làm việc cho người sử dụng lao động người sử dụng lao động nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động tại bộ phận một cửa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất của tỉnh nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Họ sẽ giải quyết trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước thứ tư đó là sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải thực hiện thêm bước ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động đối với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động. Sau khi ký kết hợp đồng lao động thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
Bước cuối cùng sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam, thì sẽ xin cấp Thẻ tạm trú theo thời hạn của Giấy phép lao đông. Tại Việt Nam thời hạn của tối đa của thẻ tạm trú là 02 năm. Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú gồm có văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh (thường là người sử dụng lao động); tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh; hộ chiếu của người đề nghị cấp thẻ tạm trú; giấy phép lao động của người đề nghị cấp thẻ tạm trú. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Như vậy, ta thấy quy trình xin cấp giấy phép lao động có khá nhiều khâu, công đoạn và yêu cầu nhiều loại giấy tờ.
* Cấp lại giấy phép lao động
Việc cấp lại giấy phép lao động sẽ được thực hiện trong trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi
trong giấy phép lao động hoặc sắp hết hạn. Trình tự thủ tục cấp lại giấy phép lao động sẽ đơn giản hơn so với cấp mới giấy phép lao động.
Bước thứ nhất, người sử dụng lao động sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ để làm hồ sơ xin cấp lại giấy phép lao động:
- Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
Có thể bạn quan tâm!
- Chủ Chương Và Chính Sách Của Việt Nam Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài
- Năng Lực Hành Vi Dân Sự Của Cá Nhân Là Người Nước Ngoài Được Xác Định Theo Pháp Luật Của Nước Mà Người Đó Là Công Dân, Trừ Trường Hợp Pháp
- Có Giấy Phép Lao Động Do Cơ Quan Nhà Nước Có Thẩm Quyền Của Việt Nam Cấp, Trừ Các Trường Hợp Theo Quy Định Tại Điều 172 Của Bộ Luật Lao Động
- Quyền Liên Quan Tới Thời Gian Làm Việc Và Thời Gian Nghỉ Ngơi
- Các Nghĩa Vụ Cơ Bản Của Người Lao Động Nước Ngoài
- Những Điểm Mới Trong Nghị Định Số 11/2016/nđ-Cp
Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.
- 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam các giấy tờ có liên quan sau: xác nhận của cơ quan Công an cấp xã của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc mất giấy phép lao động; giấy tờ chứng minh thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động; giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe và một số giấy tờ khác trong trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày; văn bản chứng minh đáp ứng yêu cầu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật.
Bước hai, người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ nghị cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp mà giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày thì trước ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho cơ quan đã cấp giấy phép lao động đó.
Bước tiếp theo, hồ sơ cấp lại giấy phép lao động sẽ được xem xét và cấp lại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy
phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước cuối cùng là ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động. Sau khi người lao động nước ngoài được cấp lại giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp lại giấy phép lao động đó trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động.
2.1.2.4. Thời hạn của giấy phép lao động và các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực
Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm: Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết; thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ; thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó; thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam. Với người nước ngoài vào Việt Nam lao động thì thời hạn của thẻ tạm trú là không quá 02 năm, thời hạn của thị thực cũng không quá 02 năm.
Giấy phép lao động sẽ hết hiệu lực khi giấy phép lao động hết thời hạn; chấm dứt hợp đồng lao động; nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp; hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt; có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; giấy phép lao động bị thu hồi; doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động; người lao động là công dân nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực mà không thuộc trường hợp hết hiệu lực do bị thu hồi thì các giấy phép lao động hết hiệu lực đó sẽ được người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
2.2. Trục xuất người lao động nước ngoài
Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Một bất lợi nữa, Việt Nam sẽ không cho nhập cảnh với trường hợp bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực (khoản 5, Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014). Khi tổ chức, cá nhân phát hiện người lao động nước ngoài tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người đó làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đó trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Bản thân người sử dụng lao động khi sử
dụng lao động mà không có giấy phép lao động trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn thì sẽ bị phạt hành chính (phạt tiền và có thể bị đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng).
Về các kinh phí liên quan trong quá trình trục xuất: người bị trục xuất chi trả các khoản chi cho ăn, ở, khám, chữa bệnh tại cơ sở lưu trú. Còn kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất do ngân sách nhà nước cấp. Trong trường hợp người bị trục xuất không có khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng) yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam chi trả. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên không có điều kiện, khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Người bị trục xuất có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 8, Nghị định Số 112/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Theo đó, người bị trục xuất có các quyền được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, người bị trục xuất cùng với con của họ còn được hưởng các chế độ về ở, ăn, mặc, chế độ sinh hoạt thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin liên lạc, quản lý tài sản, chế độ thăm gặp, khám chữa bệnh, an táng trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại cơ sở lưu trú.
Song song với những quyền, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật xử lý vi phạm hành chính và hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp nếu người bị trục xuất bị chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất, việc đưa thi thể người nước ngoài bị chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất về nước và các chi phí cho việc mai táng, đưa thi thể về nước do thân nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước mà người đó là công dân chịu trách nhiệm.
Trường hợp nếu người nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật, bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ khác không thể thực hiện được quyết định xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên hoặc các trường hợp bất khả kháng khác thì được hoãn trục xuất. Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành. Nếu như có căn cứ để cho ràng người nước ngoài có thể trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người nước ngoài sẽ bị áp dụng các biện pháp quản lý cần thiết như hạn chế việc đi lại của người bị quản lý, chỉ định chỗ ở của người bị quản lý, tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu, bắt buộc lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý. Người bị trục xuất phải lưu trú tại cơ sở lưu trú trong trường hợp: Người bị trục xuất không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, chưa có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện việc trục xuất (vé máy bay, thị thực...); không có nơi thường trú, tạm trú; vi phạm các biện pháp quản lý hoặc không chấp
hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh; có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất; mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú)21.
Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định dẫn đến việc bị thu hồi giấy phép lao động thì sẽ bị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
2.3. Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động nước ngoài
Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, Bộ luật Dân sự,.... Sau đây, là các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động nước ngoài.
2.3.1. Các quyền cơ bản của người lao động nước ngoài
2.3.1.1. Quyền làm việc và quyền bình đẳng tại nơi làm việc
Quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp là những quyền con người cơ bản trong lĩnh vực lao động. Quyền làm việc của người lao động nói chung được ghi nhận tại Điều 10, Bộ luật Lao động năm 2012, theo đó, người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Như vậy, người lao động nước ngoài hoàn toàn có thể lựa chọn vào Việt Nam làm việc, sự lựa chọn này phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng, khả năng
21 Xem Điều 30, Nghị định số 112/2013/NĐ-CP về quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
của người lao động và phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Họ cũng có thể trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để có thể nhanh chóng tìm được việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình.
Theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trên các cơ sở như giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân hay tín ngưỡng, tôn giáo tại nơi làm việc. Bộ luật Lao động nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc tình trạng hôn nhân. Người sử dụng lao động phải tuân thủ và thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam và nữ trong tuyển dụng, giao việc, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nâng bậc lương, tiền công.
Tuy nhiên, theo pháp luật Việt nam đối với một số lĩnh vực nhất định, việc hành nghề của người nước ngoài sẽ bị hạn chế. Ví dụ, trong lĩnh vực công chứng, Điều 13 Luật công chứng năm 2006 quy định công chứng viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam. Quy định này sẽ hạn chế quyền hành nghề công chứng của người nước ngoài. Hoặc trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thì Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản, người đứng đầu cơ quan báo chí phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức hoặc nghiệp vụ đo Nhà nước quy định (Điều 13 khoản 2, Điều 14 Luật báo chí năm 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999 hay Điều 17 Luật xuất bản năm 2012).
2.3.1.2. Quyền hưởng lương
Có thể nói mục đích của người lao động nói chung khi làm việc đó là lợi ích họ có thể nhận được từ công việc và lợi ích này được thể hiện trước tiên qua tiền lương. Tiền lương là phần thu nhập chủ yếu của người lao động, tiền lương giúp cho người lao động nuôi sống bản thân và gia đình, là cơ sở để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt như ăn, ở, mặc cũng như nhu cầu xã hội như học tập, giải trí. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho