Nếu so sánh với khái niệm trước đây về người lao động đi làm việc
nước ngoài thì khái niệm được nêu trong Công ước của Liên Hợp quốc mang
tính chất cụ thể hơn và giới hạn phạm vi các đối tượng được coi là người lao
động đi làm việc nước ngoài hơn.
Theo pháp luật Việt Nam, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo
hợp đồnglà công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Quy định trên khẳng định người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải là người có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, nghĩa là nếu một công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài và sau đó sang quốc gia thứ ba khác để làm việc thì sẽ không được coi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều kiện “cư trú tại Việt Nam” cho thấy việc di cư ra nước ngoài của người lao động phải xuất phát từ quốc gia mà người lao động mang quốc tịch. Đây là cách định nghĩa theo quan điểm của một quốc gia gửi lao động, vì thế so với khái niệm mà Liên Hợp quốc đưa ra thì những đối tượng được coi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam có phạm vi hẹp hơn, vì Liên Hợp quốc chỉ quy định “tại quốc gia mà người đó không phải là công dân” mà không quan niệm người đó trước khi làm việc ở nước ngoài họ cư trú ở đâu một cách bao quát dưới góc độ nhìn nhận của cả quốc gia gửi lao động và quốc gia tiếp nhận lao động.
Việc di cư ra ngước ngoài của người lao động Việt Nam phải hợp pháp, phải được sự công nhận của Việt Nam và quốc gia tiếp nhận. So với quan
điểm của Liên Hợp quốc thì nhóm đối tượng này thuộc dạng “lao động di trú
có giấy tờ” (lao động di trú hợp pháp). Quan niệm vậy nhằm quản lý tốt hơn
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Thực trạng và giải pháp - 1
- Bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Thực trạng và giải pháp - 2
- Người Lao Động Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng Đã, Đang Và Sẽ Phải Đối Mặt Với Nhiều Nguy Cơ, Rủi Ro
- Nội Dung Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng
- Bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Thực trạng và giải pháp - 6
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
luồng di cư lao động của quốc gia mình nhưng lại bỏ sót và chưa đề cao trách
nhiệm quốc gia trong việc bảo vệ công dân thuộc nhóm lao động di trú bất
hợp pháp. Như vậy, xét về nội hàm, khái niệm người lao động đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng của Việt Nam hẹp hơn khái niệm “người lao động
di trú” mà Liên Hợp quốc đã nêu.
Khác với cách phân loại người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Liên Hợp quốc, các nhà luật gia Việt Nam đã phân loại người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo 4 hình thức hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề; Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.
Việc phân loại người lao động đi làm việc ở nước ngoài dựa vào hình thức và đối tượng ký kết hợp đồng trên chủ yếu nhằm mục đích quản lý các đối tượng được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sàng lọc tính hợp pháp của hợp đồng mà người lao động đã ký để có cơ chế bảo vệ họ cho phù hợp. Tuy nhiên, vì quan niệm người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là “lao động di trú hợp pháp” nên việc phân loại trên không thể hiện được rõ sự khác nhau về bản chất của từng nhóm người lao động đi làm việc ở nước ngoài đó, quyền và lợi ích họ được hưởng là như nhau, cơ chế bảo vệ họ là giống nhau.
Nhằm tiến gần hơn với quan niệm Liên Hợp quốc và đạt được mục đích
quản lý và bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
chúng ta có thể định nghĩa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng như sau: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau
đây gọi tắt là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là một người đã, đang và sẽ làm một công việc trong một khoảng thời gian nhất định có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trước hết phải đáp ứng các điều kiện chung của một người lao động khi tham gia quan hệ pháp luật lao động, đó là có năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động. Năng lực pháp luật của người lao động được đồng thời cả quốc gia gửi lao động và quốc gia tiếp nhận lao động ghi nhận có quyền xuất cảnh, nhập cảnh, quyền được làm việc ở nước ngoài, quyền được hưởng các lợi ích và thực hiện các nghĩa vụ trong quan hệ lao động,... Năng lực hành vi lao động là khả năng bằng chính hành vi của bản thân, người lao động tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật lao động ở nước ngoài, tự hoàn thành mọi nhiệm vụ để được hưởng quyền lợi. Năng lực hành vi lao động được thể hiện trên hai yếu tố có tính chất điều kiện là thể lực và trí lực.
Thể lực chính là sức khỏe của người lao động để có thể thực hiện được một công việc nhất định ở nước ngoài theo yêu cầu của chủ sử dụng. Thông thường các quốc gia sẽ không tiếp nhận những lao động mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, Viêm gan A, B, C, bệnh răng miệng,... và các chủ sử dụng nước ngoài ưa chọn những lao động có ngoại hình cao ráo, gương mặt sáng sủa, tác phong nhanh nhẹn, chịu khó, có sức khỏe tốt, bền bỉ,...trong khoảng độ tuổi từ 18 đến 45. Trí lực là khả năng nhận thức của người lao động đối với hành vi lao động mà họ thực hiện và với mục đích công việc mà họ làm, đó là khả năng lựa chọn công việc phù hợp, khả năng lựa chọn thị trường lao động muốn tham gia, khả năng tự chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình ở quốc
gia tiếp nhận,... Muốn có năng lực hành vi lao động, người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải trải qua quá trình phát triển cơ thể và có quá trình tích lũy kiến thức ngoại ngữ, trình độ tay nghề, trình độ hiểu biết về đất nước, con người và môi trường lao động của quốc gia mà mình muốn đến làm việc.
Ngoài những điều kiện chung nêu trên, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn có những điểm đặc thù khác, đó là:
- Tính chất quốc tế của việc làm và lao động
Khi đi làm việc nước ngoài, người lao động “bán” sức lao động của mình cho chủ sử dụng nước ngoài theo hợp đồng lao động đã ký kết. Nên quan hệ mua - bán sức lao động ở đây là quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, ngoài sự điều chỉnh của pháp luật nước gửi lao động thì người lao động còn chịu sự chi phối bởi pháp luật, các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội và phong tục tập quán của nước sở tại và các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương mà quốc gia tiếp nhận lao động và quốc gia gửi lao động tham gia.
- Đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Công việc mà người lao động làm ở nước ngoài là công việc có thời hạn, thời hạn làm việc được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng. Thời hạn làm việc ở nước ngoài cũng chính là thời hạn cư trú hợp pháp của người lao động được quốc gia tiếp nhận lao động công nhận và bảo vệ. Đặc điểm này giúp chúng ta phân biệt với những người sống thường trú và làm việc tại quốc gia họ không mang quốc tịch để làm việc, những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, … Vì vậy, cam kết về nước đúng thời hạn là một trong những điều khoản quan trọng được đặc biệt lưu ý trong hợp đồng nhằm tránh tình trạng hết hạn hợp đồng mà người lao động không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
1.1.2. Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Theo đánh giá của các chuyên gia, người lao động đi làm việc ở nước
ngoài thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bóc lột và bị xâm phạm nhất, công việc mà họ làm là “ở nước ngoài” nên nhiều khi họ bị cả quốc gia mình và cả quốc gia tiếp nhận “lãng quên”, “từ chối”, vì vậy bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ là nhiệm vụ của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào cả mà đó còn là hành động tích cực của cả cộng đồng quốc tế. Các quốc gia gửi lao động và quốc gia tiếp nhận lao động luôn là những chủ thể tiên phong, có trách nhiệm chủ yếu nhất trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì tính chất phức tạp của việc di trú quốc tế nên các chủ thể khác ít liên quan hoặc không liên quan như: quốc gia trung chuyển mà người lao động đi qua để đến quốc gia làm việc hoặc để về nước, quốc gia khác cũng đang có lao động làm việc tại quốc gia tiếp nhận lao động, cá nhân, cộng đồng quốc tế,... cũng là những chủ thể có vai trò quan trọng trong việc gây sức ép đối với các quốc gia liên quan phải thực hiện các biện pháp bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải chỉ khi nào người lao động bị xâm phạm, bị đối xử thậm tệ thì các quốc gia, cơ quan chức năng mới lên tiếng mà ngay trong cả điều kiện làm việc bình thường, ổn định họ cũng cần được bảo vệ, bảo vệ để duy trì trạng thái bình thường, ổn định đó, để vừa phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra, vừa phát huy hơn nữa những nhân tố tích cực, thuận lợi hơn cho người lao động nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động hợp tác lao động quốc tế lành mạnh nói riêng và quá trình toàn cầu hóa nói chung. Bởi vậy, có thể khái niệm bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc các quốc gia, tổ chức, cá nhân (trước hết là các quốc gia, tổ chức, cá nhân liên quan) thực hiện các biện pháp cụ thể vừa để duy trì thực hiện, phát huy những quyền và lợi ích chính đáng vừa hạn chế những bất lợi, rủi ro và nguy
cơ khác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tương tự như việc bảo vệ người lao động nói chung, bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện một cách toàn diện, trên mọi phương diện: việc làm, thu nhập, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự, cuộc sống,... Tuy nhiên, do xuất phát từ những nét đặc thù của nhóm đối tượng này nên việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn phải đáp ứng những yêu cầu riêng, như:
- Việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải được thực hiện trong suốt quá trình di cư lao động.
Bất kể giai đoạn nào của tiến trình di cư, quyền lợi của người lao động đều có thể bị xâm phạm. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, họ có thể bị kẻ xấu lừa đảo, bị thu phí cao, bị ép buộc ra nước ngoài làm việc,... ; trên đường đi sang nước ngoài, họ có thể gặp tai nạn, rủi ro, bị bắt cóc, bỏ rơi giữa đường...; khi làm việc ở nước ngoài họ bị chủ sử dụng lao động ngược đãi, vi phạm hợp đồng lao động, khi hồi hương thì gặp khó khăn trong cuộc sống, bị thất nghiệp, bị chính quyền và xã hội bỏ rơi,... Mỗi giai đoạn di cư, người lao động phải đối mặt với những nguy cơ và rủi ro khác nhau vậy nên mỗi một giai đoạn của tiến trình di cư có những biện pháp bảo vệ khác nhau và trách nhiệm bảo vệ người lao động của các chủ thể khác nhau.
- Việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải dựa trên cơ sở hợp tác, thiện chí của quốc gia gửi lao động, quốc gia tiếp nhận lao động và hỗ trợ của cộng đồng, tổ chức quốc tế.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một bên trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, quyền tài phán đối với quan hệ lao động này nhiều trường hợp vượt ra ngoài phạm vi của quốc gia gửi lao động nên việc bảo vệ họ không chỉ phụ thuộc riêng rẽ bất cứ một quốc gia nào mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ hợp tác giữa quốc gia đó với
quốc gia tiếp nhận lao động, vào cộng đồng quốc tế.
Đây có thể nói là điểm đặc thù nhất của việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài so với việc bảo vệ người lao động làm việc trong nước. Người lao động làm việc và hưởng lương trong nước, họ nhận được sự bảo vệ một cách trực tiếp và nhanh chóng bởi nhà nước của mình. Nhà nước có thể dễ dàng sử dụng tối đa quyền lực của mình để bảo vệ người lao động hễ mỗi khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm, đồng thời, việc phản ánh thông tin bị xâm phạm của người lao động đến các cơ quan có thẩm quyền trong nước cũng sẽ diễn ra nhanh chóng hơn so với một người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Đa phần quốc gia gửi lao động chỉ thực hiện tốt công tác bảo vệ người lao động của mình trong giai đoạn đầu chuẩn bị ra nước ngoài làm việc và giai đoạn hồi hương còn giai đoạn người lao động đang làm việc ở nước ngoài bị bỏ ngỏ, hoặc sự nỗ lực bảo vệ người lao động gặp thất bại do vấn đề chủ quyền quốc gia. Thế nên có thể nói việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với việc bảo vệ các nhóm đối tượng người lao động khác và cần sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của cả tổ chức, cộng đồng quốc tế.
1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng
1.2.1. Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm phát huy nhân tố con người, thể hiện tinh thần nhân đạo và đảm bảo công bằng xã hội
Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không nằm ngoài mục tiêu bảo vệ con người, phát huy nhân quyền và đảm bảo công bằng xã hội. Trong quan hệ lao động, người lao động nói chung luôn đứng ở vị trí yếu thế hơn, vì đồng lương vì cuộc sống người lao động khó có điều kiện thỏa thuận bình đẳng thực sự với chủ sử dụng lao động mà buộc phải chấp
nhận những điều kiện lao động, môi trường làm việc không thuận lợi. Chính sự lệ thuộc đó mà người lao động bị lạm dụng, bị xâm phạm nghiêm trọng. Bảo vệ quyền được sống, được lao động và được hưởng thụ lành mạnh vừa là nhiệm vụ và cũng chính là mục tiêu tối thượng của mọi xã hội để thu hẹp bớt sự cách biệt này đến một mức có thể chấp nhận được. Thấm nhuần tư tưởng này các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế đã pháp điển hóa việc bảo vệ người lao động thành nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế.
1.2.2. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là lực lượng có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội chung của toàn cầu.
Lao động di cư đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế
- xã hội chung của toàn thế giới, thể hiện trực tiếp và rõ nhất đối với nền kinh tế - xã hội của nước gửi lao động và nước tiếp nhận lao động. Cụ thể là:
* Đối với quốc gia gửi lao động:
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có những đóng góp sau:
- Đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội nhờ lượng kiều hối chuyển về nước hàng năm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì hầu hết người lao động khi trở về nước, mang theo tài chính và kỹ năng thu thập được khi ở nước ngoài thường có xu hướng chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang sản xuất thương mại.
- Giải quyết nạn thất nghiệp cho hàng triệu người lao động và tạo việc làm cho cả các doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, các trường đào tạo khi tham gia thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó góp phần giải quyết ổn thỏa các hệ lụy của vấn nạn thất nghiệp (mất trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng).
- Góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia thông qua hoạt động đào