Nghĩa Vụ Và Trách Nhiệm Của Người Quản Lý Công Ty


liên quan đến hoạt động của công ty. Nhưng Chủ tịch công ty trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi theo Nghị định số 63/2001/NĐ-CP lại có vị trí lớn hơn, là người quản lý công ty, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng và bổ nhiệm các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc công ty theo phân cấp của Chủ tịch công ty. Rõ ràng mục đích của việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đoàn thể là để các doanh nghiệp này hoạt động theo Luật doanh nghiệp và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Song những quy định “khập khiễng” trong hai văn bản liên quan cùng điều chỉnh này đã khiến cho không ít doanh nghiệp chuyển đổi lúng túng khi tổ chức công tác quản lý nội bộ.

Tóm lại, dù được tổ chức quản lý theo mô hình nào thì trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã có sự tách bạch nhất định giữa sở hữu và điều hành, các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng như của các cơ quan quản lý, điều hành trong công ty đã được phân định một cách rõ ràng: Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của công ty; Hội đồng quản trị (trong công ty được tổ chức theo mô hình Hội đồng quản trị) và Chủ tịch công ty (trong công ty được tổ chức theo mô hình Chủ tịch công ty) thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu công ty, có quyền quyết định các vấn đề của công ty theo sự phân cấp của chủ sở hữu công ty; Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành các hoạt động hàng ngày của công ty.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, từ khi Luật doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực cho đến nay, trong số các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang hoạt động thì số lượng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thành lập mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn chủ yếu là những công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được hình thành trên cơ sở chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị định số 63/2001/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi doanh nghiệp


nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Những quy định mới của Luật doanh nghiệp về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hoạt động cho đúng với bản chất pháp lý của chúng, tránh tình trạng các doanh nghiệp này đăng ký hoạt động một cách tuỳ tiện, không theo một văn bản pháp lý cụ thể nào điều chỉnh như trước đây. Đồng thời, những quy định mới này của Luật doanh nghiệp cũng là cơ sở để thực hiện một trong những hướng đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đó là chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Việc chuyển đổi này nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước của các cơ quan nhà nước, hạn chế sự can thiệp quá sâu của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tăng tính năng động, tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm xác định được một tổ chức duy nhất làm chủ sở hữu doanh nghiệp, mọi quyền hạn, trách nhiệm của chủ sở hữu sẽ tập trung vào tổ chức đó, góp phần giải quyết được tình trạng có nhiều đại diện chủ sở hữu nhưng không có chủ sở hữu nào có trách nhiệm đầy đủ, hạn chế được sự tuỳ tiện của chủ sở hữu trong việc rút vốn, điều chuyển vốn, thu hồi lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn nếu cơ chế quản lý và quyền tài sản của doanh nghiệp không thay đổi. Cần phải xác định rõ ràng quan hệ sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan nhà nước là chủ sở hữu của doanh nghiệp, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất liên quan tới sự “sống còn” của doanh nghiệp, quyền hạn của chủ sở hữu phải tương xứng với trách nhiệm, xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu trước nhà


nước khi doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ. Còn doanh nghiệp phải được thực thi những quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp để thực hiện những hoạt động kinh doanh hàng ngày phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định trong điều lệ. Quyền của doanh nghiệp phải được mở rộng hơn, tăng tính tự chủ thật sự trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ có vậy, việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước bằng cách chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới tạo nên sự thay đổi về chất thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở những thay đổi về hình thức, “bình cũ rượu mới” như người ta vẫn nói.

2.1.3. Nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty

Nghĩa vụ của người quản lý công ty là một nội dung quan trọng trong quy chế quản lý nội bộ công ty, là cơ sở để đánh giá và điều chỉnh hành vi xử sự của người quản lý công ty. Việc bổ sung những quy định mới về nghĩa vụ của người quản lý công ty là một trong những điểm mới rất có ý nghĩa của Luật doanh nghiệp mà Luật công ty (1990) không quy định.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Theo Luật doanh nghiệp, người quản lý công ty trong công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm: thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Giám đốc (Tổng giám đốc) và các chức danh quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định [1, Điều 3.12].

Về mặt lý luận, mối quan hệ giữa người quản lý công ty với thành viên công ty có thể xem như quan hệ “uỷ quyền” [7]. Người quản lý có địa vị như người được uỷ quyền, thay mặt cho các thành viên công ty để thực hiện việc quản lý, điều hành công ty. Với địa vị đó, người quản lý có nghĩa vụ thực hiện việc quản lý, điều hành công ty trên nguyên tắc vì lợi ích của công ty và của các thành viên công ty. Như vậy, nghĩa vụ được đặt ra trước hết cho người quản lý công ty là nghĩa vụ đối với công ty và các thành viên công ty. Tuy

Chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật doanh nghiệp - 10


nhiên, đối với yêu cầu của pháp luật và cũng là yêu cầu của toàn xã hội, lợi ích của công ty và của thành viên công ty luôn luôn phải được đặt trong mối tương quan với lợi ích của các chủ nợ và của toàn xã hội. Lợi ích của công ty và của thành viên công ty sẽ không được chấp nhận nếu lợi ích đó đạt được bằng cách gây thiệt hại đến lợi ích của chủ nợ và xã hội. Vì vậy, người quản lý công ty không chỉ có nghĩa vụ đối với công ty, thành viên công ty mà còn có nghĩa vụ đối với các chủ nợ của công ty [7]. Trên cơ sở đó, pháp luật doanh nghiệp của các nước trên thế giới đều có những quy định về nghĩa vụ của người quản lý công ty nhằm bảo vệ lợi ích của công ty, của thành viên công ty và của các chủ nợ.

Nghĩa vụ của những người quản lý công ty có thể tạm chia thành hai nhóm cơ bản như sau [7]:

- Thứ nhất, nhóm nghĩa vụ của người quản lý công ty đối với công ty và thành viên công ty. Nhóm nghĩa vụ này có nội dung buộc những người quản lý công ty phải hành xử theo hướng có lợi nhất cho lợi ích của công ty và thành viên công ty. Đồng thời, nhóm nghĩa vụ này còn góp phần ngăn cản người quản lý lạm quyền gây thiệt hại cho công ty. Cụ thể như người quản lý công ty phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, mẫn cán vì lợi ích của công ty và thành viên công ty; không được lạm dụng địa vị và quyền hạn, sử dụng tài sản của công ty để thu lợi riêng cho bản thân, cho người khác; không được tiết lộ bí mật của công ty, trừ trường hợp được Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc chủ sở hữu công ty chấp thuận.v.v.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu Luật doanh nghiệp và những văn bản có liên quan, chúng tôi nhận thấy rằng nghĩa vụ trung thực, mẫn cán của các chức danh quản lý trong công ty cổ phần được quy định rất rõ ràng, nhưng ở công ty trách nhiệm hữu hạn thì nghĩa vụ này mới chỉ được quy định cho Giám đốc (Tổng giám đốc) (Điều 41.3) chứ chưa được quy định đối với Chủ tịch Hội đồng


thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty. Thiếu quy định này là thiếu đi một công cụ quan trọng để ngăn chặn các hành vi gian lận, tư lợi của các chức danh quản lý trong công ty. Đây là điểm cần lưu ý bổ sung khi sửa đổi Luật doanh nghiệp.

- Thứ hai, nhóm nghĩa vụ của người quản lý công ty đối với chủ nợ. Nhóm nghĩa vụ này được xác định khi công ty gặp khó khăn về tài chính. Theo đó, khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn phải trả thì người quản lý công ty phải thực hiện những nghĩa vụ nhằm duy trì ở mức cao nhất khả năng thanh toán nợ của công ty, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các chủ nợ của công ty. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn hải trả thì người quản lý có nghĩa vụ phải thông báo tình hình tài chính của công ty cho tất cả thành viên công ty và chủ nợ biết; không được tăng tiền lương, không được trả tiền thưởng cho công nhân viên của công ty, kể cả cho người quản lý; phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm này. Ngoài ra, người quản lý còn phải kiến nghị các biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính của công ty [1, Đ.41].

Quy định này buộc người quản lý, ví dụ như Giám đốc (Tổng giám đốc) với tư cách là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty phải thường xuyên theo dõi, cập nhật các biến động về tài chính của công ty, để nếu có tình hình xấu xảy ra thì có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhằm đảm bảo lợi ích của chủ nợ, của công ty và của những người khác có liên quan. Những quy định này nhằm ngăn chặn trường hợp người quản lý công ty lợi dụng vị thế của mình để tẩu tán tài sản của công ty, thu lợi riêng cho mình, gây thiệt hại cho công ty và chủ nợ. Ngoài ra, những quy định này còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ nợ công ty khi công ty làm ăn thua lỗ.


Có thể thấy rằng, các quy định về nghĩa vụ của người quản lý công ty theo Luật doanh nghiệp chỉ dừng lại ở những nghĩa vụ cơ bản và ở mức độ nêu nguyên tắc chung, mang tính định tính. Việc thực hiện các nghĩa vụ này đòi hỏi sự tự giác rất cao của bản thân người quản lý công ty. Điều lệ công ty có thể có những quy định cụ thể hơn những nghĩa vụ cho người quản lý. Song, đây là vấn đề nhạy cảm, do vậy khi quy định phải tính đến cả yêu cầu đảm bảo khả năng chủ động của người quản lý. Bởi vì nếu quy định khắt khe có thể ảnh hưởng đến sự năng động, cản trở sự chủ động, linh hoạt của người quản lý, ảnh hưởng đến lợi ích của công ty.

2.1.4. Pháp luật về kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty trách nhiệm hữu hạn

Khắc phục những thiếu sót của Luật công ty (1990), Luật doanh nghiệp đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty nói chung và công ty trách nhiệm hữu hạn nói riêng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là một loại hình doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở sự góp vốn của thành viên để tiến hành hoạt động kinh doanh, thu lợi nhuận dưới tư cách công ty. Để tiến hành hoạt động kinh doanh, công ty tất yếu phải thiết lập các giao dịch với các chủ thể pháp luật khác nhau. Trong các giao dịch đó có thể có những giao dịch chứa khả năng xung đột về lợi ích kinh tế giữa công ty với thành viên công ty, và giữa các thành viên công ty với nhau. Bởi vì, với mục đích thu lợi nhuận tối đa, không ít thành viên công ty có xu hướng thông qua các giao dịch của công ty để thu vén, trục lợi riêng cho mình, không quan tâm đến lợi ích chung của công ty và của các thành viên khác. Khoa học pháp lý sử dụng thuật ngữ “giao dịch tư lợi” để chỉ những giao dịch có sự tham gia của công ty, được thiết lập trên danh nghĩa công ty nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một thành viên, một nhóm thành viên hay các chức


danh quản lý công ty chứ không mang lại lợi ích đích thực cho công ty, hay thậm chí còn gây thiệt hại cho công ty.

Để có cơ hội trục lợi từ các giao dịch tư lợi thì các thành viên này phải là người đảm nhiệm các chức danh quản lý, điều hành trong công ty hoặc có phần vốn góp chi phối trong công ty. Với vị thế và ảnh hưởng nhất định trong công ty, những người này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dùng ảnh hưởng hay địa vị của họ để chi phối các giao dịch đó để phục vụ lợi ích riêng của bản thân hoặc gia đình họ [20, tr.54].

Qua thực tiễn hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn cho thấy, nhóm các giao dịch thường có nguy cơ bị trục lợi bao gồm:

- Giao dịch giữa công ty và người quản lý công ty;


- Giao dịch giữa công ty và vợ, chồng, bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột của người quản lý công ty;

- Giao dịch giữa công ty và thành viên công ty, đặc biệt là những thành viên có phần vốn góp đa số;

- Giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con;


- Giao dịch giữa công ty và các doanh nghiệp khác, trong đó người quản lý công ty là thành viên hay cổ đông đa số, hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của họ là chủ doanh nghiệp, thành viên hay cổ đông đa số của doanh nghiệp đó.v.v.

Đây là những giao dịch thường tiềm ẩn nguy cơ bị trục lợi. Song, nếu bản thân các giao dịch này được thực hiện một cách trung thực vì lợi ích của công ty thì vẫn được xem là hợp pháp. Những giao dịch này chỉ được coi là tư lợi, là bất hợp pháp khi người xác lập giao dịch đó có ý đồ tước đi lợi ích của công ty làm lợi ích riêng cho mình [20].


Các giao dịch tư lợi được thể hiện thông qua hình thức hợp đồng. Hình thức đơn giản và phổ biến nhất của các giao dịch tư lợi trong thực tế là các hợp đồng dân sự, kinh tế, lao động...được ký kết giữa công ty và một chủ thể khác mà công ty là người chịu thiệt. Ví dụ như Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn đại diện công ty ký hợp đồng cho con vay tiền với lãi suất thấp; hoặc mua hàng hoá của doanh nghiệp khác mà con là chủ doanh nghiệp với giá đắt hơn giá thị trường; hoặc ký hợp đồng lao động với kế toán trưởng là vợ của Giám đốc (Tổng giám đốc) với mức lương vượt quá khả năng của công ty.v.v.

Giao dịch tư lợi dẫn đến những hậu quả rất lớn đối với hoạt động của công ty, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của các thành viên khác. Khi các quyền lợi trong công ty bị thu vén bởi một nhóm người thì những thành viên nắm giữ phần vốn góp thiểu số sẽ tìm cách rút lui khỏi công ty. Tài sản và các khoản lợi của công ty cũng sẽ chảy dần vào túi của nhóm người thực hiện các giao dịch tư lợi đó. Sự thiệt hại về lợi ích của công ty sẽ kéo theo sự thiệt hại về quyền lợi của các thành viên khác và của các chủ nợ của công ty, gây nên sự bất ổn cho môi trường kinh doanh. Vì vậy, việc kiểm soát các giao dịch tư lợi nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ, bảo vệ lợi ích của công ty và bảo vệ sự bình đẳng về lợi ích của tất cả các thành viên của công ty là mối quan tâm chung của cả Nhà nước, của công ty và của các thành viên. Đó chính là lý do mà pháp luật của các nước đều có những quy định để kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty.

Từ thực tiễn pháp luật của các nước cho thấy, có hai giải pháp khác nhau để tiếp cận và giải quyết vấn đề này [20]:

- Giải pháp thứ nhất mang tính cấm đoán, theo đó pháp luật quy định cấm những người quản lý công ty và những người có liên quan của họ thiết lập các giao dịch với công ty, cấm công ty giao dịch với các công ty khác mà ở đó thành viên hoặc người quản lý công ty có lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/10/2023