Như vậy, chúng tôi cho rằng sinh kế dưới các tiếp cận CTXH không hẳn chỉ là cách thức mưu sinh hay chỉ tập trung vào việc làm mà một sinh kế bền vững còn phải đảm bảo các yếu tố về tâm lý – xã hội trong mối liên hệ với bối cảnh xung quanh.
Chính vì phụ thuộc vào bối cảnh tự nhiên nên sinh kế của người dân tại chỗ sẽ có những nét rất khác biệt với sinh kế của lao động nhập cư. Đơn cử như, với người dân tại chỗ thì nguồn vốn tự nhiên như về diện tích đất sản xuất, nguồn nước, nguồn giống tự nhiên là rất quan trọng đến sinh kế và ngay trong khung sinh kế bền vững coi đất đai là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền đất đai đóng một vị trí quan trọng về nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự lựa chọn sinh kế thay thế. Ở một số quốc gia, việc thiếu tiếp cận đối với đất đai là một hạn chế quan trọng đối với sinh kế của nhiều người. Ví dụ, ở Việt Nam, quyền sử dụng đất hàm chứa nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng, bao gồm ý nghĩa và giá trị của một phương tiện sản xuất, một nguồn thu nhập và một loại tài sản có giá trị. Đặc biệt là đối với những người sống ở các cộng đồng nông thôn và ven đô, đất đai là một nguồn tài sản có giá trị nhất và là một loại tư liệu quan trọng để đạt được mục tiêu sinh kế [49]. Tuy nhiên, đối với sinh kế lao động nhập cư thì nguồn vốn tự nhiên lại không quá quan trọng. Trong khi đó, vốn con người và vốn xã hội lại là những nguồn vốn quan trọng nhất trong hành trình mưu sinh trên đất khách.
Ngoài bối cảnh tự nhiên, bối cảnh về văn hóa – xã hội cũng rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sinh kế thông qua phong tục, tập quán, lối sống, cách thức tổ chức xã hội… Chính vì thế sinh kế của lao động Khmer nhập cư sẽ có những điểm khác so với các dân tộc khác do những đặc thù về ngôn ngữ, văn hóa, tính cố kết cộng đồng và cả những hạn chế cũng như rào cản của lao động Khmer nhập cư.
*Khái niệm về hỗ trợ sinh kế
Từ việc tổng quan tài liệu cho thấy, khái niệm về “hỗ trợ sinh kế” chưa được đề cập một cách cụ thể. Thực tế này cũng diễn ra ở Nhật khi chưa có định nghĩa rò ràng cho khái niệm về hỗ trợ sinh kế (Yoshikawa, 2005 dẫn lại theo Terada, 2010). Trong từ điển Yuhikaku về phúc lợi xã hội định nghĩa “seikatsu-shien (hỗ trợ sinh kế)” như là cách giúp đỡ để người khác có thể nhận thức cuộc sống một cách độc
lập. Tương tự như vậy, K. Terada (2010) cũng cho rằng, hỗ trợ sinh kế gắn liền với sự độc lập và tự chủ của đối tượng được hỗ trợ. Theo đó, sự hỗ trợ sinh kế hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, bất kể khuyết tật hay tuổi tác, để họ có thể bảo đảm cuộc sống riêng tư với phẩm giá con người trong gia đình hoặc cộng đồng. Tác giả này cũng đề xuất hỗ trợ sinh kế trong CTXH nên là một hệ thống hỗ trợ nhiều mặt và ở diện rộng để có thể giải quyết các vấn đề luôn thay đổi trong cuộc sống. Hỗ trợ sinh kế theo cách này được thực hiện ở các cấp độ khác nhau bao gồm các can thiệp đến cá nhân, cộng đồng và mạng lưới xã hội [174].
Như vậy, có thể coi hỗ trợ sinh kế (social livelihood) dưới cách tiếp cận công tác xã hội như là một hình thức hỗ trợ xã hội (Socail support) trong lĩnh vực sinh kế. Theo Cohen và các tác giả khác (1985), hỗ trợ xã hội chính là "tài nguyên được cung cấp bởi những người khác" [107] hay rò hơn như quan điểm của Wong và Leung (2008) cho rằng “hỗ trợ xã hội là sự hỗ trợ từ các mạng xã hội của cá nhân” [176]. Gần đây, B. Gottlieb và A. Bergen (2010) đưa ra quan điểm toàn diện hơn khi cho rằng hỗ trợ xã hội dùng để chỉ các tài nguyên xã hội mà mọi người cảm nhận có sẵn hoặc thực sự được cung cấp cho họ bởi hệ thống chính thức và phi chính thức [125].
Ở Việt Nam, trong các văn bản chính thức và các tài liệu nghiên cứu dường như chưa đề cập một cách tường minh về khái niệm về hỗ trợ sinh kế mà chỉ nói chung chung như Trần Tiến Khai và cộng sự (2014): “Hỗ trợ sinh kế là gia tăng khả năng tiếp cận đến các tài sản sinh kế bằng cách sở hữu hay sử dụng, được hiểu là hỗ trợ cho sinh kế và giảm nghèo” [24].
Tóm lại, về mặt khái niệm có thể hiểu hỗ trợ sinh kế đối với lao động là người lao động Khmer nhập cư dưới góc độ CTXH là các hoạt động hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức và năng lực của họ, giúp họ tiếp cận được các nguồn vốn và tìm được cách mưu sinh phù hợp, thích nghi với môi trường sống trên mọi phương diện (chính trị - kinh tế - xã hội – văn hóa). Trong đó, hỗ trợ sinh kế sẽ bao gồm 4 hoạt động hỗ trợ: hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ thông tin và hỗ trợ kết nối mạng lưới xã hội.
2.1.2.2. Khái niệm về nguồn lực hỗ trợ sinh kế
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nghiên Cứu Về Chính Sách, Pháp Luật Đối Với Lao Động Thiểu Số Nhập Cư
- Đánh Giá Tình Hình Nghiên Cứu Và Những Vấn Đề Liên Quan Đến Luận Án
- Khái Niệm Sinh Kế Và Hỗ Trợ Sinh Kế
- Mô Hình Giải Quyết Vấn Đề Sử Dụng Cách Tiếp Cận “Con Người Trong Môi Trường”
- Hệ Thống Và Đặc Điểm Chính Sách Hỗ Trợ Sinh Kế
- Mô Tả Địa Bàn Nghiên Cứu Và Khách Thể Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
Trong hỗ trợ xã hội nói chung và hỗ trợ sinh kế nói riêng, nguồn lực hỗ trợ là rất quan trọng, Feldman, Rubenstein, & Rubin (1988) cho rằng hỗ trợ xã hội có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn cùng lớp,
v.v. Thiếu sự hỗ trợ từ một nguồn thường được bù đắp bằng sự hỗ trợ từ các nguồn khác [119]. Trong hỗ trợ sinh kế thường có hai nguồn hỗ trợ được đề cập là chính thức và phi chính thức. Theo đó, mạng lưới chính thức đến từ các chính sách của chính phủ và các tổ chức, cộng đồng đã được công nhận [148]. Ở mạng lưới không chính thức thường đến từ họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp [129].
Froland, Pancoast, Chapman và Kimboko (1981) lưu ý rằng sự khác biệt giữa các hệ thống trợ giúp chính thức và không chính thức là đáng kể. Hệ thống trợ giúp chính thức các loại hình công việc thường xuyên, các hình thức làm thêm, các cách thay đổi nghề, số lần thay đổi nghề, các cách tổ chức sản xuất (tự mình hay thuê mướn, hợp tác…) thường được đánh dấu bởi tổ chức quan liêu, chuyên môn hóa chức năng, quy tắc và thủ tục chính thức, tiêu chí rò ràng để đánh giá nhu cầu và tính đủ điều kiện cho các dịch vụ, thủ tục tiêu chuẩn để giúp đỡ và nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp. Ngược lại, các hệ thống trợ giúp không chính thức có tính đa nguyên cao và việc cung cấp hỗ trợ xảy ra trong bối cảnh nhiều mối quan hệ và linh hoạt và đáp ứng với nhu cầu cá nhân thay đổi [120].
2.2. Hoạt động hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư
2.2.1. Khái niệm hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư
Từ khái niệm hỗ trợ sinh kế đối với lao động nhập cư đã trình bày ở trên, trong luận án này, hỗ trợ sinh kế đối với lao động Khmer nhập cư được hiểu là những hoạt động hỗ trợ nhằm giúp đối tượng này có thể tận dụng năng lực vốn có, cải thiện và tăng cường các nguồn vốn của bản thân và gia đình nhằm có đời sống ổn định hơn.
Đối với đối tượng là lao động Khmer nhập cư, những hoạt động hỗ trợ sinh kế khi tiến hành phải hết sức quan tâm đến nhu cầu và những đặc điểm về văn hóa, tâm lý và xã hội của họ. Mặt khác, những hoạt động này phải được đặt trong bối cảnh về quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.
Về mặt thao tác hóa khái niệm, chúng tôi dựa vào cách phân loại cách phân loại hoạt động hỗ trợ sinh kế đối với lao động nhập cư mà các tác giả Meirong Liu và cộng sự [141]; Wong [181] khi các tác giả này chia hỗ trợ xã hội thành 4 nhóm như sau:
- Hỗ trợ công cụ: chẳng hạn như cung cấp hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về điều kiện sống; hỗ trợ tìm kiếm việc làm…
- Hỗ trợ thông tin: chẳng hạn như cung cấp thông tin và tư vấn về các vấn đề gia đình và việc làm…
- Hỗ trợ tinh thần: chẳng hạn như lắng nghe, đồng cảm và thể hiện sự hiểu biết về thân chủ…
-. Hỗ trợ đồng hành xã hội: chẳng hạn như tham gia vào các tương tác xã hội và các hoạt động để vui chơi và thư giãn…
Bên cạnh cách phân loại này, chúng tôi còn kế thừa những nội dung cơ bản của lý thuyết sinh kế bền vững Lý thuyết về sinh kế bền vững của DFID (Department for International Development) cho rằng con người có năm loại “vốn” (capital) để có thể đảm bảo cuộc sống và khả năng giảm nghèo của mình. Năm loại vốn đó là: vốn vật chất (physical capital), vốn tài chính (financial capital), vốn xã hội (social capital), vốn nhân lực (human capital) và vốn tự nhiên (nature capital). Trong luận án này, hai nguồn vốn mà chúng tôi ưu tiên là vốn xã hội và vốn con người. Kết quả này đến từ việc tổng quan về nghiên cứu về sinh kế của lao động Khmer nhập cư đều chỉ ra rằng hai nguồn vốn chủ yếu mà lao động nhập cư dựa vào để hình thành chiến lược sinh kế cho bản thân mình chính là nguồn vốn con người và vốn xã hội.
Từ những cơ sở trên, hỗ trợ sinh kế đối với lao động Khmer nhập cư theo chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc làm mà còn góp phần nâng cao vốn con người thông qua việc hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, đảm bảo sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, cần phải tăng cường nguồn vốn xã hội bằng việc hỗ trợ kết nối với các mạng lưới xã hội chính thức và phi chính thức. Theo đó, hoạt động hỗ trợ sinh kế đối với lao động Khmer nhập cư được phân chia các thành 4 nhóm hoạt động cơ bản sau:
- Hỗ trợ việc làm: tìm kiếm việc làm; thông tin về việc làm; phương tiện làm việc; đào tạo nghề và kết nối nguồn lực hỗ trợ việc làm
- Hỗ trợ tâm lý: lắng nghe, đồng cảm và thể hiện sự hiểu biết về đối tượng được hỗ trợ
- Hỗ trợ thông tin: cung cấp thông tin về sức khỏe, giáo dục, nơi ở, các chế độ phúc lợi và chính sách được hưởng.
- Hỗ trợ kết nối mạng lưới xã hội: hỗ trợ tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội ở nơi làm việc và nơi ở; hỗ trợ tham gia hội đồng hương.
2.2.2. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế và hoạt động hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư
2.1.2.1. Hoạt động hỗ trợ việc làm
Hoạt động hỗ trợ việc làm được coi như là hoạt động rất quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế. Hỗ trợ việc làm dưới góc độ CTXH đặt trọng tâm vào việc cung cấp và kết nối các dịch vụ xã hội có liên quan đến việc làm đối với lao động nhập cư. Như vậy, hỗ trợ việc làm là hoạt động rất quan trọng giúp người lao động nhập cư ổn định về cuộc sống và sinh kế ở nơi ở mới khi họ được đảm bảo về công ăn việc làm để có thu nhập đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống.
Để thực hiện được hoạt động này, nhân viên CTXH phải nắm bắt được nhu cầu, thực trạng hiện có và nguyện vọng của họ. Từ đó, cùng họ xem xét các nguồn lực và giúp họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các nguồn lực có thể vận dụng được. Nhân viên CTXH sử dụng các biện pháp can thiệp làm tăng kỹ năng tìm kiếm việc làm, khả năng làm việc và duy trì việc làm. Với mục tiêu là làm sao họ có việc làm và tự túc được về kinh tế, Nhân viên CTXH cung cấp các dịch vụ có liên quan như: hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo công việc, tư vấn, hỗ trợ tự tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ cung cấp thông tin về việc làm.
2.1.2.2. Hoạt động hỗ trợ tâm lý
Hỗ trợ tâm lý là một hoạt động rất cần đối với người nhập cư khi họ thích nghi vào cuộc sống mới nơi đất khách. Bởi vì, sự khác biệt về văn hóa, lối sống và những lo lắng trong cuộc sống thường ngày rất dễ làm họ khủng hoảng về mặt tinh thần. Chính vì thế hỗ trợ về mặt tinh thần là cách thức giúp họ vượt qua được khó
khăn. Hoạt động này bao gồm: lắng nghe và chia sẻ những vấn đề mà họ đang gặp phải và đối diện; Đồng cảm với họ và tin tưởng vào khả năng thích nghi, hội nhập xã hội hay khả năng giải quyết vấn đề của họ. Ngoài ra, nhân viên xã hội còn hỗ trợ họ trong việc ra những quyết định quan trọng.
Để có thể được họ chấp nhận và chia sẻ, nhân viên xã hội phải am hiểu, văn hóa, lối sống của họ và phải biết tôn trọng sự khác biệt, phải biết chấp nhận những điểm mạnh, điểm yếu của người cần được hỗ trợ. Ngoài ra, nhân viên xã hội phải có những kỹ năng về lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm để có thể xác lập được mối quan hệ tin cậy với người cần được hỗ trợ. Ở đây, nhân viên xã hội còn phải giúp cho người nhập cư nhận thức được vấn đề xã hội và tự mình vượt qua tình huống khó khăn và đem lại cho mình cuộc sống an bình, hạnh phúc.
2.1.2.3. Hoạt động hỗ trợ thông tin
Những nghiên cứu đã được tổng quan trong và ngoài nước cho thấy, thiếu thông tin về các lĩnh vực có liên quan đến đời sống sinh kế là vấn đề mà người nhập cư thường gặp phải. Chính vì thiếu thông tin mà hầu như họ không tiếp cận được các nguồn vốn và chính sách hỗ trợ. Cho nên, nhu cầu được biết và nắm rò về thông tin liên quan đến đời sống là nhu cầu rất cần được đáp ứng đối với lao động nhập cư.
Nội dung của hỗ trợ thông tin bao gồm các thông tin, tư vấn về việc làm; thông tin về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khám chữa bệnh; thông tin về giáo dục đào tào và dạy nghề; thông tin về bảo hiểm xã hội; thông tin về chỗ ở và thông tin về chính sách, pháp luật.
Đối với việc hỗ trợ thông tin, nhân viên xã hội cần phải nắm rò được các chính sách, chương trình mà lao động nhập cư được hưởng cũng như biết được các nguồn lực có thể hỗ trợ họ để làm nhiệm vụ kết nối, chuyển gửi. Do đó, nhân viên xã hội phải xây dựng được mạng lưới thông tin để có thể hỗ trợ người lao động nhập cư một cách tốt nhất. Ngoài ra, nhân viên xã hội cần phải tìm hiểu thật kỹ và xác định rò nhu cầu thật sự về thông tin để có hướng hỗ trợ phù hợp.
2.1.2.4. Hỗ trợ tăng cường mạng lưới xã hội
Hỗ trợ tăng cường mạng lưới xã hội được hiểu như là hỗ trợ người nhập cư hội nhập vào cuộc sống ở nơi ở mới thông qua việc kết nối tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương; các hoạt động của các hội đoàn thể như chi hội thanh niên công nhân; các cuộc họp hành ở địa phương nơi ở. Ngoài ra, hỗ trợ tăng cường mạng lưới xã hội còn hướng đến việc hỗ trợ người nhập cư đến việc kết nối với mạng lưới đồng hương và thân tộc vì những nghiên cứu đã tổng quan cho thấy mạng lưới này như là nguồn vốn rất quan trọng đối với người nhập cư khi ứng phó với rủi ro nơi đất khách.
Để có thể thực hiện được hỗ trợ tăng cường kết nối mạng lưới xã hội, nhân viên xã hội phải am hiểu và có mối liên hệ với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở nơi mà người nhập cư đang sinh sống tạm trú. Ở trong hỗ trợ này, nhân viên CTXH đảm nhận vai trò là người tạo môi trường thuận lợi thông qua việc cải thiện và nâng cao mối quan hệ giữa con người và hệ thống xung quanh, kết nối cá nhân, nhóm những người nhập cư với các cơ quan, tổ chức, hội – đoàn thể trong việc hỗ trợ họ hội nhập vào đời sống xã hội nơi nhập cư.
2.2.3. Các lý thuyết ứng dụng cho hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư
2.2.3.1. Mô hình lý thuyết sinh kế bền vững của DFID (Bộ phát triển quốc tề Anh)
Khái niệm sinh kế bền vững bắt nguồn từ những nghiên cứu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở các nước, các vùng kém phát triển (Scoones, 1998) [168] Theo R. Chamber và Conway [102], Sinh kế bền vững được hiểu là có khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc và phục hồi chúng. Gần như tương đồng với quan điểm trên, T. Reardon và J.E. Taylor (1996) một sinh kế được gọi là bền vững khi nó có thể đối phó và khôi phục trước những tác động của những áp lực và những cú sốc, duy trì hoặc tăng cường những năng lực lẫn tài sản của nó trong hiện tại và tương lai [162]. Theo dòng lịch sử, sinh kế bền vững bắt nguồn từ những nghiên cứu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở các nước, ở vùng kém phát triển [170]. Nổi bật là các phân tích của Amartya Sen về quyền trong mối liên hệ với nạn đói và đói nghèo và các nghiên cứu của Robert Chambers và các nhà khoa học khác
[102]. Trên cơ sở các nghiên cứu này, DFID đã tổng hợp và đưa ra khung sinh kế bền vững vào cuối thập niên của thế kỷ XX.
Mô hình lý thuyết về sinh kế bền vững của DFID cho rằng con người có năm loại “vốn” (capital) để có thể đảm bảo cuộc sống và khả năng giảm nghèo của mình. Năm loại vốn đó là: vốn vật chất (physical capital), vốn tài chính (financial capital), vốn xã hội (social capital), vốn nhân lực (human capital) và vốn tự nhiên (nature capital). Cụ thể như sau:
Vốn nhân lực (Human capital): là khả năng, kỹ năng, kiến thức làm việc và sức khỏe để giúp con người theo đuổi những chiến lược sinh kế khác nhau nhằm đạt được kết quả sinh kế hay mục tiêu sinh kế của họ. Vốn nhân lực là điều kiện cần để có thể sử dụng và phát huy hiệu quả bốn loại vốn khác.
Vốn tài chính (Financial capital): là các nguồn tài chính mà người ta sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu trong sinh kế. Các nguồn đó bao gồm nguồn dự trữ hiện tại, dòng tiền theo định kỳ và khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài như từ người thân hay từ các tổ chức tín dụng khác nhau.
Vốn tự nhiên (Natural capital): là các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước… mà con người có được hay có thể tiếp cận được nhằm phục vụ cho các hoạt động và mục tiêu sinh kế của họ. Nguồn vốn tự nhiên thể hiện khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra thu nhập phục vụ cho các mục tiêu sinh kế của họ. Đây có thể là khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vốn vật chất (Physical capital): là cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế.
Vốn xã hội (Social capital): là vốn nằm trong các mối quan hệ xã hội (hoặc các nguồn lực xã hội) chính thể và phi chính thể mà qua đó người dân có thể tạo ra cơ hội và thu được lợi ích trong quá trình thực thi sinh kế.
Ngoài ra, còn cần kể đến vai trò của các chính sách, thể chế trong đảm bảo sinh kế cho người dân. Ý tưởng này của DFID có thể tìm thấy trong các nghiên cứu của Ellis (2004, 2005), Barrett và Reardon (2000) khi các tác giả cho thấy mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, cơ hội sinh kế và cải thiện đói nghèo cho người dân.