Cơ Sở Lí Luận Và Thực Tiễn Của Tổ Chức Lãnh Thổ Du Lịch

nghiên cứu. Đồng thời, thể hiện kết quả nghiên cứu bằng cách không gian hóa các đối tượng du lịch trên bản đồ. Luận văn sử dụng kỹ thuật GIS (Geographic Information System) để xây dựng hệ thống bản đồ TNDL tỉnh Bắc Giang, hiện trạng TCLTDL tỉnh Bắc Giang và định hướng phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang.

5.2.4. Phương pháp khảo sát thực địa

Quá trình thực hiện luận văn, đòi hỏi phải đi các đợt thực địa, khảo sát các đối tượng nghiên cứu trên địa bàn, đánh giá thực trạng, định hướng phát triển của các đối tượng nghiên cứu. Địa bàn nghiên cứu là tỉnh Bắc Giang và một số tuyến liên kết với các tỉnh lân cận, tác giả dự kiến thực hiện rất nhiều đợt khảo sát các điểm du lịch và điểm tài nguyên đang được khai thác, cả điểm còn ở dạng tiềm năng; khảo sát, gặp gỡ và làm việc với các cơ quan quản lý, đơn vị kinh doanh, khách du lịch cũng như người dân địa phương để có được cái nhìn xác thực nhất.

5.2.5. Phương pháp chuyên gia

Đây là phương pháp nghiên cứu định tính, cho phép tiếp cận với những vấn đề nghiên cứu một cách trực tiếp. Mục tiêu sử dụng phương pháp là xem xét các ý kiến đánh giá, góp ý về nội dung nghiên cứu. Sự đóng góp ý kiến và truyền đạt lý luận, trao đổi kinh nghiệm của các đối tượng trên đã giúp giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của luận văn trong quá trình nghiên cứu.

6. Những đóng góp của luận văn

Góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển TCLTDL và vận dụng chúng vào địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Xác định hệ thống tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch áp dụng cho tỉnh Bắc Giang.

Phân tích, đánh giá được hiện trạng phát triển và TCLTDL tỉnh Bắc Giang.

Đề xuất được định hướng và một số giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển và TCLTDL tỉnh Bắc Giang gắn với khai thác TNDL các địa phương phụ cận.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.

7. Cấu trúc luận văn

Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được kết cấu thành 3 chương:

Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang - 3

Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn của tổ chức lãnh thổ du lịch

Chương 2. Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang

Chương 3. Định hướng và một số giải pháp phát triển tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang

PHẦN NỘI DUNG


Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TỔ CHỨC LÃNH THỔ DU LỊCH‌

1.1. Cơ sở lí luận của tổ chức lãnh thổ du lịch

1.1.1. Các khái niệm liên quan đến du lịch

1.1.1.1. Du lịch

Thuật ngữ “du lịch” trong ngôn ngữ nhiều nước bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được Latinh hoá thành Tornus và sau đó thành tourisme (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh). Trong tiếng Việt, thuật ngữ “tourism” được dịch qua tiếng Hán: Du có nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là trải nghiệm.

Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 nêu rõ: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác” [17].

1.1.1.2. Khách du lịch

Khái niệm “khách du lịch” hay “du khách”, xuất hiện lần đầu tiên tại Pháp vào cuối thế kỉ XVIII. Tới nay đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về khách du lịch. Theo UNWTO (World Tourism Organization), khách du lịch có các đặc trưng: là người đi khỏi nơi cư trú của mình; không theo đuổi mục đích kinh tế; đi khỏi nơi cư trú từ 24h trở lên.

Ở Việt Nam, khái niệm khách du lịch được quy định trong Luật Du lịch là “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến” [17]. Khách du lịch được phân làm hai nhóm cơ bản: khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

+ Khách du lịch quốc tế: Khái niệm khách du lịch quốc tế được quy định tại điều 10, chương 2 của Luật Du lịch “Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch” [17].

+ Khách du lịch nội địa: Theo Luật Du lịch Việt Nam, tại điều 10 chương 2 quy định “Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam” [17].

+ Khách du lịch ra nước ngoài: “Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài” (Theo Luật Du lịch Việt Nam [17]).

1.1.1.3. Tài nguyên du lịch

Du lịch là một trong những ngành có sự định hướng tài nguyên rõ rệt. TNDL ảnh hưởng trực tiếp đến TCLTDL, hiệu quả hoạt động du lịch.

Khái niệm về TNDL được quy định cụ thể tại khoản 4 điều 3 chương I của Luật Du lịch Việt Nam năm 2017: “TNDL là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. TNDL bao gồm TNDL tự nhiên và TNDL văn hóa (TNDL nhân văn)[17].

Vậy, TNDL có thể được hiểu bao gồm các yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hoá và các giá trị nhân văn được sử dụng đáp ứng nhu cầu du lịch của con người.

TNDL được chia làm hai nhóm cơ bản: TNDL tự nhiên và TNDL văn hóa. Luật Du lịch Việt Nam cũng quy định rõ tại khoản 1 điều 15 mục I chương III như sau: “TNDL tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch”. “TNDL văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch” [17].

1.1.1.4. Sản phẩm du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, hợp thành bởi nhiều bộ phận kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách trong chuyến du lịch. Theo Michael M. Coltman, “sản phẩm du lịch là một tổng thể bao gồm các thành phần không đồng nhất hữu hình và vô hình” [ Dẫn theo 25].

Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017), “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị TNDL để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch” [17].

Như vậy, sản phẩm du lịch là các dịch vụ, hàng hoá cung cấp cho du khách; được tạo nên bởi sự kết hợp của việc khai thác các yếu tố tự nhiên, văn hóa với việc sử dụng các nguồn lực là cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động tại một cơ sở, một vùng hay một quốc gia nào đó. Trong đó, TNDL bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Còn dịch vụ du lịch, xét dưới góc độ là quá trình tiêu dùng của khách du lịch, có thể được tổng hợp theo các nhóm cơ bản sau: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tham quan, giải trí, hàng hoá tiêu dùng và đồ lưu niệm.

1.1.1.5. Thị trường du lịch

Có thể hiểu thị trường du lịch là một bộ phận của thị trường hàng hoá nói chung, là nơi diễn ra quan hệ trao đổi hàng hoá (vật chất và dịch vụ) nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của con người [25].

Thị trường du lịch được cấu thành bởi cung và cầu. Trong đó, cầu du lịch là một bộ phận của nhu cầu xã hội có khả năng thanh toán về hàng hoá du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu khám phá, chữa bệnh... Cung du lịch là khối lượng hàng hoá dịch vụ du lịch được cung cấp trong khoảng thời gian xác định cho nhu cầu du lịch của xã hội.

1.1.2. Tổ chức lãnh thổ du lịch (TCLTDL)

1.1.2.1. Khái niệm

Khái niệm TCLTDL được xuất phát từ các khái niệm về tổ chức không gian kinh tế của các nước Châu Âu và Bắc Mĩ.

TCLTDL chính là sự phân hóa không gian của du lịch căn cứ trên các điều kiện TNDL, hiện trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động ngành cùng các mối liên hệ với điều kiện phát sinh của ngành với các ngành khác, với các địa phương khác và rộng hơn là mối liên hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. TCLTDL được xem là một nghệ thuật sắp xếp bố trí các đối tượng du lịch trên một lãnh thổ nhất định nhằm đạt được các hiệu quả khai thác lãnh thổ tối ưu.

Như vậy hiểu một cách đơn giản nhất TCLTDL là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và các cơ sở phục vụ có liên quan, dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn TNDL (tự nhiên và văn hóa), kết cấu hạ tầng và các nhân tố khác nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường cao nhất [26].

1.1.2.2. Các hình thức biểu hiện của tổ chức lãnh thổ du lịch

a) Điểm du lịch

Là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị của TCLTDL. Điểm du lịch có quy mô nhỏ, tuy nhiên trên thực địa sự chênh lệch về quy mô diện tích các điểm du lịch đôi khi khá lớn, ví dụ so giữa điểm du lịch vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) với điểm du lịch văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Điểm du lịch là nơi có TNDL được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.

Điều kiện để công nhận điểm du lịch:

- Có TNDL, có ranh giới xác định.

- Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch.

- Đáp ứng về điều kiện an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật [17].

b) Khu du lịch

- Khu du lịch là khu vực có ưu thế về TNDL, được quy hoạch đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch cấp quốc gia.

- Điều kiện công nhận khu du lịch:

Có TNDL với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa có ranh giới xác định.

Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cần lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch.

Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.

Đáp ứng về điều kiện an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật [17].

c) Tuyến du lịch

Là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.

Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch:

- Nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế.

- Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến [25,26].

d) Trung tâm du lịch

Là một cấp hết sức quan trọng trong phân vị vùng du lịch, trong đó có sự kết hợp lãnh thổ của nhiều điểm du lịch cùng loại hay khác loại.

Đặc trưng của trung tâm du lịch là nguồn TNDL tương đối tập chung và được khai thác một cách cao độ, có khả năng lôi cuốn khách du lịch. Có CSHT, CSVC-KT tương đối đầy đủ về số lượng và chất lượng để đón, phục vụ và lưu khách lại trong một thời gian dài.

Trung tâm du lịch có khả năng tạo vùng du lịch rất cao. Về quy mô, trung tâm du lịch có thể có diện tích tương đương với lãnh thổ cấp tỉnh hay một thành phố trực thuộc tỉnh [26].

e) Vùng du lịch

Là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị lãnh thổ du lịch. Vùng du lịch như một hệ thống thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, văn hóa - xã hội bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế - xã hội xung quanh với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch.

Về phương diện lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích rất lớn, bao gồm nhiều tỉnh.

Tiêu chí để phân loại vùng du lịch:

- Loại hình sản phẩm.

- Điều kiện môi trường tự nhiên.

- Điều kiện môi trường nhân văn.

- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch [25,26].

1.1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ du lịch

a) Tài nguyên du lịch (TNDL)

TNDL là một phạm trù động, vì khái niệm TNDL thay đổi tùy thuộc vào sự tiến bộ khoa học kĩ thuật, sự cần thiết về kinh tế, tính hợp lý về mức độ nghiên cứu. Do vậy khi đánh giá TNDL và xác định hướng khai thác cần tính đến những thay đổi trong tương lai về nhu cầu, khả năng kinh tế - kĩ thuật để khai thác các loại TNDL mới.

TNDL là tổng thể tự nhiên, văn hóa, lịch sử cùng các thành phần của chúng được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp hay gián tiếp; hoặc cho việc tạo ra các dịch vụ du lịch nhằm góp phần khôi phục, phát triển thể lực, trí lực cũng như khả năng lao động và sức khỏe của con người.

Có thể nói du lịch là một trong những ngành có sự định hướng của tài nguyên rõ rệt. TNDL ảnh hưởng trực tiếp đến TCLTDL, đến việc hình thành chuyên môn hóa các vùng du lịch và hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch. Khối lượng và chất lượng tài nguyên quyết định dòng khách du lịch; thời gian khai thác quyết định tính mùa vụ, tính nhịp điệu của dòng khách và tác động đến cả hướng chuyên môn hóa của vùng. Mức độ kết hợp của các loại TNDL càng phong phú, sức hấp dẫn du lịch càng cao, sức hút đối với khách du lịch càng mạnh, và phân vùng lãnh thổ du lịch càng sâu sắc.

Về phân loại có thể chia thành TNDL tự nhiên và TNDL văn hóa.

b) Các nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội

Kinh tế đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của ngành du lịch. Bởi khi kinh tế - xã hội phát triển thì sẽ có cơ hội quay trở lại đầu tư, bổ sung lao động và vốn cho ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Bất cứ một sự xáo động chính trị, xã hội nào dù lớn hay nhỏ cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch. Ổn định và an toàn là yếu tố có ý nghĩa to lớn đối với du khách và cơ quan cung ứng du lịch.

Theo bậc thang nhu cầu của Maslow thì nhu cầu được an toàn là nhu cầu cơ bản xếp thứ hai sau nhu cầu sinh học. Vì vậy, khi có bất kì thông tin nào bất ổn về chính trị

- xã hội xảy ra tại một điểm du lịch thì khó có thể thu hút được khách du lịch tới điểm đó.

Một bầu không khí chính trị hòa bình và ổn định kết hợp với các TNDL sẵn có của lãnh thổ sẽ tạo nên sức hấp dẫn của một vùng đất, một quốc gia. Cũng nhờ du lịch mà các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, gần gũi nhau và có khuynh hướng hòa bình hơn. Điều này lí giải cho việc các tổ chức quốc tế phát động năm 1987 là năm du lịch quốc tế với khẩu hiệu “Du lịch là giấy thông hành của hòa bình”.

Các vùng đất Nam Tư, Ai Cập, Thái Lan đã từng là những điểm sáng về du lịch, nhưng trong những năm gần đây do tình trạng bất ổn về chính trị nên hoạt động du lịch đã giảm sút và mờ nhạt. Ngành du lịch của Thái Lan rất phát triển, năm 2006 Thái Lan xếp thứ 18 về số lượng du khách trong bảng xếp hạng của World Tourism rankings với 13,9 triệu lượt khách, nhưng xung đột giữa các đảng phái thời gian gần đây đã khiến thứ hạng trên bị tụt [35].

Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia có hình ảnh chính trị - xã hội đẹp được quảng bá trên thế giới. Một đất nước đứng lên xây dựng từ trong đau thương của chiến tranh, hiểu hơn hết giá trị của hòa bình và ổn định. Hình ảnh tổng thống Mỹ - Barack Obama thưởng thức món bún chả trên phố Lê Văn Hưu - Hà Nội; Thủ tướng Australia

- Malcolm Turnbull dạo bộ thư thái trên phố ở Đà Nẵng; thủ tướng Canada - Justin Trudeau chạy bộ quanh bờ kè Nhiêu Lộc -Thành phố Hồ Chí Minh ... Hay gần đây nhất là sự kiện ngoại giao quốc tế, Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị với sự hài lòng và lời khen ngợi của tổng thống Mỹ - Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên- Kim Jong Un dành cho Việt Nam.

Có thể thấy, bạn bè năm châu đã yêu mến hình ảnh Việt Nam hòa bình thân thiện và mến khách. Chính những hình ảnh này là sự quảng bá vô giá cho ngành du lịch nước ta. Hiện tại Việt Nam đang là điểm đến lí tưởng đối với khách du lịch quốc tế.

Như vậy, nhân tố chính trị là điều kiện đặc biệt quan trọng có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của du lịch. Và đến lượt mình, du lịch thực sự là chiếc cầu nối hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới, hiểu hơn về giá trị văn hóa, giúp các dân tộc xích lại gần nhau. Thông qua hoạt động du lịch quốc tế, con người thể hiện ước muốn tạo lập và chung sống trong hòa bình.

d) Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật (CSHT, CSVC-KT)

Cơ sở hạ tầng (CSHT) là nhân tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. CSHT, CSVC-KT gồm mạng lưới giao thông vận tải,

hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lí rác thải, hệ thống nhà nghỉ khách sạn, hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Nếu không có CSHT và CSVC-KT phục vụ du lịch thì TNDL mãi mãi chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. CSHT và CSVC-KT vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển các vùng du lịch, đặc biệt là ngành giao thông vận tải.

c) Nhân tố đường lối chính sách

Đường lối chính sách có sức ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến sự phát triển du lịch của một quốc gia.

Trong những thập kỉ gần đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước trên thế giới. Những nước có ngành du lịch phát triển đều là những nước có nhiều chính sách quan tâm đầu tư phát triển du lịch, có hệ thống văn bản pháp luật, quy phạm hoàn thiện làm hành lang pháp lý cho du lịch phát triển. Cơ chế chính sách phát triển du lịch có tác động đến tất cả các hoạt động du lịch như khai thác bảo vệ TNDL, đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động xúc tiến phát triển du lịch, đầu tư quy hoạch du lịch, các hoạt động kinh doanh du lịch.

1.1.2.4. Vai trò và mục tiêu của tổ chức lãnh thổ du lịch

a) Vai trò

Việc nghiên cứu và xây dựng các hình thức TCLTDL phù hợp chính là chìa khóa để sử dụng hiệu quả các nguồn TNDL, tạo điều kiện đẩy mạnh chuyên môn hóa du lịch.

Việc nghiên cứu TCLTDL nói chung và việc vạch ra các tuyến, điểm du lịch nói riêng còn góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch.

TCLTDL tốt không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi vùng mà còn thúc đẩy vấn đề kiểm soát môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở cả những vùng chưa phong phú về tài nguyên.

b) Mục tiêu

TCLTDL có thể cung cấp một sự cải thiện về du lịch nếu như nó hướng trực tiếp đến hàng loạt các mục tiêu chủ yếu. Những mục tiêu được xác định dựa trên sự khác nhau của các đối tượng du lịch. Những mục tiêu này là tiền đề đối với sự hình thành ý tưởng, xác định mục đích và cung cấp nền tảng thống nhất cho sự xác nhận của các chính sách du lịch.

Có 4 mục tiêu cơ bản khi tiến hành công tác TCLTDL:

+ Đáp ứng sự hài lòng và thỏa mãn của khách du lịch

+ Đạt được những thành quả về kinh doanh và kinh tế

Xem tất cả 133 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí