Nghị định 90/2001/CP-NĐ ngày 23/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp và phát triển DNN&V quy định: DNN&V là “Những đơn vị sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có mức vốn đăng ký không quá 10 tỷ VNĐ và/ hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người”.
So với định nghĩa về DNN&V của các nước trong khu vực và trên thế giới, định nghĩa DNN&V của Việt Nam có tính tổng quát, không đi sâu vào chi tiết loại hình, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và chưa phản ánh được thực chất về quy mô doanh nghiệp với các ngành và lĩnh vực khác nhau.
Chính vì thế, các chính sách và chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với các DNN&V vẫn gặp khó khăn vì đây vẫn chưa phải là một khái niệm toàn diện về DNN&V. Mặc dù khái niệm được đề cập trong Nghị định 90 tuy đã đưa ra hai tiêu chí quan trọng nhất là bình quân lao động và vốn đăng kí để xác định DNN&V. Nhưng việc xác định một doanh nghiệp có phải là DNN&V hay không gặp khó khăn, đôi khi bỏ sót đối tượng của các chương trình trợ giúp, đôi khi có doanh nghiệp không thuộc diện đối tượng trợ giúp của chương trình lại vẫn được tham gia. Hơn nữa, tiêu chí về số lượng lao động bình quân trong năm là một tiêu chí có tính “động’’ rất lớn do hiện tượng lao động theo mùa vụ ở Việt Nam rất phổ biến và số lao động này thay đổi công việc thường xuyên nên càng gây khó khăn hơn trong việc xác định một doanh nghiệp có phải là DNN&V hay không [12].
Theo quy định của pháp luật hiện hành, vốn đăng ký của doanh nghiệp là do người thành lập doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm về sự kê khai của mình, trừ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi có mức vốn pháp định như kinh doanh vàng, du lịch lữ hành, bảo hiểm, kinh doanh địa ốc. Mức vốn này chỉ phản ánh trách nhiệm pháp lý của các thành viên công ty, của doanh nghiệp với khoản nợ, lãi phát sinh trong quá trình hoạt động. Trên thực tế, vốn đăng ký có sự chênh lệch so với vốn hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu về số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp cũng chỉ là con số dự kiến và pháp luật hiện hành cũng không bắt buộc người thành lập doanh nghiệp phải kê khai nên cũng không có căn cứ để phân loại doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau sử dụng số lượng lao động rất khác nhau.
Một trở ngại khác liên quan đến khái niệm hiện tại của nước ta về DNN&V đó là trong định nghĩa hiện nay không quy định các tiêu chí để phân chia các DNN&V thành doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Điều này gây khó khăn cho Chính phủ trong việc xác định trọng tâm hỗ trợ dựa trên quy mô doanh nghiệp trong nội bộ khu vực DNN&V.
1.3.2. Đặc điểm
Qua việc phân tích khái niệm DNN&V ở trên chúng ta thấy DNN&V là một loại hình doanh nghiệp không được phân biệt theo hình thức sở hữu mà được phân biệt trên khía cạnh quy mô nhiều hơn. Các DNN&V là các doanh nghiệp có quy mô về vốn hoạt động nhỏ. Do đó, doanh thu và lợi nhuận không lớn và hầu hết là hoạt động trong các nghành sử dụng nhiều lao động. Cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, DNN&V có những đặc điểm nhất định trong quá trình hình thành và phát triển.
Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Loại hình doanh nghiệp này đã đóng góp tới 42% vào GDP (trong khi mức đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 39%) và tạo nhiều việc làm, làm năng động nền kinh tế.
Bảng 4. Số lượng DNN&V đăng kí kinh doanh mới từ năm 2000
Tổng số | DNNN | Cty TNHH 1 Thành viên | DNDD | |
2000 | 14.457 | 16 | 0 | 14.441 |
2001 | 19.800 | 27 | 0 | 19.773 |
2002 | 21.535 | 12 | 59 | 21.464 |
2003 | 27.771 | 20 | 98 | 27.653 |
2004 | 37.230 | 6 | 125 | 37.099 |
2005 | 39.959 | 8 | 292 | 39.659 |
2006 | 46.663 | 7 | 902 | 45.754 |
2007 | 58.908 | 1 | 8404 | 50.504 |
2008 | 65.318 | 4 | 14.299 | 51.015 |
Tổng số | 331.641 | 101 | 24.179 | 307.362 |
Có thể bạn quan tâm!
- Chiến lược dài hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản ra nước ngoài - 2
- Khái Niệm Chiến Lược Và Chiến Lược Xuất Khẩu
- Tổng Số Lao Động Làm Việc Trong Ngành Thủy Sản Từ 2002- 2007
- Hoạt Động Xuất Khẩu Mặt Hàng Nông Thủy Sản Và Năng Lực Cạnh Tranh Của Các Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Nhỏ Và Vừa
- Tình Hình Xuất Khẩu Một Số Thuỷ Sản Chủ Yếu Của Việt Nam
- Cơ Cấu Thị Trường Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam Từ 2001 Đến 2007
Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Doanh nghiệp (Cục Phát triển DNNVV- Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2009
Qua số liệu về các DNN&V được thành lập mới từ năm 2000 đến 2008, số lượng các DNN&V được thành lập mới tăng lên rất nhanh trong 2 năm 2007 và 2008. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp này là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên( TNHH 1 thành viên) và doanh nghiệp dân doanh( DNDD) và có những đặc điểm chung sau:
- Kinh tế tư nhân tuy rộng lớn nhưng về cơ bản là kinh tế hộ quy mô nhỏ và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức;
- Trình độ công nghệ, kỹ thuật lạc hậu so với mức trung bình của thế giới, hơn nữa tốc độ đổi mới lại quá chậm. Hạn chế về năng lực cán bộ và công tác nghiên cứu trong doanh nghiệp, nghiên cứu để ứng dụng trong sản xuất - kinh doanh;
- Trình độ quản lý và tay nghề của người lao động còn hạn chế. Tuy Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, trình độ học vấn tương đối cao so với các nước có cùng trình độ phát triển, nhưng chủ yếu là lao động làm việc giản đơn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề thấp, sức khỏe hạn chế, năng suất lao động không cao… Đặc biệt là chất lượng lao động trong các ngành sản xuất nông thủy sản;
- Sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ thấp:
+ Sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ: Yếu tố tư bản cấu thành trong sản phẩm thấp, hàm lượng tri thức và công nghệ trong sản phẩm không cao, tính độc đáo không cao, giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản phẩm nói chung thấp;
+ Khả năng hạn chế về vốn, khả năng tiếp nhận nguồn thông tin… của các DNN&V, sự bảo hộ của Nhà nước với khu vực doanh nghiệp nhà nước… đã hạn chế năng lực cạnh tranh của các DNN&V.
Quản trị nội bộ của DNN&V còn yếu, nhất là quản lý tài chính; ý thức chấp hành các chế độ chính sách chưa cao; còn lúng túng trong việc liên kết; nhất là liên kết trong cùng một ngành nghề.
1.3.3. Vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Vai trò của các DNN&V không chỉ được thừa nhận ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Những ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn mà các DNN&V mang lại còn được những nước đang phát triển thừa nhận.
1.3.3.1. Đóng góp một phần đáng kể vào GDP và tăng trưởng kinh tế
Theo báo cáo về tình hình triển khai Nghị định 90/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển DNN&V của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNN&V ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. DNN&V đóng góp khoảng: 26% tổng sản phẩm xã hội(GDP), 31% tổng giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 78% mức bán lẻ, 68% tổng lượng vận chuyển hàng hóa. Đóng góp thông qua nộp thuế của DNN&V năm 2006 chiếm 7,1% tổng nhân sách
Quốc gia, tỷ lệ này tăng lên hơn 8% trong năm 2007. Như vậy, các DNN&V đóng góp một phần rất lớn trong tăng trưởng kinh tế và vì thế DNN&V đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta.
1.3.3.2. Góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự ổn định kinh tế và xã hội
Tại hầu hết các quốc gia, mặc dù quy mô nhỏ nhưng theo quy luật số lớn, DNN&V được biết đến như một khu vực thu hút nhiều lao động, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chính khu vực kinh tế này đã tạo ra khoảng 70% việc làm trong xã hội.
Trong năm năm từ 2002-2007, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy mỗi năm có khoảng 1,6 triệu đến 2 triệu chỗ làm việc mới đã được tạo ra nhờ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể mới thành lập và mở rộng quy mô kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; đưa tổng số lao động trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp dân doanh xấp xỉ bằng tổng số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước( DNNN) và tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp của tư nhân và hộ kinh doanh cá thể lên đến khoảng hơn 6 triệu người [12]. Có không ít doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng nghìn lao động.
DNN&V đóng vai trò là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì DNN&V lại có mặt ở khắp các địa phương và tạo ra phần lớn công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Các số liệu thống kê cũng cho thấy rằng các DNN&V đã thu hút một tỷ lệ lao động chủ yếu trên phạm vi toàn quốc; ở duyên hải miền trung số lao động làm việc tại các DNN&V so với tổng số lao động ở tất cả các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là 69%; Đông Nam Bộ có tỷ lệ thấp nhất là 45%; và tỷ lệ này trên toàn quốc là 52% [12]
Tóm lại, do DNN&V đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, mà đặc biệt là lao động tại các địa phương nên tạo ra sự ổn định xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia: xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.
1.3.3.3. Tận dụng các nguồn vốn, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội
Theo đánh giá của các chuyên gia, một nguồn vốn nhàn rỗi lớn tiềm ẩn trong nền kinh tế Việt Nam chưa được huy động và khai thác một cách hiệu quả. Việc khởi sự doanh nghiệp với lợi thế vốn nhỏ, khả năng thu hồi vốn nhanh, tính chất phân tán rải rác đi sâu vào nhiều vùng, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế như DNN&V là cơ hội để huy động được các nguồn vốn nhỏ lẻ, nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như hình thức doanh nghiệp tư nhân, các hộ gia đình, hợp tác xã vừa huy động nguồn vốn tự có của cá nhân vừa tận dụng được các nguồn đầu tư đa dạng trong nền kinh tế. Từ đó dần dần tạo ra tập quán dùng tiền vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh thay vì chỉ để tiền nhàn rỗi trong phần lớn bộ phận dân cư hiện nay.
Hơn nữa, với quy mô nhỏ gọn, các DNN&V thường sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để tiến hành sản xuất kinh doanh, điều này rất thiết thực đối với các ngành thủ công truyền thống, tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là ngành thu mua và chế biến các nông thủy sản. DNN&V vì thế có thể góp phần huy động nguồn lực toàn xã hội.
1.3.3.4. Tạo lập sự phát triển cân đối, từng bước chuyển dịch và hoàn thiện cơ cấu, tăng tính năng động, linh hoạt của nền kinh tế
Ở Việt Nam cũng như các nước khác, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường tập trung ở các thành phố; các khu công nghiệp. Xu hướng này đã gây mất cân đối nghiêm trọng về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong cùng một quốc gia, từ đó
gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế. Phát triển các DNN&V là phương tiện quan trọng trong việc tạo lập sự cân đối giữa các vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các thành phần kinh tế, giữa các ngành và các vùng lãnh thổ. Hơn nữa, việc phát triển các DNN&V cũng có ý nghĩa to lớn đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy các ngành thương mại dịch vụ phát triển.
Các DNN&V có khả năng thay đổi mặt hàng, công nghệ và chuyển hướng kinh doanh nhanh giúp cho nền kinh tế năng động hơn. Sự có mặt của các DNN&V trong nền kinh tế một mặt có tác dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn kinh doanh có hiệu quả hơn thông qua các hợp đồng phụ làm đại lý, vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, giúp sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, cung cấp nguyên liệu, thâm nhập vào các ngách nhỏ của thị trường mà các doanh nghiệp lớn không thể làm được. Mặt khác, với số lượng đông đảo DNN&V tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong nền kinh tế, giảm bớt khả năng độc quyền của các doanh nghiệp lớn. DNN&V với mạng lưới rộng khắp đảm bảo phân bố doanh nghiệp hợp lý hơn, giảm bớt sức ép dân số tại các thành phố lớn.
1.3.3.5. Các DNN&V góp phần đào tạo và nuôi dưỡng cho các tài năng kinh doanh-nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội
DNN&V chính là môi trường rất thực tế để đào tạo, rèn luyện các nhà doanh nghiệp và bản thân những người lao động. Kinh doanh với quy mô nhỏ là môi trường đào tạo tốt nhất cho các nhà doanh nghiệp để từng bước tiếp cận với kinh doanh có quy mô lớn hơn. Bắt đầu bằng việc kinh doanh với quy mô nhỏ và thông qua quá trình điều hành quản lý kinh doanh với doanh nghiệp có quy mô này, các nhà doanh nghiệp sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường mà nếu làm việc trong các doanh nghiệp lớn các doanh nhân sẽ không có điều kiện phát huy. Qua quá trình điều hành DNN&V, các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ trở thành những tài
năng kinh doanh, bởi vì họ phải có trách nhiệm cao hơn với chính doanh nghiệp của mình và họ phải biết cách làm thế nào phát triển doanh nghiệp. Đây là vấn đề có thực tiễn khá cao đối với Việt Nam, trong nhiều năm hoạt động trong cơ chế quan liêu bao cấp với hàng loạt các nhà doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm với cơ chế thị trường. Sự phát triển của các DNN&V có tác dụng đào tạo, chọn lọc, thử thách qua thực tế những con người có năng lực thực sự để trở thành những nhà lãnh đạo tài năng cho sự phát triển kinh tế cho cả quốc gia nói chung cũng như cho mục tiêu riêng của từng doanh nghiệp nói riêng.