hàng không để bảo đảm mua dịch vụ ở mức giá giảm. Vì vậy, quyền mặc cả tương đối này sẽ chi phối các mức giá cuối cùng. Ví dụ, một công ty lữ hành sẽ đăng ký được một khối lượng phòng nhất định với mức giá rẻ ở một khách sạn mới kinh doanh vì khách sạn này vừa có một mức cầu đảm bảo khi mới bắt đầu kinh doanh lại vừa có một số khách hàng có thể sẽ quay lại khách sạn sau này và mua dịch vụ ở mức giá đầy đủ. Ngoài ra, các mức giá đàm phán cuối cùng giữa công ty lữ hành với khách sạn còn có thể tuỳ thuộc vào các điều kiện sau:
- Thời vụ và công suất sử dụng phòng của khách sạn;
- Các công ty lữ hành đăng ký và đảm bảo thanh toán cho một lô phòng xác định (có thể xác định rõ vị trí các phòng) hoặc đăng ký nhưng không có các điều kiện ấn định trước với khách sạn;
- Sự liên tục của cầu từ các công ty lữ hành, đặc biệt trong mùa trái vụ là một yếu tố mạnh để mặc cả không chỉ nhận được mức giá thấp mà còn bảo vệ sự phân bổ của công ty lữ hành trong mùa chính vụ.
Từ việc mua các lô ghế ngồi trên các chuyến bay thường kỳ như một yếu tố đầu vào, một số công ty kinh doanh chương trình du lịch hàng không tiến tới thuê bao toàn bộ máy bay theo định kỳ khi hãng hàng không có máy bay không sử dụng cho các chuyến bay thường kỳ nữa. Mặc dù, công ty kinh doanh chương trình du lịch có sự tiết kiệm tiềm năng hơn khi mua các lô ghế ngồi với mức giá giảm trong từng chuyến bay riêng lẻ, nhưng các công ty lữ hành có thể thu được lợi ích nói chung như hãng hàng không cho thuê bao vì các chuyến bay thuê bao có hệ số chuyên chở rất cao. Do đó, nhiều công ty lữ hành, đặc biệt ở Anh, Scandinavia và Đức đã tập trung các năng lực sản xuất lại để tiến đến giai đoạn tự mua máy bay và thiết lập các đội bay thuê bao cho chính mình. Điều đó cũng tương tự như các công ty lữ hành lớn làm chủ các khách sạn, các đội xe buýt, các điểm hấp dẫn tại các điểm đến du lịch.
Khi mua các yếu tố đầu vào, đặc biệt là dịch vụ chuyên chở hàng không, mục tiêu của công ty lữ hành là tạo ra được một loạt chương trình liên tục của tour du lịch trọn gói. Ví dụ, một chương trình du lịch trọn gói thuê bao xuất phát thường xuyên hàng tuần hoặc hai tuần một lần, khi đó chuyến bay đi tuần này sẽ chuyên chở về nhà các du khách đi tuần trước và các cơ sở lưu trú cũng được sử dụng liên tục. Với chương trình du lịch trọn gói (hoặc các chuyến tham quan bằng chương trình trọn gói) sử dụng các chuyến bay thường kỳ một cách đều đặn như vậy là điều không dễ dàng, nhưng về mặt nguyên lý vẫn được coi là tốt.
Bảng 2.3 giới thiệu một báo cáo mẫu về doanh thu và chi phí của một công ty lữ hành gửi khách Nhật Bản.
Qua Bảng 2.3 có thể thấy hai điểm cơ bản: Thứ nhất, nhiều công ty lữ hành có doanh thu cao hơn điểm hoà vốn một chút khi bán trực tiếp các sản phẩm chương trình trọn gói của mình bởi vì mục tiêu cạnh tranh. Các công ty này sẽ có lợi nhuận chủ yếu từ lãi suất trên các khoản tiền đặt cọc và trả trước cho các kỳ nghỉ, từ việc bán (hoặc thu đổi) ngoại tệ và từ việc bán các sản phẩm "kèm thêm". Thứ hai, dịch vụ vận chuyển hàng không và lưu trú là hai khoản chi phí đầu vào chủ yếu. Những khoản chi phí này lớn hơn tất cả các chi phí còn lại và chi phối cung của các công ty lữ hành. Một đặc điểm nổi bật của chương trình du lịch trọn gói là lợi thế về giá cả nói chung dành cho khách du lịch rẻ hơn so với việc mua từng yếu tố cấu thành riêng lẻ. Trong một số trường hợp, lợi thế này chiếm khoảng từ 15% đến 40% thậm chí ở một số nước châu Âu nó có thể còn cao hơn. Nếu các công ty lữ hành không nhận được các mức giá dịch vụ đầu vào rẻ thì lượng cung các chương trình trọn gói của họ sẽ giảm. Thực vậy, trong mùa chính vụ các hãng hàng không và khách sạn có thể không bán cho các công ty lữ hành vì họ có thể bán hết tất cả sản phẩm của mình trực tiếp cho khách du lịch ở mức giá đầy đủ.
Bảng 2.3. Tỷ lệ (%) thu nhập và chi phí của một công ty lữ hành
% | ||
Tổng doanh số bán tour trọn gói Hoa hồng bán hàng Vé máy bay Lưu trú và ăn uống Vận chuyển mặt đất và các loại thuế Chi phí quản lý và chi phí khác Lợi nhuận thương mại thuần Cộng Lợi nhuận từ bán bảo hiểm và chương trình tham quan Lãi suất của các khoản trả trước và số dư bán ngoại tệ | 47 35 2 5 | 100 10 90 89 1 2 2 |
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Cần Thiết Dự Báo Cầu Du Lịch
- Các Dạng Đường Hồi Quy Lý Thuyết
- Các Chi Phí Trong Chuyên Chở Hành Khách Bằng Hàng Không
- Đặc Điểm Của Quan Hệ Cung Cầu Du Lịch
- Các Tài Khoản Bên Ngoài Của Một Nền Kinh Tế Quốc Dân
- Sự Thay Đổi Tỷ Giá Trao Đổi Và Cán Cân Du Lịch
Xem toàn bộ 188 trang tài liệu này.
Nguồn: Công ty lữ hành gửi khách Nhật Bản
2.2.4.4. Một số loại hình cung khác
a. Cung các điểm hấp dẫn du lịch
Các điểm hấp dẫn du lịch thường được phân thành 3 loại: (A)- Các sự kiện;
(B)- Các điểm hấp dẫn vĩnh cửu được thiết kế đặc biệt nhằm mục đích thương mại;
(C)- Các điểm hấp dẫn dựa trên cơ sở các tài nguyên tự nhiên và nhân văn.
Cung các sự kiện (loại A) có thể theo từng đợt hoặc đột biến tuỳ thuộc vào bản chất sự kiện. Cung các điểm hấp dẫn loại B phụ thuộc rất lớn vào vị trí. Ở một điểm đến du lịch nổi tiếng sẽ có cầu tiềm năng của khách "vãng lai" và nền kinh tế tập trung cho du lịch, điều đó không chỉ có thể làm tăng cung các điểm hấp dẫn nhỏ được xây dựng có mục đích mà còn củng cố tiềm năng thương mại của các điểm hấp dẫn lớn. Đôi
khi, các điểm hấp dẫn loại B sẽ thành công khi được xây dựng ở điểm tạm dừng hoặc một nơi nghỉ chân dọc theo tuyến du lịch. Điều này không quan trọng lắm đối với các quốc gia châu Âu vì ở đó các tuyến hành trình có khoảng cách tương đối ngắn. Ngược lại, ở Canada hoặc Úc các tuyến hành trình là những khoảng cách dài và không mấy thích thú nên bất kỳ điểm hấp dẫn nào được xây dựng ở các quốc gia này thì hầu hết đều là các sản phẩm du lịch thành công.
Cung các điểm hấp dẫn loại C nảy sinh trong hai giai đoạn: Cung tiềm năng và cung thực tế (Hình 2.3).
Hình 2.3. Các giai đoạn của cung các điểm hấp dẫn loại C
Thứ nhất, có một tập hợp các điểm hấp dẫn được xác định tương đối ở bất kỳ một điểm đến du lịch nào. Tập hợp này có thể không cố định hoàn toàn vì kiểu mốt về cầu du lịch có thể thay đổi, có những nơi trước kia được đánh giá là không có giá trị thăm viếng (như một đô thị cổ chẳng hạn) thì nay lại có thể trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo một mô hình cầu thì tập hợp cung tiềm năng này hiển nhiên là không co giãn.
Thứ hai, không phải tất cả các điểm hấp dẫn tiềm năng đều trở thành các hấp dẫn thực tế. Những người chủ sở hữu hoặc quản lý các điểm hấp dẫn đó phải:
- Sẵn sàng cung cấp cho khách du lịch sử dụng;
- Chuẩn bị một hệ thống quản lý việc sử dụng (có thể chỉ đơn giản về cách tiếp cận hoặc cung cấp thông tin).
Sau khi đảm bảo các điều kiện trên thì các điểm hấp dẫn đó sẽ trở thành cung thực tế và là một tập hợp nhỏ hơn của cung tiềm năng. Ví dụ, một khu rừng nguyên sinh hoặc một vùng núi hoang dã thuộc sở hữu nhà nước có thể là một điểm hấp dẫn tiềm năng, nhưng chỉ trở thành cung thực tế nếu nhà nước cho phép được đến tham quan và làm đường vào khu vực đó.
Cung thực tế là số lượng các điểm hấp dẫn sẵn có tối đa trong một thời kỳ nhất định và mức độ cung mong muốn được xác định thông qua các phương pháp quản lý du khách. Các phương pháp quản lý này có thể bao gồm kiểm soát ở cửa vào như ở Kim tự tháp Giza của Ai Cập, kiểm soát hệ thống các thang máy như ở tháp London, kiểm soát thẻ từ dành cho những người chơi golf, hoặc kiểm soát giờ mở cửa. Đây là các phương pháp hạn chế cung và có xu hướng phối hợp với kiểm soát cầu vượt mức (dư cầu), đặc biệt ở thời kỳ cao điểm.
Loại chi phí chủ yếu đối với hầu hết nhà quản lý các điểm hấp dẫn tự nhiên và lịch sử là chi phí lao động. Yếu tố đầu vào lao động có thể bao gồm các dịch vụ trực tiếp cung cấp cho du khách (như thuyết minh, hướng dẫn), bảo dưỡng, vệ sinh điểm hấp dẫn và bảo vệ. Nhóm thứ nhất thuộc loại chi phí biến đổi nên tại nhiều điểm hấp dẫn ở các quốc gia có tiền công cao, để giảm chi phí này người ta đã thay thế các dịch vụ hoặc các khu vực cần nhiều lao động bằng các cửa quay tự động, thuyết minh, hướng dẫn bằng ghi âm sẵn và các hệ thống thông tin nghe nhìn khác. Tiết kiệm chi phí, đặc biệt chi phí lao động cũng có tầm quan trọng đối với các điểm hấp dẫn định hướng người sử dụng (như công viên Disney châu Âu).
b. Cung dịch vụ du lịch tàu biển
Du lịch bằng tàu biển từ lâu đã được thừa nhận là một loại sản phẩm du lịch. Nhiều hãng du lịch tàu biển đã phát triển và tách khỏi các công ty vận tải đường biển. Khái niệm sản phẩm chuyển dần từ vận chuyển thuần tuý sang các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các điểm hấp dẫn trên một khách sạn nghỉ dưỡng di động. Khác với lĩnh vực hàng không,
đơn vị đầu ra của dịch vụ du lịch tàu biển không được tiêu chuẩn hoá mà là các sản phẩm khác nhau tuỳ theo vị trí, thời gian và kiểu tàu. Cung dịch vụ du lịch tàu biển trong thời kỳ ngắn hạn không co giãn tương đối vì phương pháp mở rộng cung duy nhất trong một khu vực thường chỉ bằng hình thức thuê bao tàu từ một tuyến đường khác mà có thể phải mất nhiều tháng để đàm phán. Những người chủ sở hữu các tàu lớn thường ít khi để dành tàu trong các điều kiện thị trường bất lợi vì họ vẫn phải chịu các chi phí cố định. Vì vậy, cũng giống như hàng không, các hãng du lịch tàu biển cố gắng đảm bảo cho tàu của họ hoạt động và cung cấp dịch vụ thường xuyên để đạt doanh thu càng nhiều càng tốt.
Hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển hiện đại ngày nay rất khác với hoạt động kinh doanh trước đây. Các "sản phẩm" du lịch tàu biển tiêu biểu có thể được so sánh như sau (Bảng 2.414):
Bảng 2.4. So sánh sản phẩm du lịch tàu biển hiện đại với trước đây
Du lịch tàu biển trước đây | |
Thời gian từ 7 - 14 đêm Khoảng cách ngắn Xuất phát từ các cảng nước ấm (thường là các vịnh) Hầu hết thời gian ban ngày ở các cảng Các tàu thuỷ lớn thiết kế theo mục đích | Thời gian dài Khoảng cách dài Xuất phát từ các cảng của khu vực nguồn khách Hầu hết thời gian ở trên biển Sử dụng những tuyến đường chở hàng |
Khi phát triển cung dịch vụ du lịch tàu biển, cần cân nhắc ba loại chi phí chủ yếu là đầu tư vốn mua các tàu thuỷ lớn, chi phí nhiên liệu và lao động. Loại thứ nhất là chi phí cố định, còn hai loại kia trở thành chi phí cố định căn cứ vào các quyết định tiếp theo đối với con tàu và với một số tiêu chuẩn chuyên môn. Có thể tiết kiệm nhiên liệu bằng cách cho
14 Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman, Melbourne.
tàu chạy chậm hơn, vận hành theo một hải trình ngắn hơn và sử dụng nhiều thời gian hơn ở các bến cảng. Trong thời kỳ dài hạn, chi phí nhiên liệu có thể giảm do sử dụng các tàu thuỷ mới có hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao hơn hoặc sử dụng các tàu cũ nhưng được nâng cấp. Các nhà kinh doanh du lịch tàu biển cũng tạo ra sự tiết kiệm chi phí lao động bằng một số cách sau:
- Thuê thủy thủ đoàn từ các quốc gia có mức lương thấp (như thuỷ thủ từ Hy Lạp hoặc Philippin);
- Thay thế lao động bằng các trang thiết bị tự động và tiết kiệm lao động bằng cách sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn trên các tàu thuỷ lớn hiện đại;
- Giảm mức độ cung cấp các dịch vụ không còn cần thiết ở trên tàu mà các dịch vụ này có thể cung cấp ở các bến cảng.
Trong những năm gần đây, các hãng du lịch tàu biển đã cố gắng đạt hiệu quả và cạnh tranh cao hơn bằng cách đặt mua các tàu thuỷ lớn, mới hơn và bảo đảm công suất sử dụng phòng trên tàu đạt ở mức cao từ 85% trở lên. Các hãng hợp nhất với nhau để tìm kiếm hiệu quả kinh tế theo quy mô trong sản xuất và marketing, phát triển các đội tàu kinh doanh trên "thị trường đại chúng", đặc biệt ở vùng biển Caribbe như các hãng du lịch tàu biển Carnival và Royal Caribbe.
c. Cung sản phẩm ăn uống
Các cơ sở kinh doanh ăn uống thường có phạm vi rộng và đa dạng về loại hình và hình thức cung ứng, từ cơ sở bình dân đến cao cấp, phục vụ tại chỗ hoặc mang đi hoặc phục vụ tại nhà.
Sản phẩm cung ứng thường được tiêu dùng ngay tại chỗ. Do đó, quá trình cung ứng là sự kết hợp và diễn ra đồng thời của sản xuất, bán và tổ chức phục vụ tiêu dùng các sản phẩm ăn uống. Nhà cung ứng đồng thời là người sản xuất, người bán và người phục vụ tiêu dùng tại chỗ.
Các loại chi phí chủ yếu là chi phí nguyên liệu và chi phí lao động. Chi phí nguyên liệu (trị giá nguyên liệu) được xác định theo công thức
chế biến và giá mua nguyên liệu trên thị trường. Bộ phận chi phí này quyết định đến số lượng và một phần chất lượng sản phẩm chế biến ra. Chi phí lao động liên quan nhiều và trực tiếp trong quá trình sản xuất và phục vụ tiêu dùng sản phẩm. Đây cũng là loại chi phí có ảnh hưởng chủ yếu đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng. Ngoài ra, khách hàng cũng là người quyết định chất lượng sản phẩm ăn uống công cộng.
Cung sản phẩm ăn uống vừa phục vụ nhu cầu của dân cư địa phương, vừa phục vụ khách du lịch nên nó chịu ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến hai nhóm khách hàng này.
Đối với cung sản phẩm ăn uống cho dân cư địa phương, các sản phẩm này đáp ứng nhu cầu cơ bản nhằm thay thế bữa ăn trong gia đình hoặc ăn uống mang tính chất giải trí nên cung về ăn uống công cộng trước hết phụ thuộc vào sự phát triển của cầu, mức độ đô thị hoá và công nghiệp hoá, sự phát triển của công nghệ chế biến các món ăn nhanh mang tính công nghiệp cao và các nhân tố khác như giá cả, chi phí sản xuất kinh doanh, sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm...
Đối với cung sản phẩm ăn uống cho khách du lịch, sự phát triển du lịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung, sự phát triển loại hình du lịch ẩm thực, hội chợ ẩm thực và các nhân tố ảnh hưởng thông thường khác.
2.3. QUAN HỆ CUNG CẦU VÀ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH
2.3.1. Quan hệ cung cầu du lịch
2.3.1.1. Thực chất của quan hệ cung cầu du lịch
Quan hệ cung cầu du lịch là mối quan hệ cơ bản của thị trường du lịch. Mối quan hệ này được thực hiện thông qua vai trò xúc tác của giá cả hàng hoá và dịch vụ du lịch, đồng thời mối quan hệ này sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường: Cung lớn hơn cầu làm giá giảm, cung nhỏ hơn cầu làm giá tăng trong trường hợp cung cầu mất cân đối; còn khi cung cầu cân đối giá cả sẽ phản ánh đúng giá trị và ở mức giá tại điểm cân bằng.