Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 13


đứa trẻ) trước giờ khắc ngày tàn được vang lên như một khúc nhạc buồn: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Những âm tiết mang thanh bằng được sử dụng đậm đặc trong đoạn văn (48/ 87 âm tiết mang thanh bằng). Trừ câu văn mở đầu, câu nào cũng có một từ láy: văng vẳng, vo ve, thấm thía, man mác. Những từ láy đó làm cho âm điệu của lời văn cứ du dương một giai điệu buồn thương day dứt. Ở đây, Thạch Lam không hướng đến việc kể lại hoạt động của phố huyện lúc chiều tà mà nhằm biểu hiện cảm xúc của nhân vật về nó. Xét trong ý nghĩa đó, có thể thấy, đoạn văn giống như một bài thơ trữ tình man mác những cảm xúc buồn thương. Các thanh bằng và từ láy xuất hiện với mật độ dày đặc không chỉ tạo được nhạc điệu du dương, trầm bổng cho lời văn mà còn diễn tả sâu sắc, thấm thía điệu tâm hồn của nhân vật. Đây chính là phương tiện nghệ thuật quan trọng để Thạch Lam khơi mở thế giới cảm giác mong manh, thầm kín của con người và tạo nên nhịp điệu cho lời văn.

Nếu Nguyễn Công Hoan và Nam Cao thành công trong những câu văn linh hoạt, gọn ghẽ, gân guốc, Nguyên Hồng thành công trong những câu văn dài chồng chất điệp từ, điệp ngữ và các yếu tố liệt kê thì Thạch Lam lại ghi được dấu ấn riêng trong những câu văn có nhịp đều, vừa phải. Đây là đoạn văn tả tâm trạng của Thanh trong truyện ngắnDưới bóng hoàng lan: “Rồi chàng bước đi ra nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga vẫn sẽ đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Những


cảm xúc đẹp như mơ được phơi trải theo nhịp điệu đều đều của lời văn. Ấy là khúc nhạc lòng trong trẻo, du dương đang ngân rung trong một tâm hồn rất trẻ. Chính nhịp điệu đều đều của lời văn đã tham gia tích cực vào việc thể hiện tối đa đối tượng phản ánh của đoạn văn. Nhạc điệu lời văn và nhạc điệu tâm hồn con người như hòa lẫn, thăng hoa trong những câu chữ khẽ khàng, thi vị. Song hiệu quả nổi bật nhất mà nhịp điệu vừa phải mang lại cho lời văn Thạch Lam là biểu hiện các trạng thái cảm xúc, tâm lí. Nó góp phần quan trọng trong việc chuyên chở những niềm vui, nỗi buồn, những cảm giác vừa rõ ràng cụ thể, vừa hư ảo, mơ hồ, mong manh... trong truyện ngắn Thạch Lam.

Dù diễn tả tâm trạng vui hay buồn, cảm xúc mong manh, mơ hồ hay động thái tâm lí rõ ràng, cụ thể..., lúc nào ta cũng bắt gặp trong văn phẩm Thạch Lam những câu văn du dương, cái nhịp văn khoan thai, êm ả. Đó là một yếu tố nghệ thuật mang tính thẩm mĩ cao, góp phần cơ bản làm nên gương mặt riêng của Thạch Lam, khiến người đọc dễ dàng nhận ra ông trong rất nhiều nhà văn của nền văn học Việt Nam hiện đại.


KẾT LUẬN


1. Đặc trưng phản ánh nghê thuật là một trong những vấn đề cơ bản của mĩ học và lí luận văn học được nói đến như là bản chất của mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, giữa mô hình phản ánh và đối tượng phản ánh. Trải qua một chặng đường dài phát triển, tư duy mĩ học về đặc trưng phản ánh nghệ thuật đã có những thay đổi theo hướng ngày càng phù hợp hơn với tư duy nghệ thuật. Với sự xuất hiện của mĩ học và lí luận văn học mác xít, những quan điểm của G.Lukacs và Ch.Caudwell đã nói nhiều đến đối tượng của phản ánh nghệ thuật với nhiều điểm tương đồng và khác biệt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Luận văn nhấn mạnh đến quan điểm của Ch.Caudwell về đối tượng của phản ánh nghệ thuật, theo đó văn học nghệ thuật phản ánh cái thế giới bên trong của con người, tức là văn học không trực tiếp phản ánh hiện thực bên ngoài mà là hiện thực bên trong, là ảo ảnh của hiện thực, với tinh thần “thơ trữ tình bóp méo và phủ nhận cấu trúc hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi”. Chính quan điểm này sẽ soi sáng thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, là chỗ dựa lí luận để luận văn nghiên cứu đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.

2. Trong dòng văn học 1930-1945, Thạch Lam nổi lên như một nhà văn có cốt cách trí thức, lịch lãm và sâu sắc trong những cảm nhận về thế giới nội tâm của con người. Lấy chính thế giới cái tôi để làm đối tượng phản ánh nghệ thuật, kiểu tư duy nghệ thuật của Thạch Lam đã minh chứng sinh động nhất cho quan điểm của Ch.Caudwell về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Đối tượng phản ánh nghệ thuật của Thạch Lam là thế giới cái đẹp được toát lên từ tâm hồn sâu kín và phong phú của con người bình dân. Hướng ngòi bút vào việc khám phá thế giới bên trong, Thạch Lam đã phơi trải những rung động thuần khiết, tinh khôi của tâm hồn trẻ thơ, những cung bậc cảm xúc đa dạng, đa chiều trong thế giới nội tâm của người dân nghèo với bao cảm nhận, suy

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 13


ngẫm sâu sa về thân phận, về kiếp người, những cảm giác chân thực cùng những trạng thái tâm lí rất đặc trưng của người trí thức tiểu tư sản. Từ đó, vẻ đẹp trong thế giới nội tâm chìm khuất của người bình dân cứ phát lộ lặng lẽ trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Lựa chọn thế giới bên trong làm đối tượng phản ánh cùng nỗ lực khám phá vẻ đẹp và diễn tả các dạng tiềm tàng ẩn giấu trong thế giới nội tâm sâu khuất của con người chính là một phương thức tư duy nghệ thuật độc đáo góp phần thể hiện đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.

Đi sâu vào việc miêu tả thế giới tâm hồn vô biên của con người, Thạch Lam đã “bắt mạch” những khoảnh khắc sống chất chứa bao cảm xúc riêng tư. Nhà văn đã lắng nghe dòng cảm giác trôi chảy trong thế giới bí ẩn của tâm linh, khám phá được những khoảng sáng tối riêng trong nội tâm, đó chính là những trạng thái sống mơ hồ của con người. Các trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp, thậm chí ngẫu nhiên, đầy bất trắc đã gắn kết, thăng hoa, trở thành điểm sáng thẩm mĩ mang lại giá trị độc đáo cho truyện ngắn Thạch Lam. Cách thức phản ánh này làm nên một dấu ấn Thạch Lam, đồng thời thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, vốn sống phong phú, tấm lòng tha thiết với cuộc đời và tài năng sáng tạo của nhà văn.

Là một nghệ sĩ luôn có ý thức kiếm tìm và lưu giữ cái đẹp nhiều khi tiềm tàng, khuất lấp, mơ hồ ở thế giới bên trong của con người, Thạch Lam còn mở ra một chân trời kí ức về thời thơ ấu. Thế giới dĩ vãng, kỉ niệm ấy kết tinh tất cả những gì đẹp đẽ của một thời xa vắng liên quan đến những giá trị tinh thần đã đựơc gạn lọc, phát triển qua nhiều nghìn năm của dân tộc. Không gian nghệ thuât, thời gian nghệ thuật mang nét văn hoá đặc trưng, ngỡ như đã xa mà lại hiện hữu, chi phối nét đẹp trong tâm hồn mỗi con người được sử dụng như một phương thức nghệ thuật đặc sắc để thể hiện ý đồ sáng tạo. Qua các chất liệu hiện thực trên, nhà văn đã biểu đạt thành công những bức xúc


của bản thân đời sống và những gì thuộc về bản ngã, cá nhân. Thời gian nghệ thuật cũng là một phương tiện hữu hiệu chuyên chở trạng thái tâm hồn con người. Đặc biệt, sự tương ứng giữa không gian tâm tưởng, riêng tư, được giới hạn và có màu xám xịt với thời gian đặc trưng mờ ảo, ảm đạm đã tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ mộng, thấm đẫm chất men cảm giác trong truyện ngắn Thạch Lam.

3. Để tương ứng với đối tượng của phản ánh nghệ thuật đã lựa chọn, Thạch Lam sử dụng nhiều thủ pháp phản ánh nghệ thuật phù hợp thể hiện qua cốt truyện và kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật.

Một trong những đặc điểm nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Thạch Lam là kiểu truyện không có truyện. Những sự kiện, biến cố, hành động chỉ là giá đỡ, là cái cớ để nhà văn nắm bắt và làm dấy lên những cảm xúc, cảm giác, trạng thái tâm lí bên trong. Yếu tố nghệ thuật này đem lại cho truyện ngắn Thạch Lam một lợi thế giống như thơ trong việc biểu đạt thế giới cảm xúc, cảm giác. Nhà văn thường đặt nhân vật vào một tình thế, một bi kịch nhân sinh nào đó để bắt kịp nét tâm lí, khoảnh khắc tâm trạng hay những biến thái tinh thần. Nhờ vậy, nhà văn đã nói được bằng nghệ thuật những suy ngẫm sâu sắc về con người một cách hiệu quả nhất.

Với nỗ lực tìm tòi và sáng tạo, Thạch Lam đã đem đến cho truyện ngắn của mình một kiểu kết cấu phù hợp và uyển chuyển. Kết cấu của truyện ngắn Thạch Lam không tuân theo những yếu tố ta thường thấy trong truyện ngắn hiện thực phê phán mà tuân theo những diễn biến tâm trạng nhân vật trong nhiều khoảnh khắc sống của đời thường. Lối kết cấu này đem lại cho truyện ngắn Thạch Lam nhiều trang viết hết sức tự nhiên, thành thực về đời sống bên trong của người bình dân.

Giọng điệu của truyện ngắn Thạch Lam cũng mang dấu ấn riêng tương ứng với cái tôi trữ tình như là đối tượng phản ánh. Đó là giọng điệu trữ tình


sâu lắng. Nhà văn dùng giọng điệu này để tạo ra những khoảng lặng nghệ thuật qua trang viết. Đây cũng là một phương diện tạo nên yếu tố trữ tình đậm đặc trong truyện ngắn Thạch Lam. Dù ẩn sâu vào từng câu chữ hay toát lên qua âm hưởng chung của cảnh vật, con người được mô tả, dù yêu thương ấm áp hay tâm tình chia sẻ, cảm thông, giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam đều đóng vai trò như một thủ pháp nghệ thuật đắc địa trong việc thể hiện chân thành những nỗi niềm riêng tư của nhân vật.

Cũng như vậy, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Thạch Lam đã phát huy hết khả năng của nó để đáp ứng cho những mục đích nghệ thuật của nhà văn. Lớp từ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan, hoạt động tâm lí thực chứng và những từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ xuất hiện trong văn Thạch Lam trong ý nghĩa một phương tiện nghệ thuật độc đáo góp phần đắc lực cho việc thể hiện thế giới nội tâm sâu kín của con người. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và khả năng biểu hiện, nhà văn không chỉ đi sâu miêu tả, phản ánh “hiện thực bên trong” mà còn thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng tin yêu con người, trân trọng sự sống và hiệu quả nhất là làm lộ diện những mạch cảm giác sâu kín, vi diệu. Niềm say mê sáng tạo không chỉ đem đến cho trang văn Thạch Lam một “ma lực” hấp dẫn, lôi cuốn, mà còn khẳng định đóng góp tích cực của ông vào sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.

4. Xét đến cùng, sự phát triển của văn học chính là sự phát triển của phương thức khái quát hiện thực, của đặc trưng phản ánh nghệ thuật. Dù ở bất cứ thời đại nào, bất cứ nền văn học nào thì người nghệ sĩ đích thực luôn hướng đến cách thức chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực mới mẻ, độc đáo. Đó là nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không ngừng để đem đến bước ngoặt mới trong sự phát triển của lịch sử văn học nhân loại. Với ý nghĩa ấy, vấn đề Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam là một minh chứng sinh


động cho mối quan hệ giữa tư duy lí luận và thực tiễn sáng tạo. Trong mối quan hệ này, có thể khẳng định Thạch Lam là nhà văn xuất sắc bởi ông đã có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc hiện đại hoá nền văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ XX.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN


1. (2008), “Những trạng thái sống mơ hồ- một đối tượng của phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam”, Tạp chí Giáo dục, số 196, kì 2- 8/2008, Bộ Giáo dục và đào tạo, tr.29-31; 24.

2. (2008), “Truyện ngắn Thạch Lam, từ một góc nhìn”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 291, 9/2008, Bộ văn hoá, thể thao và du lịch, tr. 95-99.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023