vòng 3 ngày, dân trong bản cẵm (kiêng) không được ra ngoài, người ngoài bản không được đi vào bên trong. Nếu một khoảnh đất có chiếc cọc, bên trên có áo, xung quanh có thể có thêm taleo, mọi người trong cộng đồng đều ngầm hiểu đó là mảnh đất đã có chủ. Một chiếc gậy tre có buộc thắt một mảnh vải trắng được ngầm hiểu đó là mảnh đất được chọn để làm nhà cho ma hồn người chết (phi). Bó vỏ ống cơm lam treo bên đường, chỗ dễ thấy và nhiều người đi qua là dấu hiệu của kì sinh nở và sự chào đời của một em bé Thái. Không ai chạm vào một chiếc bè nhỏ thả trôi suối bởi nó liên quan đến lễ gạt hạn (xên khớ) do Then thả bụi vận hạn xuống mà ai đó đã chẳng may vướng trúng, trên bè có tóc, móng tay, nước bọt của người được cúng nhằm gửi trả vận hạn lên Then.
Trong nhịp vận hành của nghi lễ vòng đời người, một người Thái trải qua rất nhiều các nghi lễ có tính ma thuật và các thực hành ma thuật trong nghi lễ. Liên quan đến chu kì sinh, là lễ cúng chăn cúng đệm, cúng địu cúng võng, cúng hồn cúng vía cho trẻ mới sinh, cúng vía vú cho sản phụ nhiều sữa, với việc bà mo một ngồi hát xướng, thỉ thoảng vê nắm cơm nếp, lấy miếng trứng hoặc cá bón lên từng đồ vật (địu, võng, đệm, chấm vào vú sản phụ). Lễ nếp tạy cài tạy họ - vật biểu trưng cho hồn vía của một con người lên khu tạy họ của cả gia đình hoặc dòng họ. Trong hôn lễ, với cô dâu Thái đen, một nghi lễ ma thuật quan trọng là lễ tẳng cảu của cô dâu, chính thức đánh dấu mối quan hệ vợ chồng, phân biệt cô với những cô gái chưa chồng khác. Lễ cưới còn diễn ra với lễ trao áo, trao gối (phái xửa), lễ trải chăn đệm với từng đôi một, do hai bà mẹ thực hiện và nghi thức buộc áo, làm vía cho hai vợ chồng. Việc dựng nhà với người Thái rất hệ trọng, và nhiều các thao tác, hành vi, nghi lễ ma thuật được tiến hành liên quan tới các khâu từ bói tìm đất (hỏi ý phi đin, ma chủ đất), ma thuật đuổi ma tà với chiếc cột chủ xau hẹ trong nhà, đặt bùa hộ mệnh tại một số nơi quan trọng cùng nhiều các hình thức đuổi ma khác trước khi lên nhà. Chặng cuối cùng trong cuộc đời con người, tang ma, là dày đặc các hành vi, nghi lễ ma thuật nhằm đảm bảo sự chuyển tiếp ma hồn về các không gian và đảm bảo sự yên ổn cho hồn của người thân còn lại.
Ma thuật hiện hữu trong các lễ làm vía (hệt khoăn), sửa hồn (peng khuân)1
hướng tới mục đích chữa bệnh biểu hiện trên thân thể nhưng được xem là có căn nguyên từ sự bất ổn trong đời sống hồn vía. Sửa hồn, làm vía khi hồn vía đi lạc, bị ma rừng (phi pá), ma lớn (phi luông) bắt. Sửa hồn, làm vía còn được thực hiện
1 Các từ khoăn, khuân, khuôn, khuần được sử dụng với một hàm nghĩa chỉ 'hồn vía'. Trong luận án, tác giả sẽ sử dụng các từ ngữ trung thành với phát âm của từng tiểu vùng văn hóa Thái và theo các bối cảnh nói/ hát xướng cụ thể.
trước và sau khi con người trải qua các biến cố đời sống nào đó, chẳng hạn trước và sau khi sinh nở, trước khi bước vào và sau khi bước ra một cuộc hôn nhân, dù trong bất kì tình huống nào (góa chồng góa vợ hoặc sau khi đã ly hôn), sau lễ tang của một người thân. Sửa hồn, làm vía sau khi đi sống ở nơi xa một thời gian, đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động, ở trọ các nơi, sau tết cúng hồn cúng vía cho cả bản, đề hồn vía đi chơi tết xa không ham vui, mải chơi hay bị lạc,… Ma thuật hiện diện trong các nghi lễ có tính bất thường, chẳng hạn khi ai đó bị vướng hạn Then gieo, bị ma hồn tình yêu (phi chuông) bám theo khiến cho điên loạn, đau ốm đến thập tử nhất sinh, khiến các thầy mo một phải dùng phép chém dê mới hy vọng khỏi. Các hình thức chữa bệnh bằng măn (thả lời bùa), băng (quây, che), phẵn (chém), chót (uống ngụm nước trong bát lá trầu rồi phun vào chỗ đau của con bệnh) cũng được
các mo1 thực hiện. Những câu chuyện do thầy mo cung cấp cũng cho thấy các phép
ma thuật được sử dụng để làm tổn hại tới cơ thể, sức khỏe, sinh mệnh của ai đó, và hình thức được kể đến nhiều nhất là cách làm bùa khiến ai đó đau đớn ở một bộ phận trên cơ thể (đau bụng, đau mắt) hoặc ốm đến chết mà đi bệnh viện vẫn không tìm ra nguyên cớ. Nhiều các phép bùa với áo, với trứng cũng được mo thực hiện tại nhà của khách hàng hoặc tại gian thờ của mo.
Ma thuật còn là các không gian được người Thái xem là cấm kỵ, với các phép tắc buộc phải tuân thủ và các thực hành khi có nghi lễ hoặc hành vi liên quan. Đó là gian hóng thờ tổ tiên, lỗ tròn trên vách sát nơi bón đồ ăn khi cúng tổ tiên (hụ hóng), nơi treo túi tạy họ biểu trưng cho sinh mệnh của mọi thành viên trong gia đình, cột chủ xau hẹ trong nhà với dấu hiệu là chiếc mai rùa hay miếng gỗ, sọt tre và túi đồ úp trên cột phía sát đỉnh, cửa sổ thẳng phía hóng - lối đi của phi (thần, ma, ma hồn) trong các lễ cúng, khu rừng ma của bản, nơi thường ngày không ai lui tới hay dọn dẹp nhà mả, để mặc cho cây cối rậm rạp. Những không gian khiến dấy lên nỗi e sợ khi lui tới còn là tại nguồn nước chung có tên chảu nặm, là khu rừng thiêng chung (đông sửa), là ngọn núi, mảnh ruộng gốc chung của bản mường,…
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Về Ma Thuật Trong Đời Sống Văn Hóa Ở Việt Nam
- Ma Thuật, Đời Sống Văn Hóa Và Đời Sống Văn Hóa Thái Đương Đại
- Khái Lược Về Lịch Sử Cư Trú Của Người Thái Ở Sơn La
- Khuân/ Phi Khuân - Hồn Của Sinh Thể: Thực Thể Gắn Với Cái Siêu Nhiên, Độc Lập, Dễ Tổn Thương, Có Thể Rời Bỏ Và Cần Được Chăm Sóc
- Phi: Kiến Tạo Về Thuộc Tính Người, Các Trật Tự Và Những Chiều Tác Động
- Ma Thuật Xác Định Bất Thường, Thăm Dò Phi: Bói Toán
Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.
2.1.2. Nguyên cớ của các hành vi ma thuật Thái: Phi
Sự tham gia của ma thuật trong nhiều lĩnh vực của đời sống Thái đã gợi dẫn sự tìm kiếm về những hoàn cảnh xã hội mà con người tại đây đối diện và cách họ sử dụng ma thuật để giải quyết các vấn đề. Như gợi ý của Asad và tiếp đó là Keyes rằng "những hoàn cảnh mà con người đối phó phải là tâm điểm đầu tiên của sự chú
1 Trong luận án, để dễ dàng hơn cho người đọc, tôi sử dụng từ "mo" như một thuật ngữ chung nhất để chỉ người hành nghề tâm linh Thái, dù trong thực tế đời sống, người Thái phân biệt và gọi tên rõ từng tiểu loại mo và chức năng cụ thể của họ trong việc giao tiếp với từng chủ thể siêu nhiên.
ý" [142, tr.20], từ các cảnh huống cụ thể, từ các mối bận tâm, lo lắng và cách tìm đến với thực hành ma thuật của những người Thái đã gặp, tôi nhận thấy, điểm tương đồng phổ quát dẫn đến những hành vi ma thuật Thái chính là những nỗi lo âu về đời sống của các lực lượng siêu nhiên có tên là phi (thần linh, ma hồn, ma tà, hồn vía người và hồn vật thể). Thông thường, ma thuật được sử dụng để phòng tránh, kiểm soát, xử lý những vấn đề liên quan đến đối tượng này. Một hệ thống những điều kiện khả thể có tính bối cảnh đã tham gia vào quá trình xuất hiện, tồn tại và có nghĩa của ma thuật Thái, với các nhân tố chính:
1 - mối bận tâm về phi - những lực lượng siêu nhiên có mối liên hệ, tác động và chi phối tới cuộc sống con người.
2 - ý niệm/ sự xác tín về một nhóm người có năng lực đặc biệt có quyền
năng, vị thế và khả năng trong việc tương tác với phi - các thầy mo.
Mối bận tâm về thế giới của các lực lượng siêu nhiên mang tên phi sẽ quyết
định cách con người sử dụng (hoặc không) các hành vi ma thuật.
Nhiều cuộc gặp gỡ và cảnh huống đã cho thấy, những lo lắng liên quan điều không lành sẽ đến khi người Thái thấy giọt máu rơi giữa nhà, gặp con dúi, con cầy, con dòi đất, rắn rết bò qua trước cửa, bị chim chích bậy trúng đầu, trúng vai, cú đậu nóc nhà, chim xanh bay vào gian thờ,... Mơ thấy những chuyện vui vẻ (cười, hát, dựng nhà mới…), cũng là điều không tốt, khác với việc mơ thấy chuyện buồn, đói rách hoặc chết chóc tức điềm báo may mắn. Không ai đặt ra câu hỏi và cũng không (định) lí giải về mối liên quan trực tiếp giữa những thứ được xem là báo hiệu cho điều bất hạnh, "không biết, nhưng chắc chắn là thế", "nhiều người đã gặp và thấy toàn thấy chuyện xấu". Họ còn bổ sung cho những nhận định đó bằng hàng loạt những câu chuyện từ trải nghiệm của chính mình hoặc của những người khác. Dường như, không tồn tại ý niệm về sự trùng hợp ngẫu nhiên khi gặp những thứ được xem như điềm báo, bởi đó là dấu hiệu liên quan tới một loại phi nào đó.
Chỉ báo về bất thường còn được nhiều người Thái đọc qua những gì đã và đang xảy đến, chẳng hạn, trẻ con khóc ngằn ngặt, ốm mệt, mất ngủ, đau đâu đó trong người mà không rõ nguyên do, người chết dữ trong bản, nguồn nước bị cạn, sạt lở đất tại cánh đồng trồng lúa hay mùa màng thất bát. Bà mo Song1 (Mộc Châu) có nói với tôi rằng, thường thì mọi người sẽ không tự nhiên tìm đến bà,
mà phải khi có điều gì đó khiến họ lo lắng, hoặc sự đau đớn đã biểu hiện rõ trên cơ thể. Các trường hợp mà tôi quan sát thấy tại gian thờ của bà cũng củng cố thêm cho điều này khi không người Thái nào đến nhờ bà mo bói chỉ do
1 Tên các nhân vật sử dụng trong luận án được thay đổi để đảm bảo nguyên tắc ẩn danh.
muốn biết trước hay tò mò về tương lai. Luôn là một tình huống gặp phải cụ thể, một biểu hiện rõ ràng đi kèm với các nỗi lo đã được nhen nhóm. Nhiều người nói rằng, họ để ý đến những điều không may và cả những điều tốt đẹp, nếu nó tự dưng xảy đến. Tôi bị ốm đau không rõ nguyên nhân hay mọi việc diễn ra tốt lành đều có xu hướng được đặt trong một khung xem xét về bất thường - nghĩa là cả ở chiều kích rủi ro và may mắn theo nghĩa bị và được. Vậy địa chỉ của sự bất thường này sẽ dẫn đến đâu? Nếu tôi đau ốm hoặc gặp điều không tốt, tức là phi đã gây ra điều gì đó, còn khi tôi gặp điều tốt lành hoặc khỏe mạnh bình thường, đấy là do phi đã giúp đỡ, nếu trong bản có người chết liên tục, mùa màng bị hại thì phải cúng bản cúng mường để phi sẽ không gây hại (xem thêm Phụ lục 1. Các câu chuyện điền dã). Ngoài ra, còn có riêng một quyển sách cổ ghi lại những chỉ dẫn về ngày giờ và những điều tốt xấu nên làm, là căn cứ để người Thái chọn ngày tốt khi làm việc hệ trọng cũng như giải mã những giấc mơ có thể gặp phải. Chẳng hạn, nếu mơ thấy "bế mặt trời thì sinh con trai, bế mặt trăng sinh con gái"; "mơ thấy trời đánh mình: được giàu có"; "mơ thấy phi và phi đánh nhau: thêm sống lâu"; "mơ thấy mổ lợn: tốt, thấy mổ dê: không tốt"; "mơ thấy con bò vào nhà: có người cứu nạn". Điềm báo xấu còn luôn được mo nhắc tới trong các lời cúng tại nghi lễ.
Như vậy, những lí giải bất thường về mặt sức khỏe, bệnh tật, sinh mệnh và điều tốt xấu trong cuộc sống của con người tại đây đã cung cấp dữ liệu kết nối với ý niệm phi - thuật ngữ vốn vẫn thường được dịch ra tiếng Việt là ma nhưng thực chất không tương đồng với hình dung của người Thái. Trên thực tế, phi được người Thái xem là hồn của người (cả người sống và người chết), hồn của mọi vật thể trong tự nhiên, và các vị then trên mường trời cũng được xem là một loại phi. Những biến động trong cuộc sống của tự nhiên và của con người (ở cả cấp độ cá nhân, gia đình, bản mường) đều có xu hướng được xem là biểu hiện cụ thể của một nguyên do có liên quan đến cái siêu nhiên phi này. Phi luôn xuất hiện như một nguyên cớ chính. Như vậy, có
thể cho rằng, đặc ngữ1 của những bất thường với người Thái chính là phi.
2.2. Những kiến tạo về phi trong hệ thống vũ trụ quan tộc người
Câu chuyện thứ nhất
Đang trao đổi đầy say sưa về việc khôi phục và bảo tồn lễ hội trong bản, lật giở cho tôi xem từng đoạn ghi chép lời cúng trên tờ giấy đã ố màu, nghe thấy tiếng bước chân lên sàn và tiếng trẻ con cười đùa, bác Tiến ngẩng lên, hướng ra cửa phía thang lên. Bỗng nhiên bác hoảng hốt gọi giật, cuống quýt: chạy nhanh vào
1 Đặc ngữ (idiom): thuật ngữ được Evans-Pritchard sử dụng để nói về thói quen của người Azande khi quy mọi rủi ro mà họ gặp phải cho việc bị ai đó làm ma thuật hại [370, tr.19].
trong kia, nhanh lên, nó dậy bây giờ. Vừa nói, tay bác vừa chỉ vào hướng sàn bên bếp, thúc hai đứa bé tầm 8, 9 tuổi đang cầm trên tay một cành cây lá xanh chạy thật nhanh. Chờ chúng đi khuất, quay sang tôi, bác giải thích: trẻ con không biết gì, cầm cái cành cây kia mà đi qua chỗ này (tay bác chỉ vào bàn thờ), phi hươn nó dậy đòi ăn thì lại ốm đấy [phi hươn: tiếng Thái dùng chỉ ma
nhà, được thờ tại hóng trong nhà, phía gian bên quản1] (Tư liệu điền dã, Mộc
Châu 24/3/2018).
Câu chuyện thứ hai
Trong một chương trình tiếng Thái của Đài truyền hình, phát thanh viên giới thiệu với người xem về những bài thuốc cổ truyền chữa nhiều loại bệnh khác nhau của người Thái. Người làm chương trình muốn dẫn dắt người xem cùng tìm hiểu sự phong phú, đa dạng, cũng như khám phá kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của đồng bào Thái. Trên màn hình xuất hiện hình ảnh của một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Thái, đầu đội khăn piêu, hông đeo chiếc giỏ (ếp) nhỏ, dẫn phóng viên đi hái lá thuốc. Đến bãi đất rộng có cây lá, người phụ nữ dừng lại, lấy trong giỏ ra một túi nylon nhỏ, bốc mấy nhúm gạo cùng hai tờ tiền mệnh giá 2.000đ trong túi vãi lên bãi lá, miệng lẩm nhẩm gì đó rồi ngồi xuống bắt đầu hái (Chương trình tiếng Thái của Đài PT-TH Điện Biên, ngày 21/3/2010).
Câu chuyện thứ ba
Ông mo Xuyên là người tham gia vào quá trình phục dựng và trình diễn lễ hội Kin pang Then của người Thái trắng tại Tuần lễ văn hóa huyện. Lễ hội này được trình diễn lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa của huyện từ năm 2016, và tiến hành đều đặn vào đầu xuân hàng năm. Trong tất cả các bài báo, video liên quan về lễ hội Kin pang Then tại đây, ông được giới thiệu là "thầy mo hát Then và gẩy đàn tính", là "người giữ hồn cốt" của lễ hội này. Khi gặp ông, tôi để ý thấy ông đi tập tễnh, chân có vẻ đau nhức. Trong buổi nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại đập đập vào chân và co duỗi ra chiều khó nhọc. Khi tôi ngỏ ý muốn được nghe ông hát Then, ông hốt hoảng lắc đầu: không được, không có lễ không hát được, phi Then nó về đấy. Rồi ông vỗ đồm độp xuống cái chân đau và bảo: đấy, về thật đấy. Vì về mà cái chân này bị đau này. Đáng lý tôi không què thế này đâu. Năm đầu tiên Phòng Văn hóa huyện bảo làm lễ hội thế là mời họ [các phi, Then- ĐTTH] xuống, huyện lại không cho con gà, chỉ có rượu mới
1 Ngôi nhà sàn Thái có nhiều phần nhưng về cơ bản, có thể hình dung với hai phần chính: gian bên quản và gian bên chan. Bên quản có gian thờ tổ tiên (hỏng hóng, phía góc trái trong cùng), nối ngang sang phải là nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà. Khu tiếp khách (hiện tại thường kê bộ bàn ghế gỗ hoặc sofa mềm, có những nhà có một cái bàn tròn ngồi cùng gối Thái xung quanh) nằm ở giữa gian bên quản, gần cửa ra vào hoặc cửa sổ). Bên chan có bếp lửa và không gian sinh hoạt chung của gia đình. Hiện tại, nhiều ngôi nhà sàn Thái được làm nối thêm khu bếp ga và nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm phía gian bên chan này.
hoa quả, họ xuống họ không được ăn, họ làm cho tôi bị như thế này. Lúc ấy tôi bị đau, ở chỗ lưng rồi chân mới bị què. Hai ba năm rồi, cứ đi khám, đi nằm viện ở Sơn La chỗ Viện Thần kinh, mãi mà không đỡ (Tư liệu điền dã, 2/2020).
Ba tình huống khác nhau trong thực tại, phần nào cho thấy sự hiện diện sống động của phi trong đời sống. Một nỗi lo về việc phi sẽ thức dậy khi cành lá xanh được mang đến gần gian thờ (được cho là nơi ma nhà/ ma tổ tiên ngụ); một thao tác dùng gạo và tiền để xin phép thần đất (phi đin), hồn vía (khuân) của người dạy mình nghề thuốc và ma hồn (phi khuân) của cây cỏ trước khi hái lá thuốc để chữa bệnh; một nỗi lo về sự hiện diện thật của phi sau lời hát cúng, cũng như một sự đau đớn kéo dài được xem là do phi gây ra, với nguyên do thiếu đồ lễ hiến sinh trong một lễ hội trình diễn trên sân khấu. Trong những câu chuyện và tình huống này, phi không hề hư vô - với con người, phi là cái hữu hình, là thật. Đúng như câu tục ngữ Thái, "mạy tó thú mi phi/ đin tó vi mi chảu" (cây bé bằng cái đũa cũng có phi/ mảnh đất bé bằng cái quạt cũng có chủ), mọi ứng xử của người Thái xoay quanh trục quan niệm trung tâm này.
Từ nhiều cảnh huống trong các nghi lễ và diễn giải của người Thái nơi này, có thể xem phi là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một dạng thức tồn tại vô hình thuộc về cái siêu nhiên. Vô hình, thuộc về siêu nhiên, nhưng lại trở nên hiện hữu, rõ ràng và liên quan trực tiếp tới cuộc sống của con người qua cách họ lí giải về các biểu hiện và sự kiện cụ thể của cá nhân, gia đình, bản mường. Khi cơ thể đau ốm, hệ
thống hồn vía trong cơ thể được xem là có vấn đề, và cần tìm kiếm các ma hồn cho về lại trong sinh thể1. Nếu ai đó bị xác định là điên loạn và không thể làm chủ các cảm xúc của bản thân mình, người đó được xem là bị phi nào đó nhập và kiểm soát. Nếu bị đau ốm, bệnh tật, người ta sẽ mang áo đi bói xem phi nào gây ra. Nhiều các lễ cúng hướng đến một phi cụ thể (đã được xác định sau khi bói), và trong quá trình cúng, thầy mo có thể bói ra thêm một vài phi khác nữa cũng đang đòi ăn. Phi cũng
được sử dụng để gọi phần thi hài của người chết, khi người ta vẫn chưa xử lý nó (theo cách chôn hoặc thiêu). Và như Keyes (1987) trong nghiên cứu về người Thái ở vùng Đông Bắc Thái Lan đã nói, bệnh tật, tai nạn, thiên tai lớn thường được diễn giải là do phi mà ra [352] - những quan sát và trao đổi của tôi ở đây cũng cho thấy điều tương tự - những biến cố xảy đến với cá nhân, gia đình và bản mường cũng thường được xem là gây ra bởi một phi nào đó. Vậy phi đã được kiến tạo ra sao, với những thuộc tính nào để khiến trở thành mối bận tâm lớn như vậy trong cộng đồng?
1 Xuất phát từ niềm tin về việc mọi vật đều có hồn, vía (khuân), người Thái xem hồn cũng là một loại ma nên
cũng thường gọi hồn là ma hồn (phi khuân).
2.2.1. Phi: kiến tạo về các tầng bậc mường
Để có thể hình dung rõ hơn, cần đặt phi trong hệ thống các tầng bậc vũ trụ quan Thái. Ý niệm của người Thái nơi này về thế giới với các tầng không gian được thể hiện đặc biệt rõ trong các câu chuyện kể như Quám tố mướng (Chuyện kể bản mường), Táy pú xấc (Đường chinh chiến thời ông cha), tập truyện thơ Chương Han, Khun Tính-Khun Tấng; hệ thống các văn bản cúng như Tam khuân, Páo khuân (Báo hồn), Hịak khuân (Gọi hồn), Lam tang (Dẫn hồn người chết lên trời), Xán khuân- hảy khuân (Khóc hồn); các nghi lễ cúng với hành trình của thầy mo đi tới các mường như trong lễ pành khuần (sửa hồn), xên kẻ (cúng cởi hạn), xên bản xên mường (cúng bản cúng mường)… (xin xem Phụ lục 6. Khái lược về các lễ cúng Thái). Từ những quan sát, những trao đổi, thông qua việc khảo sát các văn bản với sự tham khảo và đối sánh với các nghiên cứu trước đó của Cầm Trọng [274], [275], [277], Hoàng Trần Nghịch [191], [199], [204], Nguyễn Văn Hòa [115], Hoàng Cầm [28], [321] và nhiều tác giả khác, xin được đưa ra một số điểm nổi bật liên quan tới hệ thống vũ trụ quan Thái nơi này để có thể hình dung về sự hiện diện của phi như sau:
1. Thế giới được người Thái cảm nhận và quan sát với hai phần: cái hiện hữu và cái hư vô - mỗi sự vật cụ thể đều mang trong nó phần diện mạo có thể trông thấy và phần hồn vía ẩn trong sinh thể; trong đó, phần hồn vía là thứ quyết định sức sống/ sự sống của diện mạo. Con người được tạo sinh với 80 hồn vía, tương ứng với từng bộ phận trên cơ thể, hồn vía còn thì sinh thể khỏe mạnh yên ổn, hồn vía mất thì người sẽ chết. Cỏ cây hoa lá, trâu, bò, lợn, gà, sông, suối, đất, núi… tồn tại như nó hiện có cũng bởi chúng được kiến tạo từ phần linh hồn này.
2. Theo trục dọc, có hai không gian chính trong hình dung của người Thái:
mường trời1 (muang phạ) và mường trần gian (muang lum)2. Phần hồn vía của mọi
1 Mường (muang): tổ chức xã hội truyền thống của người Thái, được tạo lập từ các đơn vị bản (baan). Luật tục của người Thái đen từ thế kỉ X khi mới triển khai lập ra bản mới có ghi "Đôi vợ chồng có một đứa con cho thành một hộ gia đình/ Ba hộ gia đình trở lên cho lập thành một bản/ Từ bốn bản trở lên cho lập thành mường" [115, tr.20]. Trong các thung lũng màu mỡ, bản có thể lên đến ba, bốn chục nóc nhà hoặc hơn. Xung quanh bản đó có vài bản nhỏ khác với tầm 3-5 nhà. Dần dần bản đông trở thành trung tâm, thu hút các bản trong vùng thung lũng và tất cả các bản này tập hợp thành các mường nhỏ (mường lộng/ mường quen), và bản ở trung tâm được gọi là chiềng. Tiếp đó, thường bốn mường nhỏ liên kết với nhau tạo thành một châu mường, với một mường trung tâm/ mường phìa trong châu (mường phìa cuông chu) và các mường phìa ngoài (mường phìa nọi). Mỗi bản, mường sẽ có các tài sản riêng của bản, mường mình với núi, cánh đồng trồng lúa, rừng, nguồn nước riêng và được sử dụng theo luật của bản mường. Thuật ngữ "mường" cũng được sử dụng trong lĩnh vực tâm linh, để chỉ các không gian cư trú riêng của một chủ thể siêu nhiên nào đó. Như vậy, khái niệm 'mường' tồn tại cùng với hệ thống ý niệm về 'mường lớn' và 'mường nhỏ', 'mường trong' và 'mường ngoài', 'mường trung tâm' và 'mường ngoại vi', 'mường trời' và 'mường trần gian'.
2 Vi Văn An [3, tr.263] trong nghiên cứu về người Thái ở miền Tây Nghệ An cho rằng, còn có một tầng thứ ba, Mương Booc đai (Mường của những người tí hon) dưới cùng, trong lòng đất trong vũ trụ quan Thái. Điều này cũng được Cầm Trọng [274] nói tới khi bàn về khái niệm “chiềng cang” (đất chiềng nằm giữa), liên quan tới quan niệm rằng nếu xếp các thế giới theo phương thẳng đứng thì sẽ có ba tầng: tầng trên là trời, có người
sinh thể, đặc biệt là sinh thể của người với đường sống, đường đời, đường công danh tại mường trần gian là do được tạo sinh bởi các lực lượng siêu nhiên tại mường trời, gắn với công việc và uy quyền của các Then. Trong hai thế giới này, lực lượng siêu nhiên tại mường trời đóng vai trò quyết định tới sự sống tại mường trần gian.
Tuy nhiên, xét theo không gian cư trú của phi, có thể xem thế giới được phân thành thế giới hiện hữu (thứ mắt nhìn thấy) và thế giới của hư vô (mắt nhìn không thấy). Thế giới hư vô mắt nhìn không thấy này tồn tại ở ba không gian: (1) trong cơ thể mỗi người, mỗi sinh thể sống, với phần khuân/ phi khuân (hồn, vía); (2) tại mường các phi, với các loại ma lành (ma tổ tiên) và ma dữ (là ma hồn người chết bất thường hoặc do có sẵn trong tự nhiên); (3) tại mường Then với không gian của các Then.
3. Hai mường lớn, mường trời và mường trần gian, gồm nhiều các mường nhỏ, với địa vực và các chủ thể cư trú riêng. Mường trời là một không gian rộng lớn trên cao, với mường Then, nơi ở của các Then là lực lượng siêu nhiên1 tượng trưng và sáng tạo các hiện tượng tự nhiên và đời sống con người, đẳm đoi (nơi ngụ của ma hồn tổ tiên chết lành); mường phi - mường của hồn người chết, chia thành nhiều
mường khác nhau tùy theo hình thức chết (ma pái chết do sinh nở, ma cướt chết khi còn nhỏ, dưới 13 tuổi, ma ha ma héo chết vì bệnh dịch, ma khơ lốc khơ lai không vợ không chồng,…), và không gian cư trú của loại hồn xấu của tổ tiên chết lành được gọi là đẳm chuống kang (đẳm không trung); mường một - nơi ngụ của lực lượng siêu nhiên bảo vệ linh hồn của con người với bà mẹ một (me một, người có khả năng gieo phép thuật cho con người), với phi một (hồn những người làm nghề thầy cúng đã chết) và hồn đội quân một (lực lượng âm binh hỗ trợ các thầy mo một đi khắp mường trời và mường trần gian tìm kiếm hồn vía thất lạc của con người) (xin xem thêm Phụ lục 4. Tên các loại phi trong đời sống tâm linh Thái và Phụ lục
5. Các vị Then trên mường trời: Tên và ý nghĩa biểu trưng)
lớn đeo dao ở cổ; tầng giữa là con người đeo dao ở lưng; tầng dưới đất là “thế giới của trẻ con bé xíu chỉ bằng đầu ngón tay út đeo dao ở cổ chân có tên là ma Đông Kín hay ma Dóc Dách nên có tên là Mường phi Đông Kín hay Mường phi Dóc Dách”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, “cái mường dưới lòng đất này chỉ tồn tại trong huyền thoại, không có trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng” [276, tr.447]. Các cuộc chuyện trò và quan sát cá nhân cho thấy, người Thái không bận tâm tới mường tí hon này, và dấu hiệu ảnh hưởng, tác động, liên quan của tầng này tới cuộc sống của con người trên mặt đất là hoàn toàn không có.
1 Trong lời cúng, trong các cuộc chuyện trò, người Thái tại đây dùng khái niệm phi Then, theo nghĩa các Then cũng là một loại phi, điều này vừa gợi ra cảm nhận về Then với người Thái, vừa cho thấy việc dịch phi
= ma trong nhiều bản dịch Thái - Việt là không tương thích về nghĩa. Then vẫn thường được dịch ra tiếng Việt là “Thần, thần thánh” (có văn bản còn gọi vị Then đứng đầu các Then là Ngọc Hoàng). Nhưng xét thấy việc chuyển ngữ này rất dễ gây cảm giác tương đồng về cảm thức văn hóa nên luận án này sẽ giữ nguyên tên gọi Then và không dịch ra tiếng phổ thông.