Đặc Điểm Của Quan Hệ Cung Cầu Du Lịch


Cũng như thị trường các hàng hoá và dịch vụ khác, thị trường du lịch là lĩnh vực thực hiện việc mua bán sản phẩm du lịch. Do đó, thực chất của mối quan hệ cung cầu du lịch là mối quan hệ giữa một bên là nhu cầu có khả năng thanh toán về các hàng hoá và dịch vụ du lịch của các nhóm khách hàng và một bên là khả năng thoả mãn nhu cầu (khả năng cung) của các nhà cung ứng.

Mối quan hệ cung cầu hàng hoá và dịch vụ trên thị trường thường vận động theo quy luật: Cung cầu mất cân đối - cân đối - mất cân đối - cân đối mới - lại mất cân đối...

2.3.1.2. Đặc điểm của quan hệ cung cầu du lịch

Cũng như đối với các hàng hoá hoặc dịch vụ khác trên thị trường, cung cầu du lịch có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau: Cung tác động lên khối lượng và cơ cấu của cầu, ngược lại cầu kích thích hay hạn chế sự phát triển của cung thông qua giá cả theo thời gian và không gian.

Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu và cung du lịch cũng là những nhân tố tác động đến quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, quan hệ cung cầu du lịch chịu sự tác động mạnh mẽ của tính thời vụ trong du lịch bởi vì nhu cầu và cầu du lịch có tính thời vụ rõ rệt trong khi đó sản phẩm du lịch cung ứng hầu hết là dịch vụ nên không thể có các khả năng sản xuất hàng loạt và dự trữ để khắc phục tính thời vụ này.

Quan hệ cung cầu du lịch phụ thuộc vào tính chất cố định tương đối của cung bởi vì cung du lịch thường gắn kết với các điểm hấp dẫn có cơ sở chủ yếu là các tài nguyên du lịch và điểm đến du lịch. Đồng thời, các nguồn cung hàng hoá và dịch vụ du lịch đều bị giới hạn hay có sức chứa nhất định.

Từ các đặc điểm trên, nên quan hệ cung cầu du lịch cần được xem xét trong một phạm vi thời gian và không gian nhất định. Về mặt thời gian, cần xem xét quan hệ cung cầu qua các thời điểm trong một thời kỳ


dài, ví dụ qua các tháng trong một năm để thấy được các dao động có tính quy luật (theo thời vụ) của cầu du lịch. Về mặt không gian, cần xem xét quan hệ cung cầu tại thị trường điểm đến du lịch vì tại đó các nguồn cung có tính cố định tương đối.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 188 trang tài liệu này.

2.3.1.3. Cân đối cung cầu du lịch

Mặc dù sự vận động của mối quan hệ cung cầu là một chuỗi liên tiếp các trạng thái cân đối - không cân đối xảy ra kế tiếp nhau, tuy nhiên vai trò của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cũng như vi mô là cần phải duy trì được các trạng thái cân đối một cách bền vững và phải nhanh chóng khắc phục trạng thái mất cân đối giữa cung và cầu khi xảy ra.

Từ các đặc điểm của mối quan hệ cung cầu du lịch nói trên có thể rút ra nội dung cơ bản của việc cân đối cung cầu du lịch là giảm các dao động thời vụ của cầu càng nhiều càng tốt và lựa chọn một khả năng cung phù hợp nhất với cầu đồng thời có hiệu quả sử dụng cao nhất.

Để giảm các dao động thời vụ của cầu du lịch có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Phát triển các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đặc biệt các sản phẩm trọn gói nhằm thu hút các nhóm khách hàng vào thời kỳ trái vụ.

- Tạo thêm các điểm hấp dẫn mới, các điểm đến du lịch mới nhằm san bớt cầu ở các điểm đến truyền thống trong thời kỳ chính vụ.

- Sử dụng chính sách giá phân biệt giữa hai thời vụ du lịch.

- Sử dụng chiến dịch marketing nhằm thay đổi mô hình cầu truyền thống.

- Thay đổi lại các ngày nghỉ, các kỳ nghỉ của dân cư.

Để lựa chọn mức cung phù hợp nhất với cầu và phải có hiệu quả sử dụng cao nhất, hãy xem xét 3 khả năng có thể xảy ra trong Hình 2.4 sau đây:


Hình 2 4 Lựa chọn mức cung du lịch cho một điểm đến Khả năng thứ nhất Mức 1

Hình 2.4. Lựa chọn mức cung du lịch cho một điểm đến


- Khả năng thứ nhất: Mức cung (S1) đáp ứng mức cầu cao nhất trong thời kỳ chính vụ. Điều đó có nghĩa là tại điểm đến du lịch vào bất cứ thời điểm nào, du khách cũng đều được cung cấp các tiện nghi và dịch vụ du lịch một cách đầy đủ nhất và tốt nhất. Tuy nhiên, vào thời kỳ trái vụ mức cung sẽ không được sử dụng hết vì lượng khách quá ít và như vậy ngành và các doanh nghiệp du lịch sẽ không có hiệu quả kinh tế.

- Khả năng thứ hai: Ngược lại với trường hợp trên, mức cung (S2) quá thấp chỉ đáp ứng được mức cầu ở thời kỳ trái vụ. Điều đó có nghĩa là mặc dù khả năng cung được sử dụng có hiệu quả nhất nhưng không thoả mãn nhu cầu của du khách, đặc biệt trong thời kỳ chính vụ và không thể tạo ra sự phát triển của du lịch ở đây được.

- Khả năng thứ ba: Mức cung (S3) nằm trong khoảng giữa của mức cầu chính vụ (cao nhất) và mức cầu trái vụ (thấp nhất). Trường hợp này mang tính trung hoà cho hai khả năng trên nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để yêu cầu thoả mãn cao nhất cầu và hiệu quả cung cũng cao nhất. Có thể khắc phục bằng cách kết hợp thêm với các biện pháp làm giảm các dao động thời vụ của cầu du lịch như đã giới thiệu.

Nội dung cân đối cung cầu du lịch nói trên chủ yếu được xem xét về mặt tổng số (tổng cung và tổng cầu). Ngoài ra, cũng tương tự như các


hàng hoá và dịch vụ khác, cân đối cung cầu du lịch nên được xem xét thêm về phương diện cơ cấu - cơ cấu cung các dịch vụ du lịch tại một điểm đến phải đảm bảo phù hợp với cơ cấu nhu cầu của du khách về các dịch vụ đó. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất khó khăn, vì như đã biết các yếu tố cung ở điểm đến du lịch có tính cố định, trong khi đó nhu cầu du lịch mang tính cá nhân cao và rất đa dạng. Cung du lịch phải đáp ứng các nhu cầu vừa có tính địa phương, tính quốc gia và cả tính quốc tế của du khách.

2.3.2. Thị trường du lịch

2.3.2.1. Khái niệm và phân loại

a. Khái niệm thị trường du lịch

Thị trường du lịch là một bộ phận cấu thành của thị trường hàng hoá và dịch vụ nói chung, là lĩnh vực thực hiện sự trao đổi, mua bán các hàng hoá và dịch vụ du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.

Thị trường du lịch là một quá trình trong đó người mua là khách du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch tác động qua lại nhằm xác định giá cả, số lượng hàng hoá và dịch vụ du lịch cần trao đổi trong một phạm vi thời gian và không gian xác định.

Có tác giả cho rằng thị trường du lịch là một bộ phận của thị trường chung và có mối quan hệ với các thị trường khác như thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng...15 Tuy nhiên, việc phân định ranh giới giữa các thị trường này chỉ mang ý nghĩa tương đối, đặc biệt giữa thị trường hàng tiêu dùng và thị trường du lịch bởi vì hàng hoá và dịch vụ du lịch cũng là các tư liệu tiêu dùng, có chăng sự phân biệt chỉ căn cứ vào đối tượng tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ đó là khách du lịch (những người từ nơi khác tới) mà không phải là dân cư địa phương.

Tương tự như thị trường hàng hoá và dịch vụ nói chung, thị trường du lịch bao gồm ba yếu tố cơ bản:


15 Xem thêm: Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường Du lịch, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia, trang 22.


- Chủ thể trao đổi: Khách du lịch và các nhà cung ứng du lịch;

- Đối tượng trao đổi: Hàng hoá và dịch vụ du lịch;

- Các điều kiện trao đổi: Tiền tệ, thời gian, địa điểm.

b. Phân loại thị trường du lịch

* Căn cứ vào lãnh thổ của một quốc gia

- Thị trường du lịch quốc tế: Thị trường có cung thuộc một quốc gia còn cầu thuộc một quốc gia khác.

- Thị trường du lịch nội địa: Thị trường có cung và cầu đều nằm trong biên giới lãnh thổ của một quốc gia.

* Căn cứ vào khu vực địa lý

- Thị trường du lịch quốc gia: Phần thị trường mà mỗi quốc gia nắm giữ.

- Thị trường du lịch khu vực: Thị trường du lịch quốc tế ở một khu vực nào đó bao gồm một số nước, ví dụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Bắc Mỹ, thị trường Tây Âu.

- Thị trường du lịch thế giới: Là tổng thị trường du lịch của các quốc gia trên toàn thế giới.

* Căn cứ vào đặc điểm không gian của cung và cầu

- Thị trường gửi khách: Thị trường mà tại đó xuất hiện nhu cầu và cầu du lịch - đây chính là thị trường cầu. Khách du lịch sẽ xuất phát từ đó để đi đến các điểm đến du lịch.

- Thị trường nhận khách: Thị trường mà tại đó có cung du lịch với các điều kiện sẵn sàng đón tiếp và đáp ứng nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch - đây chính là thị trường cung.

* Các căn cứ khác

- Theo thời gian: Thị trường du lịch quanh năm và thị trường du lịch thời vụ


- Theo thực trạng thị trường: Thị trường du lịch thực tế, thị trường du lịch tiềm năng

- Theo các dịch vụ du lịch: Thị trường vận chuyển, thị trường lưu trú, thị trường lữ hành, thị trường giải trí...

2.3.2.2. Đặc điểm của thị trường du lịch

Thị trường du lịch có đầy đủ các đặc điểm của một thị trường hàng hoá và dịch vụ nói chung. Tuy nhiên, do đặc thù của du lịch làm cho thị trường du lịch có những nét riêng biệt. Các đặc điểm của cung và cầu du lịch tạo ra các đặc trưng của thị trường du lịch.

Thị trường du lịch xuất hiện muộn hơn so với thị trường hàng hoá nói chung. Nó chỉ được hình thành khi nhu cầu du lịch phát triển và phổ biến trong xã hội.

Thị trường du lịch được hình thành ở cả nơi du khách xuất phát và nơi đến du lịch. Tại nơi xuất phát (còn gọi là khu vực nguồn khách), khách du lịch thường đăng ký mua trước các sản phẩm du lịch nên đây còn được gọi là thị trường nguồn khách hay thị trường cầu. Tại điểm đến du lịch, du khách tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ du lịch do các nhà cung ứng cung cấp nên được gọi là thị trường điểm đến hay thị trường cung. Hai thị trường này có sự cách biệt về mặt không gian và thời gian nhưng lại gắn bó chặt chẽ với nhau, quyết định và chi phối lẫn nhau.

Cung cầu trên thị trường có sự tách biệt cả về không gian lẫn thời gian, trong đó cầu phải đến với cung tức là khách du lịch phải đến nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại các nơi đến, điểm đến du lịch để thoả mãn nhu cầu. Quan hệ mua bán có thể diễn ra trước hoặc sau khi quá trình tiêu dùng sản phẩm dịch vụ du lịch kết thúc. Quan hệ mua bán thường thông qua kênh gián tiếp - có sự tham gia của các nhà môi giới làm trung gian ghép nối giữa cung và cầu.

Chủ thể tham gia trao đổi trên thị trường du lịch rất đa dạng, về phía người bán có sự tham gia của nhiều ngành nghề khác nhau không


chỉ có ngành du lịch, về phía người mua có cả cư dân từ nơi khác tới (khách du lịch) và có cả cư dân tại địa phương.

Đối tượng trao đổi của thị trường du lịch chủ yếu là dịch vụ. Do đó, người bán không có hàng mẫu để chào hàng, người mua không thể biết trước được sản phẩm định mua.

Quan hệ thị trường giữa người mua và người bán kéo dài hơn so với các hàng hoá thông thường, quan hệ này bắt đầu từ khi khách quyết định mua sản phẩm, tiêu dùng sản phẩm đến khi khách trở về nơi thường trú của họ.

Thị trường du lịch mang tính thời vụ rõ rệt, cả cung và cầu chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm.

2.3.2.3. Xu hướng phát triển thị trường du lịch

Du lịch trở thành hiện tượng xã hội phổ biến từ cuối thế kỷ XIX phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX và còn tiếp tục phát triển trong các thế kỷ tiếp theo. Do đó, xu thế phát triển thị trường trong thế kỷ tới sẽ là:

- Xu thế mở rộng quy mô thị trường: Nhu cầu du lịch dần dần trở thành nhu cầu thiết yếu trong các xã hội hiện đại làm cho số người đi du lịch ngày càng tăng nhanh làm tăng tổng cầu du lịch của một quốc gia cũng như toàn thế giới. Thị trường du lịch quốc gia trở thành một bộ phận của thị trường du lịch khu vực, thị trường du lịch thế giới và hướng tới một thị trường du lịch toàn cầu.

- Xu thế thay đổi cơ cấu thị trường: Sự thay đổi cơ cấu thị trường có thể xem xét trên nhiều phương diện như thay đổi theo khu vực địa lý với tỷ trọng thị trường các khu vực châu Á và châu Phi ngày càng tăng lên, thay đổi nhu cầu sản phẩm du lịch thông qua sự thay đổi các thể loại du lịch như du lịch giải trí giảm xuống, còn du lịch văn hoá, thám hiểm, khám phá tăng lên. Hay như các nhà khoa học Trung Quốc dự báo16 trong thế kỷ tới du lịch sẽ phát triển theo hướng "sâu và xa".


16 Tập thể tác giả Trung Quốc (1998), Dự báo thế kỷ 21 (Sách dịch), Hà Nội: NXB Thống kê, trang 746-765.


- Xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá thị trường du lịch làm cho hoạt động marketing hiệu quả hơn, mở rộng hơn, đồng thời mở rộng quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch cho khách hàng. Với sự xuất hiện của các thị trường du lịch ảo, du lịch thông minh, mọi quá trình tương tác giữa người mua và người bán đều được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, công nghệ số cho phép người mua tiếp cận nhanh chóng với nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

- Xu thế cạnh tranh trên thị trường: Với sự xuất hiện của nhiều nhà cung ứng làm cho sự cạnh tranh trên thị trường du lịch càng thêm phần gay gắt. Sự cạnh tranh này không chỉ tồn tại trong phạm vi một quốc gia mà mở rộng ra phạm vi khu vực và toàn thế giới.

- Xu thế hợp tác, liên kết trên thị trường: Do đặc điểm nhu cầu du lịch là loại nhu cầu tổng hợp đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà cung ứng, các nhà cung ứng phải liên kết lại với nhau để tạo ra các sản phẩm du lịch trọn gói hoặc thực hiện các công đoạn kế tiếp nhau trong quá trình phục vụ khách du lịch (liên kết dọc). Mặt khác, để khắc phục tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhiều nhà cung ứng liên kết lại với nhau thành các tập đoàn, các tổ hợp đa quốc gia và xuyên quốc gia (liên kết ngang).


CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN

1. Phân tích khái niệm và bản chất của cầu du lịch?

2. Phân tích các đặc điểm của cầu du lịch?

3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch của một cá nhân và của xã hội (tổng cầu)?

4. Phân tích đặc điểm của cầu về dịch vụ lưu trú, sản phẩm ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác?

5. Tại sao các cơ quan quản lý ngành và các doanh nghiệp du lịch cần phải dự báo cầu du lịch?

6. Phân tích ưu nhược điểm và phạm vi áp dụng của từng phương pháp dự báo cầu du lịch?

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2024