Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2



Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, tạo điều kiện để NHTM có thể tiếp cận các cơ chế quản trị hoạt động của các ngân hàng hiện đại. Hệ thống NHTM Việt Nam sẽ hoạt động đạt hiệu quả cao, an toàn hơn. Sự quan tâm và gia tăng giám sát của nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động các NHTM, buộc các nhà quản lý ngân hàng phải tính toán đến hiệu quả và sự lành mạnh của các quan hệ tài chính. Theo Minh Đức (2018), giai đoạn 2012 - 2016, nhiều ngân hàng nợ xấu nổi lên và gia tăng mạnh, trích lập dự phòng khá cao, lợi nhuận các ngân hàng giảm sút, thậm chí thua lỗ [6]. Theo Nguyễn Trí Hiếu (2017), các ngân hàng còn chần chừ trong việc lên sàn giao dịch chứng khoán chính thức, lý do niêm yết cổ phiếu trên sàn thường hay đi kèm với hàng loạt điều kiện liên quan đến sức khỏe tài chính, công bố thông tin… Một trong những yêu cầu bắt buộc khi lên sàn là phải minh bạch thông tin, điều này có thể khiến những “bí mật” như nợ xấu, các mối quan hệ đan xen buộc công bố, làm các ngân hàng ngần ngại [5]. Do vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, hệ thống NHTM Việt Nam đang đứng trước vận hội và đi kèm với những thách thức lớn.

Các NHTM Việt Nam nếu không nhanh chóng đổi mới thì sẽ không thể bắt kịp và cạnh tranh với các NHTM nước ngoài với rất nhiều thế mạnh, đặc biệt là trong ứng dụng các cơ chế quản trị và hệ thống KSNB. Rủi ro các NHTM sẽ phát sinh do quản lý và kiểm soát không theo kịp sự phát triển của ngân hàng, trình độ năng lực quản lý không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng về quy mô và sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động ngân hàng. Do vậy, các NHTM Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn về tốc độ tăng trưởng về quy mô, nếu các cơ chế quản lý và kiểm soát của mỗi NHTM không theo kịp được sự phát triển trong hoạt động ngân hàng thì nguy cơ rủi ro và tổn thất rất cao, dẫn đến kém hiệu quả trong hoạt động của các NHTM Việt Nam.

Quy mô và hiệu quả hoạt động NHTM ổn định và tăng lên, nhưng bên cạnh đó nhiều rủi ro đã xảy ra và đang cần giải quyết như quản lý yếu kém, nợ xấu, mất khả năng thu hồi vốn vay, khả năng phá sản NHTM. Vì vậy, việc đảm bảo tính ổn định trong hoạt động và phát triển bền vững trở thành mục tiêu quan trọng trong quản lý và điều hành của các NHTM. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược và



cấp thiết là việc thiết lập, tổ chức, nâng cấp hệ thống KSNB của mỗi NHTM [110]. Hệ thống KSNB trở thành cơ chế tự phòng chống rủi ro quan trọng và mang lại hiệu quả trong hoạt động của NHTM, giúp cho các NHTM đạt được mục tiêu đề ra.

Thực tế, hoạt động hệ thống KSNB tại các NHTM Việt Nam mới được đề cập về mặt lý luận và áp dụng vào thực tiễn trong thời gian gần đây, quá trình áp dụng còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm cả về lý thuyết và thực tiễn. Do vậy, một tồn tại thực tế tại hầu hết các NHTM Việt Nam là hệ thống KSNB chưa được đặt đúng vị trí, hệ thống KSNB được hiểu và thực hiện khác nhau ở mỗi NHTM. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống KSNB của tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, ngày 18 tháng 05 năm 2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2011. Đây là tín hiệu đầu tiên báo hiệu sự khởi sắc của quá trình “luật hóa” hệ thống KSNB tại Việt Nam; nói khác hơn, NHNN đã nâng hệ thống KSNB lên đúng tầm và vai trò của yêu cầu quản trị ngân hàng [15].

Về quy định, việc ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và thực hiện hệ thống KSNB là điều cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai và đánh giá mức độ phù hợp của hệ thống KSNB còn gặp nhiều khó khăn. Thông tư số 44/2011/TT-NHNN, đưa ra 9 yêu cầu và nguyên tắc của hệ thống KSNB mang tính cơ bản và cần tuân thủ. Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, ngày 18 tháng 05 năm 2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2011, quy định về hệ thống KSNB của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: yêu cầu đối với hệ thống KSNB; lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống KSNB; báo cáo NHNN về hệ thống KSNB [17] [18]. Tuy nhiên, để triển khai hệ thống KSNB hiệu quả, các NHTM cần phải xác định cụ thể hơn các thành phần của hệ thống KSNB, hiểu rõ hơn về khuôn khổ hệ thống KSNB. Hơn nữa, hệ thống KSNB là một hệ thống được tích hợp vào trong hoạt động NHTM, do đó hiệu quả của hệ thống KSNB cần được xem xét và cần có những cách thức tổ chức, phương pháp và công cụ KSNB phù hợp [15].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.



Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2

Chính vì thế, cần phải có nghiên cứu về hệ thống KSNB tại các NHTM để giải quyết vấn đề về lý luận và thực tiễn của hệ thống KSNB nhằm góp phần đảm bảo an toàn hoạt động, nâng cao hiệu quả, tuân thủ pháp luật liên quan trong hệ thống NHTM Việt Nam. Một trong những cơ chế quản trị trong nội bộ quan trọng đó là hệ thống KSNB; do vậy, NHTM cần thiết lập được hệ thống KSNB hữu hiệu và hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu hoạt động, tuân thủ pháp luật và trình bày báo cáo trung thực; đây cũng chính là các mục tiêu của thiết kế hệ thống KSNB cần hướng tới [98].

Từ thực tiễn nêu trên, vấn đề nghiên cứu về hệ thống KSNB các NHTM tại Việt Nam thật sự cần thiết nhằm giúp nhà quản trị ngân hàng hướng đến một hệ thống KSNB hữu hiệu và hiệu quả. Nghiên cứu về hệ thống KSNB sẽ giúp nâng cao sự phù hợp của hệ thống KSNB trong NHTM nhằm tăng hiệu quả quản trị, đồng thời tuân thủ yêu cầu về hệ thống KSNB của NHNN và các yêu cầu quốc tế; giúp các NHTM Việt Nam đạt được các mục tiêu trong hoạt động, mang lại hiệu quả cao, tuân thủ các quy định pháp luật và trình bày BCTC trung thực [15]. Ý thức được tầm quan trọng của việc thiết lập và điều hành hệ thống KSNB trong các NHTM tại Việt nam, tác giả quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các Ngân hàng thương mại Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ.

2. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu chung

Nghiên cứu “Hoàn thiện kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam” có mục tiêu tổng quát nhằm đánh giá và phân tích thực trạng hệ thống KSNB trong các NHTM, đồng thời đề xuất những khuyến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Từ mục tiêu nghiên cứu tổng quát nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam, các mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể gồm:

(1) Đánh giá thực trạng hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.

(2) Phân tích những thành phần hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.

(3) Đề xuất những khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.


3. Câu hỏi nghiên cứu

Nghiên cứu đưa ra 4 câu hỏi nghiên cứu chính như sau:

Câu hỏi (1): Thực trạng hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam như thế nào ?.

Câu hỏi (2): Vai trò các thành phần của hệ thống KSNB đối với các mục tiêu kiểm soát trong các NHTM Việt Nam như thế nào ?.

Câu hỏi (3): Những thành phần nào của hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam cần hoàn thiện ?.

Câu hỏi (4): Những khuyến nghị nào để hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam ?.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác kiểm soát nội bộ tại các NHTM Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu là hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Phạm vi về mặt không gian, nghiên cứu của luận án chỉ tập trung vào nhóm các NHTM trong nước, bao gồm NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần. Phạm vi về mặt thời gian, nghiên cứu khảo sát tại các NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần trong năm 2016.

5. Phương pháp nghiên cứu khoa học

5.1. Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu dựa vào lý thuyết đại diện, là cơ sở lý thuyết nền tảng cần thiết cho nghiên cứu về hệ thống KSNB trong lĩnh vực NHTM tại Việt Nam; lý thuyết ngữ cảnh, là cơ sở lý thuyết nghiên cứu về hệ thống KSNB tại các NHTM khác nhau, qua nhiều giai đoạn khác nhau, ở nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam.; dựa vào khái niệm hệ thống KSNB, các thành phần của hệ thống KSNB, các mục tiêu kiểm soát theo khuôn khổ COSO và Basel để đánh giá hệ thống KSNB trong các NHTM; phân tích những thành phần của hệ thống KSNB cần hoàn thiện, từ đó đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam.


5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm: nghiên cứu lịch sử dựa trên tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm và ý kiến chuyên gia nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu; phương pháp chuyên gia, phương pháp phỏng vấn nhóm chuyên đề nhằm mục tiêu khám phá các thành phần của hệ thống KSNB, các mục tiêu kiểm soát, các biến quan sát đo lường thành phần của hệ thống KSNB và mục tiêu kiểm soát; phương pháp điều tra phỏng vấn bằng bảng câu hỏi để thu thập dữ liệu nghiên cứu; phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê mô tả, phương pháp đối chiếu để đánh giá thực trạng hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam; phương pháp chuyên gia nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB.

Phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm: phân tích hệ số Cronbach Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA); phương pháp kiểm định T-test và phân tích ANOVA nhằm kiểm định sự khác biệt về hệ thống KSNB giữa các nhóm NHTM; phân tích nhân tố khẳng định (CFA); phương pháp mô hình hóa cấu trúc tuyến tính (SEM) nhằm phân tích những thành phần của hệ thống KSNB để tìm ra những thành phần của hệ thống KSNB cần hoàn thiện.

6. Ý nghĩa khoa học và những đóng góp của luận án

- Về mặt lý luận, luận án có những đóng góp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu được thực hiện đã góp phần vào việc hệ thống hoá cơ sở lý thuyết và phát triển những lý luận về hệ thống KSNB công ty nói chung và hệ thống KSNB ngân hàng nói riêng. Thông qua việc tổng hợp và phát triển các cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu về hệ thống KSNB góp phần bổ sung các kiến thức nhằm làm rõ khái niệm, nội dung, bản chất, thành phần của hệ thống KSNB; một trong lĩnh vực nghiên cứu còn mới ở Việt Nam.

Thứ hai, nghiên cứu đã nhận diện được các thành phần hệ thống KSNB và các mục tiêu kiểm soát trong các NHTM dựa trên các thành phần và các nguyên tắc của hệ thống KSNB theo khuôn khổ COSO và Basel.



Thứ ba, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thống kê mô tả, kiểm định T-test và phân tích ANOVA, mô hình cấu trúc tuyến tính SEM, đánh giá và phân tích thực trạng hệ thống KSNB; sử dụng phương pháp chuyên gia xác định các thành phần của hệ thống KSNB cần hoàn thiện trong các NHTM.

- Về mặt thực tiễn, luận án có những đóng góp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đã đánh giá các thành phần và các mục tiêu kiểm soát của hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam, phân tích sự khác biệt của hệ thống KSNB trong các nhóm NHTM theo sở hữu và theo vùng miền.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu phân tích được 5 thành phần của hệ thống KSNB cần hoàn thiện; hơn thế nữa, nghiên cứu nhận diện và kiểm chứng được vai trò của thành phần Môi trường kiểm soát đối với thành phần Đánh giá rủi ro, thành phần Hoạt động kiểm soát, thành phần Thông tin và trao đổi thông tin; làm cơ sở đề xuất khuyến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB.

Thứ ba, ý nghĩa thiết thực của nghiên cứu thể hiện ở chỗ đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam, có thể giúp ích cho các nhà quản lý ngân hàng nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB tại các NHTM. Đây là tài liệu tham khảo có giá trị để điều chỉnh, bổ sung thiết kế hệ thống KSNB các NHTM nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về hệ thống KSNB tại các NHTM Việt Nam hiện nay.

Thứ tư, nghiên cứu đã xây dựng được bảng câu hỏi khảo sát về hệ thống KSNB các NHTM, đây là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, làm cơ sở để thiết kế bảng hỏi đánh giá hệ thống KSNB các NHTM, cũng như lưu trữ hồ sơ tài liệu về hệ thống KSNB và báo cáo NHNN về hệ thống KSNB, đáp ứng yêu cầu về đánh giá KSNB trong các NHTM Việt Nam.

7. Cấu trúc luận án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án được trình bày thành 4 chương, với nội dung chính như sau:

Phần mở đầu

Giới thiệu khái quát về luận án gồm tính cấp thiết, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu,



ý nghĩa khoa học và những đóng góp của luận án, cấu trúc luận án.

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ

Chương này sử dụng lý thuyết đại diện và lý thuyết ngữ cảnh để giải thích khuôn khổ KSNB theo báo cáo COSO và Basel. Tổng hợp khái niệm về hệ thống KSNB, xác định các nguyên tắc của hệ thống KSNB theo khuôn khổ COSO và Basel. Đồng thời, chương này thực hiện tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến luận án nhằm xác định những khoảng trống nghiên cứu. Chương này kế thừa và phát triển những nghiên cứu trước đây để thực hiện luận án nghiên cứu về hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam.

Chương 2: Khái quát ngân hàng thương mại Việt Nam và thiết kế nghiên cứu

Chương này khái quát và phân loại hệ thống NHTM Việt Nam, phân tích các hoạt động của NHTM. Đồng thời, chương này xây dựng các giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống KSNB đến các mục tiêu kiểm soát trong hoạt động các NHTM Việt Nam. Đồng thời, thiết kế thang đo lường 5 thành phần của hệ thống KSNB và 3 mục tiêu kiểm soát trong mô hình nghiên cứu lý thuyết, thảo luận về thang đo các biến nghiên cứu, xây dựng bảng câu hỏi điều tra, xác định khung nghiên cứu và quy trình nghiên cứu để thực hiện luận án. Chương này là cơ sở cho việc đánh giá thực trạng, phân tích các thành phần của hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam, làm nền tảng đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam.

Chương 3: Thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam

Chương này thực hiện đánh giá các thành phần của hệ thống KSNB và các mục tiêu kiểm soát trong hoạt động các NHTM, phân tích sự khác biệt về hệ thống KSNB các NHTM theo sở hữu ngân hàng và theo vùng miền làm cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam. Phân tích các thành phần của hệ thống KSNB, trong đó có nhấn mạnh đến vai trò của môi trường kiểm soát trong các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.



Chương 4: Khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam

Chương này dựa trên những đánh giá và phân tích thực trạng của hệ thống KSNB để xác định cả 5 thành phần của hệ thống KSNB cần được hoàn thiện và trong đó nhấn mạnh vai trò của thành phần Môi trường kiểm soát; đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam theo khuôn khổ COSO 2013 và khuôn khổ Basel 1998; cũng như những khuyến nghị về chính sách pháp luật đối với hệ thống KSNB trong các NHTM Việt Nam.


CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ

Giới thiệu

Chương này sử dụng lý thuyết đại diện và lý thuyết ngữ cảnh nghiên cứu về hệ thống KSNB; dựa trên các nghiên cứu trước, sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử để tổng hợp khái niệm về hệ thống KSNB và xác định các nguyên tắc của hệ thống KSNB theo khuôn khổ COSO và Basel; đồng thời, tổng quan tình hình nghiên cứu nước ngoài và trong nước, từ đó rút ra những khoảng trống nghiên cứu làm nền tảng thực hiện luận án nghiên cứu về hệ thống KSNB các NHTM Việt Nam.

1.1. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu về hệ thống KSNB

1.1.1. Cơ sở lý thuyết đại diện

Theo các báo cáo của Coase, R.H. (1937) và Berle, A.A. & Means, G.C. (1967), lý thuyết đại diện đã trở thành một khuôn khổ quan trọng để giúp nhà nghiên cứu tìm hiểu bản chất của sự bất đồng giữa chủ sở hữu và quản lý công ty, cũng như tìm ra hướng giải quyết hợp lý về sự bất đồng [54] [60]. Trong những năm 1960 và đầu thập niên 1970, các nhà kinh tế Arrow, K., (1971); Wilson, R., (1968) khảo sát việc chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa các cá nhân hoặc nhóm. Tài liệu khảo sát này mô tả các vấn đề về chia sẻ rủi ro phát sinh khi các bên hợp tác có thái độ khác nhau đối với rủi ro và lợi nhuận [43] [135]. Lý thuyết đại diện được mở rộng trong tài liệu chia sẻ rủi ro này là vấn đề đại diện xảy ra khi các bên hợp tác có mục tiêu và phân công lao động khác nhau [87] [115]. Cụ thể, lý thuyết đại diện hướng vào các mối quan hệ đại diện; trong đó một bên (người chủ), chỉ định người khác và người quản lý công ty (người đại diện), người thực hiện quản lý công ty.

Lý thuyết đại diện giải thích mối quan hệ giữa người chủ và các đại diện trong kinh doanh (nhà quản lý công ty). Lý thuyết đại diện liên quan đến việc giải quyết các vấn đề có thể tồn tại trong mối quan hệ đại diện; đó là, giữa người chủ (cổ đông) và các đại diện của người chủ (nhà điều hành công ty). Lý thuyết đại diện hướng tới giải quyết hai vấn đề, (1) vấn đề nảy sinh khi nhu cầu hoặc mục tiêu của người chủ và đại diện bị xung đột, (2) vấn đề phát sinh khi người chủ và đại điện có thái độ khác nhau đối với lợi ích và rủi ro [66].



Lý thuyết đại diện cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này (cổ đông và người quản lý công ty) đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng người quản lý công ty sẽ không hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ, tức các cổ đông. Mối quan hệ đại diện còn thể hiện trong mối quan hệ giữa nhà quản lý cấp cao với nhà quản lý các cấp thấp hơn trong hệ thống phân quyền, giữa nhà quản lý với người trực tiếp sử dụng các nguồn lực của tổ chức [66].

Lý thuyết đại diện cho rằng xung đột sẽ phát sinh khi có thông tin không đầy đủ và bất cân xứng giữa người chủ và người đại diện trong công ty. Cả hai bên có lợi ích khác nhau, vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổ đông và người quản lý công ty; thông qua thiết lập những cơ chế thích hợp cho các nhà quản trị và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty [66].

Jensen, M.C. & Meckling, W. (1976), Fama (1980), Fama E.F. & Jensen,

M.C. (1983a, 1983b), Jensen, M.C. & Ruback, R.S. (1983) định nghĩa một mối quan hệ đại diện là “một hợp đồng theo đó một hay nhiều người chủ thuê người khác (đại diện) để thực hiện một số hoạt động thay mặt người chủ thông qua một số ủy quyền quyết định cho đại diện”. Một công ty bao gồm những mối liên hệ hợp đồng giữa các chủ sở hữu nguồn lực kinh tế (người chủ, cổ đông) và nhà quản lý (các đại diện) sử dụng và kiểm soát những nguồn lực. Các nhà nghiên cứu dựa trên lập luận rằng “Kể từ khi mối quan hệ giữa cổ đông và người quản lý công ty phù hợp với định nghĩa của mối quan hệ đại diện thuần túy, các vấn đề liên quan đến việc tách quyền sở hữu và kiểm soát công ty gắn liền mật thiết với các vấn đề chung của đại diện” [67] [68] [87] [88].

Lý thuyết đại diện thừa nhận rằng các đại diện có nhiều thông tin hơn so với người chủ và bất đối xứng thông tin này ảnh hưởng xấu đến khả năng của người chủ để theo dõi lợi ích của mình có được phục vụ đúng bởi các đại diện [87], để tối đa hóa lợi ích của mình, các đại diện có thể hành động chống lại lợi ích người chủ. Từ khi người chủ không có quyền truy cập các thông tin có sẵn tại thời điểm các quyết định được thực hiện bởi đại diện, người chủ không thể xác định hành động của đại diện có vì lợi ích tốt nhất cho công ty hay không [108] [117].



Theo Eisenhardt, K. (1989) lý thuyết đại diện tập trung vào giải quyết hai vấn đề xảy ra trong mối quan hệ đại diện: vấn đề đại diện và các vấn đề chia sẻ lợi ích và rủi ro. Vấn đề đại diện xảy ra khi lợi ích của người chủ và đại diện bị xung đột, vấn đề này sẽ dẫn đến khó khăn hoặc tốn kém cho người chủ để giám sát hành động của các đại diện. Mặt khác,vấn đề của việc chia sẻ lợi ích và rủi ro xảy ra khi người chủ và đại diện có những thái độ khác nhau đối với lợi ích và rủi ro [66].

Trong một công ty, có thể các chủ sở hữu không phải là những nhà quản lý. Cổ đông thành lập một hội đồng quản trị làm nhiệm vụ thuê người quản lý để điều hành công ty. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát dẫn đến sự phân hóa trong lợi ích giữa nhà quản lý và chủ sở hữu, được gọi là vấn đề đại diện trong các công ty [66].

Dựa trên lý thuyết đại diện giới thiệu bởi Jensen, M.C. & Meckling, W. (1976), cho thấy rằng việc tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát sẽ dẫn đến xung đột lợi ích; thường xảy ra ở hầu hết các hoạt động trong hệ thống phân quyền giữa người chủ và người đại diện [87].

Các mâu thuẫn đại diện có thể được giảm bớt bằng những cơ chế quản trị. Do đó, quản trị công ty là cần thiết để giúp các công ty đồng bộ hóa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các thành viên trong công ty [79]. Quản trị công ty là một hệ thống luật lệ, quy tắc, chính sách; nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát hoạt động của công ty [76]. Quản trị công ty bao hàm mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ công ty, ban giám đốc điều hành, hội đồng quản trị mà còn những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty: cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác kinh doanh, và cả môi trường, cộng đồng và xã hội. Do vậy, cơ chế quản trị công ty có thể được chia thành các cơ chế quản trị nội bộ và cơ chế quản trị bên ngoài [76] [113]. Các cơ chế quản trị nội bộ có nguồn gốc từ các thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc điều hành, hệ thống kế toán quản trị, hệ thống KSNB và các chức năng kiểm toán nội bộ. Trong khi các cơ chế quản trị bên ngoài có nguồn gốc từ thị trường vốn, thị trường kiểm toán, thị trường lao động, tình trạng kinh tế, tình trạng nhà nước, chủ sở hữu chứng khoán và các hoạt động đầu tư.



Chất lượng của các cơ chế quản trị nội bộ liên quan chặt chẽ đến hiệu quả hoạt động tốt hơn của công ty [41]. Trong các cơ chế quản trị nội bộ nêu trên, cơ chế quản trị thông qua hệ thống KSNB được sử dụng trong nghiên cứu của tác giả. Do vậy, cơ chế quản trị thông qua hệ thống KSNB có liên quan đến hiệu quả hoạt động của công ty. Lý thuyết đại diện giải thích vì sao phải áp dụng hệ thống KSNB trong công ty, hệ thống KSNB cần cung cấp những thông tin gì để đảm bảo lợi ích cho các người chủ sở hữu. Như vậy, một trong những vấn đề mà lý thuyết đại diện đặt ra đó là thiết lập hệ thống KSNB nhằm đảm bảo lợi ích của các cổ đông, những người chủ sở hữu của công ty.

Hệ thống KSNB có thể được thiết lập theo nhiều cách thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu chung của công ty. Sự khác nhau trong hệ thống KSNB xuất phát từ hai quan điểm đối lập. Quan điểm thứ nhất, theo Berle, A.A. và Means, G.C. (1967) cho rằng, hệ thống KSNB được thiết lập để hỗ trợ sự kiểm soát của đội ngũ quản lý, tạo ra kết quả hoạt động kinh doanh vượt trội dựa trên sự hiểu biết tường tận tình hình công ty của ban giám đốc điều hành hơn là của các thành viên Hội đồng quản trị độc lập bên ngoài [54]. Quan điểm thứ hai, theo Fama, E.F. (1980) và Jensen, M.C. (1983b) cho rằng, hệ thống KSNB được thiết lập để tối thiểu hóa các “chi phí đại diện” thông qua các cấu trúc cho phép thành viên Hội đồng quản trị bên ngoài phê chuẩn và giám sát các hành vi của đội ngũ quản lý, vì vậy cũng giảm thiểu được sự khác nhau về mặt lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý [67] [69].

Kết luận, lý thuyết đại diện cho rằng trong các công ty tồn tại vấn đề đại diện đó là: “tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát sẽ dẫn đến xung đột lợi ích và chia sẻ rủi ro”. Quản trị công ty giúp hài hòa lợi ích các thành viên trong công ty và giúp cho hoạt động của công ty hiệu quả hơn. Cơ chế quản trị công ty có thể được chia thành các cơ chế quản trị nội bộ và quản trị bên ngoài. Hệ thống KSNB là một trong những cơ chế quản trị nội bộ công ty nhằm giúp hài hòa lợi ích, chia sẽ rủi ro giữa nhà quản lý và chủ công ty; phục vụ quản lý và giúp công ty đạt hiệu quả cao. Hệ thống KSNB là một công cụ trong quản lý, phục vụ tốt nhất cho lợi ích công ty, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý các rủi ro [70] [74] [98] [100] [105]. Nghiên cứu hệ thống KSNB dựa trên lý thuyết đại diện giải thích cho sự cần thiết tồn tại hệ thống KSNB

Xem tất cả 172 trang.

Ngày đăng: 23/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí