Xét cơ cấu FDI phân theo vùng lãnh thổ dưới góc độ quốc gia, theo thống kê, trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam chỉ có 7 quốc gia có vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD, có 16 quốc gia có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, còn lại có 33 quốc gia có vốn đăng ký dưới 100 triệu USD (trong đó có tới 15 quốc gia có vốn đăng ký dưới 10 triệu USD).
Đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là Singapore với 146 dự án và 4962,3 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 9,46% số dự án và 18,80% số vốn đăng ký của cả nước. Tiếp đến là các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan (14,47% tổng số vốn đăng ký cả nước), Hàn Quốc (9,12%), Quần đảo Virgin thuộc Anh (8,86%), Nhật Bản (8,76%), Hong Kong (8,10%), Malaysia (4,08%), Mỹ (2,93%), Thái Lan (2,64%) và Australia (2,60%). Như vậy, trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam thì châu Á có tới 7 đại diện, châu Mỹ có 2 đại diện, châu Đại Dương có 1 đại diện, còn châu Âu không có đại diện nào.
Ở phía bên kia của danh sách, chỉ duy nhất với 1 dự án có số vốn đăng ký 0,1 triệu USD (chiếm 0,065% số dự án và 0,0004% số vốn đăng ký vào Việt Nam), quốc gia đến từ Nam Mỹ, Argentina, là quốc gia đứng đầu nhóm các nước đầu tư trực tiếp ít nhất vào Việt Nam. Ngoài ra, có thể kể đến các quốc gia cũng có số dự án và số vốn đầu tư rất khiêm tốn tại Việt Nam như: Latvia (0,0057% tổng số vốn đăng ký của cả nước), Sri Lanka (0,0057%), Nam Tư (0,006%), Hungary (0,007%), Cambodia (0,012%), Northern Ireland (0,012%), Western
Samoa (0,012%), Vanuatu (0,013%), Macao (0,014%),…
Như vậy, qua việc khảo sát cơ cấu FDI phân theo đối tác đầu tư dưới góc độ châu lục cũng như quốc gia của Việt Nam, có thể thấy, châu Á và các quốc gia châu Á mới thực sự là những chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng nhất đối với
hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đây là đặc điểm nổi bật nhất và đặc biệt nhất trong cơ cấu FDI phân theo đối tác đầu tư của Việt Nam. Nó không chỉ cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư châu Á, mà còn chứng tỏ rằng trình độ, điều kiện, khả năng của các nhà đầu tư châu Á cũng đang phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua [38, tr. 48]. Tuy nhiên, đặc điểm đó cũng lại chính là hạn chế của Việt Nam trong việc tiến hành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như đã biết, xét về châu lục, không phải châu Á mà chính là châu Mỹ và châu Âu mới là những châu lục cung cấp FDI lớn nhất và có chất lượng nhất thế giới. Không những vậy, do phần lớn kỹ thuật, công nghệ mới, tiến bộ cũng như các kỹ năng, cách thức quản lý, điều hành tiên tiến đều xuất phát từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ nên dòng FDI từ các quốc gia này còn thường đi kèm với những kỹ thuật, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến nhất của thế giới. Vì vậy việc không tạo được sự thu hút, hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu và châu Mỹ cũng đã làm hạn chế cơ hội cải thiện, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ và trình độ quản lý cho Việt Nam. Mặt khác, xét về quốc gia, Mỹ là nhà cung cấp FDI hàng đầu thế giới, nhưng ở Việt Nam, có lẽ do tác động của việc Chính phủ Mỹ cấm vận Việt Nam trong phần lớn thời gian của thời kỳ 1988 – 1996, Mỹ chỉ đứng thứ 8 trong số 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với việc thu hút FDI trong thời gian tới chính là phải thu hút mạnh mẽ hơn nguồn FDI dồi dào và chất lượng cao từ châu Âu, châu Mỹ, nhất là từ những nhà cung cấp FDI hàng đầu thế giới.
2.2. Biến đổi cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian suy giảm của FDI ở Việt Nam (1997 – 2000)
2.2.1. Chuyển biến giá trị và quy mô dự án FDI
Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh và đạt đến đỉnh cao vào năm 1996 (tạm gọi là đỉnh cao lần thứ nhất), bước sang năm 1997, luồng vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu giảm sút khá nhanh, mở đầu cho thời kỳ suy giảm mạnh của FDI ở Việt Nam.
Bảng 2.6: Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam thời kỳ 1997 – 2000
Số dự án | Tổng số vốn đăng ký (Triệu USD) | Vốn pháp định (Triệu USD) | |
1997 | 345 | 4649,1 | 2334,4 |
1998 | 275 | 3897,0 | 1805,6 |
1999 | 311 | 1568,0 | 693,3 |
2000 | 371 | 2012,4 | 1525,6 |
Có thể bạn quan tâm!
- Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Phân Theo Ngành Kinh Tế 1988 – 1996
- Biến Đổi Cơ Cấu Vốn Fdi Phân Theo Vùng Lãnh Thổ
- Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Phân Theo Vùng Lãnh Thổ Thời Kỳ 1988 – 1996 13
- Cơ Cấu Fdi Phân Theo Khu Vực Kinh Tế Thời Kỳ 1997 – 2000
- Biến Đổi Cơ Cấu Fdi Phân Theo Đối Tác Đầu Tư
- Biến Đổi Cơ Cấu Fdi Trong Thời Gian Phục Hồi Và Tăng Trưởng Trở Lại Của Fdi Ở Việt Nam (2001 – 2008)
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
Nguồn: Niên giám thống kê 2000, tr. 364
Năm 1997, mặc dù số dự án FDI vào Việt Nam vẫn khá cao với 345 dự án nhưng tổng số vốn đăng ký lại chỉ đạt 4649,1 triệu USD, giảm 45,29% so với năm đỉnh cao trong thu hút FDI ở Việt Nam là năm 1996. Những năm tiếp sau, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam càng trở nên ảm đạm hơn. Năm 1998, số dự án FDI tiếp tục giảm xuống còn 275 dự án với tổng vốn đăng ký là 3897,0 triệu USD. Đặc biệt, năm 1999 được xem là năm mà FDI vào Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất. Mức giảm của số dự án và số vốn đăng ký năm
1999 so với năm 1996 lần lượt là 4,31% và 81,55% tức tương đương với 311 dự án và 1568 triệu USD vốn đăng ký. Tình trạng sụt giảm liên tục trong 3 năm 1997 – 1999 chỉ được cải thiện đôi chút vào năm 2000 khi số dự án và số vốn đăng ký đều tăng lên thêm 1,19% và 1,28%.
Mặt khác, xem xét mối tương quan giữa nguồn vốn FDI với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong những năm 1997 – 2000, có thể thấy mối liên quan chặt chẽ giữa xu hướng sụt giảm của dòng FDI vào Việt Nam với xu hướng giảm sút về tỷ trọng của khu vực có vốn FDI trong cơ cấu đầu tư xã hội phân theo thành phần kinh tế.
Bảng 2.7: Vốn đầu tư xã hội phân theo thành phần kinh tế 1997 – 2000
(Tổng: tỷ đồng – Tỷ trọng: %)
Tổng số | Kinh tế Nhà nước | Kinh tế ngoài quốc doanh | KV có vốn FDI | |||||
Tổng | Tỷ trọng | Tổng | Tỷ trọng | Tổng | Tỷ trọng | Tổng | Tỷ trọng | |
1997 | 88607,1 | 100 | 43800,7 | 49,43 | 20032,1 | 22,61 | 24774,3 | 27,96 |
1998 | 90952,4 | 100 | 50497,7 | 55,52 | 21586,2 | 23,73 | 18868,5 | 20,75 |
1999 | 99854,6 | 100 | 58584,8 | 58,67 | 24011,5 | 24,05 | 17258,3 | 17,28 |
2000 | 115089,0 | 100 | 68069,6 | 59,15 | 26334,7 | 22,88 | 20684,7 | 17,97 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2004
Nếu như năm 1997 tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội là 27,96% thì đến năm 1998 giảm xuống còn 20,75%. Năm 1999, tỷ trọng của
khu vực này tụt xuống mức thấp nhất, chỉ còn 17,28%. Phải đến năm 2000, khi dòng FDI vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, thì tỷ trọng của khu vực FDI mới bắt đầu tăng nhẹ lên 17,97%. Nhìn chung, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có mức đóng góp vào cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thấp hơn khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, với việc chiếm tỷ trọng cũng không phải là nhỏ (khoảng trên dưới 1/5) trong tổng vốn đầu tư xã hội, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chứng tỏ là một khu vực có đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước của Việt Nam.
Sự biến động mạnh mẽ của tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, mà cụ thể là sự biến động về số dự án và nhất là số vốn đăng ký, đã trực tiếp kéo theo sự thay đổi về quy mô trung bình các dự án FDI. Đặc trưng lớn nhất của sự thay đổi này là xu hướng giảm sút về quy mô trung bình một dự án.
Quan sát sự thay đổi quy mô trung bình một dự án trong thời kỳ 1997 – 2000, dễ thấy mặc dù có sự giảm sút so với năm 1996 nhưng quy mô trung bình của một dự án trong 2 năm 1997 và 1998 vẫn ở mức tương đối khá, đạt 13,48 triệu USD/dự án (1997) và 14,17 triệu USD/dự án (1998). Tuy nhiên đến năm 1999, khi số vốn đăng ký sụt giảm xuống mức thấp nhất, thì quy mô trung bình của các dự án FDI ở Việt Nam chẳng những không thể giữ được mức mà nó đã đạt được trong 2 năm trước đó mà còn sụt giảm rất mạnh. Quy mô trung bình 1 dự án FDI vào năm 1999 chỉ đạt 5,04 triệu USD, giảm 64,43% so với năm 1998 và 80,73% so với năm 1996. Năm 2000, quy mô trung bình của các dự án FDI vào Việt Nam có tăng nhẹ nhưng về cơ bản vẫn ở mức thấp, đạt 5,42 triệu USD/dự án. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng trên hoặc là do tốc độ giảm số
vốn đăng ký cao hơn tốc độ giảm số dự án đăng ký hoặc là do số dự án tăng lên trong khi số vốn đăng ký lại tiếp tục giảm đi.
Bảng 2.8: Quy mô trung bình dự án FDI thời kỳ 1997 – 2000
1997 | 1998 | 1999 | 2000 | |
Trị giá (USD) | 13,48 | 14,17 | 5,04 | 5,42 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2000, tr. 364
Nhìn chung, dù có những biến chuyển tăng giảm khác nhau qua các năm nhưng về cơ bản quy mô trung bình các dự án FDI ở Việt Nam thời kỳ 1997 – 2000 vẫn khá thấp. Điều này chứng tỏ rằng, phần lớn các dự án FDI ở Việt Nam đều là các dự án vừa và nhỏ.
Xu hướng sụt giảm luồng vốn và quy mô trung bình các dự án FDI vào Việt Nam trong thời gian 1997 – 2000 được các nhà nghiên cứu lý giải bằng tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á bùng nổ vào năm 1997. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á được khởi phát từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan vào tháng 7 – 1997, sau đó ảnh hưởng, lan rộng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ và giá cả của nhiều nước châu Á, trong đó có cả những quốc gia được ví là “những con hổ Đông Á”, như: Phillipines, Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia,… Có thể không phải phủ nhận rằng, trong thời gian này, nền kinh tế thị trường của Việt Nam phát triển chưa đầy đủ, thị trường tài chính của Việt Nam còn nhỏ bé song không phải vì vậy mà cho rằng Việt Nam nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng mang tính khu vực đó. Một trong những biểu hiện cụ thể chính là sự sụt giảm của dòng FDI vào Việt Nam. Như đã biết, dòng FDI chảy vào Việt Nam xuất phát từ nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới nhưng khởi nguồn chủ yếu của nó lại là từ
châu Á và các quốc gia châu Á. Vì vậy, bất kỳ sự biến động nào trong nền kinh tế của các quốc gia châu Á đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các nhà cung cấp FDI chủ yếu cho Việt Nam. Khi đó, như một hiệu ứng dây chuyền, dòng FDI vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, đối với các nhà đầu tư đến từ các châu lục khác, sự bùng nổ và tác động tương đối nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ở châu Á, mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thì sự lo ngại về môi trường đầu tư ở Việt Nam là có thực, thậm chí rất lớn. Do đó, không ít nhà đầu tư đã lựa chọn giải pháp tối ưu hơn cả lúc này là chờ đợi những dấu hiệu khả quan hơn từ nền kinh tế Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Hệ quả là dòng FDI từ các châu lục chảy về Việt Nam đã giảm khá mạnh trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới sự sụt giảm của dòng FDI vào Việt Nam trong thời gian 1997 – 2000 chính là xuất phát từ sự thay đổi về pháp luật đầu tư ở Việt Nam. Cụ thể là, năm 1996, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và áp dụng thay thế cho Luật sửa đổi, bổ sung lần Luật Đầu tư nước ngoài năm 1992. Với lần ban hành mới này thì Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã điều chỉnh theo hướng quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ và giảm bớt sự ưu đãi đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài so với Luật bổ sung, sửa đổi lần thứ hai (1992). Vì vậy, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 trên thực tế đã không những không đáp ứng được những mong mỏi, kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài khi Quốc hội Việt Nam công bố sẽ ban hành mới Luật Đầu tư nước ngoài mà nó còn gây tác động ngược lại, khiến nhà đầu tư nước ngoài thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam đã kém hấp dẫn đi rất nhiều. Chính vì vậy, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở khu vực vốn được nhiều chuyên gia xem là cơ hội vô cùng thuận lợi cho Việt
Nam có thể hút dòng FDI chảy vào các quốc gia Đông Nam Á khác đổ vào Việt Nam đã không được Việt Nam tận dụng triệt để. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác, nhờ được sự giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, tài chính và tiền tệ quốc tế, nhất là về các đối sách ứng phó để khắc phục khủng hoảng, phát triển kinh tế, cũng như nhờ sự nhạy bén, tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đã nhanh chóng thu hút được các nhà cung cấp FDI quay trở lại đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực, nhưng Việt Nam được nhiều nhà kinh tế đánh giá là quốc gia chịu tác động “trễ” và không nặng nề như nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, mức độ sụt giảm của dòng FDI vào Việt Nam nhìn chung cũng không mạnh mẽ bằng một số quốc gia khác trong khu vực như: Indonesia, Philippines. Điều này, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể xem là một thành công của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực.
Về tình hình thực hiện dự án FDI, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 4 năm (1997 – 2000), đã có 663 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm đạt 3162 triệu USD. Các dự án tăng thêm này chủ yếu là các dự án hoạt động có hiệu quả của thời kỳ trước và các dự án của thời kỳ này đã đi vào triển khai, hoạt động và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều dự án phải giải thể, nhiều dự án đã hết hạn và bị rút giấy phép hoạt động. Thống kê này cũng cho thấy, có tới 385 dự án với tổng vốn đầu tư là 5550 triệu USD phải giải thể và 12 dự án có tổng vốn đăng ký 47,1 triệu USD hết hạn. Tính chung, trong thời kỳ 1997 – 2000, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 10532 triệu USD (tương đương 86,81% tổng số vốn đăng ký, cao hơn 2 lần so với thời kỳ trước); trong đó vốn từ nước ngoài là 9492 triệu USD, chiếm 90,13%, vốn