Khái Lược Về Lịch Sử Cư Trú Của Người Thái Ở Sơn La

mới, và trong nghi lễ kéo dài cả ngày này, sẽ có nhiều trường đoạn mo hát xướng, kể lại toàn bộ quá trình dựng ngôi nhà với hệ thống tri thức, kinh nghiệm liên quan.

(3) Bối cảnh xã hội

Từ gợi ý của Gell [334] rằng, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu ma thuật là nghiên cứu, phân tích, mô tả về mặt xã hội, văn hóa của những nguyên nhân được đưa ra từ đối tượng nghiên cứu, tác giả luận án cho rằng, ma thuật Thái cần được đặt trong một lớp bối cảnh quan trọng thứ ba - bối cảnh xã hội, thứ bối cảnh chi phối hoặc quyết định việc ma thuật trở thành một lựa chọn của con người trong việc đối phó với một tình huống hay một tình thế cụ thể. Câu chuyện làm phép để bắt hồn vía con nợ cho khoản vay lãi 1 tỷ 43 triệu trong hệ thống kinh doanh luân chuyển tiền mặt hay xin bùa giãn nợ ngân hàng cho khoản đầu tư đất đai tại địa phương trước làn sóng bất động sản gia tăng,… là các ví dụ cho vấn đề diễn giải ma thuật trong bối cảnh xã hội này, bởi trong truyền thống, người thực hành tâm linh Thái chưa từng phải giải quyết vấn đề tương tự. Trong nhịp vận hành của một nhà nước quốc gia đa dân tộc, với sự tác động của hệ thống các chính sách trên nhiều lĩnh vực đời sống, các thực hành ma thuật được con người lựa chọn cho thấy cách họ ứng xử/ ứng phó với nhiều vấn đề xã hội (chẳng hạn, việc tiễn hồn bổ sung, hỏa thiêu gộp trong bối cảnh người chết vào thời kì hạn chế tín ngưỡng không được làm đám tang theo đúng thủ tục, tẳng cảu giả, tức làm nghi lễ búi tóc trong lễ cưới nhưng người phụ nữ không búi tóc trên đỉnh đầu vì họ phải tham gia các hoạt động xã hội, hay đơn giản là để thuận tiện khi đội mũ xe máy đi lại hàng ngày theo quy định trong luật giao thông đường bộ,…)

Như vậy, việc đặt ma thuật Thái trong bối cảnh đặc thù ở cả ba cấp độ: bối cảnh nghi lễ, tâm linh, văn hóa, bối cảnh hành vi (với khung ngữ nghĩa bên trong và bối cảnh tình huống bên ngoài) và bối cảnh xã hội giúp "mở ra khả năng cho việc tạo ra tri thức và những kết nối mới" [354].

1.3. Địa bàn nghiên cứu

1.3.1. Khái lược về lịch sử cư trú của người Thái ở Sơn La

Sơn La là một tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.174 km2 với 11 huyện hành chính gồm Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và thành phố Sơn La. Trên địa bàn tỉnh, có 12 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc Thái có số lượng dân đông nhất. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, người Thái ở Sơn La có 572.441 người (chiếm 53,2% dân số toàn tỉnh), cư trú ở hầu khắp các huyện trên địa bàn (số liệu dẫn theo [264]).

Ở Sơn La tồn tại cả hai ngành Thái: Thái Đen (Tay Đăm) và Thái Trắng (Tay Đón). Ngành Thái Trắng cư trú chủ yếu tại các huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên, ngành Thái Đen cư trú tập trung tại các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu. Các bộ phận Thái cư trú ở Sốp Cộp, Sông Mã, Mộc Châu có những đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ tương đồng với nhóm Tày Đèng, sinh sống tại các huyện giáp biên Hủa Phăn của Lào.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, người Thái có quê hương ở vùng Vân Nam (Trung Quốc), thiên di vào Tây Bắc Việt Nam làm nhiều đợt, kể từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIV, trong đó có ba đợt thiên di lớn từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XI ([295], [274]). Kết nối các tư liệu lịch sử, nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn

[295] cho biết, thời kì người Thái lập được một loạt nhà nước mà một trong số đó là miền Tây Bắc Việt Nam chính là vào thế kỉ thứ V sau Công nguyên. Đối chiếu với những ghi chép từ trong các tài liệu chữ Thái cổ như Quam tô mương (Chuyện kể bản mường), Táy Pú xấc (Chuyện chinh chiến của cha ông) của người Thái, có thể xem giai đoạn người Thái vào Tây Bắc là giai đoạn lịch sử gắn với thời kỳ Tạo đi tìm mường, với hướng thiên di chính là mở rộng thế lực sang phía tây sông Hồng và sông Đà. Những truyện kể hiện vẫn lưu truyền trong cộng đồng Thái nơi này xác tín một thực tế rằng, khi mới có mặt tại vùng Tây Bắc, người Thái đã có thời kỳ chung sống với các tộc người bản địa, nhưng về sau, người Thái dần chiếm lĩnh vùng đất này. Trong nhiều thời kì, các thủ lĩnh Thái triển khai một chiến dịch dài hơi để xây dựng và phát triển các mường. Một mặt, các Tạo xây dựng bản mường, định ra luật tục, phân chia các khu vực quản lý, củng cố thế lực, mặt khác, thần phục các triều định phong kiến Trung ương Đại Việt (nhà Lý, Trần, Lê), song song với đó là việc tập trung lực lượng để tiếp tục mở rộng thế lực sang vùng biên giới phía tây.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

Cùng được định danh thuộc dân tộc Thái, nhưng tại Sơn La, sự tồn tại của cả hai ngành Thái Đen và Thái Trắng mang đến nhiều khác biệt về văn hóa. Điều này xuất phát từ vấn đề về nguồn gốc và quá trình di cư của hai ngành Thái, cũng đồng thời là sản phẩm của sự ảnh hưởng, tiếp biến về văn hóa khi các nhóm Thái này chung sống xen kẽ với các tộc người khác trên địa bàn.

Nguồn gốc lịch sử với nhiều khác biệt, chặng đường di cư theo các hướng khác nhau, sự cộng cư với các nhóm dân tộc khác trên con đường thiên di đã dẫn đến sự đa dạng của các tiểu vùng văn hóa Thái. Các thực hành văn hóa tại Sơn La cung cấp ngữ liệu cho thấy, trên thực tế, không tồn tại một khái niệm "văn hóa Thái" nói chung, với hàm nghĩa chỉ một sự thống nhất về mặt văn hóa cho các không gian Thái. Những khác biệt giữa các vùng Thái thể hiện rõ từ trong trang phục tới lệ tục,

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 7

ngôn ngữ. Đời sống văn hóa của người Thái tại Sơn La mang đến một bức tranh đa dạng, không hề đồng nhất trên các phương diện như vẫn thường được hình dung hay trong cách diễn đạt về "văn hóa của người Thái", "người Thái" trong nhiều nghiên cứu đã có. Thực tế này mang tới một hệ quả tất yếu rằng, các thực hành ma thuật là không đồng nhất tại các tiểu vùng văn hóa Thái tại Sơn La. Vì lẽ đó, các mô tả trong luận án về các thực hành ma thuật luôn được người viết gắn với các không gian và vùng đất Thái cụ thể, vì rất có thể, thực hành đó hoàn toàn không xuất hiện tại các tiểu vùng Thái khác trên địa bàn tỉnh.

1.3.2. Những vấn đề nổi bật trong đời sống văn hóa của người Thái ở Sơn La

Từ các công trình của các nhà nghiên cứu Cầm Trọng trong Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam [274], Mấy vấn đề cơ bản về lịch sử kinh tế xã hội cổ đại người Thái Tây Bắc Việt Nam [275], dựa trên các khảo tả chi tiết của Địa chí tỉnh Sơn La [264], tác giả luận án xin được tóm tắt một số nét cơ bản về các phương thức sinh kế và đời sống văn hóa của người Thái ở Sơn La như sau:

Hoạt động sinh kế

Người Thái có câu, "mi nặm chăng mi pá, mi na chăng mi khẩu" (có nước mới có cá, có ruộng mới có cơm), nước, ruộng, lúa là các yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động sinh kế của người Thái. Điều này cũng quyết định đến sự lựa chọn không gian cư trú của người Thái, thường là tại những thung lũng bên những con sông, suối, thuận tiện cho việc đưa nước vào ruộng, hình thành nên một đặc trưng về "nhóm cư dân cư trú vùng thung lũng lòng chảo, những người trồng lúa nước tại hầu khắp mọi nơi cư trú" [342].

Trong hoạt động sinh kế, cộng đồng Thái xây dựng được một vốn tri thức bản địa phong phú, nổi bật trong số đó là kĩ thuật làm đất ruộng và kĩ thuật dẫn thủy nhập điền mang tên mương, phai, lái, lín. Mương để dẫn nước, phai là đập chắn, lín là những máng dẫn nước vào ruộng. Truyền thống làm ruộng nước lâu đời đã mang lại sinh kế ổn định cho cộng đồng Thái, đồng thời giúp tạo dựng thành công các tổ chức xã hội ở các cấp độ gia đình, bản, mường và liên mường.

Hiện tại, ở Sơn La, nhiều gia đình người Thái đã mở rộng hoạt động sinh kế, từ làm ruộng, nương trồng lúa truyền thống sang trồng các loại cây ăn quả, rau sạch, cây cảnh, hoa, phục vụ cho các nhu cầu đa dạng trong và ngoài địa bàn. Các hoạt động kinh doanh du lịch, kinh tế dịch vụ, buôn bán hàng hóa, bất động sản,... cũng được nhiều gia đình tiến hành. Nhiều người Thái đi làm ăn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài địa bàn tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

Tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội truyền thống của cộng đồng Thái được xây dựng theo các cấp độ gia đình - bản - mường. Mô hình thiết chế bản - mường tồn tại từ năm 1954 trở về trước, dựa trên nguyên tắc nhiều gia đình tập hợp thành một bản, từ các bản lập nên mường. Luật tục của người Thái Đen từ thế kỉ X trong giai đoạn triển khai lập ra bản mới có ghi "Đôi vợ chồng có một đứa con cho thành một hộ gia đình/ Ba hộ gia đình trở lên cho lập thành một bản/ Từ bốn bản trở lên cho lập thành mường" [115, tr.20]. Về sau, bản có thể lên tới 20 đến 30 nóc nhà. Mường được phân ra thành mường lớn, mường nhỏ, trong đó có một mường trung tâm quy tụ các mường khác, gọi là mường luông, các mường nhỏ gọi là mường vảy. Bên cạnh bộ máy hành chính, mỗi mường đều có hệ thống chức dịch đi kèm, với quyền lợi và nghĩa vụ tùy theo từng nội dung công việc đảm nhận.

Nổi bật lên trong kết cấu bản, mường Thái là những sở hữu riêng về đất đai, vùng thiên nhiên và luật lệ. Đất bản, mường có ranh giới phân định, có những khu rừng cấm dùng để săn bắn, khu rừng thiêng dành riêng cho những hoạt động tâm linh (đông tu sửa), có đoạn sông, suối có tên vũng cấm (văng hảm), thường được chọn để xây đập (phai) chung, cũng là địa điểm thường được chọn để thờ thần chủ nước (chảu nặm). Luật tục bản, mường quy định rõ về sở hữu đất đai gia đình và bản mường, những phạm vi con người có thể sử dụng, những nơi bị cấm chặt phá hay lui tới.

Hiện tại, hệ thống tổ chức theo cấu trúc bản - mường Thái truyền thống đã có

những thay đổi. Hệ thống quản lý của nhà nước được triển khai theo các cấp độ tỉnh

- huyện - xã - bản, tuy nhiên, cách người Thái gọi tên các bản, mường theo truyền thống vẫn hiện được duy trì tại nhiều nơi. Các không gian riêng, đặc biệt các không gian thiêng của bản (mó nước thiêng, khu rừng thiêng, rừng ma,...) có một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng.

Đời sống văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng

Hickey trong Social Systems of northern Vietnam [Hệ thống xã hội ở miền Bắc Việt Nam] [342] cho rằng, do định cư trong một khu vực ít có tính chiến lược và biệt lập hơn nên so với các nhóm Thái khác ở Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, nhóm Thái ở Bắc Việt Nam vẫn được các nghiên cứu lịch sử và dân tộc học xem là nhóm thuần khiết nhất (purest) trong các nhóm Thái. Nhiều các nghiên cứu về người Thái ở Việt Nam cũng xác tín cho điều này, với những nỗ lực tìm kiếm nguyên cớ cho "sức đề kháng" của một cộng đồng mà

những yếu tố văn hóa ngoại sinh (chẳng hạn Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) rất khó xâm nhập (xem thêm [215], [99]). Nhịp vận hành của văn hóa, đặc biệt đời sống tín ngưỡng của người Thái cho thấy rõ nhất sự "biệt lập tương đối" này của cộng đồng, dù trên thực tế, các bản làng, tổ dân phố có tên tiếng Thái hoặc có gốc là bản Thái không chỉ có sự sinh sống của người Thái, mà còn có sự hiện diện của cư dân của các tộc người khác như Mường, Kinh, H'mông, Kháng,...

Nổi bật trong đời sống văn hóa của cộng đồng Thái tại Sơn La là các phong tục tập quán, lệ tục, sinh hoạt liên quan tới đời sống tâm linh. Hệ thống phong tục trong đời sống cá nhân gồm các nghi lễ và tục lệ trong sinh nở, cưới xin, tang ma. Mỗi giai đoạn trong chu kì vòng đời đều có các lễ hoặc hệ thống lễ tục đi kèm, với sự tham gia của các cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản. Ngoài ra, với quan niệm coi trọng không gian sống cho người và không gian chứa đựng/ bảo vệ hồn, việc dựng nhà và sở hữu một ngôi nhà cũng rất quan trọng với một người Thái, trở thành một hoạt động và nghi lễ có ý nghĩa tương đương với các giai đoạn trong chu kì vòng đời người. Trong ngôi nhà Thái, không gian thờ cúng tổ tiên được xem là nơi quan trọng nhất, cũng là không gian thường diễn ra nhiều các nghi lễ.

Ở cấp độ cộng đồng, nhiều hoạt động lễ tết, lễ hội diễn ra trong phạm vi làng bản, mường Thái (theo tên gọi truyền thống). Lễ xên bản xên mường (cúng bản cúng mường) được một số bản làng Thái tổ chức vào đầu năm âm lịch, với nghi lễ cúng hướng tới hệ thống các phi bản phi mường (các vị thần trong tự nhiên ở phạm vi bản, những người có công lập bản dựng mường). Lễ hội này trước đây được cộng đồng Thái tổ chức hàng năm, nhưng một thời gian bị đứt đoạn và hiện ở một số nơi đã được thực hiện trở lại. Tết cơm mới (chôm khảu mớ) được tổ chức sau vụ thu hoạch trong năm, dành để dâng cúng tổ tiên và tạ ơn các thần. Tết Xíp xí (14.7 âm lịch), tục ăn tết phổ biến trong cộng đồng Thái trắng tại Phù Yên, Quỳnh Nhai, với lễ cúng dành cho tổ tiên, cho trâu cày và cho trẻ chăn trâu. Nhiều nơi, người Thái ăn tết Độc lập (2.9), với việc tổ chức ăn uống tại các gia đình trong họ, trong bản, múa xòe và khắp Thái. Ngoài ra còn có dòng lễ hội của những người làm nghề thầy cúng, với tên gọi khác biệt ở các vùng Thái như lễ Hết Chá, Kin pang Then, Lảu nó. Đây là ngày lễ các thầy cúng ăn quà của con nuôi, những người được họ cúng chữa khỏi bệnh, nhớ ơn thầy mo mà hàng năm mang quà đến tạ ơn thầy và ma tổ sư của thầy. Dạng lễ này cũng có thể được tổ chức khi một thầy mo bắt đầu vào nghề, hoặc khi mo đã hành nghề dành tạ ơn cho ma sư phụ của mình. Lễ riêng của nghề cúng, nhưng trở thành một sinh hoạt văn hóa chung cho các con nuôi, cho dân bản.

Trong đời sống văn hóa của người Thái còn có sự hiện diện của hệ thống các truyện kể như Quám tố mướng, Táy ón óc, truyện Chương Han, Khun Tấng, Kén Kẻo, Khun Lú - Nàng Ủa, Hiễn Hom - Cầm Đôi, chuyện các phi, Then, hệ thống các truyện kể liên quan tới từng vùng đất, hệ thống các văn bản cúng như Tam khuân, Páo khuân (báo hồn), Hịak khuân (gọi hồn), Lam tang (dẫn hồn người chết lên trời), Xán khuân-hảy khuân (khóc hồn), các bài khắp Thái với những lời hát thể hiện tình yêu nam nữ, tình yêu bản mường, quê hương đất nước,...

Nhiều những nghiên cứu về người Thái đã tạo nên một ấn tượng với các thuộc tính cơ bản: ở nhà sàn, ăn xôi, ở các thung lũng chạy dài theo các con suối… Nhưng trên thực tế, đó mới chỉ là một phần về đời sống Thái. Tại Sơn La, nhiều người Thái hiện tại sống trong các thị trấn, thành phố lớn (Mộc Châu, Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La), nhiều người đi làm ăn xa trong và ngoài địa bàn tỉnh hoặc đi làm ở nước ngoài. Các phương tiện sống hiện đại và các sản phẩm của khoa học công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính,…) hiện diện trong nhiều gia đình. Kinh tế thị trường khiến mở rộng thêm nhiều loại hình sinh kế - không chỉ là lúa nước lúa nương, nông nghiệp mà còn là du lịch cộng đồng, là sự mở rộng mô hình trồng trọt với các loại rau, cây ăn quả, rau củ, dưa, chanh leo, nhãn, bưởi, là kinh tế dịch vụ, buôn bán hàng hóa, bất động sản,… Giao thông thuận lợi, mạng điện thoại di động, internet phủ sóng hầu khắp mọi nơi. Số lượng những người Kinh tìm lên vùng đất này cũng tăng mạnh trong khoảng thời gian 10 - 20 năm gần đây dẫn tới những giao dịch sôi động trong thị trường đất đai, dịch vụ du lịch (các dịch vụ ăn, nghỉ, khu tham quan du lịch…), và đa dạng các hình thức tương tác về văn hóa. Và những thực hành ma thuật hiện diện dày đặc trong nhịp sống Thái, nương theo những nhu cầu đa dạng của con người. Ma thuật Thái trong bối cảnh đời sống mới, với sự tham gia của khoa học, công nghệ, nhiều chiều thông tin, tương tác mở rộng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về những diễn giải đa chiều về các thực hành này.

Tiểu kết Chương 1

Trong Chương 1, tác giả luận án đã điểm luận, phân tích lịch sử tiếp cận ma thuật trong nhân học phương Tây, cũng như khái lược về diện mạo của các thực hành ma thuật và ma thuật của người Thái trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa Việt Nam. Những nghiên cứu và tranh luận về ma thuật cho thấy, các thực hành này xuất hiện trong hầu khắp các nền văn hóa, với sự tương đồng kì lạ về nguyên lý và tính mục đích của hành vi, song cũng đầy những khác biệt, gắn bó chỉnh thể với yếu tố đặc thù của một nền văn hóa cụ thể. Ma thuật trở thành một chủ đề đầy thách thức, và là đối tượng của nhiều những tranh luận và nhận định trái chiều. Đằng sau các đánh giá, những định kiến về ma thuật là các bối cảnh rộng trong hướng tiếp cận về tôn giáo tín ngưỡng nói riêng và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa nói chung, nổi bật với các từ khóa liên quan như tiến hóa luận hay tương đối văn hóa.

Các khái niệm quan trọng của luận án cũng được người viết làm rõ trong chương, cùng hướng tiếp cận được người viết lựa chọn là hướng nghiên cứu ma thuật trong bối cảnh đặc thù. Những nghiên cứu, diễn giải chứa nhiều định kiến, những khung phân loại không phù hợp với ma thuật đã có cho thấy sự cần thiết nghiên cứu ma thuật Thái trong bối cảnh cụ thể của văn hóa Thái. Việc đặt các hành vi, nghi lễ ma thuật trong các lớp bối cảnh về ngữ nghĩa - tình huống, văn hóa xã hội hứa hẹn mở ra các chiều kích diễn giải mới, phá vỡ các phạm trù đã được thiết lập cố định trước đó.

Chương 1 cũng đề cập đến các vấn đề khái lược về đời sống văn hóa của người Thái ở Sơn La, tạo một bối cảnh nền cho những tiếp cận về ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tại nơi này.

Chương 2

MA THUẬT THÁI TRONG HỆ THỐNG VŨ TRỤ QUAN TỘC NGƯỜI

Trong chương này, luận án sẽ tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến nội dung câu hỏi thứ nhất: người Thái xem ma thuật là hành vi như thế nào? Để có thể trả lời câu hỏi này, cần có một hình dung khái quát về sự hiện diện của các hành vi ma thuật trong các lĩnh vực đời sống của người Thái, và từ đó, tìm kiếm các điều kiện cho sự xuất hiện của các thực hành này. Chương 2 của luận án hướng đến việc trình bày, phân tích những điều kiện khả thể hay bối cảnh tâm linh cho sự xuất hiện của hành vi ma thuật Thái, với việc đặt ma thuật trong hệ thống vũ trụ quan tộc người. Nói cách khác, từ quan niệm tâm linh và hệ thống vũ trụ quan Thái đã được kiến tạo, cần hình dung về vai trò và nhiệm vụ của các hành vi ma thuật được người Thái thực hành.

2.1. Sự hiện diện và nguyên cớ của của các hình thức ma thuật trong đời sống Thái

2.1.1. Diện mạo các thực hành ma thuật Thái

Từ những thông tin trong hệ thống sách cổ, từ tư liệu của các nhà nghiên cứu đi trước và qua quá trình quan sát, điền dã của tác giả luận án, có thể phác thảo một hình dung khái quát về các thực hành mà thuật trong đời sống của người Thái ở Sơn La biểu hiện trong nhiều lĩnh vực.

Trong sinh hoạt thường ngày, ma thuật là cách người Thái gọi hồn vía về khi qua ngã ba, ngã tư đường, nhặt hòn sỏi, ngắt vài cái lá gọi hồn khi quay về từ nơi xa, là những kiêng kỵ không được chạm lên đầu, không xoa đầu trẻ, những kiêng kỵ trong việc dọn dẹp nhà cửa, vào ngày tết, nếu dọn dẹp trang trí phải rót chén rượu, thắp hương để báo cáo với ma nhà (phi hươn). Ma thuật còn là lời lẩm nhẩm khi người Thái đi rừng hái lá, đốn cây, là hành động vãi gạo, tiền trên khoảnh cây cỏ, là sự né tránh không đến chỗ cây to trong khu rừng thiêng hay nơi đầu nguồn nước.

Ma thuật là những hiện vật có tính quy ước trong cộng đồng. Sợi chỉ buộc cổ tay, đoạn dây chỉ nối dài từ trên xuống, thòng qua các mâm đồ lễ, vắt sang áo, dây trong lễ cúng bản mường được người Thái cầm, buộc một cách cẩn trọng. Khi nhìn thấy một chiếc taleo cẩu chặn1 cắm chân thang, người Thái sẽ ngần ngại không bước lên nhà, nếu có lên phải có lời hỏi trước với chủ nhà, được sự đồng ý mới lên. Taleo cắm ngoài cổng nhà là dấu hiệu của một nghi lễ nào đó mà gia chủ mới thực

hiện. Taleo cắm đầu bản báo hiệu lễ xên bản (cúng bản) và theo lệ trước đây, trong


1 Taleo cẩu chặn là loại taleo 9 lớp, với các phên tre nứa đan lối mắt cáo xếp chồng lên nhau, được người Thái sử dụng trong những trường hợp bảo vệ/ ngăn chặn đặc biệt, chẳng hạn, treo trên bếp sưởi lửa, treo ngoài cửa khi trong nhà có người phụ nữ sinh nở.

Xem tất cả 403 trang.

Ngày đăng: 13/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí