Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 11


Xét về hình thức chung nhất, có thể kể đến những loại kết cấu như: kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu theo lối đi thẳng vào giữa câu chuyện, kết cấu theo tuyến nhân vật, kết cấu tâm lí... Việc lựa chọn hình thức kết cấu nào thường phụ thuộc vào đối tượng phản ánh và tài năng, phong cách của người nghệ sĩ. Do đặc trưng của phương thức phản ánh mà Thạch Lam đã lựa chọn, để phù hợp với đối tượng phản ánh mà ở chương 2 chúng tôi đã phân tích, nhà văn phải tuân theo lối kết cấu tâm lí. Thạch Lam đã lấy những trạng thái tâm lí kết hợp với nhau và tác động lẫn nhau làm cơ sở cho việc tổ chức kết cấu. Kiểu kết cấu này xuất hiện ở hầu hết những truyện ngắn của Thạch Lam.

Nhân vật của Thạch Lam được xây dựng không phải bằng hành động hay sự kiện, cũng không phải bằng các chi tiết ngoại hình, cá tính mạnh mẽ, gân guốc, góc cạnh, mà bằng những diễn biến tâm lí của nhân vật trong các trạng thái sống. Người đọc cũng không thể tìm thấy trong truyện ngắn Thạch Lam những tính cách nhân vật mang tính điển hình xã hội như chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Bởi vì, nhân vật của Thạch Lam là nhân vật bản ngã với những biểu hiện của phẩm chất người. Đó là những nhân vật có đời sống nội tâm sâu sắc, dễ rung động trước biến thái tinh vi của tạo vật của lòng người và luôn khát khao vươn tới sự hoàn thiện. Cách thức xây dựng nhân vật như thế đã thể hiện một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm của Thạch Lam.

Do sử dụng lối kết cấu tâm lí nên Thạch Lam cũng rất chú ý đến nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện. Một cơn giận được mở ra từ một triết lí nhân sinh giản dị mà sâu sắc: “Sự giận dữ có thể sai khiến người ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”. Từ đó, cái kỉ niệm đau lòng của nhân vật tôi hiện dần, hiện dần qua hồi ức của Thanh như một vết thương lúc nào cũng ngoác miệng trong sự ăn năn hối lỗi, để nhắc nhở mỗi người hãy đấu tranh tự vượt qua


chính con người mình bởi chiến thắng chính mình là chiến thắng lớn nhất. Có khi bằng một câu văn giản dị, tự nhiên: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước” (Gió lạnh đầu mùa), Thạch Lam bắt nhịp một cách tự nhiên vào câu chuyện của những con người bình dị với ứng xử cao đẹp, đầy tình người. Đó là chuyện bé Sơn và Lan mang áo cho bạn khi thấy bạn rét, chuyện mẹ Hiên mang trả lại áo và chuyện mẹ Sơn cho hàng xóm vay tiền để mua áo cho con... Tất cả diễn ra thật tự nhiên, giản dị. Đọc Thạch Lam, ta thấy từng mảnh sống, mảnh đời thanh thanh, đạm đạm cứ phát lộ lặng lẽ trước mắt. Song đằng sau những điều tưởng như nhỏ bé, đơn sơ, bình dị ấy là cảnh, là tình, là quá khứ vọng về hiện tại, là niềm tha thiết với bản sắc dân tộc, là biết bao ưu tư suy ngẫm về đất nước và con người... Đền đài có thể sụp đổ, tranh tượng có thể tiêu tan song những gì đi vào trang văn Thạch Lam vẫn giữ được vẹn nguyên sức sống, cái sâu lắng của tình cảm, vẻ đẹp của truyền thống văn hóa được xây đắp tự bao đời. Và đó là lí do khiến truyện ngắn Thạch Lam giăng mắc trong lòng người biết bao nhớ thương, quyến luyến.

Ở trên đã nói do hướng ngòi bút vào việc miêu tả thế giới bên trong nên truyện ngắn Thạch Lam không quan tâm tới việc xây dựng các biến cố, sự kiện, tình tiết li kì gay cấn trong diễn biến logic của cuộc sống đời thường mà đi sâu vào việc khám phá logic của cảm xúc, của tâm trạng. Điều này lí giải vì sao truyện ngắn của Thạch Lam thường bắt đầu đầu từ những gì đang diễn ra trong thực tại rồi sau đó chuyển dần vào thế giới của hồi ức của kỉ niệm. Trong truyện ngắn Thạch Lam, cái nền hiện tại thường xuất hiện trong ý nghĩa gợi mở tâm tình, cảm xúc của nhân vật. Những ngày mới được bắt đầu bằng cảnh Tân mải miết gặt lúa trên cánh đồng cùng những người thợ hái. Điều đáng nói ở đây là những gì đang diễn ra trong hiện tại lại khơi nguồn cho nỗi nhớ của Tân về một thời niên thiếu đã qua ở tỉnh thành Hà Nội. Đến


cuối thiên truyện, dòng tâm tưởng lại đưa Tân trở về thời hiện tại trong nỗi “sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở chốn thôn quê”. Có thể nói sự việc Tân gặt lúa cùng bọn thợ hái chỉ là cái cớ để nhân vật phô diễn thế giới bên trong của mình. Cũng như vậy, từ khung cảnh Diên (Trong bóng tối buổi chiều) đón đợi người yêu lúc tan tầm vào một buổi trưa mùa đông mờ sạm, mạch truyện đi dần vào trạng thái tâm hồn của nhân vật Diên qua những kí ức ngọt ngào, những năm tháng tuổi thơ trong ngần và những rung động đầu đời dịu dàng, tinh khôi của Diên với Mai “một cô gái tinh nghịch và lanh lợi, hay cười nói luôn miệng” và cả nỗi đau đớn nghẹn ngào trong hiện tại khi nhận ra Mai đã không còn là cô gái của ngày xưa. Ở các truyện: Hai đứa trẻ, Trở về, Một cơn giận, Dưới bóng hoàng lan, Người bạn trẻ, Cái chân què, Người lính cũ... nhà văn cũng dẫn người đọc đi từ hiện tại để đến với thế giới hồi ức của nhân vật. Quá khứ được giăng mắc vào hiện tại qua tâm thức của nhân vật trữ tình đã phát động những rung cảm sâu xa trong người đọc, gợi cho họ rất nhiều suy tư, nghiền ngẫm.

Cũng nhờ lối kết cấu tâm lí mà một số tác phẩm như Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Sợi tóc có thể được xếp vào hạng "những đoản thiên tiểu thuyết đáng kể là hay nhất trong văn chương Việt Nam” [52]. Kiểu kết cấu này còn góp phần quan trọng trong việc tạo nên những trang viết thấm đẫm chất thơ của truyện ngắn Thạch Lam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

3.2 Giọng điệu

Giọng điệu là thước đo quan trọng đánh giá tài năng, phong cách và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Giọng điệu là “Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...” [24; 91].

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 11


Chúng ta đều biết sáng tạo nghệ thuật đến với người đọc, gợi ra những xúc cảm, suy tư trong tâm hồn người đọc là nhờ vào giọng điệu. Người viết văn chỉ thực sự là nhà văn khi tìm được một chất giọng cho riêng mình, một tiếng nói độc đáo, mang đậm bản sắc, dấu ấn của cá tính sáng tạo. Hay nói như Tsêkhốp: “Nếu tác giả nào đó không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả”. Do đặc trưng của phương thức phản ánh mà Thạch Lam đã lựa chọn, để phù hợp với đối tượng phản ánh, nhà văn đã tìm được một giọng điệu riêng, một lối nói riêng không thể tìm thấy “trong cổ họng của bất kỳ ai khác”.

Nếu giọng điệu nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan là bông phèng, trào lộng nhằm phơi bày những lố bịch, giả dối của xã hội thực dân phong kiến, giọng điệu nghệ thuật của Nam Cao là triết lí, đắng cay trước những bi kịch “Sống mòn”, “chết mòn” của con người; giọng điệu nghệ thuật của Nguyên Hồng là trữ tình thống thiết trước sự thống khổ của những con người cùng khổ thì giọng điệu nghệ thuật của Thạch Lam là giọng trữ tình sâu lắng. Đây chính là giọng điệu chủ đạo, cũng là một trong những phương diện tạo nên yếu tố trữ tình đậm đặc trong truyện ngắn Thạch Lam.

Đỗ Đức Hiểu trong bài Phố huyện của Thạch Lam đã có một nhận xét khá tinh tế: “Hai đứa trẻ là một bản nhạc dịu dàng, gồm những nhịp khe khẽ hát ca”. Sở dĩ như thế là vì truyện ngắn này được kể bằng một giọng điệu trữ tình sâu lắng. Chất giọng ấy được cất lên một cách giản dị tự nhiên ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm như một lời ca dịu ngọt lan thấm, dẫn truyền vào lòng người. Từ âm thanh của tiếng trống thu không đến sự chuyển hình, chuyển sắc của ngày tàn, cảm giác mơ hồ của Liên và cảnh đời nơi phố huyện; từ những hồi ức đẹp đẽ của Liên về một Hà Nội xa mờ, về khung cảnh đẹp như mơ của đêm trên phố huyện: “qua khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp


nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một”...; và cả trong cách biểu hiện tâm thế đợi tàu của hai chị em Liên, trong những ngóng vọng của Liên khi đoàn tàu vụt qua như một ánh sao băng: “Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh của thế giới quanh mình mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Nhưng Liên không nghĩ được lâu; mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịnh mịch và đầy bóng tối”. Ẩn sâu trong từng câu chữ, từng lời kể và cách thức miêu tả cảnh vật cũng như con người là âm hưởng trữ tình sâu lắng, chan chứa yêu thương.

Những ai đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan đều nhận thấy giọng điệu chủ âm của thiên truyện là trữ tình sâu lắng. Giọng điệu ấy được toát lên từ “cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi xưa”, đến hình ảnh người bà “tóc vẫn bạc phơ và hiền từ”, từ hình ảnh “cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ” đến khung cảnh “giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá”, và đặc biệt là những rung động nhẹ nhàng và tinh tế của Thanh trước hình ảnh, sắc màu, hương vị của quê hương: “lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng...” cùng ký ức về một thời thơ ấu. “Câu chuyện không có mở đầu và kết thúc, không có cốt truyện, các nhân vật không có chân dung, không có tính cách để lưu lại một nét cụ thể. Nhưng lưu lại được chính là cái hồn của truyện” [2; 97]. Cái hồn ấy được kết dệt bởi nhiều yếu tố nhưng trước hết là ở lối kể chuyện bằng chất giọng trữ tình nhẹ nhàng sâu lắng. Bằng cách đó, thiên truyện đã thực sự khơi dậy những rung động tâm hồn, khắc sâu vào lòng


người vẻ đẹp bình dị, thân thương của tạo vật, con người. Đó là những vẻ đẹp mang cái hồn, cái thần thái của quê hương xứ sở với những gì rất Việt Nam. Có thể nói, chất trữ tình sâu lắng trong giọng văn Thạch Lam được bộc lộ ở đủ mọi cung bậc sắc thái. Niềm tin yêu, trân trọng con người và tình cảm thiết tha đối với quê hương xứ sở đã quy chiếu giọng điệu nghệ thuật chủ đạo của Thạch Lam đem đến cho những truyện ngắn của ông phong vị trữ tình sâu lắng.

Cũng có khi giọng điệu trữ tình sâu lắng được thể hiện ở những câu văn tâm tình, chia sẻ, cảm thông. Đó là những dòng chia sẻ, cảm thông với xúc cảm của Liên khi nghĩ về cảnh ngộ của mình trong Tối ba mươi: “Nàng bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mi mắt, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những ước mong tuổi trẻ, những thất vọng chán chường”. Đó còn là những lời chia sẻ, cảm thông với những tâm tư khuất lấp rất mực đời thường của Cô hàng xén khi “Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô”. Đó còn là sự chia sẻ với những cảm xúc của nhân vật tôi khi nhận thấy “lòng nao nao vừa bực vừa buồn, như thấy một sự gì êm đẹp đang mất đi mà không còn can đảm giữ lại được nữa” (Tình xưa). Chính giọng điệu tâm tình chia sẻ với những bộc bạch tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhân vật một cách chân thành, sâu sắc đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật tự thân cho trang văn Thạch Lam, đem lại cho người đọc những rung cảm đầy thi vị.

Giọng điệu trữ tình sâu lắng chính là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo làm nên điệu tâm hồn riêng, dấu ấn riêng trên từng trang viết của Thạch Lam,


khiến truyện ngắn của ông có sức mạnh vượt qua được sự thử thách của thời gian và sự kén chọn của người đọc.

3.3 Ngôn ngữ trần thuật

Không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học. Bởi vì chính ngôn ngữ chứ không phải là cái gì khác đã khiến cho “tác phẩm văn học có phương thức tồn tại riêng như là ký hiệu thẩm mỹ” (Trương Đăng Dung). Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên trong quá trình sáng tác, cũng là yếu tố đầu tiên bắc nhịp cầu giao cảm giữa người đọc với tác phẩm. Chính trong ý nghĩa đó, M.Gorki khẳng định: “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Các tác giả Từ điển thuật ngữ cũng cho rằng: “ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ”, ngôn ngữ là “một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [24; 149].

Do đặc trưng của phương thức phản ánh mà Thạch Lam đã lựa chọn, để phù hợp với đối tượng phản ánh, nhà văn đã tìm được một thứ ngôn ngữ mang dấu ấn sáng tạo riêng, đó là ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng, là lối viết mềm mại, tự nhiên, uyển chuyển với những câu văn giàu hình ảnh, nhịp điệu. Đây chính là yếu tố tạo nên năng lượng đặc biệt cho văn phẩm Thạch Lam.

3.3.1 Ngôn ngữ của cảm giác

Nếu Nguyên Hồng lựa chọn “cái ngữ vựng mưng mủ mà mỗi từ là một đốt ô uế của con quái vật trong bùn đen và bóng tối” [30; 368] để phô diễn xúc cảm cao độ trước nỗi thống khổ của con người thì Thạch Lam xuất phát từ cảm quan hiện thực tâm lí, hiện thực trữ tình lại rất tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ của tâm trạng, của cảm giác. Vì thế, trên từng trang văn của ông người ta không thấy ngôn ngữ cầu kì, góc cạnh như trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân hay lớp sóng ngôn từ “rất hiện đại và rất đô thị” như trong


Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Hệ thống ngôn ngữ được Thạch Lam sử dụng để tự biểu hiện cảm xúc, cảm giác trước những cảnh, những người thường rất dung dị, mang hơi thở nồng nàn, ấm áp của cuộc đời.

Đi vào thế giới nghệ thuật của Thạch Lam người đọc thấy ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng cứ bàng bạc ở các thiên truyện với những biểu hiện phong phú trong “vẻ đẹp tự thân” của nó.

Nhưng vì sao Thạch Lam lại đi sâu khai thác ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng?

Thứ nhất, Thạch Lam là nhà văn của nội tâm của cảm giác. Những sáng tác của ông chủ yếu dựa trên cảm quan hiện thực tâm lí, hiện thực trữ tình.

Thứ hai, Thạch Lam là nhà văn có tấm lòng gắn bó thiết tha với những con người bình dị. Đó là lí do quan trọng khiến ông tìm đến hệ thống từ ngữ diễn tả thấu đáo vẻ đẹp thế giới bên trong của người bình dân.

Thứ ba, Thạch Lam luôn quan niệm công việc của nghệ sĩ phải là diễn tả đúng và thấu đáo “cái tâm hồn, bản ngã thật” của con người. Quan niệm ấy cũng chi phối cách lựa chọn từ ngữ miêu tả cảm giác, tâm trạng của nhà văn.

Khảo sát hệ thống từ ngữ của Thạch Lam trong 27 truyện ngắn (Tuyển tập Thạch Lam 2007), chúng tôi thấy hai chữ cảm giác xuất hiện ở 12/27 tác phẩm, cụ thể như sau: Dưới bóng hoàng lan (1 lần), Nhà mẹ Lê (2 lần), Trở về (1 lần), Một cơn giận (2 lần), Đói (2 lần), Hai lần chết (1 lần), Bắt đầu (3 lần), Hai đứa trẻ (2 lần), Cuốn sách bỏ quên (3 lần), Tối ba mươi (1 lần), Sợi tóc (2 lần).

Theo Từ điển tiếng Việt, cảm giác có nghĩa là: “sự hay biết do một trong năm giác quan vì cọ xát với sự vật bên ngoài; linh tính, nhạy cảm do trí tưởng tượng”. Thạch Lam đã sử dụng từ cảm giác theo cả hai nét nghĩa đó nhưng nhà văn nghiêng nhiều về nét nghĩa thứ hai. Chẳng hạn như câu văn trong Dưới bóng hoàng lan: “Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 18/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí