn đề cần nhìn lại. Vì trên thực tế cũng như trong lí luận vẫn cho thấy những điều còn bất cập. Để làm rò vấn đề này, chúng tôi xin lần lượt khảo sát qua các khuynh hướng nghiên cứu chính hiện nay.