Thông Tin Về Các Rủi Ro Và Hệ Thống Giám Sát, Quản Lý Rủi Ro Của Công Ty Đại Chúng

lý lịch, trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của các thành viên HĐQT, thành viên BKS, Giám đốc/Tổng Giám đốc trên website của công ty. Dự kiến, đây sẽ là nền tảng bước đầu cho vấn đề công khai hóa thông tin quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, các cổ đông nội bộ CTĐC luôn có lợi thế về thông tin hơn so với các nhà đầu tư khác trên TTCK, do đó các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư thường bị chi phối bởi các hành vi mua bán của các cổ đông nội bộ hoặc người có liên quan của họ. Vì thế, để hạn chế việc trục lợi của các đối tượng có lợi thế về thông tin nội bộ, Điều 28 Thông tư số 52/2012/TT-BTC quy định trước khi thực hiện giao dịch tối thiểu là 03 ngày làm việc, cổ đông nội bộ của công ty niêm yết/đăng ký giao dịch hoặc người có liên quan của họ phải đăng ký với UBCKNN và công ty (thời hạn đăng ký giao dịch tối đa là 30 ngày) và chỉ được bắt đầu giao dịch khi có thông tin công bố về việc đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ từ SGDCK. Sau khi hoàn tất giao dịch, trong vòng 3 ngày làm việc, họ cũng phải báo cáo cho UBCKNN, SGDCK, công ty niêm yết/đăng ký giao dịch về kết quả thực hiện giao dịch và nguyên nhân không thực hiện hết khối lượng đã đăng ký (nếu có). Ngoài ra, Thông tư 52/2012/TT-BTC còn bổ sung quy định những người này chỉ được thực hiện giao dịch khác sau khi đã báo cáo đợt giao dịch trước đó, tránh trường hợp họ vừa mua, vừa bán chứng khoán như trước đây, góp phần đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trên thị trường.

(ii) Công bố các thông tin liên quan đến hoạt động của Hội đồng quản trị:

Hội đồng quản trị (HĐQT) là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong công ty cổ phần, thực hiện các quyền và nghĩa vụ do ĐHĐCĐ giao. Có thể nói, HĐQT là một ĐHĐCĐ thường trực (vì các thành viên HĐQT đều là đại diện của các cổ đông, do ĐHĐCĐ bầu ra). Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 121/2012/TT-BTC, CTĐC phải có tối thiểu một phần ba thành viên HĐQT là thành viên độc lập không điều hành, nghĩa là họ phải đáp ứng các điều kiện: (i) không phải là người có liên quan với Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó Tổng giám đốc), kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT

bổ nhiệm; (ii) không phải là thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) của các công ty con, công ty liên kết, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát; (iii) không phải là cổ đông lớn hoặc người đại diện của cổ đông lớn hoặc người có liên quan của cổ đông lớn của công ty. Thành viên HĐQT độc lập có vai trò giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa thành viên quản lý và các cổ đông thiểu số bởi họ là những người có kinh nghiệm và các ý kiến được đưa ra mang tính độc lập, nhằm bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ, đồng thời họ có nhiệm vụ can thiệp vào quyết định của Ban điều hành khi thấy quyết định đó có dấu hiệu vụ lợi cá nhân. Quy định về thành viên HĐQT độc lập được coi là thông lệ tốt về quản trị công ty của nhiều nước hiện nay. Tại Úc, công ty niêm yết phải có đa số thành viên HĐQT là độc lập. Còn tại Anh, theo Luật hỗn hợp về quản trị công ty (Combined Code on Corporate Governance – CCCG) các công ty cổ phần phải có ít nhất 2 hoặc 50% số thành viên HĐQT là độc lập, tùy số nào lớn hơn. Ngoài ra, một số quốc gia còn quy định HĐQT có trách nhiệm giải thích lý do vì sao một thành viên lại được coi là thành viên độc lập và yêu cầu công ty phải CBTT về quy trình tuyển chọn ứng viên là thành viên HĐQT độc lập (như Nhật Bản). Tại Việt Nam, yêu cầu số lượng thành viên độc lập không điều hành ít nhất phải bằng một phần ba số thành viên HĐQT như quy định tại Thông tư số 121/2012/TT-BTC là một bước tiến lớn trong pháp luật về quản trị công ty đại chúng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng dự kiến áp dụng quy định này cho tất cả các công ty cổ phần. Nếu được thông qua, đây sẽ là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là với những công ty có quy mô nhỏ, chưa đạt đến tính đại chúng bởi thực tế cho thấy sau khi bước đầu thực hiện yêu cầu trên với công ty đại chúng nhưng số lượng công ty đáp ứng điều kiện quy định là không nhiều. Điều này xuất phát từ nguyên nhân số lượng thành viên HĐQT của công ty cổ phần bị hạn chế (Luật Doanh nghiệp 2005 quy định số lượng tối đa là 11 người, trong khi nhiều nước khác chỉ quy định số lượng tối

thiểu như Mỹ, Thái Lan…), mặt khác tiêu chuẩn là thành viên HĐQT độc lập khá khắt khe nên nhiều công ty gặp khó khăn khi tìm kiếm đủ số lượng các cá nhân này hoặc không thể bầu được thành viên Hội đồng quản trị độc lập (do cổ đông chỉ bầu cho những người đại diện cho quyền lợi của họ).

Hoạt động của HĐQT công ty đại chúng được thể hiện tập trung tại Báo cáo quản trị công ty, Báo cáo thường niên. Tại Báo cáo thường niên được công bố hàng năm, CTĐC phải nêu rõ số lượng thành viên, cơ cấu, tỷ lệ sở hữu cổ phần, hoạt động của HĐQT, thành viên HĐQT độc lập không điều hành, các tiểu ban trong HĐQT, danh sách thành viên HĐQT có chứng chỉ đào tạo quản trị công ty. Ngoài ra, hoạt động của HĐQT được thể hiện thông qua cuộc họp HĐQT, do đó công ty cần thống kê số lượng, nội dung và kết quả của tất cả các cuộc họp này tại BCTN. Đây cũng là nội dung được thể hiện tại Báo cáo quản trị công ty được CTĐC công bố 6 tháng/lần. Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 52/2012/TT-BTC, Báo cáo quản trị công ty phải được công bố sau 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, trong đó cần liệt kê chi tiết số lần tham gia dự họp của thành viên HĐQT, lý do không tham dự và nêu rõ nội dung các quyết định của HĐQT trong kỳ báo cáo cũng như các hoạt động giám sát của HĐQT đối với Giám đốc (Tổng Giám đốc) và hoạt động của tiểu ban giúp việc cho HĐQT.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 52/212/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố trong vòng 24 giờ đối với một số quyết định của HĐQT có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đến giá chứng khoán như quyết định về việc mua lại cổ phiếu của công ty hoặc bán lại số cổ phiếu đã mua; ngày thực hiện quyền mua cổ phiếu hoặc ngày thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu; quyết định chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các quyết định liên quan đến việc chào bán chứng khoán; hoặc quyết định về mức cổ tức, hình thức trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng; quyết định tổ chức lại doanh nghiệp hoặc quyết định góp vốn có giá trị từ mười phần trăm (10%) trở lên tổng tài sản của công ty vào một tổ chức khác...

(iii) Công bố các thông tin liên quan đến hoạt động của Ban Kiểm soát:

Khi một công ty đạt đến quy mô nhất định thì sự điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp và lúc này người điều hành trực tiếp công ty có thể không đồng thời là chủ sở hữu công ty. Lúc này, các cổ đông - người sở hữu thực sự của công ty cần một bộ phận thực hiện việc giám sát, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành của HĐQT, Ban giám đốc hoặc trong công tác kế toán, thống kê và lập Báo cáo tài chính. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của BKS. Theo Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2005, các công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có BKS, do đó hiện nay các CTĐC đều bắt buộc phải có BKS. Cơ quan này đảm bảo các quyết định của HĐQT và Ban giám đốc là phù hợp và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng thực tế hiện nay cho thấy BKS đã không thể hiện được vai trò của mình. Các quy định hiện hành cũng chỉ yêu cầu CTĐC phải công bố các hoạt động của BKS (các cuộc họp và đánh giá hoạt động của BKS) tại Báo cáo thường niên được công bố hàng năm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

(iv) CBTT về chính sách thù lao cho các nhân sự quản lý:

Các thông tin về thù lao cho cán bộ quản lý cấp cao cũng là thông tin được nhà đầu tư rất quan tâm, bởi lẽ chính sách thù lao cho các nhân sự chủ chốt có liên quan đến hiệu quả hoạt động của công ty, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá chi phí và lợi ích của kế hoạch thù lao của công ty. Tại Việt Nam, thù lao của Hội đồng quản trị được ĐHĐCĐ thông qua hàng năm và được công bố chi tiết trong Báo cáo thường niên công ty đại chúng [5, Điều 16]. Tại Báo cáo thường niên, công ty phải liệt kê chi tiết các khoản lợi ích, thù lao, chi phí cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc, bao gồm cả các khoản lợi ích vật chất và phi vật chất không thể lượng hóa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các công ty đại chúng thường chỉ liệt kê mang tính chất chung chung, không phản ánh đầy đủ các lợi ích thực tế mà các cá nhân này có được. Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 13 Thông tư 121/2012/TT-BTC thì thành viên HĐQT công ty đại chúng có trách nhiệm công bố cho công ty các khoản thù lao mà họ nhận được từ

Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 9

các công ty con, công ty liên kết và các tổ chức khác mà họ là người đại diện phần vốn góp của công ty nhưng Thông tư không chỉ rõ thời hạn CBTT nên thực tế rất ít trường hợp công khai vấn đề này.

(v) CBTT về cổ đông lớn và quyền biểu quyết của cổ đông công ty đại chúng:

+ Công bố thông tin về cổ đông lớn:

Theo khoản 9 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 thì “cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ năm phần trăm trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành”. Các thông tin về cổ đông lớn trên TTCK chủ yếu liên quan đến giao dịch của những người này. Theo Điều 29 Luật Chứng khoán năm 2006, cổ đông lớn của tất cả công ty đại chúng phải CBTT khi trở thành cổ đông lớn hoặc khi giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu vượt quá 1% số cổ phiếu cùng loại đang lưu hành trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày trở thành cổ đông lớn hoặc có thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn. Tại Thông tư 09/2010/TT-BTC trước đây, nghĩa vụ CBTT của cổ đông lớn khá khắt khe (ngang bằng với cổ đông nội bộ) và chỉ áp dụng với cổ đông của công ty niêm yết, cụ thể cổ đông lớn phải báo cáo cả trước và sau giao dịch trong vòng 3 ngày làm việc khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết thay đổi từ 1% trở lên so với tỷ lệ nắm giữ trước giao dịch. Quá trình triển khai Thông tư 09/2010/TT- BTC đã cho thấy việc báo cáo trước giao dịch gây khó khăn cho quá trình chủ động đầu tư của nhà đầu tư, nhất là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài ra, nhiều trường hợp cổ đông lớn “lách” nghĩa vụ báo cáo khi cố tình thực hiện giao dịch với khối lượng nhỏ hơn 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty và dần thâu tóm doanh nghiệp mà công chúng đầu tư không biết được điều này. Để khắc phục thực trạng trên, Thông tư 52/2012/TT-BTC đã quy định: cổ đông lớn chỉ phải báo cáo sau giao dịch trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hoàn tất giao dịch khi có thay đổi tỷ lệ sở hữu tại các ngưỡng 1% mà không phụ thuộc vào mức sở hữu trước đó (như từ 6,8% lên 7,1%), kể cả đối với trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch như tặng, cho, thừa kế... cổ phần. Quy định này là điểm mới tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, không những tạo điều kiện cho VSD, các công ty chứng khoán dễ theo dõi sự thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ

phần của cổ đông mà còn góp phần khắc phục tình trạng “mua xé lẻ, né nghĩa vụ CBTT” của cổ đông lớn như trước đây.

+ Thông tin về quyền biểu quyết của cổ đông công ty đại chúng:

Trong công ty đại chúng, các cổ đông thực hiện quyền của mình chủ yếu bằng cách tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Một điểm chung giữa quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước là yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố cả trước và sau khi tiến hành các cuộc họp ĐHĐCĐ (bao gồm cả họp ĐHĐCĐ thường niên và bất thường). Trước khi họp, công ty đại chúng phải công bố ngày họp, nội dung họp, tài liệu, thông báo mời họp… trên trang thông tin điện tử, đồng thời với việc gửi thông báo mời họp và tài liệu họp cho các cổ đông chậm nhất là mười lăm (15) ngày trước khi khai mạc họp ĐHĐCĐ [4, khoản 4 Điều 7]. Các Nghị quyết/Quyết định của ĐHĐCĐ kèm theo Biên bản họp hoặc Biên bản kiểm phiếu đều phải CBTT trong vòng 24 giờ, kể từ khi có Nghị quyết/Quyết định đó.

(vi) Thông tin về giao dịch giữa công ty đại chúng và người liên quan:

Ở một số quốc gia, quan hệ người có liên quan được hiểu gồm: các quan hệ hôn nhân, huyết thống; quan hệ giữa các công ty trong cùng một tập đoàn (bao gồm cả quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con); các tổ chức bị kiểm soát hoặc cùng chịu chung sự kiểm soát với công ty, các cổ đông lớn kể cả thành viên gia đình họ và các cán bộ quản lý chủ chốt hoặc các đối tác quan trọng của công ty… Tại Việt Nam, khái niệm “người có liên quan” được quy định tại khoản 34 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006, theo đó người có liên quan của CTĐC gồm chủ sở hữu trên 10% số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết của công ty; thành viên HĐQT, BKS, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) và các chức danh quản lý khác của công ty; công ty mẹ hoặc công ty con của CTĐC; hoặc người mà trực tiếp, gián tiếp kiểm soát công ty hoặc bị kiểm soát bởi CTĐC hoặc cùng với công ty chịu chung một sự kiểm soát. Quy định này khá bao quát, tuy nhiên tương tự pháp luật nhiều nước, nội hàm khái

niệm “người có liên quan” được đánh giá là khá phức tạp, nhiều trường hợp trên thực tế khó xác định được quan hệ là “có liên quan” hay không.

Do người có liên quan của CTĐC có lợi thế về thông tin nhất định so với các nhà đầu tư khác trên thị trường, mặt khác các giao dịch giữa những người này với công ty cũng tiềm ẩn mục đích tư lợi, vì thế việc CBTT giao dịch giữa công ty đại chúng và người có liên quan là cần thiết, giúp nhà đầu tư xác định giao dịch này có vì lợi ích chung của công ty hay không. Đây là một trong những nguyên tắc quản trị công ty của OECD và được các nước thành viên OECD cũng như nhiều quốc gia quy định. Tại Việt Nam, theo Thông tư 52/2012/TT-BTC, công ty đại chúng có nghĩa vụ thống kê toàn bộ danh sách người có liên quan tại Báo cáo quản trị công ty. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 24 Thông tư 121/2012/TT- BTC cũng quy định: khi tiến hành giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện; nội dung hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể và phải CBTT cho cổ đông khi cổ đông có yêu cầu. Tuy nhiên, quy định này còn thiếu chặt chẽ vì cổ đông khó có thể biết được thông tin về giao dịch giữa công ty và người có liên quan để yêu cầu công ty công bố. Ngoài ra, khoản 3 Điều 23 Thông tư 121/2012/TT-BTC cũng quy định cổ đông nội bộ công ty đại chúng phải thông báo cho HĐQT các giao dịch giữa họ hoặc người có liên quan của họ với công ty/công ty con/công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát, đồng thời công ty đại chúng có nghĩa vụ CBTT trên website và báo cáo UBCKNN về Nghị quyết/Quyết định của ĐHĐCĐ/HĐQT về việc thông qua các giao dịch nêu trên trong thời hạn 24 giờ.

Để tránh các xung đột về lợi ích, Thông tư 121/2012/TT-BTC còn yêu cầu công ty đại chúng phải CBTT các giao dịch giữa công ty với công ty có liên quan của thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc) trong các trường hợp: Giao dịch giữa công ty với công ty mà các thành viên nêu trên là thành viên sáng lập hoặc là thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành trong thời gian ba năm trước; giao dịch giữa công ty với công ty trong đó

người liên quan của các thành viên nêu trên là thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành, cổ đông lớn; hoặc các giao dịch có thể mang lại lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất) cho các thành viên nêu trên. Tuy nhiên, Thông tư này lại không nêu thời gian cụ thể mà công ty đại chúng phải CBTT nên trên thực tế hầu như các công ty không thực hiện quy định này.

2.1.2.4. Thông tin về các rủi ro và hệ thống giám sát, quản lý rủi ro của công ty đại chúng

Trong quá trình hoạt động, công ty đại chúng có thể đối mặt với các rủi ro sau: rủi ro cụ thể đối với ngành kinh doanh hoặc khu vực địa lý nơi công ty hoạt động, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, rủi ro của thị trường tài chính (biến động lãi suất hoặc rủi ro tiền tệ, rủi ro liên quan đến chứng khoán phái sinh) và rủi ro khác. Việc công ty lường trước các rủi ro, có chính sách phòng ngừa và hạn chế rủi ro giúp công ty có thể chủ động đối phó với các tình huống “xấu” có thể xảy ra trong tương lai. Nội dung này cũng giúp cho nhà đầu tư tiên liệu một cách hợp lý về kết quả hoạt động kinh doanh của công ty bên cạnh những rủi ro mà công ty có thể gặp phải. Yêu cầu công ty đại chúng CBTT về rủi ro, hệ thống giám sát và quản lý rủi ro ngày càng được coi là một thông lệ tốt và được pháp luật nhiều quốc gia quy định (như Mỹ, Úc…).

Thông thường, công ty đại chúng phải liệt kê các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc các mục tiêu của công ty trong Báo cáo thường niên. Việc liệt kê các rủi ro, lường trước các phương án phòng ngừa, khắc phục rủi ro càng chi tiết, càng giúp công ty có được kế hoạch kinh doanh hiệu quả, từ đó nhà đầu tư có niềm tin hơn khi đầu tư tiền của mình vào công ty. Tuy nhiên, qua thực trạng Báo cáo thường niên được công ty đại chúng công bố thì tại Việt Nam cũng như tại một số TTCK chưa thật sự phát triển như Indonesia, Philipines…, hầu hết các công ty đại chúng chỉ công bố yếu tố rủi ro nhưng lại không công bố chính sách quản lý rủi ro. Điều này dẫn đến các kế hoạch công ty đề ra có thể không chính xác (do chưa trừ đi các yếu tố liên quan

Xem tất cả 123 trang.

Ngày đăng: 25/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí