Yêu Cầu Khách Quan Xây Dựng Lực Lượng Hậu Cần Quân Đội


Chương 1

ĐẢNG BỘ QUÂN ĐỘI LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG HẬU CẦN (1969 – 1973)

1.1. Yêu cầu khách quan xây dựng lực lượng hậu cần quân đội

1.1.1. Vị trí, vai trò của lực lượng hậu cần quân đội

Lực lượng hậu cần là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm toàn bộ con người, phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật hậu cần của các cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần trong toàn quân “Lực lượng hậu cần là toàn bộ lực lượng các cơ quan, đơn vị, phân đội hậu cần trong một tổ chức, lực lượng quân sự nhất định” [5, tr. 280], được tổ chức ở tất cả các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Lực lượng hậu cần cấp chiến lược gồm: “Các cơ quan đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần; các kho, trạm, viện, bệnh viện, xí nghiệp… do ngành Hậu cần quản lý” [5, tr. 280]. Trong đó, con người là nhân tố quan trọng nhất, nhân tố quyết định tới sức mạnh HCQĐ, quyết định đến thắng lợi của CTHC.

Lực lượng hậu cần có vai trò to lớn trong việc hình thành và quyết định sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân đội. Vai trò to lớn đó được thể hiện:

Thứ nhất, LLHC là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần trực tiếp vào việc hình thành sức mạnh của Quân đội. Là một bộ phận của Quân đội, nên Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là ĐBQĐ tổ chức và lãnh đạo LLHC là tất yếu khách quan. Tính tất yếu khách quan đó được quy định bởi yêu cầu khách quan Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ rõ: vấn đề căn bản nhất trong hệ thống những nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản phải tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ quân đội về mọi mặt, phải đặt quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống.

Trung thành với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện cụ thể Việt Nam, ngay khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định phải tổ chức và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.


tổ chức và lãnh đạo Quân đội là tất yếu khách quan, là quy luật xây dựng Quân đội cách mạng của Đảng.

Đảng bộ Quân đội lãnh đạo xây dựng lực lượng hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1975 - 4

Thứ hai, LLHC là lực lượng trực tiếp tổ chức và thực hiện thắng lợi CTHC quân đội. Công tác hậu cần là một mặt công tác quân sự, một yếu tố cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội “Công tác hậu cần quân đội, một mặt công tác quân sự của Đảng, gồm tổng thể các hoạt động để bảo đảm vật chất, sinh hoạt, quân y, vận tải, xăng dầu… cho quân đội, nhằm duy trì khả năng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ” [5, tr. 91]. Công tác hậu cần quân đội là bộ phận nòng cốt của CTHC quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân; là một mặt tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội; một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội; công tác chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần. Đồng thời, là công tác chung của mọi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng trong toàn quân.

Học thuyết Mác - Lênin bàn về chiến tranh và quân đội chỉ rõ điều kiện kinh tế, công tác bảo đảm vật chất hậu cần cho quân đội là một trong những điều kiện quyết định đến sức mạnh của quân đội và sự thắng lợi của quân đội trên chiến trường. V.I. Lênin chỉ rõ: “Một đội quân giỏi nhất, … cũng đều sẽ lập tức bị quân thù tiêu diệt nếu không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện một cách đầy đủ” [77, tr. 497]. Sau này I.V. Xta-lin tổng kết: “… kết cục của các chiến dịch phụ thuộc vào việc tiếp tế đầy đủ và kịp thời đạn dược, trang bị và lương thực cho bộ đội” [161, tr. 102].

Trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: hậu cần là một trong những yếu tố quan trọng tạo lên sức mạnh tổng hợp của quân đội, của các LLVT nhân dân “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được” [88, tr. 261]. Vì thế, Người luôn coi trọng cả nuôi quân, dạy quân và dùng quân và ba mặt công tác: tham mưu, chính trị, hậu cần; đồng thời, thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo, chỉ huy phải trực tiếp chăm lo, tổ chức tốt CTHC.


Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập, trong những tư tưởng quân sự đầu tiên đã làm rõ vai trò của lĩnh vực bảo đảm hậu cần cho LLVT, cho quân đội “… rằng tuyệt nhiên không cần binh khí thì cũng là sai nữa, phải có binh khí ít nhiều, càng nhiều càng tốt” [14, tr. 92]. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định: CTHC là một trong ba mặt công tác cơ bản của quân đội: tham mưu, chính trị, hậu cần (bao gồm cả kỹ thuật), bộ phận quan trọng cấu thành sức mạnh tổng hợp của quân đội.

Trong cuộc KCCM, CN Đảng chỉ rõ: tổ chức và CTHC có tác dụng rất trọng yếu, nếu không có tổ chức hậu cần mạnh thì dù quân đội có anh dũng, thiện chiến đến đâu cũng không giành được thắng lợi [16, tr. 226].

Như vậy, CTHC có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hoạt động quân sự, góp phần quyết định thắng lợi, hay thất bại của trận đánh, của chiến dịch và của cả cuộc chiến tranh.

Vai trò quan trọng của CTHC chỉ được thực hiện đầy đủ trên cơ sở LLHC vững mạnh toàn diện. Vì thế, phải không ngừng xây dựng LLHC đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần cho quân đội xây dựng và chiến đấu thắng lợi.

1.1.2. Tình hình cách mạng Việt Nam sau Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968

Âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển hướng chiến lược chiến tranh, ngừng bắn phá miền Bắc, thực hiện “phi Mỹ hóa” và “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, nhằm rút dần quân Mỹ, nhưng vẫn giữ được miền Nam trong quỹ đạo thực dân mới của chúng.

Níchxơn sử dụng tối đa sức mạnh về quân sự của nước Mỹ, kết hợp với thủ đoạn chính trị, ngoại giao xảo quyệt, hòng giành thế mạnh, cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Với chiến lược quân sự “quét và giữ” đẩy mạnh tấn công vùng nông thôn đồng bằng, tập trung đánh phá các khu căn cứ, hành lang vận chuyển, bao vây kinh tế vùng giải phóng; phá vỡ nhiều cơ sở kháng chiến, đẩy lùi một phần phong trào du kích, làm xáo trộn, chia cắt thế liên hoàn giữa các khu căn cứ ở miền Nam Việt Nam.


Ở Campuchia, Mỹ gây sức ép đòi chính quyền đương thời bỏ chính sách trung lập (1969), làm đảo chính lật đổ Xi-ha-núc (3/1970), đưa lực lượng lớn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến công vào đất Campuchia là nơi họ nghi có căn cứ hậu cần của Việt Nam, nhằm chặn đứng việc tiếp tế cho miền Nam qua Campuchia. Ở Lào, Mỹ đưa thêm quân Thái Lan vào tham chiến, liên tiếp tiến công lấn chiếm Cánh Đồng Chum (9/1969), sử dụng quân chủ lực Sài Gòn với không quân Mỹ yểm trợ hành quân lớn ra Đường 9 – Nam Lào (2/1971) đánh phá hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược chi viện chiến trường của Việt Nam.

Mỹ ra sức xây dựng và phát triển lực lượng, tăng cường trang bị, kỹ thuật cho quân đội Sài Gòn, củng cố bộ máy chính quyền Sài Gòn, thực hiện rút dần quân Mỹ, trù tính kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế miền Nam sau chiến tranh. Mỹ còn trì hoãn, kéo dài cuộc đàm phán ở Pari, tranh thủ các nước lớn hạn chế viện trợ quân sự cho Việt Nam.

Tuy đã tập trung sức mạnh toàn diện, tiến hành phản công quyết liệt gây cho cách mạng Việt Nam những khó khăn to lớn, nhưng đế quốc Mỹ vẫn không thực hiện được yêu cầu cơ bản của “Việt Nam hóa chiến tranh”, ngày càng sa vào thế thua, bị động, khó khăn, đi xuống. Thắng lợi to lớn, toàn diện của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong hai năm 1970, 1971 đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nổ ra, Mỹ bị động, phải dùng không quân, hải quân đánh phá ác liệt ở miền Nam và mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đánh mạnh, đánh sâu vào nội địa, phong tỏa vùng biển, hải cảng, đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 đánh phá có tính chất hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác.

Sự chuyển biến của cách mạng Việt Nam sau Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968

Sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, miền Bắc ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, cải tiến quản lý kinh tế, tiếp tục tranh thủ viện trợ quốc tế, nhằm tạo thêm sức mạnh chi viện


chiến trường và ổn định đời sống nhân dân. Năng suất lúa năm 1970 tăng gần nửa triệu tấn so với năm 1969; sản lượng lương thực quy ra thóc năm 1971 đạt 5,6 triệu tấn (riêng thóc đạt gần 5 triệu tấn) cao hơn mức bình thường các năm khác. Những cơ sở công nghiệp quan trọng (điện lực, cơ khí, dệt, dược phẩm) được khôi phục, đạt hoặc vượt mức sản phẩn năm 1965. Các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, vận chuyển thông suốt; sản lượng vận tải năm 1971 đạt trên 24 triệu tấn, vượt trên 4 triệu tấn so với năm 1965. Mạng lưới y tế nhân dân tiếp tục phát triển cả về tổ chức lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật [144, tr. 288].

Trên chiến trường miền Nam, do bị tổn thất trong Tết Mậu Thân, trong các đợt tổng tiến công năm 1968 và do đánh giá không sát đúng tính chất phức tạp, nham hiểm của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; đồng thời, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức ngăn chặn tuyến hành lang chiến lược, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam bị gián đoạn làm cho đời sống của bộ đội và nhân dân vùng giải phóng thiếu thốn, sức chiến đấu giảm sút. Thừa cơ hội đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường hành quân càn quét và lấn chiếm. Cùng với các hoạt động quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc để triệt phá kinh tế và cơ sở hậu cần của Việt Nam như: rải hàng vạn tấn chất độc hóa học phá trụi hàng triệu ha rừng, hoa màu, ruộng vườn; bao vây, bóp nghẹt kinh tế, ngăn chặn hành lang, bịt các cửa khẩu… Vì thế, vùng giải phóng ở miền Nam bị thu hẹp, mất bàn đạp và chỗ đứng châm, quân chủ lực Miền bị đẩy lên tận biên giới Campuchia; căn cứ địa hậu phương và cơ sở hậu cần Việt Nam trên chiến trường miền Nam bị tổn thất nghiêm trọng “… đầu năm 1969 địch chiếm lại được phần lớn vùng nông thôn giải phóng quanh Sài Gòn và hầu hết Khu 8, Khu 9, các căn cứ hậu cần của ta ở đây bị xóa. Các căn cứ hậu cần ở miền Đông Nam Bộ không còn dự trữ gạo, muối” [144, tr. 345]. Mất dân, mất đất, mất cơ sở, hậu cần các cấp không bảo đảm được cho các LLVT.

Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1969, Bộ Chính trị họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân và dân cả nước


ra sức chi viện tăng cường lực lượng cho các mặt trận, tiếp tục đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, kết hợp với tiến công ngoại giao; mở những đợt tiến công phủ đầu khi Níchxơn lên cầm quyền, diệt nhiều sinh lực địch; triển khai cuộc đấu tranh ngoại giao trực diện với Mỹ, dồn họ vào thế bị động trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pari; lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thi hành nhiều cải cách dân chủ, thực hiện người cày có ruộng ở các vùng giải phóng. Cách mạng miền Nam từng bước khắc phục khó khăn, tiến hành phản công, tiến công quyết liệt trên cả ba vùng chiến lược, lấy nông thôn làm hướng tiến công chủ yếu, phát triển chiến tranh nhân dân ở nhiều địa phương, đánh bại bình định lấn chiếm của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia và Lào, mặt trận đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương được hình thành, đưa lực lượng lớn tiến công đánh bại cuộc hành quân lớn sang đất Campuchia, giúp cách mạng Campuchia phát triển nhảy vọt, giải phóng nhiều tỉnh giáp Việt Nam và hầu hết vùng nông thôn rộng lớn, tạo ra một hậu phương chiến lược quan trọng cho cách mạng miền Nam. Ở Lào, bộ đội Việt Nam phối hợp với bộ độ Lào đánh bại các cuộc hành quân liên tiếp của địch hòng lấn chiếm Cánh Đồng Chum, bảo vệ vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của Mỹ và quân đội Sài Gòn ra Đường 9 – Nam Lào giữ vững hành lang vận chuyển chiến lược 559; tiến công giải phóng cao nguyên Bô-lô- ven, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, cùng với các vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia và Đông Nam Bộ hình thành căn cứ kháng chiến liên hoàn ở ba nước Đông Dương.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào đã tạo chuyển biến mới về thế và lực của cách mạng Việt Nam, từ chỗ phòng ngự đã chuyển sang thế chủ động tiến công địch trên mọi mặt trận. Tháng 5 và tháng 6 năm 1971, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cho quân và dân cả nước phải kịp thời nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, giành thắng lợi quan trọng trong năm 1972. Cuộc tiến công chiến


lược năm 1972 diễn ra trên khắp miền Nam, bắt đầu từ 30 tháng 3 năm 1972, với Trị - Thiên là hướng tiến công chủ yếu. Các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn cùng nổ ra trong một thời gian ở ba mặt trận, phá vỡ các tuyến phòng ngự bên ngoài của địch ở Quảng Trị, bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Tiếp đó, các cuộc tiến công dồn dập vào các tuyến phòng ngự bên trong của địch ở bắc Bình Định, đồng bằng sông Cửu Long..., tiến công quân sự kết hợp với chính trị, nổi dậy của quần chúng đã tiêu diệt, làm tan rã bộ phận lớn lực lượng chủ lực và địa phương của quân đội Sài Gòn, mở ra nhiều vùng giải phóng ở cả rừng núi, đồng bằng và ven biển miền Nam. Trong năm 1972, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào Hà Nội, Hải Phòng, bắn rơi nhiều B-52 và máy bay hiện đại khác.

Thắng lợi to lớn của quân và dân cả nước trong năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1/1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân khỏi miền Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc KCCM, CN.

1.1.3. Thực trạng lực lượng hậu cần quân đội đầu năm 1969

Trong cuộc KCCM, CN dưới sự lãnh đạo của ĐBQĐ, đến đầu năm 1969 LLHC đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho quân đội, cho các LLVT xây dựng trưởng thành và chiến đấu thắng lợi. Nhận định về tình hình LLHC đầu năm 1969, Đề án chấn chỉnh tổ chức lực lượng của TCHC (1969 – 1970) [phụ lục 1] chỉ rõ những ưu, khuyết điểm chủ yếu sau:

Lực lượng hậu cần đã phát triển đúng hướng, tương đối cân đối và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật và quân số, bảo đảm cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, bảo đảm cho các LLVT miền Bắc phát triển và làm tròn nhiệm vụ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Cơ cấu tổ chức TCHC đã phát triển theo hướng tăng thêm những thành phần khoa học kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh ngày càng hiện đại. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tăng nhiều cả về số lượng và chất lượng


Lực lượng phát triển tương đối cân đối và toàn diện giữa các cấp, các ngành, đã ưu tiên thích đáng cho các lực lượng làm nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu. Trong đó: lực lượng vận tải phát triển mạnh với 3 tuyến vận tải chiến lược (Đoàn 559, Đoàn 500 và Cục Vận tải), gồm nhiều binh chủng hợp thành; lực lượng đường ống đã hình thành và phát triển nhanh trong chiến tranh, đã đáp ứng yêu cầu vận chuyển chi viện cho chiến trường; lực lượng kho, các xưởng sản xuất và sửa chữa phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, bảo quản, cải tiến, sản xuất, sửa chữa khối lượng vật tư, hàng hóa, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật tăng rất lớn, tính chất ngày càng hiện đại; lực lượng quân y phát triển mạnh cả về số lượng bệnh viện, đội điều trị, số giường bệnh, số lượng, chất lượng y, bác sỹ và trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị đáp ứng yêu cầu của các chiến trường và phục vụ các LLVT; lực lượng xây dựng cơ bản phát triển bao gồm cả lực lượng thi công, khảo sát và thiết kế; hệ thống trường, lớp phát triển đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho chiến tranh.

Đã điều động một LLHC lớn vào phục vụ LLVT và xây dựng ngành HCQĐ ở miền Nam. Đồng thời, đề nghị Nhà nước điều động bổ sung một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc phát triển LLHC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy vậy, tổ chức LLHC còn bộc lộ nhiều khuyết điểm:

Tổ chức quy mô nhỏ, phân tán phù hợp với điều kiện chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, sang giai đoạn mới đã bộc lộ những nhược điểm trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất, công tác bảo quản vật tư, hàng hóa, nhất là những loại vũ khí trang bị mới và hiện đại.

Cơ sở vật chất kỹ thuật lớn, đội ngũ lao động có nhiều ngành nghề, nhưng trình độ tay nghề thấp, thâm niên ít, công tác quản lý nói chung, quản lý lao động nói riêng còn lỏng lẻo, thành phần gián tiếp cao, cơ quan phục vụ cồng kềnh, nên chưa phát huy được sức mạnh của cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động, năng suất lao động thấp và tăng chậm, gây lãng phí sức người, sức của.

Xem tất cả 228 trang.

Ngày đăng: 24/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí