du kí lớn hơn nhiều so với những gì mà tác giả thể hiện trong văn bản.
1.1.2. Ở trong nước
Trước khi du kí xuất hiện, trong văn học Việt Nam thời kì trung đại đã tồn tại một số tác phẩm có phương thức sáng tác là ghi chép về những điều mắt thấy, tai nghe, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc trong những chuyến công cán hay đi du lịch. Qua sưu tầm và khảo sát, chúng tôi nhận thấy từ du kí xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỉ XIX trong tác phẩm Tam Kiều nguyệt dạ du kí (1805) của Ngô Thị Hoàng, Tam Ngô du kí của Nguyễn Văn Siêu ( ?). Nhưng những năm sau đó, nhiều tác phẩm mang tính ghi chép về một cuộc hành trình cũng không gọi là du kí mà gọi là kí (Như Tây kí, (1864) của Ngụy Khắc Đản), là nhật kí (Như Tây sứ trình nhật kí (1864) của Phạm Phú Thứ, Tây phù nhật kí (1865) của Tôn Thọ Tường), hoặc là kỉ lược (Tây hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý Văn Phức) hay là chí lược (Hải trình chí lược (1834) của Phan Huy Chú) hoặc không kèm tên thể loại (Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký).... Khi du kí xuất hiện trở lại ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thế kỉ XX, từ “du kí” được gọi trở lại (Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác). Mặc dù vậy, từ "du kí" lúc này đang còn xa lạ với mọi người, nhất là khi nền lí luận và phê bình văn học nước ta đang còn trong giai đoạn sơ khai, nhiều lí thuyết văn học chưa xuất hiện. Đến năm 1923, Nguyễn Trọng Thuật gọi “kí sự” là “du kí”, khi dịch Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác ra chữ Quốc ngữ với tiêu đề : Một tập du kí của cụ Lãn Ông (đăng nhiều kì trên Nam Phong). Đến năm 1929, trên tạp chí Phụ nữ Tân văn xuất hiện thiên du kí của Đào Trinh Nhất với bút danh là Phạm Vân Anh có thêm phụ đính cho tựa đề là "tập du kí của một cô thiếu nữ". Từ năm 1930 trở về sau, những tên thể loại như: "du kí", "lữ kí" đã lần lượt xuất hiện trên một số tạp chí như Tri Tân, Phụ nữ Tân văn, Thanh Nghị,... khi đứng trước các tiêu đề để chỉ thể loại cũng như các thể loại khác: tiểu thuyết, tiểu thuyết tàu, truyện ngắn, thơ,...
Nửa đầu thế kỉ XX, người viết nhiều bài du kí nhất giai đoạn này là Phạm Quỳnh đã nói lên quan niệm của mình về du kí. Ông cho rằng bài văn được gọi là du kí phải gắn liền cuộc đi xa, dài ngày : "Đi sang Tây, sang Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai, gọi là cuộc "du lịch", trở về viết bài "du ký", còn do khả ; chớ đi tỉnh nọ sang tỉnh kia mà nói "du lịch" với "du ký" thì tưởng cũng khí quá vậy" (Nam Phong, số 96, tr.507). Như vậy, những bài viết sau cuộc đi tham quan phong cảnh tỉnh này, tỉnh kia không gọi là du kí mà gọi là văn thuật sự đi chơi, thuộc loại văn kỉ sự. Nó về văn kỉ sự, theo Phạm Quỳnh "… không phải là văn khảo cứu, nhà văn càng phải nên phân biệt lắm. Văn kỷ sự là cứ
sự thực mà thuật lại, cốt lấy tự nhiên giản dị, ngoài sự thực có thể điểm chút cảm tưởng riêng, cũng là do sự thực mà phát ra, càng có cái vẻ thật thà mới mẻ lại càng hay, bất tất phải bàng sư bác tập, điển cố xa xôi làm gì" (Nam Phong, số 96, tr.507). Trên quan niệm
của Phạm Quỳnh, chúng tôi nhận thấy từ kỉ sự (纪事) và kí sự (記事) có nghĩa giống
nhau: ghi chép sự việc theo thứ tự thời gian, nhưng ở từ kỉ sự ( 纪 事 ) nhấn mạnh đến tính phép tắc của văn chương. Cách gọi tên cho các bài viết sau chuyến du lịch của Phạm Quỳnh dường như được người đương thời chấp nhận nên không thấy có sự trao đổi, bàn cãi nào trên báo chí thời bấy giờ. Sau đó, trên văn đàn giai đoạn 1930 – 1945, không thấy ai nói thêm về về du kí.
Sau những bài giới thiệu hay phê bình đăng trên Nam Phong, du kí Việt Nam được nhắc đến trong một số công trình văn học sử, chủ yếu là nhìn nhận lại tính chất thể loại của một vài tác phẩm cổ điển. Trong cuốn Nhà văn hiện đại, điểm lại các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, khi nói về Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Vũ Ngọc Phan đã viết: “Tập du kí này viết không có văn chương gì cả, nhưng tỏ ra ông là một người có con mắt quan sát rất sành, vì cuộc du lịch của ông là cuộc du lịch lần đầu, ông lại đi rất chóng. Tuy không có văn chương nhưng công nhận ngòi bút của ông rất linh hoạt” [48, tr.24]. Sau khi nói về nội dung của tác phẩm này, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra nhận xét về văn chương Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký: “…viết Quốc ngữ mà viết văn xuôi, không ai cho là văn cả. Chỉ có làm thơ Nôm người ta mới chú ý đến, chứ viết Quốc ngữ mà trơn tuồn tuột như lời nói, ai cũng cho là dễ dàng, đã được kể là " văn" đâu” [48, tr.26]. Như vậy, với Vũ Ngọc Phan, những tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XIX, trong đó có bài Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi chưa mang tính văn chương. Nhưng khi bàn đến Phạm Quỳnh với quyển Ba tháng ở Paris, ông cho rằng : “là một quyển du kí rất thú vị, chuyện ông kể có duyên, lại vui, tường tận từng nơi từng chốn, làm cho người chưa bước chân lên đất Pháp, chưa từng đến Paris, cũng tưởng tượng ra được những thắng cảnh và nơi cổ tích của cái kinh thành ánh sáng dưới trời Tây và chia sẻ ít nhiều cảm xúc cùng nhà du lịch” [48, tr. 29]. Điều này cho thấy, Vũ Ngọc Phan đã thừa nhận có văn du kí để phân biệt giữa bài ghi chép cuộc hành trình với tác phẩm du kí nhưng chưa khẳng định tính thể loại của du kí.
Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1961), trong "Chương IV: Truyện ký", Phạm Thế Ngũ cho rằng Thượng kinh kí sự là "một truyện dài du kí", tức là “loại du kí nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, bước chân từng trải trong những dịp
đi xa. Đối với nhà văn ta xưa, mỗi khi đi đâu xa, hoặc đi công vụ, hoặc chỉ là phiếm du, nếu không có "túi thơ bầu rượu" trên vai thì cũng có giấy bút tùy thân để dọc đường theo hứng mà kí sự. Song trong các dịp ấy, các cụ thường chỉ hay làm những bài thơ ngắn để vịnh. Còn nếu như lợi dụng sự quan chiêm lịch lãm, chép thành hẳn một pho du kí văn xuôi, có đầu có đuôi như một truyện dài thì rất ít có. Hiện nay chỉ còn lưu lại một tập du kí của bậc danh nho và danh y là cụ Hải-Thượng Lãn-Ông, kể ra cũng là một tác phẩm hiếm có và đặc sắc về nhiều phương diện trong văn học sử chữ Hán nước ta xưa” [41, tr.175]. Thượng kinh kí sự được xem là một tác phẩm du kí mà việc ghi ghép những điều mắt thấy tai nghe chỉ là "lợi dụng sự quan chiêm", còn cái chính vẫn là giá trị tư tưởng và ý đồ nghệ thuật mà tác giả thể hiện trong tác phẩm. Để cho phù hợp với sự tiếp nhận đời sau, người dịch tác phẩm của cụ Lãn Ông đã tổ chức lại: “Tập Thượng kinh kí sự viết theo lối du kí, theo thời gian chép việc trước việc sau. Tuy nhiên, tự sự cũng có đoạn mạch. Ông Nguyễn Trọng Thuật đem dịch ra Việt văn có dựa theo mạch ý mà chia làm mười lăm chương” [41, tr.176]. Trong việc phân tích các sự kiện, chi tiết, Phạm Thế Ngũ chú trọng đến nhân vật kể chuyện trong tác phẩm và đưa ra nhận xét: “Bên cạnh con người thầy thuốc ấy, ta còn thấy hiện rò hơn con người nhân bản của đạo Nho, tới lui hợp lễ nghĩa, xử sự có trung thứ, tính nết đôn hậu, tình cảm dồi dào. Lòng tha thiết với quê hương bản quán của ông làm cho chúng ta cảm động” [41, tr.183].
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 1
- Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 2
- Nhận Định Về Những Vấn Đề Đặt Ra Từ Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu
- Vấn Đề Lí Thuyết Thể Loại Và Lịch Sử Du Kí Việt Nam
- Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 6
Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.
Những kiến giải của Phạm Thế Ngũ cho thấy tính không đồng nhất trong quan niệm thể loại về du kí mang tính lịch sử như trường hợp Thượng kinh kí sự, từ một bản ghi chép của một bậc danh y đời trước, đã được người đời sau tiếp nhận, hoàn chỉnh để trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, Thượng kinh kí sự không chỉ được gọi là tập du kí mà còn định danh bởi các thể loại khác như: kí sự, truyện kí lịch sử, bút kí,...
Du kí được giới nghiên cứu và phê bình văn học nói đến với tư cách thể loại vào những năm 60 của thế kỉ XX. Dựa trên quan điểm của các nhà lí luận Liên Xô và Trung Quốc, các học giả Việt Nam chia văn học thành bốn thể loại: thơ, truyện, kịch, kí. Du kí được xem là tiểu loại của thể loại kí. Trong cách phân chia tiểu loại, cũng có sự khác nhau khi đặt du kí vào các cấp độ của tiểu loại. Nam Mộc phân chia kí thành các tiểu loại: phóng sự, kí sự, tùy bút, bút kí; trong bút kí lại có các tiểu loại nhỏ hơn: nhật kí, du kí, hồi kí, tạp văn, tiểu phẩm,... Tầm Dương lại đặt du kí vào trong kí sự, đứng bên các tiểu loại như: hồi kí, truyện kí. Trên quan điểm coi kí là thể loại viết về người thật việc thật, những vấn đề mà các nhà nghiên cứu bàn đến trong giai đoạn này là vấn đề hư cấu
trong các tác phẩm kí. Nam Mộc cho rằng: "… người thật việc thật trong cuộc sống và trong tác phẩm kí có thể hoàn toàn nhất trí với nhau, tương xứng với nhau nhưng không thể đồng nhất với nhau, giống hệt nhau" [37, tr. 34]. Như vậy, du kí trong giai đoạn này cũng được coi là tiểu loại của thể loại kí văn học mang tính phi hư cấu không hoàn toàn, tức là không phải hư cấu đến mức cao như tiểu thuyết, nói như Phạm Hổ “… người viết cũng cần cải biên, sắp xếp, đảo lộn trình tự của các sự việc, tô đậm những nét chính hay xóa mờ những nét phụ của những con người, những cảnh vật đưa vào trong bài” (Phạm Hổ) [23, tr.24]. Trong bài Về thể ký, đăng trên tạp chí Văn học số 2 năm 1967, khi phân loại thể kí, Tầm Dương coi du kí là một phần của kí sự: "Du kí là “kí” lại các sự (những điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du”" [7, tr.35]. Trong bài viết Thể ký và vấn đề viết về người thật việc thật, đăng trên tạp chí Văn học, số 6 năm 1967, khi nêu vấn đề về thể loại của kí Nam Mộc đã coi du kí là một dạng của bút kí: “Có thứ bút kí phản ánh người, việc và cảm nghĩ diễn biến trong không gian theo bước đi của nhà văn đó là du kí” [37, tr.30].
Giống như các quan niệm nói trên, trong cuốn Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945 (2000), bàn về vị trí của thể loại du kí trong quá trình hiện đại hóa văn học, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân cho rằng: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ phải kể đến du kí. Đây là một hình thức bút kí văn học được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến đi của tác giả đến những vùng đất khác nhau. Nguồn gốc của du kí cần tìm trong những hình thức tùy bút, kí sự truyền thống” [29, tr.44].
Vừa mang tính kế thừa vừa đưa ra quan điểm mới, trong cuốn Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỉ XX (2004), ở phần "Văn chương hiện kim", mục "Những bước đầu của tiểu thuyết", Bùi Đức Tịnh coi du kí như những thiên kí sự kể những chuyện của chính tác giả "Được xem như là một loại tiểu thuyết, chỉ tô điểm thêm đôi chút những sự thật mà tác giả đã chứng kiến" [75, tr.363].
Gần đây nhất, trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử và lí luận, ở "Chương I: Sự hình thành và phát triển của thể kí", khi nêu ra quan niệm về thể kí cũng cho rằng “Kí là loại hình văn học trung gian giữa báo chí và văn học. Kí bao gồm nhiều thể dưới dạng văn xuôi tự sự như bút kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự, tùy bút và cả hồi kí tự truyện” [14, tr.373]. Như vậy, công trình nghiên cứu về lịch sử và lí luận văn học Việt Nam trong những năm gần đây cũng không có gì thay đổi với quan niệm thể loại của du kí như đã nói trên.
Trong những năm 90 của thế kỉ XX, nghiên cứu, phê bình văn học thế giới đang sôi động đi tìm bản chất thể loại của du kí thì ở Việt Nam, du kí được xem là sự biểu hiện hình thức của kí, một thể loại văn học có đặc trưng cơ bản: viết về người thật, việc thật.
Mở đầu bài “Kí và tiểu luận (ét-xe)", in trong Năm bài giảng về thể loại của Hoàng Ngọc Hiến đã giới thiệu về kí: “Trong nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại, kí là một thuật ngữ được dùng để gọi tên một thể loại văn học bao trùm nhiều thể hoặc tiểu loại: bút kí, hồi kí, du kí, kí chính luận, phóng sự, tùy bút, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm (ét-xe…)” [21, tr.7]. Theo quan điểm này, du kí là một tiểu loại của kí, nằm cùng với các tiểu loại khác, trong đó có tiểu luận (essay), một tiểu loại mang tính tổng hợp: triết luận, sáng tạo hình tượng nghệ thuật, tìm tòi nghiên cứu khoa học, không loại trừ cảm hứng đạo đức, siêu nghiệm tôn giáo… và nó có đặc trưng riêng là “bố cục tự do”. Như vậy, thuật ngữ ét-xe (essay) để chỉ cho một tiểu loại của kí có những điểm giống với du kí, đó là sự vận dụng nhiều hình thức biểu hiện và mang tính tự do. Nếu xét vào đặc trưng thể loại, có thể nhận ra du kí khác với ét-xe ở chỗ: cuộc hành trình và nhân vật, người kể chuyện mình chi phối hình thức của tác phẩm.
Giáo trình Lí luận văn học (Hà Minh Đức chủ biên – 1995) cũng xem du kí là một trong các hình thức của thể loại kí, bởi vì … “kí không phải là một thể loại thuần nhất mà bao gồm nhiều hình thức ghi chép, miêu tả và biểu hiện về cuộc sống trong văn xuôi từ kí sự, phóng sự, bút kí, hồi kí, du kí, đến nhật kí, tùy bút, tiểu phẩm văn học, bút kí chính luận...” [15, tr.215]. Đặc điểm bao quát của thể kí mà giáo trình đã nhấn mạnh là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi, với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện và bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng miêu tả.
Nhưng trong cuốn giáo trình Lí luận văn học cũng do Hà Minh Đức chủ biên (2008), du kí đã được xem là một thể loại đứng độc lập cùng với các thể loại khác (kí sự, phóng sự, nhật kí, hồi kí, bút kí, tùy bút, tản văn) trong loại hình kí và đã đưa ra khái niệm mang tính mô tả: "là thể loại ghi chép về vẻ kì thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời, những cảm nhận suy tưởng của con người về những chuyến du ngoạm, du lịch..." [16, tr.382]. Khái niệm này giống với định nghĩa trong Từ điển thuật ngữ văn học, cũng coi … “du kí là thể loại văn học thuộc loại hình kí, biểu hiện với sự đa dạng về hình thức miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong
tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến. Trong cuốn từ điển này, còn nêu lên các dạng: dạng đặc biệt của du kí là phát huy tính chất ghi chép ... về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học; dạng ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh của đất nước” [19, tr.75].
Sở dĩ ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu coi du kí là tiểu loại của thể loại kí, là sự ghi chép về người thật, việc thật của một cuộc hành trình nào đó vì du kí từ trước tới nay chưa được xem là đối tượng nghiên cứu của văn học, nhiều tác phẩm du kí chưa được sưu tầm, giới thiệu, lại chịu ảnh hưởng quá sâu của nghiên cứu và phê bình văn học các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là vấn đề thể loại. Khi chưa có một khảo cứu nghiêm túc về thực tiễn sáng tác thì mọi sự phán đoán dựa trên một số hiện tượng sẽ làm cho người ta hoài nghi về loại hình và thể loại của du kí. Cho đến giữa thập niên đầu của thế kỉ XXI, từ khi bộ Du kí Việt Nam - tạp chí Nam Phong 1917 - 1934 (2005) ra đời, chính Nguyễn Hữu Sơn là người sưu tầm tuyển chọn cũng chưa mạnh dạn khẳng định du kí là một thể loại mà chỉ "duy danh là thể tài du kí", tức là "nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết" [65, tr.13].
Cho đến nay, ở Việt Nam, quan niệm về thể loại của du kí, mặc dù đã được dịch chuyển từ tiểu loại sang thể tài, nhưng về bản chất, du kí vẫn là tiểu thể loại của loại hình kí. Qua khảo sát sự vận động thể loại của du kí Việt Nam, tham khảo các tác phẩm du kí nước ngoài, theo chúng tôi để định danh đúng vấn đề thể loại của du kí cần phải căn cứ trên thực tiễn sáng tác chứ không nên suy đoán hay dựa trên một vài hiện tượng.
Nhìn chung, hướng nghiên cứu du kí trên phương diện thể tài được Nguyễn Hữu Sơn khởi xướng đã được nhiều người chấp nhận. Từ các quan niệm truyền thống viết về sự đi đến Nguyễn Hữu Sơn đã chuyển sang viết về nơi đến, mà nơi đó là những danh thắng của đất nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tiên,... hay những cảnh vật, phong tục, nếp sống ở xứ người như ở Pháp, ở Thái lan, ở Lào, ở Trung Quốc,... Trên phương diện thể loại, nhiều quan niệm cho rằng du kí nằm ở vùng giao thoa với sự hỗn dung thể loại. Trong bài Thể tài du kí chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX từ những đường biên thể loại, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: du kí có sự thể hiện rò đặc điểm giao thoa, đan xen, thâm nhập, chuyển hóa, hỗn dung và tích hợp thể loại theo nhiều hình thức và mức độ khác biệt nhau [64, tr.9]. Điều không rò ràng về đặc trưng thể loại của du kí đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận du kí xét trên nhiều phương diện. Đã đến lúc du kí cần được làm sáng tỏ về mặt thể loại, để không những phù hợp với xu hướng nghiên cứu du kí
hiện nay mà còn là cơ sở xác định sự tồn tại của du kí trong lịch sử văn học dân tộc với tư cách là một thể loại. Khi du kí đã được định danh một cách rò ràng thì những vấn đề về đặc điểm và cách tiếp cận nghiên cứu du kí không còn bị cản trở bởi sự giao thoa và các lằn ranh thể loại cùng với các quan niệm mơ hồ về du kí.
1.2. Về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX
1.2.1. Ở nước ngoài
Mặc dù du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX trước đây ít được các nhà khoa học trong nước nghiên cứu quan tâm nhưng trong một công trình nghiên cứu thực hiện ở nước ngoài về tạp chí Nam Phong đã có điểm qua về vấn đề này. Trong chương III "Trào lưu dung hòa: tản – văn" ở "Phần thứ ba" của luận án Tìm hiểu tạp chí Nam Phong, Phạm Thị Ngoạn đã nói về du kí như sau:
"Chúng tôi đã ghi trên đây bài du ký của Lãn Ông, do Nguyễn Trọng Thuật dịch từ Hán văn. Bài này ra mắt đã khuyến khích loại văn được phát triển. Nhưng Nam Phong còn đưa ra nhiều khuôn mẫu khác nữa, dù là phiên dịch từ các tác giả Pháp văn; hay Phạm Quỳnh khi ông ghi cảm tưởng nhân cuộc du lịch tại Pháp, trong “Pháp du hành trình nhật kí”; hay trong “Hạn mạn du ký” Nguyễn Bá Trác nhắc nhở cuộc sống viễn du của ông tại Trung Hoa và Nhật Bản. Có rất nhiều tác giả, và trong mỗi số Nam Phong đều có nhiều trang dành cho các cuộc du ngoạn, các bài phóng sự, ghi lại những điều mất thấy tai nghe, tả cảnh đất trời cũng như đời sống hàng ngày. Thật lý thú khi ta có dịp đọc lại những bài như “Lời cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh” của Nguyễn Đôn Phục (NTR. số 100, tháng 10, 1925), “Qua chơi đất Ninh Bình” của Nguyễn Hữu Tiến (NTR. số 94, tháng 4, 1925); “Sự du lịch đất Hải Ninh” của Trần Trọng Kim (NTR. số 71, tháng 5, 1923); “Bà Nà du kí” của Huỳnh Thị Bảo Hòa (NTR. số 163, tháng 6,1931) v.v. " [39, tr.205-206].
Phạm Thị Ngoạn đã cho rằng, tác phẩm Thượng kinh kí sự du kí của Lê Hữu Trác được dịch ra chữ Quốc ngữ là tác nhân làm cho du kí nửa đầu thế kỉ XX hưng khởi. Nhưng theo chúng tôi, trước khi "Một tập du kí của cụ Lãn Ông" xuất hiện trên Nam Phong lần đầu tiên ở số 77 (tháng 11/1923) thì đã có 24 tác phẩm du kí đã được đăng trên tạp chí này, chưa nói đến các tác phẩm du kí trong và ngoài nước đã được dịch như: Sứ hoa nhàn vịnh (Phùng Khắc Khoan dịch), Du lịch về phía nam nước Tàu (Nguyễn Đôn Phục dịch). Tác giả luận án này không đề cập đến thể loại du kí nhưng cũng đề cập đến các khía cạnh của thể loại này như: về đề tài (các cuộc du ngoạn), về phương thức
phản ánh hiện thực (phóng sự, ghi chép, tả cảnh). Ngoài luận án này, chúng tôi không tìm thấy thêm công trình nghiên cứu nào khác đề cập đến du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
1.2.2. Ở trong nước
Ở Việt Nam, vào thời điểm du kí phát triển mạnh mẽ ở nửa đầu thế kỉ XX, vấn đề thể loại của du kí chưa được mọi người quan tâm. Có người xem du kí chỉ là chuyện kể lại một chuyến hành trình. Trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử và lí luận do Phan Cự Đệ chủ biên, với quan niệm du kí như là một thể của kí, khi nói về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, tác giả nhận định: “Một số tác phẩm đã ghi lại được những tư tưởng và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và vấn đề xã hội đương thời. Bên cạnh các tác phẩm mang hơi hướng tùy bút, đậm chất trữ tình (các tác phẩm của Tương Phố, Đông Hồ) là các tác phẩm nặng về chất khảo cứu, biên khảo, ghi chép phong tục (các tác phẩm của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác)” [14, tr.377]. Các nhà nghiên cứu này đã chưa thấy hết lịch sử và qui mô của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, đó là du kí không phải dừng lại ở giai đoạn 1900 - 1930 mà vẫn tiếp diễn trong cả giai đoạn sau đó (1930 – 1945), nhiều về số lượng tác phẩm, đa dạng về nội dung và phong cách.
Mặc dù bộ Du kí Việt Nam - tạp chí Nam Phong 1917 – 1934 do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm tuyển chọn ra mắt bạn đọc đã gây được sự chú ý của nhiều người nhưng đang còn để ngỏ nhiều vấn đề về du kí Việt Nam nói chung và du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX nói riêng. Qua khảo sát các bài báo khoa học, chúng tôi nhận thấy có một vài hướng tiếp cận du kí nhưng phần lớn là tiếp cận trên phương diện thể tài, tức là về phương diện nội dung của du kí.
Tiếp cận trên phương diện thể tài, Nguyễn Hữu Sơn có nhiều bài nghiên cứu như: Thể tài du ký trên Tạp chí Nam phong (1917-1934) (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4/2007), Du ký về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ trên Nam phong tạp chí (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 619), Du ký viết về Sài Gòn – Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI (Tạp chí Khoa học xã hội số 11/2008), Du ký của người Việt Nam viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt – Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX (Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 “Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển”), Du ký viết về Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Kiến