Hành vi cầu nguyện của tín đồ đạo Công giáo - 5

nước ta, vấn đề tâm lý tôn giáo được một số nhà nghiên cứu quan tâm, song hầu hết các nghiên cứu mới dừng lại ở phạm vi khảo sát thực tiễn. Việc cung cấp cho người đọc cơ sở lý luận để hiểu sâu sắc hơn về những biểu hiện trong hành vi cụ thể của công giáo còn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Mặt khác, các nghiên cứu về tâm lý tôn giáo đa số xuất phát từ góc độ của khoa học tôn giáo, triết học, luật học, khoa học quản lý. Các công trình nghiên cứu sâu về đặc điểm tâm lý của các tín đồ các tôn giáo như Công giáo và Phật giáo khá khiêm tốn, đặc biệt chưa có các nghiên cứu sâu và một cách hệ thống về những hành vi cụ thể của một tôn giáo.

Chúng tôi, trong những năm gần đây cũng đã có nhiều bài viết về tâm lý của tín đồ từ góc độ nghiên cứu thực tiễn. Các bài viết là kết quả nghiên bàn về tâm lý học tôn giáo, xã hội học tôn giáo đã đi sâu, làm rõ những đặc điểm tâm lý cơ bản của người Công giáo, vai trò uy tín của chức sắc tôn giáo theo nhìn nhận của người giáo dân, những khía cạnh tâm lý khi người giáo dân thực hiện hành vi xưng tội, mong muốn của người dân khi cầu nguyện, đời sống đạo của giới trẻ và hoạt động của giới trẻ. Nội dung các bài viết đã cho thấy mức độ nhận thức, mức độ niềm tin sâu sắc của tín đồ tác động tới hành vi và tình cảm tôn giáo của chính họ.

Tiểu kết chương 1

Nói chung, cho đến nay trên thế giới cũng có nhiều công trình đề cập đến một số vấn đề về tâm lý học tôn giáo nói chung, vấn đề nhận thức, tình cảm và niềm tin tôn giáo nói riêng. Về Tâm lý học tôn giáo, các nghiên cứu đề cập đến nguồn gốc, nguyên nhân của tôn giáo, chức năng, ý nghĩa của tôn giáo đối với hành vi của con người, hành vi xã hội, cộng đồng và các dạng thức của trải nghiệm tôn giáo. Về nhận thức tôn giáo, các nghiên cứu mới chỉ đề cập đến đối tượng của nhận thức đó là nhận thức về lực lượng siêu nhiên, về thế giới khác. Về niềm tin tôn giáo, các nhà nghiên cứu chủ yếu đề cập đến nguồn gốc hình thành niềm tin và đặc điểm của niềm tin. Khi lý giải các khía cạnh và mức độ của niềm tin tôn giáo, các nghiên cứu đã đề cập đến đối tượng của niềm tin là lực lượng siêu nhiên (Thần Thánh, Chúa). Các công trình chưa đề cập đến biểu hiện, mức độ cũng như ảnh hưởng của nhận thức, cảm xúc và niềm tin của tín đồ trong khi thực hiện một hành vi cụ thể trong sinh hoạt tôn giáo. Đặc biệt là Công giáo, nhận thức, niềm tin, cảm xúc của tín đồ biểu hiện như thế nào, tác động gì đến hành vi của tín đồ hay nói cách khác hành vi tôn giáo có mối liên hệ gì với nhận thức, cảm xúc và niềm tin của cá nhân.

Từ những tài liệu chúng tôi đã đọc được cho thấy, vấn đề tâm lý tôn giáo ở nước ta được các nhà nghiên cứu quan tâm, song hầu hết các nghiên cứu mới dừng lại ở phạm vi khảo sát thực tiễn. Để người đọc có được bức tranh chung về cơ sở lý luận nhằm hiểu sâu sắc hơn những biểu hiện của một hành vi cụ thể trong Công giáo còn là vấn đề cần bỏ ngỏ và cần quan tâm nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của các tín đồ Công giáo từ góc độ Tâm lý học còn khá khiêm tốn, đặc biệt chưa có các nghiên cứu sâu và một cách hệ thống về vấn đề này.

Những công trình nghiên cứu của chúng tôi về tôn giáo dưới góc độ Tâm lý học, Xã hội học tôn giáo mặc dù đã đi sâu vào một số đặc điểm tâm lý cơ bản của Công giáo, vai trò uy tín của chức sắc tôn giáo theo nhìn nhận của người giáo dân, khía cạnh tâm lý khi người giáo dân thực hiện hành vi xưng tội, mong muốn của người dân khi cầu nguyện, đời sống đạo của giới trẻ và hoạt động của giới trẻ. Các bài viết đã cho thấy mức độ nhận thức và niềm tin sâu sắc tác động tới hành vi và tình cảm tôn giáo của người giáo dân… tuy nhiên số lượng bài viết còn khá khiêm tốn.

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về tôn giáo, tâm lý tôn giáo của tín đồ các tôn giáo dưới nhiều góc độ của khoa học tôn giáo, xã hội học, triết học, luật học, khoa học quản lý. Trong từng lĩnh vực, từng ngành các tác giả đều có hướng tiếp cận nghiên cứu khác nhau. Các công nghiên cứu ở nước ta nhìn chung có liên quan đến nhận thức, niềm tin, hành vi tham dự các nghi lễ và thực hành tôn giáo của tín đồ các tôn giáo trong xã hội cả về mặt lý luận và thực tiễn. Song, hầu hết lại biểu hiện một cách gián tiếp trong việc xác định vấn đề nhận thức, thực hành và ý nghĩa của hành vi tôn giáo. Thực tế cần có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm cung cấp cho người đọc cơ sở lý luận để hiểu sâu sắc hơn những biểu hiện hành vi đối với từng tín đồ trong các tôn giáo cụ thể.

Trong ngành khoa học tâm lý tôn giáo thì những nghiên cứu về hành vi vẫn còn là một chủ đề khá mới mẻ và khiêm tốn. Đặc biệt, những nghiên cứu hành vi cầu nguyện ở tín đồ Công giáo thì dường như lại càng hiếm. Vì thế, trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về hành vi cầu nguyện của tín đồ Công giáo ở góc độ lý luận và thực trạng.

Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 211 trang tài liệu này.

HÀNH VI CẦU NGUYỆN CỦA TÍN ĐỒ ĐẠO CÔNG GIÁO


Hành vi cầu nguyện của tín đồ đạo Công giáo - 5

2.1. Tôn giáo và tín đồ tôn giáo

2.1.1. Tôn giáo

2.1.1.1. Khái niệm

Tôn giáo là một thuật ngữ không thuần Việt, có nguồn gốc tiếng Anh là “religion”. Và bản thân “religion” lại bắt nguồn từ thuật ngữ “legere” trong tiếng Latinh, có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Vào thời kỳ đầu Công nguyên, đế chế Roma chỉ chấp nhận một tôn giáo là đạo Kitô, các tôn giáo khác bị coi là tà đạo, dị giáo. Do vậy, thuật ngữ “religion” lúc bấy giờ dùng riêng để chỉ đạo Kitô. Về sau, do sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản vượt ra khỏi phạm vi châu Âu, họ được tiếp xúc với tôn giáo thuộc các nền văn minh khác nên thuật ngữ “religion” được dùng để chỉ các hình thức tôn giáo khác nhau trên thế giới. Như vậy, thuật ngữ “religion” ban đầu được sử dụng ở châu Âu nhằm chỉ một tôn giáo nhưng sau đó thuật ngữ này lại làm nhiệm vụ chỉ các hình thức tôn giáo khác.

Khoảng cuối thế kỷ XIX, thuật ngữ “religion” du nhập vào Việt Nam và được dịch thành “tông giáo”, nhưng do kị húy của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) nên được gọi là “tôn giáo”.

Tuy là vậy nhưng khi bàn về khái niệm tôn giáo, mỗi trường phái lại có các quan điểm khác nhau. Theo cách định nghĩa của Giáo hội (thần học) thì tôn giáo là mối liên hệ của con người với thượng đế, với thần linh, với cái tuyệt đối, với một lực lượng nào đó, với sự siêu việt hóa,… Nhà thần học và triết học Tin lành giáo, R. Otto (1869 - 1937) cho rằng tôn giáo là “sự thể nghiệm cái thần thánh” [60]; [13]. Hay nói cách khác, các nhà thần học cho rằng “tôn giáo là mối liên hệ giữa thần thánh và con người”.

Một số nhà nghiên cứu khác định nghĩa khái niệm tôn giáo dựa trên những dấu hiệu đặc trưng của tôn giáo. Chẳng hạn, theo tác giả Mai Thanh Hải, tôn giáo là một hình thái nhận thức xã hội, phản ánh hiện thực qua các khái niệm, hình ảnh mang tính ảo ảnh, ảo vọng. Nói chung, đó là những niềm tin vào lực lượng siêu nhiên, vô hình mà con người cho là linh thiêng, được con người sùng bái và cầu khẩn để nhờ cậy che chở hoặc ban phát điều tốt lành [49].

Dưới khía cạnh phân tích bản chất xã hội của tôn giáo, K. Marx cho rằng: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, nó là tinh thần của trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [8]. Nhận định này đã toát lên đầy đủ tính xã hội của tôn giáo. Nó là sự đền bù lại cho sự nghèo nàn của hiện thực xã hội với những nghèo nàn của tri thức để lý giải thế giới. Tôn giáo lấp đầy vào đó bằng những huyền thoại: Thế giới được tạo thành ra sao? Mây gió, sấm chớp sự thực là thế nào?... Và với những sự nghèo nàn trong đời sống do sự thấp kém của trình độ khoa học kỹ thuật cùng sự bất công bạo ngược của xã hội đương thời, tôn giáo như một liều thuốc an thần xoa dịu những vết đau của con người.

Phân tích dưới khía cạnh nguồn gốc tôn giáo, trong tác phẩm Anti-Dühring, F. Engels đã đưa ra những nhận định quan trọng vào loại bậc nhất của những người cộng sản về vấn đề tôn giáo. Ông cho rằng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế [8, tr. 437].

Nhà tâm lý học S. Freud, người sáng lập trường phái phân tâm học thì cho rằng, tôn giáo là một hình thức đặc thù của thế giới quan, cơ sở của nó là những đam mê vô thức, những hành động của mặc cảm Oedipus đã bị chèn ép, đẩy khỏi ý thức [22, tr. 887]. Trong đó, tôn giáo thực hiện ba chức năng chính: Thứ nhất, xóa đi những mặc cảm tâm hồn bằng việc hướng người theo tôn giáo tới một thế giới quan khác với những nội dung về nguồn gốc hình thành và phát triển của thế giới (thế giới quan tôn giáo); Thứ hai, làm cho con người quên đi sự sợ hãi và nỗi đau khổ bằng cách truyền cho họ niềm tin về những điều tốt đẹp, về sự gột rửa những tội lỗi đã phạm phải; Thứ ba, đưa ra những lời răn dạy, những điều cấm kị, các quy tắc ứng xử trong cuộc sống.

Kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đó, tác giả Đặng Nghiệm Vạn xác định đối tượng của tôn giáo là thế giới bao gồm các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách siêu thực (hư ảo) với con người nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia [123].

Như vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về tôn giáo tùy theo các góc độ tiếp cận. Từ phân tích trên có thể xác định khái niệm tôn giáo như sau:

Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội phản ánh niềm tin vào một lực lượng siêu nhiên, vô hình mà con người cho là linh thiêng, được con người sùng bái, thờ cúng để nhờ cậy che chở hoặc ban phát điều tốt lành.

2.1.1.2. Đặc điểm của tôn giáo

a. Tôn giáo mang tính lịch sử

Mặc dù tâm lý học tôn giáo là một ngành khoa học còn rất trẻ, song những nghiên cứu về các vấn đế có liên quan đến tâm lý học tôn giáo ở những mức độ khác nhau, ở các góc độ khác nhau lại xuất hiện rất sớm trong lịch sử phát triển loài người. Tôn giáo với các hình thức sơ khai đã xuất hiện từ buổi bình minh của loài người. Lý giải về nguồn gốc của tôn giáo, các nhà nghiên cứu có những cách tiếp cận khác nhau.

Cách tiếp cận theo thuyết xung đột, các nhà nghiên cứu giải thích nguồn gốc hình thành tôn giáo bắt nguồn từ những xung đột (Sigmund Freud (1856 - 1939) và Anton Boisen). Theo Freud, tôn giáo được sản sinh bởi cảm giác tội lỗi và tâm lý hối hận. Khi nói về nguồn gốc của tôn giáo, ông viết: “Sự phân tích tâm lý cho chúng ta thấy có sự liên hệ mật thiết giữa mặc cảm người cha và niềm tin vào Chúa Trời. Cá nhân Chúa Trời không phải là cái gì khác mà chính là tâm lý sùng bái người cha” [15, tr. 26 - 30]. Freud dựa vào mặc cảm Ơđíp để giải thích nguồn gốc tôn giáo. Ông coi xung đột là cơ sở để hình thành tôn giáo, nhưng Anton Boisen lại cho rằng, những rối loạn tâm thần nảy sinh tôn giáo [15, tr. 31].

Cách tiếp cận theo thuyết tập thể, Carl Gustav Jung (1875 - 1961) nghiên cứu tôn giáo theo phương pháp hướng ra ngoài và cho rằng tôn giáo được hình thành từ những năng lượng vô thức vượt xa hơn ý thức cá nhân. Lối tiếp cận này tập trung nghiên cứu nguồn gốc tôn giáo từ những quyền lực thiêng liêng ở bên ngoài cá nhân - những quyền lực được tạo nên từ cộng đồng và tồn tại trong cộng đồng. [15, tr. 32 - 33]

Cách tiếp cận theo thuyết nhân cách, Gordon W. Allport (1950) cho rằng, tôn giáo phát triển một cách hết sức nhạy cảm qua sự tác động tương hỗ của xã hội, thậm chí qua mỗi cá nhân và từ đó cá nhân có thể phát hiện ra chính mình qua tôn giáo. Theo Allport, hệ thống sở thích, sự quan tâm trong cấu trúc nhân cách của cá nhân là tiền đề quyết định tạo nên tình cảm tôn giáo [15, tr. 34 - 35]. Cách tiếp cận này đã nghiên cứu nguồn gốc của tôn giáo theo hướng cá nhân.

Qua đó ta thấy, các nghiên cứu tập trung vào một số khía cạnh cơ bản như: nguồn gốc của tôn giáo và niềm tin tôn giáo, đặc điểm của niềm tin tôn giáo. Qua

nghiên cứu các khía cạnh trên, chúng tôi nhận thấy đối tượng của nhận thức và niềm tin tôn giáo là lực lượng siêu nhiên mà trước hết là Chúa Trời và các lãnh tụ tinh thần của các tôn giáo. Ngoài ra, nhận thức tôn giáo còn thể hiện ở nhận thức về giáo lý, giáo luật, Kinh thánh...; niềm tin tôn giáo còn thể hiện ở niềm tin vào một thế giới khác.

b. Tôn giáo phản ánh tâm lý con người

Các đặc điểm tâm lý của tín đồ tôn giáo như: nhận thức tôn giáo, tình cảm tôn giáo, niềm tin tôn giáo định hướng, quy định và điều chỉnh các hành vi tôn giáo cũng như hoạt động sống hàng ngày của họ. Các đặc điểm tâm lý này có ảnh hưởng to lớn đến thái độ của các tín đồ và ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ xã hội.

Tôn giáo là hiện tượng xã hội bền vững, là nhu cầu tinh thần nảy sinh từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Một trong những nhà sáng lập ra Tâm lý học tôn giáo ở Mỹ là V. Jemes (1842 - 1910). Ông giải thích tôn giáo xuất phát từ tâm lý cá thể: “Chúng ta thỏa thuận gọi tôn giáo là tổng thể những tình cảm, hành vi và kinh nghiệm của những cá nhân riêng biệt vì nội dung của chúng quy định quan hệ với cái mà tôn giáo tôn sùng - Thượng đế” [69, tr. 26].

S. Freud (1856 - 1939) đã áp dụng các nguyên tắc của phân tâm học do ông sáng lập vào nghiên cứu tôn giáo. Theo ông, tôn giáo là sự “gạt bỏ những bản năng” bằng những phương tiện “cấm đoán” tìm thấy trong mọi nền văn hóa. Tôn giáo nảy mầm từ mặc cảm Ơđíp, và phơi bày sự bất lực của con người ở trần gian, phải đối mặt với số phận cuối cùng là cái chết, đối chọi với những cấm cản ràng buộc của xã hội và sức mạnh của tự nhiên; gắn nguồn gốc tôn giáo với sự bất lực của con người trước các lực lượng đứng đối lập của tự nhiên và các lực lượng bên trong bản năng. Ông xem tôn giáo là “kho tàng biểu tượng sinh ra bởi nhu cầu làm cho sự bất lực của con người trở nên dễ chịu hơn” [42, tr. 30].

E. Fromm (1900 - 1980) quan niệm về tôn giáo như sau: “Tôn giáo là bất kỳ hệ thống quan điểm, hành động nào được một nhóm người nhất định bảo vệ và đem lại cho cá nhân một hệ thống định hướng và khách thể sùng bái”. Ông cho rằng, tôn giáo tất yếu có mặt ở mọi thời đại lịch sử và một trong những biến thể của tôn giáo là bệnh tâm thần [40, tr. 236].

Theo tác giả Vũ Dũng (1998): “Tôn giáo là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Bởi lẽ nó gắn liền với một lực lượng bí ẩn mà chúng ta thường gọi là lực lượng siêu nhiên (lực lượng thần thánh). Tôn giáo, nói một cách đơn giản, chính là mối liên hệ giữa những người theo tôn giáo và lực lượng siêu nhiên. Chính mối quan hệ đặc biệt

này đã quy định đặc điểm tâm lý của những người theo tôn giáo và của các cộng đồng tôn giáo và sự khác biệt về mặt tâm lý giữa những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo” [15, tr. 7].

- Khi nói đến tôn giáo, dù theo ý nghĩa hay cách biểu hiện nào thì luôn luôn phải đề cập đến vấn đề hai thế giới đó là: thế giới hiện thực và thế giới siêu nhiên, thế giới của người sống và thế giới sau khi chết, thế giới của những vật thể hữu hình và thế giới của những vật thể vô hình.

- Tôn giáo, một mặt phản ánh sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và xã hội, mặt khác hướng con người đến một hy vọng tuyệt đối, một cuộc đời thánh thiện, một cuộc đời mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chung sống. Nó gieo niềm hi vọng vào con người, dù có phần ảo tưởng để yên tâm, tin tưởng để sống và phải sống trong một thế giới hiện thực có nhiều bất công và khổ ải. Điều làm cho tôn giáo khác biệt với các hành động và tổ chức xã hội khác là những sức mạnh “siêu nhiên”, các thần thánh mà con người có mối quan hệ với họ.

- Tôn giáo phản ánh tâm lý con người dưới góc độ niềm tin, đặc điểm tâm lý cơ bản của tôn giáo. Thứ nhất đó là sự hy vọng, nhà văn hóa học Võ Văn Thành (2014) định nghĩa: “Niềm tin là sự hy vọng của chúng ta vào một điều gì đó hoặc một cái gì đó mà chúng ta chưa thể xác định được nó một cách rõ ràng” [95, tr. 59 - 65].

Qua các công trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, tôn giáo phản ánh đời sống tâm lý con người như: niềm tin, nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Nó lại tồn tại sâu kín trong ý thức, tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, nhận thức, hiểu biết. Từ sự hiểu biết và tin tưởng đó giúp định hướng cho con người có nghị lực, ý chí để hành động phù hợp với quan điểm mà các nhân đó đã lĩnh hội.

c. Tôn giáo phản ánh văn hóa dân tộc

Cho đến nay, Công giáo đã có tuổi đời trên 400 năm ở Việt Nam. So với các tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thì Công giáo đến muộn hơn. Trải qua thời gian văn hóa Công giáo đã có một chỗ đứng trong văn hóa Việt Nam nhưng văn hóa Công giáo đã có vai trò đóng góp cho sự phát triển ở Việt Nam, được thể hiện qua một số lĩnh vực: kiến trúc, báo chí, văn chương, ngôn ngữ và lối sống [31, tr. 235 - 236].

Tác giả Nguyễn Đức Lữ, khi nói về những biểu hiện khoan dung tôn giáo, ông cho rằng: khác với một số tôn giáo phương Tây có một thời tôn giáo nhất thần, độc tôn, khi coi Chúa mình là duy nhất, là tối thượng, còn các tôn giáo khác bị coi là “tà

đạo”, “dị giáo”, thậm chí cùng thờ một Chúa mà bị liệt vào loại “thệ phản” để dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc, kéo dài. Dân tộc Việt Nam du nhập và dung dưỡng nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng trong lịch sử chưa hề xảy ra chiến tranh tôn giáo. Có được điều đó là nhờ truyền thống khoan dung vốn có của người Việt được thể hiện qua đặc điểm đan xen, hòa đồng, khoan dung tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam [79, tr. 345].

Bác Hồ - Người am hiểu về tôn giáo đã có những nhìn nhận đến yếu tố tinh hoa của Công giáo - đã nhìn nhận Công giáo như là một di sản văn hóa của nhân loại. Người đã nhìn thấy cái tinh túy nhất của giáo lý Công giáo, nhấn mạnh mục đích cao cả của Công giáo là giải phóng con người, vì hạnh phúc của con người. Người luôn có nhìn nhận khách quan và thái độ kính trọng khi nói về chúa Giêsu: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Người lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do bình đẳng” và “Đức Thiên Chúa đã giáng sinh để cứu với nhân loại. Đức Thiên Chúa là một tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình, vì công lý” [54, Tập 4, tr. 490].

Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và những năm tiếp theo đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng có thể tóm lược hai nội dung chính, đó là đẩy mạnh truyền giáo và hội nhập văn hóa. Đây là hai mặt của một vấn đề bởi muốn thúc đẩy việc truyền giáo thì phải hội nhập văn hóa và có hội nhập văn hóa thì mới phát triển giáo hội được. Việc Phúc âm hóa của Giáo hội Công giáo trong lịch sử cũng như hiện tại thể hiện ở nhiều chiều cạnh khác nhau. Tại Việt Nam, một xứ truyền giáo, hay phát triển đạo đều do lịch sử của quá trình hoạt động truyền giáo cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam quy định trong việc Phúc âm hóa [32, tr. 69]; [36, tr. 5]; [33].

Như vậy, có thể nói, tôn giáo tồn tại và phát triển phải dựa vào điều kiện cụ thể: Thứ nhất, bất kỳ một quốc gia nào đều có lịch sử hình thành và phát triển, do vậy, khi tôn giáo du nhập cần dựa vào những điều kiện lịch sử của quốc gia đó. Tương tự như vậy, Công giáo du nhập vào nước ta nói chung, các giáo phận, giáo xứ nói riêng cũng cần phải dựa trên quá trình lịch sử, phải phù hợp với điều kiện lịch sử, có như vậy, Công giáo mới có thể tồn tại và và phát triển. Thứ hai, tôn giáo phản ánh đời sống tâm lý của con người, đó là khát vọng của con người. Tôn giáo tồn tại bởi nó hướng đến cuộc sống sau khi chết, nơi con người chưa bao giờ biết đến, đó chính là yếu tố định hướng cho những hành động của con người. Khía cạnh tâm lý khác được thể hiện đó chính là niềm tin, nhận thức, tình cảm tôn giáo... cùng

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/01/2023