Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 9


nhang thành kính thắp lên để tưởng nhớ tổ tiên vào thời khắc giao thừa. Mới hay, con người dù sống ở đâu, trong bất cứ cảnh ngộ nào, dù có lênh đênh đến những bến bờ xa lạ, hiểm nguy cũng luôn hướng về nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Gia đình và quê hương không chỉ là cội nguồn sinh dưỡng mà còn là phương thuốc kì diệu để phục sinh những tâm hồn khô héo. Có lẽ vì thế Thạch Lam luôn có ý thức lưu giữ những vẻ đẹp không biết có tự thuở nào nhưng rất là Việt Nam. Với Thạch Lam, nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc luôn có sức nâng đỡ cho con người, cho sự sáng tạo của nghệ thuật.

Nhưng xã hội đang đổi thay, sự xâm nhập của văn minh phương Tây đang đe dọa giá trị truyền thống của dân tộc. Con người sẽ chọn hướng nào giữa một bên là “những ao ước giàu sang, danh vọng, những đam mê mới thị thành” (Phạm Thị Thu Hương) và một bên là hương đồng gió nội với những cánh đồng xanh gió đưa như nổi sóng, con đường đất khô rắn nứt nẻ, mái nhà tranh xơ xác, tình người đầm ấm nhưng mộc mạc, quê mùa? Không phải không có những rạn vỡ. Có thể thấy điều đó qua quan niệm của Minh: “Đời bây giờ chỉ có một sức mạnh, là đồng tiền. Nếu anh có tiền, anh làm gì cũng được” (Cái chân què); ở lối sống bằng lòng với cái đời yên lặng trưởng giả của nhân vật tôi (Người bạn cũ); ở những thay đổi trong cách ăn mặc, trang điểm và tình cảm của Mai (Trong bóng tối buổi chiều); ở sự bận lòng khó chịu trước tình yêu đẹp đẽ nhưng quê mùa của những cô thôn nữ như Mai (Đêm sáng trăng), Lan (Tình xưa), Trinh (Trở về)... Đặc biệt, sự rạn vỡ ấy được Thạch Lam thể hiện thật sâu sắc trong truyện ngắnTrở về. Tâm vốn sinh ra và lớn lên ở nơi thôn dã. Vậy mà khi trưởng thành, khi đã có một cuộc sống giàu sang sung sướng ở Hà Nội anh ta ngay lập tức quên hẳn nơi chôn rau cắt rốn của mình, thậm chí còn ghét bỏ, khinh miệt nơi ấy. Năm, sáu năm trôi qua, chàng không một lần đặt chân về quê thăm người mẹ già đã khó nhọc nuôi chàng khôn lớn và bây giờ vẫn ngày ngày tựa cửa trông ngóng đứa con


xa. Nếu hồi nhỏ, Tâm từng có những ý nghĩ thật cảm động khi cho rằng cái đời thôn quê là “giản dị sung sướng”, thì bây giờ chàng không một phút nào muốn trở về ngôi nhà xưa cũ. Tâm cho rằng mình đã làm tròn bổn phận của người con khi mỗi tháng gửi về giúp mẹ già một số tiền. Quan niệm ấy của Tâm nói rằng với anh ta đồng tiền, giàu sang là quan trọng nhất, là lớn hơn mọi tình nghĩa ở đời. Quan niệm ấy cũng cho thấy giàu sang, danh vọng có thể biến một tâm hồn trong sáng thành đen tối, thực dụng, xấu xa, có thể làm một đứa con từng gắn bó với quê hương trở thành kẻ bội bạc, vô cảm, vô tình. Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến cảnh đứa con dửng dưng phóng xe chạy trốn quá khứ, chạy trốn cội nguồn làm “bắn vọt bùn lên” quần áo của bà mẹ già đang đứng cạnh đường làng để trông ngóng nó. Trái tim nhạy cảm, tha thiết với cái đẹp của Thạch Lam đã giúp nhà văn sớm nhận ra và ghi lại những nét mới trong trạng thái tâm lí của người bình dân trước những đổi thay của xã hội trên trang văn của mình. Có một nỗi buồn thương day dứt, nỗi lo âu “khắc khoải ở chỗ này, bàng bạc ở chỗ khác trở thành một khí quyển tâm trạng” [49;96] bao phủ những trang viết của Thạch Lam trước sự mai một của cái đẹp truyền thống, của những giá trị văn hóa tinh thần. Nhưng đó là nỗi buồn đẹp, nỗi buồn trong sáng. Nỗi buồn ấy gợi cho người đọc những suy nghĩ da diết về vẻ đẹp của cội nguồn, thức tỉnh ở họ những điều tốt đẹp để hướng về và lưu giữ bản sắc quê hương, những giá trị dân tộc vững bền. Đây cũng là nét mới mẻ và hiện đại của truyện ngắn Thạch Lam.

Như là nghệ sĩ, Thạch Lam phải dùng đến phương thức không gian, thời gian nghệ thuật để thể hiện ý đồ sáng tạo.

Trong sáng tác văn học, mỗi nhà văn có cách thức phản ánh không gian nghệ thuật theo đặc trưng phản ánh nghệ thuật của mình. Không gian nghệ thuật là “một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng thẩm mỹ” (Trần Đình Sử). Để hiểu được nét độc


đáo trong cách nhìn, cách cảm của nhà văn về hiện thực chúng ta cần phải lưu ý đến không gian nghệ thuật. Tương ứng với những trạng thái cảm xúc không bao giờ được thể hiện rõ ràng bằng khái niệm, Franz Kafka lựa chọn một không gian không mang tính cụ thể. Còn để tương ứng với việc mô tả tâm lí thực chứng, Thạch Lam lại tìm đến một không gian riêng. Sự lựa chọn “Cái tâm hồn và bản ngã thật” (chữ dùng của Thạch Lam) làm đối tượng phản ánh đã chi phối trực tiếp đến việc xây dựng không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam, đồng thời khắc họa nổi bật hình tượng không gian mang tính đặc trưng. Có thể nói đến các dạng thức khác nhau của không gian ấy trong truyện ngắn Thạch Lam, chẳng hạn như không gian được giới hạn, không gian riêng tư, không gian có màu xám xịt.

Đến với truyện ngắn Thạch Lam người đọc sẽ bắt gặp ở đó không gian được giới hạn trong cuộc sống hàng ngày của con người. Đó có thể là một con đường làng bốc lên mùi rạ ẩm ướt, cũng có thể là một cái ngõ tối và sâu, hay một phiên chợ quê, một phố huyện nghèo... Dưới ngòi bút Thạch Lam những hình ảnh vốn rất mực thân quen, ngỡ như vô tri, vô giác bỗng được thổi hồn, trở nên vô cùng sống động. Đó là thần thái, là linh hồn của xứ sở, quê hương mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Đi vào thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, những không gian ấy luôn ứng với nhịp sống của những người dân quê, gắn với bao nỗi niềm yêu thương, khao khát, ước mơ bình dị. Đó là không gian chật hẹp, không gian được giới hạn. Để nói cái phi lí của đời sống Franz Kafka phải viện dẫn tới không gian huyền thoại. Biểu đạt cái bức xúc của bản thân đời sống Thạch Lam lại sử dụng không gian chật hẹp, tù túng.

Đây là những câu văn miêu tả cảnh một buổi chiều nơi phố huyện: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 9


hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời” (Hai đứa trẻ). Con mắt quan sát tinh tế và tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương đã giúp Thạch Lam kiến tạo được nhiều câu văn gợi sắc, gợi hình về một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Mọi hình sắc, âm thanh, đường nét ở đây đều gợi một không gian chật chội, bức bối, không cho con người cựa quậy. Trong không gian ấy, con người không thể tìm thấy niềm vui mà chỉ bắt gặp nỗi buồn, không thể thấy cái tươi sáng mà chỉ thấy sự mòn mỏi, tàn tạ, quẩn quanh của kiếp sống. Và đương nhiên sự vây hãm ấy sẽ hướng con người tới những đợi chờ, khao khát được đổi thay. Khả năng quan sát tinh tế còn giúp nhà văn nắm bắt và thu nhận một thoáng chuyển động của đất trời khi gió lạnh đầu mùa tràn về: “đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo sạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục” (Gió lạnh đầu mùa). Thạch Lam đã sử dụng những chi tiết cụ thể, sinh động, chân thực, giàu chất thơ để khắc hoạ màu sắc, âm thanh, đường nét và sự chuyển động của cảnh đổi mùa từ mùa ấm sang mùa lạnh khi gió lạnh đầu mùa về. Chất liệu hiện thực ấy chính là cái nền khơi mở cảm xúc yêu thương. Thấy “những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét”, Sơn bỗng nhớ da diết những buổi rét đầu mùa tự bao giờ, lâu lắm, và đứa em gái nhỏ đã qua đời. Nếu không được sống trong cảnh gia đình ấm cúng, thương yêu, quan tâm lẫn nhau, không giàu lòng trắc ẩn, chắc Thạch lam không thể viết được những trang văn thấm thía như thế.

Đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, độc giả được trở về với những cảnh thanh bình, chứa chan thi vị chốn thôn quê, nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. “Trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí ... Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa”.


Không gian thơ mộng mang phong vị đồng quê đậm đà ở đây ứng với trạng thái tâm lí mơ hồ, hư ảo của con người, đồng thời mở ra bao nỗi niềm yêu thương, gắn bó với cảnh vật, con người quê hương. Thấm đượm trong mỗi trang viết của Thạch Lam là xúc cảm đằm sâu đối với hình sông dáng núi, với những gì rất Việt Nam. “Người nghệ sĩ mê man đi tìm cái đẹp và thể hiện nó trên trang viết” (Lê Dục Tú) ấy cũng chính là người gắn bó máu thịt với quê hương xứ sở, với những giá trị truyền thống được hun đúc tự bao đời. Đó là "hồn xưa đất nước" (Hoài Thanh) được soi sáng qua những truyện ngắn của Thạch Lam.

Những ai muốn kiếm tìm không gian xã hội rộng lớn sẽ không thể tìm thấy nó trong trang viết của Thạch Lam. Bởi vì không gian trong truyện ngắn Thạh Lam là không gian riêng tư gắn với số phận mỗi con người. Sở dĩ như thế là vì đối tượng phản ánh của truyện ngắn Thạch Lam là thế giới bên trong, là những trạng thái sống mơ hồ, là những gì thuộc về kí ức, kỉ niệm. Đến với văn học sử thi, người ta thường bắt gặp ở đó bối cảnh không gian rộng lớn, bởi vì sự di chuyển của nhân vật là theo số phận của cộng đồng, của dân tộc chứ không phải số phận của cá nhân. Khác với văn học sử thi, Thạch Lam lại quan tâm đến những gì thuộc về cá nhân, về bản ngã. Và để nói về những điều thật gần gũi với con người, Thạch Lam phải sử dụng không gian riêng tư. Đó là một không gian gắn với thế giới nội tâm sâu kín của con người. Cách viết trong truyện ngắn Trong bóng tối buổi chiều nghiêng nhiều về chất liệu hiện thực của một không gian gắn với trạng thái tâm lí của Diên: “căn phòng chật hẹp tối tăm”. Không gian ấy làm Diên cảm thấy ngột ngạt khó thở, bức bối khi nhận ra mình bị phản bội. Cũng như vậy, không gian của Liên và Huệ (Tối ba mươi) được khuôn lại và khép kín trong “cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn” để bộc lộ bản chất, hành vi, suy nghĩ của nhân vật một cách cụ thể, chân thật nhất. Từ hiện tại đau khổ, họ hướng về quá khứ tươi đẹp đã qua.


Ấy là lúc không gian tâm tưởng xuất hiện. Trong bóng tối buổi chiều, Diên nhớ đến cánh đồng quê hương và hình dáng đáng yêu của Mai thuở nào. Không gian gắn với hồi ức đẹp khơi gợi ở Diên những cảm xúc buồn chán chốn đô thành và ước muốn trở về nơi in đậm dấu vết cuộc đời mình. Còn nỗi nhớ thương khắc khoải về “căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình” của Liên và Huệ (Tối ba mươi) dội lên vào đúng giờ khắc giao thừa. Những khoảnh khắc đẹp tươi trong kí ức về một thời đã xa vẫn như một điểm sáng trong tâm thức của người con xa quê, nhất là khi họ đang phải đối diện với cuộc sống đô thị phồn hoa nhưng khổ đau và đầy bất trắc. Thực tại và quá khứ, hữu hình và vô hình, rõ ràng và mờ ảo cùng song song tồn tại đã góp phần làm nên một kiểu không gian đặc trưng trong văn phẩm Thạch Lam. Nó không chỉ đem đến cho người đọc những ấn tượng và cảm xúc sâu đậm mà còn góp phần chuyển tải thành công những tư tưởng tình cảm của nhà văn trước hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm.

Gắn liền với thế giới tâm tưởng là không gian có màu xám xịt. Kiểu không gian này xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn của Thạch Lam, chẳng hạn như: Cô hàng xén, Sợi tóc, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Tiếng chim kêu, Một đời người ... Những trạng thái tâm hồn của Tâm (Cô hàng xén) được diễn ra từ lúc nhân vật ra đi trong sương sớm cho tới khi trở về trong bóng tối yên lặng. Những cảm giác mơ hồ, khó hiểu của Liên (Hai đứa trẻ) được mở ra trong cảnh ngày tàn và khép lại với hình ảnh đêm tối. Những ngày tháng còn lại của người lính cũ cũng được đặt vào không gian đêm tối. Có lẽ, chưa có nhà văn nào miêu tả sắc màu xám xịt một cách "riết róng" như Thạch Lam. Cũng không phải ngẫu nhiên không gian có màu xám xịt cứ trở đi trở lại trong trang văn Thạch Lam với sức gợi cảm lớn. Đó là không gian đè nặng, buộc chặt con người vào cuộc sống hiện thực buồn bã. Thảng hoặc, ta cũng bắt gặp


không gian sáng sủa trong văn Thạch Lam nhưng đó là ánh sáng yếu ớt của những hột sáng, khe sáng, chấm sáng trong hiện tại, hay ánh sáng của một vùng kí ức xa mờ, thứ ánh sáng rất dễ bị chìm lấp trước sắc màu xám xịt của hiện thực. Như thế, nói không gian ánh sáng cũng là để tô đậm sắc màu ảm đạm trong hiện tại mà thôi.

Có thể nói, không gian được giới hạn, không gian tâm tưởng và không gian có màu xám xịt là một không gian nghệ thuật mang những nét đặc trưng góp phần làm nổi hình nổi sắc những trạng thái sống mơ hồ của nhân vật đồng thời làm lộ bóng lộ hình những kỉ niệm đẹp của một thời quá vãng.

Bên cạnh không gian nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam cũng có thời gian nghệ thuật riêng. “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai” [58; 77]. Sự hiện diện và chi phối của những trạng thái sống cùng kí ức về tuổi thơ đã đem đến cho thời gian nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam đặc trưng không dễ lẫn.

Trong truyện ngắn Thạch Lam thời gian nghệ thuật được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để biểu đạt thế giới cảm xúc, cảm giác của con người. Xuất hiện nhiều hơn cả là thời gian mờ ảo và ảm đạm. Thời gian ở đây thường có sự đồng hiện quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây chính là thủ pháp nghệ thuật độc đáo góp phần phản ánh đắc địa đời sống nội tâm nhân vật. Do hướng tới việc biểu đạt thế giới bên trong đầy bí ẩn của con người với những trạng thái sống mơ hồ, những kỉ niệm về một thời xưa cũ nên thời gian trong văn phẩm Thạch Lam không mang tính chất cụ thể, xác thực. Đây là kiểu thời gian tâm lí, thời gian tâm tưởng. Có thể thấy những biểu hiện sinh động của


kiểu thời gian ấy qua những hình ảnh như xa xăm lắm chợt hiện ra rồi mờ dần trong trí nhớ của Tâm vào thời khắc Trở về hay cảnh tượng của những đêm trăng mùa hạ ở một miền quê lam lũ nhưng bình yên âm vang tiếng nói cười trong nỗi nhớ về một “chuyện gì đã lâu lắm” của bác Lê (Nhà mẹ Lê)...

Để biểu đạt sâu sắc những cảm xúc riêng tư của nhân vật, Thạch Lam đặc biệt quan tâm đến hai thời điểm hoàng hôn và đêm khuya. Đây là những khoảnh khắc dễ gợi cảm xúc buồn, dễ khiến người ta sống thật với chính mình. Có lẽ vì thế mà đọc truyện ngắn Thạch Lam ta ít gặp trạng thái vui vẻ mà luôn thấy xuất hiện cảm xúc buồn.

Nỗi buồn trong trang viết Thạch Lam thường đi liền với nỗi nhớ. Một cơn giận là nỗi nhớ về một kỉ niệm đau lòng của người trót làm điều ác. Trong bóng tối buổi chiều là nỗi nhớ về những tháng ngày hồn nhiên như cây cỏ của một người phải xa quê hương để đi đến những xứ sở xa lạ của đô thành vì công cuộc mưu sinh mà lại bị người yêu phản bội. Hai đứa trẻ là nỗi nhớ về những tháng ngày êm ả xa vời khi phải sống trong cảnh mòn mỏi của hiện tại. Bên kia sông là nỗi nhớ về sự rung động, bồn chồn, trông ngóng như “có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây” khiến lòng người vương phải. Những cung bậc đa dạng, đa chiều của nỗi nhớ đã được nhà văn phơi trải đầy ấn tượng trong thời khắc chiều muộn, trong những lúc đêm khuya.

Thạch Lam cũng thường sử dụng cách miêu tả thời gian trong sự đan xen giữa xưa và nay như một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để diễn tả những biến đổi trong thế giới nội tâm của nhân vật. Từ hiện tại của cuộc sống tủi nhục giữa chốn “Hà Nội băm sáu phố phường”, Liên và Huệ (Tối ba mươi) nhớ về kí ức ngọt lành của thời thơ trẻ. Những hình ảnh thuộc về một thời xa vắng đã khơi mở cảm xúc ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu giúp nhân vật nhận ra một điều gì đó lặng lẽ mà bất ngờ. Trong bóng tối buổi chiều, Diên nhớ lại những tình cảm trong sáng chân thật của Mai và mong ước được trở về với những gì thân thuộc.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023