Như vậy, gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL, nghiên cứu này cho rằng khi liên kết được hình thành thì lòng tin là yếu tố đầu tiên và là nền tảng đảm bảo cho mối quan hệ liên kết được lâu dài và duy trì một cách bền vững. Liên kết kinh tế được xem là nhân tố cơ bản hình thành nên các mô hình liên kết trong sản xuất và kinh doanh nông lâm nghiệp nói chung và trong sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng nói riêng.
- Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Theo Watts (1994) được trích dẫn trong Đỗ Thị Nga & Lê Đức Niêm (2017): liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hình thức hợp tác, thỏa thuận giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm mà cụ thể bên sản xuất là những hộ nông dân sản xuất ra sản phẩm còn bên tiêu thụ là các công ty, doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm. Trong mối thỏa thuận này, người sản xuất cam kết cung cấp sản phẩm, công ty cam kết tiêu thụ, thu mua hàng hóa và hỗ trợ sản xuất thông qua việc cung cấp, hỗ trợ các yếu tố đầu vào cho sản xuất. Mục tiêu của mối liên kết này là nhằm bù đắp sự thiếu hụt của mỗi bên, tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa nhằm khai thác tốt tiềm năng của mỗi bên tham gia liên kết. Người nông dân có cơ hội học hỏi được kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật, nắm vững thông tin thị trường, rút ngắn thời gian, chi phí trong sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, đồng thời chủ động tiêu thụ sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế. Doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng đầu vào để chế biến ra các sản phẩm sau chế biến được thị trường chấp nhận.
Tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP (2018) của chính phủ đã định rõ: hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các bên tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản là hình thức đã tồn tại trong nhiều năm như một phương tiện để tổ chức sản xuất. Hình thức này được áp dụng và phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước trước đây theo mô hình kế hoạch hóa tập trung (Eaton & Shepherd, 2001). Ở nước ta, các mô hình liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ được thực hiện nhiều ở các loại hàng hóa nông sản như: lúa gạo, chè, cà phê,
mía, dứa (Trần Quốc Nhân & cs., 2013; Lê Hữu Ảnh & cs., 2011; Đỗ Thị Nga & cs., 2017; Đỗ Quang Giám & cs., 2013; Vũ Đức Hạnh, 2015).
- Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL: Theo Curtis & Race (1998) trong nghiên cứu về liên kết giữa các hộ trồng rừng (small-scale growers) với ngành công nghiệp chế biến gỗ (wood processing industry) đã khái niệm: liên kết giữa cộng đồng trồng rừng với các công ty chế biến gỗ là liên kết dựa trên hợp đồng chính thống có tính pháp lý cam kết hợp tác về đất, vốn, quản lý, và cơ hội thị trường để xây dựng nên một vùng nguyên liệu có tính chất thương mại. Lợi nhuận chia sẻ giữa các bên căn cứ theo giá trị đầu vào và giá trị thị trường của GNL tại thời điểm khai thác. Mục tiêu của mối quan hệ hợp tác này là nhằm chia sẻ rủi ro và các lợi ích kinh tế chung để tạo nên vùng GNL đảm bảo cung cấp đầu vào bền vững cho công nghiệp chế biến gỗ, đem lại thu nhập lâu dài cho những người trồng rừng. Như vậy, quan niệm đã cho rằng liên kết giữa người dân trồng rừng và công ty chế biến gỗ là một hình thức liên kết theo hợp đồng chính thống.
Mayers & Vermeulen (2002) khi xem xét mối quan hệ hợp tác giữa công ty và cộng đồng trong lâm nghiệp, đã khái niệm: Mối quan hệ liên kết giữa công ty và cộng đồng trồng rừng là mối quan hệ hợp tác dựa trên sự kỳ vọng về lợi ích kinh tế và chia sẻ về rủi ro thông qua các hình thức như thỏa thuận, hợp đồng chính thống hoặc phi chính thống giữa hai bên với bên thứ ba đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Theo đó, quan điểm về mối quan hệ giữa các công ty chế biến với người trồng rừng đã được mở rộng về hình thức, không những có thể được dựa trên các hợp đồng chính thống (legal contracts) mà còn có thể dựa trên những thỏa thuận phi chính thống (informal arrangements) và có sự tham gia của bên thứ ba với vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hình thành quan hệ hợp tác. Như vậy, mối quan hệ đôi bên không nhất thiết phải dựa trên hợp đồng chính thống mà còn có thể dựa trên lòng tin lẫn nhau và sự tự thỏa thuận. Các bên thứ ba tham gia vào liên kết có thể là chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương…
Từ các quan điểm về liên kết kinh tế; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, hợp tác sản xuất trong lâm nghiệp giữa các công ty chế biến gỗ và cộng đồng trồng rừng nói riêng, chúng tôi rút ra khái niệm về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ GNL như sau: Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ GNL là sự hợp tác, liên kết có tính chất lâu dài gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên
liệu của các bên tham gia liên kết. Đó là những hoạt động kinh tế tự nguyện, cùng có lợi, theo những thỏa thuận trước giữa các bên nhằm mục đích xây dựng vùng nguyên liệu và cung cấp ổn định nguyên liệu sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Cũng như liên kết kinh tế, nguyên tắc của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL cũng dựa trên cơ sở sự hợp tác tự nguyện và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên thông qua những thỏa thuận chính thống (như hợp đồng kinh tế, cam kết, văn bản có tính pháp lý…) hoặc phi chính thống (thỏa thuận miệng). Theo đó sẽ tạo nên mối quan hệ kinh tế ổn định và giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề có liên quan tới hai tác nhân quan trọng trong liên kết này đó là người nông dân sẽ không phải lo về đầu ra của gỗ rừng trồng khi đến kỳ khai thác, yên tâm về giá cả để tiếp tục tái trồng rừng. Doanh nghiệp chế biến do có đủ nguyên liệu, ít bị động trong sản xuất nên có nhiều cơ hội để đầu tư mở rộng sản xuất và cải thiện chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tạo ra.
Có thể bạn quan tâm!
- Liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - 2
- Liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - 3
- Tổng Quan Các Công Trình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Liên Kết Giữa Sản Xuất Và Tiêu Thụ Gỗ Nguyên Liệu
- Quy Trình Và Kĩ Thuật Lâm Sinh Trong Trồng Rừng Sản Xuất Gỗ Nguyên Liệu
- Tính Bền Vững Và Khả Năng Phát Triển Của Liên Kết
- Một Số Hình Thức Liên Kết Giữa Sản Xuất Và Tiêu Thụ Gỗ Nguyên Liệu Tại Các Địa Phương Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
2.2.2. Các hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu
Eaton & Sepherd (2001) cho rằng có 5 hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp đó là: tập trung trực tiếp, trang trại hạt nhân, đa thành phần, trung gian và phi chính thức. Trong liên kết sản xuất và tiêu thụ GNL, tổng kết các kết quả nghiên cứu của Curtis & Race (1998), Mayers (2000), Mayers & Vermeulen (2002), Ojwang (2000), Nawir & Santoso (2005), Vidal (2005), Will (2013), Nguyễn Vinh Quang & cs. (2017), Hoàng Liên Sơn (2017)… đều chỉ ra rằng: các hình thức liên kết phổ biến trong sản xuất và tiêu thụ GNL giữa các công ty lâm nghiệp hoặc doanh nghiệp chế biến gỗ với người nông dân cũng có biểu hiện và cách thức tổ chức dưới dạng các hình thức liên kết điển hình là: i) liên kết trực tiếp; ii) liên kết hạt nhân trung tâm; iii) liên kết qua trung gian, vi) liên kết phi chính thống.
+ Hình thức liên kết trực tiếp (Centralized model): là hình thức doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết trực tiếp với từng hộ trồng rừng mà không qua tổ chức trung gian nào. Hộ là bên sở hữu đất trồng rừng, có khả năng cung cấp gỗ, theo đó doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết với từng hộ gia đình. Đặc điểm của hình thức này là doanh nghiệp và hộ tiếp xúc trực tiếp với nhau, doanh nghiệp nắm được thông tin chính xác của từng hộ liên kết cũng như đặc điểm địa bàn trong vùng nguyên liệu của mình. Ưu điểm của hình thức này là doanh
nghiệp có thể mở rộng được quy mô do không bị giới hạn về quỹ đất, ổn định được nguồn cung cấp nguyên liệu, kiểm soát được chất lượng gỗ mà họ mua thông qua giám sát quá trình từ khi trồng rừng đến khi khai thác. Tuy nhiên, thách thức của nó là doanh nghiệp sẽ phải đối diện trực tiếp với nhiều hộ nhỏ trong khi nguồn lực về lao động của công ty lại có hạn nên chi phí theo dõi và quản lý vùng nguyên liệu sẽ cao, trách nhiệm xã hội lớn, việc thương thảo hợp đồng với từng hộ nông dân tốn nhiều thời gian và khó thực thi. Do đó, hợp đồng liên kết thường là áp đặt một chiều từ phía doanh nghiệp mà không có sự thỏa thuận thống nhất của hai bên.
Hình thức liên kết này hiện được công tại các công ty thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam như công ty giấy Bãi Bằng; Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ, Công ty Lâm nghiệp Hà Tĩnh áp dụng (Hoàng Liên Sơn, 2017).
Loại hợp đồng phổ biến được sử dụng trong hình thức này là hợp đồng trên cơ sở cá nhân. Đại diện từng hộ gia đình ký kết trực tiếp với doanh nghiệp. Nội dung hợp đồng tập trung vào đảm bảo thị trường tiêu thụ cho người trồng rừng (Curtis & Race, 1998). Theo đó, công ty cam kết tiêu thụ toàn bộ gỗ sau khai thác cho người trồng rừng với mức giá cao hơn hoặc tính theo giá thị trường. Bên công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế trồng rừng, tư vấn khuyến nông, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ yếu tố đầu vào cho sản xuất trồng rừng... Đến thời điểm khai thác hộ bắt buộc hoặc ưu tiên bán lại gỗ cho công ty.
+ Hình thức liên kết hạt nhân trung tâm: hình thức này cũng tương tự như hình thức trực tiếp, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết với từng hộ nhưng đặc điểm khác cơ bản ở chỗ doanh nghiệp là bên nắm giữ quyền sở hữu đất đai, tài sản. Doanh nghiệp sẽ đầu tư các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất trồng rừng của hộ, thu mua lại gỗ sau khi khai thác. Hộ nông dân chỉ thực hiện hoạt động sản xuất trồng rừng tạo ra gỗ theo yêu cầu của doanh nghiệp và bán lại gỗ cho doanh nghiệp đó. Nông dân chỉ đóng vai trò như những “công nhân lâm nghiệp”.
Ưu điểm của hình thức này là doanh nghiệp sẽ tận dụng được tối ưu nguồn nhân công giá rẻ từ hộ, tăng giá trị sử dụng đất và mức độ kiểm soát rừng cao; Nếu có xảy ra mất rừng thì hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty theo quy định của pháp luật. Hộ tham gia liên kết sẽ có đất sản xuất, cải thiện sinh kế. Hạn chế của hình thức này là do nông dân không nắm quyền sở hữu về đất đai và tài sản nên họ không có động lực mạnh mẽ trong sản xuất. Liên kết khó có thể mở rộng được quy mô do giới hạn về đất đai.
Trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp ở Việt Nam hiện nay, hình thức hạt nhân trung tâm tồn tại giữa các công ty lâm nghiệp (trước đây là các lâm trường quốc doanh) với công nhân, nông dân dưới các hình thức: giao nhận khoán, liên doanh trồng rừng (Hoàng Liên Sơn, 2017).
Hai loại hợp đồng phổ biến được sử dụng trong hình thức này là: (1) Hợp đồng giao khoán: nội dung chủ yếu gồm giao đất rừng cho hộ quản lý; công ty hỗ trợ cho hộ những yếu tố đầu vào để trồng rừng như cây giống, phân bón, kỹ thuật. Hộ tiến hành trồng và chăm sóc rừng. Đến khi khai thác hai bên ăn chia theo tỷ lệ đã thỏa thuận và cam kết ban đầu. Loại hợp đồng này có các hình thức: khoán theo công đoạn trồng rừng, khoán hàng năm và khoán cả chu kỳ cây. (2) Hợp đồng liên doanh sản xuất: công ty và hộ cùng đầu tư góp vốn kinh doanh trồng rừng, sản phẩm ăn chia theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên. Lợi nhuận được chia sẻ số lượng và giá thị trường tại thời điểm khai thác. Hình thức liên doanh này được thực hiện dưới 2 dạng: liên doanh sản xuất trên đất của công ty hoặc liên doanh trên đất của dân.
+ Hình thức liên kết qua trung gian: đây là hình thức liên kết trong đó doanh nghiệp không ký hợp đồng liên kết trực tiếp với từng hộ dân mà sẽ ký hợp đồng thông qua tổ chức trung gian như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân hoặc người đại diện cho một số hộ nông dân (Mayers, 2000). Đặc điểm của hình thức này là phải có một tổ chức trung gian tập hợp các hộ dân thành nhóm, tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp. Ưu điểm của hình thức này là nông dân sản xuất quy mô nhỏ cũng có thể tham gia vào dễ dàng do được tập hợp thành tổ chức có quy mô lớn hơn. Doanh nghiệp có thể giảm được chi phí theo dõi, giám sát quá trình sản xuất do nhà trung gian thường là người ở địa phương nên nông dân dễ tin hơn. Tuy nhiên, hình thức này hạn chế ở mức độ ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp không cao nên cũng dễ dàng dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng.
Hợp đồng được sử dụng trong hình thức này là hợp đồng trên cơ sở nhóm. Công ty chỉ ký kết với tổ chức trung gian. Các đơn vị trung gian có trách nhiệm cùng công ty quản lý, hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất trồng rừng của hộ. Hình thức này được áp dụng khá thành công giữa các công ty chế biến gỗ và các hộ dân thông qua trung gian là trưởng các nhóm hộ, hợp tác xã, ban quản lý rừng... trong việc trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững có chứng chỉ FSC.
Các công ty đã áp dụng thành công như: công ty NAFOCO và các hộ trồng rừng tại Yên Bái; Công ty Scansia Pacific và các hộ dân trồng rừng tại Quảng Trị (Nguyễn Vinh Quang & cs., 2017).
+ Liên kết phí chính thống: đây là hình thức được thể hiện dưới dạng “thỏa thuận miệng” giữa các chủ thể trong liên kết. Trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, hình thức liên kết này có thể diễn ra giữa các hộ trồng rừng với các đơn vị trung gian cung ứng hay thu mua, gom nguyên liệu nhỏ hoặc thương lái. Mối quan hệ giữa các chủ thể thường là dựa trên nền tảng quan hệ quen biết và làm ăn lâu năm với nhau. Các quyền lợi và trách nhiệm thường được thỏa thuận bằng mồm và không có sự ràng buộc bằng văn bản. Tính bền vững của liên kết là không cao bởi khi một trong các bên tìm thấy được lợi ích tăng thêm cho mình ở mối quan hệ khác thì sẽ dễ dàng phá bỏ liên kết hiện có. Chúng tôi cho rằng ở hình thức liên kết này các nội dung liên kết có giá trị kinh tế không lớn. Sự liên kết mang tính “thương mại” nhiều hơn là “hợp tác”, tức quan hệ mua bán đơn thuần “thuận mua vừa bán”. Liên kết chỉ mang tính thu mua và tiêu thụ sản phẩm thuần túy. Do đó, hình thức liên kết phi chính thống không nằm trong phạm vi đối tượng nghiên cứu sâu của luận án này.
Như vậy, nghiên cứu cho rằng có 4 hình thức tổ chức liên kết điển hình giữa sản xuất và tiêu thụ GNL gồm liên kết trực tiếp, liên kết qua trung gian, liên kết hạt nhân trung tâm và liên kết phi chính thống. Việc hình thành các hình thức liên kết phản ánh nhu cầu khách quan và mục tiêu về lợi ích kinh tế của các bên trong quá trình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Mỗi hình thức liên kết có cấu trúc, cơ chế vận hành và điều kiện áp dụng khác nhau. Do đó, việc lựa chọn hình thức liên kết để áp dụng sao cho phù hợp tùy thuộc vào điều kiện thực tế về nguồn lực, đặc điểm của từng hình thức tổ chức kinh doanh của các chủ thể ở từng nơi. Có một điểm chung của các hình thức liên kết đó là doanh nghiệp và nông dân trồng rừng luôn là chủ thể chính và doanh nghiệp luôn giữ vai trò quyết định, đầu tàu dẫn dắt các hoạt động của liên kết.
2.2.3. Đặc điểm của liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu
Do là cây công nghiệp lâu năm, có đặc điểm và tính chất khác nhiều so với các sản phẩm nông nghiệp khác nên đặc điểm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL cũng có phần khác biệt và đặc thù. Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ GNL tập trung vào lĩnh vực: trồng rừng và tiêu thụ sản phẩm gỗ sau khai thác. Trong
quá trình này, các hoạt động chính của liên kết được thực hiện như: hỗ trợ kĩ thuật, vật tư, vốn, chia sẻ thông tin, thu mua GNL. Bên cạnh những đặc điểm chung của liên kết kinh tế, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL có những đặc điểm riêng như sau:
- Thứ nhất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL có đặc điểm về tiêu chuẩn gắn với yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm gỗ. Do đặc tính sinh trưởng của cây gỗ có chu kỳ sinh trưởng kéo dài và phát triển chậm. Phải mất hàng chục năm hoặc thấp nhất cũng phải sau khoảng 4 tới 5 năm mới cho gỗ thành phẩm để khai thác và sử dụng làm nguyên liệu (Bùi Minh Vũ, 2001). Do đó, doanh nghiệp chế biến thường đưa ra điều kiện về sản phẩm GNL phải đảm bảo tối thiểu số năm khai thác theo yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu khai thác quá sớm người trồng rừng cũng không thu được lợi nhuận cao. Mặt khác, theo Thông Tư số 88/2011/TT-Bộ Nông nghiệp & PTNT gỗ là hàng hóa đặc biệt, cần phải có giấy phép cụ thể thì mới được lưu hành. Chưa kể doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài thì phải đảm bảo được việc chứng minh nguồn gốc gỗ dùng để chế biến, và gỗ phải đạt các tiêu chí theo yêu cầu đồng thời có chứng chỉ quốc tế chứng nhận. Theo đó, một trong những tiêu chuẩn để tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ gỗ và GNL là cả người chế biến và người trồng rừng đều phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm.
- Thứ hai, mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL là mối quan hệ bất cân xứng. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh: quy mô, tiềm lực kinh tế của hộ nông dân và doanh nghiệp chênh lệch nhau; Chênh lệch về trình độ và nhận thức, đây là lý do chính khiến cho các hợp đồng doanh nghiệp soạn theo đúng quy phạm pháp luật nhưng lại trở nên rườm rà, khó tiếp thu đối với người nông dân, hay cách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng thường theo phương thức truyền thống mà khác xa so với cách thức kỹ thuật của doanh nghiệp khuyến cáo.
- Thứ ba, rừng có mối liên hệ chặt chẽ đối với các vấn đề xã hội và có vai trò quan trọng trong sinh kế của những người nghèo khu vực nông thôn (Scherr & cs., 2004). Địa bàn hoạt động của sản xuất lâm nghiệp phần lớn là nơi sinh sống của các cộng đồng cư dân mà đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người có trình độ dân trí thấp, sinh sống tại khu vực nông thôn xùng sâu xa, canh tác lạc hậu và thường trồng rừng theo thói quen truyền thống (Bùi Minh Vũ, 2001). Do
đó, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL là liên kết mang tính xã hội sâu sắc và có mối quan hệ mật thiết đến vấn đề đất đai, tài nguyên, kinh tế-xã hội tại các vùng khó khăn, xa xôi. Do đó, khi đánh giá hiệu quả của liên kết không chỉ lấy kinh tế đơn thuần làm thước đo mà còn một loạt các chỉ tiêu gián tiếp khác như góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, nâng cao hệ số sử dụng đất, cải thiện hạ tầng giao thông và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Như vậy, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ GNL có ba đặc điểm chính đó là: tiêu chuẩn sản phẩm liên kết; mối quan hệ liên kết là mối quan hệ bất cân xứng; đây là liên kết mang tính xã hội sâu sắc. Những đặc điểm này có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động liên kết. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý đến những đặc điểm riêng biệt này khi triển khai nội dung nghiên cứu phục vụ cho mục tiêu đánh giá thực trạng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ GNL đồng thời đề xuất các giải pháp để tăng cường liên kết trong lĩnh vực này.
2.2.4. Vai trò của liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ gỗ nguyên liệu
Liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng rừng để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ là xu thế tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam. Các mối hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến gỗ và cộng đồng trồng rừng địa phương ngày càng được công nhận là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về GNL cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ ( Mayers & Vermeulen, 2002; Pirard & cs., 2017). Liên kết được cho là đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và các công ty trong ngành công nghiệp chế biến gỗ.
- Liên kết góp phần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Đối với các công ty chế biến gỗ, thông qua liên kết, doanh nghiệp có thể chủ động được kế hoạch sản xuất do đảm bảo khối lượng GNL đầu vào; tận dụng nguồn tài nguyên đất rừng của người dân; kiểm soát về số lượng và chất lượng GNL; sử dụng lao động hộ giá rẻ; cải thiện và nâng cao phạm vi ảnh hưởng, hình ảnh kinh doanh có trách nhiệm của công ty đối với môi trường, với xã hội thông qua hợp tác và sự hỗ trợ yếu tố đầu vào cơ bản cho cộng đồng địa phương trên địa bàn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thể hiện được vai trò là đầu tàu dẫn dắt kinh tế hộ trong quá trình phát triển (Mayers & Vermeulen,