Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 8


cho cái cảm giác, cảm tưởng của nhân vật. Bởi vì đời sống tâm hồn con người không bao giờ là ngẫu nhiên cả. Mỗi người đều biết rõ nhất mình đang nghĩ gì, mình đang cần gì và muốn gì. Cũng như vậy, Cuốn sách bỏ quên gợi mở biết bao điều mơ hồ trong thế giới của Thành khi nhân vật đang ôm mộng tưởng thành công rực rỡ mà lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng là sách của anh không được nhà xuất bản và độc giả hoan nghênh. Lẽ thường, trong giờ khắc thất vọng ấy, người ta sẽ buồn rầu và đau khổ nhưng “Thành không hiểu sao chàng lại mỉm cười tuy chàng không muốn. Chính chàng cũng khó mà nói rõ được cái ý nghĩa của cái cười đó”. Trạng thái mơ hồ ở đây cho thấy những vui sướng, khổ đau thuộc về thế giới bên trong của con người là vô biên và nhiều khi chủ nhân của vương quốc ấy cũng không thể hiểu nổi. Bởi vậy mà con người thấy mơ hồ ngay cả với những gì đang diễn ra trong lòng mình. Ta cũng bắt gặp trạng thái mơ hồ này khi đọc truyện ngắnHai đứa trẻ của Thạch Lam. Đó là cảm giác “Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”; “Tâm hồn Liên yên tĩnh có những cảm giác mơ hồ không hiểu”; “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết”... (Hai đứa trẻ). Cảm giác ấy rất gần gũi với trạng thái “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” trong những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu. Ấy là một cảm giác không cụ thể, không rõ ràng, nhưng hiện hữu. Song chắc chắn trạng thái “không hiểu sao” ấy chỉ có ở những người tinh tế, nhạy cảm, yêu tha thiết sự sống khi họ đối diện với một cảnh huống nào đó của con người, của cuộc đời. Không sống sâu sắc với tâm hồn mình, không thể phát hiện ra điều đó. Ngòi bút tinh tế của Thạch Lam đã len lách vào các ngóc ngách sâu thẳm để bắt kịp dòng cảm xúc đang căng lên như sợi dây đàn trong tâm hồn cô gái mới lớn giữa sự bình lặng của cõi sống. Nhà văn đã đi sâu khám phá thế giới tinh thần phong phú với những cảm giác, cảm xúc thấm đẫm yêu thương, vừa thực lại vừa chập chờn hư ảo trong cõi lòng của Liên để


làm nổi bật trạng thái sống mơ hồ của nhân vật. Chúng ta cũng bắt gặp trạng thái “không hiểu sao” ấy ở rất nhiều truyện ngắn khác của Thạch Lam như: Bắt đầu, Một đời người, Đứa con, và đặc biệt là Sợi tóc.

Ở truyện ngắn Sợi tóc, Thạch Lam đã “bắt mạch” đúng cái khoảnh khắc ngẫu nhiên, bất chợt mà nhân vật không kịp nhận biết cụ thể, rõ ràng, thậm chí không lí giải nổi. Khi nhận ra cái áo mình đương cầm có cái ví tiền, Thành như sống trong sự mơ hồ: “Tôi chỉ thoáng nghe thấy, trong tâm trí như còn bận sự gì”.Trạng thái mơ hồ được phát triển dần trong những băn khoăn lưỡng lự giữa việc có lấy cắp tiền hay không lấy cắp tiền của bạn. Tất cả được diễn đạt bằng những ý nghĩ mơ hồ: “Lấy mấy tờ, độ hai tờ - tại sao lại hai? Tôi không biết”; “Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào, tôi không biết rõ”; “Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết.”; “Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy...” Cứ tưởng bão giông nhưng lại là trời yên bể lặng, có khi “ngỡ cầm tay lại cầm mưa” (Huy Cận). Đời sống tinh thần con người vẫn dung chứa nhiều cái bất ngờ, vô thường như thế. Tâm hồn con người lúc nào cũng có những bí mật mà chính họ cũng không hiểu nổi. Nói như Chế Lan Viên: “Lòng ta chẳng bao giờ ta đi hết được”. Vì vậy, đến với đời sống nội tâm trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, chúng ta sẽ bắt gặp chính mình ở đó. Sự thực của đời sống tâm hồn con người luôn được Thạch Lam soi chiếu qua nhiều góc độ, có những tốt đẹp, có cả những yếu hèn băn khoăn, những sắc màu mong manh của tâm lí. Cái vô thường, bất ổn của cuộc sống cùng vị trí của nhân vật trong xã hội và việc luôn “phải lụy những sức mạnh đâu đâu, những sức mạnh mà họ biết khó có cách gì thay đổi được” [72; 540] đã quy định những trạng thái sống của các nhân vật, khiến họ không thể làm chủ được cuộc đời mình và những gì diễn ra trong tâm hồn mình. Những yếu tố này làm nên một đời sống với những trạng thái mơ hồ, thất thường, khó nắm bắt trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam.


Qua việc phát hiện và phô diễn tinh tế, sâu sắc những gì tưởng như ngẫu nhiên, mơ hồ ở thế giới bên trong của con người, Thạch Lam đã khẳng định một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo. Bởi vì đời sống không phải chỉ có những sự kiện lớn lao mà còn có cả cái mơ hồ, ngẫu nhiên, bất chợt. Song đằng sau những cái mơ hồ ấy lại là những gì rất lớn lao của hiện thực. Nắm bắt và diễn tả cái mơ hồ, qua mơ hồ mà làm sáng tỏ mhững điều lớn lao của hiện thực là cả một thử thách không dễ gì vượt qua đối với người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo. Và Thạch Lam đã làm được điều đó. Sự phát triển của văn học hậu hiện đại một lần nữa khẳng định tìm tòi của Thạch Lam trong địa hạt truyện ngắn. Hàng loạt tác phẩm của các nhà văn hậu hiện đại đã cho thấy hầu hết tác phẩm văn xuôi hậu hiện đại đều viết về những trạng thái mơ hồ, đều được xây dựng từ những mảnh ghép của hiện thực. Và người nghệ sĩ đã trao truyền cho người đọc những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh qua chính những gì tưởng như mơ hồ, mong manh ấy.

Bút pháp hướng nội và cái nhìn đa dạng, đa chiều về con người đã giúp Thạch Lam tìm đến miền khuất lấp của tâm hồn để trân trọng, nâng niu những gì thuộc về bản tính thiện. Thủ pháp phản ánh nghệ thuật này không những tạo được chiều sâu tâm hồn cho kiểu nhân vật đặc trưng của Thạch Lam mà còn đem lại cho truyện ngắn của ông sức hấp dẫn riêng đối với người đọc.

2.3 Thạch Lam và những kí ức tuổi thơ

Trong lời bày tỏ những suy nghĩ của mình về sự sống, Thạch Lam viết: “Nói đến sự sống, tức là nói đến sự đổi thay. Cuộc sống không đứng yên một chỗ, lúc nào cũng hoạt động, cũng lưu chuyển như dòng sông chảy mãi chẳng ngừng”[72; 534]. Đúng là như vậy. Theo bước đi của thời gian, mọi thứ rồi sẽ trôi qua và trở thành kí ức. Vấn đề là ở chỗ, con người có cách ứng xử như thế nào với kí ức của mình. Là người yêu tha thiết sự sống, “trang trọng trước sự sống” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), Thạch Lam không chỉ tìm thấy ý nghĩa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.


cuộc đời trong hiện tại mà còn nâng niu, trân trọng những gì thuộc về kí ức. Đây cũng là điểm gặp gỡ của Thạch Lam với các nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng...

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 8

Vì sao kí ức tuổi thơ lại trở thành tín hiệu thẩm mĩ đặc biệt dưới ngòi bút của Thạch Lam? Phải chăng là vì khi con người trưởng thành, trên hành trình rong ruổi theo số phận, họ gặp quá nhiều thất vọng nên muốn quay về miền yên ả để tìm đến niềm an ủi. Chính trong ý nghĩa đó, trở về với dĩ vãng là một cách để thoát li thực tại, để thể hiện sự quay lưng, bất mãn với thực tại. Đây là một đặc điểm nổi bật của văn học lãng mạn nửa đầu thế kỉ XX. Thạch Lam cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Không giống như Hồ Dzếnh hay Thanh Tịnh tìm về kí ức tuổi thơ của Quê mẹ hay một Chân trời cũ trong cái nhìn trẻ dại, Thạch Lam quay về với dĩ vãng tuổi thơ trong tâm thế một con người đang bước vào ngưỡng cửa mùa thu của cuộc đời. Trong cái nhìn thâm trầm, điềm tĩnh ấy, Thạch Lam thấy cả một chân trời kí ức bình dị, gắn bó thân thương hiện về. Đọc truyện ngắn Thạch Lam, ta thấy các nhân vật của ông đều có kí ức về tuổi thơ, về quá khứ, về một cõi xa xưa nào đó. Thế giới tuổi thơ ấy luôn sinh động và hiện hữu như một ám ảnh trong đời sống hiện tại của nhân vật. Phản ánh thế giới tuổi thơ ấy, truyện ngắn của Thạch Lam có những nét riêng.

Dĩ vãng tuổi thơ thường trở về và đan xen vào hiện tại trong các truyện ngắn của Thạch Lam. Nói cách khác, đó là hiện tại được kéo lùi về quá khứ hay một phần quá khứ được ném trở lại hiện tại. Có thể nhận ra "hệ số chung" ấy trong rất nhiều văn phẩm tiêu biểu của Thạch Lam, chẳng hạn như: Hai đứa trẻ, Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan... Dĩ vãng khác nhau nhưng đều "dan díu" với hiện tại. Các nhân vật lúc nào cũng tưởng tượng ra, nhớ lại, nghĩ đến, tựa như thấy về ngày xưa.


Trong nhịp sống đơn điệu, buồn tẻ nơi phố huyện nghèo, chị em Liên (Hai đứa trẻ ) lúc nào cũng ngóng vọng về Hà Nội. Chốn thị thành ấy là hình ảnh của một quá vãng êm đềm đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nhàm chán của chị em Liên trong hiện tại. Song chính sự đối lập ấy lại càng nhắc nhớ về kỉ niệm. Kỉ niệm hiện lên thật đẹp, còn hiện tại sao mà buồn, thậm chí ẩn chứa sự mong manh, đầy bất trắc. Kí ức đẹp đẽ trong Liên gắn với những buổi đi chơi Bờ Hồ, những cốc nước lạnh xanh đỏ, ánh sáng đèn rực rỡ, lấp lánh. Phảng phất ở đó là nỗi niềm nuối tiếc về những gì êm đẹp của ngày xưa. Cũng không phải ngẫu nhiên, đêm đêm, chị em Liên cố thức chờ chuyến tàu đi qua phố huyện. Con tàu ấy là hiện thân của kí ức, và kí ức ấy soi sáng cho hiện tại đồng thời mở ra ước vọng dẫu còn mơ hồ về tương lai. Có thể nói quá khứ ở đây như một đắp bồi cho con người những gì mà họ đang khuyết thiếu trong hiện tại.

Nếu trong Hai đứa trẻ, nhân vật ngưỡng vọng về quá khứ thị thành từ cảnh sống hiện tại nơi phố huyện thì ở Tối ba mươi, sự ngưỡng vọng quá khứ diễn ra theo chiều ngược lại. Những cánh hoa đào khoe sắc thắm trong gió xuân, tấm áo mới may để đón Tết, những ngày cúng giỗ tổ tiên... cả một thế giới tuổi thơ ùa về trong nỗi nhớ của Liên và Huệ giữa đêm trừ tịch tại chốn phồn hoa. Dĩ vãng ở đây vừa khiến cho nhân vật thấm thía nỗi tủi nhục, khổ sở, đắng cay vừa giúp giải toả những ám ảnh nặng nề day dứt đang vây bủa quanh mình.

Cũng thể hiện sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ theo chiều hướng như trong Tối ba mươi nhưng Dưới bóng hoàng lan lại đem đến một cảm giác nhẹ nhàng, cao khiết. Bao hình ảnh, sắc màu, âm thanh, hương vị của quê hương như mảnh vườn xưa thân thuộc, vòng tay che chở yêu thương của người bà, tiếng cười trong trẻo cùng nỗi nhớ của cô bạn gái dịu dàng, trong sáng như một thiên thần, hương hoàng lan thoảng đưa trong gió... đã kết dệt


nên một cõi sống đẹp như giấc mơ trong các câu chuyện cổ. Quá khứ và hiện tại đan xen, quấn quyện, khó có thể nói hình ảnh nào là của quá khứ, hình ảnh nào là của hiện tại. Câu chữ có cái gì nửa hư nửa thực phù hợp với không khí thơ mộng của truyện. Song chính cái thơ mộng ấy lại mở ra trong cõi lòng nhân vật sự ấm áp, xao xuyến như “có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây khiến chàng vương phải”. Trong tâm niệm của Thanh, kí ức chính là sự bình yên của tâm hồn, là cái đẹp của một thời xa xưa mãi được neo giữ trong cõi nhớ. Từ những trạng thái tâm hồn của nhân vật trong Dưới bóng hoàng lan, nhà văn như muốn cất lên lời nhắn nhủ : hạnh phúc không ở đâu xa, không ở ngoài mình, hạnh phúc có ở ngay trong lòng mình, ở những người đang sống bên cạnh mình. Vấn đề là ở chỗ con người có nhận ra và biết trân trọng nó hay không.

Với Thạch Lam, kí ức tuổi thơ không chỉ là nhịp cầu đưa con người đến những chân trời ước mơ mà còn giúp thanh lọc tâm hồn. Trong ý nghĩa ấy, truyện ngắn Trở về đã khơi lên những gì tốt đẹp còn sót lại trong lớp tro tàn ở những kẻ bạc bẽo. Bởi vậy, ngay cả kẻ không còn ràng buộc gì với thôn quê như Tâm khi bước chân trên con đường thời thơ ấu cũng thấy lòng rưng rưng cảm động.

Trở về với kí ức tuổi thơ là trở về với chính mình. Đó là thông điệp mà nhà văn gửi gắm trong truyện ngắn Người bạn cũ. Công cuộc mưu sinh thường nhật đã cuốn nhân vật tôi vào những toan tính ích kỉ, những an phận thủ thường để rồi mình đã chẳng còn là mình nữa. Cuộc sống hiện tại của một viên chức tỉnh nhỏ “sáng cắp ô đi tối cắp về” sẽ cứ thế trôi qua nếu không có một ngày nhân vật tôi gặp lại người bạn cũ. May thay, cuộc gặp gỡ ấy đã làm sống dậy “cái dĩ vãng xa xôi thăm thẳm”, cái “hình ảnh tôi lúc còn niên thiếu, một thiếu niên hăng hái, nhiệt thành, bồng bột những điều hay sự đẹp...” Và kí ức ấy khiến tôi giật mình, buộc tôi phải “cúi đầu suy nghĩ” về cách sống


của mình trong hiện tại. Như một lẽ tất nhiên, dòng cảm nghĩ ấy đưa nhân vật tôi đến với lời tự vấn: “trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật của tôi?” Hiện tại và quá khứ cùng xuất hiện vừa cho thấy nỗi day dứt, băn khoăn trong lòng nhân vật, vừa nhắc nhở nhân vật hãy tìm lại chính mình, vừa gợi một niềm tin kín đáo vững bền về “thiên lương” của con người.

Trong truyện ngắn Người lính cũ, tác giả dựng lên hình ảnh một người lính nghèo khổ. Con người này từng có cuộc sống sung sướng khi đăng lính sang Tây. Thế rồi cảnh phong lưu đã hết khi người lính trở về quê. Anh ta lâm vào cảnh cùng đường “một thân, một mình không nhà không cửa” trong lúc tuổi già, bệnh tật. Chính cảnh ngộ khốn cùng trong hiện tại đã dẫn người lính về với kí ức của một cõi xa xưa. Đó là “những khi khoác tay vợ đi xem chớp ảnh, trong túi có ba bốn trăm quan, vào hàng cà phê uống rượu, rồi đi tiệm khiêu vũ. Những khi theo vợ về quê ở miền Provence, ra cánh đồng hái nho, rồi cùng đoàn kéo nhau về nhảy hát vui vẻ quanh cái giếng rượu nho ở giữa làng”. Những kỉ niệm khó quên ấy "hắt toả thứ ánh sáng thần kỳ" lên cuộc sống buồn khổ của nhân vật trong hiện tại. Quá khứ rạng rỡ như một niềm an ủi lớn lao đối với người lính lúc cuối đời. Bởi thế trong cô đơn đau khổ của hiện tại, người lính ấy luôn hướng về những gì tốt đẹp của kí ức xa xưa. Có thể nói, kí ức tuổi thơ là nơi an toàn nhất cho con người ẩn náu, là điểm tựa nâng đỡ, an ủi con người trong cô đơn và đau khổ.

Khi trở về với những giá trị của quá khứ, Thạch Lam không chỉ trở về với những kí ức tuổi thơ, những kỉ niệm êm đềm mà còn tìm thấy chỗ nương tựa, ẩn náu trong những giá trị văn hoá truyền thống đã được gạn lọc, phát triển qua nhiều ngàn năm của dân tộc. Đó là mục đích, là động lực bên trong thúc đẩy sự phát triển.Và Thạch Lam đã tìm thấy ở đó câu trả lời, giải pháp cho những bức xúc trong hiện tại. Chính vì vậy nói đến kí ức tuổi thơ trong


truyện ngắn Thạch Lam là nói đến cả những gì đẹp đẽ của một thời xa vắng liên quan đến những giá trị văn hoá như lễ nghi, tập tục...

Dường như hồn thiêng sông núi tự bao đời đã trở về và tụ lại trên những trang viết của Thạch Lam. Đó là không khí lao động buôn bán của một đất nước nông nghiệp với cảnh chợ huyện “mỗi tháng sáu phiên” đã đi vào ca dao tự thuở nào. Những phiên chợ xa xưa ấy đã hiện lên thật sống động, nên thơ qua nét vẽ của Thạch Lam. “Tiếng nói, tiếng cười đùa, chửi rủa tràn đầy cả mấy gian hàng. Sự hoạt động rực rỡ và nhiều màu. Các hàng quà bánh, các thức hàng rẻ tiền và vụn vặt ở thôn quê, những hoa quả chua chát xanh hái trong vườn nhà và bên kia đường mùi thơm nồi cháo nóng của chị Tư bay ra ngào ngạt” (Cô hàng xén). Ngòi bút tài hoa của Thạch Lam đã phác họa được những hình ảnh, âm thanh, sắc màu, hương vị vừa thân thuộc vừa kì thú mà mới chỉ nghe nhắc đến thôi, ta đã thấy ấm áp, xao xuyến đến lạ lùng.

Đó còn là những vẻ đẹp thuộc về văn hóa Việt. Khung cảnh sinh hoạt gia đình Việt Nam ấm áp và thi vị trong sự hòa thuận, tràn ngập yêu thương được vẽ lại thật cụ thể, tỉ mỉ trong văn Thạch Lam (Gió lạnh đầu mùa). Sự ấm cúng rất gợi không khí ấy đã xua đi cái giá rét của những ngày gió lạnh đầu mùa về. Và cũng chỉ trong cảnh gia đình đầm ấm như vậy mới có những em bé trong sáng, nhân hậu, dễ rung động, giàu lòng trắc ẩn (như Sơn và Lan, Liên và An), những con người Việt Nam giản dị, đôn hậu, như Tâm (Cô hàng xén), Trinh (Trở về), mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) ... Rồi thế giới tâm linh qua tín ngưỡng tôn giáo, nghĩa tình lứa đôi với những lời thề non hẹn biển, giây phút xum vầy bên mâm cơm tất niên tiễn năm cũ đi và đón năm mới về,... tất cả đều đi vào trang văn Thạch Lam đầy ám ảnh. Đây là địa tầng văn hoá lưu giữ những vẻ đẹp của truyền thống có tự bao đời. Nó không chỉ gợi nhắc về nguồn cội tổ tiên mà còn là điểm tựa nâng đỡ mỗi con người. Dễ hiểu vì sao trong đêm trừ tịch, Liên và Huệ (Tối ba mươi) lại tìm được sự an ủi trong nén

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023