Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu Liên Quan Tới Đề Tài


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là hiệu ứng lan tỏa của FDI tại tỉnh Savannakhet, Lào.

Phạm vi nghiên cứu về không gian: Không gian nghiên cứu của luận án thực hiện cho tỉnh Savannakhet, Lào. Các phân tích định lượng được thực hiện cho cấp độ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Savannakhet, Lào.

Phạm vi nghiên cứu về thời gian: Thời gian nghiên cứu là trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020. Đề xuất giải pháp với tầm nhìn đến năm 2030.

4. Khung Phân tích và phương pháp nghiên cứu

a. Khung phân tích nghiên cứu

Khung phân tích để nghị cho luận án được trình bày như dưới đây:



Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.

Mục đích nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu

Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại tỉnh Savannakhet, Lào - 3

Khái niệm, phân loại, chiều hướng tác động của hiệu ứng lan tỏa FDI


Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới về hiệu ứng lan tỏa của FDI

Khung lý thuyết về

hiệu ứng lan tỏa của FDI đến DN

Các lý thuyết về hiệu ứng lan tỏa FDI

Tổng quan

Kết luận và kiến nghị

Thực trạng đầu tư FDI tại tỉnh Savanakhet, Lào từ 2010-2020

Phân tích hiệu ứng lan tỏa

của FDI tại

tỉnh

Đánh giá thực trạng và lượng hóa tác động của hiệu ứng lan tỏa FDI đến DN

Savannakhet, Lào từ 2010- 2020

Đề xuất các giải

Sơ đồ 0.1. Khung phân tích của nghiên cứu


Nguồn: Tổng hợp của tác giả


b. Phương pháp nghiên cứu


Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, Luận án sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, cụ thể như sau:

- Phương pháp nghiên cứu tại bàn: phương pháp này được sử dụng chủ yếu nhằm xem xét, hệ thống hóa các mô hình được sử dụng để kiểm chứng sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa của FDI cũng như đánh giá hiệu quả của hiệu ứng lan tỏa của FDI đến các doanh nghiệp trong nước tại tỉnh Savannakhet và các nền kinh tế trên thế giới.

- Phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp và so sánh: phương pháp này được sử dụng chủ yếu để phản ánh, đánh giá tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài và hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm kiểm tra sự tồn tại của các hiệu ứng lan tỏa và đánh giá tác động của các hiệu ứng lan tỏa đó (theo chiều ngành, chiều dọc) đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Savannakhet, Lào. Đánh giá định lượng này được thực hiện cho toàn mẫu, theo quy mô và theo ngành.

5. Những đóng góp và hạn chế của Luận án


a. Về mặt lý luận

Một là, Luận án đã làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về hiệu ứng lan tỏa của FDI như khái niệm, đặc điểm của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khái niệm, chiều, kênh lan tỏa của FDI và các các lý thuyết liên quan đến tác động lan tỏa của FDI.

Hai là, Luận án đã đề xuất được khung lý thuyết nhằm đánh giá tác động của hiệu ứng lan tỏa FDI đến doanh nghiệp nội địa.

Ba là, Luận án đề xuất được phương pháp nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của hiệu ứng lan tỏa FDI đến doanh nghiệp nội địa.

b. Về mặt thực tiễn


Một là, Luận án khẳng định có tồn tại hiệu ứng lan tỏa của FDI và hiệu ứng này có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Savannakhet, Lào. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp trong nước thông qua các kênh lan truyền theo chiều ngang và chiều dọc, còn có cả những ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực cạnh tranh, khoảng cách công


nghệ. Nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thuộc cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh làm thu hẹp sản xuất, hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó dịch chuyển lao động, chuyển giao công nghệ và hoạt động R&D lại chưa thực sự hiệu quả dẫn đến làm lãng phí nguồn lực.

Hai là, từ kết quả nghiên cứu, Luận án đã đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao năng lực hấp thụ hiệu ứng lan tỏa tích cực, hạn chế tác động lan tỏa tiêu cực của FDI tại tỉnh Savannakhet trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa. Những giải pháp được đề cập đến như: về phía doanh nghiệp trong nước, cần: nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong nước; có các giải pháp về nguồn vốn; tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý; xây dựng các chính sách tăng cường khả năng lan tỏa theo định hướng ngành; tăng cường hoạt động R&D, kết hợp giữa vốn tự có của doanh nghiệp với hình thức liên kết nghiên cứu với các doanh nghiệp FDI. Về phía nhà nước cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp FDI, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và khuyến khích các hình thức đầu tư theo hình thức liên doanh nhằm tạo điều kiện học hỏi công nghệ và kinh nghiệm quản lý; tăng cường vốn cho các doanh nghiệp trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước; Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ và R&D; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; hoàn thiện chính sách và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục củng cố hệ thống y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng Vaccine Covid-19 nhằm tạo môi trường xã hội ổn định, bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh.

Ba là, kết quả của luận án là một nguồn tài liệu tham khảo có ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc đánh giá tác động của hiệu ứng lan tỏa FDI đến các doanh nghiệp trong nước nhằm hoạch định các chính sách, giải pháp mang lại những tác động tích cực do hiệu ứng lan tỏa của FDI. Đồng thời đây cũng là nguồn thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong nước để nhìn nhận và điều chỉnh hoạt động của mình nhằm hấp thụ tốt các tác động tích cực của hiệu ứng lan tỏa FDI.


b. Hạn chế của Luận án

Bên cạnh những đóng góp, luận án vẫn tồn tại một số hạn chế như là: Nguồn dữ liệu kinh tế vĩ mô của Lào chưa đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ nên kết quả nghiên cứu chịu sự ảnh hưởng nhất định từ tính chất của dữ liệu. Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê Tỉnh Savannakhet và các trang thống kê trên thế giới chủ yếu cung cấp theo quý/năm trong khi hoạt động đầu tư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội lại thay đổi thường xuyên, liên tục. Vì vậy, kết quả nghiên cứu dữ liệu theo quý/năm khó có thể phản ánh kịp thời sự thay đổi đó.

6. Câu hỏi nghiên cứu


Luận án hướng tới việc trả lời các câu hỏi sau đây:

- Có tồn tại của hiệu ứng lan tỏa của FDI đến các doanh nghiệp trong nước tại tỉnh Savannakhet hay không?

- Nếu tồn tại hiệu ứng lan tỏa thì nó có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước?

- Trong tương lai, tỉnh Savannakhet nói chung và các doanh nghiệp nội địa nói riêng cần làm gì để hấp thụ được hiệu ứng lan tỏa tích cực, hạn chế hiệu ứng lan tỏa tiêu cực nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội?

7. Kết cấu của Luận án


Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận án bao gồm 5 chương:


Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan tới đề tài


Chương 2: Cơ sở lý thuyết về hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài


Chương 3: Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại tỉnh Savannakhet giai đoạn 2010-2020

Chương 4: Phân tích hiệu ứng lan tỏa từ đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Savannakhet, Lào giai đoạn 2010-2020

Chương 5: Định hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng hấp thụ hiệu ứng lan tỏa tích cực và hạn chế hiệu ứng lan tỏa tiêu cứu của FDI tại tỉnh Savannakhet, Lào.


CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI

1.1. Các nghiên cứu về hiệu ứng lan tỏa của FDI


1.1.1. Các nghiên cứu chung về hiệu ứng lan tỏa của FDI đến doanh nghiệp nội địa


Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài là đề tài khá được quan tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây. Lý do cho điều này là Chính phủ, các nhà đầu tư cũng như những nhà phân tích nhận thấy được những lợi ích to lớn mang lại cho nền kinh tế quốc gia từ nguồn vốn này. Trên thế giới, có khá nhiều nghiên cứu đánh giá tác động lan tỏa của FDI lên các doanh nghiệp trong nước tại nước sở tại.

Caves (1974) và Globerman (1979) là những nghiên cứu định lượng tiên phong về tác động lan tỏa từ FDI. Các nghiên cứu được thực hiện lần lượt cho các doanh nghiệp hoạt động ở Australia (năm 1962 và 1966) và Canada (năm 1972). Đây là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, thu hút được nhiều nguồn vốn FDI. Việc nghiên cứu tác động lan tỏa sẽ tạo được tiền đề cho các nghiên cứu sau trong xây dựng khung phân tích và mô hình kinh tế lượng. Hai tác giả đều sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas làm khung phân tích và phương pháp ước lượng OLS. Kết quả chỉ ra những bằng chứng về lan tỏa tích cực từ các doanh nghiệp FDI đến năng suất lao của doanh nghiệp ở cả hai quốc gia. Khác biệt giữa hai nghiên cứu này là biến đại diện cho FDI trong ngành, trong khi Caves (1974) sử dụng thang đo tỷ trọng lao động của các doanh nghiệp FDI thì Globerman (1979) lại sử dụng thang đo tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, Globerman (1979) còn cho thấy năng suất của doanh nghiệp trong nước có quan hệ cùng chiều với các biến số đặc trưng doanh nghiệp như tỷ trọng vốn trong ngành, quy mô, chất lượng lao động và số giờ làm việc bình quân. Mặc dù các kết quả thực nghiệm ở hai nghiên cứu đã đưa ra được bằng chứng về sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa của FDI đến nền kinh tế, tuy nhiên lại sử dụng một thang đo đơn lẻ đại diện cho FDI trong ngành khiến cho kết quả ít nhiều có sự sai lệch nhất định. Ngoài ra, việc sử dụng mô hình ước lượng với phương pháp OLS có thể cho kết quả không chính xác và thường thổi phồng hiệu ứng lan tỏa, do không kiểm soát được vấn đề bỏ sót biến cũng như không xét đến các đặc điểm riêng


của đối tượng bảng và sự thay đổi của chúng theo thời gian. Nghiên cứu của Globerman (1979) còn sử dụng dữ liệu chéo sẽ hạn chế độ tin cậy của các ước lượng vì dạng dữ liệu này khó phản ánh được tính động theo thời gian của hiệu ứng lan tỏa.

Javorcik (2004) phân tích ảnh hưởng lan tỏa của FDI ở Lithuania giai đoạn 1996-2000 bằng phương pháp bán tham số và khắc phục biến nội sinh trong bộ dữ liệu mảng của doanh nghiệp. Nghiên cứu này chỉ ra có tác động dương của doanh nghiệp FDI đến các nguồn trung gian của doanh nghiệp nội địa, từ đó làm tăng năng suất cũng như nguồn cung của doanh nghiệp nội địa. Hiện tượng này xảy ra khi các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm thấy ảnh hưởng lan tỏa theo chiều ngang và theo chiều dọc xuôi chiều.

Bwalya (2005) kiểm tra tác động lan tỏa của FDI đối với các doanh nghiệp nội địa ở Zambia từ năm 1993-1995 bằng cách sử dụng phương pháp ước lượng GMM để xem xét tác động lan tỏa theo chiều ngang và dọc của FDI. Kết quả chỉ ra rằng có ảnh hưởng âm của FDI thông qua liên kết ngang tới các doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp nội địa có thể tăng được năng suất và có sự chuyển dịch đáng kể đầu tư theo vùng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI.

Merlevede và Shoors (2008) nghiên cứu ảnh hưởng của các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp nội địa thông qua hai kênh truyền dẫn là tác động tràn theo chiều ngang và chiều dọc bằng cách sử dụng phương pháp bán tham số với số liệu từ năm 1996-2001 ở Romania. Cách tiếp cận của tác giả dựa trên đề xuất của Olley Parkers (1996) và điều chỉnh của Levinsohn và Pentrin (2003). Kết quả chỉ ra không có tác động theo chiều ngang trong khi tác động theo chiều dọc xuôi chiều là dương, và ngược chiều là âm.

Một số nghiên cứu như nghiên cứu của Aitken và Harrison (1999), Juraj Stancik (2007) hay Chengchun Li và Yun Luo (2018) đều thực hiện dựa trên mô hình nghiên cứu của Caves (1974) và Globerman (1979).

Aitken và Harrison (1999) nghiên cứu hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ FDI đến doanh nghiệp Venezuela trong giai đoạn từ năm 1976 – 1989. Juraj Stancik (2007) nghiên cứu hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước tại Cộng Hòa Séc trong giai đoạn năm 1993-2004. Đây là một trong những nước


có mức sống của người dân cao nhất trong các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa cũ. Chengchun Li và Yun Luo (2018) nghiên cứu các tác động lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tăng trưởng năng suất ở cấp độ doanh nghiệp tại West Midlands, Anh trong giai đoạn 2004-2011. Khu vực này là trung tâm công nghiệp của Anh, nơi mà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế hơn bất kỳ vùng nào khác trên cả nước. Mặt khác, West Midlands là khu vực nhận được một tỷ lệ lớn về vốn FDI tại Anh do đó, tác giả muốn xem xét xem liệu các doanh nghiệp trong nước ở West Midlands có được lợi từ dòng vốn FDI hay không.

Các nghiên cứu đều dùng mô hình hàm sản xuất Cobb-Douglas làm khung phân tích, sử dụng phương pháp OLS để ước lượng mô hình và tập trung phân tích các biến Horizontal, Backward, Forward đại diện cho tác động lan tỏa theo chiều ngang và dọc của FDI. Kết quả nghiên cứu cuả Aitken và Harrison (1999) cho thấy khu vực doanh nghiệp FDI có ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của doanh nghiệp trong nước, nhất là với doanh nghiệp quy mô nhỏ. Kết quả này được giải thích là do hiệu ứng ‘xâm chiếm thị trường’ (market-stealing effect) và cạnh tranh gia tăng do sự có mặt của các doanh nghiệp FDI. Do vậy, mặc dù sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI có thể giúp giảm chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp trong nước nhưng lại tăng áp lực cạnh tranh, từ đó thu hẹp thị phần của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong ngắn hạn. Juraj Stancik (2007) chứng minh được sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa tiêu cực theo chiều ngang và chiều dọc ngược chiều từ FDI và không có hiệu ứng lan tỏa theo chiều dọc xuôi chiều. Chengchun Li và Yun Luo (2018) cũng kết luận được có sự lan tỏa mạnh mẽ và tích cực từ FDI diễn ra thông qua các mối liên kết xuôi do do các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra. Tuy nhiên, chỉ tìm thấy hiệu ứng lan tỏa tích cực bằng không hoặc yếu thông qua các liên kết ngược và tác động tiêu cực của liên kết ngang.

Các nghiên cứu này đã kiểm định được sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Việc Aitken và Harrison (1999) sử dụng bộ dữ liệu bảng cấp doanh nghiệp với cỡ mẫu tương đối lớn gồm 43,010 quan sát, Juraj Stancik (2007) cũng sử dụng bộ dữ liệu bảng cấp doanh nghiệp với 24,678 quan sát đã nâng cao được độ tin cậy của các ước lượng và đo lường chính xác hơn phạm vi lan tỏa từ FDI theo cả thời gian và không gian. Trong khi đó Chengchun Li và Yun Luo (2018) lại sử dụng bộ dữ liệu


chéo có thể hạn chế độ tin cậy của kết quả ước lượng. Ngoài ra mô hình ước lượng với phương pháp OLS cũng là nhược điểm của các nghiên cứu này.

Trong khi Kohpaiboon (2006) nghiên cứu về hiệu ứng lan tỏa công nghệ FDI đến 15,624 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến của Thái Lan năm 1996 thì nghiên cứu của Frances Ruane và Julie Sutherland (2004) giả lại đi vào kiểm định ảnh hưởng lan tỏa xuất khẩu từ FDI cho trường hợp các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tại Ireland giai đoạn 1991-1998. Kohpaiboon (2006) sử dụng mô hình phương trình đồng thời nhưng chú trọng kiểm định giả thuyết của Bhagwati (1973) về vai trò của chính sách thương mại đối với hiệu ứng lan tỏa thông qua một biến số tương tác với FDI. Frances Ruane và Julie Sutherland (2004) áp dụng mô hình thực nghiệm dựa trên phương pháp lý thuyết của Aitken (1997) và phương pháp thực nghiệm của Greenaway (2004), kết hợp hai phương trình là phương trình quyết định xuất khẩu và phương trình cường độ xuất khẩu. Kohpaiboon (2006) đưa ra kết luận lan tỏa công nghệ có nhiều khả năng xảy ra với chính sách thúc đẩy xuất khẩu hơn là chính sách thay thế nhập khẩu. Ruane và Julie Sutherland (2004) cho thấy sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI có ảnh hưởng tích cực đến quyết định tham gia vào thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cùng ngành. Tuy nhiên cường độ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước lại chịu sự ảnh hưởng tiêu cực cùng với sự có mặt của các doanh nghiệp FDI.

Greenaway (2004) áp dụng mô hình chọn mẫu của Heckman (1979) để nghiên cứu về tác động lan tỏa xuất khẩu từ các công ty đa quốc gia MNEs cho các doanh nghiệp chế biến Anh trong giai đoạn 1992–1996. Các lý thuyết về động cơ nhà đầu tư cho rằng các tập đoàn MNEs với quy mô các dự án đầu tư lớn hơn cũng như sở hữu nhiều lợi thế vượt trội, được kỳ vọng là tạo ra lan tỏa mạnh mẽ hơn đến các doanh nghiệp và nền kinh tế nước tiếp nhận. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự hiện diện của lan tỏa xuất khẩu từ các MNEs và hiệu ứng cạnh tranh gia tăng là kênh lan tỏa quan trọng nhất. Với cách tiếp cận tương tự, Kneller và Pisu (2007) phát triển nghiên cứu này cho các doanh nghiệp Anh nhưng tập trung vào việc kiểm định, phân tích cả các kênh lan tỏa chiều dọc và chiều ngang. Tác giả kết luận rằng quyết định tham gia xuất khẩu của doanh nghiệp Anh không chịu tác động bởi các tương tác với các công ty đa quốc gia, trong khi quyết định về tỷ trọng xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi sự hiện

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/02/2023