Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang - 2

DANH MỤC HÌNH


Hình 2.1. Bản đồ vị trí tỉnh Bắc Giang và mối liên hệ vùng du lịch 31

Hình 2.2. Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Giang 34

Hình 2.3. Bản đồ các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang 36

Hình 2.4. Cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Giang năm 2010 và 2016 42

Hình 2.5. Hiện trạng khách du lịch tỉnh Bắc Giang 42

Hình 2.6. Tổng thu từ khách du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 - 2016 48

Hình 2.7. Hiện trạng lao động tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 - 2016 49

Hình 2.8. Bản đồ thực trạng tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang 54

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.

Hình 3.1. Bản đồ định hướng không gian phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang 88

PHẦN MỞ ĐẦU

Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang - 2


1. Lý do chọn đề tài

Du lịch là ngành có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thời kì đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành du lịch hiện nay được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc bởi vai trò quan trọng về mặt kinh tế

- xã hội - văn hóa - an ninh quốc phòng và quảng bá hình ảnh đất nước, nâng tầm vị thế quốc gia trên trường thế giới.

Du lịch là ngành tạo nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thu nhập. Ngành còn đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu tại chỗ; góp phần tạo sức “lan tỏa”, tạo động lực phát triển kinh tế. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; du lịch góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phát triển du lịch còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Với quan hệ quốc tế, du lịch góp phần phát triển giao lưu văn hóa và qua đó tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Hiệu quả kinh tế của ngành du lịch còn lan tỏa tới nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, ngành còn có nhiều tác động tích cực về văn hóa, xã hội, môi trường. Có thể thấy vai trò của ngành du lịch đang được nâng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Trung du Miền núi phía Bắc (TDMNPB), cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng 130 km về phía Tây. Diện tích tự nhiên là 3.895,48km2, bao gồm 10 đơn vị hành chính (9 huyện và 1 thành phố) với dân số hơn 165 triệu người (năm 2016).

Bắc Giang có lợi thế về tài nguyên du lịch (TNDL), là tỉnh giầu truyền thống lịch sử - văn hoá với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Toàn tỉnh có trên 600 di tích đã được xếp hạng, với 90 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng quốc gia đặc biệt; hơn 3.000 Mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương [1]. Về văn hóa phi vật thể: Bắc Giang có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức mỗi năm, có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó, dân ca Quan họ và Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại [2].

Ngoài những giá trị đặc sắc về văn hóa, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam, suối Nước Vàng huyện Lục Nam; hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần huyện Lục Ngạn... đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn có khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử chạy dài bên sườn Tây của dãy núi Yên Tử, trong vòng cung Đông Triều thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam (Thuộc huyện Lục Nam và Sơn Động). Đó là những điều kiện thuận lợi, những tiềm năng để Bắc Giang phát triển du lịch. Tỉnh Bắc Giang đã có Quy hoạch phát triển Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2010 tại quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 30/01/2010 đã được phê duyệt. Nhờ vậy mà ngành du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế xã hội nói chung của tỉnh.

Để có thể tiếp tục phát huy lợi thế về nguồn TNDL và duy trì sự tăng trưởng của ngành du lịch, việc nghiên cứu sự phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang gắn với việc khai thác TNDL vùng phụ cận (bao gồm tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương) là vấn đề rất cần thiết. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội cả nước, bộ mặt và tình hình kinh tế xã hội tỉnh cũng có nhiều đổi thay.

Xuất phát từ nhận thức trên, với mong muốn nghiên cứu hướng phát triển trong thời kì mới cho du lịch Bắc Giang, một giải pháp mang tính liên kết lâu dài khi sử dụng TNDL để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Bắc Giang, tác giả mạnh dạn chọn đề tài: “Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Bắc Giang”.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

2.1. Trên thế giới

Quá trình hình thành địa lí du lịch như là một khoa học được bắt đầu từ nửa sau những năm 1930 của thế kỉ XX. Đối tượng nghiên cứu mở rộng từ việc nghiên cứu địa lí các luồng du lịch cho đến việc nghiên cứu tài nguyên du lịch và phân vùng du lịch. Các công trình đầu tiên trong lĩnh vực địa lí du lịch tập trung nghiên cứu các luồng du lịch và khai thác các địa phương với mục đích tham quan, tìm hiểu, thăm dò thị trường, tìm cơ hội truyền bá giáo lí.

Khi các luồng du lịch thế giới tăng lên đã đặt ra nhiệm vụ lập kế hoạch và quản lí điều hành các hoạt động du lịch. Một hướng nghiên cứu mới được đặt ra đó là xác định nguồn lực và mức độ chuyên môn hoá du lịch của các vùng khác nhau và tiến hành phân vùng du lịch, hay nói cách khác đó là tối ưu hoá cơ cấu lãnh thổ của ngành du lịch. Trong những năm gần đây, khi lợi ích ngành kinh tế du lịch đem lại càng rõ rệt và những tác

động của ngành này đối với những vấn đề có tính toàn cầu càng cao thì việc nghiên cứu du lịch gắn với việc phát triển vùng lại càng trở nên cần thiết.

Theo hướng nghiên cứu phát triển du lịch theo không gian, phân vùng du lịch tiêu biểu có N.X.Kandaxkia (1973) nghiên cứu về sức chứa và sự ổn định của các điểm du lịch, B.N.Likhanov (1973) nghiên cứu các tài nguyên giải trí theo lãnh thổ và các vùng du lịch. M. Buchovazov (1975) đã đưa ra sơ đồ hệ thống lãnh thổ du lịch với 4 phân hệ trong nghiên cứu về phát triển du lịch theo không gian. I.I Pirojnik (1985) lại một lần nữa đề cập tới khái niệm “tổ chức lãnh thổ du lịch” và vùng du lịch, đồng thời nghiên cứu của ông cũng đã giải quyết nhiều nội dung trong mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc phân bố không gian, trong đó có đề cập tới mối tương quan với TNDL. Trong nghiên cứu về sự liên kết của TNDL, các nhà khoa học xác định vùng thích hợp cho mục đích nghỉ dưỡng, đánh giá tài nguyên theo lãnh thổ phục vụ du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Đồng thời, đưa ra đánh giá và tiêu chí xác định sức chứa và sự ổn định của các điểm du lịch, nghiên cứu các tài nguyên giải trí theo lãnh thổ các vùng du lịch.

2.2. Ở Việt Nam

Các công trình đầu tiên có hướng tiếp cận đến vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch (TCLTDL) có thể kể là: Vũ Tuấn Cảnh với đề tài khoa học cấp Bộ: “Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam”; tiếp sau đó, năm 1995, các tác giả Vũ Tuấn Cảnh cùng Lê Thông đặt vấn đề về công tác qui hoạch phát triển du lịch trong bài báo đăng trên tạp chí Du lịch và Phát triển với tiêu đề “Một số vấn đề về phương pháp luận và phương pháp quy hoạch du lịch”. Các nhà địa lí học Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ đã giải quyết một số vấn đề quan trọng để định hướng phát triển ngành địa lí du lịch Việt Nam qua tác phẩm Tổ chức lãnh thổ du lịch. Một số luận án tiến sĩ địa lí về đề tài du lịch đã được thực hiện, kết quả nghiên cứu được công bố, góp phần giải quyết một số vấn đề lí luận và thực tiễn phát triển du lịch Việt Nam, đó là các tác giả Đặng Duy Lợi, (1992), Đào Ngọc Cảnh (2003).

Từ những năm đầu thế kỉ XXI, các nhà địa lí du lịch Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu sâu về chiến lược phát triển du lịch đất nước. Tiêu biểu là các tác giả Phạm Trung Lương (1999) với Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội; Phạm Trung Lương (Chủ biên) (2002) với Du lịch sinh thái, những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội; Nguyễn Đình Hòe với Du lịch bền vững, 2001. Song song với các nghiên cứu của các nhà Địa lí học thì Nhà nước ta cũng đã quan tâm sâu sắc tới vấn đề quy hoạch du lịch. Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT&DL), nước ta đã được

chia thành 7 vùng du lịch (vùng Trung du Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long); đồng thời các địa phương cũng có những quy hoạch chi tiết làm cơ sở thực tiễn cho việc phát triển du lịch địa phương.

Nhìn một cách tổng quan, các công trình nghiên cứu về du lịch cũng như các hoạt động thực tiễn phát triển du lịch có tầm quan trọng trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời, còn là nguồn lực mới mẻ, mạnh mẽ tiếp sức cho khoa học địa lí gắn mình với thực tiễn cuộc sống của xã hội, của đất nước, đem lại cơ hội mới cho địa lí học đổi mới và phát triển.

2.3. Ở vùng Trung du Miền núi phía Bắc và tỉnh Bắc Giang

Xét về góc độ nghiên cứu hoạt động du lịch ở vùng TDMNPB, công trình được công bố có ý nghĩa là: "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020", Tổng cục du lịch (2006); “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” của Bộ VH,TT&DL.

Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng TDMNPB với nguồn TNDL đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người có nhiều nét văn hóa đặc sắc; do vậy, sự phát triển du lịch của tỉnh cũng có nhiều nét đặc trưng riêng. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều công trình nghiên cứu về địa lí du lịch tỉnh Bắc Giang ra đời như một số công trình nghiên cứu của các sinh viên và các nghiên cứu sinh thạc sỹ, tiến sỹ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH, TT&DL) tỉnh. Tuy nhiên các công trình được công bố có ý nghĩa thì đáng kể nhất là đề tài: “Nghiên cứu tiềm năng, đề xuất phương án xây dựng mô hình quản lý phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa, sinh thái và phát triển kinh tế bền vững tỉnh Bắc Giang”, chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Giang.

Các đề tài nghiên cứu về du lịch Bắc Giang bước đầu đánh giá những tiềm năng để phát triển du lịch trên từng lĩnh vực và ở một số địa phương cụ thể. Những đề tài trên cũng đã có những ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển du lịch của tỉnh.

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Vận dụng lí luận và thực tiễn về TCLTDL và hệ thống các tiêu chí đánh giá các điểm, cụm, tuyến du lịch, ứng dụng vào nghiên cứu TCLTDL ở Bắc Giang; từ đó đưa ra các định hướng và giải pháp cụ thể cho việc phát triển và TCLTDL Bắc Giang có hiệu quả hơn.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tổng quan có chọn lọc cơ sở lí luận và thực tiễn về TCLTDL, xây dựng hệ thống tiêu chí để xác định các hình thức TCLTDL ở địa phương (điểm, khu, không gian du lịch, tuyến du lịch).

- Kiểm kê và bước đầu đánh giá TNDL phục vụ cho việc phát triển và TCLTDL ở tỉnh Bắc Giang.

- Đánh giá hiện trạng phát triển du lịch và các hình thức TCLTDL ở Bắc Giang trên cơ sở các tiêu chí đã được xây dựng.

- Đề xuất các định hướng và giải pháp cho phát triển và TCLTDL ở tỉnh Bắc Giang.

4. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Lãnh thổ nghiên cứu là địa bàn tỉnh Bắc Giang, có mở rộng nghiên cứu liên kết với tuyến du lịch với các tỉnh phụ cận (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương).

- Về nội dung: Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá các hình thức TCLTDL ở cấp tỉnh, đồng thời đánh giá tiềm năng cũng như thực trạng phát triển du lịch ở Bắc Giang, đưa ra các giải pháp khả thi trong việc quy hoạch TCLTDL của tỉnh.

- Về thời gian: Nghiên cứu chủ yếu hiện trạng phát triển từ năm 2010 đến 2016, định hướng phát triển và tầm nhìn đến năm 2030.

5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu

5.1. Quan điểm nghiên cứu

5.1.1. Quan điểm hệ thống

Du lịch tỉnh Bắc Giang là một bộ phận của vùng TDMNPB, nằm trên tuyến hành lang phát triển du lịch Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, gắn kết với vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc. Việc phát triển du lịch Bắc Giang không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động du lịch của các tỉnh lân cận mà ngược lại, các tỉnh lân cận cũng tác động tới việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Bắc Giang. Do đó, giữa chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau. Trong khu vực, Bắc Giang được xem là cầu nối giữa các tuyến du lịch từ đồng bằng lên miền núi, từ phía Đông sang phía Tây của vùng TDMNPB. Quan điểm hệ thống cho phép phân tích, xác định mối quan hệ qua lại trong hoạt động và TCLTDL Bắc Giang.

5.1.2. Quan điểm tổng hợp

Sử dụng quan điểm tổng hợp cho phép nghiên cứu sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Bắc Giang ở các phương diện: các nhân tố ảnh hưởng, sự phát triển du lịch theo ngành, theo lãnh thổ. Bên cạnh đó, dù có sự phân loại nhưng khi nghiên cứu TNDL cũng được xem xét một cách tổng hợp. Quán triệt quan điểm này, luận văn cần nhìn nhận

và đánh giá các đối tượng du lịch một cách tổng hợp.

5.1.3. Quan điểm lãnh thổ

Việc nghiên cứu sự phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang cần phải được xem xét trong một lãnh thổ nhất định. Trong lãnh thổ đó, các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử; yếu tố kinh tế, dân cư tác động qua lại với nhau ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của hoạt động du lịch.

Đặc điểm của tài nguyên là gắn với địa điểm. Các điểm TNDL có sự phân bố không gian và mối quan hệ giữa chúng được gắn kết với nhau bởi các tuyến du lịch trải dài trên một không gian cụ thể và trên các lãnh thổ nhất định. Vận dụng quan điểm lãnh thổ sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu cũng như khai thác TNDL đối với việc phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang.

5.1.4. Quan điểm lịch sử - viễn cảnh

Sử dụng quan điểm lịch sử - viễn cảnh trong nghiên cứu sự phát triển của một đối tượng hết sức cần thiết. Nó cho phép tìm hiểu quá trình diễn biến theo thời gian và không gian trên từng địa bàn cụ thể trong lịch sử; đồng thời dựa vào những tình hình thực tế, xác định, dự báo hướng phát triển phù hợp, đặt xu hướng phát triển du lịch Bắc Giang gắn với xu thế chung của du lịch Việt Nam và du lịch thế giới.

Trong phạm vi lãnh thổ nghiên cứu, có các điểm du lịch, điểm tài nguyên và tuyến du lịch đã được khai thác từ trước, hoặc mới hình thành, hoặc chưa được khai thác. Do đó, vận dụng quan điểm này trong việc nghiên cứu và khai thác TNDL là hết sức cần thiết. Quan điểm này sẽ giúp luận văn xác định quy luật, hướng phát triển và khai thác tài nguyên.

5.1.5. Quan điểm phát triển bền vững

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có định hướng về tài nguyên rõ rệt. Theo nhu cầu của con người, TNDL ngày càng gia tăng, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và nhân văn. Bởi vậy, việc phát triển du lịch cần lưu ý đến mục tiêu bền vững. Việc khai thác các yếu tố tự nhiên và văn hóa xã hội để phát triển du lịch có thể dẫn tới việc gia tăng các tổn hại về môi trường, TNDL bị xâm phạm. Đồng thời, nếu khai thác đúng cách thì du lịch chính là công cụ hữu hiệu để đảm bảo yếu tố bền vững cho nguồn TNDL.

5.1.6. Quan điểm thị trường

Trong nội dung nghiên cứu của đề tài, việc sử dụng quan điểm thị trường là cần thiết. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng về các đặc điểm, nhu cầu, sở thích cũng như khả năng chi tiêu của thị trường du lịch tỉnh Bắc Giang trong những năm qua; cho thấy rõ những ưu điểm, những lợi thế và ảnh hưởng của thị trường

trong tổng thể ngành du lịch nói chung và trong việc khai thác hiệu quả nguồn TNDL nói riêng.

5.2. Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu

5.2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu

Thông tin thứ cấp được luận văn sử dụng có độ tin cậy cao, đó là nguồn thông tin được thu thập từ nhiều nguồn gốc khác nhau: tài liệu tham khảo chuyên ngành, các quy hoạch tổng thể, đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan, số liệu của Viện nghiên cứu phát triển du lịch; báo cáo của Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Giang. Các tài liệu này được cập nhật, nghiên cứu và phân tích nhằm mục đích tiếp cận vấn đề nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau, xác định những vấn đề trọng tâm. Việc tổng hợp các nguồn tài liệu này, tạo điều kiện để luận văn có được hệ thống tài liệu hoàn thiện nhất phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

Phương pháp này được sử dụng để phân tích và xử lý số liệu, tài liệu đã điều tra, tiến hành việc thống kê và nghiên cứu. Nguồn thông tin sơ cấp và thứ cấp từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Bắc Giang được tổng hợp, phân tích, đúc rút thành những nội dung chính. Đồng thời vận dụng phương pháp này để đảm bảo việc kế thừa các công trình nghiên cứu trước và trên cơ sở phân tích tổng hợp để xây dựng hệ thống bản đồ, xây dựng các định hướng về không gian du lịch trên địa bàn.

5.2.2. Phương pháp thang điểm tổng hợp

Sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp để định lượng hóa đối tượng nghiên cứu, được khai thác thông qua hệ thống các điểm du lịch, khu du lịch và tuyến du lịch.

Xây dựng tiêu chí đánh giá nội dung chính của luận văn là điểm du lịch, khu du lịch và tuyến du lịch. Theo phương pháp này, xem xét từng tiêu chí đánh giá, xếp hạng tiêu chí theo mức độ quan trọng bằng các bậc số, hệ số (từ cao xuống thấp), sau đó tiến hành cho điểm. Thang đánh giá (thang điểm) là kết quả điểm của quá trình tính toán bậc số và hệ số của tiêu chí; được xếp hạng từ cao xuống thấp, tương ứng với (rất, khá, trung bình, kém).

Sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp là công cụ hữu hiệu để xác định quy mô, chất lượng của các điểm du lịch, khu du lịch và tuyến du lịch. Từ đó, luận văn đưa ra kết quả cụ thể có tính chất định lượng trong nghiên cứu.

5.2.3. Phương pháp bản đồ, GIS

Đây là phương pháp quan trọng trong nghiên cứu địa lý, vừa là đối tượng để nghiên cứu vừa thể hiện toàn bộ hoạt động nghiên cứu. Vận dụng phương pháp này để khai thác thông tin trên hệ thống bản đồ đã được xây dựng, luận văn sử dụng các bản đồ có sẵn để khảo sát, định vị các đối tượng du lịch có liên quan phục vụ cho công tác

Xem tất cả 133 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí