Một Cách Hiểu Về Tiếp Cận Bối Cảnh Trong Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian


1.2.3. Một cách hiểu về tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu Văn học dân gian

Về mặt thuật ngữ, việc tổng hợp các hướng nghiên cứu có liên quan vừa phân tích nêu trên cho thấy một bức tranh khá đa dạng về màu sắc và đường nét của hướng nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh. Nguyên nhân là do hướng tiếp cận này có cơ sở từ nhiều ngành khoa học khác nhau, với nhiều đặc điểm và khái niệm từ nhiều lĩnh vực có liên quan, hoặc một phần do vấn đề dịch thuật. Tuy nhiên, vượt lên trên những khác biệt và chồng chéo, điểm chung của các khía cạnh đa dạng đó thể hiểu như sau:

Khái niệm “context” (bối cảnh) có nguồn gốc từ tiếng Latin “textere”, vốn có nghĩa là “hành động dệt”. Trong tiếng Anh, context có hai nghĩa: (1) bối cảnh, ngữ cảnh hay mạch văn trong văn học; (2) khung cảnh, phạm vi, hoàn cảnh. Trong ngôn ngữ học, context cũng được hiểu ở hai phương diện:

(1) ở nghĩa gốc, là một phần của văn bản ngôn từ hoặc diễn ngôn được phân bố xung quanh các từ hoặc ngữ tạo sự chú ý; (2) ở nghĩa phái sinh, là một tình huống không thuộc ngôn ngữ, là môi trường, một lĩnh vực nào đó, thoại trường, một nền tảng hoặc hoàn cảnh bao gồm trong đó một số đặc điểm của chủ thể hoặc chủ đề gây sự thu hút. Trong một nghĩa rộng hơn, bối cảnh là tất cả những gì đi cùng với văn bản. Một văn bản, giống như một mảnh vải, được “dệt” thành từ tình huống của một sự diễn xướng được bố trí sẵn, trong đó gồm: người nghe, người trình diễn, những nền tảng kiến thức và hiểu biết của một nhóm người có tính xã hội, và nền tảng văn hoá của người kể lẫn người nghe [148]. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ đưa vào sự đối lập với văn bản thì chưa thể xác định làm thế nào để có được một bối cảnh thật sự cho việc kể. Trong ngôn ngữ học, đặc biệt là ngữ dụng học, khái niệm “context” được dịch là “ngữ cảnh”. Đây là một trong những khái niệm then chốt của ngôn ngữ học ứng dụng, vốn nhấn mạnh vào lời nói và bản chất hành động của ngôn ngữ.


Ngữ cảnh được hiểu là “những nhân tố có mặt trong một cuộc giao tiếp nhưng nằm ngoài diễn ngôn” [14, tr.15]. Với tư cách là một nhân tố giao tiếp, ngữ cảnh gồm hai yếu tố: nhân vật giao tiếp (gồm vai giao tiếp và quan hệ liên cá nhân) và hiện thực ngoài diễn ngôn (gồm có thế giới khả hữu và hệ quy chiếu, hoàn cảnh giao tiếp, thoại trường, ngữ huống giao tiếp). Do ngữ dụng học là ngành nghiên cứu ngôn ngữ từ phía người sử dụng chứ không phải từ bản thân kí hiệu nên trọng tâm nghiên cứu của ngành này là người nói và “những lựa chọn mà họ phải thực hiện, những bó buộc mà họ gặp phải khi sử dụng ngôn ngữ tương tác xã hội và nghiên cứu tác động của cách sử dụng ngôn ngữ lên người đối thoại, giao tiếp” [14, tr.50]. Trong phân tích diễn ngôn, ngữ cảnh là một yếu tố tạo nghĩa quan trọng bởi vì nội dung giao tiếp của một diễn ngôn gồm hai yếu tố: ngữ nghĩa, xuất phát từ hệ thống ngôn ngữ; và thông tin ngữ cảnh, xuất phát từ bên ngoài. “Nội dung thông điệp có thể coi như là sự kết hợp của hai loại thông tin này và phải tồn tại một quy trình cho phép người nói và người nghe hiểu được nội dung thông báo của diễn ngôn” [49, tr.150-151]. Từ đó suy ra, trong diễn ngôn kể chuyện dân gian, bối cảnh kể chuyện cũng có vai trò tạo nghĩa cho tác phẩm bên cạnh ngôn từ. Hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG đặt tác phẩm trong mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài, nhìn tác phẩm từ phía người kể, người nghe và những quy tắc giao tiếp tạo nên hiệu quả nghệ thuật của cách thể hiện một câu chuyện.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ học, khái niệm bối cảnh chỉ mới là một thuật ngữ chứ chưa trở thành một hướng tiếp cận. Để trở thành một hướng nghiên cứu, bối cảnh còn phải dựa vào ngành Nhân học văn hóa và Tâm lí học hành vi. Từ nhân học văn hóa, bối cảnh bao gồm toàn bộ hoàn cảnh văn hóa, lịch sử rộng lớn có sức tác động đến đời sống vật chất, kinh tế lẫn đời sống tinh thần của một dân tộc. Tác phẩm VHDG trong bối cảnh ấy


phải chịu sự chi phối của các yếu tố tri thức, hiểu biết, những tiền giả định, quy ước mà cộng đồng đó dùng để giao tiếp và hiểu nhau. Những phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, …mang tính văn hóa cũng có sức ảnh hưởng to lớn đến việc hình thành, chuyển giao và tiếp nhận các tác phẩm VHDG trong một cộng đồng. Từ tâm lí học, hướng nghiên cứu theo định hướng bối cảnh thừa hưởng quan niệm về những tình huống ngẫu nhiên, xảy ra trong thời gian ngắn có tác dụng là yếu tố kích thích tạo nên sự phản ứng ở người kể chuyện. Cụ thể hơn, truyện kể dân gian được nhìn nhận như là sự phản ứng lại một sự khích thích cụ thể hoặc là một sự kiện mang tính hành vi tác động, trong đó động cơ (kích thích, mong muốn, hoặc mục tiêu) của người kể và những tác động bất chợt (hoàn cảnh gây ra gợi ý, hay bối cảnh mà câu chuyện diễn ra) được người kể nhận thức sẽ khơi gợi câu chuyện được kể.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.

Trong tiếng Việt, khái niệm bối cảnh có mối tương quan và liên hệ với các thuật ngữ vẫn thường sử dụng: tình huống- situation, hoàn cảnh - circumstance, thoại trường – setting, site). Trong nghiên cứu và dịch thuật trước nay, các khái niệm nêu trên vẫn thường được dịch là bối cảnh (đôi khi là hoàn cảnh) khi thực hiện các đề tài liên quan đến văn hóa, gồm: bối cảnh lịch sử, bối cảnh văn hóa, bối cảnh xã hội, bối cảnh cuộc sống. Các cách thể hiện này không mang giá trị về mức độ mà chỉ là sự đa dạng về lối diễn đạt và dịch thuật. Tuy nhiên nếu hiểu rò hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh xuất phát từ các ngành khoa học như vừa phân tích nêu trên thì có ba cấp độ của bối cảnh cần lưu ý khi sử dụng theo hướng này. Một là, khái niệm bối cảnh văn hóa (hay văn hóa –lịch sử). Đó là khái niệm có tính khái quát, có diện rộng, và có mức độ bao phủ các khái niệm còn lại. Đây là khái niệm để chỉ một quãng thời gian tương đối dài (một thời đại, một chế độ, một giai đoạn phát triển của tộc người hoặc nhân loại) và một khoảng không gian rộng (một vùng văn hóa, một quốc gia, một khu vực hay châu lục) mà một cộng


Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 9

đồng người có cùng đặc điểm về văn hóa, ngôn ngữ sống ở đó. Bối cảnh văn hóa không chi phối trực tiếp đến truyện kể mà gián tiếp làm nền tảng cho việc cấu tứ, diễn xướng, diễn giải ý nghĩa của một câu chuyện được kể. Khái niệm bối cảnh lịch sử văn hóa được hiểu tương đương.

Ở đây, bối cảnh văn hóa giúp ta giải quyết vấn đề yếu tố “truyền thống” trong nghiên cứu folklore. Về mặt lí thuyết, với định hướng xem xét lại định nghĩa về folklore, xem nó như một “quá trình giao tiếp”, các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kì đã loại bỏ khái niệm truyền thống, và đồng thời cũng lãng quên luôn phương pháp lịch sử, xem truyền thống là một tiêu chuẩn định nghĩa và phân loại mang tính hình thức hơn là một tiêu chuẩn giúp ích cho sự phân tích. Các nhà khoa học lập luận rằng việc nghiên cứu theo hướng giao tiếp thường yêu cầu tập trung mô tả các sự kiện trong khoảng thời gian ngắn, trong khoảnh khắc cụ thể nên sẽ tạm thời bỏ qua tính chất tiến trình của truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, truyền thống không thể bị đoạn tuyệt trong nghiên cứu VHDG. Nếu chúng ta không xét truyền thống với góc độ thời gian mà dưới góc độ cuộc sống xã hội thì khái niệm truyền thống vẫn còn là một yếu tố quan trọng. Xét từ góc độ cá nhân, ai cũng có nhu cầu “truyền thống hóa” những kinh nghiệm sống của mình, tức là nhu cầu kể lại quá khứ, những chuyện mình đã làm, thổ lộ với những người trong gia đình, người thân hay đồng nghiệp. Từ nhu cầu đó, việc truyền thống hóa vẫn được hiện diện trong kể chuyện chứ không mất đi. Một trong những quan niệm tiêu biểu cho cách nhìn này là suy nghĩ của Charles W. Joyner. Ông cho rằng bối cảnh xã hội luôn rộng lớn hơn cuộc đời của mỗi con người, quá trình xã hội là một yếu tố tiềm tàng có tính thúc đẩy chứ không phải là một kết cấu tĩnh tại. Do đó diễn xướng folklore trong ngữ cảnh phải được nghiên cứu “vừa với tư cách một quá trình vừa với tư cách một sự kiện dưới sự thúc đẩy của lịch sử và truyền thống” [143, tr.257]. Theo quan điểm này, Charles W. Joyner quá trình


kể chuyện ẩn chứa các yếu tố: truyền thống, cấu trúc cộng đồng, gia đình và các yếu tố có liên quan, đặc điểm cá nhân của người diễn xướng, nhận thức cá nhân của người diễn xướng, bối cảnh tức thời. Các yếu tố này được phân thành hai phía: một phía lịch sử (xã hội) và một phía tức thời (cá nhân). Như vậy, yếu tố truyền thống trong bối cảnh văn hóa xã hội vẫn còn được giữ lại trong diễn xướng, nhưng nó đã trở thành một kết cấu tiềm tàng, có tính chất thúc đẩy. Truyền thống đã biến thể vào trong cấu trúc cộng đồng để gây ảnh hưởng đến việc chọn tiết mục cho diễn xướng. Tùy vào truyền thống của từng cộng đồng mà tiết mục (loại thể) nào được lựa chọn để kể trong một dịp nào đó. Chẳng hạn, truyền thuyết địa danh của vùng Sóc Trăng sẽ không được khuyến khích kể ở Kiên Giang, Trà Vinh hoặc ngược lại. Trong một khảo sát cụ thể về hiện tượng này, chúng tôi đã ghi nhận được sự kiện: Đêm trước lễ hội đua bò bảy núi ở An Giang, gia đình của ông Chau Chiêu, ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, không cho phép con cháu kể chuyện về con bò vì tin rằng nếu nói về bò thì ngày mai sẽ bị thua trong cuộc đua. Không phải người diễn xướng quyết định mà truyền thống trong cộng đồng đó sẽ âm thầm quy định. Truyền thống cũng sẽ tác động đến gia đình và người thân để gây ảnh hưởng đến quá trình kể chuyện. Sự mong đợi của các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng thúc đẩy cách diễn xướng của cá nhân. Chẳng hạn, ở Bạc Liêu, trong gia đình ông Tăng Khén, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi không cho phép lúc kể chuyện nghiêm túc mà cười giỡn hay sử dụng những câu nói tục khi trong nhà có trẻ em và con gái.

Theo Lương Văn Hy [61], truyền thống là một tiến trình sáng tạo không ngừng, nó không có nghĩa là những nếp nghĩ và phong tục cổ xưa, cũng không phải là một hệ những chuẩn mực và giá trị có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một di sản. “Truyền thống như một quá trình chọn lọc có chủ ý của những nguồn năng động, đã từng đóng vai trò dẫn dắt trong


việc tạo dựng quá khứ, nối quá khứ với hiện tại, mà vì thế mà tạo dựng tương lai”[61, tr.234]. Truyền thống thường được cụ thể hóa thành các quy tắc ứng xử, quan niệm về thế giới, nhân sinh và các chuẩn mực giá trị. Tự truyền thống sẽ đóng vai trò chi phối các hành vi giao tiếp, trong đó có kể chuyện. Do truyền thống tồn tại như một đặc điểm hiển nhiên, được chấp nhận một cách tự giác nên ít ai đặt vấn đề tranh cãi hay sửa đổi. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá trình giao tiếp, đặc biệt là sự hiện diện của những người ngoài cộng đồng, truyền thống được người trong cuộc ý thức và bị thách thức. Sự thách thức này làm cho truyền thống vừa củng cố vừa thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Do đó, không nên xem truyền thống là yếu tố có thể miêu tả trên bề mặt, nó là một cấu trúc ở bề sâu. Nói đúng hơn, khi đã trở thành truyền thống thì nó được chuyển hóa vào cả cơ chế tâm lí, đấy là hoạt động vô thức. Nó chỉ có thể xuất hiện khi có điều kiện tương tác với các nhân tố con người vốn tương đồng về văn hóa và cảm xúc trong một bối cảnh cụ thể. Cơ chế ấy trở thành xung lực sáng tạo trong khoảnh khắc. Cơ chế ấy cũng có chức năng chi phối và điều khiển quá trình giao tiếp nghệ thuật. Ở một khía cạnh khác, người ta chứng minh rằng truyền thống có chức năng chọn lọc và đào thải; chọn lọc là để duy trì và củng cố, đào thải là để mở rộng và chấp nhận cái mới. Điều này được Lương Văn Hy khẳng định sau khi thực hiện một nghiên cứu cụ thể về văn hóa ở một làng phía Bắc: “Việc tái tạo truyền thống trong những lễ hội cộng đồng có những yếu tố không hoàn toàn lường trước được ở cấp độ vĩ mô, và không phải lúc nào cũng đi theo một khuôn mẫu nhất định”[61, tr.273].

Như vậy, có thể nói, truyền thống không hề mất đi trong phương pháp nghiên cứu theo hướng tiếp cận bối cảnh. Truyền thống như một xung lực tiềm tàng chi phối bối cảnh kể chuyện qua những quy tắc ứng xử được xã hội công nhận hoặc những nguyên tắc giao tiếp đã được định sẵn. Vì vậy, khi kể


chuyện người ta cũng dự đoán được những gì được phép thể hiện và những gì không được. “Truyền thống được xem như một phương cách, một thực thể xã hội mà mọi người tham gia vào chứ không phải sở hữu trong mình” [143, tr.261]. Và quan trọng nhất, người kể chuyện sẽ tiếp nhận yếu tố truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội dưới dạng nhận thức chứ không phải là thái độ đối thoại bằng ngôn ngữ hay hành động cụ thể trực tiếp. Trong cách hiểu này, khái niệm bối cảnh cuộc sống là một bậc cụ thể hóa của bối cảnh văn hóa, được giới hạn trong một phạm vi địa lí và một khoảng thời gian nhất định nhưng không rộng bằng bối cảnh văn hóa, và cũng không chú ý nhiều đến các đặc điểm văn hóa có tác động đến diễn xướng. Khái niệm Bối cảnh xã hội đặc biệt thường dùng để chỉ bối cảnh có quy mô tập trung nhiều người, được cộng đồng ý thức, có sự cam kết và góp sức của các thành viên tham gia (các lễ hội, việc thực hiện phong tục, các hành vi tín ngưỡng, …thuộc dạng này), nó có tính địa lí trong một giới hạn nhất định, với khoảng thời gian cụ thể. Bối cảnh xã hội đặc biệt là một trong những yếu tố góp phần “rập khuôn” cho kể chuyện.

Thứ hai tình huống (cụ thể) là khái niệm có mức độ hẹp hơn bối cảnh văn hóa. Tình huống là một tình trạng hẹp hơn bối cảnh xã hội đặc biệt nó có tính bất ngờ, có một biến cố làm nền. Tình huống là khái niệm từ tâm lí học hành vi, nó chứa đựng các nhân tố có tác dụng kích thích (một câu hỏi, một sự va chạm, một dịp tình cờ gặp gỡ, …). Từ yếu tố kích thích này, việc kể chuyện xem như la một sự phản ứng hồi đáp lại kích thích đó. Đây chính là cách mà một câu chuyện được kể và được tiếp nhận. Ví dụ, trong dịp đi điền dã ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, vào ngày 12/8/2013 có một tình huống xảy ra: chủ nhà mời mọi người một cái bánh đám cưới người Khmer do người trong dòng họ mang tặng. Việc mời bánh đám cưới tặng là tình huống vì nó hiếm gặp nhưng chưa phải là bối cảnh để kể chuyện. Khi có


người hỏi lí do đám cưới lại tặng bánh và cái bánh đó có ý nghĩa thế nào thì bắt đầu từ đó nảy sinh việc kể chuyện. Do đó, bối cảnh diễn xướng kể chuyện nảy sinh trên tình huống, hoặc trên bối cảnh xã hội đặc biệt.

Khái niệm setting, site– Đỗ Hữu Châu dịch là thoại trường– cũng thường xuất hiện trong hướng nghiên cứu bối cảnh đối với truyện kể dân gian. Về khía cạnh ngôn ngữ học xã hội, thoại trường được hiểu là không gian và thời gian cụ thể mà một cuộc giao tiếp diễn ra, … là không gian có những đặc trưng đòi hỏi người ta phải ứng xử và ăn nói “theo những cách thức ít nhiều cũng chung cho nhiều lần xuất hiện” [14, tr.24]. Trong nghiên cứu truyện dân gian, thoại trường được hiểu là một dạng bối cảnh trong bản thân diễn ngôn, tức là phần trước hoặc sau của một diễn ngôn kể. Vì một câu chuyện được kể thường là những cuộc đối thoại của người kể lẫn người nghe. Cuộc đối thoại đó tuân theo nguyên tắc luân phiên, lượt lời. Một người nói xong phải nhường cho người khác nói, cứ thế luân phiên nhau thì cuộc đối thoại mới phát triển. Đến lượt một lời người kể hoặc người nghe phát ngôn thì người ấy phải căn cứ vào phần trước vừa được phát ngôn để có sự điều chỉnh phù hợp. Có thể xem trường hợp vừa nêu là thoại trường. Ngoài ra, thoại trường cũng bao gồm cả những tiền giả định, những quy ước về cách sử dụng ngôn ngữ ở một vị trí nào đó (chẳng hạn trong nhà chùa, nhà thờ, đình, miếu, trước bàn thờ tổ tiên ông bà, …). Nhìn chung, thuật ngữ thoại trường có tính đặc trưng ngôn ngữ học nhiều hơn là folklore.

Thư ba, theo hướng tiếp cận bối cảnh, yếu tố người kể và người nghe cũng có vai trò quan trọng trong việc kể chuyện. Những “nghệ nhân”, vốn có vai trò lưu giữ truyền thống chủ động, nhớ nhiều và có kĩ thuật kể hấp dẫn sẽ có sự tác động rò rệt và khác với người bình thường, vốn có vai trò lưu giữ thụ động bị phụ thuộc và tác động lớn vào tâm lí trong giao tiếp. Nếu nghệ nhân là những người có khả năng hóa thân, nhập vai hay tạo bản sắc mới

Xem tất cả 284 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí