Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU CỔ PHẦN HÓA
2.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU CỔ PHẦN HÓA
2.1.1. Doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
2.1.1.1. Doanh nghiệp nhà nước
2.1.1.1.1. Khái niệm Doanh nghiệp nhà nước
Khi bàn về doanh nghiệp nhà nước, có nhiều tiêu chí để nghiên cứu, xác định. Xong trên cơ sở các văn bản pháp lý, các nghiên cứu đều dựa trên tiêu chí chung khi nói đến doanh nghiệp nhà nước đó là: quyền chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp qua vốn đầu tư, hay là Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp thông qua số vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp có thể khác nhau, trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau, nhưng điểm chung là đủ để cho phép Nhà nước giữ quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước, trong các văn bản Luật được xác định và chỉ rõ:
Theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995: “Doanh nghiệp nhà nước là các tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu KT - XH do Nhà nước giao. DNNN có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý. DNNN có tên gọi, con dấu riêng và có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam” [66]
Theo Luật về DNNN năm 2003 đã chỉ rõ “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”. [67]
Có thể bạn quan tâm!
- Khung Phân Tích Mô Hình Quản Lý Doanh Nghiệp Nhà Nước Sau Cổ Phần Hóa Ở Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Kinh Nghiệm, Kết Quả Mô Hình Quản Lý Dnnn Sau Cph
- Nhóm Các Công Trình Liên Quan Đến Giải Pháp Đổi Mới Mô Hình Quản Lý Doanh Nghiệp Nhà Nước Sau Cổ Phần Hóa
- Người Lao Động Tham Gia Ctcp Với Tư Cách Là Cổ Đông
- Nội Dung Mô Hình Quản Lý Dnnn Sau Cổ Phần Hóa
- Các Chỉ Tiêu, Tiêu Chí Đánh Giá Mô Hình Quản Lý Dnnn Sau Cổ Phần Hóa
Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, tại khoản 22 Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. [68]
Tại Khoản 8, Điều 4, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014 đã chỉ rõ: “Doanh nghiệp Nhà nước là những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Tại Khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 đã xác định rõ: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.
Trên cơ sở quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, luận án thống nhất cách định nghĩa Doanh nghiệp nhà nước, đó là: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Như vậy, cùng với việc ban hành các Văn bản pháp luật mới thay thế, điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước đã thay đổi khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, chính trị khi nền kinh tế Việt Nam theo Hiến pháp 2013 là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
2.1.1.1.2. Đặc điểm Doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, và từ khái niệm được nêu trên, DNNN có một số đặc điểm sau:
- Trong doanh nghiệp nhà nước, chủ đầu tư là Nhà nước hoặc Nhà nước cùng với các tổ chức, cá nhân khác.
- Về sở hữu vốn, Nhà nước sở hữu trên 50% (Luật DN 2020) vốn điều lệ hoặc cổ phần. Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp thông qua sở hữu vốn. Tỷ trọng sở hữu đầu tư có thể khác nhau, nhưng điểm chung là đủ để Nhà nước giữ quyền chi phối đối với hoạt động của doanh nghiệp.
- Trách nhiệm đối với tài sản, DNNN chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp;
- Về tư cách pháp lý, doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong môi trường cạnh tranh, bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Nhà nước cam kết không thực hiện, không có chế độ ưu đãi riêng đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Về bản chất, mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh tự chủ theo cơ chế thị trường, xong doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao, với vai trò là những công cụ kinh tế, lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, là phương tiện để Nhà nước thực hiện các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển KT - XH nhằm đảm bảo tính định hướng XHCN. Đặc điểm này cũng phản ánh đặc điểm bản chất của doanh nghiệp nhà nước.
- Về phân loại DNNN, theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, DNNN gồm: (i) Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (ii) những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; (iii) những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần trở lên; (iv) những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần. [81]
2.1.1.2. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thực chất được xem xét và đặt nó trong một quá trình, đó là quá trình tư nhân hóa. Theo nghĩa hẹp, tư nhân hóa dùng để chỉ quá trình giảm bớt quyền sở hữu Nhà nước hoặc sự kiểm soát của Chính phủ trong một doanh nghiệp. Việc giảm bớt quyền sở hữu và quyền kiểm soát của Chính phủ có thể thông qua nhiều biện pháp khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là biện pháp cổ phần hóa.
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Quang, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước xét về mặt hình thức là việc Nhà nước bán một phần hay toàn bộ giá trị cổ phần của mình trong doanh nghiệp cho các đối tượng là tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài nước hoặc cho cán bộ quản lý và công nhân của xí nghiệp bằng đấu giá công khai hay thông qua thị
trường chứng khoán để hình thành các công ty TNHH hoặc CTCP. Xét về mặt thực chất, cổ phần hóa chính là phương thức thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển hình thái kinh doanh một chủ với sở hữu Nhà nước trong doanh nghiệp thành công ty cổ phần với nhiều chủ sở hữu để tạo ra một mô hình doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường và đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh hiện đại. [65, tr58]
Bản chất của cổ phần hóa DNNN chính là phương thức thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển hình thái kinh doanh một chủ sở hữu Nhà nước trong doanh nghiệp thành CTCP với nhiều chủ sở hữu để tạo ra mô hình doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam thực chất là chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh từ mô hình sở hữu trên 50% hoặc 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp hoạt động theo Luật DNNN sang mô hình CTCP đa sở hữu hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Nhà nước tham gia sở hữu CTCP với tư cách là cổ đông (Cổ đông khống chế, cổ đông thiểu số…)
Đặc điểm cơ bản của cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam là chuyển một phần sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước cho tổ chức, tư nhân, cho người lao động sản xuất trong hoặc ngoài nước bằng cách đấu giá công khai hay thông qua thị trường chứng khoán để hình thành các CTCP.
Cổ phần hóa DNNN là một tất yếu khách quan do tính ưu việt của loại hình CTCP so với các loại hình doanh nghiệp khác; phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng của thế giới; phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế; mặt khác, cổ phần hóa DNNN còn xuất phát từ nguyên nhân ngân sách Nhà nước của quốc gia ngày càng hạn hẹp.
Cổ phần hóa DNNN có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội như: Thu hút nhanh chóng nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để đầu tư vào nền kinh tế bằng việc phát hành chứng khoán; Nhanh chóng cấu trúc lại các doanh nghiệp về sản xuất, tổ chức… Nâng cao năng suất, chất lượng và vị thế của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế; Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, giúp cho người lao động trở thành người làm chủ DN, hăng say lao động, góp phần vào việc tăng năng
suất, chất lượng, hiệu quả DN; Giảm bớt được một khoản bổ sung vốn từ ngân sách cho những doanh nghiệp Nhà nước, để dành đầu tư vào những nhu cầu phát triển khác của xã hội; cổ phần hóa gắn với sự ra đời CTCP sẽ tạo ra quá trình luân chuyển vốn từ nơi không có hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sản xuất; cổ phần hóa DNNN góp phần phát triển TTCK, tăng nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu, qua đó giúp các DN cổ phần hóa có điều kiện để cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Qua cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm nguồn vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh, hiệu quả; sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của doanh nghiệp được nâng lên. Thực tiễn khẳng định cổ phần hóa đã trở thành giải pháp quan trọng, chủ yếu để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
2.1.2. Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
2.1.2.1. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Duy Ký: Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là thuật ngữ phát sinh trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, dùng để chỉ các CTCP là kết quả của quá trình cổ phần hóa DNNN. [49, tr.8]
Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như qua các nghiên cứu về DNNN, tác giả thống nhất với khái niệm: Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá là doanh nghiệp Nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa chuyển sang hoạt động theo hình thức của CTCP, dưới mô hình các Tổng Công ty, Tập đoàn kinh tế. DNNN sau CPH có điều lệ riêng, tổ chức, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và vận động trong kinh tế thị trường gắn với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khái niệm trên cho thấy:
Dưới góc độ pháp lý, DNNN sau CPH là CTCP, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chịu sự chế định của Luật DNNN, các chế tài liên quan đến DNNN, chịu sự kiểm soát ít hay nhiều của nhà nước.
Dưới góc độ sở hữu, doanh nghiệp từ sở hữu nhà nước đã chuyển sang hình thức sở hữu nhiều thành phần. DNNN sau CPH chủ sở hữu là các cổ đông. Nhà nước với tư cách là một cổ đông, căn cứ vào số vốn sở hữu, Nhà nước là cổ đông khống chế hay chi phối. Ngoài ra còn có các cổ đông khác là người lao động, đối tác, cổ đông tự do.
Dưới góc độ tổ chức, quản lý, DNNN sau CPH là CTCP mới thành lập và đăng ký lại, là kết quả của tái cấu trúc mô hình quản lý DNNN. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN đã được hình thành từ trước, DNNN sau CPH kế thừa cả những mặt tích cực cũng như hạn chế mà DNNN trước cổ phần hóa để lại.
Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau, DNNN sau CPH được phân ra làm nhiều loại: (i) DN mà trong đó Nhà nước giữa cổ phần khống chế; (ii) những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; (iii) những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần trở lên; (iv) những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần; (v) những doanh nghiệp Nhà nước chỉ giữ cổ phần không đáng kể; (vi) những doanh nghiệp Nhà nước không có cổ phần.
Hoạt động của DNNN sau CPH nhằm mục đích: Làm cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần tăng ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh huy động vốn xã hội, chấm dứt tình trạng bù lỗ của ngân sách nhà nước, tạo thêm công ăn việc làm, tránh tình trạng thất thoát, tham nhũng từ nguồn vốn Nhà nước.
2.1.2.2. Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
2.1.2.2.1. Mang đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa
Cổ phần hóa DNNN là quá trình chuyển đổi từ DNNN, từ Công ty nhà nước hoặc bộ phận công ty Nhà nước sang mô hình tổ chức doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần quy định theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên có nhiều quan điểm cho rằng DNNN sau cổ phần hóa là sự lai ghép giữa DNNN và doanh nghiệp khu vực tư nhân. Mô hình DNNN sau CPH mang đặc điểm của cả DNNN và DN khu vực tư nhân. Mặc dù sau cổ phần hóa, DNNN đã có những thay đổi, nhưng các DNNN này vẫn còn đan xen và chưa
thoát hẳn mô hình, phương thức hoạt động của DNNN trước cổ phần hóa, vẫn còn mang đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa. Quan điểm này thể hiện ở một số vấn đề cụ thể như:
Về vấn đề sở hữu và các quyền về tài sản: DNNN sau cổ phần hóa vẫn còn những vướng mắc về sở hữu và các quyền về tài sản, chưa dứt điểm chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản, chưa rõ ràng giữa giao và thuê đất, không có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu dây chuyền công nghệ... do đó, các quyền và lợi ích liên quan của DNNN sau cổ phần hóa cũng chưa thể rõ ràng và minh bạch. Mặt khác, tài sản trong các DNNN sau CPH đa phần là tài sản đã cũ, lạc hậu, không đồng bộ, đòi hỏi các DNNN sau CPH phải cơ cấu lại.
Về tín dụng, đầu tư: Quan hệ tín dụng, đầu tư của DNNN sau CPH vẫn còn mang đặc điểm của DNNN. Nhiều DNNN sau CPH vẫn chưa chủ động được vấn đề tín dụng và đầu tư trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn còn phải gánh những món nợ của doanh nghiệp cũ hoặc chịu chi phí cho các hạng mục đầu tư, các dây chuyền sản xuất, những máy móc thiết bị lạc hậu, không còn phù hợp. Việc giải quyết và xử lý các vướng mắc này là những vấn đề đặt ra và cũng là một đặc điểm lớn của DNNN sau cổ phần hóa.
Về quản trị doanh nghiệp: Rất nhiều những DNNN sau CPH chưa có sự khác biệt về mô hình quản trị, vẫn còn mang những đặc điểm của mô hình quản trị DNNN kiểu cũ, vẫn còn mang nặng tính hành chính, bao cấp, xin - cho. Về quản trị nhân lực, DNNN sau CPH vẫn duy trì đội ngũ cán bộ quản trị DNNN cũ, đội ngũ nhân lực này không thay đổi kịp thời hoặc không bắt nhịp nhanh với mô hình hoạt động mới. Mặt khác, để duy trì địa vị, lợi ích của mình, đội ngũ này cũng có thể sử dụng cả các hành vi để làm giảm hiệu quả, gây rối loạn hoạt động của doanh nghiệp, cản trở hoạt động của mô hình doanh nghiệp mới.
Về quản lý lao động: DNNN sau CPH vẫn còn ảnh hưởng cách thức, cơ chế quản lý lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũ, chưa mang nhiều tính chất quản lý lao động của CTCP. Lực lượng lao động trong DNNN
sau CPH vẫn là lực lượng lao động cũ. Lực lượng lao động này vỗn đã quen với suy nghĩa cũ, phong cách lao động, với phương thức sản xuất cũ, quen dựa và chế độ và ữu đãi từ nhà nước nên việc thay đổi thói quen, kỷ luật lao động ở họ là rất khó. Số lao động bổ sung mới vào CTCP không nhiều, nếu có chỉ ưu tiên cho các cương vị quản lý và đội ngũ cán bộ kỹ thuật giữa vị trí trọng yếu trong CTCP. Mặc khác, pháp luật về lao động đối với loại hình DNNN sau CPH hiện nay cũng chưa cho phép sa thải dễ dàng người lao động của CTCP, do đó việc quản lý lao động trở thành một tác nhân rất lớn, ảnh hưởng đến hiều quả hoạt động của DNNN sau CPH.
Về quản lý nhà nước: Sau cổ phần hóa, các DNNN vẫn chịu những ảnh hưởng của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cấp trên của DNNN trước đây. Các cơ quan này không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN sau CPH như trước, những vẫn thông qua vai trò đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tìm cách chi phối doanh nghiệp, làm cho DNNN sau CPH nhiều khi không tự chủ, quyết định được các chiến lược trong hoạt động quản trị, trong sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, mặc dù đã chuyển sang mô hình CTCP, nhưng cơ chế hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành của DNNN sau CPH vẫn còn có sự đan xen, vẫn còn mang đặc điểm của DNNN kiểu cũ. Sự tồn tại này một mặt do bản thân DNNN sau CPH vẫn giữ một phần phương thức hoạt động cũ, mặt khác khuôn khổ thể chế, chính sách, môi trường hoạt động sau cổ phần hóa chưa tạo điều kiện đúng nghĩa để doanh nghiệp có thể áp dụng một mô hình hoạt động hoàn toàn mới.
2.1.2.2.2. Doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình của Công ty Cổ phần, hoạt động theo nguyên tắc của cơ chế thị trường
DNNN sau CPH, Nhà nước không thể quyết định đưa ra mô hình tổ chức, quản lý, phương thức phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của DN khi còn là DNNN. Doanh nghiệp nhà nước sau CPH phải chuyển sang hoạt động theo mô hình của Công ty Cổ phần theo Luật doanh nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc của cơ chế thị trường.