Những bảo tàng, nhà lưu niệm địa phương có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống của địa phương, của dân tộc cho đông đảo quần chúng nhân dân.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh thuộc loại hình lịch sử quân sự. Bảo tàng là nơi gìn giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, quí hiếm để giới thiệu về những chiến công anh hùng, sự hi sinh của bộ đội Trường Sơn và tình đoàn kết keo sơn chiến đấu của anh em ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bảo tàng đường Hồ Chí Minh cách trung tâm Hà Nội khoảng 16km, thuộc quận Hà Đông. Bảo tàng được khởi công xây dựng vào tháng 12/1996, khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 14/4/1999 nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh- ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Với phương pháp trưng bày hết sức ấn tượng cùng với 15.000 hiện vật gốc gắn liền với lịch sử của dân tộc cùng sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ bảo tàng, mà từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn với du khách. Đồng thời, Bảo tàng cũng làm tròn trách nhiệm giáo dục truyền thống lịch sử, ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam.
1.1.3. Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông
1.1.3.1. Vai trò
Bảo tàng đường Hồ Chí Minh cũng giống như nhiều bảo tàng khác luôn có những đóng góp nhất định trong việc giáo dục học sinh và góp phần làm phong phú hơn lịch sử của nhân loại.
Thứ nhất, đưa bảo tàng vào dạy học lịch sử trong trường phổ thông nhằm thực hiện phương châm giáo dục của Đảng.
Trong luật giáo dục (2005) các mục tiêu, nguyên tắc giáo dục của Đảng đã được thể chế hóa, làm rõ: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với
lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.” [15, tr. 8]. Do đó các môn học trong nhà trường ngoài cung cấp tri thức, kĩ năng cho học sinh cần phải góp phần đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ.
Học bộ môn lịch sử trong đó có sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu của bảo tàng sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục của Đảng đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm!
- Sử dụng bảo tàng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Hà Đông - Hà Nội - 1
- Sử dụng bảo tàng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Hà Đông - Hà Nội - 2
- Quan Niệm Về Sử Dụng Bảo Tàng Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Phổ Thông
- Yêu Cầu Sử Dụng Bảo Tàng Đường Hồ Chí Minh Trong Dạy Học Lịch Sử.
- Tổng Hợp Ý Kiến Gv Và Hs Về Sự Cần Thiết Của Việc Sử Dụng Bảo Tàng Trong Dhls Ở Trường Phổ Thông.
- Vị Trí, Mục Tiêu, Nội Dung Của Phần Lịch Sử Việt Nam Thời Kì 1954-1975
Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.
Thứ hai, sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử Việt Nam là nguồn tài liệu quí giá ngoài sách giáo khoa, góp phần bổ sung kiến thức, làm phong phú hơn cho nội dung bài học lịch sử. Đặc trưng của dạy học lịch sử là “học sinh không thể trực quan sinh động được các sự kiện (kể cả sự kiện đang xảy ra ngoài tầm mắt các em) không thể tái diễn lại lịch sử trong phòng thí nghiệm (dù trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển, các nhà nghiên cứu cũng chỉ dựng lại một phần của sự kiện)” [13, tr.127]. Với nội dung trình bày trong SGK học sinh chưa có được cái nhìn đầy đủ, khái quát về sự kiện lịch sử hay sự phát triển của lịch sử dân tộc. Do đó, sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử Việt Nam sẽ giúp các em có cái nhìn đầy đủ và khái quát và toàn diện hơn những vấn đề lịch sử, điều đó sẽ tạo nên sự hứng thú, tìm tòi, khơi dậy niềm tự hào cho học sinh.
Thứ ba, sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử cũng là một biện pháp nâng cao chất lượng bộ môn trong thực trạng dạy và học môn lịch sử hiện nay. Học sinh được học tập tại bảo tàng, được xem các tư liệu, hiện vật tại bảo tàng đưa vào bài học lịch sử sẽ làm các em có kiến thức phong phú, chân thực hơn và hiểu được những đóng góp, hi sinh lớn lao của các thế hệ cha anh cho dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Bên cạnh đó, HS được tham quan, học tại bảo tàng, được hoạt động qua các trò chơi sẽ tạo cho các em sự hứng thú, tiếp cận lịch sử vừa chân thực vừa không khô khan .Với các
tư liệu được cung cấp, phân tích lồng ghép trong các bài học sẽ tạo cho các em sự yêu thích và hứng thú với bộ môn lịch sử. Qua đó cũng tạo động lực học tập và trách nhiệm của các em trong hiện tại và tương lai.
1.1.3.2. Ý nghĩa
Cung cấp kiến thức lịch sử:
Bảo tàng đường Hồ Chí Minh trưng bày hơn 2.000 hiện vật khác nhau về thời kì “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ” của đoàn 559 anh hùng bao gồm cả tư liệu hiện vật trong nhà và ngoài trời. Mỗi tư tư liệu,hiện vật của bảo tàng đều liên quan tới những vấn đề lịch sử của thời kì chống Mĩ (1954 - 1975). Học sinh được học trên lớp và được bổ sung kiến thức tại bảo tàng sẽ làm cho học sinh có một cái nhìn sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử.
Ví dụ, khi học bài 21 “ Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Miền Nam (1954 - 1965)” (SGK Lịch sử lớp 12) phần “Chiến tranh đặc biệt” GV nên kết hợp với chủ đề 1 trưng bày của bảo tàng (Thành lập Đoàn 559). Bước đầu tổ chức và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy (1959-1964). Đây là chủ đề mở đầu giới thiệu sự ra đời của Đoàn 559 trên tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn với khẩu hiệu “Đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng” với phương thức vận chuyển vác bằng vai, thồ bằng ngựa, voi và bằng xe đạp của bộ đội Trường Sơn. Chủ đề trưng bày này của bảo tàng đã bổ sung thêm kiến thức cho học sinh về con đường chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Học sinh sẽ được mở rộng kiến thức về cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng mọi cách ngăn chặn sự chi viện của hậu phương với tiền tuyến khi thực hiện tinh thần khẩu hiệu “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn cũng như tinh thần dũng cảm, ngoan cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Ví dụ dạy bài 22: “ Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965 - 1973)” (SGK Lịch sử lớp 12) phần “Chiến lược chiến tranh cục bộ”,trong phòng trưng bày “Trường Sơn - nơi thử nghiệm chiến tranh điện tử của Mỹ” học sinh sẽ được hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc ta khi phải chống lại một siêu cường về kinh tế và quân sự như đế quốc Mỹ. Mô hình “Cây nhiệt đới”, Mỹ đã sử dụng hệ thống điều khiển máy bay hiện đại để hòng ngăn chặn con đường chi viện của ta. Để tăng cường khả năng ngăn chặn các đoàn vận tải trên các tuyến đường Trường Sơn, quân đội Mỹ sử dụng các máy bay vận tải như АС-119, АС-47, АС-130 trang bị một hệ thống tác chiến điện tử rất hiện đại, hoạt động hiệu quả trong môi trường thiếu ánh sáng và nhiễu loạn bởi các vụ nổ. Đó là các hệ thống TV quang học điện tử nhạy sáng hoạt động trong điều kiện ánh sáng mờ, hệ thống radar và video quan sát hồng ngoại FLIR vùng bán cầu phía trước của máy bay, hệ thống "Black Crow" (quạ đen) phát hiện sự đột biến của từ trường (khi động cơ khởi động và nổ máy, có hiện tượng đánh lửa ở bugi).
Ví dụ, ảnh “Đường 20 Quyết Thắng”: tuyến đường vượt đỉnh Trường Sơn nối hậu phương với tiền tuyến, trên tuyến đường này có 3 trọng điểm ATP, túc cua chữ A, ngầm TaLê đèo Phu-la-nhích. Năm 1966, để mở được con đường này bộ đội Trường Sơn phải chọc thủng dãy núi hơn 100km. Và hoàn thiện trong vòng chưa đầy 3 tháng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét “ Con đường này là con đường kì công, kì tích, kì quan, là con đường huyết mạch từ Đông sang Tây”. Ngay từ khi con đường mới được mở xong kẻ địch đã phát hiện và liên tục đánh phá ngày đêm với đủ loại, đủ kiểu máy bay,kể cả siêu pháo đài bay B52. Có ngày chỉ ở một trọng điểm đã bị chúng đánh 38 trận, chúng đánh từ bom nổ ngay đến bom chờ nổ, từ trường, bom bi, bom lá và cả cây nhiệt đới. Ở cua chữ A, có đợt chúng tập trung B52 đánh phá 32 trận liên tiếp, có trận chúng trút một lúc hàng trăm tấn bom, làm cho hàng
chục kilomet vuông đang xanh tươi biến thành một vùng đỏ quạch, trơ trụi, không một bụi cây, ngọn cỏ nào sống sót. Đất đã bị cày xới, nghiền nát thành bột, lội bộ ngập đến nửa ống chân.
Phát triển kĩ năng:
Trong quá trình tìm hiểu và khai thác các tư liệu hiện vật ở bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử ngoài việc góp phần hình thành kiến thức lịch sử, giáo dục tư tưởng, đạo đức, còn góp phần rèn luyện kỹ năng, phát triển các năng lực tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh.
Sử dụng các tư liệu hiện vật ở bảo tàng trong dạy học lịch sử Việt Nam góp phần rèn luyện cho học sinh thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa. Việc sử dụng tài liệu, hiện vật ở bảo tàng trong dạy học lịch sử không dừng lại ở việc minh họa, tạo biểu tượng lịch sử mà còn từng bước hình thành khái niệm giúp học sinh nắm vững đặc trưng bản chất, mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử, rút ra bài học, quy luật lịch sử…
Qua tham quan bảo tàng kết hợp với hướng dẫn viên của bảo tàng,học sinh được rèn luyện kĩ năng quan sát dựa trên các nguồn tư liệu được trưng bày trong bảo tàng. Trên cơ sở đó, học sinh cũng được phát triển kĩ năng tưởng tượng và diễn đạt trôi chảy, logic các vấn đề liên quan đến bài học lịch sử.
Ví dụ: Khi giáo viên giới thiệu hình ảnh “Đường ống dẫn dầu” được bắt đầu từ biên giới Việt - Trung kéo dài đến miền Đông Nam Bộ, học sinh được quan sát và trình bày những hiểu biết của mình về đường ống dẫn dầu này. Đó là một dòng chảy huyền thoại được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể nói rằng đường ống xăng dầu vào Nam là kỳ tích của cả dân tộc góp phần "đánh Mỹ và thắng Mỹ".
Đây cũng là con đường đầy huyền thoại mà người Mỹ không thể nào biết rõ, bởi họ không thể nào tưởng tượng được rằng trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam, lại bị bom đạn đánh phá liên tục bất cứ ở điểm nào mà Việt
Nam vẫn hình thành được một đường ống dẫn xăng dầu dài hàng nghìn kilomet, lại còn nối với nhiều cảng nhỏ để tiếp nhận dầu từ các tàu biển...
Tuy nhiên, không chỉ người Mỹ, mà cả những nước bạn của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, những người đã trực tiếp viện trợ và giúp đỡ cả xăng dầu và vật tư cũng không hình dung Việt Nam có thể làm được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu như thế. “Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam,tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương lớn vượt Trường Sơn vào đến tuyến chiến lược tạo nên một nhân tố mới cực kì quan trọng cho vận chuyển cơ giới với qui mô lớn” [19, tr. 37].
Trên cơ sở đó, bồi dưỡng cho các em lòng tự hào, ngưỡng mộ tài trí cũng như công sức của bộ đội Trường Sơn và tình yêu quê hương, trách nhiệm đối với xã hội.
Sử dụng các tư liệu, hiện vật ở bảo tàng trong dạy học lịch sử còn giúp HS phát triển các năng lực tri giác, như quan sát, hình dung, tưởng tượng về các sự kiện lịch sử một cách sinh động, cụ thể.
Ví dụ: Học sinh được tham quan các hiện vật trưng bày ngoài trời như các loại xe, máy, phương tiện vận chuyển, đảm bảo giao thông,vũ khí chiến đấu của bộ đội Trường Sơn đã sử dụng để bảo vệ tuyến đường. Hay xem “Hầm chỉ huy Sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Đoàn 559”, “cầu treo”, “phà qua sông”… các em có thể thuyết trình nêu lên những khó khăn của bộ đội Trường Sơn khi phải chống lại một đế quốc sừng sỏ trên thế giới với sức mạnh về tài chính và quân sự.
Giáo dục tư tưởng,thái độ cho học sinh
Trong cuốn sách “Bảo tàng, di tích nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông”, tác giả Nguyễn Thị Kim Thành đã nêu lên chức năng giáo dục của bảo tàng: “Bảo tàng là cơ quan giáo dục công cộng, là nơi lưu giữ những kí ức của các dân tộc, các nền văn hóa. Bảo tàng còn là cơ quan văn hóa- giáo dục thực hiện chức năng giáo dục và tuyên
truyền, bảo tàng đã, đang và sẽ góp phần giáo dục làm nâng cao dân trí, tăng cường sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước giàu đẹp. Cùng với các nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim và các khu vui chơi giải trí khác, bảo tàng thuộc hệ thống giáo dục cho học sinh ngoài nhà trường, có chức năng giáo dục quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện nhân cách con người” [tr.13].
Bảo tàng đường Hồ Chí Minh có rất nhiều hình ảnh cũng như hiện vật chứa đựng nhiều cảm xúc với người tham quan và đặc biệt có tính giáo dục cao đối với các thế hệ học sinh khi đến thăm bảo tàng.
Hình ảnh “Thùng phuy - hầm di động” là dụng cụ tự làm bằng vỏ phuy xăng được bao quanh bên ngoài một lớp tre nứa của chiến sĩ D24 công binh BT26 Đoàn 571 BTL 559, là phương tiện giúp bộ đội Trường Sơn tránh bị sát thương khi tháo dỡ bom bi và các loại bom sát thương trong những năm 1968 đến năm 1972. Học sinh sẽ có một sự trân trọng, cảm phục trước sự sáng tạo của bộ đội ta chống lại các loại vũ khí tối tân của kẻ thù.
Hình ảnh “Tuổi 20 ở Trường Sơn” với những cô gái luôn nở nụ cười trước mưa bom, bão đạn của giặc trên tuyến đường huyền thoại đã cho học sinh có cái nhìn lạc quan trong chiến tranh, thấy được sự hi sinh của của các nữ chiến sĩ Trường Sơn. “Họ là những thanh niên rất trẻ, tuổi từ 17, 18 đến 30, đa số là nữ thanh niên” [7, tr. 35] nhưng họ luôn sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho tiền tuyến, cho thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa. Hiện vật “Đôi dép cao su” của anh hùng Nguyễn Viết Sinh, thuộc Binh trạm 3- Đoàn 559 sử dụng trong những năm vận chuyển hàng từ 1961 đến 1967, tổng cộng chặng đường đi bằng chu vi vòng quanh trái đất.Với hình ảnh và chú thích như vậy học sinh sẽ cảm thấy sự nỗ lực,kiên trì vượt qua gian khó của người chiến sĩ trước sự đánh phá ác liệt của Mỹ vào tuyến đường cũng không ngăn được sự khó khăn, gian khổ và bước chân người lính.
Khi xem và được nghe giới thiệu các hiện vật “Dao quắm, dao tông,
dao găm” được bộ đội Trường Sơn sử dụng chặt cây, làm lán trại, “Thuyền thúng” đưa hàng qua sông, “Cào sắt”, “Bừa san mặt đường ” của công binh… học sinh sẽ thấy rõ những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội Trường Sơn khi phải đối đầu với những vũ khí hiện đại của kẻ thù, điều đó càng làm tăng thêm tình cảm mến yêu của các em đối với sự hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước. “Từ đại ngàn Trường Sơn, bằng những chiến công thầm lặng của mình, cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 đã viết lên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” [19, tr. 62].
Khi học bài 22 (LSVN lớp 12) phần “Chiến lược chiến tranh cục bộ”, học sinh được xem hình ảnh “Lính Mỹ chém giết dân ở Tây Ninh trong một trận càn năm 1967” và hình ảnh người lính Mỹ cười đắc chí khi xách mảnh xác một chiến sĩ giải phóng Việt Nam, hai hình ảnh đó sẽ làm cho học sinh càng tăng thêm lòng căm thù giặc sâu sắc và những tội ác của chúng. Qua đó cũng giáo dục được học sinh sự yêu chuộng hòa bình và trân trọng cuộc sống mình đang có.
Hiện nay, trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp,chứa đựng nhiều yếu tố khó lường,các kẻ thù bên ngoài đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói xấu chế độ,phủ nhận những thành quả cách mạng mà chúng ta giành được,xuyên tạc lịch sử,hạ thấp uy tín của các vĩ nhân và anh hùng dân tộc, muốn thiết lập chế độ mới tư bản chủ nghĩa, thì công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhất là giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt là thế hệ trẻ, cụ thể là học sinh,sinh viên rất được Đảng và Nhà nước ta coi trọng.
“Thông qua những hoạt động mang tính đặc thù của mình, bảo tàng, di tích đã tác động vào quá trình nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hướng tới những giá trị chân - thiện - mĩ đích thực cho học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam hiện nay” [22, tr.25].