Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu, Cơ Sở Lý Luận Và Địa Bàn Nghiên Cứu

trọng của thế giới quan tộc người trong diễn giải các thực hành ma thuật, đặc biệt với các hình thức ma thuật mới được kiến tạo trong những bối cảnh có nhiều đổi thay. Trong nhiều trường hợp, tâm thức ứng xử vốn có về văn hóa quyết định cách con người tương tác, ứng xử với thế giới tự nhiên và xã hội nơi họ là một thành viên.

Về mặt thực tiễn:

- Kết quả nghiên cứu của luận án giúp cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế và triển khai các chương trình, hoạt động phù hợp trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa, xã hội; giúp giữ gìn sự ổn định xã hội, bảo vệ và phát huy văn hoá tộc người. Nghiên cứu này đồng thời cung cấp các cơ sở khoa học và các ngữ liệu từ đời sống thực tiễn để tham gia vào quá trình giải định kiến với các thực hành ma thuật, thứ vốn vẫn luôn được xem là biểu hiện đặc trưng cho các không gian xa xôi, hẻo lánh và lạc hậu.

- Kết quả nghiên cứu của luận án đóng góp vào hệ thống tri thức về văn hóa của tộc người Thái ở Việt Nam nói riêng và tri thức về văn hóa hệ thống các dân tộc ở Việt Nam nói chung. Luận án được hoàn thiện có thể trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích trong nghiên cứu và giảng dạy về thực hành tôn giáo tín ngưỡng, về phương pháp diễn giải các thực hành văn hóa theo hướng tiếp cận tương đối văn hóa và từ điểm nhìn của người trong cuộc của ngành Nhân học văn hóa.

7. Cấu trúc của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục (gồm cả Phụ lục Ảnh) và Tài liệu tham khảo, luận án được triển khai với các chương cụ thể như sau:

Chương 1 - Tổng quan tình hình nghiên cứu, Cơ sở lý luận và Địa bàn nghiên cứu

Chương 2 - Ma thuật Thái trong hệ thống vũ trụ quan tộc người

Chương 3 - Ma thuật Thái: Diện mạo các thực hành tương tác với phi

Chương 4 - Ma thuật Thái: Mở rộng ranh giới, đa chiều tương tác trong xã hội đương đại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

Chương 5 - Nghiên cứu ma thuật Thái trong bối cảnh đặc thù: những vấn đề bàn luận

Chương 1

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 4

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU


1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Nghiên cứu về ma thuật trong nhân học

1.1.1.1. Quan niệm, phân loại và chức năng của ma thuật

Ma thuật (magic) là một chủ đề nghiên cứu gây nhiều tranh cãi trong nhân học. Trả lời câu hỏi "ma thuật là gì", các định nghĩa về ma thuật, dù theo cách tiếp cận nào, cũng đều nói tới một phương thức mà thông qua đó, con người buộc tự nhiên hành xử theo hướng mà mình mong muốn. Tuy nhiên, trong khi các nhà nghiên cứu theo tiến hóa luận thường định nghĩa hành vi ma thuật bằng cách nhấn mạnh hoặc đánh giá mối quan hệ nhân quả tồn tại giữa hành động và hiệu ứng, từ đó đặt ra các câu hỏi về phương thức tư duy thô phác của con người cũng như trình độ thấp kém, lạc hậu của xã hội hay nhóm cộng đồng (xem thêm Tylor [292]; Frazer [74]; Kroeber, dẫn theo Barnard [320]; Malinowski [176]), thì nhiều nhà nghiên cứu về sau lại chỉ xem mối quan hệ này như một phương cách thực hiện đặc trưng của hành vi ma thuật (xem thêm Tambiah [381], [382]; Idowu, dẫn theo Appiah- Sekyere&Anderson [315]; Kee [350]; Stein & Stein [376]; Appiah-Sekyere

&Anderson [315]).

Ý niệm về ma thuật còn được làm rõ với hàng trăm loại, hình thức và ví dụ về ma thuật ở hầu khắp các nền văn hóa trên thế giới (xem thống kê của Havilland và các cộng sự [341]). Bói toán, ma thuật lời, ma thuật sử dụng hiện vật thiêng, ma thuật tác động vào các lực lượng siêu nhiên, các loại nghi lễ chuyển đổi, các nghi lễ chữa bệnh, nhập hồn, yểm bùa, bùa hộ mệnh,… được mô tả trong các nghiên cứu của Frazer [74], các hình thức ma thuật Andaman trong mô tả của Radcliffe-Brown, ma thuật Trobriand của Malinowski [356], ma thuật Dobu của Fortune (về sau Benedict [13] dựa theo ngữ liệu đó để phân tích về các mô thức văn hóa), ma thuật Azande của Evans-Pritchard [370], các hình thức ma thuật châu Phi trong nghiên cứu của Mbiti [360], Horton [347], Appiah-Sekyere&Anderson [315],…

Sự phân loại các hành vi ma thuật cũng như các chức năng của chúng cũng là một chủ đề quan trọng mà nhiều học giả quan tâm. Ma thuật thường được phân loại dựa trên (1) nguyên lý của hành vi - cơ sở của hình thức ma thuật và (2) mục đích hướng đến hay chức năng của hành vi ma thuật. Ở sự phân loại dựa trên nguyên lý

hành vi, có thể kể đến lý thuyết nổi tiếng của Frazer trong Cành vàng với nguyên lý của sự tương đồng (law of similarity), cơ sở cho sự hình thành dạng thức ma thuật vi lượng đồng căn (homeopathic magic) và nguyên lý của sự truyền nhiễm/ tiếp xúc1 (law of contagion), cơ sở của ma thuật lây truyền (contagious magic) (xem thêm [74, tr.35-37]). Nguyên lý tương đồng về sau còn được nhiều nhà nghiên cứu gọi là ma thuật bắt chước (Kottak [dẫn theo 315]; Havilland và các cộng sự [341]; Stein

& Stein [376]), với lập luận rằng, ma thuật gia tạo ra một hiệu ứng mong muốn bằng cách bắt chước nó. Ví dụ được Kottak đưa ra là, khi người ta muốn làm cho ai đó bị thương hoặc bị chết, họ có thể bắt chước hiệu ứng đó bằng cách xiên kim lên một con búp bê thay thế hình ảnh trực tiếp của nạn nhân (dẫn theo [292, tr.55]). Tambiah gọi tên loại ma thuật tương đồng này là phép tương tự hóa (analogy) và đưa ra quan điểm về hai loại hình tư duy analog mà ông đặt tên là dự đoán khoa học (scientific predictive) và thuyết phục thông thường (conventional persuasive) ([382, tr.459-461).

Theo cách phân loại thứ hai, ma thuật được các nhà nghiên cứu gọi tên dựa trên mục đích hướng đến hay chức năng của hành vi trong các lĩnh vực của đời sống con người. Đó là ma thuật chế ngự bầu khí quyển (chế ngự mưa, mặt trời, gió) [74, tr.111- 143], ma thuật làm vườn, ma thuật đóng tàu biển [Malinowski, 356], ma thuật trồng trọt, ma thuật sức khỏe, ma thuật thành công trong cộng đồng người Dobu Đông New Guinea mà nếu thiếu nó, không một lĩnh vực nào có thể tồn tại khả thi (Fortune, dẫn theo Benedict [13, tr.163]). Ngoài ra còn có ma thuật làm hại (Pritchard [370], Fortune [13]), loại ma thuật bảo vệ như các loại bùa, câu thần chú để bảo vệ các tài sản của con người khỏi sự phá hoại của các linh hồn xấu (Appiah- Sekyere&Anderson [315], Mbiti [360]). Với một số nhà nghiên cứu khác, các thực hành ma thuật có thể xếp vào ba dạng chức năng chính là sự năng suất/ sinh sản, sự bảo vệ sự phá hoại [329]. Sử dụng sự đánh giá theo hệ giá trị phổ quát, một số nhà nghiên cứu phân loại ma thuật đen ma thuật trắng, hoặc ma thuật tốt ma thuật xấu (Mbiti [360], Appiah-Sekyere&Anderson [315]). Ranh giới giữa ma thuật đen - xấu (black - bad) và trắng - tốt (white - good) được cho là nằm ở ý nghĩa phá hoại hay bảo vệ của bản thân hành vi, chẳng hạn ma thuật đen là loại dùng để tấn công đồng loại, giết chóc, gây ra bệnh tật, phá hoại tài sản, tan vỡ hôn nhân, gây ra sự cằn cỗi và bất lực, tàn phá sự sống của con người (Awuah-Nyamekye, dẫn theo [315]). Tuy nhiên, Awuah-Nyamekye tỏ ra rất thận trọng với sự phân loại này bởi



1 Tên gọi "quy luật tiếp xúc" được Ngô Bình Lâm sử dụng trong bản dịch Cành vàng [74, tr.36].

tính tương đối về mục đích - một hành vi ma thuật có thể là đen với người/ nhóm người, cộng đồng này nhưng lại là trắng với người/ nhóm người, cộng đồng khác. Bối cảnh văn hóa cụ thể là điều được nhà nghiên cứu lưu ý đặc biệt trong sự phân loại dễ gây tranh cãi này.

1.1.1.2. Ma thuật trong đời sống văn hóa: những cuộc tranh luận và những

hướng tiếp cận

Sự đa dạng các hình thức ma thuật tại các nền văn hóa dẫn đến những tranh luận kéo dài tới hàng thế kỉ của các nhà nhân học nhằm lý giải bản chất các hành vi ma thuật cũng như tìm kiếm hướng tiếp cận với các thực hành này.

Hướng tiếp cận đầu tiên theo quan điểm tiến hóa luận, cũng là nguyên cớ của cuộc tranh luận về phương pháp đối sánh ma thuật với khoa học và tôn giáo. Cuộc tranh luận này, khởi xướng từ Tylor và Frazer, kéo dài tới Tambiah đã chứng kiến sự tham gia của nhiều học giả1. Hành vi, phương thức tư duy, tính mục đích của ma thuật được phân tích, đánh giá/ định giá, tiên đoán các khả năng tồn tại trong sự đối sánh với khoa học và tôn giáo. Đặt trong sự đối sánh này, ma thuật nổi lên như các thực hành ngụy khoa học (pseudoscience), "lừa dối"2, "lẫn lộn mối liên hệ ý tưởng với mối liên hệ hiện thực một cách sai lầm"3, và ma thuật gắn với một thời kì/ xã hội với "trình độ văn hóa thấp"4, "cư dân chưa phát triển", "một bộ lạc tách biệt hay xa xôi"5, "trạng thái trí tuệ thấp kém", "hoang tưởng"6, và tư duy ma thuật sẽ được thay thế lần lượt bởi tư duy tôn giáo và tư duy khoa học, ma thuật sẽ biến mất khi khoa học và xã hội phát triển7. So với tôn giáo, ma thuật cũng hiện hữu trong sự đối sánh vùi dập không che giấu của các nhà nghiên cứu và trong ác cảm của chính tôn giáo với ma thuật. Nếu tôn giáo là có tính cộng đồng, cao quý, thiêng liêng, nâng đỡ, an ủi con người trong những thời khắc trọng đại, thì ma thuật được cho là tất cả những thứ trái ngược - cá nhân, tầm thường, thậm chí dễ dãi và phi lý (xin xem Durkheim [53, tr.56,57]; Malinowski [176, tr.180, 189]).

Ở góc nhìn đối lập, nổi lên những tranh luận của Lowie, Bruhl và Tambiah. Lowie, Bruhl cho rằng, những suy đoán của Tylor và Frazer là hoàn toàn sai lầm

1 Theo thống kê của Tambiah (1990), có sự tham gia của gần như tất cả các gương mặt tiêu biểu của ngành trong cuộc tranh luận quyết liệt này: từ Edward Tylor, James Frazer, qua xã hội học Pháp với Emile Durkheim, Marcel Mauss cùng những người chịu ảnh hưởng tư tưởng của họ như Lévy Bruhl hay Maurice Halbwachs, trở lại Anh với Bronislaw Malinowski và Radcliffe-Brown, cuối cùng, kéo dài đến thời hiện đại với Evans-Pritchard, Robin Horton, John Bartie, Ernest Gellner và nhiều người khác nữa.

2 Dẫn theo Barnard và các cộng sự [320, tr.513].

3 Tylor [292, tr.146].

4 Tylor [292, tr.142].

5 Tylor [292, tr.143].

6 Tylor [292, tr.146].

7 Frazer [74, tr.1119, 1120].

khi đặt trong bối cảnh xã hội cổ sơ và với tâm tính của người nguyên thủy [320]. Tambiah [384] phản bác các luận điểm của Tylor và Frazer bằng cách nhấn mạnh vào cách mà các nhà "nhân học ghế bành" này phán đoán về trải nghiệm tôn giáo, phân tích, lí giải, phán xét về thực hành của những con người mà họ chưa từng tiếp xúc. Tambiah cũng bác bỏ sự so sánh ma thuật với tôn giáo hay khoa học khi cho rằng, để hiểu ma thuật, cần đo chúng trong môi trường nghi lễ, bằng giá trị nghi lễ [382].

Cuộc tranh luận về 'bộ ba quyền lực'1 ma thuật - khoa học - tôn giáo cho thấy

đằng sau đó là các vấn đề về bối cảnh của phương Tây về cả thực tại lẫn trong nghiên cứu khoa học. Như Barfield [319] đã nói, "cuộc tranh luận về sự duy lý" này bắt nguồn từ tình trạng, các nhà nhân học nhận thấy sự hiện diện của ma thuật trong nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả nền văn hóa của chính họ, song lại không tin rằng các hành vi ma thuật lại có thể đạt được một kết quả cụ thể nào đó (tr.298). Cuộc tranh luận này cũng đồng thời để lại nhiều định kiến và ấn tượng dai dẳng, sâu đậm, góp phần khiến ma thuật trở thành chỉ dấu của nhóm/ cộng đồng có tư duy thô phác nguyên thủy, của sự chậm phát triển hay kém văn minh.

Hướng quan trọng tiếp theo trong nghiên cứu ma thuật là chức năng xã hội và tâm lý do Malinowski (1948) khởi xướng. Trong Ma thuật, khoa học và tôn giáo, khi quan sát cách người Trobriand thực hành ma thuật, Malinowski đã thừa nhận tầm quan trọng của các thực hành này trong đời sống văn hóa của cư dân trên đảo, "ma thuật được người bản địa coi là một phần không thể tách rời khỏi sự trù phú của vườn tược" [176, tr.157). Những ngữ liệu thực hành ma thuật tại thực địa đã dẫn Malinowski đến ý niệm, ma thuật được tiến hành khi một quá trình nào đó được coi là không chắc chắn hoặc mạo hiểm. Malinowski khẳng định vai trò và chức năng tâm lý của ma thuật trong đời sống của người nguyên thủy với hai phương diện: (1) ma thuật là phương thức trấn an trước rủi ro, đề phòng bất trắc, (2) ma thuật tạo thêm hứng khởi cho các hành động thực tiễn. Sự trấn an trước rủi ro bằng các

phương thức ma thuật và tôn giáo được Malinowski xem là mang lại tính năng tâm lý đặc biệt, "nghi thức hóa sự lạc quan của con người"2 [355, tr.70], giúp con người nâng cao niềm tin, chiến thắng được sợ hãi, giúp họ thêm tự tin, kiên định và lạc quan. Những phát hiện này, với trọng tâm thảo luận về chức năng tâm lý ma thuật của Malinowski được Middleton đánh giá là cách mạng hóa việc nghiên cứu về ma thuật, gợi dẫn một cách nhìn khác về đối tượng nghiên cứu này [363]. Tuy nhiên,


1 "Bộ ba quyền lực" (a powerful triad) - chữ dùng của Bailey [318, tr.2].

2 Nguyên văn luận điểm nổi tiếng này của Malinowski trong tiếng Anh: "The function of magic is to ritualize man's optimism, to enhance his faith in the victory of hope over fear".

cũng theo Middleton, vấn đề nằm ở chỗ, những phát hiện về ma thuật Trobriand đã được Malinowski phóng chiếu thành thứ ma thuật có tính nhân loại. Nói cách khác, Malinowski đã biến niềm tin văn hóa, suy nghĩ, động cơ và hành động của riêng người Trobriand thành các vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại, và vì thế, những chỉ trích dành cho ông là hợp lý. Thêm vào đó, Malinowski bị phê phán rằng, dù ông chứng kiến và tham gia vào các hoạt động ma thuật của một dân tộc, nhưng Malinowski đã không nhìn nhận các chức năng của ma thuật bằng chính những gì người Trobriand có thể làm và nghĩ, mà suy luận nó từ những trải nghiệm dân tộc học của bản thân nhà nghiên cứu. Malinowski (có thể) bị nghi ngờ đã phóng chiếu suy nghĩ, cảm xúc và động cơ của chính bản thân mình lên các thực hành ma thuật khi ông bàn luận về chúng [363].

Cùng hướng tiếp cận chức năng của Malinowski, Evans-Pritchard trong Phép phù thuỷ, lời sấm và ma thuật Azande [370] đã bổ sung thêm rằng, người Azande sử dụng ma thuật nhưng không hướng đến sự thay đổi tự nhiên mà để chống lại các sức mạnh và sự kiện thần bí do người khác gây ra. Với người Azande, ma thuật, phù thủy là một đặc ngữ (idiom) mà trong đó, tất cả những bất hạnh được giải thích [370, tr.19]. Nghiên cứu này của Evans-Pritchard cho thấy, mạng lưới liên kết xã hội, những mối căng thẳng và xung đột xã hội đóng vai trò quan trọng trung tâm trong xem xét các thực hành ma thuật [363]. Dù Evans-Pritchard xem những rủi ro, bất hạnh (thứ được người Azande tin là do ma thuật gây ra) là ngẫu nhiên, và sự kết hợp hài hoà, phức tạp giữa ma thuật, lời sấm và phép phù thủy được ông cho là dựa trên lòng tin vào những thế lực huyền bí mà trong thực tế không hề tồn tại; không thể phủ nhận những đóng góp có tính tiên phong của ông với nghiên cứu ma thuật. Evans-Pritchard không sa vào bàn luận mối quan hệ ma thuật - khoa học - tôn giáo mà khảo tả rất chi tiết về niềm tin và thực hành ma thuật Zande trong chính bối cảnh xã hội Zande, nhấn mạnh đặc biệt vào cơ chế của tư duy và bối cảnh xã hội

của các màn trình diễn ma thuật1 [363]. Đây là đóng góp và sự khác biệt rất lớn của

Evans-Pritchard.

Về sau, bàn về chức năng của ma thuật trong đời sống văn hóa của con người, một số nhà nghiên cứu về ma thuật châu Phi khi phân tích về các hành vi mà họ gọi là ma thuật đen (black magic), tức những loại ma thuật gây hại lên ai đó hoặc tài sản của họ, đã nêu luận điểm rằng, các thực hành kiểu này có tính năng bảo vệ và giúp


1 Theo Middleton (2005), sự mở rộng hướng thảo luận về ma thuật, từ bàn thảo mối quan hệ ma thuật - khoa học - tôn giáo sang việc chú ý tới cơ chế tư duy văn hóa và bối cảnh xã hội phía sau các màn trình diễn ma thuật chủ yếu dựa vào công trình có tính tiên phong của Lévy-Bruhl và Evans-Pritchard.

duy trì một thiết chế xã hội ổn định tương tự như các quy tắc luật lệ trong cộng đồng, bởi chúng mang đến những lo âu tâm lý về sự trả thù (Mbiti [360]; Awuah- Nyamekye&Anderson, Bosman, dẫn theo [315]). Mbiti giải thích thêm rằng, những hành vi ma thuật được xem là đen - xấu (evil magic) mang lại chức năng tích cực trong việc giúp ổn định quan hệ giữa các thành viên trong một cộng đồng, bởi nỗi sợ hãi khi người hàng xóm có thể dùng ma thuật và phép phù thủy sẽ khiến con người kiềm chế những hành vi phạm tội. Từ khía cạnh thiết chế xã hội, nhà nghiên cứu cho rằng, các hành vi ma thuật gây hại giống như một thứ rào cản tâm lý buộc con người phải kìm hãm các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, tài sản và danh dự của người khác [360, tr.168, 169].

Sự thay đổi quan trọng trong hướng tiếp cận ma thuật diễn ra vào những năm cuối của thập kỉ 1960s, và mang đậm dấu ấn của Stanley Tambiah với quan điểm công năng mang tính diễn năng. Trong Các hình thái và ý nghĩa của hành động ma thuật [Form and Meaning of Magical Acts] [382], Ma thuật, khoa học, tôn giáo và phạm vi của duy lýi [Magic, Science, Religion and the Scope of Rationality] [384], Tambiah phản bác các luận điểm mang tính tiến hóa luận của các nhà nghiên cứu đi trước, và dựa trên các thực hành ma thuật trong nghiên cứu của Malinowski về người Trobriand [356] và Evans-Pritchard về người Azande [370] để chứng minh về một phương thức tư duy kiểu ma thuật, hoàn toàn không liên quan hay tương thích với tư duy khoa học. Với Tambiah, ma thuật không thể được hiểu đúng nếu tách ra khỏi môi trường nghi lễ, bởi hành động ma thuật đồng nghĩa với hành động nghi lễ, ma thuật diễn ra trong diễn xướng nghi lễ [382, tr.471,472]. Và thứ liên quan trực tiếp đến kết quả ma thuật là nghi lễ phải được làm đúng cách. Thông qua hình thức thực hành nghi lễ, trong điều kiện phù hợp, ma thuật có thể đạt được trạng thái thay đổi. Tambiah cũng đặt những chú ý đặc biệt tới lời làm phép của người thực hành ma thuật và cho rằng, trạng thái mong muốn của hành vi ma thuật được xem là đã xảy ra ngay khi lời phù hợp được thốt ra ([381], [382]). Những luận điểm và cách tiếp cận ma thuật của Tambiah càng trở nên thuyết phục khi trong thực tế, tại phương Tây và các nơi khác trên thế giới, ma thuật vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa của con người. Nếu ma thuật đơn giản, thô phác và lạc hậu như cách Tylor và Frazer đã nói, hẳn sẽ không thể tồn tại khi con người và xã hội phát triển. Và Tambiah khẳng định rằng, trong xã hội hiện đại, ma thuật vẫn tồn tại ở khắp những tôn giáo lớn, không những thế, nó tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống con người (Tambiah [382], [384], xem thêm phân tích của Kendall [140]).

Quan điểm về công năng mang tính diễn năng, về chức năng của ma thuật trong môi trường nghi lễ và trong đời sống của Tambiah đã được các nhà nghiên cứu thế hệ sau đào sâu nghiên cứu. Arnold Gennep [337], Victor Turner [291] và Mary Douglas [327] tìm kiếm tính năng chữa bệnh, chuyển đổi trạng thái trong các nghi lễ chuyển đổi, một số tác giả khác nghiên cứu về shaman, lên đồng với tính năng chữa bệnh cho con người (Atkinson, 1992; Kendall, 1995; Roseman, 1995; Humphrey, 1996). Những tranh luận về ma thuật sau đó được phát triển thêm với các thảo luận cụ thể về tính hợp lý, niềm tin, sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và vấn đề về sự diễn giải (Luhrmann 1989, dẫn theo Barfield [319, tr.298]).

Trong bối cảnh đời sống hiện đại, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng của nhu cầu về ma thuật trên toàn thế giới tỉ lệ thuận với sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế (Comaroff, 2000, Clough & Michell, 2001, Cuneo, 2002, Mayer & Pels, 2003). Hiện tượng này dẫn các nhà nghiên cứu đến với những diễn giải mới, đặt ma thuật và nhu cầu thực hành ma thuật trong mối tương quan với 'cái hiện đại' (mordernity). Chẳng hạn, tranh luận của Clough & Michell (2001) rằng, sự phát triển của kinh tế và những thay đổi mau lẹ của đời sống đã dẫn tới sự củng cố niềm tin vào cái ác và ma quỷ, đặc biệt trong những người chống lại hoặc không chấp nhận 'cái hiện đại'. Tuy nhiên, trong tuyển tập Ma thuật và cái hiện đại [Magic and Modernity: Interfaces of Revelation and Concealment] [359], Pels không nhìn ma thuật như là sự tương phản, đối lập hay chống lại cái hiện đại, hơn thế còn nhấn mạnh, ma thuật không chỉ tồn tại trong thời hiện đại, mà cái hiện đại còn tạo ra những hình thức/ loại ma thuật của riêng nó, thứ mà Pels gọi là 'ma thuật trong cái hiện đại', 'ma thuật thuộc về cái hiện đại' (tr.3).

Như vậy, những tranh luận, biện giải về ma thuật từ nhiều nghiên cứu đã làm nổi bật lên các khuynh hướng trong lịch sử tiếp cận, cũng như cho thấy hướng đi phù hợp về đối tượng này. Một ý niệm ma thuật phổ quát cho mọi nền văn hóa theo cách mà các nhà tiến hóa luận quan niệm hoàn toàn không thuyết phục cả về thực tiễn lẫn trong nghiên cứu. Những đánh giá, phân loại có tính khái quát, thoát khỏi một bối cảnh và một điểm nhìn văn hóa cụ thể trở nên không phù hợp và thiếu thận trọng. Vai trò của ma thuật trong đời sống của con người là rất đa dạng và tùy vào thuộc vào từng bối cảnh văn hóa hay bối cảnh tình huống mà nhà nghiên cứu lựa chọn phân tích.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023