Tính Bền Vững Và Khả Năng Phát Triển Của Liên Kết

2.2.6.3. Lợi ích từ liên kết

Một trong những điều kiện căn bản để liên kết được hình thành và phát triển đó là lợi ích cao hơn cho các bên tham gia. Đối với liên kết kinh tế nói chung và liên kết trong sản xuấttiêu thụ GNL nói riêng, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia được xem là nguyên tắc cơ bản nhất và là điều kiện tiền đề cho việc duy trì và phát triển mối quan hệ liên kết (Nawir & Santoso, 2005). Lợi ích ở đây cần được hiểu theo một cách toàn diện, lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài, lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp, lợi ích kinh tế hay lợi ích phi kinh tế…để đảm bảo một cách đầy đủ và công bằng. Việc đánh giá lợi ích từ liên kết sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học để trả lời câu hỏi có nên tổ chức và phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL hay không? Thông qua những minh chứng cụ thể về lợi ích vượt trội giữa sản xuất kinh doanh trồng GNL có liên kết và không liên kết, khuyến khích các hộ nông dân gắn bó với nghề rừng và tham gia vào mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp lâm nghiệp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm và điều kiện sản xuất của từng hộ, từng vùng mà lựa chọn và áp dụng hình thức liên kết cho phù hợp. Như vậy, muốn liên kết hiệu quả và phát triển bền vững, các bên phải tham gia hết mình, phải đem lại lợi ích cho nhau, có tác động tích cực lẫn nhau và thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.

Khi tham gia liên kết, lợi ích luôn là tiêu chí mà các tác nhân rất quan tâm và mong đợi. Đó cũng là kết quả mà các tác nhân đạt được khi tham gia liên kết, chẳng hạn: các công ty khi liên kết với người dân, ngoài việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, công ty còn xây dựng được mối quan hệ với cộng đồng địa phương và nâng cao được hình ảnh của công ty (Vidal, 2004). Người dân trồng rừng có thể nhận được lợi ích đó là: thu nhập từ việc trồng rừng cao hơn, tiếp cận được nhiều thông tin thị trường hơn, sử dụng nguồn cây giống có chất lượng đảm bảo, có kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc trồng rừng (Curtis & Race, 1998).

2.2.6.4. Tính bền vững và khả năng phát triển của liên kết

Trong liên kết kinh tế, tính bền vững không được hiểu là hướng đến sự phát triển bền vững với 3 thành tố hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tính bền vững ở đây là hướng đến sự ổn định, lâu dài trong mối quan hệ liên kết của các chủ thể (Hồ Quế Hậu, 2015). Trong mối quan hệ liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu, công ty chế biến là bên nắm giữ vai trò chủ đạo, định hướng mối quan hệ liên kết với các hộ dân trồng rừng (Vidal, 2004). Thực chất hoạt động liên

kết với các hộ dân trồng rừng là những hoạt động cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra phục vụ cho việc sản xuất phát triển trồng rừng GNL của hộ bao gồm: cung ứng cây giống, phân bón, vốn, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm GNL khi khai thác. Theo đó, muốn liên kết được bền vững thì chính những người dân phải cảm thấy hài lòng với những dịch vụ mà mình đang được hưởng, từ đó họ sẽ tự nguyện muốn tiếp tục sử dụng những dịch vụ đó. Hay nói cách khác, mức độ bền vững của một liên kết được thể hiện thông qua sự hài lòng của các hộ dân và lòng trung thành của hộ được thể hiện thông qua nhu cầu liên kết với công ty trong tương lai (Hồ Quế Hậu, 2015).

Trong nghiên cứu này, tính bền vững của liên kết được xem xét qua tình hình vi phạm của hộ khi thực hiện liên kết và mức độ hài lòng của hộ khi tham gia liên kết với doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của hộ đối với doanh nghiệp về liên kết được đánh giá thông qua các tiêu chí như: thủ tục tham gia liên kết; doanh nghiệp luôn thực hiện đúng những cam kết với hộ; thủ tục giao dịch và phương thức thu mua, thanh toán của doanh nghiệp; doanh nghiệp thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ hộ trong quá trình thực hiện liên kết; năng lực của cán bộ hỗ trợ; mức độ đầu tư, hỗ trợ cho hộ của doanh nghiệp.

Khả năng phát triển của liên kết được xem xét qua sự tự nguyện và mong muốn tiếp tục tham gia liên kết với doanh nghiệp trong tương lai. Điều này cũng được thể hiện qua sự gia tăng số lượng hộ tham gia liên kết với doanh nghiệp hàng năm.

Thiếu đi sự hài lòng và sự tự nguyện tiếp tục tham gia liên kết của nông dân thì không thể có sự bền vững trong mối quan hệ liên kết, mà không có sự bền vững thì mục tiêu ổn định và sự phát triển của liên kết sẽ không thể thực hiện được.

Tóm lại, nội dung liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL thông qua liên kết thể hiện mối quan hệ phân công lao động giữa các chủ thể tham gia. Nó quy định những hoạt động, trách nhiệm và việc làm cụ thể mà mỗi bên phải thực hiện để cùng nhau phối hợp tạo ra thành quả lao động chung của hình thức liên kết. Bên cạnh đó, liên kết muốn duy trì tồn tại và phát triển bền vững thì các chủ thể tham gia đều phải cùng đạt được lợi ích và hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế, ngoài ra còn đạt hiệu quả về mặt xã hội, môi trường so với khi hoạt động đơn lẻ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

2.2.7. Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu

Từ những phân tích về khái niệm, đặc điểm và vai trò của liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ GNL, có thể khái quát các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết giữa sản

Liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - 7

xuất và tiêu thụ GNL thành các nhóm: (1) Các yếu tố thuộc về phía hộ dân trồng rừng; (2) Các yếu tố thuộc về phía công ty liên kết với hộ dân; (3) Các yếu tố thuộc về thị trường; (4) Các yếu tố thuộc cơ chế chính sách.

2.2.7.1. Các yếu tố thuộc về phía hộ dân trồng rừng

Hộ là chủ thể quan trọng trong mối liên kết bởi hộ là đơn vị thực hiện mọi hoạt động trồng rừng và cung cấp gỗ nguyên liệu cho chế biến. Nắm được các yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định tham gia liên kết của hộ sẽ là tiền đề và cơ sở để đưa ra các biện pháp, chính sách khuyến khích hộ tham gia vào liên kết cũng như có cách thức để duy trì và phát triển liên kết, đem lại lợi ích lâu dài cho các bên.

Hộ có diện tích trồng rừng càng lớn thì nhu cầu tham gia liên kết với công ty chế biến càng cao bởi những hộ này thường bỏ ra chi phí đầu tư khá lớn vào sản xuất, họ có xu hướng muốn gắn bó với doanh nghiệp để ổn định đầu ra và thu hồi chi phí sản xuất. Đây cũng là những hộ có ý thức tuân thủ và chấp hành các cam kết trong liên kết cao (Key & Runsten, 1999).

Thiếu thông tin, hạn chế về kiến thức liên quan đến trồng rừng được cho là yếu tố làm hạn chế việc tích cực tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp của hộ (Byron, 2001). Ngược lại khi được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về thị trường, về các công ty chế biến và các chương trình liên kết cùng với hiểu biết về sản xuất lâm nghiệp, hộ sẽ có xu hướng tham gia vào liên kết cao hơn những hộ hạn chế bởi hộ nhận thức được lợi ích tiềm năng mà hộ sẽ thu được trong tương lai (Heinen, 1996; Lise, 2000).

Khi tham gia các tổ chức xã hội tại địa phương hay các nhóm chính thức cũng như các mối quan hệ và mạng lưới phi chính thức được xây dựng lên do có cùng chung sở thích và khả năng để mọi người cùng nhau cộng tác như: hội nông dân, hội phụ nữ, hợp tác xã, tổ nhóm trồng rừng...sẽ đem lại cho hộ những cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội tham gia và tạo ảnh hưởng, tạo tiếng nói chung của cộng đồng. Yếu tố này có thể tác động đến việc tham gia liên kết của hộ theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

Ngoài ra, các yếu tố có liên quan trực tiếp đến hộ như thu nhập từ rừng, lao động, dân tộc, kinh nghiệm trồng rừng hay các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp của nhà nước, của địa phương cũng là những yếu tố có khả năng ảnh hưởng cao đến mức độ tham gia liên kết của hộ.

2.1.7.2. Các yếu tố thuộc về phía các công ty liên kết với các hộ dân

Trong mối quan hệ liên kết dọc của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu, đặc điểm của các công ty chế biến gỗ sẽ quyết định mọi mặt của hợp đồng liên kết cũng như xuất phát điểm của các phương thức liên kết. Đặc điểm của công ty bao gồm: quy mô, năng lực sản xuất của doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển thị trường, nguồn nhân lực của doanh nghiệp (Đỗ Thị Nga & Lê Đức Niêm, 2017; Vidal, 2004).

Doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, tiềm năng phát triển và uy tín cao sẽ tạo được lòng tin nơi đối tác thông qua các hợp đồng sản xuất sản phẩm lớn có tính lâu dài và ổn định, đồng thời tạo sự tin tưởng trong cộng đồng từ đó duy trì lâu dài mối quan hệ liên kết. Không chỉ vậy, doanh nghiệp chế biến có trình độ kĩ thuật, công nghệ sản xuất cao có thể mang lại cho người trồng rừng cơ hội lớn để tiếp thu các tiến bộ khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất trong khâu trồng và tạo rừng, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng và giá trị rừng trồng GNL.

Quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ ổn định, bền vững và diễn ra thông suốt nếu doanh nghiệp có thị trường đầu ra ổn định cả trong và ngoài nước, nhất là hướng đến thị trường xuất khẩu. Khi doanh nghiệp có đầu ra ổn định thì nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ gia tăng. Mặt khác, quá trình sản xuất và tiêu thụ GNL nhằm đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu về nhu cầu sản phẩm gỗ có sử dụng gỗ lớn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, có chứng chỉ FSC… là yếu tố nguồn gốc hình thành nên mối liên kết với các hộ nông dân, đồng thời tác động khá nhiều đến quá trình thực hiện các hình thức liên kết. Do vậy, vấn đề nghiên cứu và phát triển thị trường luôn cần được quan tâm và chú trọng.

Yếu tố con người được cho là yếu tố trung tâm tạo nên sự gắn kết trong mối quan hệ liên kết (Hồ Quế Hậu, 2015; Đỗ Thị Nga & Lê Đức Niêm, 2017). Tất cả các doanh nghiệp nếu muốn có một mối quan hệ duy trì với nông dân, định hướng nông dân trong việc thực hiện liên kết đều phải có một đội ngũ cán bộ tiếp xúc với nông dân, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật từ khâu canh tác đến khi khai thác, thu hoạch sản phẩm. Điều này sẽ làm tăng sự gắn kết trong mối quan hệ, đồng thời giúp nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực thi hợp đồng.

2.1.7.3. Các yếu tố thuộc về thị trường

Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp với người trồng rừng chỉ tồn tại được khi doanh nghiệp có thị trường đầu ra ổn định (Mayers & Vermeulen, 2003).

Quy mô thị trường của doanh nghiệp càng mở rộng, đặc biệt càng hội nhập sâu vào thị trường quốc tế thì nhu cầu liên kết và mức độ liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với hộ càng cao và đi vào chiều sâu. Tùy từng loại sản phẩm doanh nghiệp đang kinh doanh mà yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng gỗ nguyên liệu đầu vào để sản xuất, chế biến là khác nhau. Chẳng hạn doanh nghiệp sản xuất chế biến giấy và bột giấy thì gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ dăm, chu kỳ khai thác không quá dài; doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất để xuất khẩu thì gỗ phải là gỗ tròn có đường kính đủ lớn, có chứng chỉ quốc tế, chu kỳ khai thác tối thiểu từ 7 năm... Theo đó, giá mua gỗ sau khai thác cũng khác nhau.

Gỗ là cây trồng lâu năm, có chu kỳ kinh doanh dài, tính chất lại cồng kềnh khó vận chuyển nên vấn đề tiêu thụ và giá thu mua gỗ sau khai thác là yếu tố có tác động lớn đến việc gắn bó với nghề rừng của hộ. Trên thực tế, các hộ trồng rừng nhất là các hộ thuộc vùng sâu xa thiếu thông tin về thị trường, ít có điều kiện tự khai thác. Do vậy, hộ dễ lựa chọn phương án bán cả rừng cho thương lái. Việc bán gỗ theo hình thức này thường không ổn định, gây nên sự chèn ép về giá làm thiệt hại đến kinh tế của người dân làm rừng, dẫn đến tình trạng không mặn mà với trồng rừng mà chuyển trồng các loại cây khác có chu kỳ kinh doanh ngắn hơn. Chính sách giá thu mua ổn định của công ty là công cụ hữu hiệu giúp công ty chi phối được thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu đồng thời kích thích người dân tham gia liên kết một cách tự nguyện.

2.1.7.4. Các yếu tố thuộc về cơ chế chính sách

Cơ chế chính sách của Nhà nước, địa phương là yếu tố quan trọng trong việc tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy việc thực hiện và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung cũng như phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách trên thực tế thường vẫn gặp nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách và qua đó ảnh hưởng đến cả sự tồn tại và phát triển của các liên kết trong sản xuất lâm nghiệp. Làm rõ được nội dung này sẽ giúp đề xuất các giải pháp về chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện về chính sách và quá trình thực thi chính sách phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL.

Chính sách về đất đai như quy hoạch, giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là những yếu tố có tác động tích cực đến việc phát triển trồng rừng và liên kết của hộ. Một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy nông dân có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng đồng thời hình

thành liên kết giữa công ty và hộ trong sản xuất và tiêu thụ gỗ là đất lâm nghiệp trồng rừng phải là nguồn “đất sạch”, tức đất lâm nghiệp phải được giao cho người dân sở hữu. Song hành với đó là việc cấp giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất cho hộ để xác nhận quyền sở hữu và là cơ sở pháp lý để tránh những tranh chấp về đất đai. Đây là cơ sở và điều kiện tiên quyết để hộ tham gia được vào các chương trình liên kết.

Các chủ trương, chính sách đầu tư vào phát triển trồng rừng và khuyến khích phát triển liên kết như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về cây giống chất lượng cao; nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp; hỗ trợ lãi suất, vay vốn; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác trồng rừng...đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nâng cao năng lực sản xuất của hộ, thúc đẩy quá trình liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với hộ nông dân. Khi hộ càng được tiếp cận với các chương trình, chính sách hỗ trợ, hộ càng yên tâm ổn định sản xuất đồng thời gắn bó chặt chẽ, lâu dài với nghề rừng và với doanh nghiệp.

2.3. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT GIỮA SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ GỖ NGUYÊN LIỆU

2.3.1. Một số hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu tại các nước trên thế giới

Tại Ấn Độ, công ty chế biến gỗ Wimco đã thiết lập hình thức liên kết với nông dân theo hình thức công ty đầu tư vào việc phát triển cây con giống chất lượng cao và bán cho nông dân, hỗ trợ về mặt kĩ thuật, công tác khuyến nông trong suốt những năm đầu và cam kết sẽ mua lại sản phẩm gỗ khi đến kì thu hoạch. Tuy nhiên, người dân có thể bán gỗ cho nơi khác nếu thấy giá trên thị trường cao hơn giá công ty đã cam kết ban đầu. Không chỉ vậy, trong quá trình trồng rừng ban đầu nếu cây con bị chết, công ty sẽ đảm bảo thay thế toàn bộ miễn phí. Công ty còn giúp nông dân vay vốn ngân hàng để có tiền trồng rừng hoặc cho nông dân nợ tiền mua cây giống. Khoản tiền nợ này sẽ được trả lại dần cho công ty trong suốt 8 năm cho đến khi được thu hoạch gỗ. Trong suốt những năm đầu 1990, công ty ước tính khoảng hơn 20 triệu cây con giống được bán, trồng được hơn 40.000 ha rừng.

Sau 4 năm thực hiện, người dân bắt đầu phá vỡ hợp đồng và bán gỗ ra thị trường bởi giá gỗ trên thị trường lúc này cao gấp đôi giá công ty đã cam kết. Tuy nhiên, nhu cầu về cây con giống có chất lượng cao trên thị trường tăng khá nhanh. Các công ty chế biến gỗ ván nhỏ cũng được hình thành nhanh chóng.

Hiện nay, Công ty Wimco vẫn tiếp tục tập trung sản xuất cây con giống, khoảng 1,5 triệu cây con giống được bán hàng năm. Công ty vẫn cung cấp dịch vụ hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trong quá trình trồng rừng nhưng công ty không cam kết mua gỗ đến thời kì khai thác như trước nữa. Mặc dù hình thức liên kết với người dân ban đầu đã thất bại nhưng nó đã góp phần kích thích sự phát triển trồng rừng, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng ngành lâm nghiệp cũng như tạo việc làm đáng kể ở khu vực nông thôn tại Ấn Độ (Mayers, 2000).

Tại Mexico, các chủ sở hữu rừng thường liên kết với nhau thành một cộng đồng (forest communities) hoặc những tổ chức, hội nhóm trồng rừng (Ejidos) và luôn có một người đứng đầu, hoặc người đại diện để thay mặt cộng đồng kí kết các hợp đồng liên kết với các công ty chế biến gỗ. Do đó, họ tạo được tiếng nói chung, có vị thế và luôn chiếm được nhiều ưu thế trong quá trình đàm phán với công ty, cũng như hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất GNL đạt tiêu chuẩn và có chất lượng. Trong mối liên kết với các công ty chế biến gỗ, trách nhiệm của phía cộng đồng là cung cấp GNL đúng tiêu chuẩn và đúng thời hạn định trước. Phía công ty có trách nhiệm trả tiền đúng hạn, hỗ trợ về mặt kĩ thuật, tài chính hoặc phương thức quản lý rừng và tiêu thụ tất cả lượng GNL như đã kí kết. Ngoài ra, một số các công ty còn cung cấp một số dịch vụ xã hội như hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông trong khu vực rừng trồng và các dịch vụ về y tế đối với các Ejidos.

Thông qua việc vận hành hiệu quả các mối liên kết ngang và liên kết dọc giữa các công ty chế biến và cộng đồng trồng rừng mà sản xuất lâm nghiệp tại Mexico đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, tăng khả năng cạnh tranh và hình ảnh cho các công ty chế biến gỗ. Yếu tố chính được cho là quyết định cho những mô hình thành công này đó chính là mối quan hệ dựa trên lòng tin và ý thức tôn trọng lẫn nhau trong kinh doanh của các bên tham gia (Vidal, 2004). Bên cạnh đó, các yếu tố như: công bằng trong đàm phán; làm mới hợp đồng dài hạn bao gồm các điều khoản về giá cả, yêu cầu chất lượng của sản phẩm GNL, các dịch vụ hỗ trợ về mặt xã hội cũng được nhắc đến trong bài học thành công của các mô hình liên kết trong sản xuất lâm nghiệp tại Mexico.

Tại Indonesia, chính phủ đã thiết lập nên một quỹ gọi là Quỹ tái trồng rừng (Reforestation Fund), quỹ này được sử dụng nhằm thúc đẩy, định hướng mối

quan hệ hợp tác giữa các công ty lâm nghiệp và người dân cộng đồng địa phương trong việc phát triển rừng trồng, sản xuất GNL, tạo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biễn gỗ. Mối liên kết giữa các công ty chế biến gỗ với HGĐ tại địa phương được thiết lập theo cơ chế: các HGĐ cung cấp đất trồng GNL; công ty chịu trách nhiệm trong việc tạo lập và quản lý rừng; sở Lâm nghiệp huyện cung cấp vốn để hỗ trợ mọi chi phí sản xuất trong quá trình trồng rừng như cây giống, phân bón cho đến khi thu hoạch (Nawir & Santoso, 2005). Vai trò các bên thứ ba tham gia vào mô hình đó là: chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến đất của HGĐ, công an địa phương tham gia với vai trò đảm bảo các vấn đề liên quan đến an ninh trong quá trình thực hiện các quan hệ đối tác. Sở lâm nghiệp tại địa phương có trách nhiệm hỗ trợ về mặt tài chính, định hướng phát triển cho liên kết. Điểm nổi bật từ mô hình này đó là sự chia sẻ về rủi ro. Nếu rủi ro xảy ra thì bên thứ ba là chính phủ sẽ chịu trách nhiệm, bởi cả hai bên phía công ty và các hộ trồng rừng đều không phải có trách nhiệm hoàn lại vốn cho sở Lâm nghiệp nếu quá trình sản xuất kinh doanh gặp thất bại. Chính phủ Indonesia cho rằng họ sẵn sàng đầu tư mạnh bởi lợi ích chính ở đây là tái phủ xanh những vùng đất đã suy thoái và hỗ trợ cho một ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, từ thực tiễn vận hành mô hình đã xuất hiện một số vấn đề đáng lưu ý cho sự bền vững của liên kết đó là sự thiếu bình đẳng và minh bạch trong mối quan hệ đối tác. Phía người dân hầu hết không có được bản hợp đồng đã kí trong tay, các báo cáo về tài chính liên quan đến các bên cũng không được phía công ty hay sở Lâm nghiệp thông tin đến các nhóm hộ, trong khi đó các nhóm hộ nông dân cũng không phát huy được tiếng nói chung. Bản hợp đồng trong 11 năm sau khi đã kí kết sẽ không được thương lượng hay làm mới lại cho phù hợp với tình hình đôi bên theo thực tại.

* Brazil, phần lớn liên kết giữa công ty chế biến gỗ với các hộ trồng rừng là thông qua hợp đồng hợp tác (out-grower). Nông dân tham gia liên kết sẽ có 3 lựa chọn hợp đồng: i) hợp đồng cung cấp cây giống, ii) hợp đồng ưu đãi và iii) hợp đồng mua bán. Công ty sẽ cung cấp cây giống và hỗ trợ kỹ thuật trong cả 3 loại hợp đồng này. Nông dân sẽ không phải hoàn lại chi phí cây giống và hỗ trợ kỹ thuật nếu sau khi khai thác bán lại gỗ cho công ty. Tùy thuộc vào điều kiện và quy mô của mỗi khu vực, nhu cầu hợp tác của nông dân từng vùng mà áp dụng loại hợp đồng cho phù hợp.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2023