Cơ Sở Pháp Lý Điều Chỉnh Hoạt Động Công Bố Thông Tin Của Công Ty Đại Chúng Trên Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam

thiệt hại xảy ra do không nắm bắt được thông tin chính xác, kịp thời. Do đó, việc CBTT phải đảm bảo tính chính xác, ngay cả khi điều đó gây bất lợi cho chính công ty; đồng thời công ty đại chúng phải tuân thủ nguyên tắc kịp thời trong CBTT. Quy định này nhằm tránh cho thị trường bị ảnh hưởng bởi tin đồn, làm sai lệch sự hình thành giá cổ phiếu, góp phần bảo vệ nhà đầu tư.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động CBTT của công ty đại chúng góp phần hạn chế nguy cơ lạm quyền của người quản trị công ty:

Bản chất của các công ty đại chúng luôn có sự mâu thuẫn về lợi ích giữa công ty với công chúng đầu tư, mà cụ thể là giữa các nhân sự quản lý với nhà đầu tư về mặt CBTT. Các công ty thường không muốn tiết lộ các thông tin về ban quản trị hoặc thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nhà đầu tư lại muốn biết các thông tin này càng nhiều càng tốt. Việc thực hiện nghiêm ngặt chế độ báo cáo và CBTT có thể ngăn chặn những ảnh hưởng to lớn từ việc che giấu thông tin, các gian lận hay giao dịch nội gián, đồng thời đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin như nhau đối với công chúng đầu tư. Yêu cầu các công ty đại chúng phải CBTT định kỳ và bất thường cũng giúp cho công ty hoạt động minh bạch hơn, tránh tình trạng trục lợi, lạm quyền từ các nhân sự chủ chốt bởi việc CBTT đòi hỏi phải trung thực, nhà đầu tư và cơ quan quản lý sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin. Ngoài ra, thông qua các thông tin được công bố, các cổ đông nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp, từ đó có những quyết định phù hợp với sự phát triển của chính công ty.

Tạo điều kiện để cơ quan quản lý giám sát hoạt động của các công ty đại chúng có hiệu quả:

Song song với sự phát triển của TTCK, cơ quan quản lý cần tập trung vào việc giám sát giao dịch chứng khoán, nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường, phát hiện các giao dịch bất thường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Một trong những căn cứ để UBCKNN giám sát hoạt động của các công ty đại chúng chính là thông qua công tác kiểm tra, đánh giá tính chính xác, kịp thời đối

với các thông tin được công ty công bố ra thị trường. Quá trình kiểm tra, giám sát giúp cơ quan quản lý sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý phù hợp với yêu cầu của thị trường, đồng thời có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển TTCK minh bạch, bền vững.

Đáp ứng yêu cầu và mục tiêu xây dựng và hoàn thiện TTCK cũng như phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế:

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Để thu hút nguồn vốn này, trước hết môi trường đầu tư và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch bởi nhà đầu tư nước ngoài luôn đầu tư trên cơ sở ph ân tích thông tin về môi trường đầu tư, tình hình doanh nghiệp để đánh giá những rủi ro. Thông thường các công ty có mức vốn hóa lớn, tính minh bạch cao như Vinamilk (VNM), Masan (MSN)… luôn được họ ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tham gia chương trình kết nối với các SGDCK ASEAN, nghĩa là để tham gia sân chơi chung này, chúng ta sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung cũng như đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch thông tin như các nước trong khu vực, trong đó có những TTCK rất phát triển như Singapore hay Malaysia.

1.2.4. Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Minh bạch thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung và pháp luật về công bố thông tin trên TTCK nói riêng đã có nhiều thay đổi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Tại văn bản đầu tiên là Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK, các quy định pháp luật về CBTT trên TTCK được quy định rải rác tại các chương, điều khác nhau. Đến Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ thay thế Nghị định số

48/1998/NĐ-CP đã có một Chương riêng (chương VI từ Điều 51 đến Điều 64) quy định về nghĩa vụ CBTT cụ thể cho từng đối tượng tham gia thị trường. Để thi hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2004/TT- BTC ngày 17/06/2004 hướng dẫn việc CBTT trên TTCK. Thông tư này đã tác động mạnh mẽ đến việc thực thi nghĩa vụ CBTT, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường về nghĩa vụ cung cấp và được biết thông tin; đồng thời cũng góp phần vào việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về CBTT, thiết lập và bảo đảm trật tự thị trường, giúp TTCK phát triển minh bạch và bền vững [13, tr11].

Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 6

Ngày 29/6/2006, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc Hội khóa XI thông qua, góp phần hoàn chỉnh thể chế pháp luật nói chung và TTCK nói riêng, khắc phục những khiếm khuyết, bất cập trong khuôn khổ pháp luật về chứng khoán và TTCK trước đó. Đối với vấn đề CBTT, Luật chứng khoán năm 2006 đã tạo nên một bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường và đã dành một chương riêng (chương VIII) quy định về CBTT. Đặc biệt, một nội dung quan trọng đã được Luật hóa, đó là khái niệm “công ty đại chúng” và yêu cầu các công ty này phải CBTT [16, Điều 101], trong khi trước đây nghĩa vụ này vốn chỉ thuộc về công ty niêm yết, nhờ đó tạo ra làn sóng niêm yết của các công ty đại chúng giai đoạn từ cuối năm 2006 đến năm 2011.

Để cụ thể hóa các quy định về CBTT tại Luật Chứng khoán năm 2006, ngày 18/4/2007 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 38/2007/TT-BTC hướng dẫn về việc CBTT trên TTCK. Tuy nhiên, trong giai đoạn này TTCK Việt Nam có sự thay đổi và phát triển đột biến cả về quy mô và chủng loại hàng hóa từ làn sóng niêm yết, do đó dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường và đòi hỏi phải thay đổi hệ thống CBTT trên TTCK. Bên cạnh đó, TTCK mới hình thành và được coi là non trẻ của Việt Nam trong những năm này bị ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những biến động phức tạp của nền kinh tế trong nước. Sự biến

động đó tất yếu dẫn đến sự thay đổi các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về TTCK nói riêng. Sự ra đời của Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc CBTT trên TTCK (sau đây gọi tắt là Thông tư 09/2010/TT-BTC) thay thế Thông tư 38/2007/TT-BTC là minh chứng cho sự thay đổi đó. Thông tư 09/2010/TT-BTC đã bổ sung thêm đối tượng CBTT là “tổ chức đăng ký giao dịch” và bước đầu yêu cầu các tổ chức này CBTT, đồng thời yêu cầu công ty đại chúng phải lập website với đầy đủ các chuyên mục về quan hệ cổ đông, trong đó phải có Điều lệ công ty, quy chế quản trị nội bộ, Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính và các vấn đề liên quan đến họp ĐHĐCĐ. Đây là cơ sở để các công ty đại chúng áp dụng hệ thống CBTT điện tử, qua đó đảm bảo tính kịp thời và phổ biến của thông tin công bố. Đối với Báo cáo tài chính, ngoài việc kế thừa quy định tổ chức niêm yết phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán và BCTC quý, Thông tư 09/2010/TT-BTC còn bổ sung quy định công ty niêm yết phải CBTT BCTC bán niên (6 tháng đầu năm) đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung nhiều trường hợp công ty đại chúng phải CBTT, đặc biệt là các thông tin phải công bố bất thường trong vòng 24 giờ; đồng thời quy định nguyên tắc UBCKNN chấp thuận tạm hoãn CBTT trong trường hợp các đối tượng CBTT không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng và buộc công ty phải thực hiện công bố ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục. Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 09/2010/TT-BTC đánh dấu sự thay đổi toàn diện về chế định CBTT trên TTCK trước đòi hỏi minh bạch hóa thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư [2, tr7]. Thông tư này cùng với các văn bản pháp quy khác như Nghị định 84/2010/NĐ-CP ngày 02/08/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (thay thế Nghị định số 14/2007/NĐ-CP); Nghị định 85/2010/NĐ-CP ngày 02/08/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP) và sau đó là Luật sửa

đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động CBTT trên TTCK nói chung cũng như hoạt động CBTT của công ty đại chúng nói riêng.

Với nỗ lực công khai hóa, minh bạch hóa TTCK và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư, ngày 05/4/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn CBTT trên TTCK (sau đây gọi tắt là Thông tư số 52/2012/TT-BTC) thay thế cho Thông tư 09/2010/TT-BTC với nhiều quy định mới. Tại Thông tư này, lần đầu tiên chế định CBTT đối với công ty đại chúng áp dụng theo quy mô công ty. Thuật ngữ “công ty đại chúng quy mô lớn” được quy định cụ thể, đồng thời các công ty này (công ty có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên và có số lượng cổ đông không thấp hơn 300 cổ đông) không phụ thuộc vào việc có niêm yết chứng khoán hay không đều phải thực hiện nghĩa vụ CBTT như các công ty niêm yết. Bên cạnh đó, thời hạn CBTT Báo cáo tài chính của công ty đại chúng cũng được rút ngắn lại, phù hợp với quy định về kế toán và kiểm toán. Ngoài ra, nghĩa vụ CBTT của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ công ty đại chúng và nghĩa vụ CBTT của công ty chứng khoán cũng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, nguyên tắc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ CBTT cũng lần đầu tiên được ghi nhận.

Bên cạnh Thông tư số 52/2012/TT-BTC, các văn bản pháp quy khác như Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/6/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 121/2012/TT-BTC), trong đó có quy định nghĩa vụ CBTT của công ty đại chúng liên quan đến quản trị công ty và Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP) đã quy định cụ thể các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm chế độ báo cáo và CBTT. Các văn bản này đã tạo ra hệ thống văn bản thống nhất, đồng bộ điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có công ty đại chúng.

Ngoài ra, đối với công ty đại chúng – loại hình công ty cổ phần phát triển cao hơn về quy mô vốn và tính đại chúng thì ngoài việc tuân thủ các quy định về CBTT theo pháp luật chứng khoán, các công ty này còn phải tuân thủ pháp luật doanh nghiệp về nghĩa vụ công khai thông tin đối với các công ty cổ phần. Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, chế định CBTT của công ty cổ phần được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Danh nghiệp 2005 gần như không quy định nghĩa vụ công khai thông tin của công ty cổ phần, ngoại trừ yêu cầu công khai Báo cáo tài chính tại Điều 129. Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đưa vào nhiều nghĩa vụ công khai đối với công ty cổ phần, tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa được ban hành, thì công ty đại chúng phải thực hiện CBTT chủ yếu theo quy định tại pháp luật chứng khoán và TTCK.

Như vậy, cơ sở pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK là Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Các quy định tại Luật Chứng khoán đều đã được cụ thể hóa tại Thông tư số 52/2012/TT-BTC. Ngoài ra, một số các văn bản pháp luật khác như Thông tư 121/2012/TT-BTC, Nghị định 108/2013/NĐ-CP… đã tạo ra khung pháp lý tương đối đầy đủ điều chỉnh hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


Công khai thông tin hay công bố thông tin (Information Disclosure) có vai trò quan trọng giúp TTCK hoạt động một cách lành mạnh và là thước đo phản ánh mức độ phát triển của một TTCK bất kỳ. Việc thực hiện CBTT kịp thời, toàn diện và có chất lượng góp phần làm hạn chế các giao dịch nội gián, đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư chính xác, từ đó tạo niềm tin của công chúng đầu tư đối với thị trường. Đây chính là động lực cơ bản cho sự phát triển của TTCK bởi khi niềm tin về thị trường được xây dựng, TTCK sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, việc huy động vốn cho doanh nghiệp dễ dàng hơn và thị trường sẽ phát triển một cách bền vững. Chính vì những lý do này mà pháp luật các nước đều đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chế định CBTT trên TTCK.

Với vai trò là chủ thể cung cấp “hàng hóa” trên TTCK, các thông tin về công ty đại chúng vì thế luôn được nhà đầu tư quan tâm và chiếm phần lớn thông tin trên thị trường. Theo thông lệ pháp luật của nhiều nước, công ty đại chúng phải công bố các thông tin mang tính chất tài chính hoặc phi tài chính, phát sinh định kỳ hoặc bất thường, có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của công ty và những thông tin này đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá chứng khoán. Các quốc gia có thể lựa chọn việc quy định chi tiết các thông tin mà công ty đại chúng phải công bố hoặc quy định nguyên tắc phải công bố các thông tin trọng yếu nhưng đều yêu cầu công ty đại chúng phải đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, chính xác trong CBTT. Việc thực hiện nghĩa vụ CBTT vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của công ty đại chúng bởi minh bạch thông tin chính là chìa khóa trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Chương 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN


2.1. Pháp luật điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

2.1.1. Công ty đại chúng và phân loại công ty đại chúng theo pháp luật chứng khoán Việt Nam

Khái niệm công ty đại chúng:

Hiện nay, khái niệm công ty đại chúng được pháp luật Việt Nam tiếp cận khá gần với thông lệ quốc tế, theo đó tính chất đại chúng của công ty cổ phần được xem xét trên cả quy mô vốn, số lượng cổ đông cũng như hoạt động phát hành, niêm yết cổ phiếu. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán năm 2006, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau:

“a) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;

b) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;

c) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên”.

Với đặc thù tại Việt Nam, các công ty đại chúng chủ yếu là công ty cổ phần có quy mô vốn từ trên 10 tỷ và số lượng cổ đông từ trên 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Phân loại công ty đại chúng:

Tại Việt Nam, cách phân loại công ty đại chúng có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ trước ngày 1/6/2012 (trước ngày Thông tư số 52/2012/TT-BTC có hiệu lực), công ty đại chúng chỉ được phân loại theo tiêu chí niêm yết, bao gồm: (i) công ty niêm yết (công ty có chứng khoán

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2022