Thạch Lam Và Thế Giới Bên Trong Của Người Bình Dân


qua đó gửi gắm những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh chính là một bứt phá của văn học trên con đường hiện đại.

Trong khi các cây bút hiện thực chú tâm tới việc xây dựng những tính cách điển hình và khái quát từng mảng lớn của hiện thực đời sống thì các nhà văn Tự Lực lại tìm đến một xu hướng sáng tác mới. Gây được ấn tượng cho độc giả đương thời là những tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhất Linh, Khái Hưng. Ở đó, các nhà văn đã khám phá và biểu đạt những cung bậc cảm xúc tinh tế trong tâm hồn của lớp thanh niên nam nữ thế hệ mới. Nắm bắt và diễn tả cái tôi cá nhân cùng thế giới tâm lí phong phú, phức tạp của con người là đóng góp nổi bật trong sáng tác của các nhà văn Tự Lực. Cùng chung ý hướng này nhưng Thạch Lam không đề cao cái tôi hưởng thụ cá nhân, không nghiêng về thể hiện con người xã hội mà thiên về miêu tả và biểu đạt những cảm xúc, cảm giác, những tâm tư khuất lấp phức tạp, phong phú của cái tôi lãng mạn. Nếu đối tượng phản ánh trong sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo là những vấn đề có tính thời sự trong một giai đoạn lịch sử nhất định thì đối tượng phản ánh trong truyện ngắn Thạch Lam lại là những trạng thái tâm hồn của con người. Có lẽ vì thế mà nhiều tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng không chịu được sự đọc lại nhưng truyện ngắn Thạch Lam vẫn giữ nguyên giá trị trước sự sàng lọc của thời gian.

Bằng cách nhìn và cách chiếm lĩnh hiện thực độc đáo, Thạch Lam đã sáng tạo nên nhiều truyện ngắn mang vẻ đẹp riêng không dễ lẫn. Những truyện ngắn của Thạch Lam là sự khẳng định một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo, khả năng đi sâu thăm dò, nắm bắt và khám phá những cảm xúc, cảm giác tinh vi, sâu lắng trong tâm hồn con người. Nghĩa là, cái hiện thực mà Thạch Lam quan tâm và đặt lên hàng đầu không phải là hiện thực bên ngoài mà là hiện thực bên trong, là ảo ảnh của hiện thực. Chính việc đào sâu vào thế giới


nội tâm bí ẩn, khuất lấp của con người đã làm nên nét riêng biệt trong cách phản ánh, khái quát hiện thực của truyện ngắn Thạch Lam.

2.1. Thạch lam và thế giới bên trong của người bình dân

Truyện ngắn của Thạch Lam xuất hiện khi Tự Lực văn đoàn đã gặt hái được nhiều thành tựu trên địa hạt văn xuôi tâm lí. Rất nhiều trang viết trong sáng về những cung bậc cảm xúc phong phú, đa dạng của tình yêu, tình người của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo từng đem đến sự cảm động vô ngần cho người đọc. Xét trong tương quan đó, Thạch Lam không phải là người dẫn đường, mở đầu nhưng là người tiếp nhận và phát triển. Thạch Lam đã kế thừa và phát huy một cách xuất sắc những thành tựu của văn chương Tự Lực văn đoàn nhưng bằng những tìm tòi, sáng tạo ông đã tạo nên một thế giới nghệ thuật độc đáo của riêng mình.

Không giống như Nguyễn Tuân tìm về cái đẹp siêu phàm của một thời vang bóng, khác với Khái Hưng hướng đến cái đẹp phi lí, hoang sơ, Thạch Lam đi kiếm tìm cái đẹp ngay trong cuộc sống bình dị thường nhật. Nói chính xác hơn, “cái đẹp mà Thạch Lam chăm chú phát hiện chính là cái đời sống bên trong” [60; 171] của con người. Nhà văn đã có những khám phá vừa mới mẻ, sâu sắc vừa tinh tế, hấp dẫn về cái đẹp nhiều khi tiềm tàng, khuất lấp, mơ hồ ở thế giới bên trong con người. Cách thức chiếm lĩnh hiện thực này được thể hiện một cách phong phú sinh động trên mỗi trang viết của Thạch Lam.

Với ba tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942) và một số truyện khác in từ 1934 đến 1945, Thạch Lam đã cho thấy đối tượng phản ánh nghệ thuật của ông là vẻ đẹp của những giá trị tinh thần, của tình người, của những nỗi lòng trắc ẩn. Đó là tình bạn của Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, là cảm giác của Tân khi được làm cha trong Đứa con đầu lòng, là sự nhẫn nại chịu thương của Tâm trong Cô hàng xén... Tất cả nói rằng cái đẹp mà Thạch Lam chú tâm khám phá nhất là cái đẹp ở thế giới bên trong

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.


của con người. Vẻ đẹp ấy như một cứu cánh nghệ thuật để Thạch Lam hướng tới, nghĩ về.

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 6

2.1.1 Thạch Lam và thế giới bên trong của trẻ thơ

Trong các truyện ngắn viết về trẻ thơ, Thạch Lam thường đặt những “thiên sứ” của mình vào các bi kịch nhân sinh. Nhưng chủ ý của Thạch Lam không phải là đi sâu mô tả những cảnh đời lụi tàn, lam lũ. Điểm nhấn của Thạch Lam chính là vẻ đẹp thế giới bên trong của những đứa trẻ trên cái nền bóng tối tràn lan, đậm đặc của xã hội đương thời. Nhà văn đã lách vào đáy sâu đời sống tinh thần phong phú của trẻ thơ để khám phá, miêu tả những cảm xúc tinh tế, vi diệu nhất trong tâm hồn trẻ nhỏ và tạo ra được cho mình một thế giới trẻ thơ riêng. Đọc truyện ngắn viết về trẻ thơ của Thạch Lam, ta luôn bắt gặp những em thơ giàu cảm xúc, dễ rung động trước biến thái tinh vi của tạo vật và hồn người.

Đó là cảm xúc bâng khuâng trước cơn gió lạnh đầu mùa, là sự rung động trước thay đổi bất ngờ của đất trời ở một huyện lị nhỏ đồng bằng Bắc Bộ (Gió lạnh đầu mùa). Những rung động của chiếc lá trong cơn gió thổi, cái nắng ấm và hanh, hình ảnh mặt đất khô rắn, nứt nẻ, cái run rẩy vì rét của những em thơ vừa là ngoại cảnh vừa là tâm tình. Tất cả kết đọng biết bao yêu thương đối với những gì là linh hồn là thần thái của quê hương xứ sở. Những cảm xúc đẹp như thế không thể có ở những tâm hồn khô cứng. Đó phải là điệu hồn của những tấm lòng nhân ái, trĩu nặng yêu thương. Sự nhìn thấy và phát hiện ra những “rung động cực điểm” (chữ dùng của Thạch Lam) trong tâm hồn của những em bé đáng yêu đã khiến cho Gió lạnh đầu mùa được đánh giá là típ truyện hay nhất trong mảng truyện viết về trẻ thơ của Thạch Lam và có thể “đem vào bộ tuyển truyện ngắn hay của văn học Việt Nam thế kỷ XX” [3; 91].


Đó còn là âm thanh thân thuộc của “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, của “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, là những hình ảnh gợi cảm và rất đỗi nên thơ xuất hiện bên cạnh những hình ảnh tiêu điều, lam lũ, là ánh sáng đan xen với bóng tối, sự náo động chốc lát hiện trên cái nền im lặng mênh mang và cả “mùi riêng của đất, của quê hương” (Hai đứa trẻ)... mà Liên cảm nghe được khi đối diện với cảnh vật và cuộc sống con người nơi phố huyện. Rồi cảm giác xót thương của Liên khi nhìn thấy mấy đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh trên bãi chợ tàn và dáng đi “lảo đảo” của bà cụ Thi lẫn vào đêm tối; nỗi buồn trông khắc khoải lúc màn đêm buông xuống; sự nuối tiếc, mơ tưởng, khát khao khi chuyến tàu vụt qua... Dường như mọi hình ảnh và âm thanh, đường nét và màu sắc, hương vị ở cái phố huyện nghèo đều gợi cảm giác buồn man mác. Khó có thể nói nỗi buồn từ cảnh vật thấm vào hồn người hay nỗi buồn từ tâm hồn ngây thơ của con người lan toả ra cảnh vật. Chỉ biết cảm xúc ấy cứ giăng mắc trong từng câu chữ tạo nên một giai điệu buồn thương. Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, những sắc thái cảm xúc dịu dàng, êm ả, buồn xa vắng ở cô bé Liên được mở ra theo từng thời khắc đầy ấn tượng. Đó là những cung bậc cảm xúc chỉ có ở những em bé có đời sống nội tâm sâu sắc, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tươi non mát mẻ như giọt nắng buổi sớm mai. Bằng tấm lòng yêu thương vô hạn, Thạch Lam đã nỗ lực phát giác và lưu giữ vẻ đẹp thánh thiện trong tâm hồn trẻ thơ trên những trang văn của mình.

Còn đây là cảm giác của hai anh em trong một đêm mưa gió bão bùng: “không có cái khoan khoái êm ấm nào bằng cái thú đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài. Đêm lúc bấy giờ lạnh hơn lại càng làm cho mình thấy cái ấm trong chăn là dễ chịu” (Tiếng chim kêu). Cái cảm giác dịu êm trong đêm mưa gió ở đây đã mở ra bao cảm xúc xót thương cho những cảnh những tình, từ sự “thương hại” những lữ khách lê bước trên con đường khuya trong


mưa rét đến sự “ái ngại” cho những người nghèo đang trong cảnh ngộ “đêm nằm năm ở” và lòng thương chú chim non rũ cánh vô hạn...Tất cả những “tâm tình tốt đẹp ấy” đều là sự hiển thị của lòng trắc ẩn, là nhịp cầu kết nối những tấm lòng yêu thương, là vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.

Là nhà văn có tâm hồn “đa cảm và tinh tế đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô rụng va vào đất” [3; 25], Thạch Lam đã cảm nhận và diễn tả sâu sắc những cảm xúc hồn nhiên, thanh sạch ở thế giới bên trong của con người. Chính những cảm xúc rất gần với rung động thơ ấy đã tạo nên chiều sâu và sức ngân vang cho truyện ngắn Thạch Lam .

2.1.2 Thạch Lam và thế giới bên trong của người dân chốn thôn

quê

Với tâm niệm nhà văn sáng tác về người dân quê thì phải biết “tự cày

bừa lấy trang sách nói về người nhà quê, vạch một luống thẳng thắn và mạnh bạo trên đất màu và không chịu để cho những ý tưởng bên ngoài ảnh hưởng... Phải biết quan sát bề trong và đi sâu vào cái bí mật của những tâm hồn ấy” [72; 540-541], Thạch Lam đã hướng ngòi bút vào việc khám phá những trạng thái tâm lí của người bình dân. Cũng bởi thế, người dân chốn thôn quê trong truyện ngắn Thạch Lam thường không có tính cách rõ ràng, không phải là những con người ngoại hiện như trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan mà là những con người nội tâm, con người tâm lí.

Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, thế giới nội tâm của người dân chốn thôn quê được hiện lên với đủ mọi cung bậc, sắc thái. Có những cảm giác vui, lại có những cảm giác buồn, có thích thú lại có chán nản, có hờn giận lại có yêu thương... Lấy thế giới bên trong của người bình dân làm đối tượng phản ánh, Thạch Lam tỏ ra đặc biệt nhạy bén trong việc khám phá và miêu tả những tâm tư, cảm xúc của con người. Đó là cảm xúc trong trẻo, hồn


nhiên đang nảy nở ở cô thôn nữ khi ái tình đã bắt rễ trong lòng. Đặc tả tâm trạng người thiếu nữ đang sống với giây phút vĩnh cửu của tình yêu, Thạch Lam viết : “sung sướng, nàng nhắm mắt, để cho bóng tối đến, mát và rực rỡ, bao bọc cả tâm hồn và thân thể nàng” (Bắt đầu).Từ câu chữ của Thạch Lam, bao nỗi niềm tâm tư sâu kín trong lòng người cứ bừng nở đột ngột, đầy xúc động. Tình yêu làm con người thăng hoa. Sự sống vốn đáng quý lại càng trở nên đáng quý hơn bởi có những phút giây như thế.

Nhưng trái tim tình yêu bao giờ cũng vô biên, trường cửu, khó có thể biết được bến bờ của nó. Chính trong ý nghĩa ấy, truyện ngắn Tình xưa dẫn ta vào thế giới cảm xúc với những buồn vui một thời thiếu nữ của nhân vật Lan. Ái tình đã đem đến sự đổi thay kì diệu cho Lan. Nó có đủ sức mạnh để biến một người con gái vốn lặng lẽ kín đáo thành ra hồn nhiên như con trẻ. Tình yêu vốn khó giấu, nhất là khi người ta đang sống trong những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc. Lúc đó, người ta bỗng có nhu cầu khẩn thiết được bộc bạch nỗi lòng. Dễ hiểu vì sao nhân vật Lan cứ thành thật phô bày rõ rệt những cảm xúc của mình trước chàng trai mà mình yêu mến. Dường như mọi suy nghĩ của nàng lúc này đều hướng về người ấy với tất cả nỗi cảm động, bồi hồi. Cảm xúc đó được kết gửi trong những ánh mắt, những nụ cười và những thức quà giản dị, quê mùa như chính tâm hồn người thôn nữ. Có điều, sự mộc mạc chân thành của Lan lại không phải là dưỡng chất nuôi dưỡng tình yêu. Ngược lại, nó chỉ làm cho chàng trai của cô cảm thấy “thờ ơ” và “khó chịu”. Nếu ở phần đầu của thiên truyện, tác giả để cho nhân vật đắm chìm trong rung động đầu đời dịu ngọt thì đến phần sau, nỗi buồn đã thay thế niềm vui trong lòng cô thôn nữ khi tất cả bỗng trở thành kỉ niệm. Thì ra, tình yêu chỉ đưa con người đến bến bờ hạnh phúc khi nó được cất cánh từ sự đồng điệu của hai tâm hồn, còn nếu lạc điệu sẽ chỉ là tan vỡ, khổ đau... Triết lý giản dị ấy được Thạch Lam kín đáo gửi gắm qua trạng thái tâm lí của nhân vật. Cách thức miêu tả


trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp trong tình yêu để gửi gắm những suy ngẫm sâu sắc về nhân sinh như thế ta còn bắt gặp ở những truyện ngắn khác như : Đêm sáng trăng, Bên kia sông, Trong bóng tối buổi chiều...

Bên cạnh việc diễn tả những cung bậc cảm xúc đa dạng ở những tâm hồn rất trẻ trong cái thuở ban đầu lưu luyến, Thạch Lam còn đi sâu vào những cảm nhận, suy ngẫm của nhân vật về thân phận, về kiếp người. Bao cảm xúc riêng tư gắn bó với mỗi số phận người cứ hằn in trên sáng tác của Thạch Lam. Trong truyện ngắn Một đời người, ta bắt gặp những suy tưởng của nhân vật Liên về chính thân phận, số kiếp của mình. Đó là cảm giác buồn rầu khi nghĩ đến “cảnh hạnh phúc trong gia đình của các bạn”, là cái âm thầm đau đớn khi phải sống trong địa ngục trần gian, là cái “uất ức như đứt từng khúc ruột” vì thấy mình không thể thoát li một đời khổ sở, là nỗi lo sợ thường trực trước “những cái lẽ tối tăm” tuy vô hình nhưng không cách nào thoát ra được, là “bao nhiêu đau khổ trỗi dậy ngập lòng” khi hiểu rằng hi vọng cuối cùng của cuộc đời đã tuột khỏi tầm tay. Có tiếng cười, có niềm vui nhưng nó chỉ thoáng qua trong chốc lát. Niềm vui vụt qua rất nhanh trong khoảnh khắc tan tầm, còn nỗi đau khổ lại kéo dài lê thê, vây bủa, trói chặt cuộc đời nhân vật. Để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ về thân phận, Thạch Lam muốn khẳng định những gì thuộc về thuần phong mĩ tục, về văn hoá của con người Việt Nam.

Cũng như vậy, truyện ngắn Cô hàng xén đưa người đọc đến với tâm tình của một người phụ nữ vừa xinh đẹp, duyên dáng, dịu dàng, vừa đảm đang, giàu đức hi sinh. Tương ứng với mỗi cảnh sống của cô hàng xén là một sắc thái cảm xúc tâm trạng. Lo sợ, mệt mỏi khi qua quãng đồng rộng tối tăm sau mỗi buổi tan chợ. Ấm áp, dễ chịu lúc cảm nhận được “mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt”. Vui vẻ, sung sướng vì “thấy mẹ săn sóc các em mến yêu”. E thẹn, ngượng nghịu, say sưa trước cái nhìn âu yếm của một


chàng trai nho nhã. Cảm thấy “như lịm đi” trước phiên chợ huyện đông đúc, ồn ào. Buồn thấm thía sâu xa về kiếp sống quẩn quanh, không thể thay đổi của mình bởi “từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ”. Nhà văn đã quan sát, miêu tả một cách tỉ mỉ, tinh tế nhiều biến thái tâm lí tinh vi trong tâm hồn nhân vật. Điều này vừa góp phần gợi dậy cảm xúc buồn thương về kiếp sống chìm khuất, le lói, vừa làm hằn nổi cái cảm giác, cảm tưởng của nhân vật. Đó cũng là tâm trạng chung của người phụ nữ Việt Nam xưa. Viết về người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố rất quan tâm đến những chi tiết làm nổi rõ tính cách nhân vật, còn Thạch Lam lại chú trọng khai thác những diễn biến cảm xúc nội tâm. Tuy cách thức miêu tả khác nhau nhưng cả hai nhà văn đều gặp gỡ ở sự khẳng định và phát hiện vẻ đẹp tâm hồn Việt. “Nếu Ngô Tất Tố đã góp vào bảo tàng con người Việt Nam một chân dung lồng lộng của chị Dậu, thì Thạch Lam cũng mang lại cho bảo tàng ấy một chân dung mang vẻ đẹp dân tộc của Tâm và chắc chắn cô hàng xén sẽ có vị trí xứng đáng trong cái bảo tàng ấy” [20; 592].

Như vậy, những vẻ đẹp “Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa” (Chế Lan Viên) của người dân chốn thôn quê đã lặng lẽ toả sáng trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam tạo nên một dấu ấn riêng không dễ lẫn. Đó là mạch nguồn độc đáo làm nên sự mê đắm trong truyện ngắn của Thạch Lam.

2.1.3 Thạch Lam và thế giới bên trong của người trí thức tiểu tư

sản

Những người trí thức tiểu tư sản là một loại nhân vật chiếm một vị trí

quan trọng trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Phần lớn họ là học sinh và công chức như: Bào (Người bạn trẻ), Minh (Cái chân què), Thành (Sợi tóc), Thanh (Một cơn giận), Thanh (Dưới bóng hoàng lan)...

Đọc những sáng tác trong mảng truyện này của Thạch Lam, có nhà nghiên cứu lưu ý đến một phương diện, đó là “bi kịch tinh thần đã trở nên khá

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023