đảng viên lớp Hồ Chí Minh đã được kết hợp chặt chẽ với các cuộc vận động “Xây dựng đơn vị vững mạnh”, “Xây dựng đơn vị an toàn” trong cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần. Quá trình thực hiện, ngành HCQĐ luôn coi trọng kết hợp chặt chẽ khâu bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nâng cao chất lượng đảng viên với nâng cao chất lượng, lựa chọn kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra đảng. Cuộc vận động đã đạt kết quả tốt. Cụ thể là:
Về chất lượng đảng viên: thường xuyên giáo dục nâng cao một bước nhiệt tình cách mạng, ý chí chiến đấu; giúp đảng viên phát huy mặt tích cực và bước đầu khắc phục mặt tiêu cực, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng cơ quan, cơ sở về mọi mặt; củng cố thêm các mối quan hệ trong đảng bộ, đẩy mạnh việc chấp hành nguyên tắc, chế độ lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, góp phần nâng cao sức mạnh lãnh đạo của chi bộ, cấp ủy, đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp; đại đa số đảng viên đã tiến bộ về ý thức học tập, rèn luyện, nhất là rèn luyện lập trường, quan điểm và đạo đức tác phong, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong LLHC.
Về kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh: đến tháng 10 năm 1971, sau 4 đợt phát triển đảng viên đã kết nạp được 1.576 đồng chí chiếm tỉ lệ 4,06% tổng số quần chúng trong Tổng cục. Số dảng viên lớp Hồ Chí Minh có phẩm chất đạo đức trong sáng, thực sự là quần chúng ưu tú; có 70% đảng viên mới xuất thân từ thành phần cơ bản, đa số được rèn luyện trong quân đội ít nhất 3 năm và được khen thưởng nhiều lần [142, tr. 444].
Kết hợp chặt chẽ xây dựng hệ thống tổ chức đảng với xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh được Đảng ủy, Chỉ huy TCHC xác định là một trong ba khâu then chốt của công tác chính trị hậu cần trong tình hình mới. Thực hiện chủ trương đó, dưới sự chỉ đạo của QUTW và BQP, lãnh đạo, chỉ huy ngành HCQĐ đã tập trung chỉ đạo xây dựng các tổ chức đoàn cơ sở, các liên chi đoàn, chi đoàn, công đoàn cơ sở trong ngành HCQĐ vững mạnh xuất sắc.
Thường xuyên kiện toàn Ban Chấp hành chi đoàn, liên chi đoàn, đoàn cơ sở có đủ số lượng, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng, nhất là bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức và tập hợp đoàn viên thanh niên, xây dựng chi đoàn quyết thắng. Duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thanh niên phấn đấu làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch, nhằm giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo đoàn viên thanh niên trở thành những người kế thừa xây dựng CNXH “vừa hồng, vừa chuyên”; làm cho mọi đoàn viên thanh niên nêu cao tinh thần tự giác rèn luyện phát huy vai trò xung kích trong chiến đấu, công tác và sản xuất. Nghiên cứu cụ thể hóa tiêu chuẩn về yêu cầu bốn tốt của đoàn viên và chi đoàn quyết thắng phù hợp với từng loại tổ chức đoàn và điều kiện chiến đấu, công tác của từng cơ quan, cơ sơ, đơn vị. Thực hiện tốt chỉ tiêu: 85% đoàn viên đạt yêu cầu bốn tốt, 70% chi đoàn quyết thắng [36].
Nâng cao chất lượng xây dựng các công đoàn cơ sở, thường xuyên giáo dục cho nhân viên hậu cần các cấp về lập trường giai cấp công nhân, ý thức làm chủ tập thể XHCN, yêu ngành, yêu nghề, chấp hành nghiên chỉnh kỷ luật lao động và các chế độ phòng hộ lao động, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia quản lý sản xuất và tự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần trong đơn vị. Phấn đấu đạt 70% các công đoàn và tổ chức công đoàn bốn tốt, 85% đoàn viên công đoàn bốn tốt [36].
Xây dựng, kiện toàn cơ quan chính trị hậu cần các cấp.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTW và BQP, Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã có nhiều biện pháp củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống cơ quan chính trị như: sắp xếp bố trí lại tổ chức biên chế cơ quan chính trị các cấp; ra sức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị, nâng cao năng lực công tác chính trị cho cán bộ chủ trì, cán bộ chuyên môn kỹ thuật; ban hành chức trách, nhiệm vụ, chế độ công tác… Cụ thể là:
Có thể bạn quan tâm!
- Yêu Cầu Khách Quan Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Quân Đội
- Chủ Trương Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Của Đảng Bộ Quân Đội
- Nhiệm Vụ Và Giải Pháp Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần
- Chỉ Đạo Xây Dựng Cơ Sở Vật Chất Bị Kỹ Thuật Hậu Cần
- Điều Kiện Mới Tác Động Đến Đẩy Mạnh Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Quân Đội
- Chủ Trương Đẩy Mạnh Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Của Đảng Bộ Quân Đội
Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.
Ngày 3 tháng 3 năm 1969, tổ chức chấn chỉnh lại biên chế Cục Chính trị Hậu cần bao gồm Thủ trưởng cục với 06 phòng, Văn phòng kiểm tra, Văn Phòng Đảng ủy Tổng cục và Bộ phận phục vụ tổng cộng 208 người [142, tr. 400]. Sau đó Cục Chính trị đã tiến hành kiểm tra các phòng nghiệp vụ trong Cục, các phòng, ban chính trị của các cục và 2 trường thuộc TCHC. Qua kiểm
tra nắm chắc tình hình tổ chức biên chế, trình độ năng lực nghiệp vụ của cán bộ chính trị các cấp, đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy TCHC từng bước chấn chỉnh, cơ quan chính trị các cấp, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới [150].
Trong năm 1969 và năm 1970, TCCT và TCHC đã ban hành nhiều tài liệu nghiệp vụ về công tác chính trị hậu cần như: nhiệm vụ cơ quan chính trị và chính ủy hậu cần, công tác chính trị bệnh viện, công tác chính trị ở các xí nghiệp, công tác chính trị kho, các bài nói, bài viết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta về CTHC… Đồng thời, Cục Chính trị Hậu cần đã dự thảo xong chức trách, nhiệm vụ, chế độ công tác của Cục và cơ quan chính trị các cục. Những tài liệu đó làm cơ sở để học tập, nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác chính trị và để chấn chỉnh tổ chức biên chế, kiện toàn cơ quan chính trị các cấp [152].
Đầu năm 1971, thủ trưởng TCHC quyết định mở các lớp tập huấn công tác chính trị cho cán bộ chính trị thuộc TCHC, chủ yếu là cấp thượng, đại úy; thời gian tập huấn cho mỗi lớp từ 10 – 12 tuần, số lượng mỗi lớp 80 – 100 học viên; nội dung tập huấn một số vấn đề cơ bản về công tác chính trị trong LLVT nhân dân và trong ngành HCQĐ, bồi dưỡng một số vấn đề công tác chính trị cụ thể (theo chuyên ngành) [132]; Ngày 25 tháng 8 năm 1972, Chủ nhiệm TCHC ra quyết định thành lập Trường Chính trị Hậu cần, có nhiệm vụ bồi dưỡng, bổ túc về chính trị và nghiệp vụ chính trị hậu cần cho cán bộ thuộc biên chế của TCHC [133].
Đánh giá về tình hình củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng cơ quan chính trị các cấp Đảng ủy TCHC nhận định: cơ quan chính trị của TCHC và các cục đã được kiện toàn một bước về chức trách, nhiệm vụ, chế độ công tác và cải tiến tác phong lề lối làm việc [49].
Xây dựng, kiện toàn bộ máy chỉ huy, chấn chỉnh tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần các cấp.
Do yêu cầu nhiệm vụ mới bộ máy lãnh đạo chỉ huy TCHC được Chính phủ, QUTW và BQP chỉ đạo điều chỉnh sắp xếp lại. Giữa năm 1969, đồng chí
Đinh Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm TCHC được Chính phủ điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim; đồng chí Nguyên Đôn, Phó Tổng Tham mưu trưởng được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm TCHC, Phó Chủ nhiệm TCHC gồm các đồng chí: Trần Thọ, Lương Nhân, Nguyên Duy Thái, Vũ Văn Cẩn, Trần Đại. Đến tháng 11 năm 1969, đồng chí Đinh Đức Thiện được điều động trở lại, tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm TCHC.
Đầu năm 1969, căn cứ vào sự phát triển của tình hình, QUTW và BQP giao cho TCHC phụ trách cả Đoàn 500 và Đoàn 559. Đoàn 559 đảm nhiệm chức năng của TCHC tiền phương. Theo đề nghị của Đảng ủy TCHC, ngày 29 tháng 6 năm 1969, QUTW ra Quyết định sáp nhập Đoàn 500 và Đoàn 559. Theo đó, lực lượng cơ bản thuộc Đoàn 500 được bàn giao cho Đoàn 559, số còn lại bàn giao cho Cục Vận tải, Cục Xăng dầu, Cục Quân khí…
Cũng ngay trong mùa mưa năm 1969 Đoàn 559 được BQP đầu tư thêm nhiều nhân lực, khí tài để xây dựng thêm nhiều cầu, cống, nhiều trục đường bổ trợ, nhiều đường vòng tránh, vượt trọng điểm, trong đó có nhiều đoạn đường được rải đá để chống trơn lầy.
Để hoàn thành kế hoạch vận chuyển năm 1969 - 1970, quân số Đoàn 559 được xác định từ 50.000 – 53.000 người, tổ chức thành 15 – 16 binh trạm hoặc hơn nữa. Về phương tiện, Đoàn 559 được bổ sung 2.904 xe vận tải các loại. Đồng thời, Đoàn 559 được chỉ đạo củng cố, điều chỉnh lại địa bàn đứng chân nhất là các kho, trạm để tiếp nhận lực lượng và vật chất của hậu phương nhập tuyến an toàn.
Cùng với Đoàn 559, Cục Vận tải cũng được chỉ đạo sắp xếp điều chỉnh lại tổ chức các đầu mối trực thuộc. Từ 14 binh trạm tổ chức lại thành 7 binh trạm và triển khai trên ba hướng: 2 binh trạm vận chuyển ở phía sau, 2 binh trạm vận chuyển chi viện cho chiến trường Lào, 3 binh trạm vận chuyển bảo đảm chân hàng cho tuyến 559 và Mặt trận Đường 9 – bắc Quảng Trị.
Cùng với điều chỉnh các tuyến vận tải chiến lược, QUTW, BQP và Đảng ủy, chỉ huy TCHC đã chỉ đạo củng cố tuyến hành quân chuyển thương trên miền Bắc với phương châm nhanh chóng, kịp thời, an toàn tuyệt đối.
Chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch lại hệ thống kho tàng với phương châm giảm bớt phân tán, tiện lợi cho việc dự trữ, tiếp nhận, cấp phát, nhưng vẫn bảo đảm được an toàn. Do đó, nhiều kho nhỏ được dồn dịch lại, bố trí không quá xa các trục đường giao thông. Tuy phải tận dụng nhiều vào diện tích hiện có, song Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã chỉ đạo kiên quyết đưa các kho ra khỏi nhà dân, đình, chùa… hoặc loại bỏ các kho ở trái tuyến đường, khó vận chuyển… Do yêu cầu bảo đảm chi viện, TCHC đã tăng cường lực lượng và vật chất kỹ thuật để mở rộng một số kho quan trọng, nhất là trên địa bàn nam Quân khu 4, trong đó Cục Quân nhu xây dựng kho C220 ở Lệ Thủy, kho C202 ở Bố Trạch (Quảng Bình), các kho C224 và C226 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); Cục Quân khí xây dựng 2 kho L828 và L830; Cục Quân y xây dựng, củng cố lại 4 kho TY270, T280 ở Hà Tĩnh và TY290, TY300 ở Quảng Bình… Việc quy hoạch, củng cố lại kho tàng của LLHC cấp chiến lược đã tạo điều kiện cho tiếp nhận, dự trữ, bảo quản, cấp phát vật chất kỹ thuật phục vụ các quân, binh chủng, các đơn vị xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và chi viện chiến trường.
Đến tháng 6 năm 1970, Bộ Chính trị họp xác định rõ Đông Dương là một chiến trường. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trước hết là chấn chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng cơ quan, cơ sở đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, triển khai kế hoạch chi viện bảo đảm cho các chiến trường…
Tổ chức biên chế được củng cố thêm một bước: ngày 29 tháng 7 năm 1969, BQP quyết định chuyển Cục Kỹ thuật thuộc TCHC thành Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc BTTM; ngày 26 tháng 5 năm 1970, BQP ra quyết định chuyển trường Sĩ quan Hậu cần, trường Đại học Quân y, trường Văn hóa ngoại ngữ thuộc TCHC về trực thuộc BQP; ngày 29 tháng 6 năm 1970, BQP ra quyết định chuyển Cục Tài vụ từ TCHC về trực thuộc BQP; ngày 29 tháng 7 năm 1970, BQP ra quyết định thành lập Trường quản lý xí nghiệp I và ngày 4 tháng 8 năm 1970 thành lập Trường Quản lý xí nghiệp II, trực thuộc TCHC, có nhiệm vụ huấn luyện chính trị, chuyên môn nghiệp vụ quản lý xí nghiệp cho sĩ quan, hạ sĩ quan hậu cần. Cũng trong thời gian này, nhằm kiện toàn hệ thống tổ chức chi viện chiến trường, Bộ Tư lệnh 559 từ trực thuộc TCHC
được chuyển thuộc BQP về mọi mặt. Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm chỉ đạo 559 về công tác hậu cần nhất là mặt vận tải. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ, ngày 8 tháng 7 năm 1970, TCHC quyết định thành lập cơ quan đại diện TCHC tuyến Nam do đồng chí Đặng Quốc Tuyển chỉ huy, có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các binh trạm 26, 16, 17 thực hiện kế hoạch vận chuyển, lập chân hàng cho 559. Mặt khác, TCHC thành lập ban đại diện TCHC ở Đường 7, có nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng vận tải, nhất là binh trạm 11 bảo đảm các kế hoạch vận chuyển chi viện cho cách mạng Lào. Tính đến cuối năm 1970, các đầu mối trực thuộc TCHC đều được chấn chỉnh, củng cố.
Ngày 1 tháng 5 năm 1972, trước hành động mở rộng chiến tranh mới của quân đội Mỹ, Ban Chấp hành Trung ương ra lời kêu gọi quân và dân cả nước nêu cao quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng địch trong mọi tình huống. Để bảo đảm chuyển hướng mọi hoạt động cho phù hợp với thời chiến, dưới sự lãnh đạo của QUTW và BQP, Đảng ủy, Chỉ huy TCHC tập trung chỉ đạo khẩn trương chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Trước hết, triển khai kế hoạch sơ tán, phân tán và đẩy mạnh công tác phòng không, nghi binh, bảo vệ. Cơ quan của TCHC và các cục nghiệp vụ, các đơn vị đều hình thành 2 bộ phận: bộ phận A (gọn nhẹ) ở lại trung tâm để phục vụ trực tiếp và trước mắt, bộ phận B (còn lại) sơ tán về địa điểm tương đối an toàn phục vụ nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Đối với các xí nghiệp, kho tàng, cơ sở kỹ thuật khác đều được sơ tán, phân tán về vùng nông thôn hoặc rừng núi kín đáo để tiếp tục sản xuất… Để bảo đảm lực lượng thực hiện nhiệm vụ giao thông vận tải trong điều kiện chiến tranh ác liệt QUTW, BQP đã chỉ đạo tăng cường lực lượng và phương tiện cho bộ đội vận tải. Quân ủy Trung ương và BQP đã giao cho TCHC sắp xếp lại tổ chức, bố trí thế đứng chân cho phù hợp. Cơ quan Cục Vận tải được biên chế lại cho phù hợp tình hình nhiệm vụ mới.
Chiến tranh phá hoại ác liệt, việc tiếp nhận xăng dầu bằng đường biển qua Cảng Hải Phòng bị phong tỏa. Thực hiện quyết định của Chính Phủ, BQP chỉ đạo TCHC, trực tiếp là Cục Xăng dầu tổ chức xây dựng tuyến đường ống
T72A để tiếp nhận xăng dầu từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội, và tuyến đường ống T72B từ Móng Cái về Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nối thông tuyến T72B với tuyến B12 của quốc gia về Hải Dương và sau đó nối với T72A, tạo thành mạng lưới tiếp nhận, vận chuyển liên hoàn xăng dầu cho nhu cầu chiến đấu, chi viện chiến trường và bảo đảm cho kinh tế dân sinh. Một số tổ chức của Cục Xăng dầu đảm trách nhiệm vụ thi công, quản lý, vận hành đường ống được thiết lập: tháng 6 năm 1972 thành lập 2 binh trạm 176 và 177; tháng 9 năm 1972 kho H150 được chuyển thành Binh trạm 150…
Những chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức, biên chế đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các LLHC, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến tranh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, đồng thời tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển LLHC lâu dài.
1.3.2. Chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp
Tiến hành tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ hậu cần các cấp.
Công tác giáo dục chính trị nhằm làm cho toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sỹ hậu cần kiên định lập trường, vững vàng trong mọi tình huống, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, nâng cao ý chí chiến đấu liên tục tiến công địch trong mọi lĩnh vực công tác, khắc phục mọi khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời khắc phục tư tưởng cầu an, giao động, do dự, ảo tưởng, sa sút ý chí chiến đấu.
Để thực hiện tốt yêu cầu đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTW và BQP, Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã chỉ đạo tiến hành tốt công tác giáo dục thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị. Coi trọng giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ hậu cần các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo về đường lối, nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, đường lối quân sự, đường lối và phương hướng xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa làm cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Tăng cường giáo dục bản chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội và ngành HCQĐ; thường xuyên củng cố lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện ý chí chiến đấu và tinh thần kỷ luật cho
toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sỹ hậu cần, quét sạch những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu. Thường xuyên giáo dục về tình hình nhiệm vụ làm cho mọi người nhận rõ tính chất quyết liệt và phức tạp của thời kỳ mới, nhận rõ bản chất ngoan cố, âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai; đánh giá đúng địch ta, thấy rõ thuận lợi, thắng lợi tất yếu của ta, khó khăn to lớn và thất bại tất yếu của địch, đồng thời thấy rõ những thiếu sót và những khó khăn ta phải nỗ lực khắc phục. Giáo dục đề cao cảnh giác, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm chính trị, tập trung tinh thần, sức lực vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và công tác với niềm tin tưởng vững chắc, tinh thần lạc quan cách mạng và khí thế tiến công mạnh mẽ.
Cùng với tiến hành tốt việc giáo dục thường xuyên theo kế hoạch, dưới sự chỉ đạo của QUTW và BQP, Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã tổ chức nhiều đợt học tập, sinh hoạt chính trị tập trung, như:
Ngày 3 tháng 9 năm 1969, Đảng ủy TCHC quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo di chúc của Hồ Chủ Tịch” với yêu cầu cơ bản nhất là “biến đau thương thành sức mạnh” để chiến thắng kẻ thù. Hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ có ý thức, thái độ đúng, hiểu biết sâu sắc về tư tưởng, đời sống chiến đấu và hoạt động cách mạng, đạo đức tác phong của Người, dốc lòng học tập, kế tục sự nghiệp cách mạng của Người; quyết tâm thực hiện lời dạy của Người “Hễ còn một tên xâm lược Mỹ trên đất nước ta, thì ta còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, quyết tâm đó phải là lời thề của mọi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ ngành hậu cần.
Tháng 1 năm 1971, để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và QUTW trong chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào, các đơn vị trong TCHC đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị “Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì, không ngại gian khổ, không chùn bước trước ác liệt hy sinh. Tất cả cho chiến dịch toàn thắng” [48].
Ngày 20 tháng 8 năm 1972, TCHC tiến hành đợt sinh hoạt chính trị “Nâng cao quyết tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới” nhằm: làm cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân, trước hết là đảng viên và cán bộ nhận thức đúng đắn tình hình, thấy rõ địch hành động điên cuồng là do