Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - 18


ngân hàng. Khi nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, BIDV vẫn song song huy động vốn trở lại từ các nhóm khách hàng tổ chức kinh tế với huy động từ nhóm khách hàng cá nhân này. Và tính đến năm 2018, BIDV đã nhiều lần là ngân hàng bán lẻ lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với huy động từ nguồn vốn tiền gửi, BIDV đã thực hiện phát hành các giấy tờ có giá, cụ thể là trái phiếu để huy động trên thị trường khi nhận thấy thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Việc phát hành trái phiếu đã đem lại nguồn vốn huy động tương đối lớn cho ngân hàng, góp phần gia tăng được tỷ trọng của nguồn vốn này cho ngân hàng.

Song song với huy động vốn phù hợp với sự phát triển của thị trường, BIDV đã sử dụng vốn một cách tương đối hiệu quả khi tùy thuộc vào dấu hiệu phục hồi hay suy thoái của nền kinh tế để đưa ra các quyết định đầu tư, chủ động gia tăng tính thanh khoản của bản thân. Sự đa dạng trong các kênh sử dụng vốn đã giúp BIDV giảm thiểu được rủi ro, tối ưu hóa được thu nhập đem lại cho ngân hàng. Một minh chứng cụ thể đó là tốc độ tăng trưởng thu nhập của ngân hàng luôn ở mức hợp lý.

Thứ hai, mở rộng mạng lưới phân phối, thu hút khách hàng.

Trong giai đoạn nghiên cứu, mạng lưới hoạt động theo kênh truyền thống và kênh hiện đại đã được BIDV kết hợp, từ đó mở rộng được phạm vi hoạt động cũng như mạng lưới phân phối của mình. Số lượng phòng giao dịch và chi nhánh; số lượng máy ATM và máy POS; số lượng nhân viên của ngân hàng gia tăng theo từng năm nghiên cứu. Qua đó tạo điều kiện giúp ngân hàng dễ dàng tiếp cận được với những khách hàng ở khắp nơi trên cả nước. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, có sự hiện diện thương mại ở các nước trong khu vực và trên thế giới đã giúp BIDV mở rộng phân phối cung ứng dịch vụ, sản phẩm của mình ra không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn trong phạm vi khu vực và quốc tế.

Thứ ba, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.

BIDV là một trong các ngân hàng Việt Nam thực hiện Basel II. Basel II quy định các ngân hàng sẽ cần phải đảm bảo được các tiêu chí theo quy định của quốc tế, các chuẩn mực về quản trị rủi ro (như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, và rủi ro vỡ nợ,...). Theo đó, để đạt được Basel II, BIDV đã thực hiện lộ


trình quản trị rủi ro, xây dựng mô hình quản trị rủi ro để đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định trong đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Thứ tư, đầu tư vào khoa học công nghệ, cung ứng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao.

BIDV là một trong các ngân hàng Việt Nam tiên phong đầu tư vào khoa học công nghệ. Ngân hàng đã thành công đưa ra các dịch vụ và sản phẩm thông minh, có yếu tố công nghệ cao giúp khách hàng giảm thiểu được thời gian và chi phí giao dịch. Đồng thời với sự đầu tư cho khoa học công nghệ, BIDV đã tiếp cận được với những nhóm khách hàng tiềm năng, ví dụ như nhóm khách hàng có sử dụng điện thoại thông minh nhưng chưa có tài khoản tại ngân hàng thông qua các dịch vụ mobile banking,...

Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - 18

2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân

2.4.2.1. Hạn chế

Thứ nhất,hệ số khả năng chi trả, khả năng thanh khoản của BIDV trong các năm nghiên cứu chủ yếu vẫn còn thấp.

Hệ số khả năng chi trả, an toàn thanh khoản của BIDV còn thấp dẫn đến rủi ro khá cao về thanh khoản của ngân hàng. Thể hiện qua hệ số đảm bảo tiền gửi và tỷ lệ thanh khoản của tài sản. Hệ số đảm bảo tiền gửi và tỷ lệ thanh khoản của tài sản BIDV chủ yếu chưa đáp ứng được chỉ tiêu của NHNN đưa ra trong hệ thống NHTM khi hầu hết các năm nghiên cứu của BIDV đều có hệ số dưới 20%. Mặt khác, tỷ lệ dự trữ thanh khoản trước năm 2014 đều không đạt được mức tối thiểu theo quy định (tối thiểu 15%). Tỷ lệ thanh khoản của ngân hàng dưới 20% từ sau năm 2014cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chưa đạt được mức tối thiểu theo quy định của NHNN.

Tỷ lệ an toàn tín dụng của BIDV vẫn vượt chuẩn so với quy định, thể hiện qua tỷ lệ là cho vay/tổng tài sản và dư nơ cho vay/tiền gửi. Nếu tính theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ dư nơ cho vay/tiền gửi trong rất nhiều năm vượt qua 100%, thể hiện việc khó khăn trong huy động vốn của ngân hàng chưa đáp ứng được với khả năng cung ứng vốn (hay nhu cầu vốn) của thị trường. Nhìn chung, hiệu suất sử dụng vốn LTDR của BIDV là cao so với tiêu chuẩn của ngành. Tỷ lệ cho vay/tổng tài sản còn rất thấp


trong các năm trước 2013. Dự phòng rủi ro của BIDV có xu hướng giảm mạnh trong các năm nghiên cứu đã dẫn tới sự gia tăng trong tiềm năng nợ xấu mà ngân hàng có thể phải đối mặt trong tương lai.

Thứ hai, an toàn tín dụng của ngân hàng còn yếu.

Hệ số đảm bảo tiền gửi của ngân hàng chưa đạt được mức quy định của NHNN khi đại đa số các năm nghiên cứu hệ số này của BIDV đều đạt dưới mức 30%. Hệ số đảm bảo tiền gửi thấp có thể khiến ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao trong hoạt động tín dụng của mình. Bên cạnh đó, mức độ tổn thất của ngân hàng chủ yếu trên 1 cho thấy rằng trong hoạt động tín dụng, BIDV luôn phải đối mặt với tổn thất tương đối cao.

Thứ ba, là về tỷ suất sinh lời của ngân hàng.

Các năm nghiên cứu BIDV chủ yếu đạt được ROA dưới 1% trong khi ROE dưới 15%, phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng còn rất giới hạn. Đặc biệt khi so sánh với các ngân hàng lớn khác trong cùng ngành, ROA của BIDV đạt được rất khiêm tốn. Tuy nhiên, trong năm 2014, 2015 và 2016, mặc dù ROE của BIDV đạt được vẫn thấp nhưng vẫn dẫn đầu trong hệ thống do các ngân hàng khác đều giảm ROE của mình rất mạnh so với các năm trước đó. ROE thấp còn phản ánh rằng hiệu quả quản lý về chi phí, khả năng sinh lời của tài sản chưa cao, cấu trúc vốn chưa hợp lý. Trong 5 năm cuối giai đoạn nghiên cứu, BIDV đã có sự giảm mạnh ở cả hai chỉ tiêu ROA và ROE, chỉ xếp trong khoảng giữa của 12 NHTM được nghiên cứu.

Thứ tư, là hiệu quả quản lý.

Trong các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản lý của ngân hàng, chỉ tiêu tổng thu nhập/tổng tài sản của BIDV giảm, cho thấy rằng dù quy mô tài sản của ngân hàng ngày càng lớn nhưng thu nhập mà ngân hàng đạt được hoàn toàn không tương xứng với sự gia tăng quy mô đó. Hiệu quả quản lý tài sản trong hoạt động để tăng thu nhập cho ngân hàng vẫn còn thấp. Trong các năm từ 2013 trở về trước, tốc độ tăng trưởng của chi phí vẫn vượt qua so với tốc độ tăng trưởng của thu nhập. Tỷ lệ chi phí/thu nhập vẫn chủ yếu trên 70% cho thấy rằng ngân hàng vẫn chưa thành công trong việc tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa thu nhập của mình để góp phần gia tăng lợi nhuận.


Thứ năm, nợ khó đòi của ngân hàng vẫn ở mức cao.

Các khoản nợ xấu (đặc biệt trong nhóm 4 và nhóm 5) có xu hướng gia tăng mặc dù tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. Ngân hàng vẫn chưa có những biện pháp cũng như chính sách cần thiết để có thể giảm thiểu các khoản thu có rủi ro cao này. Các khoản nợ xấu này kéo theo việc ngân hàng sẽ phải gia tăng các khoản dự phòng rủi ro của mình trong quá trình hoạt động. Việc gia tăng các khoản dự phòng rủi ro sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng xuống. Đặc biệt là khi hàng năm, ngân hàng vẫn sử dụng khoản dự phòng rủi ro của mình với số lượng lớn đã khiến cho việc trích lập dự phòng của ngân hàng cần được thực hiện hàng năm để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động của mình.

Thứ sáu, quy mô của ngân hàng chưa gắn liền với hiệu quả kinh doanh.

Sau khi cổ phần năm 2012 và thực hiện sáp nhập MHB năm 2015, quy mô tổng tài sản của BIDV có sự gia tăng đột biến. Tuy nhiên khi đánh giá phân tích về thu nhập và lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sẽ nhận thấy rằng tốc độ tăng trưởng của hai chỉ tiêu này không tương xứng với tốc độ phát triển của tài sản. Đặc biệt sau năm 2015, khoảng cách tăng trưởng của tài sản với thu nhập và lợi nhuận có xu hướng được mở rộng ra. Trong mô hình Tobit cũng chỉ ra kết quả tương ứng khi nhân tố tài sản đại diện cho quy mô cho ngân hàng hoàn toàn không có ý nghĩa tác động tới biến hiệu quả kỹ thuật của BIDV trong các năm.

Thứ bảy, ảnh hưởng của chi phí đến hiệu quả kinh doanh.

Nếu như xét trong phần thực trạng hiệu quả kinh doanh của BIDV nhận thấy rằng, chi phí có ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến lợi nhuận và thu nhập của ngân hàng. Các khoản chi phí gia tăng hay giảm sút sẽ có ảnh hưởng ngược chiều đến lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, trong phần kiểm định lại của mô hình lại nhận thấy rằng hai nhân tố có liên quan tới chi phí, là COSTINC và CTAR lại không có phản ánh được ảnh hưởng tới tất cả các loại hình hiệu quả của ngân hàng, mặc dù chiều hướng ảnh hưởng có theo kỳ vọng của nghiên cứu sinh. Có thể hai chỉ tiêu này tác động tới một loại hình hiệu quả của ngân hàng (hoặc TE hoặc PTE) nhưng đều không có tác động tới hiệu quả quy mô. Và điều đó đã cho thấy sự mở rộng quy mô hoạt động của ngân hàng đã đem lại những chi phí lớn hơn so với hiệu quả mình cần mong đợi.


Thứ tám, một số hoạt động chưa tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.

Trong số các hoạt động của ngân hàng, hoạt động đầu tư chứng khoán (bao gồm mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư) đôi khi vẫn có chi phí vượt quá thu nhập, tạo ra các khoản lỗ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối; hoặc góp vốn, mua cổ phần có tạo ra nguồn thu cho ngân hàng nhưng thu nhập thuần mang lại từ hai khoản này còn rất khiêm tốn. Như vậy, trong giai đoạn nghiên cứu BIDV vẫn chủ yếu sinh lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, những hoạt động phi tín dụng vẫn chưa đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Đây là một trong những điều BIDVcần khắc phục khi theo xu hướng của thế giới lợi nhuận từ hoạt động phi tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của ngân hàng.

2.4.2.2. Nguyên nhân

* Nguyên nhân khách quan

Một là, tăng trưởng của nền kinh tế gặp khó khăn thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính.

Giai đoạn 2007-2015 là giai đoạn nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu và khắc phục ảnh hưởng của nó để lại. Nền kinh tế Việt Nam đặc biệt khó khăn khi có thời gian lạm phát đạt mức hai con số trong giai đoạn 2009-2013 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp- khách hàng chủ yếu của các NHTM. Số lượng doanh nghiệp xin phá sản gia tăng đột biến, kéo theo sự gia tăng của các khoản nợ xấu cho các ngân hàng. Chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế, các khoản thu nhập của BIDV (bao gồm cả các khoản thu nhập lãi và ngoài lãi) đều có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động của ngân hàng, BIDV đã thực hiện chính sách mở rộng phạm vi hoạt động, đẩy mạnh sáp nhập và mua bán lại cũng như mở rộng các kênh phân phối, gia tăng số lượng nhân viên. Những chính sách này của BIDV đã kéo chi phí hoạt động gia tăng với tốc độ cao, vượt qua tốc độ tăng trưởng của thu nhập. Hậu quả kéo theo là sự giảm của tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận.

Là một trong những NHTM nòng cốt của Việt Nam, ngoài việc gia tăng lợi nhuận, BIDV còn phải thực hiện các chính sách của Nhà nước trong từng giai đoạn.


Và để tăng trưởng kinh tế, BIDV cần thực hiện việc cung ứng tín dụng của mình ra thị trường nhiều hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp và tư nhân về vốn. Hoạt động này đã dẫn đến tỷ lệ dư nơ cho vay/tiền gửi của BIDV luôn ở mức độ cao (trên 1).

Đồng thời, khủng hoảng tài chính đã làm kiệt quệ tài chính của các doanh nghiệp, khiến cho các khoản vay trước đó của họ với NHTM không có khả năng chi trả. Hệ quả, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM gia tăng cao trong giai đoạn này, khiến cho NHNN và các NHTM phải đưa ra các giải pháp tức thời để kiểm soát các khoản nợ xấu này. BIDV là một trong tứ trụ của hệ thống ngân hàng, hoạt động cung ứng vốn ra trên thị trường (bao gồm cả những khoản cung ứng theo chỉ thị của Nhà nước) chiếm một thị phần lớn, do vậy tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã gia tăng đột biến trong những năm ảnh hưởng này.

Hai là, công tác quản lý của Nhà nước.

Những quy định trong hệ thống ngân hàng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Có thể kể đến như sự bất cập trong trần lãi suất, quỹ dự trữ bắt buộc, tỷ giá hối đoái, kinh doanh vàng,… Những quy định về các yếu tố này thường gây bất lợi, khó khăn cho NHTM trong quá trình hoạt động. Các NHTM nói chung, BIDV nói riêng cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện theo những quy định về công khai minh bạch, về công tác thanh tra và kiểm tra của NHNN do những tiêu chí đánh giá chưa hợp lý, rõ ràng.

Ba là, thị trường Việt Nam dù đã cải thiện và phát triển, tuy nhiên vẫn còn hạn chế.

Thị trường Việt Nam bị hạn chế trên nhiều khía cạnh, cụ thể:

Thị trường vốn của Việt Nam còn yếu khiến BIDV nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung khó có thể gia tăng được vốn chủ sở hữu. Bên cạnh thị trường vốn, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa được hình thành, từ đây việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu trở nên nan giải hơn cho BIDV. Yếu tố rủi ro của thị trường Việt Nam còn cao cho cả doanh nghiệp và ngân hàng đã khiến một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư nước ngoài chùn chân khi đầu tư và kinh doanh tại đây. Như vậy, BIDV và các ngân hàng sẽ bị giảm sút đi một phần vốn huy động được từ bên ngoài quốc tế.

Bốn là, tập quán tiêu dùng, chi tiêu của người dân.

Tại Việt Nam có rất nhiều người dân có điện thoại di động nhưng không có tài khoản mở tại các ngân hàng. Nguyên nhân có thể do điều kiện vị trí địa lý khiến cho họ


không thể tiếp cận được với các dịch vụ và sản phẩm của ngân hàng. Một nguyên nhân khác đó là do những người này có thói quen sử dụng giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt; họ không có nhu cầu giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt nên họ không thực hiện mở tài khoản tại ngân hàng. Bộ phận khách hàng trong nhóm này chiếm tỷ trọng tương đối lớn tại Việt Nam, từ đây khiến các NHTM và BIDV phải có những giải pháp tiếp cận được với nhóm khách hàng này để gia tăng thu nhập của mình.

* Nguyên nhân chủ quan

Một là, hiệu quả của mạng lưới, hoạt động của các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao gặp hạn chế.

BIDV đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao cho khách hàng. Tuy nhiên, do thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam chưa phát triển, khả năng sử dụng các sản phẩm công nghệ cao của khách hàng còn hạn chế đã khiến cho các sản phẩm, dịch vụ có công nghệ cao ngân hàng đưa ra chưa sử dụng hết công suất. Bên cạnh đó, với số lượng mạng lưới khổng lồ, BIDV gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của các sản phẩm và dịch vụ đó. Số lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao có sự chênh lệch lớn giữa các chi nhánh và phòng giao dịch. Đặc biệt, khi ứng dụng nhiều khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ trong một môi trường khoa học công nghệ chưa phát triển sẽ là con dao hai lưỡi, khiến hoạt động của ngân hàng với khách hàng gặp nhiều khó khăn hơn khi khách hàng khó tiếp cận được với các dịch vụ đó.

Số lượng nhân viên của BIDV liên tục gia tăng nhưng không đồng đều ở các chi nhánh, phòng giao dịch. Chất lượng của nhân viên giữa các chi nhánh cũng có khoảng cách. Một số chi nhánh, phòng giao dịch mặc dù có số quầy lớn nhưng cơ cấu giữa giao dịch với tư nhân và với khách hàng không hợp lý, dẫn đến trường hợp khách hàng phải đợi lâu mới được phục vụ. Đặc biệt khi lượng khách hàng lẻ của BIDV ngày càng tăng, đòi hỏi thời gian phục vụ một khách hàng của nhân viên phải nhanh hơn, số lượng quầy dành cho những đối tượng này cũng nên gia tăng để tránh tình trạng quá tải.

Trong nền kinh tế thị trường mở, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng luôn thay đổi, và đòi hỏi ở chất lượng cao hơn. Do vậy, NHTM cần có tầm nhìn xa hơn để có thể ứng biến với những nhu cầu của


khách hàng, cần có chính sách để bổ sung, thay đổi các sản phẩm của mình kịp thời để bắt kịp cuộc đua cạnh tranh.

Hai là, chất lượng của đội ngũ quản lý, nhân viên.

Trình độ đội ngũ quản lý, nhân viên luôn được cải thiện thông qua các lớp đào tạo, huấn luyện cũng như gia tăng chất lượng trong công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, khi đề ra mục tiêu là ngân hàng có phạm vi hoạt động mở rộng ra ngoài lãnh thổ nội địa, trình độ của đội ngũ cán bộ của ngân hàng khi so sánh với các NHTM trong khu vực và thế giới còn khoảng cách khá lớn. Khoảng cách về chất lượng này được phản ánh nhiều nhất qua kinh nghiệm quản lý, thực tế công việc của đội ngũ quản lý và nhân viên. Đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc của nhân viên là yếu tố khó quản lý, do vậy chất lượng quan hệ giữa ngân hàng (đặc biệt là giao dịch viên) với khách hàng ở các chi nhánh, phòng giao dịch sẽ có sự chênh lệch. Một số nơi, chất lượng quan hệ này còn bị hạn chế, đặc biệt là những phòng giao dịch, chi nhánh có khoảng cách xa với trụ sở chính, hoặc nằm ở những nơi vị trí địa lý khó khăn.

Ba là, sự tăng trưởng quá nhanh của tài sản so với các yếu tố khác.

BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt sau khi sáp nhập MHB, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng mạnh mẽ khiến hàng loạt các chỉ tiêu của ngân hàng bị ảnh hưởng. Đầu tiên là chỉ tiêu khả năng sinh lời ROA và ROE đều có dấu hiệu giảm sút từ năm 2015. Kế đó là chỉ tiêu thu nhập/tài sản của ngân hàng đều ở mức dưới 8% từ năm 2015 mặc dù thu nhập của ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn. Thêm vào đó, các tài sản có yếu tố thanh khoản cao không theo kịp được về tốc độ tăng trưởng của tài sản đã khiến cho tỷ lệ thanh khoản của tài sản BIDV đều ở mức dưới quy định, dẫn tới rủi ro trong thanh khoản của ngân hàng.

Bốn là, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế.

Quản trị rủi ro chủ yếu đánh giá trên quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro thanh khoản. Theo đó, quản trị rủi ro tín dụng phụ thuộc lớn vào biến động của thị trường và tài sản bảo đảm của ngân hàng trong hoạt động cho vay. Khi thị trường có sự biến động xấu, giá trị của tài sản bảo đảm giảm sẽ tác động tiêu cực tới quản trị rủi ro của ngân hàng. Với hoạt động tín dụng chiếm chủ yếu, BIDV không thể tránh được phải đối mặt với rủi ro tín dụng này. Cùng với đó, phương pháp phân

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 28/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí