Một đời người khi cha mẹ của Liên ngỏ ý muốn gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên không bằng lòng nhưng nàng cũng không từ chối. Nàng nghĩ rằng mình sinh ra để chịu sự sai khiến, không dám phản kháng bao giờ. Sau khi đã nếm cảnh bị “đầy đọa” ở nhà người Liên vẫn không dám dứt bỏ cái đã đày đọa mình để đón nhận niềm hạnh phúc xứng đáng “Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang theo cái hi vọng cuối cùng của đời nàng” [ 47 , tr 119] Vì nhu nhược, cam chịu và yếu hèn, Liên đã tự chặt đứt chiếc cầu nối tới bến bờ hạnh phúc đích thực của mình. ở điểm này nhân vật phụ nữ của Thạch Lam mang nét “cổ” hơn những tác giả cùng thời như trong những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng. Mai trong Nửa chừng xuân là một nạn nhân của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Mai đã chống đến cùng chế độ đa thê, đã nói thẳng vào mặt bà Án : “Nhà tôi không có mả lấy lẽ”. Và kiên quyết bảo vệ tình yêu lí tưởng. Trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh khi không thể cam chịu nhẫn nhịn được nữa, Loan đã nói thẳng với mẹ chồng phong kiến “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi. Bà cũng là người, tôi cũng là người không ai hơn ai kém ai”. Các nhân vật của Thạch Lam phần lớn đều thiếu ý thức đấu tranh để đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc. Cùng sáng tác trong một thời kỳ, nhưng nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất tố đã có hành động quyết liệt đến „Tức nước vỡ bờ”. Còn nhân vật phụ nữ của Thạch Lam thì hiền lành, cam chịu hơn nhiều. Đây cũng là một nét đặc trưng của phòng cách Thạch Lam. Ông vốn ưa những gì mong manh và rất bình yên, ưa những sự thầm lặng lẻ loi hơn là sự ồn ào, bạo động. Chính vì vậy mà ông đã xây dựng trong những tác phẩm của mình những hình tượng người phụ nữ chỉ biết cam chịu, chấp nhận hoàn cảnh và hoàn toàn xa lạ với những nhịp sống sôi động đương thời.
Song song với việc miêu tả những người phụ nữ lương thiện thì trong một số những tác phẩm của ông chúng ta thấy nổi bật lên là cuộc đời của những cô kỹ nữ. Đây cũng là một mảng đề tài được nhiều nhà văn đương thời phản ánh. Trong Tối ba mươi hình ảnh cô gái làng chơi xuất hiện giữa khung cảnh khá đặc biệt. Vào thời khắc giao điểm giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà đều quây quần bên nhau xum họp để đón xuân với bao niềm hy vọng, thì hai cô gái vẫn sống trong cảnh cô quạnh trong buồng chứa. Ngay cả lời chúc của người bồi săm “ chúc hai cô sang năm mới được...được...”[51, tr 26] có cái ngập ngừng đầy ẩn ý. Lẽ thông thường người Việt Nam thường chúc nhau năm mới làm ăn bằng mười năm cũ, ai nỡ chúc hai cô gái tội nghiệp như thế. Nhưng biết chúc hai cô điều gì, cái ngập ngừng đó đã tô thêm sự thực phũ phàng và đau khổ. Hình ảnh người kĩ nữ trong truyện ngắn của Thạch Lam với giọt nước mắt không giữ nổi chảy tràn mi mắt với sự cảm nhận nỗi tủi nhục mênh mang tràn ngập cả người và đó là những nỗi thất vọng chán chường. Ở điểm này khác xa với hình ảnh các cô gái giang hồ trong các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh. Cuộc sống giang hồ có một sức hút kì lạ đối với Tuyết- người kĩ nữ trong tác phẩm Đời mưa gió. Tuyết tìm thấy ở cuộc sống bệnh hoạn ấy một chất men say kỳ ảo “nó là tiếng gọi của chốn xa xăm huyền bí...đến làm rung động tâm hồn phiêu lưu của nàng”[12 ,tr 180]. Cô sẵn sàng lăn lộn với cuộc đời vô định. Dù không được chứng kiến và trải qua cách sống ấy, độc giả vẫn cảm nhận được mức độ chân thành trong các tác phẩm của Thạch Lam. Cuộc sống nhơ nhớp ấy rồi sẽ dẫn đến những ngậm ngùi chua chát và nhục nhã.
Khi viết về những người con gái giang hồ Thạch Lam vẫn nhìn thấy ở họ có những điểm sáng. Thạch Lam đã từng lên án những người mà “chẳng dám yêu lấy một cái gì, mà cũng chẳng dám ghét lấy một cái gì tha thiết” [49,tr 46]. Lòng yêu ghét của Thạch Lam tuy kín đáo, nhưng mãnh liệt. Chỉ có lòng yêu thương chân trọng thực sự mới khiến nhà văn nhìn nhận những con người
thuộc nấc thang cuối cùng của xã hội ấy như những nhân cách trong sáng. “Trong những tâm hồn đọa lạc và phiền phức ấy vẫn sáng lên những ý nghĩ thơm thảo”. Dù ngập ngụa trong vũng bùn tội lỗi, người con gái ấy vẫn khao khát một cuộc sống lương thiện, trong sạch. Huệ nhớ lại hình ảnh mình “mặc áo mới đứng trên thềm nhìn mấy bông hoa đào nở trước vườn. Tại sao nàng lại chỉ nhớ rõ có hình ảnh ấy? Huệ không biết; nàng chỉ mang máng cảm giác một sự gì trong mát tươi non” [51tr 34]. Cũng giống như Tám Bính của Nguyên Hồng dù đã sống trong cảnh thừa thãi của đời một Bỉ vỏ vẫn da diết nhớ những ngày gánh gạo đi bán chợ xa tuy vất vả nghèo nàn nhưng vô tư, trong sạch.
Trong những tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam, số lượng nhân vật không nhiều mà chỉ tập trung vào ba kiểu nhân vật tiêu biểu như đã phân tích. Nhà văn Thạch Lam bao giờ cũng dành tình cảm đằm thắm cho những con người nhỏ bé này. Dường như những trang sách của ông bao giờ cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương. Khi viết về số phận những người trí thức tiểu tư sản, những người bình dân, người phụ nữ các sáng tác của ông đều có xu hướng đi vào hiện thực.
Chương 3 :
KHÔNG GIAN - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM
Nếu không gian cũng như thời gian là hình thức tồn tại của vật chất, thì có thể nói trong cuộc sống, thời gian, không gian cũng là hình thức tồn tại của con người. Văn học và các loại hình nghệ thuật khác phản ánh cuộc sống, thì thời gian không gian là những biểu hiện của cuộc sống nhất định sẽ được phản ánh vào văn học để tạo nên thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.
Do đó, thời gian và không gian nghệ thuật là những phạm trù của hình thức nghệ thuật thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật.
3. 1 Thời gian nghệ thuật.
Có thể bạn quan tâm!
- Kiểu Nhân Vật Người Trí Thức Tiểu Tư Sản.
- Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam - 5
- Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam - 6
- Quan Niệm Về Không Gian Nghệ Thuật
- Ngôn Ngữ Gợi Tả Cảm Xúc, Cảm Giác.
- Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam - 10
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
3.1.1 Quan niệm về thời gian nghệ thuật
Là một hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, nên thời gian nghệ thuật là thời gian được cảm nhận bằng tâm lí qua các tình tiết, các biến cố có ý nghĩa thẩm mỹ xảy ra trong thế giới nghệ thuật.
Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ, lịch, thời gian nghệ thuật nó lại hoạt động theo một quy luật khác. Thời gian ở đây có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài chỉ trong một chốc lát, nhưng ngược lại cũng có thể kéo dài thời gian của một khoảnh khắc thành vô tận. Cũng có khi con người lại cảm thấy thời gian ngưng đọng, ngừng trôi. Thời gian được đo bằng những thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn các hình tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ…tạo nên nhịp điệu tác phẩm. Khi ngòi bút của người nghệ sĩ chảy theo diễn biến của sự kiện thì thời gian trôi nhanh và khi nào nghệ sĩ dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian như ngừng lại, chậm lại.
Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Thế giới nghệ thuật thể hiện từ sự cảm thấy của con người trong thế giới. Mỗi nhà văn trong hoạt động sáng tạo có một cách hiểu, một quan niệm về thời gian riêng trong tác phẩm của mình. Như vậy khi tìm hiểu về thời gian trong tác phẩm nghệ thuật không phải là tìm hiểu cách biểu thị về thời gian, mà là tìm hiểu, khám phá cách những quan niệm về thời gian của tác giả.
3.1.2 Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam
“Trong những năm cuối cùng của đời ông, với bệnh lao ngày càng nặng, có lẽ ông chỉ còn ham thích ngắm nhìn cuộc đời mình cùng sự sống xung quanh mình” [53. tr 69 ] . Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, Thạch Lam ý thức được cái chết đang đến với mình, ông cảm thấy yêu cuộc sống và quý thời gian vô cùng.
Từng ngày trôi đi là mất đi số ngày hữu hạn trong cái quỹ thời gian “Ba vạn sáu ngàn ngày” của đời người, còn thời gian khách quan thì tồn tại vĩnh viễn như trời đất. Như vậy thì cuộc đời của con người sống trên trần gian sẽ càng trở nên quý giá. Để có thêm nhiều thời gian, đề bù lại thời gian đã mất, Thạch Lam đã có những cuộc hành hương tìm về dĩ vãng, với những kỷ niệm ấu thơ. Có thể thấy rõ khuynh hướng “hồi tưởng quá khứ” trong các sáng tác của ông. Nhà văn Thế Uyên đã nhận xét “Chất liệu văn chương Thạch Lam chỉ gồm cuộc sống dĩ vãng và sự rung động tâm hồn tác giả”. Chính vì vậy mà thế giới nghệ thuật của Thạch Lam được bao trùm bởi thời gian quá khứ.
Cùng thời với Thạch Lam có cả một thế hệ các nhà văn nhìn lại quá khứ với những nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi: Nguyễn Tuân, Hồ Zếnh, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư…Nhưng có điều Hồ Zếnh, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh là những “đứa trẻ” đi tìm cái đẹp đã mất của thế giới không còn nữa. Còn
Nguyễn Tuân tìm về quá khứ tiếc nuối của một thời vang bóng đã qua, nhưng những cái đi qua chỉ có ý nghĩa với Nguyễn Tuân khi nó thỏa mãn cái “tôi” lập dị của mình. Thạch Lam lại khác, ông trở về quá khứ bằng cái nhìn âm thầm lặng lẽ thâm trầm, kín đáo như con người ông vậy.
Thời niên thiếu, Thạch Lam sống ở phố huyện Cẩm Giàng(Hải Dương). Tuổi thơ của nhà văn gắn liền với cảnh vật thiên nhiên và con người nơi phố huyện nhỏ. Con người ai cũng có những kỉ niệm tuổi thơ, những kỉ niệm tuổi thơ ấy nó nguyên sơ, ám ảnh chúng ta. Với nhà văn Thạch Lam, một tâm hồn nhạy cảm thì những kỉ niệm tuổi thơ đã trở thành máu thịt, hóa vào tâm hồn ông với bao nỗi sâu lắng tha thiết. Vì vậy nó đã chi phối không ít những sáng tác của ông. Quá khứ trong truyện ngắn của Thạch Lam mang đậm vẻ thân thuộc bình dị của quê hương: từ những mùi bèo dưới ao, mùi rạ ẩm ướt, cảnh chợ chiều, chuyến tàu đêm nơi phố huyện, tới lũy tre làng…Tất cả những điều đó ông giữ gìn, trân trọng cất trong “miền nhớ ký ức” để rồi tất cả đi vào những trang viết của ông rất tự nhiên và giản dị, sâu lắng.
Có thế nói hình ảnh quê hương nông thôn của đồng bằng Bắc bộ in đậm dấu ấn trong những sáng tác của Thạch Lam. Nổi bật hơn cả là hình ảnh phố ga nhỏ, nghèo, vắng vẻ của Cẩm Giàng trong những năm đầu thế kỷ XX. Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã in đậm dấu ấn của cái phố huyện nghèo, mà trung tâm của bức tranh đó là hình ảnh chuyến tàu đêm. Ở truyện ngắn này, nhân vật chính chẳng ai xa lạ, mà chính là hóa thân của Thạch Lam và người chị gái. Hồi kí của bà Nguyễn Thị Thế khẳng định “Tôi không ngờ em Sáu có trí nhớ dai đến như thế, như truyện em tôi tả lại chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó mới có 9 tuổi, em tôi 8 tuổi mà mẹ đã giao cho hai chị em tôi coi hàng…”
Trong truyện Nhà mẹ Lê – một truyện ngắn xuất sắc, cũng được nhà văn Thạch Lam lấy chất liệu từ cuộc sống nghèo khổ xung quanh. Bà Nguyễn Thị
Thế trong hồi kí có viết “xóm chợ gần nhà tôi toàn là những người làm ruộng quê ở Nam Hà, Phủ Lý vì lụt lội không đủ sống, nên đưa nhau về đây. Đa số gia đình làm nghề đi kéo xe, làm mướn như bác Đối, đánh cá với tép như bác Lê và còn nổi tiếng nghèo vì quá đông con…”
Với cuộc sống thì thời gian không ngừng trôi, hôm nay là hiện tại, ngày mai đã là quá khứ và nhà văn phải biết nắm bắt lấy những khoảnh khắc của thời gian một đi không trở lại đó. Nhưng với nhà văn Thạch Lam thời gian không trôi theo dòng chảy của lịch sử mà trôi theo cảm giác của nhân vật. Chính vì vậy, mà thời gian trong một số truyện ngắn của ông thường bị nhòe đi không còn thời gian cụ thể nữa mà là sự đột hiện của nhiều kỷ niệm, hoài tưởng, ký ức và dĩ vãng…
Khi khảo sát một số truyện ngắn của ông và thống kê lại ta thấy số lượng những từ “nhớ lại”, “hồi tưởng ra”, “thoáng hiện”, “lờ mờ thấy”…xuất hiện thường xuyên trong mỗi truyện, liền với suy tưởng của nhân vật. Đấy chính là thời gian tâm tưởng
Thời gian thông qua kí ức nhân vật, làm sống lại quá khứ tạo sự đối lập quá khứ với hiện tại.
Thời gian tâm tưởng được Thạch Lam sử dụng với tần số cao trong đa phần các truyện ngắn của mình như: Người bạn cũ, Một đời người, Đói, Người lính cũ, Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Trong bóng tối, Tối ba mươi…Ở đây thường có sự đan xen giữa thời gian hiện tại và thời gian tâm tưởng.
Truyện ngắn Người bạn cũ kể về một anh công chức tỉnh nhỏ, cuộc đời đầy đủ, ấm no… đến một hôm gặp lại một người đồng chí cũ, anh hồi tưởng lại thời dĩ vãng xa xôi của mình: “kỷ niệm một thời thiếu niên hăng hái…”
Người lính cũ kể về một người sa cơ lỡ vận trong một đêm gió mưa, giá rét ở quán nhỏ giữa đồng, hồi tưởng lại quá khứ êm đềm hạnh phúc đã qua khi
mình còn đi lính ở Pháp, để rồi âm thầm xót xa luyến tiếc: “Kỷ niệm sung sướng ấy bây giờ đói với anh ta chua xót biết bao”
Nhà mẹ Lê bác Lê cho đến cuối đời, trước lúc chết trong cơn đói vật vã với vết đau thân xác do chó nhà giàu cắn “vẫn nhớ lại cả cuộc đời mình…”
Anh chàng Diên trong Trong bóng tối buổi chiều trước nguy cơ sẽ phải mất người yêu, đã nhớ lại những ngày sung sướng khi còn ở quê nhà nhớ lại “những kỷ niệm của một tình yêu mộc mạc…”hay cô bé Liên trong Hai đứa trẻ trong bóng tối mịt mùng của phố huyện nhỏ, nhớ lại Hà Nội, với những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu “Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo …”
Đặc biệt đáng chú ý hơn cả là truyện Đói kể về anh chàng Sinh trong cơn đói vật vã đã hồi tưởng lại quá khứ của mình: “Sinh thở dài chàng nhớ lại…” Thạch Lam đã sử dụng thời gian hiện thực và thời gian tâm tưởng đan xen hòa nhập với nhau tạo nên kiểu thời gian đồng hiện . Mở đầu tác phẩm là thời gian hiện thực, Sinh bị cơn đói hành hạ, rồi nhìn căn phòng tồi tàn ẩm thấp, Sinh nhớ lại cái ngày bị sa thải ở Sở chàng làm…Rồi tiếng guốc ở ngoài hè của vợ kéo chàng về thực tại, nhưng rồi khi vợ về với vẻ mặt thất vọng thì quá khứ lạo sống dậy trong chàng “hồi ấy chàng còn là một người có việc làm, có lắm tiền…” Cứ vậy, thời gian của hiện tại và quá khứ đan xen khơi gợi làm nổi bật tâm lí của nhân vật. Kiểu thời gian đồng hiện không chỉ khơi sâu tâm lí nhân vật mà tạo nên sự đối lập rõ rệt giữa quá khứ- với những gì đẹp đẽ tươi sáng đã qua và hiện tại- những gì tồi tệ, tối tăm đang tới. Ngoài ra thời gian đồng hiện còn góp phần mở rộng không gian của truỵên tạo nên một thế giới nghệ thuật đa dạng, phong phú, giúp nhà văn tránh được sự đơn điệu, buồn tẻ khi kể một câu chuyện theo trình tự trước sau của thời gian. Như vậy với cách kể chuyện theo kiểu thời gian đồng hiện là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn.