Ngôn Ngữ Giàu Hình Ảnh, Nhạc Điệu


chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ”. Ở đây, chữ cảm giác được sử dụng để miêu tả sự cảm nhận của Thanh khi được trở về với ngôi nhà quen thuộc. Sự thay đổi của thời gian và hoàn cảnh sống không hề làm phai nhạt những tình cảm gắn bó yêu thương với tạo vật và con người quê hương ở Thanh. Hai chữ cảm giác trong câu văn đã nói với ta điều đó. Đến truyện Một cơn giận, nhà văn lại dùng chữ cảm giác để gia tăng sự giận dữ vô cớ của nhân vật: “Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cái cảm giác ấy rõ rệt hơn”. Ngoại cảnh và tâm cảnh soi chiếu, cộng hưởng có tác dụng tô đậm những gì đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật. Cũng có khi nhà văn dùng chữ cảm giác để khắc họa niềm hạnh phúc thành thực của người con gái đang yêu: “Lần thứ hai ngực nàng căng nở dưới vải mịn mỏng manh; một cảm giác thấm thía đê mê dâng lên ngập cả người nàng vào trong đó như lúc tắm bể” (Bắt đầu). Không phải ngẫu nhiên, hai chữ cảm giác cứ trở đi trở lại trên trang văn Thạch Lam. Đó là một tín hiệu thẩm mỹ đặc thù dẫn dắt người đọc đến với những gì thuộc về bên trong, những gì diễn ra trong đời sống tình cảm của con người.

Với Nguyên Hồng “tiếng lóng trở thành cầu nối đưa nhà văn đến với những con người khốn khổ” [47; 35], còn Thạch Lam lại sử dụng những từ ngữ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan, hoạt động tâm lý thực chứng với mật độ dày đặc để “truyền đạt chính xác cái cảm xúc của mình - những cảm xúc dấy lên từ những cảm giác trước mọi biểu hiện phong phú và tinh tế của đời sống tinh thần của con người” [3; 174]. Xuất hiện nhiều hơn cả là các từ: vui, buồn, sung sướng, đau khổ, yêu, ghét, thấy, tưởng, nhớ, nghĩ... Sau đây là kết quả khảo sát một số truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam:

- Trở về: thấy (15 lần), nhớ (5 lần), nghĩ (9 lần), tưởng (3 lần), sung sướng, cảm động, buồn, ghét, khó chịu, vui mừng...


- Đứa con đầu lòng: thấy (24 lần), tưởng (2 lần), chờ đợi (2 lần), khó chịu (3 lần), buồn rầu (2 lần), giận (2 lần), nhớ, nghĩ, sung sướng, ngạc nhiên, cảm động, ngượng nghịu...

- Một cơn giận: thấy (8 lần), giận (4 lần), ghét (4 lần), gắt (4 lần), chán (2 lần), khó chịu (2 lần), luống cuống, sợ hãi...

- Hai lần chết: nghĩ (9 lần), thấy (18 lần), nhìn (2 lần), nhớ (2 lần), tưởng, trầm ngâm, ghét, vui vẻ, bỡ ngỡ, lạ lùng, sợ hãi, uất ức, giận, lịm, ngậm ngùi, chán nản, lạnh lẽo...

- Những ngày mới: thấy (19 lần), vui (7 lần), nghĩ (7 lần), sung sướng (5 lần), nhìn (6 lần), rung động (3 lần), thích (2 lần), chán nản (2 lần), ngượng nghịu, buồn rầu, tưởng, say sưa...

Từ kết quả khảo sát trên ta thấy Thạch Lam sử dụng ở mức độ tối đa các từ chỉ trạng thái tâm lí, cảm giác của nhân vật ở nhiều thái cực khác nhau, thậm chí đối lập nhau (yêu - ghét, nhớ - quên, buồn - vui...) như một phương tiện nghệ thuật đích thực để phô diễn những trạng huống tinh vi, phức tạp, phong phú trong thế giới bí ẩn của con người. Đây là một phương tiện nghệ thuật đắc địa góp phần biểu đạt thành công những khoảng sáng tối trong thế giới nội tâm sâu kín của con người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Hãy xem Thạch Lam miêu tả nỗi tưởng nhớ của bác Lê (Nhà mẹ Lê) trong cơn mê sảng: “Bác Lê nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt. Đấy còn là những ngày no đủ. Rồi đến những buổi chợ vắng, những ngày nhịn đói như hôm nay. Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó Tây nhe nanh chồm lên...”. Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng rất nhiều từ ngữ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan của nhân vật: thấy (3 lần), nhớ lại, cảm giác, vui mừng, mơ màng. Những từ ngữ miêu tả cảm giác xuất hiện dày đặc đã biểu đạt thành công một trạng thái sống của nhân vật.


Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 12

Theo đó, niềm vui và nỗi buồn, nhẹ nhàng và dữ dội, rõ ràng và mơ hồ, quá khứ và hiện tại đồng hiện không chỉ cho thấy vẻ đẹp đích thực của nhân vật mà còn gợi ra bao suy nghĩ về sự hữu hạn của kiếp người.

Còn đây là đoạn văn miêu tả nội tâm của Tâm khi về đến đầu làng trong truyện ngắn Trở về: “Một cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngẩng đầu lên nhìn; chàng vừa đi vào dưới vòm tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này, Tâm thấy tự phụ vì mình đã vượt hẳn được cái nghèo ấy”. Cái cảm giác của Tâm khi bước chân trên con đường làng là nỗi niềm rưng rưng cảm động khi nhận ra hình sắc quen thuộc một thời. Chỉ có điều những gì thuộc về quá khứ đã đẩy lùi nỗi cảm động thực tại tạo nên một sự đồng hiện trong tâm trí nhân vật. Vào giây phút ấy, Tâm “thấy tự phụ vì mình đã vượt hẳn được cái nghèo". Qua việc sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động tâm lí Thạch Lam vừa miêu tả những gì đang diễn ra trong nội tâm vừa hé mở ngõ ngách sâu khuất, u tối ở thế giới tinh thần của nhân vật. Người đọc có thể bắt gặp cách thức miêu tả này ở hầu hết các truyện ngắn của Thạch Lam. Đó là phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn tạo nên một thế giới nội tâm với những cung bậc phong phú phức tạp, đa diện, đa chiều.

Thạch Lam còn sử dụng từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ để chuyên chở những điều sâu kín trong thế giới của cái tôi. Đó là những từ ngữ như: hình như, dường như, tựa như, thoáng thấy, thoáng qua, thoáng trông, mơ màng, lờ mờ, không rõ rệt, không hiểu sao, không biết tại sao... Những từ ngữ ấy được sử dụng đậm đặc trong văn Thạch Lam để diễn tả những khoảnh khắc ngẫu nhiên, bất chợt mà nhân vật không kịp nhận biết cụ thể, rõ ràng, thậm chí không lý giải nổi. Sợi tóc là một truyện ngắn như vậy. Trong thiên


truyện, nhà văn đã ghi lại trạng thái mong manh trong tâm hồn Thành. Nó mong manh đến nỗi nếu không kịp thời nắm bắt tất cả sẽ trôi qua rất nhanh chỉ trong chớp mắt. Để diễn tả trạng thái ấy, nhà văn đã sử dụng hàng loạt từ ngữ chỉ trạng thái mơ hồ, hư ảo: thoáng nhìn qua, thoáng nghe thấy, sự gì, không biết rõ, không biết, hình như. . . Từ đây, những trạng thái cảm xúc, nét tâm lí hư ảo, mong manh của con người được hiện lên thật ấn tượng và ám ảnh. Nếu không có một tâm hồn tinh tế, sâu sắc, nếu không thành thực với “bản ngã” Thạch Lam khó có thể miêu tả những cảm giác thoáng qua, khó lí giải một cách tài tình đến thế.

Có thể nói, bằng việc lựa chọn và sử dụng tài tình ngôn ngữ của cảm giác, của tâm trạng, Thạch Lam đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng: thế giới của cảm giác, của tâm trạng mà ở đó “cái cảm giác đã tạo nên một chất men đặc biệt trong văn Thạch Lam: say mà tỉnh, ảo mà thực, liên tục mà đứt đoạn, rõ ràng mà mơ hồ...” [3; 175].

3.3.2 Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu

* Ngôn ngữ giàu hình ảnh

Trong sáng tác văn học, các nhà văn thường sử dụng hình ảnh để biểu thị những thông điệp mình muốn trao gửi cho người đọc. Bằng cách đó, họ vừa mang đến cho người đọc hiểu biết về hiện thực được nói đến trong tác phẩm, vừa làm giàu có, phong phú thêm cho ngôn ngữ văn học. Xét ở phương diện này, Thạch Lam đã ghi được nét đặc sắc riêng không dễ lẫn.

Đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh so sánh. Theo các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học, so sánh là “phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia” [24; 190]. Chính vì thế, trong so sánh bao giờ cũng có hai vế: hiện tượng so sánh


và hiện tượng được dùng để so sánh. Hai vế đó được nối liền với nhau bởi các từ so sánh “như”, “tựa như”, hoặc các từ “bằng”, “hơn”, kém”. Hiệu quả thẩm mĩ của so sánh phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tạo lập so sánh của nhà văn. Xét ở phương diện này, Thạch Lam đã đạt được những thành công đáng kể.

Nhà văn đã phát huy thế mạnh của so sánh trong việc thể hiện chính xác cảm giác của nhân vật. Miêu tả cảm giác bình yên, trong trẻo của Thanh (Dưới bóng hoàng lan) khi trở về với ngôi nhà xưa cũ, Thạch Lam viết: “Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như tắm ở dưới suối”. Cũng nhờ lối liên tưởng tự nhiên và hấp dẫn, sự sám hối của nhân vật tôi (Một cơn giận) được hiện hình sắc nét: “Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi". Đặc điểm nổi bật của những so sánh này là ở chỗ nhà văn đã lấy những cảm giác vật lí để diễn tả những cảm giác tâm lí. Đây là kiểu so sánh thường thấy trong các truyện của Thạch Lam. Cách thức so sánh ấy vừa giúp người đọc cảm nhận được chính xác cảm giác của nhân vật, vừa đem đến tính biểu cảm đậm nét cho ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam.

So sánh trong văn phẩm Thạch Lam không chỉ mở rộng khả năng phản ánh hiện thực của lời văn mà còn mở rộng hiểu biết cho người đọc. Qua những hình ảnh so sánh, Thạch Lam đã giúp người đọc cảm nhận đến tận cùng và chia sẻ được với những tầng bậc cao thấp, đa diện, đa chiều trong thế giới nội tâm đầy bí ẩn của con người. Đó là “cái mộng cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quí giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể về nàng được” (Một đời người). Hình ảnh so sánh trong câu văn phản ánh tâm trạng đau khổ, thất vọng dai dẳng, triền miên của nhân vật khi nhận ra hạnh phúc đã tuột khỏi tay mình. Cũng qua hình ảnh so sánh, tác giả nắm bắt và ghi nhận cảm giác của một chàng trai trẻ lần đầu tiên được làm cha “ Và Tâm


thấy lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy” (Đứa con đầu lòng). Có khi chỉ một hình ảnh so sánh cũng đủ để thâu tóm những biến đổi vi diệu ở thế giới tinh thần của Tâm khi có đứa con đầu lòng. So sánh còn giúp Thạch Lam soi rọi những khoảng sáng tối trong nội tâm nhân vật, nắm bắt đúng sự thức tỉnh của con người: “Tâm trí tôi giãn ra như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường” (Sợi tóc). Những hình ảnh được dùng để so sánh ở đây đều thân thuộc, gần gũi, dung dị mà gợi nhiều liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Dường như cái hữu hình và cái vô hình, ngoại cảnh và tâm cảnh, sự vật hiện hữu bên ngoài và nội tâm sâu kín bên trong đã gắn kết và thăng hoa trong những so sánh của Thạch Lam, đem lại sức hấp dẫn mới cho truyện ngắn của ông.

Sẽ là không quá nếu nói rằng so sánh là một phương tiện ngôn ngữ đắc địa giúp Thạch Lam phản ánh logic bên trong, logic tâm trạng. Bằng hình ảnh so sánh, nhà văn đem đến cho độc giả sự hiểu biết sâu sắc về thế giới bên trong của con người nói chung, của chính mình nói riêng. Với so sánh, ngòi bút Thạch Lam thoải mái đi sâu vào trạng thái tâm hồn nhân vật, ghi lại được các biến thái tinh vi, phức tạp nhất. Thông qua hình ảnh so sánh, người đọc còn cảm nhận được tình cảm yêu thương sâu sắc, thấm thía và tấm lòng trân trọng trước sự sống, con người của nhà văn..

Cùng với so sánh, ẩn dụ cũng là một phương tiện nghệ thuật thể hiện tài năng tổ chức lời văn nghệ thuật của Thạch Lam. Ẩn dụ là “phương thức tu từ dựa trên cơ sở đồng nhất hai hiện tượng tương tự, thể hiện cái này qua cái kia, mà bản thân cái được nói tới thì giấu kín đi một cách kín đáo” [24; 9]. Trong truyện ngắn Thạch Lam, ẩn dụ thường được tổ chức theo nguyên tắc cá thể hoá và cụ thể hóa có tính định hướng đối tượng miêu tả theo các hình thức khác nhau.


Tiêu biểu hơn cả là ẩn dụ được hình thành trên kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ hoặc vốn văn hóa của tập thể. Hình ảnh xuất hiện nhiều trong văn Thạch Lam là bóng tối. Đa số các truyện ngắn của Thạch Lam được đặt trong không gian bóng tối. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát mức độ sử dụng hình ảnh bóng tối trong 27 truyện ngắn của Thạch Lam (Tuyển tập Thạch Lam 2007). Trong số hai bảy truyện có hai truyện nhà văn lấy chữ tối để đặt tên cho tác phẩm: Trong bóng tối buổi chiều, Tối ba mươi. Những chữ đêm, tối, bóng tối xuất hiện dày đặc (17/27 truyện ngắn của Thạch Lam có xuất hiện hình ảnh đêm tối).

Trong Hai đứa trẻ, chữ bóng tối xuất hiện 6 lần để biểu hiện một không gian xám xịt và cảm nhận mơ hồ, bâng khuâng, tâm trạng buồn khổ trước cảnh sống tẻ nhạt, đơn điệu cùng khao khát, chờ mong, hi vọng rất đỗi mong manh của nhân vật: “Đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần...”; “Hai chị em đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối"; “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”; “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”; “Tiếng vang động của xe hoả đã nhỏ rồi, và mất dần trong bóng tối”; “Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối". Hai chữ bóng tối ở đây xuất hiện trong ý nghĩa biểu tượng cho kiếp sống tàn lụi, quẩn quanh, bế tắc của con người trong xã hội đương thời.

Bên cạnh những ẩn dụ ngôn ngữ, nhà văn còn sử dụng những ẩn dụ mang tính chủ quan bất ngờ, giàu triết lí. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh “chiếc đèn con của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ” cứ trở đi trở lại trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Đó chính là hình ảnh biểu tượng cho những kiếp sống vật vờ, leo lét trong màn đêm của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Cũng như vậy, chuyến tàu mà chị em Liên mỏi mắt trông chờ hằng đêm chính là biểu tượng của một thế giới giàu sang,


náo nhiệt, đầy ánh sáng, khác hẳn với thế giới ảm đạm nơi phố huyện nghèo. Chuyến tàu ấy không chỉ gợi nhớ kỉ niệm của ngày xưa mà còn thức dậy những khao khát ước mơ, những đợi chờ khắc khoải của nhân vật. Hơn thế, nó còn giúp cho con người sống cân bằng hơn. Lại có khi, Thạch Lam sáng tạo được hình ảnh ẩn dụ đầy bất ngờ để gửi gắm suy ngẫm sâu sắc về nhân sinh. Một sợi tóc nhỏ bé, bình dị qua bàn tay của người "phu chữ" Thạch Lam nói với ta rất nhiều về tâm tư khuất lấp rất mực đời thường của nhân vật. Có thể coi đó là bối cảnh nội tâm để con người kiểm chứng và tự khẳng định sự thấp hèn hay cao cả, trong sạch hay u tối, cám dỗ, vụ lợi, bản năng hay nhân tính, lương thiện. Bản lĩnh sống và sự hướng thiện là yếu tố quan trọng giúp con người được là chính mình. Triết lí nhân sinh sâu sắc ấy không phải ai cũng nói được một cách nhẹ nhàng, giản dị qua ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng như Thạch Lam.

Cùng với so sánh, việc sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng khiến cho truyện ngắn Thạch Lam trở nên đa dạng, phong phú hơn khi thể hiện cuộc sống bên trong của con người. Đây thực sự là một hiện tượng thẩm mĩ đa nghĩa góp phần thể hiện đắc địa thế giới bên trong của nhân vật, đồng thời cho thấy sự tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ của Thạch Lam.

*Ngôn ngữ giàu nhạc điệu

Nhà văn Nguyễn Tuân khi nhận xét về ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam đã viết: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và tươi đậm hơn” [45; 267]. Tuy không trực tiếp nhưng lời nhận xét đó đã đề cập đến nhạc điệu trong truyện ngắn Thạch Lam. Đây là một yếu tố tạo nên cái “ma lực” của ngôn ngữ trong truyện ngắn của ông. Nhạc điệu trong văn Thạch Lam được cất lên từ những câu văn có âm điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, thể hiện đậm nét “cái nhạc tính trong tâm hồn nhà văn” [19; 333]. Đoạn văn diễn tả tâm trạng của Liên (Hai

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 18/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí