Cách Tiếp Cận Và Phương Pháp Nghiên Cứu

cầu mùa, ma thuật chữa bệnh, ma thuật bảo vệ/ tự vệ, ma thuật tình yêu, ma thuật làm hại, ma thuật đòi nợ,….

Thời gian đầu, trên con đường đi vào các bản làng người Thái, chịu ảnh hưởng bởi những thứ đã đọc, tôi mang theo mình hàng loạt các phạm trù, giả định, khung phân tích được các nhà lý thuyết ma thuật xây dựng trước đó với hy vọng lớn rằng, chúng sẽ giúp tôi lý giải một cách "hợp lý" những thực hành ma thuật hiện diện rộng khắp trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế sống động của đời sống văn hoá và tâm linh mà tôi trải nghiệm đã phá bỏ hoàn toàn các giả định, phạm trù và các khung phân tích này. Như Li [354] đã chỉ ra, sự vênh lệch này đã làm lộ ra "những lãnh địa chưa được khám phá", "mở ra khả năng cho việc tạo ra tri thức và những kết nối mới" mà trước đó, tôi chưa bao giờ có thể hình dung. Điều này cũng giống như phân tích của Tambiah rằng, khi ma thuật được xem như một hiện tượng văn hóa, được đặt trong bối cảnh đặc thù, trong môi trường nghi lễ, tâm linh, trong bối cảnh văn hóa, bối cảnh nghĩa của lời và hành động cụ thể, các thực hành ma thuật mới trở nên thực sự có nghĩa ([381], [382]).

Tôi nhận ra rằng, những thực hành ma thuật phong phú trong đời sống văn hóa của cộng đồng Thái tại đây đã đặt ra yêu cầu về một hướng tiếp cận khác, không đơn giản chỉ là những định giá tốt - xấu, thiện - bất thiện, văn minh hay lạc hậu. Những gì diễn ra trong thực tế cho thấy, ma thuật Thái, thứ vốn thường được xem là đầy đáng sợ, kì bí lại có những gắn bó chặt chẽ với hệ thống vũ trụ quan Thái. Hệ thống này xem con người là một phần của thế giới tự nhiên, luôn trong mối tương liên với cái siêu nhiên, và điều đó quy định cách người Thái ứng xử với thế giới tự nhiên quanh mình. Các thực hành ma thuật diễn ra thường ngày trong đời sống Thái còn cho thấy những hoàn cảnh cụ thể, những mối bận tâm, những nỗi bất an của con người nơi này, cho thấy cách con người lựa chọn ma thuật như một phương thức để ứng phó với nhiều nan đề trong đời sống. Vậy nên từ các thực hành ma thuật, có thể quan sát thấy những biến động cả trong và ngoài xã hội Thái về kinh tế, chính trị và văn hóa. Ma thuật Thái, như thế, luôn nằm trong một quá trình kiến tạo về nghĩa, trong những bối cảnh có nhiều đổi thay.

Thêm vào đó, từ trước tới nay, Thái là một trong những dân tộc luôn dành được sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, và nhiều khía cạnh khác nhau của người Thái và văn hóa Thái như lịch sử tộc người, sự phân bố dân cư, dân số học tộc người, quan hệ hôn nhân, quan hệ xã hội, quan hệ tộc người, tập tục, lối sống, tôn giáo tín ngưỡng,… đã được đề cập và đào sâu. Tuy nhiên, tính tới thời điểm

hiện tại, chưa có một công trình chuyên biệt nào xem thực hành ma thuật là một đối tượng nghiên cứu chính. Đề tài Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái ở tỉnh Sơn Lađược lựa chọn thực hiện nhằm hướng đến việc bổ khuyết các khoảng trống này, cả về hướng tiếp cận các thực hành ma thuật cũng như tìm những diễn giải phù hợp về sự hiện diện của các hành vi này trong đời sống văn hóa của người Thái tại Sơn La.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Luận án nghiên cứu về các hành vi, nghi lễ ma thuật đang được người Thái thực hành ở Sơn La, từ đó luận giải về vai trò và ý nghĩa của ma thuật trong các lĩnh vực của đời sống văn hóa Thái. Thông qua phân tích phương cách người Thái tương tác với các lực lượng siêu nhiên bằng các thực hành ma thuật, luận án nhằm làm sáng tỏ nghĩa hành vi ma thuật Thái trong hệ thống vũ trụ quan tộc người, trong mối quan hệ giữa đời sống tâm linh và đời sống kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội cụ thể diễn ra trên địa bàn. Nghiên cứu trường hợp về các thực hành ma thuật của người Thái tại Sơn La cũng nhằm hướng đến việc tìm kiếm một cách tiếp cận phù hợp với ma thuật, một đối tượng nghiên cứu vẫn luôn được đánh giá với nhiều định kiến trong một số lĩnh vực nghiên cứu, trong công tác quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nghiên cứu trên, đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

- Tìm hiểu về các hướng tiếp cận ma thuật trong nhân học.

- Tìm hiểu quan niệm về ma thuật được xác lập trong cộng đồng Thái từ điểm nhìn của người thực hành. Cách người Thái quan niệm về hành vi, nghi lễ ma thuật sẽ quy định cách họ thực hành trong các bối cảnh cụ thể liên quan.

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 3

- Tìm hiểu về diện mạo của ma thuật Thái trong các phương diện đời sống - trong nghi lễ, lệ tục, thói quen, trong phương thức ứng xử thường ngày.

- Tìm hiểu những vấn đề tác động đến thực hành ma thuật, đến cách nhìn nhận về ma thuật nói chung và ma thuật Thái nói riêng: chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng, y tế chữa bệnh, sự chung sống, tương tác, giao thoa văn hóa giữa các tộc người, sự tác động từ du lịch, kinh tế thị trường, quá trình hiện đại hóa,...).

- Phân tích các thực hành ma thuật, diễn giải các hành vi, nghi lễ trong hệ thống

vũ trụ quan Thái và trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tại địa bàn.

- Từ hướng tiếp cận nghiên cứu ma thuật trong bối cảnh đặc thù, xây dựng khung lý thuyết áp dụng cho trường hợp nghiên cứu ma thuật của người Thái ở Sơn La, tìm ra những chiều cạnh mới theo hướng đi này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Với đề tài "Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tại tỉnh Sơn La", đối tượng nghiên cứu được luận án xác định là các hành vi, nghi lễ ma thuật được người Thái thực hành trong đời sống. Đề tài tập trung vào các vấn đề: các thao tác ma thuật, lời chú, lời cúng khấn, người thực hiện, hiện vật thiêng, không gian thiêng, các bối cảnh tình huống, những trải nghiệm của người thực hành.

Luận án lựa chọn đối tượng nghiên cứu chính là việc thực hành ma thuật trong đời sống văn hóa người Thái tại tỉnh Sơn La, do vậy, những kết luận của luận án tương ứng với đặc điểm của vùng văn hóa Thái tại đây. Những tài liệu khảo sát, điền dã, thu thập đều hướng đến tính đương đại - tức là những thực hành ma thuật hiện đang diễn ra trong đời sống.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: Đề tài nghiên cứu các thực hành ma thuật diễn ra trong cộng đồng Thái tại tỉnh Sơn La, tập trung tại các địa điểm Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu.

Các hành vi ma thuật của người Thái Sơn La được thực hành tại các không gian khác (Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An) trong một số trường hợp cũng được sử dụng như những tư liệu có ý nghĩa tham chiếu.

Phạm vi thời gian: Đề tài nghiên cứu các thực hành ma thuật trong đời sống của

người Thái Sơn La đương đại.

4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cách tiếp cận

Trong nghiên cứu này, tác giả luận án sử dụng hai quan điểm tiếp cận chính:

tương đối văn hóa và quan điểm người trong cuộc.

- Tiếp cận tương đối văn hóa về một hiện tượng văn hóa: Tương đối văn hóa cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá về giá trị của các thực hành văn hóa phải được đặt trong bối cảnh của chính nền văn hóa đó. Tác giả luận án chú tâm đến bối cảnh và cách ma thuật được sử dụng, cũng như cách mà các thực hành ma thuật được gán nghĩa. Các thực hành ma thuật không được tiếp cận như một thực thể tĩnh tại, bất biến, cũng không để nhằm mục đích tìm kiếm bản chất của ma thuật Thái hay để

khái quát hóa về căn tính tộc người Thái. Ma thuật được đặt để và diễn giải trong bối cảnh quan niệm vũ trụ quan Thái nói riêng và truyền thống văn hóa Thái nói chung, cũng như trong bối cảnh của những tình huống mà con người phải đối diện hàng ngày, theo hướng tiếp cận mà Tambiah (1973) theo đuổi.

Sử dụng cách tiếp cận tương đối văn hóa xem các truyền thống và hành vi văn hóa đều có giá trị như nhau, tác giả luận án đặc biệt tránh các đánh giá có tính định kiến 'đúng' hay 'sai', 'cao' hay 'thấp', 'lạc hậu' hay 'phát triển' khi tiếp cận và diễn giải về các hành vi, nghi lễ ma thuật.

- Tiếp cận theo điểm nhìn của người trong cuộc: sử dụng cách tiếp cận người trong cuộc, tác giả luận án hướng đến sự mô tả, phân tích, diễn giải ý nghĩa của hành vi, nghi lễ ma thuật từ điểm nhìn của chính chủ nhân các thực hành này. Các quan sát cho thấy, điểm nhìn của người trong cuộc khi tham gia vào các thực hành ma thuật thường được định hình bởi hệ giá trị, niềm tin, vũ trụ quan, phong tục tập quán của nền văn hóa Thái mà trong đó, họ là thành viên. Để có thể hiểu đúng, đủ và sâu về một thực hành ma thuật Thái, việc tìm hiểu quá trình người thực hành diễn giải về ý nghĩa, chức năng của các thực hành văn hóa do chính họ thực hiện luôn được xem là điều rất quan trọng. Tác giả luận án còn chú ý đến cách nói của thầy mo và người dân khi họ thanh minh/ phân trần (với một người đến từ nền văn hóa bên ngoài) về hành vi mà họ đang làm, chẳng hạn, "đấy là ông bà làm như thế

thôi, chứ không phải mê tín đâu, làm cho nó yên tâm ấy mà"1; "cái này là sách vở

ghi lại như thế thì phải làm theo thôi, không làm không được, chứ không phải là mê tín gì cả"2. Bối cảnh của việc thanh minh này cũng được đề cập tới trong nội dung bàn luận ở chương cuối của luận án.

Cách tiếp cận tương đối văn hóa và theo quan điểm người trong cuộc được tác giả luận án lựa chọn giúp quá trình diễn giải về các thực hành ma thuật trở nên thận trọng hơn, để không đơn thuần chỉ là cách nhìn, cách đánh giá một hành vi ma thuật là tốt hay xấu, tiến bộ hay lạc hậu, nên được gìn giữ hay cần phải đào thải, loại trừ. Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp nhìn ra cách mà ma thuật tham gia giải quyết những mối bận tâm của con người, cùng họ đối diện với những vấn đề và ứng phó trước sự đổi thay của xã hội Thái đương đại trong cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong luận án, tác giả sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chính: (1) phương

pháp nghiên cứu định tính, điền dã dân tộc học với sự ưu tiên cho phương pháp


1 Tư liệu trò chuyện với mo Lót Thuận Châu, 27/02/2019.

2 Tư liệu trò chuyện với bác Tiến, Mộc Châu, 24/3/2018.

quan sát tham dự và phỏng vấn sâu khi thu thập tư liệu; (2) phương pháp tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp và tìm kiếm tư liệu tại địa bàn.

- Phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu

Phương pháp quan sát tham dự được sử dụng khi tác giả tiếp cận các nghi lễ Thái như: nghi lễ vòng đời người (cưới xin, tang ma, sinh nở, dựng nhà), nghi lễ nhóm người hành nghề tâm linh (lễ vào nghề và một số nghi lễ nhóm của thầy mo, nghi lễ cộng đồng (lễ cúng bản cúng mường, lễ cầu mưa, lễ vào mùa), nghi lễ xử lý các rủi ro bất thường (lễ sửa hồn, làm vía, kéo dài tuổi thọ, cưới hồn, cắt duyên âm

- làm vía, giải hạn…).

Tác giả luận án sử dụng kĩ thuật quan sát, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và ghi chép nhanh khi tìm hiểu các thực hành ma thuật diễn ra tại nhà của người Thái hoặc tại gian thờ của thầy mo (chẳng hạn, việc làm bùa, bắt hồn vía con nợ, bói tìm nguyên cớ đau ốm bất thường bằng áo, trứng, que bói, cách chữa bệnh bằng lăn trứng, tháo trứng, phun trầu, rượu, chém ma,…). Các kĩ thuật này cũng được tác giả sử dụng khi quan sát các không gian được người Thái xem là thiêng liêng (gian thờ tổ tiên, gác thờ ma tổ sư nghề mo, cột chủ trong nhà, rừng ma, mộ,...), cách họ tiến hành các kiêng kỵ, thực hiện những lệ tục hay trong sinh hoạt thường ngày.

Các kĩ thuật phỏng vấn (cấu trúc, bán cấu trúc, phỏng vấn sâu) được tác giả luận án sử dụng trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những người thực hành tâm linh trong cộng đồng Thái, người dân, các trí thức Thái, người làm công tác văn hóa (người Thái và Kinh, từ cấp xã, huyện, tỉnh) và những khách hàng của người thực hành ma thuật. Thời gian nhiều nhất được dành cho việc quan sát và trao đổi trước, trong, sau các nghi lễ (bói, cúng) diễn ra tại nhà của các thầy cúng hoặc tại nhà của các khách hàng của họ. Tác giả đã gặp và tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu với 22 thầy mo Thái tại Sơn La, thực hiện phương pháp theo chân (handing-out) với 09

thầy mo, cả dòng mo một, mo tảy, mo phi và mo then1.

Quan sát tham gia và phỏng vấn sâu được tác giả thực hiện thông qua các cuộc điền dã ngắn ngày, và sự kết nối với các thông tín viên còn được duy trì thông qua điện thoại, facebook (với cá nhân và tham gia các nhóm), với việc cập nhật các thông tin diễn ra trên địa bàn. Các nhóm Facebook, kênh Youtube về người Thái và văn hóa Thái cũng được tác giả tham gia theo dõi. Nhiều chương trình, phóng sự về lệ tục, nghi lễ trong đời sống tâm linh của cộng đồng Thái trên các kênh truyền hình

1 Tên gọi riêng dành cho các nhóm người hành nghề tâm linh theo các phương thức và nguyên tắc khác nhau trong cộng đồng Thái. Các tên gọi này thường được sử dụng theo đối tượng siêu nhiên mà thầy mo thờ cúng hoặc cần xử lý, chẳng hạn, mo một là dòng mo thờ ma một, mo then là dòng mo thờ then, mo phi là dòng mo chuyên cúng cho người chết trong các đám tang.

tiếng Thái của Đài Phát thanh - Truyền hình Sơn La, Điện Biên cũng được tác giả chú ý.

- Phương pháp tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp và tư liệu tại địa bàn

Phương pháp tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp được sử dụng để tổng quan các tài liệu đã nghiên cứu về chủ đề ma thuật (trên thế giới, ở Việt Nam và trong nghiên cứu văn hóa Thái) cả trong tiếng Việt và tiếng Anh. Tác giả tìm kiếm và khai thác các tư liệu nghiên cứu về văn hóa Thái, lịch sử tộc người Thái, tôn giáo tín ngưỡng, luật tục, phong tục tập quán, các bài sách cúng và các hình thức cúng bái, sách bói cổ, chuyện kể bản mường, tục ngữ, lời ông cha,... trong các thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh Sơn La, phòng lưu trữ tại các huyện và từ chính các thầy mo. Nhiều tư liệu về nghi lễ, lễ hội, bài bản cúng do các trí thức Thái sưu tầm và tiến hành chuyển ngữ được lưu giữ một cách độc lập hoặc dưới dạng tài liệu lưu hành nội bộ (lưu tại phòng văn hóa huyện, hội văn nghệ dân gian hoặc thư viện tỉnh) cũng được tác giả tiếp cận. Nhiều lễ cúng Thái với bài bản cúng được mo hát xướng, các hành vi, thao tác ma thuật với lời chú đi kèm được tác giả sưu tầm, ghi âm, ghi chép lại và nhiều trong số đó được lược dịch ra tiếng phổ thông.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Luận án là nghiên cứu đầu tiên tiếp cận các thực hành ma thuật Thái theo hướng bối cảnh đặc thù - đặt các thực hành ma thuật Thái trong ba lớp bối cảnh gồm bối cảnh tình huống, bối cảnh ngữ nghĩa bối cảnh xã hội. Ma thuật Thái được đặt để và diễn giải trong bối cảnh văn hóa của chính nó, bằng tiếng nói của người trong cuộc để từ đó, khám phá những chiều kích nghĩa của các thực hành ma thuật.

5.1. Đặt ma thuật trong hệ thống thế giới quan tộc người Thái, luận án chỉ ra rằng, phi (hệ thống gồm thần linh, ma, hồn) là chìa khóa của các thực hành ma thuật. Việc diễn giải các thực hành ma thuật Thái không thể tách khỏi bối cảnh tâm linh Thái mà trọng tâm là hệ thống vũ trụ quan đã được kiến tạo, với sự hiện diện của các phi trong mường trần gian và nơi mường trời.

Từ trường hợp ma thuật Thái, có thể khẳng định về vai trò của thế giới quan trong nghiên cứu, diễn giải về ma thuật. Mối liên hệ giữa vũ trụ quan và thực hành ma thuật là điều hầu như vắng bóng trong các nghiên cứu về chủ đề này, và trong phạm vi bao quát tư liệu của tác giả luận án, có thể xem đây chính là một nguyên cớ quan trọng khiến dẫn đến nhiều định kiến về các thực hành ma thuật, gây cản trở cho việc diễn giải các thực hành này.

5.2. Đặt ma thuật trong các bối cảnh tình huống nghi lễ và văn hóa Thái, luận án khám phá về hai hình thức ma thuật Thái cơ bản gồm: Ma thuật tương tác với khuân Ma thuật tương tác với phi1. Các thực hành ma thuật dày đặc trong đời sống Thái đều có thể thuộc về một trong hai hình thức tương tác này. Luận án là nghiên cứu đầu tiên đưa ra sự phân loại tương tác khuân - phi về ma thuật Thái, bổ sung thêm một quan điểm phân loại ma thuật xuất phát từ hệ thống vũ trụ quan

Thái, bên cạnh các phân loại đã có trước đó vốn dựa theo tiêu chí về nguyên lý (ma thuật tương đồng hay tiếp xúc); tiêu chí về chức năng, mục đích của hành vi (ma thuật trồng trọt, ma thuật chăn nuôi, ma thuật chữa bệnh, ma thuật tình yêu...); hay tiêu chí đạo đức (ma thuật trắng, ma thuật đen).

Các đặc điểm về phương thức thực hành ma thuật, hệ thống ngôn ngữ ma thuật, các yêu cầu và kiến tạo về thẩm quyền của người thực hành, hệ thống các đồ lễ, các thao tác mang tính biểu tượng (thứ đã được gán nghĩa trong văn hóa Thái, trong sự tương ứng với các thuộc tính đã được kiến tạo về từng loại phi) được phân tích kĩ lưỡng trong luận án.

5.3. Lần đầu tiên, các thực hành ma thuật Thái được đặt để và diễn giải trong các bối cảnh đời sống xã hội Thái đương đại, trong sự mở rộng các ranh giới và với nhiều chiều tương tác. Luận án cho thấy sự tham gia của ma thuật trong nhiều khía cạnh đời sống của con người, từ chữa trị căn bệnh hồn của các cá nhân đến xử lý các vấn đề mang tính khủng hoảng cộng đồng; từ giải quyết các mối lo âu mang tính hiện sinh đến tham gia giải quyết các rủi ro trong làm ăn kinh tế hay giúp gia cố những luật lệ thuộc về thiết chế truyền thống,... Như thế, từ ma thuật, có thể nhận diện về các chiều kích văn hóa - xã hội Thái, nhìn ra các tác nhân tác động tới những thực hành này, cũng như cách ma thuật biến đổi để thích ứng với đời sống Thái trong hiện tại.

5.4. Tiếp cận ma thuật Thái trong bối cảnh văn hóa - xã hội Thái, luận án hướng đến việc phá bỏ các định kiến khuôn ma thuật trong sự đối sánh với khoa học tôn giáo, trong các khung định giá đúng/sai, tốt/ xấu, tích cực/ tiêu cực, ma thuật trắng/ ma thuật đen,..., trong tiên liệu về sự biến mất của ma thuật khi xã hội phát triển hay xem ma thuật là thuộc nhóm các thực hành có tính điển hình, đại diện cho bản sắc Thái vốn là quan điểm xuất hiện trong nhiều nghiên cứu đi trước. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy, ma thuật Thái là một hiện tượng văn hóa không chỉ thuộc về không gian tín ngưỡng mà có mặt ở mọi bối cảnh đời sống, không phải chỉ là một

1 Dù hệ thống khuân (hồn vía) cũng được xem là một loại phi nhưng sự phân tách này là rất rõ rệt cả trong quan niệm lẫn thực hành của người Thái.

sản phẩm đã được hoàn tất trong quá khứ mà vẫn đang tiếp tục được tạo ra với những diện mạo mới, được gán thêm các lớp nghĩa mới trong đời sống đương đại. Ma thuật là hệ thống các hành vi, nghi lễ đã và đang được kiến tạo. Ma thuật tham gia vào các hoạt động của con người, trở thành một phương cách mà con người lựa chọn để ứng phó với các vấn đề họ phải đương đầu. Ma thuật Thái không thể biến mất khi người Thái vẫn luôn sống trong hệ thống vũ trụ quan Thái.

5.5. Từ những thực hành ma thuật đa dạng đang hiện diện trong cộng đồng Thái tại Sơn La, luận án hướng đến việc giải hủy những ý niệm vẫn thường xuất hiện trong các mô tả về "văn hóa Thái", "người Thái" như một nhóm cộng đồng đơn nhất, biệt lập, với các thuộc tính văn hóa được xem là cố định, tĩnh tại và bất biến. Luận án cho thấy, riêng tại Sơn La, không có sự tồn tại của một "văn hóa Thái" chung chung và phổ quát mà là sự đa dạng của các tiểu vùng văn hóa Thái, với những dị biệt về ngôn ngữ, nguồn gốc di cư và thực hành văn hóa. Các nhóm Thái này sinh tồn trong sự tương tác mật thiết và liên tục với các nhóm cư dân thuộc về các cộng đồng dân tộc khác như Mường, Kinh, H'mông, Khơ mú,... Từ các thực hành ma thuật được thực hiện trong các bối cảnh đa dân tộc và đa văn hóa, luận án cho rằng, hình ảnh về một không gian Thái biệt lập chỉ có trong tưởng tượng, thay vào đó là sự giao thoa về văn hóa giữa các nhóm cộng đồng trên cùng một không gian sống. Không có một văn hóa Thái đơn nhất, cũng không có một thứ ma thuật Thái thuần nhất chỉ dành cho người Thái và thuộc riêng về văn hóa Thái.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

Về mặt lý luận:

Thông qua nghiên cứu trường hợp ma thuật Thái, luận án chỉ ra vai trò, ý nghĩa của các thực hành ma thuật trong đời sống, đặt nghiên cứu này trong dòng tranh luận về ma thuật nói chung. Kết quả của luận án cho thấy, ma thuật cần được nhìn nhận như một hiện tượng văn hóa, và hiện tượng này cần được đặt để và diễn giải trong chỉnh thể hệ thống văn hóa của chính nó, với các chiều kích từ hệ thống vũ trụ quan đến các vấn đề thuộc về bối cảnh kinh tế, chính trị, thiết chế xã hội, văn hóa cụ thể. Các thực hành ma thuật của một cộng đồng sẽ không thể được diễn giải nếu bị tách rời khỏi bối cảnh văn hóa nơi chúng sinh ra, tồn tại và trở nên có nghĩa. Có thể nói, luận án bổ sung thêm một minh chứng dân tộc học để khẳng định về phương pháp tiếp cận ma thuật trong hoàn cảnh đặc thù của ngành nhân học văn hóa. Ngoài ra, từ trường hợp ma thuật Thái ở Sơn La, luận án đóng góp thêm trong khía cạnh lý thuyết của hướng tiếp cận đặc thù, với sự khẳng định và nhấn mạnh về vai trò quan

Xem tất cả 403 trang.

Ngày đăng: 13/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí