Khái Niệm Sinh Kế Và Hỗ Trợ Sinh Kế

Trong nghiên cứu về sự thích ứng sinh kế của lao động Khmer nhập cư ở ven đô thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Thu Trang và cộng sự đã cho biết lý do chính mà lao động Khmer được thuê mướn là cho họ chịu thương, chịu khó đảm đương các công việc khác nhau cho dù là những công việc nặng nhọc [56]. Trong nghiên cứu của mình về việc làm của lao động Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh, Trương Hoàng Trương (2016) cũng chỉ ra một thực trạng là lao động Khmer có tâm lý dễ thay đổi, không duy trì công việc lâu dài và bản thân họ cũng không có nhiều dự định trong tương lai [67].

Riêng đối với lao động nữ Khmer trong công việc giúp việc nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra lý do mà nữ lao động Khmer được thuê để giúp việc nhà là chịu khó, thật thà nhưng cũng có hạn chế là không nhanh nhẹn như những người giúp việc đến từ các tỉnh phía Bắc và ngôn ngữ rất khó nghe [16].

Ở Bình Dương, nghiên cứu của Nguyễn Văn Chiều cũng có những kết quả khá tương đồng khi cho thấy lao động Khmer thường làm các công việc phổ thông dựa vào sức khỏe và khả năng chịu đựng môi trường làm việc khắc nghiệt [6]. Trong khi đó, Lê Anh Vũ (2017) còn chỉ ra tâm thế “an phận” ở nơi làm việc vì ý thức được những hạn chế về ngôn ngữ và trình độ của mình. Tuy nhiên, ở không gian sống là ở những khu trọ có đông đồng hương, thân tộc thì lao động Khmer trở nên linh hoạt và cởi mở hơn. [83].

Tóm lại, về mặt tâm lý, lao động Khmer nhập cư có những điểm rất tích cực như chịu khó lao động, trung thực, thật thà, sống hiền hòa nhưng cũng có những điểm hạn chế như có tính tự ty, mặc cảm, không thích cạnh tranh nên có khi không kiên định về lập trường tư tưởng dễ dẫn đến thay đổi việc làm và công việc không ổn định. Từ những đặc điểm này cho thấy rất cần có các hoạt động hỗ trợ tâm lý đối với lao động Khmer nhập cư từ nhân viên xã hội và các đoàn thể ở nơi làm việc cũng như nơi họ cư trú để có thể giúp họ hội nhập một cách thực sự vào vùng đất mới.

* Đặc điểm văn hóa – xã hội

Về mặt xã hội, trong truyền thống người Khmer vốn là cư dân nông nghiệp, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, họ tập hợp nhau lại thành những đơn vị xã hội tự quản. Mỗi tập thể định cư trên một địa điểm bám sát đất trồng trọt gọi là phum. Đơn

vị cao hơn phum và bao gồm nhiều phum gọi là srok (theo Việt hóa là sóc). Phum sóc không phải là đơn vị hành chính nhà nước, mà là những đơn vị xã hội cổ truyền, ràng buộc nhau bởi các phong tục, lễ nghi mà ở đó ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa [41]. Ở trong các tổ chức cộng đồng này, cuộc sống khá yên bình, lành mạnh và hầu như ít có tệ nạn xấu như đánh nhau, chửi bới trộm cướp. Người dân có tinh thần đoàn kết, tính tập thể gắn bó với cộng đồng. Mọi người sống chan hòa, thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ nhau [55]. Trong cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đẳng cấp mà mọi thành viên đều phải tuân theo, ai làm sai sẽ bị cộng đồng phê phán. Trong gia đình, người chồng thường là người quyết định chính trong sản xuất và giao tiếp xã hội còn người vợ chịu trách nhiệm chính trong quản lý gia đình như nội trợ và nuôi dạy con con cái [51].

Ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, đô thị hóa và sự đồng nhất trong các chính sách của nhà nước, ngày nay văn hóa tổ chức cộng đồng theo kiểu truyền thống của người Khmer đã có những biến đổi đáng kể. Thiết chế phum, sróc được thay thế bằng đơn vị hành chính phường, quận. Đặc biệt, theo truyền thống, mỗi phum, sróc có người đứng đầu gọi là mê phum, mê sróc (mẹ phum, mẹ sróc). Danh từ mê phum, mê sróc đối với đồng bào Khmer ngoài được hiểu là người đứng đầu, còn các chức năng bảo trợ, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho cộng đồng trên nhiều phương diện. Cùng với sự phát triển xã hội danh xưng “mê phum, mê sróc” đã không còn được sử dụng thay vào đó là những chức danh mang ý nghĩa hành chính là chủ yếu và sự vận hành xã hội theo truyền thống của tộc người cũng đã có những thay đổi để phù hợp.

Nói đến tổ chức xã hội của người Khmer, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Đạo Phật và ngôi chùa. Người Khmer hầu hết đều theo đạo Phật Tiểu thừa (Nam Tông), họ có quan niệm rằng dù tu ở chùa, hay tu tại nhà cũng đều tự coi là con Phật. Đi tu, trong quan niệm của người Khmer, không phải để thành Phật mà là để làm người có nhân cách, phẩm chất và đạo đức [83]. Đối với người Khmer Tây Nam Bộ, ngôi chùa mang một tình cảm rất sâu sắc. Một người Khmer khi sinh ra lớn lên rồi về già cho đến lúc chết mọi buồn vui của cuộc đời đều gắn bó với ngôi chùa. Người Khmer quan niệm rằng sống kiếp này là để tu nhân tích đức

cho kiếp sau nên ít thu vén cho cá nhân. Kiếp này nghèo là do kiếp trước vụng tu do đó người Khmer sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng ngôi chùa khang trang, lộng lẫy, trong khi họ chấp nhận sống nghèo túng trong những căn nhà tranh lụp xụp [34]. Chính vì thế cộng đồng người Khmer mang đậm dấu ấn tôn giáo, thể hiện ở phong tục, lối sống phương thức ứng xử, ở nghệ thuật và tư duy.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Như vậy, về mặt xã hội, người Khmer thường sống thành cộng đồng và có tính cố kết cộng đồng cao thông qua những quy tắc, chuẩn mực chung về sự tương trợ, giúp đỡ nhau cũng như cùng hướng về đạo Phật với một niềm tôn kính vô bờ.

Về mặt văn hóa, Người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, bao gồm: ngôn ngữ và chữ viết, văn học, nghệ thuật ca múa nhạc, lễ hội và tôn giáo [186]. Tính cộng đồng và giản dị được thể hiệu rò nét trong đời sống văn hóa thông qua sinh hoạt tín ngưỡng và đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa của người Khmer còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc thông qua các lễ hội, các giáo lý nhớ ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ và cả những nghi lễ vòng đời của cá nhân từ khi sinh ra đến lúc chết đi bao hàm giá trị đạo đức, thẩm mỹ. Mặt khác, tính dung hòa và giàu yếu tố tâm linh trong văn hóa của dân tộc Khmer, điều này dẫn đến việc người Khmer đã tiếp thu văn hóa của dân tộc người Việt, Hoa, Chăm và các dân tộc khác. Ngoài ra, tính tự trị trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer cũng tạo nên những tập thể khép kín mang tính tự trị xây dựng môi trường tốt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư từ thực tiễn tỉnh Bình Dương - 6

Chính đặc trưng về văn hóa – xã hội cũng tác động rất lớn đến người lao động Khmer khi di cư trong việc thích ứng sinh kế ở nơi đến. Nghiên cứu của Ngô Thu Trang và cộng sự chỉ ra rằng, chính giá trị văn hóa thể hiện trong việc gắn kết cộng đồng và tạo nên bản sắc dân tộc của người Khmer và chính giá trị văn hóa gằn kết cộng đồng đã tạo điều kiện cho dân nhập cư Khmer thích ứng với các hoạt động sinh kế của khu vực ven đô được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó có thể trở thành một lực cản gây hạn chế trong việc phát triển nguồn nhân lực trong một xã hội hiện đại khi Phần lớn người dân nhập cư Khmer vẫn còn “co cụm” trong các khu cư trú của họ. Ở đây có sự khác biệt so với ở quê nhà là thường sống theo gia đình và hệ thống thân tộc thì ở địa bàn mà nhóm nghiên cứu, hình thức cư trú của lao động Khmer là

khá đa dạng với ba hình thức chính: thứ nhất, sống theo đặc thù công việc nên sự tương tác với nhau là hạn chế và giữ khoảng cách. Kết quả này là tương đồng với nghiên cứu của Trương Hoàng Trương khi tác giả cho thấy lao động Khmer sống rải rác và phân tán khắp thành phố Hồ Chí Minh. Thứ hai, ở tại nhà của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ. Hình thức cư trú thứ ba là ở trong các nhà trọ dành riêng cho công nhân, người lao động xác định và tự thuê nhà trọ. Từ đó, hình thành những khu vực cư trú riêng cho dân nhập cư Khmer lao động xa quê. Trong nghiên cứu này, tác giả cũng chỉ lao động Khmer thường chơi theo nhóm cùng dân tộc, đồng hương mà rất ít tham gia các tổ chức và các mạng lưới xã hội chính thức do e ngại khi tiếp xúc với người bản địa.

Một trong những thay đổi rất lớn trong đời sống văn hóa tâm linh là khi lên thành phố Hồ Chí Minh, đa phần lao động Khmer nhập cư không đi chùa và đây là nét rất khác so với ở quê nhà. Điều này đã làm cho đời sống văn hóa, tôn giáo của dân Khmer nhập cư ở Bình Tân bị quên lãng phần nào khi không có điều kiện thực hành tôn giáo.

Ở Bình Dương, nghiên cứu của Lê Anh Vũ (2019) về lao động Khmer ở Bình Dương cũng cho thấy các hình thức cư trú tương tự. Tuy nhiên, thông qua việc điền dã dài ngày ở cộng đồng, tác giả còn phát hiện ra tính cố kết cộng đồng chặt chẽ hay không phụ thuộc rất lớn vào hệ thống thân tộc – đồng hương. Ở khu trọ nào mà có đông lao động Khmer có quan hệ thân tộc – đồng hương thì tính cố kết cộng đồng rất cao so với những nơi tuy có đông lao động Khmer sinh sống nhưng không là đồng hương, họ hàng thì mối dây liên kết lỏng lẻo hơn nhiều. Tuy nhiên, điểm chung là họ chỉ cởi mở và tự tin trong mối quan hệ với người cùng dân tộc và ít làm quen, kết bạn với người bản địa và dân tộc khác. Tình trạng không đi chùa và xa rời các hoạt động tôn giáo là rất phổ biến. Bên cạnh đó, họ cũng rất ít tham gia vào các hoạt động do các đoàn thể tổ chức [87].

Như vậy, từ quê nhà lên các khu đô thị, đời sống văn hóa – xã hội của lao động Khmer nhập cư có nhiều biến đổi cho phù hợp với không gian sống mới. Việc cư trú theo cộng đồng cũng là cách họ thích ứng về sinh kế. Tuy nhiên, điều này cũng vô hình chung hình thành sự “tách biệt” của họ với các cộng đồng khác. Điều

này, cho thấy mạng lưới xã hội của họ chủ yếu là những người trong cộng đồng dân tộc của mình và phần nào thể hiện tính khép kín. Ngoài ra, việc không đi lễ chùa cũng là một hạn chế đối với lao động Khmer trong đời sống văn hóa tinh thần ở nơi nhập cư. Từ những kết quả này cho thấy để có thể hỗ trợ sinh kế đối với lao động Khmer nhập cư rất cần phải có những hoạt động hỗ trợ tăng cường mạng lưới xã hội thông qua việc kết nối họ với các hoạt động của tổ chức đoàn thể tại nơi làm việc và nơi tạm trú. Đây là hoạt động rất cần thiết để lao động Khmer nhập cư có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và thực sự hòa nhập với môi trường xã hội ở nơi họ đến.

* Những khó khăn và rào cản của người lao động Khmer nhập cư

Đối với lao động nhập cư là người Khmer, nguyên nhân “đẩy” họ rời quê hương của mình đa phần là kinh tế [16], [17], [26], [6], [56],[82], [87], [131]. Tuy nhiên, từ điển cứu trường hợp về thanh niên Khmer lên Bình Dương làm công nhân của Lê Anh Vũ [82] còn cho thấy, việc rời bỏ quê nhà còn là những mong muốn kiếm tìm một môi trường sống mới để vượt qua những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống thường ngày ở quê nhà. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra điểm đến của người Khmer nhập cư thường là TP.HCM, Bình Dương và thời gian gần đây còn là một số tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng. Việc làm của lao động Khmer ngày càng trở nên đa dạng hơn, từ lao động phổ thông, giúp việc nhà, phụ buôn bán đến các ngành vốn thu hút đông đảo lao động, như xây dựng, dệt may, thủy sản...

Có thể thấy, lao động Khmer có vốn con người còn thấp hơn so với mặt bằng chung [16], [17]. Việc không thông thạo tiếng phổ thông cũng là một trở ngại lớn đối với lao động Khmer trong việc thích ứng sinh kế ở đô thị [56], [57],[87]. do trình độ học vấn chưa cao và đa phần không có tay nghề nên họ không có cơ hội thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người lao động Khmer thường phải làm những việc làm khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống tại thành phố và các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, lao động Khmer dường như chưa quen với cách thức làm việc theo kiểu công nghiệp và các lễ hội văn hóa của người Khmer trải dài trong suốt năm nên họ thường nghỉ việc vào những dịp lễ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà lao động Khmer nhập cư ở Bình Dương khó có thể làm việc tại các

doanh nghiệp hoặc công ty lớn. Thậm chí, kết quả nghiên cứu của Lê Anh Vũ [87] còn phản ánh việc các doanh nghiệp gốm sứ tư nhân ở Bình Dương còn phải thích nghi với việc này bằng cách yêu cầu công nhân là người Khmer làm việc nhiều hơn, thậm chí tăng ca trước những kỳ lễ hội.

Về phía lao động Khmer, để thích ứng với cuộc sống bấp bênh nơi đất khách, Ngô Thu Trang và cộng sự (2016) cho rằng chủ yếu lao động Khmer dựa vào thích ứng tự phát (autonomous adaptation) với mạng lưới đồng hương và thân tộc trong khi việc thích ứng có kế hoạch (planned adaptation) với điều chỉnh mang tính chiến lược, chủ động tính mang dài hạn với sự hỗ trợ chính sách là chưa có [56].

Các nghiên cứu cũng chỉ ra những rủi ro rất lớn mà lao động Khmer phải đối diện. Tại nơi họ nhập cư để tìm kiếm việc làm, với học vấn thấp và thiếu tay nghề, họ phải làm những công việc nặng nhọc hoặc mang tính phi chính thức như xây dựng, phụ quán, giúp việc, lao động phổ thông hay thu hái cà phê… Chính vì thế, cũng như những LĐTS khác, lao động Khmer cũng gặp phải những rủi ro như: kinh tế của họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tạo dựng đời sống nơi có sự năng động và đòi hỏi trình độ để nắm bắt kiến thức, nhanh nhạy trong tư duy kinh tế ở các đô thị lớn. Trong nghiên cứu Nguyễn Thị Hòa [16], tác giả còn chỉ ra tình trạng không có hợp đồng lao động và bị quấy rối tình dục của nữ lao động người Khmer giúp việc ở TP.HCM. Mặt khác, lao động nhập cư là người Khmer phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe khi phải lao động nặng nhọc như nghiên cứu của Lê Anh Vũ [82] tại Bình Dương đã chỉ ra. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của Ngô Phương Lan còn cho thấy rủi ro trong việc gắn kết tình cảm gia đình và nuôi dạy con cái khi gia đình có người đi làm ăn xa [26].

Tóm lại, trình độ học vấn thấp, bất đồng ngôn ngữ, tâm lý mặc cảm, sống khép kín, hạn chế về mạng lưới xã hội lả những rào cản đối với lao động Khmer trong việc thích nghi với cuộc sống mới nhất là trong việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ phúc lợi xã hội. Ngoài ra, việc không có điều kiện đi chùa là một thiệt thòi rất lớn đối với lao động Khmer nhập cư trong đời sống tinh thần. Từ những hạn chế này, lao động Khmer đang phải đối diện với những rủi ro về sức khỏe trong đó có

cả tình trạng về stress. Không những thế, việc phải làm những công việc tự do nên không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội là những rủi ro mà họ đang phải đối diện. Đặc biệt, việc đi làm ăn xa, lao động Khmer còn gặp những rủi ro trong chăm sóc, giáo dục con cái và gắn kết tình cảm gia đình với những người ở quê nhà.

2.1.2. Sinh kế và hỗ trợ sinh kế

2.1.2.1. Khái niệm sinh kế và hỗ trợ sinh kế

* Khái niệm sinh kế

Về mặt khái niệm, nhắc đến sinh kế, đa phần các nhà nghiên cứu đều trích dẫn khái niệm sinh kế của R. Chambers và G. Conway (1992) như sau: “sinh kế là cách kiếm sống của con người ở các xã hội. Sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản và các hoạt động cần thiết để kiếm sống”. Ý tưởng này về sinh kế cũng được Carney (1999) đề cập: “sinh kế là cách kiếm sống của con người ở các xã hội. Sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản và các hoạt động cần thiết để kiếm sống” [103].

Gần như là tương đồng với các quan điểm trên nhưng Elis (2010) làm rò hơn khi phân định rò hơn về tài sản sinh kế và nhấn mạnh hơn ở khía cạnh về cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn sinh kế trong định nghĩa sau: “một sinh kế bao gồm những tài sản (tự nhiên, phương tiện vật chất, con người, tài chính và nguồn vốn xã hội), những hoạt động và cơ hội được tiếp cận đến các tài sản và hoạt động đó (đạt được thông qua các thể chế và quan hệ xã hội) mà theo đó các quyết định về sinh kế đều thuộc về mỗi cá nhân hoặc mỗi nông hộ” [116].

Ở Việt Nam, sinh kế cũng là chủ đề thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Theo Ngô Phương Lan sinh kế được hiểu là “các hoạt động phục vụ cho quá trình sinh sống của con người ở các xã hội khác nhau. Hoạt động sinh kế là cách thức mưu sinh của con người trong các xã hội. Sinh kế vừa là sự thích nghi của con người với môi trường sinh thái đặc thù của từng vùng miền, trên nền tảng các hoạt động thích nghi chung của con người với môi trường tự nhiên, vừa là sự thích nghi với môi trường xã hội” [26]. Nếu như Ngô Phương Lan (2017) quan tâm đến sinh kế như là một hoạt động mưu sinh thì Bùi Văn Tuấn (2015) lại đề cập sâu hơn đến năng lực sinh kế và các loại vốn trong định nghĩa sau đây: “Sinh kế bao

gồm năng lực, tài sản (dự trữ, nguồn lực, yêu cầu, tiếp cận) và các hoạt động cần có để bảo đảm phương tiện sinh sống” [72].

Về cách tiếp cận, bởi lẽ sinh kế được coi như là một khái niệm đa chiều, nó bao gồm những hoạt động mà con người thực hiện dựa trên những nguồn lực mà mình có và kết quả đạt được. Chính vì thế, sinh kế không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà kinh tế học mà còn là của các nhà nghiên cứu thuộc các lãnh vực khoa học xã hội khác nhau.

Trong xã hội học, sinh kế thường được nghiên cứu dưới góc độ thích ứng sinh kế trong các loại hình và phương thức chuyển đổi sinh kế. Ngoài ra, trong các nguồn vốn sinh kế, các nhà xã hội học có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến nguồn vốn xã hội đối với chiến lược sinh kế như trong các nghiên cứu của các tác giả: Tara van Dijk [108]; Dương Chí Thiện và Vũ Mạnh Lợi [71]; Nguyễn Xuân Mai và Nguyễn Duy Thắng [111].

Các nhà nghiên cứu nhân học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về chủ đề này có xu hướng thiên về hướng tìm hiểu các kỹ thuật sinh tồn, phương cách sống của cộng đồng. Ngoài ra, các công trình còn tìm hiểu sự thích ứng của các cộng đồng về tập quán mưu sinh trong các giai đoạn lịch sử cụ thể, tìm hiểu nguồn gốc, quá trình tộc người, ảnh hưởng của văn hóa trong các dạng thức mưu sinh của các tộc người cụ thể, đồng thời đưa ra các đề xuất để hoàn thiện chính sách [26]

Trong CTXH, sinh kế thường được nghiên cứu dưới góc độ phân tích các hoạt động sinh kế và nhấn mạnh đến khả năng tiếp cận và sử dụng hệ thống an ninh xã hội cũng như sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội để cải thiện sinh kế và hòa nhập xã hội [128]. Như vậy, ở góc độ chuyên ngành CTXH, việc nghiên cứu sinh kế ở góc độ cá nhân và gia đình tập trung vào khía cạnh về năng lực bản thân, gia đình và cộng đồng cũng như phân tích khả năng khả năng tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ sẽ giúp chỉ ra các biện pháp can thiệp làm tăng tính hiệu quả của các hoạt động CTXH trong lý luận và thực tiễn.

Tóm lại, trong luận án này sinh kế có thể được hiểu là “cách thức ổn định và đảm bảo cuộc sống dựa vào các năng lực của bản thân và xã hội dưới sự ảnh hưởng của bối cảnh tự nhiên – kinh tế - xã hội”.

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 13/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí