Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 6

của sự vật được ghi lại như kiểu quay phim.

Kết cấu truyện lồng trong truyện thường biểu hiện ở cấu trúc địa danh – sự tích

– huyền thoại. Tuy nhiên, không phải địa danh nào cũng mang trong nó một sự tích, cũng như không phải sự tích nào cũng có một câu chuyện huyền thoại. Câu chuyện được kể trong du kí là những câu chuyện được giả định rằng chưa ai biết đến hoặc ít ra cũng không được ai kể như thế. Trong Đại Đường Tây vực kí (628 - 645) của Trần Huyền Trang, có rất nhiều Bảo Tháp được nói đến, nhưng không phải Bảo Tháp nào cũng mang một sự tích để nói lên nơi chốn “đất Phật” có nhiều kì tích mà chỉ có một Bảo Tháp gắn liền với câu chuyện Thái tử Câu Lan Noa, con vua A Dục bị mẹ kế lập mưu móc mắt, trở thành kẻ ăn xin rách rưới mù lòa; về sau vua cha biết chuyện nên mời một vị A La Hán tên là Cù Sa (Diệu Âm), thu những giọt nước mắt của những người nghe ngài thuyết pháp để chữa lành đôi mắt cho Thái tử. Du kí Am Tiên (1942) của Hoàng Minh chỉ có vài trang nhưng chủ yếu là để kể câu chuyện về nhân vật huyền thoại Na Tiều. Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ cũng có truyện Người tiều phu ở núi Na, nói về nhân vật này nhưng thuộc loại văn chương giáo huấn. Câu chuyện của Hoàng Minh trong tác phẩm Am Tiên là vẽ lại cảnh sắc cho một địa danh, nơi có một di tích đã hoang tàn bằng huyền thoại. Trong nhiều tác phẩm du kí, lối kết cấu truyện lồng trong truyện thường dựng lại những cảnh gặp gỡ của tác giả với nhân vật mang đậm dấu ấn cuộc đời.

Lối kết cấu nhật trình thường biểu hiện bằng hình thức thư từ, nhật kí, có khi là những ghi chép mang tính chất tư liệu. Kết cấu trong tác phẩm Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn được kết cấu theo lối trích lục những bức gia thư của người khác bằng hình thức nhật kí, một kiểu thể hiện “ý tưởng tự do” trong xây dựng tác phẩm của tác giả.

Kết cấu sự kiện thường xuất hiện ở những tác phẩm có nhiều sự kiện diễn ra trong suốt hành trình mà tác giả đã chứng kiến. Những sự kiện được tác giả chọn lọc và thuật lại theo một ý đồ nhất định, trong đó tập trung vào những sự kiện chính có ý nghĩa chủ đề.

Kết cấu tự sự - trữ tình thường ở những bài du kí ngắn có văn phong gần giống với tản văn. Trong những tác phẩm có kiểu kết cấu như thế này thì “ý tưởng tự do” được phát huy cao độ. Sự đan xen và chuyển mạch đột ngột giữa tường thuật, tự thuật với biểu cảm, thi hứng làm cho lời văn biến hóa linh hoạt. Khác với tản văn, du kí có dạng kết cấu trữ tình thường bị qui chiếu bởi lộ trình như là cái xương sống của tác phẩm.

Ở những tác phẩm du kí lớn thường có sự đan xen giữa các kiểu kết cấu. Những tác phẩm du kí gần với tiểu thuyết, tức là nhà văn dụng công trong việc xây dựng tác phẩm thì kết cấu tác phẩm bị chi phối bởi bố cục chương hồi.

Căn cứ trên qui mô tổ chức, kết cấu của tác phẩm, có thể chia du kí thành hai loại: du kí trường thiên, du kí đoản thiên. Việc xác định các loại du kí này còn dựa trên độ dài của thời gian hành trình, độ lớn của sự kiện và điểm nhìn trần thuật của tác giả. Trên phương diện thể tài, du kí đoản thiên là những tác phẩm du kí cảnh quan, chứa đựng nhiều yếu tố trữ tình. Du kí trường thiên thường có cấu trúc nhiều quyển, nhiều chương. Nếu các sự kiện trong các chương, hồi của tiểu thuyết bao giờ cũng liên hệ với nhau giữa chương trước với chương sau thì ở du kí, sự kiện ở chương trước không lặp lại ở các chương sau. Chương, hồi trong du kí tham gia vào kết cấu tác phẩm theo kiểu cấu trúc dòng chảy, không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tác giả. Đối với du kí đoản thiên, kết cấu có vẻ tự do hơn, nhưng không vượt qua được nguyên tắc thời gian của sự kiện trong du kí.

2.1.3. Điểm nhìn trần thuật

Như đã nói ở trên, kết cấu của tác phẩm bị chi phối bởi điểm nhìn trần thuật. Thông qua điểm nhìn trần thuật, tác giả bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình về thế giới mà mình nhận thức được. Điểm nhìn trần thuật trong du kí không hoàn toàn hướng đến nhân vật để tái tạo những tiềm ẩn tính cách nhân vật mà đó là điểm nhìn ngoại quan, nơi chủ thể lựa chọn nó để phản ánh. Nhiều tác phẩm du kí, chưa cần phải xem xét lời văn, giọng điệu trần thuật mà chỉ cần nhìn vào cách lựa chọn, và ưu tiên các sự kiện xảy ra trong cuộc hành trình là có thể nhận thấy được ý đồ của tác giả. Trong các sự kiện đó, việc thuật lại những sinh hoạt hay hoàn cảnh của chủ thể không thuộc về các yếu tố chủ quan của tác phẩm (thái độ, tư tưởng, quan điểm về cuộc sống) mà chỉ góp phần làm tăng tính khách quan của tác phẩm mà thôi. Yếu tố chủ quan của tác phẩm du kí chính là ở điểm nhìn trần thuật của người trần thuật, nơi người đọc thấy được đối tượng mà tác giả quan tâm. Vì người trần thuật đồng thời là tác giả, cũng là nhân vật của tác phẩm nên phần lớn tác phẩm du kí mang yếu tố tự thuật. Khác với tiểu thuyết tự truyện và hồi kí, ở tác phẩm du kí, câu chuyện về nhân vật không hướng về quá khứ mà ở thì hiện tại. Người trần thuật đối diện với độc giả tại thời điểm nhân vật đang đi trên đường, đang làm tất cả những việc có thể làm trong cuộc hành trình để hoàn thành lộ trình định trước. Mặt khác, trong tác phẩm du kí, tác giả không có quyền lựa chọn người trần thuật để

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

thay thế cho mình, vì tác giả là người chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình với độ tin cậy cao nhất.

Khác với tiểu thuyết, người trần thuật trong du kí không được phép ẩn danh mà phải xuất hiện với tư cách là cái tôi chủ thể. Với tư cách này, người trần thuật có khả năng xuất hiện với những phương thức trần thuật khác nhau, chứ không đơn giản là người thuật lại cuộc du hành. Với tư cách cái tôi chủ thể người trần thuật hướng về nhân vật chính, nhân vật trung tâm của cuộc hành trình cũng là hướng về chính bản thân mình nhưng điểm nhìn trần thuật mang tính phi hướng nội. Vì thế, điểm nhìn trần thuật trong du kí là điểm nhìn hướng ra thế giới, điểm nhìn ngoại quan. Trong tiểu thuyết ở dạng hồi kí, với tư cách chủ thể, người trần thuật có thể xuất hiện là cái tôi kí ức và lối trần thuật này có khả năng làm sống lại một hay một số cuộc đời bị thời gian chôn vùi, bị rơi vào quá vãng. Đi liền với cái tôi kí ức là cái tôi tự thuật với khả năng khơi dậy những vùng kí ức bị lãng quên. Thiên hướng của tiểu thuyết là hướng về con người cùng với những góc khuất của nó. Còn du kí cũng hướng về con người nhưng là với những khát vọng trải nghiệm và qua đó để tạo ra bản sắc cá nhân (Personal Identity). Kết quả của cuộc hành trình đã biến chủ thể thành nhân vật, tức là bản thân chủ thể đã trở thành một con người khác [105]. Đây là cơ sở để phân biệt tác giả với nhân vật trong tác phẩm du kí. Vì thế, cái tôi kí ức trong du kí là cái tôi trải nghiệm, cái tôi phát ngôn cho những khát vọng thay đổi bản thân nhờ trải nghiệm thông qua hành vi du lịch mang tính văn hóa của thời đại.

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 6

Lộ trình là tính lịch sử của của cuộc hành trình nên kết cấu tác phẩm du kí ấn dấu dưới một "kịch bản" mà tác giả có thể được ví như vừa là nhà quay phim, vừa là nhà đạo diễn. Nhờ phương thức trần thuật trực quan mà mọi sự kiện, biến cố trong cuộc hành trình dù đã đi qua nhưng vẫn hiển hiện như nó đang xảy ra. Với điểm nhìn bên ngoài, người trần thuật – chủ thể có khả năng khám phá được thế giới bên ngoài (ngoại cảnh) trong mối quan hệ với chủ thể, và cũng có khả năng khám phá được thế giới tâm linh một cách trực quan và trải nghiệm. Đoạn văn sau đây trong tác phẩm Á Châu huyền bí thuộc phương thức trần thuật này.

“Đức Tuệ Minh chứng minh cho tôi thấy rằng ngài có thể kêu gọi loài chim đến với ngài và điều khiển hướng bay của chúng, rằng các loại bông hoa, thảo mộc nghiêng về phía ngài khi ngài đi qua, và các loài thú dữ đến gần ngài mà không sợ sệt. Có lần ngài phân rẽ hai con sơn cẩu đang tranh mồi và cấu xé lẫn nhau. Khi ngài bước đến gần, chúng nó

bèn thôi không cắn nhau nữa, nằm đặt xuống cái đầu chúng một cách đầy tin tưởng trên hai bàn tay ngài đưa ra, rồi mỗi con lại tiếp tục ăn phần thịt của mình một cách ôn hòa. Ngài lại còn bắt lấy một con đưa cho tôi cầm trên hai tay” [72, tr.55].

Nếu ở trong tiểu thuyết, đoạn văn này có thể coi là thủ pháp cường điệu, thì trong du kí là phương thức bộc lộ sự trải nghiệm; nhà văn không những được nghe, được thấy, được sờ mà đã hiện hữu trong lời trần thuật như là một sự giác ngộ. Tùy theo mỗi cuộc hành trình với mục đích của nó mà người trần thuật trong tác phẩm du kí có một điểm nhìn khác nhau. Trong hành trình chiêm bái quê hương Phật Tổ, Trần Huyền Trang tạo ra điểm nhìn đạo pháp để thuật lại theo trí nhớ về những nơi mà ngài đã đi qua. Nhân vật trong tác phẩm trở thành đối tượng tiên nghiệm cho sự linh ứng nơi đất Phật. Vì thế, ở những nơi có chùa, có bảo tháp, có tích Phật thường được kể lại một cách chi tiết, nhưng những nơi khác thì được lướt đi rất nhanh. Cũng kể về chuyến viễn du nơi có nhiều vị chân tu Phật giáo, nhưng trong tác phẩm Á Châu huyền bí của Dr. Blair T. Spalding, các huyền thoại về Phật giáo được hiện lên bởi đôi mắt của nhà khoa học. Đó là sự khám phá về các huyền thoại Phật giáo với mục đích kép như tác giả viết: "Để kiểm điểm tập du ký này, tôi đã dùng rất nhiều thời giờ cũng dài bằng cái thời gian dành cho cuộc khảo cứu" [72, tr.2].

Tính đơn phương trong trần thuật là một đặc điểm khác của du kí. Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết có thể thay đổi thì điểm nhìn trần thuật trong du kí luôn ở phía tác giả. Vì thế, lời trần thuật, lời nhân vật và phát ngôn của tác giả đồng nhịp và xảy ra ở một phía. Không thể khẳng định rằng du kí không có sự sáng tạo mà trái lại, nói như Hulme, đó là một "kiểu sáng tạo chết người trong sự chân phương của sự hấp dẫn về thẩm mĩ" [89, tr.124]. Tác phẩm du kí trên phương diện diễn ngôn (discourse), nó là một phát ngôn vừa của nhân vật, vừa của chủ thể và người đại diện của cuộc hành trình nên ngôn từ du kí kết hợp các hình thức của diễn ngôn: độc thoại, đối thoại, trần thuật, và cả hình thức diễn ngôn trữ tình, hình thức diễn ngôn khoa học, hình thức diễn ngôn huyền thoại hóa. Nếu ở tùy bút hay tạp văn, hình thức diễn ngôn có thể bất qui tắc thì ở du kí, tính qui tắc đã được qui định trong nội hàm khách quan của cuộc hành trình. Nếu trong tùy bút, tạp văn có thể đẩy cao cảm xúc, tạo ra sự thăng hoa của ngôn ngữ thì ở du kí, tính thông tin tư liệu và lối trần thuật trực quan khống chế những sự thăng hoa của tác giả, làm cho du kí không bị lệch pha sang thể loại trữ tình trong biên độ của các thể loại khác, đồng thời vẫn đảm bảo đến tính thẩm mĩ trong sự chân phương của nó.

Mỗi thể loại văn học đều có một kiểu nhân vật đặc trưng. Thể loại tiểu thuyết có kiểu nhân vật của tiểu thuyết thường được gọi là nhân vật tự sự. Nhân vật trong tiểu thuyết là kiểu nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng, tồn tại ở các dạng: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật phản diện, nhân vật chính diện, nhân vật trung tâm, nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật điển hình, nhân vật mặt nạ,... Thể loại trữ tình có kiểu nhân vật trữ tình. Thể loại kịch có kiểu nhân vật kịch. Do sự giao thoa giữa các thể loại nên cũng có sự đan xen các kiểu nhân vật trong các thể loại văn học. Đối với du kí, một thể loại chưa được thừa nhận, khả năng nghiêng về phía các thể loại khác là điều không tránh khỏi và còn phụ thuộc vào từng tác phẩm. Nghiêng sang biên độ của tự sự, du kí cũng có các loại nhân vật: nhân vật chính, nhân vật đồng hành, nhân vật tiếp xúc, nhân vật biểu tượng (văn hóa). Nghiêng sang biên độ trữ tình, du kí có nhân vật tự thuật, nhân vật tự ý thức. Mặc dù trong du kí không có nhân vật tính cách nhưng nhân vật chính bị chi phối bởi đặc điểm của tính cách và con người của chủ thể như: nghề nghiệp, sở thích, địa vị xã hội, hoàn cảnh cá nhân... Đối với dạng nhân vật tự thuật, mặc dù gần giống với nhân vật trong tùy bút, nhưng không phải là nhân vật trữ tình, bởi thế giới nội tâm nhân vật không phải là thế giới nghệ thuật của du kí. Trong mỗi tác phẩm du kí, từng kiểu nhân vật xuất hiện trong từng hoàn cảnh khác nhau của cuộc hành trình mà chủ thể trải qua. Có những tác phẩm chỉ có một kiểu nhân vật nhưng có những tác phẩm có nhiều kiểu nhân vật. Dù có sự giao thoa thể loại liên quan đến các kiểu nhân vật nhưng nhân vật du kí vẫn mang một đặc trưng riêng, đó là kiểu nhân vật phát ngôn. Loại nhân vật này không phải do tác giả xây dựng mà là kiểu nhân vật tự thân, vì thế nó không cần phải được miêu tả về ngoại hình, nội tâm hoặc những thủ pháp xây dựng tính cách khác. Nhân vật tự thân là nhân vật của sự biến đổi bên trong khi nhận ra mình là người khác sau chuyến du hành. Hành tung của nhân vật du kí có mối liên hệ chặt chẽ với nghề nghiệp, tính cách của chủ thể. Họ là những nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà ngoại giao, nhà truyền giáo, một vị tướng lĩnh, hay chỉ là du khách bình thường thì trong một chuyến hành trình, với thói quen nghề nghiệp, sở trường, sở thích của mình sẽ cho ra đời những tác phẩm du kí mang dáng dấp con người của họ. Và như đã nói ở phần cốt truyện, nhân vật du kí có trước tác phẩm, nó không chỉ tồn tại bên trong chủ thể mà tồn tại ở nhân vật nào đó trong một tác phẩm du kí khác mà tác giả đã nghe thấy hoặc đã đọc. Vì thế, nhân vật du kí, có nhiều trường hợp là nhân vật cộng sinh, nhất là ở giai đoạn du kí đang phát triển.

2.1.4. Thời gian và không gian

Tưởng chừng rất đơn giản khi nghĩ đến tính nghệ thuật của thời gian và không gian trong tác phẩm du kí rất mờ nhạt và đơn điệu: thời gian hành trình và địa điểm những nơi tác giả đặt chân đến. Thế nhưng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm du kí, nhất là đối với những tác phẩm viết về các cuộc hành trình nổi tiếng hay du kí tôn giáo thì vấn đề thời gian và không gian liên quan đến quan niệm tồn tại của thế giới. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày một cách phác thảo có tính chất sơ lược về quan niệm không gian và thời gian trong du kí.

Không gian và thời gian là cặp phạm trù cơ bản của triết học về sự nhận thức, cơ sở xác định của sự tồn tại. Không gian và thời gian trong tác phẩm văn học là hai khái niệm của thi pháp học hiện đại lí giải sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật như là một sự biểu thị về nhận thức thế giới của chủ thể sáng tạo. Không gian và thời gian trong tác phẩm du kí cũng đa dạng và phong phú như trong một số thể loại khác, và mang tính đặc thù của thể loại dựa trên sự đa dạng của các cuộc hành trình với mục đích, hoàn cảnh của nó. Không gian và thời gian trong tác phẩm du kí cũng mang tính nghệ thuật, khi cuộc hành trình – cơ sở tồn tại của không gian và thời gian này được nhận thức với những ý nghĩa khác nhau.

Không gian trong du kí có hai loại: không gian vật lí và không gian ý niệm.

Không gian vật lí là không gian của lộ trình, bao gồm: địa điểm, địa danh, và các yếu tố biểu thị không gian như: phương tiện đi lại, nhà cửa, đền đài, chùa chiền, thắng cảnh, cây cối, núi non,... tức là những hình ảnh mà con người trực quan được. Bản chất của không gian vốn là một ý niệm “tất nhiên” (idée nécessaire), mà ý niệm này theo Kant “không gian không phải là một ý niệm vì kinh nghiệm ngoại giới mà thành. Vì muốn để các cảm giác ngoài ta (nghĩa là ở chỗ không gian ta chiếm cứ) và muốn hình dung vật nọ ở ngoài (bên cạnh) vật kia – trước là ở hai chỗ khác nhau thì trước hết phải hình dung được cái không gian đã. Như thế thì không những là sự hình dung cái không gian không phải là do sự kinh nghiệm các hiện tượng ngoại giới, mà không có sự hình dung không gian. Không có ý niệm về không gian trước thì sự kinh nghiệm cũng không thể có” [103, tr.127].

Tuy nhiên, trong du kí vẫn tồn tại không gian ý niệm. Trong tác phẩm du kí, không gian và lộ trình của cuộc hành trình thống nhất trong cấu trúc tác phẩm. Tùy theo

mục đích của chuyến đi và những dự kiến về lộ trình mà cuộc hành trình mang những ý niệm khác nhau. Ở đó có thể là: sự trở về cội nguồn, sự trải nghiệm bản thân, sự đánh thức bản năng, sự tìm kiếm lịch sử, sự thách thức cái trong ta, sự đi tìm thế giới, sự đi tìm khát vọng, sự trải nghiệm tự do, sự tìm kiếm cái đẹp,… Không gian địa danh ý niệm về khoảng cách, ý niệm về độ cao, ý niệm về nơi mới lạ, ý niệm về nơi nổi tiếng, ý niệm về lịch sử và danh nhân,…Những danh lam, thắng tích, địa hình, địa vật,… miêu tả trong tác phẩm du kí, ngoài biểu đạt hình ảnh của hiện thực, nhiều trường hợp là sự thể hiện ý niệm nhận thức về sự tồn tại. Phương tiện đi lại ý niệm về sự di chuyển bên ngoài con người.

Không gian vật lí và không gian ý niệm có mối quan hệ mật thiết thông qua tri giác của con người, bởi vì người ta không thể tưởng tượng được rằng không có không gian mà chỉ tưởng tượng được rằng không có vật gì trong không gian [104, tr.69]. Trong tác phẩm du kí, không gian ý niệm là không gian được sự lựa chọn và cách thức mô tả nó. Không gian này phụ thuộc còn vào sở thích, cảm xúc, vốn văn hóa, sự trải nghiệm và tính mục đích của chủ thể.

Với những kiểu hành trình và mục đích khác nhau, tác phẩm du kí có những không gian đặc trưng cho từng loại tác phẩm. Độ đài của đoạn đường và những địa danh đi qua, nơi lần đầu tiên tác giả đặt chân đến hoặc nơi có khả năng ít người biết đến mới được xem là không gian của tác phẩm du kí. Những tác phẩm du kí không mang cốt truyện hành trình, không gian tác phẩm chính là sự cảm nhận hình ảnh, sự vật ở nơi tác giả đặt chân đến, nhưng phải là địa danh nổi tiếng. Núi Dục Thúy, động Hương Sơn và chùa Phật Tích ở Việt Nam từng là cảm hứng của nhiều bài du kí, nhưng ở mỗi bài là một kiểu không gian cảm nhận được của tác giả và đó chính là không gian của tác phẩm.

Không gian trong tác phẩm du kí có nhiều kiểu: không gian độ dài, không gian độ cao, không gian văn hóa, không gian cảnh quan, không gian sinh hoạt,... Không gian tác phẩm du kí là yếu tố của cấu trúc hình tượng tác phẩm. Không gian của độ cao thông qua hình ảnh đỉnh núi Ventoux trong những bài luận viết về sự đi của mình đã làm cho Petrarch trở nên nổi tiếng ở thế kỉ XIV với biệt danh "người du lịch đầu tiên" [94]; vì đó là không gian của hình tượng con người lần đầu tiên leo lên đỉnh núi Ventoux. Trong những tác phẩm du kí anh hùng (theo sự phân loại của Mikhailov), sự kì vĩ, lớn lao của nhân vật có thể được đo bởi độ dài của quãng đường cuộc hành trình, với những địa danh, những trở ngại, thử thách mà nhân vật vượt qua. Không gian trong tác phẩm Một

cuộc du hành từ Benganl tới Anh (A journey from Bengal to England) (1790) của George Forster [86] là quãng đường từ Bắc Ấn độ đi qua Kashmir, Afghanistan, Ba Tư, đến biển Casspia của nước Nga. Trên không gian hành trình này là các không gian: không gian hiện thực đan xen với không gian thần thoại (để tìm hiểu lịch sử Ruhilas và mô tả về nguồn gốc và sự phát triển của người Sikh ở Punjab với những câu chuyện chiến tranh), không gian phong cảnh và không gian văn hóa là đoạn đường tiếp theo cho đến biển Casspia và nước Nga, và một không gian khác, theo tác giả đó là "không khí, đất đai thật tuyệt vời và phong cảnh như tranh". Không gian của tác phẩm này góp phần tạo nên cốt truyện hành trình mà hình tượng người du hành được đo bằng độ lớn và mức độ đậm nhạt của không gian này. Trong Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, không gian được mô tả nhiều là “Giữa bể, trên tàu Armand Béhic”, vì đây là lần đầu tiên tác giả được đi bằng tàu biển sang trọng trong một chuyến hành trình xa như vậy. Kiểu không gian này được gặp trong một số tác phẩm du kí Việt Nam như: Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Sang Tây của Phạm Vân Anh, Đi Tây của Nhất Linh,... Kiểu không gian văn hóa cũng được thể hiện trong nhiều tác phẩm viết về các chuyến đi nước ngoài của du kí Việt Nam, mà trong đó, việc tái hiện không gian thông qua cảm quan văn hóa như ở các tác phẩm: Tây hành nhật kí của Phạm Phú Thứ, Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, ... Không gian cảnh quan thường gặp trong những bài du kí viết về danh lam thắng cảnh như: Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh, Quảng Xương danh thắng của Thiện Đình, Du Ngọc Tân kí của Tùng Vân, Tết chơi biển của Trúc Phong,... Không gian sinh hoạt trong tác phẩm du kí thường đi liền với nội dung khảo cứu văn hóa, phong tục, sinh hoạt,... ở nơi tác giả đến như trong tác phẩm: Một chuyến du hành đến Đàng ngoài năm 1688 của William Dampier, Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh,... Những không gian này không chỉ định vị nhân vật trong không gian mà thể hiện suy nghĩ, tình cảm, và kể cả quan điểm chính trị của nhân vật trước hiện thực và cuộc sống.

Thời gian xác định tồn tại của sự vật. Thời gian trong du kí có hai dạng: thời gian vật lí và thời gian ý niệm. Thời gian vật lí là thời gian tuyến tính, nhưng không phải theo trục: quá khứ – hiện tại – tương lai mà là kiểu thời gian tiệm tiến, tức là từ thời điểm xuất phát đi về phía trước không quay lại cho đến lúc chấm dứt cuộc hành trình. Thời gian ý niệm là thời gian tập hợp các không gian tạo ra sự chuyển động biểu thị sự di chuyển của chủ thể. Trong một số tác phẩm tái hiện những huyền thoại của các không

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022