Điều Kiện Mới Tác Động Đến Đẩy Mạnh Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Quân Đội


Kết luận chương 1

Lực lượng hậu cần một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, toàn bộ con người, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành HCQĐ cùng với nó là hệ thống tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần các cấp và những thiết chế tương ứng. Xây dựng LLHC có số lượng thích hợp, chất lượng cao, tổ chức mạnh trực tiếp quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ CTHC bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất, kỹ thuật cho Quân đội xây dựng, chiến đấu thắng lợi.

Từ năm 1969 đến năm 1973, ĐBQĐ đã lãnh đạo xây dựng LLHC quân đội nhằm: không ngừng nâng cao sức mạnh toàn diện của LLHC; với phương châm là xây dựng LLHC cách mạng, chính quy, tiến nhanh lên hiện đại. Xây dựng LLHC phải dựa vào dân; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt; xây dựng lực lượng vận tải chiến lược mạnh là nhiệm vụ trung tâm; xuất phát từ thực tiễn; đồng thời, phải ra sức cần, kiệm, tự lực cánh sinh. Muốn vậy, phải tăng cường công tác xây dựng Đảng; tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; ra sức nâng cao chất lượng, đồng thời tích cực giải quyết hợp lý số lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp; phải chấn chỉnh tổ chức biên chế hệ thống cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần quân đội vững chắc từ Trung ương đến cơ sở, từ hậu phương tới các chiến trường.

Thực hiện chủ trương đó, QUTW, BQP và Đảng ủy, Chỉ huy TCHC đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các mặt: củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ hậu cần và xây dựng phát triển từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật hậu cần ở các cấp. Qua đó, LLHC đã không ngừng lớn mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho quân đội, cho các LLVT xây dựng, chiến đấu và chiến thắng; đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho bước phát triển sau này.


Chương 2

ĐẢNG BỘ QUÂN ĐỘI LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG HẬU CẦN (1973 – 1975)

2.1. Điều kiện mới tác động đến đẩy mạnh xây dựng lực lượng hậu cần quân đội

2.1.1. Tình hình cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Pari (27/1/1973)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.

Âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, sử dụng bạo lực đến cao độ tiến hành một cuộc chiến tranh lớn nhất từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Song, mọi sự cố gắng của Mỹ đều thất bại. Thắng lợi có ý nghĩa quyết định của quân và dân cả nước trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1/1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Tuy phải chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu độc chiếm miền Nam, biến miền Nam thành một quốc gia độc lập với một chế độ chính trị "quốc gia" thân Mỹ, một nền kinh tế và văn hoá chịu sự chi phối của Mỹ. Vì thế, đế quốc Mỹ tiếp tục duy trì sự can thiệp nhất định về quân sự, tiếp tục giúp đỡ chính quyền Sài Gòn đủ sức đứng vững và đối phó với miền Bắc. Đồng thời, bảo đảm cho Mỹ bám trụ lâu dài ở miền Nam, tránh được nguy cơ dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh mới.

Đảng bộ Quân đội lãnh đạo xây dựng lực lượng hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1975 - 9

Trên thực tế, đế quốc Mỹ ra sức xây dựng Quân đội Việt Nam Cộng hòa về số lượng và chất lượng, “tinh nhuệ hoá” quân đội để thay thế cho quân Mỹ, đủ sức đối phó trong mọi tình huống, đưa tổng số quân đến cuối năm 1973 lên 71 vạn (gồm 34 vạn chủ lực, 37 vạn địa phương) ngoài ra còn có 1,5 triệu phòng vệ dân sự, trong đó có 40 vạn có vũ trang; bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của quân Mỹ và chư hầu trước đây, cấp tốc viện trợ tăng thêm nhiều vũ khí, trang bị, vật tư chiến tranh; gấp rút củng cố các quân đoàn, sư đoàn chủ lực, phát triển không quân, tăng cường lực lượng và trang bị của lực lượng bảo an, dân vệ [144, tr. 402].

Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế và tâm lý..., tiến hành bình định lấn chiếm; dùng


lực lượng lớn tiến công ào ạt, thực hiện “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lại các vùng mới giải phóng, tiến công lấn chiến một số vùng giải phóng cũ; đẩy mạnh “bình định đặc biệt”, mở các “chiến dịch Phượng Hoàng”, sử dụng tình báo, gián điệp, biệt kích đánh phá cơ sở hạ tầng, bao vây kinh tế, tiêu diệt lực lượng của cách mạng... nhằm tiến tới xóa bỏ vùng giải phóng, tiêu diệt quân giải phóng, xóa bỏ chính quyền cách mạng ở miền Nam. Họ đã gây cho cách mạng miền Nam Việt Nam một số tổn thất, khó khăn nhất định, nhất là trong thời gian đầu năm 1973. Họ còn tiến hành “cách mạng hành chính”, thanh lọc, cải tổ bộ máy chính quyền Sài Gòn; xây dựng kế hoạch kinh tế hậu chiến, với mục tiêu làm cho kinh tế miền Nam trong một số năm sẽ vượt kinh tế miền Bắc...

Ở khu vực Đông Nam Á, đế quốc Mỹ tiếp tục duy trì một lực lượng không quân, hải quân làm lực lượng răn đe kết hợp với tăng cường hoạt động ngoại giao và các hoạt động phá hoại khác, nhằm hạn chế khả năng tiến công lớn để giải phóng miền Nam của quân và dân Việt Nam.

Trước sự đánh trả quyết liệt của quân và dân Việt Nam, nhất là sau khi có Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (7/1973), đến giữa năm 1974 đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn lâm vào thế bị động đối phó, chuyển sang hoạt động ngăn chặn, cố giữ các thành phố, thị xã, đường giao thông, địa bàn quan trọng.

Sau thất bại nặng nề phải rút khỏi miền Nam, nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng: kinh tế suy thoái, xã hội rối loạn, nội bộ chính quyền và các đảng phái chia rẽ sâu sắc, cuộc “khủng hoảng lòng tin” ở nước Mỹ lên tới cao độ. Vụ bê bối “Oa-tơ-ghết”, buộc Níchxơn phải rời Nhà Trắng; viện trợ quân sự của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn giảm mạnh. Chính quyền Sài Gòn đối đầu với những khó khăn chồng chất không thể khắc phục; tình hình mọi mặt ngày càng sa sút, kế hoạch bình định bị phá sản, việc hiện đại hoá quân đội bị thất bại, kế hoạch kinh tế không thực hiện được. Họ phải chuyển hẳn sang phòng ngự, chủ trương “bảo vệ tối đa an ninh lãnh thổ”. Trước những đòn tiến công dồn dập, mãnh liệt của quân và dân Việt Nam, quân đội và chính quyền Sài Gòn sụp đổ nhanh chóng, Mỹ không có cách gì cứu vãn nổi tình thế, phải chịu thất bại hoàn toàn.


Cục diện mới của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Pari

Sau Hiệp định Pari, miền Bắc tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất mới, củng cố căn cứ địa cách mạng chung của cả nước, phát huy sức mạnh hậu phương lớn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh giải phóng miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương, nhân dân miền Bắc ra sức thi đua lao động, khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi và phát triển nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải đạt kết quả tốt. Nông nghiệp có bước tiến bộ mới trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước về công tác quản lý nên năng suất, hiệu quả ngày càng nâng cao. Năm 1974, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, cả hai vụ lúa đều được mùa, sản lượng thóc cả năm tăng 21,4%, so với năm 1973, nhiều tỉnh, thành phố, huyện, hợp tác xã đạt năng xuất bình quân 5 tấn thóc/ha, tỉnh Thái Bình đạt 7 tấn/ha, một số hợp tác xã đạt 10 tấn/ha. Trong công nghiệp một số nhà máy mới được đưa vào sản xuất, một số nhà máy mới xây dựng thêm, đưa giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1974 tăng 15% so với trước chiến tranh, sản lượng điện tăng 66% so với năm 1965, sản lượng than cũng tăng hơn so với mấy năm trước. Về giao thông vận tải, nhiều bến cảng, tuyến đường được khôi phục sử dụng, nhiều cầu bị đánh phá hỏng được sửa chữa lại, xây dựng mới một số cầu quan trọng; các luồng lạch ra vào bến cảng được nạo vét, gỡ mìn, bảo đảm cho các tàu có trọng tải lớn ra vào an toàn. Năm 1974 tổng số hàng hoá vận chuyển tăng 60% so với năm 1964.

Nhìn chung kinh tế miền Bắc được khôi phục một bước, đến năm 1974, sản xuất trên một số mặt quan trọng đã đạt và vượt các năm 1965 – 1971 là những năm kinh tế phát triển cao trong 20 năm xây dựng hậu phương ở miền Bắc (1955 - 1974), bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu chi viện cho các chiến trường. Trong 2 năm 1973 – 1974, đã có 150.000 thanh niên nhập ngũ và hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật các ngành lên đường vào miền Nam chống Mỹ, cứu nước.


Ở miền Nam, thế và lực của cách mạng đã phát triển vượt bậc và lớn mạnh. Chỗ mạnh nhất của cách mạng miền Nam là đã có một LLVT hùng hậu; về số lượng không nhiều hơn, nhưng đã chiếm một tỷ lệ cao nhất. Qua các thời kỳ chiến tranh, LLVT cách mạng đã từng đánh bại cả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn được trang bị đầy đủ và rất hiện đại, nay đang đứng vững trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo ra thế hỗ trợ tốt giữa các vùng. Cách mạng miền Nam đã có chính quyền cách mạng, Chính phủ Cách mạng lâm thời có uy tín cao ở trong nước và trên thế giới; có vùng căn cứ rộng lớn nối thông với miền Bắc và dựa lưng vào hậu phương của hai nước Lào và Campuchia làm cho thế chiến lược càng thêm vững mạnh.

Lực lượng chính trị ở miền Nam trải qua nhiều thử thách vẫn giữ vững và phát triển trong nhân dân ở khắp các vùng. Một bộ phận lớn quần chúng trong vùng tranh chấp, vùng tạm bị chiếm trước đây vốn là vùng giải phóng, mặc dù bị địch đánh phá, kìm kẹp vẫn gắn bó với cách mạng. Hiệp định Pari đem lại cho quần chúng lòng tự hào trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc và tạo ra thế mạnh về chính trị và pháp lý để quần chúng đứng lên đấu tranh. Ngọn cờ hoà bình, hoà hợp dân tộc, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh của Đảng, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của đông đảo quần chúng. Ngọn cờ đó đang phát huy ảnh hưởng của cách mạng trong các tầng lớp nhân dân vùng địch kiểm soát, mở ra khả năng tập hợp được đông đảo các giai cấp cách mạng, các tầng lớp yêu nước, tranh thủ các tổ chức, các phe nhóm, các cá nhân thiết tha với hoà bình, dân chủ, hoà hợp dân tộc, chống tập đoàn phát xít quan liêu quân phiệt.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 của Đảng khẳng định: con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực, phải luôn nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công. Quân và dân ở miền Nam kiên quyết giáng trả những hành động chiến tranh của quân đội Sài Gòn, giữ và giành quyền làm chủ trên các chiến trường; đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch “bình định”, đánh bại hầu hết các cuộc hành quân lấn chiến, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Mặt khác, quân và dân miền Nam ra sức đẩy


mạnh xây dựng vùng giải phóng phát triển về mọi mặt. Chính phủ Việt Nam đầu tư lớn để xây dựng, hoàn thiện mạng đường giao thông chi viện chiến lược; các ngành đưa nhiều lực lượng, vật tư, phương tiện chi viện về kinh tế, văn hoá cho miền Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng xây dựng các binh đoàn chủ lực, phát triển các lực lượng binh chủng kỹ thuật; phát triển và củng cố LLVT tại chỗ; đứng vững trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, ra sức tăng cường lực lượng chiến đấu, trang bị kỹ thuật, dự trữ vật chất cho các chiến trường, làm chuyển biến nhanh chóng thế và lực có lợi trên toàn miền Nam, mở ra thời cơ lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi.

Trước thời cơ lớn đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân cả nước tập trung mọi nguồn sức mạnh, mở các đòn tiến công mãnh liệt, liên tiếp, giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

2.1.2. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội, của công tác hậu cần trong thời kỳ mới

Hiệp định Pari được ký kết, cách mạng Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đánh cho Mỹ phải rút quân, bước vào thực hiện nhiệm vụ đánh cho “ngụy nhào”. Nhiệm vụ cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam trong giai đoạn mới là tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh để thực hiện hòa bình, đồng thời luôn luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động của địch phá hoại Hiệp định, gây lại chiến tranh; đẩy mạnh đấu tranh trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao một cách chủ động và linh hoạt để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đồng thời, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới.

Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Nghị quyết của QUTW tháng 6 năm 1973, Về tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới [114], xác định:


Nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của các LLVT, tăng cường chất lượng chiến đấu của quân đội và khả năng phòng thủ đất nước bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, giữ vững vùng giải phóng miền Nam, kiên quyết đánh bại mọi hành động và âm mưu phá hoại hòa bình của địch, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thi hành Hiệp định, ra sức đấu tranh củng cố hòa bình cùng với toàn dân đưa cách mạng tiến lên.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của miền Bắc và miền Nam, vận dụng phương châm xây dựng QĐND hùng mạnh, chính quy và hiện đại, phát triển LLVT quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp, nâng cao sức mạnh toàn diện của các LLVT, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do Đảng đề ra.

Xây dựng hậu phương vững mạnh, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng toàn dân ở miền Bắc, ra sức xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa ở miền Nam.

Giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia với những nội dung, phương thức thích hợp và có hiệu lực, tùy theo sự phát triển của tình hình.

Nhằm tăng cường LLVT, nhất là kiện toàn khối chủ lực cơ động dự bị chiến lược để khi thời cơ đến có thể đánh lớn giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ quân sự trong thời kỳ mới, theo đề nghị của QUTW và BQP tháng 10 năm 1973, Bộ Chính trị phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Theo đó, ngày 24 tháng 10 năm 1973 trên miền Bắc thành lập Quân đoàn 1; ngày 17 tháng 5 năm 1974, thành lập Quân đoàn 2 ở chiến trường Trị Thiên; tháng 6 năm 1974, thành lập khối chủ lực ở Tây Nguyên; ngày 20 tháng 7 năm 1974, thành lập Quân đoàn 4 tại vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ [8, tr. 339 – 347]. Với việc thành lập các quân đoàn chủ lực và khối chủ lực trên đánh dấu sự phát triển mới về quy mô tổ chức lực lượng của Quân đội, đòi hỏi LLHC cũng phải được xây dựng, phát triển theo, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần cho các đơn vị xây dựng và chiến đấu.


Nhằm bảo đảm đầy đủ mọi nhu cầu về vật chất, kỹ thuật cho quân đội, cho các LLVT xây dựng và chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự trong tình hình mới, nhiệm vụ CTHC được QUTW xác định là: phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, đồng thời phải xây dựng cơ sở, cơ bản lâu dài cho cả hai miền. Trong đó, tập trung bảo đảm chi viện và xây dựng căn cứ địa ở miền Nam là nhiệm vụ khẩn trương hàng đầu; khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố lực lượng theo hướng xây dựng QĐND cách mạng, chính quy và hiện đại, kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng hậu phương vững chắc, tham gia xây dựng kinh tế miền Bắc là nhiệm vụ quan trọng cơ bản [135]. Từ nhiệm vụ chung đó, trong giai đoạn mới nhiệm vụ CTHC tập trung vào các mặt công tác chủ yếu là:

Nhanh chóng củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường LLHC về mọi mặt bảo đảm cho xây dựng, phát triển LLVT, nhất là cho xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển, hoàn thiện tuyến giao thông vận tải chiến lược, tổ chức vận chuyển lớn, tăng cường chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, nhất là chiến trường miền Nam.

Ra sức xây dựng kiện toàn tổ chức LLHC trên các chiến trường, nâng cao khả năng bảo đảm tại chỗ, đẩy mạnh công tác tổ chức chiến trường, xây dựng thế trận hậu cần tại chỗ liên hoàn vững chắc trên các hướng tác chiến; bảo đảm cho các LLVT đánh bại bình định lấn chiến của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, tích cực chuẩn bị cho thời cơ lớn. Tập trung sức mạnh của cả nước, của toàn quân, của toàn ngành hậu cần chuẩn bị và tổ chức bảo đảm cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ giúp đỡ về hậu cần cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia.

Nhiệm vụ của CTHC trong thời kỳ mới phát triển cả về quy mô và trình độ, rất nặng nề, khó khăn và gian khổ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó phải đẩy mạnh xây dựng LLHC vững mạnh về mọi mặt.

Xem tất cả 228 trang.

Ngày đăng: 24/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí