Tổng Quan Các Công Trình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Liên Kết Giữa Sản Xuất Và Tiêu Thụ Gỗ Nguyên Liệu

PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT GIỮA SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ GỖ NGUYÊN LIỆU


2.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LIÊN KẾT GIỮA SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ GỖ NGUYÊN LIỆU

Thời gian qua, đã có nhiều công trình khoa học trên thế giới và ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề liên kết kinh tế trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung cũng như liên kết trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp nói riêng. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào mối quan hệ liên kết giữa quá trình sản xuất và quá trình tiêu thụ của sản phẩm. Việc phân tích vai trò của liên kết, chỉ ra các loại hình liên kết và sự cần thiết của liên kết đối với việc nâng cao hiệu quả, tính bền vững và sức cạnh tranh của ngành hàng được rất nhiều nhà khoa học quan tâm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức trong quá trình thực hiện liên kết giữa các bên đồng thời đưa ra giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của liên kết trong sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp. Các nghiên cứu đã cho thấy, 2 cơ sở lý thuyết làm nền tảng cho việc nghiên cứu mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL là: lý thuyết về phân công và hợp tác lao động trong nông nghiệp, lý thuyết về chuỗi giá trị theo ngành hàng. Tác giả đã tổng hợp các công trình khoa học về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo 2 đối tượng chính là sản phẩm làm nguyên liệu, tập trung chủ yếu vào các cây trồng lâu năm; và đối tượng cây gỗ nguyên liệu trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp:

2.1.1. Các công trình nghiên cứu về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm nguyên liệu

Eaton & Shepherd (2001) đã chỉ ra có 5 mô hình liên kết điển hình: tập trung, trang trại hạt nhân, đa thành phần, trung gian và phi chính thức. Các hình thức này thực hiện với cả nông dân có quy mô lớn và quy mô nhỏ, nó được mở rộng và phát triển mạnh, nhất là ở các quốc gia trước đây theo mô hình kế hoạch hóa tập trung.

Khẳng định liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, tác giả Patrich (2004) đã chỉ ra vai trò của liên kết thông qua hợp đồng giúp nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm có giá trị cao định hướng xuất khẩu. Liên kết còn giúp các hộ nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường, giảm chi phí giao dịch và rủi ro nhờ sự hỗ trợ các vật tư và dịch vụ đầu vào và cam kết tiêu thụ sản phẩm từ phía doanh nghiệp. Tại Việt Nam, tác

giả Hồ Thanh Thủy (2017) cũng khẳng định liên kết chính là chìa khóa để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, các bên tham gia cùng có lợi, giúp tăng hiệu quả trong sản xuất và nâng cao vai trò quản lý của nhà nước. Trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phần lớn đều xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp về nguyên liệu chế biến và nhu cầu về thị trường đầu ra cho sản phẩm sản xuất của nông dân (Vũ Ngọc Quyên, 2018). Điều này cũng được chứng minh trong nghiên cứu của các tác giả Delforge (2017) và Sriboonchitta & Wiboonpoongse (2008) về nông nghiệp hợp đồng tại Thái Lan.

Theo Kirsten & Sartorius (2002), liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông thông qua 3 dạng hợp đồng phổ biến gồm: hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng cung ứng đầu vào và hợp đồng trọn gói (tức doanh nghiệp tham gia vào cả quá trình từ cung ứng đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến khi tiêu thụ sản phẩm). Tác giả khẳng định hợp đồng đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo đảm khối lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa theo những yêu cầu nhất định. Tuy nhiên, hai tồn tại lớn nhất của hợp đồng trong sản xuất nông nghiệp là chi phí giao dịch đối với các hộ dân sản xuất nhỏ cao và tình trạng phá vỡ hợp đồng. Tại nghiên cứu của Simmons (2002) chỉ ra 4 lý do để nông dân sản xuất nhỏ tham gia hợp đồng đó là: cơ hội tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin và giảm thiểu rủi ro.

Hồ Quế Hậu (2012) đã tiếp cận và xem liên kết kinh tế là một thể chế kinh tế. Nghiên cứu chỉ ra: không có công thức chung cho các trường hợp liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và quan hệ tài sản giữa hai bên là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của hợp đồng liên kết. Nghiên cứu vẫn còn điểm hạn chế đó là chưa phân tích được quan hệ quyền lợi, giá trị trong chuỗi liên kết ngành hàng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

Đỗ Thị Nga & Lê Đức Niêm (2017) trong nghiên cứu về liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên đã chỉ ra ba mô hình liên kết điển hình là: tập trung trực tiếp, hạt nhân trung tâm và trung gian. Các lĩnh vực liên kết tập trung vào tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vật tư, phân bón, máy móc và chia sẻ thông tin. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định nhờ có sự hỗ trợ đầu vào và kỹ thuật nên kết quả và hiệu quả sản xuất cà phê của các hộ tham gia liên kết cao hơn so với nhóm hộ không tham gia (lợi nhuận cao hơn 34%). Trong ba mô hình liên kết thì mô hình liên kết trung gian đạt hiệu quả kinh tế theo năm và theo cả chu kỳ đều cao nhất.

Nghiên cứu liên kết thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản như: cây chè xanh tại nghiên cứu của các tác giả Đỗ Quang Giám & Trần Quang Trung (2013) và Lê Hữu Ảnh & cs. (2011); hàng hóa là cây mía tại nghiên cứu của Nguyễn Đình Phúc & cs. (2017) đây là những loại cây nguyên liệu lâu năm; sự tham gia của hộ vào mô hình trồng nhãn kiểu mẫu của tác giả Trần Thanh Dũng (2018). Các tác giả đã đánh giá được các yếu tố chủ yếu có ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào mô hình liên kết của nông dân bao gồm: trình độ học vấn, tuổi, diện tích sản xuất, vốn, khuyến nông, kinh nghiệm, hạ tầng giao thông. Chính quyền địa phương cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy liên kết thông qua các cơ chế chính sách. Tuy nhiên sự tham gia quá sâu có thể làm méo mó thị trường cung - cầu hình thành liên kết (Tô Xuân Phúc & Đặng Việt Quang, 2017).

Liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - 4

2.1.2. Các công trình nghiên cứu về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng

Nghiên cứu về mối liên kết giữa người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ tại miền Tây, Australia của nhóm tác giả Curtis & Race (1998) đã chỉ ra mối liên kết tồn tại dưới 3 mô hình liên kết điển hình: liên doanh trồng rừng, hợp tác xã và trang trại chế biến. Tham gia vào liên kết, mối quan tâm hàng đầu của nông dân là sự không chắc chắn về khả năng kinh tế của trang trại lâm nghiệp mình, triển vọng thị trường dài hạn và thông tin thị trường đáng tin cậy, khả năng đàm phán với doanh nghiệp, lợi nhuận hợp lý từ việc liên doanh liên kết, lợi ích từ việc trồng rừng đối với các vấn đề về đất và suy thoái nước, bên cạnh đó là lo ngại về các thỏa thuận thuế. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra để mối liên kết phát triển bền vững, cần phát triển một thị trường khu vực cạnh tranh, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin đáng tin cậy và kịp thời cho người trồng rừng, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, thể hiện sự cam kết lâu dài đối với người dân trong vùng về sự phát triển của cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lực chế biến và sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật. Về phía người trồng rừng cũng cần phát triển năng lực để có thể thương lượng với doanh nghiệp hoặc chọn ra một đại diện trong cộng đồng để làm việc với doanh nghiệp.

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa công ty - cộng đồng trồng rừng tại nhiều nước trên thế giới như Philippines, Indonesia, Brazil, Mexico, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi của các tác giả Cairns (2000), Margaret & Nawir (2006), Mayers (2000), Nawir & Santoso (2005) và Ojwang

(2000). Các nghiên cứu đã đưa ra các yếu tố chung để có mối quan hệ thành công đó là: tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, chia sẻ lợi ích công bằng, chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia phù hợp với bối cảnh địa phương, tính toán trước các biến động về giá cả GNL trên thị trường để có những thay đổi thích hợp hay thỏa thuận hợp đồng linh hoạt, việc hỗ trợ kỹ thuật từ phía công ty là rất cần thiết và quan trọng để giữ mối liên hệ và duy trì liên kết, muốn liên kết này phát triển lâu dài thì vai trò của bên thứ ba liên quan như chính phủ, chính quyền địa phương hay các tổ chức phi chính phủ là rất cần thiết.

Theo Christian & Charlie (2003), các hộ sản xuất trồng rừng quy mô nhỏ đang ngày càng được các công ty lâm nghiệp chủ động liên kết hợp tác thông qua hợp đồng trồng rừng. Mối liên kết này được thể hiện phổ biến nhất là thông qua một kế hoạch trồng cây gọi là “outgrower scheme” hoặc hợp đồng trồng cây “contract tree farming” trong đó các hộ chịu trách nhiệm trồng rừng để cung cấp gỗ, công ty sẽ đảm bảo việc thu mua sản phẩm của hộ (Desmond & Race, 2000). Nghiên cứu về mối quan hệ này, nhiều nhà nghiên cứu như Boulay & cs. (2013), Scherr & cs. (2003) và Mayers (2006) đã đồng ý rằng hợp đồng trồng cây đã góp phần làm tăng thu nhập về tiền mặt cho hộ.

Theo Permadi & cs. (2018) tại nghiên cứu về mối quan hệ doanh nghiệp và nông dân trồng rừng tại Indonesia đã kết luận yếu tố kích thích sự sẵn sàng tham gia vào mối quan hệ liên kết với công ty của hộ dân được thể hiện qua các cam kết hợp đồng về: cải thiện đường giao thông tại địa phương, kỳ vọng về cải thiện thu nhập của hộ cao hơn và vấn đề bảo hiểm trong sản xuất GNL được đảm bảo hơn. Để thành công trong mối quan hệ này, nông dân cần nâng cao kiến thức về lâm nghiệp thương mại, nâng cao năng lực hoạt động theo nhóm nông dân địa phương trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cải thiện kỹ năng tiếp cận các thị trường cạnh tranh ( Race & cs., 2009)

Sammy & Christine (2006) tại nghiên cứu đề xuất các chính sách nhằm phát triển các trang trại trồng rừng đã chỉ ra nông dân sẽ hoạt động tốt hơn nếu thành lập theo các nhóm hộ, điều này giúp hộ tăng khả năng thương lượng với doanh nghiệp, cập nhật thông tin thị trường nhanh hơn và mang lại khả năng cạnh tranh tốt hơn là hoạt động riễng rẽ một mình.

Simo & cs. (2020) tại nghiên cứu về các mô hình trồng rừng liên doanh liên kết với doanh nghiệp chế biến ở Lào đã chứng minh tại các khu vực có thị trường

mạnh, các hộ dân trồng rừng quy mô nhỏ cũng có thể thành công và đem về lợi nhuận từ việc trồng rừng độc lập mà không cần liên kết và thực hiện theo hình thức trồng rừng có xen canh.

Tysiachniouk (2006) và Lukashevich & cs. (2016) tại các nghiên cứu của mình đều khẳng định: ở Nga việc phát triển rừng trồng có chứng chỉ FSC có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chứng chỉ là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt được yêu cầu về phát triển lâm nghiệp bền vững. Trồng rừng theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của FSC sẽ giúp bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và hợp lý hóa việc sử dụng các tài nguyên rừng. FSC không những mang lại sự ổn định về kinh tế mà còn nâng cao tình đoàn kết và sự gắn kết trông cồng đồng đặc biệt ở khu vực nông thôn. Liên kết giữa các công ty chế biến và hộ dân trồng rừng cũng được duy trì thông qua chứng chỉ FSC.

Vidal (2004) tại nghiên cứu về mối quan hệ giữa công ty và cộng đồng trồng rừng ở Brazil đã chỉ ra rằng các yếu tố để tạo nên mối quan hệ thành công đó là sự đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội như đường xá giao thông, hướng đến giảm thiểu chi phí sản xuất trồng rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ sau khai thác, hợp pháp hóa quyền sử dụng đất cho người dân.

Tác giả Nguyễn Tôn Quyền & cs. (2017) với nghiên cứu “Liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng: Nâng cao chuỗi giá trị của ngành gỗ” đã đi sâu nghiên cứu về mô hình liên kết phát triển rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hay còn gọi là mô hình liên kết IKEA-một trong những mô hình liên kết mới phát triển ở Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra 3 điều kiện quan trọng để hình thành mô hình liên kết: (1) Phải có một tổ chức có tiềm lực về tài chính hoặc khả năng hỗ trợ về mặt kĩ thuật đứng ra khởi xướng và xây dựng mô hình; (2) Lợi ích phải được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia;

(3) Các bên tham gia hoạt động theo cơ chế tự nguyện và đồng thuận.

Nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gỗ trồng rừng” của tác giả Hoàng Liên Sơn (2017), tác giả đã chỉ ra được lợi ích từ việc trồng rừng có chứng chỉ FSC đem về thu nhập cao hơn so với trồng rừng theo phương thức truyền thống từ 15-20%. Các yếu tố có ảnh hưởng đến mô hình liên kết phát triển rừng trồng có chứng chỉ FSC bao gồm: đặc điểm của hộ trồng rừng, các yêu cầu về mặt kỹ thuật của gỗ có FSC, cơ chế liên kết, vai trò của chính quyền địa phương, thị trường tiêu thụ gỗ có FSC.

2.1.3. Khoảng trống trong nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quát về những tài liệu nghiên cứu có liên quan, luận án nhận thấy những khoảng trống trong nghiên cứu như sau:

- Xét theo lĩnh vực, các nghiên cứu về liên kết tập trung khá nhiều đối với các sản phẩm nông sản ngắn ngày khó bảo quản lâu, hay dài ngày như cây chè, mía, cà phê... Trong lâm nghiệp, các sản phẩm gỗ được các nghiên cứu đề cập đến nhiều như: gỗ dăm, gỗ xẻ, ván bóc…Rất ít nghiên cứu về liên kết đối với sản phẩm là “gỗ tròn”. Nghiên cứu này tập trung vào đối tượng là gỗ tròn được tiêu thụ ngay sau khi khai thác của các hộ trồng rừng.

- Xét theo phạm vi, tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp nhưng mới chỉ tập trung ở khu vực miền Trung và một số tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Phú Thọ; chưa có nhiều nghiên cứu trọng tâm về liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với hộ trong sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu. Đặc biệt tại tỉnh Tuyên Quang, tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, hiện chưa có nghiên cứu nào mang tính tổng thể và toàn diện đánh giá về vai trò, lợi ích và hiệu quả của liên kết giữa các công ty chế biến và người dân trồng rừng.

- Xét về nội dung, hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc xác định các hình thức liên kết, khẳng định vai trò của liên kết và đánh giá hiệu quả liên kết. Chưa có nhiều nghiên cứu phân tích chuyên sâu vào từng hình thức cụ thể; chỉ ra thành công, hạn chế của từng mô hình; phân tích lợi ích của các chủ thể tham gia và định hướng việc áp dụng mỗi hình thức liên kết sao cho phù hợp với điều kiện thực tại. Nghiên cứu này đi sâu vào đánh giá hiện trạng các hình thức liên kết giữa công ty chế biến gỗ với các hộ dân trồng rừng tại địa phương, nghiên cứu không chỉ ra đâu là hình thức tốt nhất mà trên cơ sở thực trạng hoạt động của mỗi hình thức, nghiên cứu phân tích những mặt thành công, hạn chế của từng liên kết, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm tăng cường các mối liên kết sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.

- Về phương pháp, rất ít nghiên cứu sử dụng mô hình kinh tế lượng để phân tích và xem xét đến các yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng tham gia liên kết của hộ nông dân. Liên kết là hướng đi đúng và cần được khuyến khích sự tham gia của người dân trồng rừng, xong trên thực tế khái niệm liên kết còn khá mới mẻ với người dân trồng rừng. Còn nhiều hộ dân chưa biết đến và tham gia hoạt động liên kết trong sản xuất lâm nghiệp. Chưa có nhiều nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này.

Do vậy, luận án sẽ góp phần giải quyết những thiếu hụt trên đối với liên kết trong lâm nghiệp nói chung và liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu tại Tuyên Quang nói riêng.

2.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LIÊN KẾT GIỮA SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ GỖ NGUYÊN LIỆU

2.2.1. Khái niệm về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu

Trước khi bàn về khái niệm của liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu ta cần thảo luận về thuật ngữ “gỗ nguyên liệu” và lí luận cơ bản về “liên kết kinh tế”, “liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”:

- Gỗ nguyên liệu là thuật ngữ dùng để chỉ các loại gỗ bao gồm gỗ xẻ, gỗ tròn, gỗ nhân tạo (ván dăm, ván sợi, ván dán, gỗ ghép thanh…) được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến gỗ như: đồ gỗ nội thất, ngoại thất; ván nhân tạo; dăm gỗ; bột giấy; gỗ xây dựng, trụ mỏ… (Đỗ Đình Sám, 2002). Trong phạm vi nghiên cứu này, gỗ nguyên liệu được tập trung là gỗ tròn (logs) còn nguyên hình dạng sau khai thác. Theo hướng dẫn trồng rừng của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, do đặc tính sinh trưởng và phát triển cùng với điều kiện khí hậu, đất đai của Việt Nam, gỗ rừng trồng được dùng làm nguyên liệu chủ yếu gồm các loài như: thông, mỡ, bồ đề, bạch đàn, keo…Chu kỳ trồng rừng gỗ nguyên liệu khá dài, thường từ 6-8 năm đối với rừng gỗ nhỏ và hơn 10 năm đối với rừng gỗ lớn (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 2002).

- Liên kết kinh tế: Có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập đến khái niệm này. Trong sản xuất và kinh doanh liên kết luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới, nó là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Bản chất của liên kết kinh tế là thể chế kinh tế, đó là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các tổ chức kinh tế, các nền kinh tế với nhau (Key & Runsten, 1999).

Theo từ điển thuật ngữ kinh tế học, liên kết kinh tế là hình thức hợp tác phối hợp hoạt động do các đơn vị kinh tế tự nguyện tiến hành nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng có lợi nhất (Hữu Khuê Mai, 2001). Tiếp cận theo hướng nghiên cứu này, liên kết kinh tế đã được quan niệm rõ hơn: Liên kết kinh tế là một thể chế kinh tế nhằm thực hiện một kiểu phối hợp hành động giữa các chủ thể kinh tế độc lập tự chủ với nhau, một cách tự nguyện, thỏa

thuận, đôi bên cùng có lợi và tin tưởng lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau theo một kế hoạch và quy chế định trước, dài hạn hoặc thường xuyên; nhằm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế (Hồ Quế Hậu, 2012). Theo quan niệm này, chúng ta hiểu liên kết kinh tế là sự liên minh, kết hợp các quan hệ vật chất, tài chính giữa các chủ thể với nhau theo những thỏa thuận nhất định nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu nào đó để mang lại lợi ích chung của khối, trong đó có lợi ích của các bên. Tác giả Phạm Thị Minh Nguyệt (2006) cho rằng: liên kết kinh tế là phương thức phát triển của chế độ hợp tác, tất cả các mối quan hệ kinh tế được hình thành giữa hai hay nhiều đối tác với nhau dựa trên những hợp đồng đã ký kết với những thỏa thuận nhất định được gọi là liên kết kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm này đã bỏ qua các hình thức liên kết không chính thống như: liên kết thông qua thỏa thuận miệng hay văn bản thỏa thuận riêng giữa các chủ thể tham gia liên kết với nhau. Tác giả chỉ thừa nhận các liên kết thông qua hợp đồng kinh tế chính thống và có tính pháp lý.

Từ các quan niệm trên, chúng tôi cho rằng liên kết kinh tế là phạm trù đề cập đến sự hợp tác với nhau giữa các đơn vị kinh tế độc lập, trên cơ sở tự nguyện để cùng thực hiện một hay nhiều công việc đã thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu về lợi ích kinh tế cho các bên tham gia và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng có lợi nhất.

Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế họat động để tiến hành phân công sản xuất (Altenburg, 2000). Liên kết kinh tế giúp khai thác tốt tiềm năng của từng đơn vi tham gia, cùng nhau tạo thị trường chung, bảo vệ lợi ích cho nhau đồng thời khắc phục những điểm yếu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực có hạn, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, phân bổ cả lợi ích và rủi ro để tạo ra những lợi ích lớn hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng được mối liên kết lâu dài và bền vững, tạo nên sự ràng buộc giữa các bên trong liên kết với nhau cần phải có các yếu tố cơ bản đó là: lòng tin, pháp luật, mối quan hệ tài sản, và đặc điểm ngành nghề sản xuất kinh doanh. Các bên tham gia vào liên kết trên tinh thần tự nguyện, cùng thỏa thuận và tin tưởng lẫn nhau trong khuôn khổ quy chế liên kết được pháp luật bảo vệ và cùng cam kết thực hiện (Hồ Quế Hậu, 2012).

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí